Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 9

15/03/201208:53(Xem: 8319)
Chương 9

NÚI XANH MÂY HỒNG

truyện vừa của Vĩnh Hảo

Khởi viết tại Sài Gòn 1980, hoàn tất tại Long Thành 1982

Alpha xuất bản 1991 tại Virginia, Hoa Kỳ

____________

CHƯƠNG 9

Cơn mưa đột ngột làm cho nhiều người bị ướt sũng. Tôi đứng bên hiên bưu điện nhìn cơn mưa đổ trút trên đường. Một chốc, nước đã ngập chảy.

Chỉ trời mưa mới lấp được tiếng ồn ào của xe cộ. Người ta đứng bên nhau không hò hẹn dưới những hàng hiên; và không có gì để làm, không có ai quen để nói chuyện, họ cùng đưa mắt nhìn mưa rơi. Mưa là một trở ngại, nhưng ít nhất nó cũng cho phép người ta được thong thả trong lúc này. Tôi tự hỏi, có phải chúng ta thực sự bận bịu hay chỉ vì chúng ta tự cột trói mình vào những điều kiện ngoại giới. Tôi có thể tìm thấy tự do bằng một tâm thức bận bịu và đầy toan tính với nỗi–khát–khao-hướng-đến-tự-do chăng?

Một vài người đàn ông bắt chuyện với nhau qua điếu thuốc. Nhiều người khác vì thuận hướng, đã nhìn tôi một cách chăm chú. Nhưng không sao. Tôi đã quen với sự dòm ngó của đám đông rồi. Tôi nhìn ra xa, nơi những đứa trẻ trần truồng đùa giỡn tắm mưa. Thỉnh thoảng, bọn trẻ đuổi nhau chạy, bắn nước tung tóe. Chúng nô đùa và hò hét dưới cơn mưa tầm tã, không cần biết những người lớn tuổi hai bên đường đứng nhìn. Một vài người lỡ bị ướt, đạp xe ào ào trong mưa. Bánh xe lăn trên đường ngập nước tạo nên những âm thanh vui tai.

Tôi đang thích thú quan sát và lắng nghe tất cả những âm thanh trỗi dậy chung quanh, bỗng thấy xuất hiện nơi góc đường một đám đông. Từ nơi đó, tôi vẳng nghe được cả tiếng kèn tây và trống nhạc nữa. Tôi ngỡ đó là một đám cưới hay một phong tục lạ nào của miền Nam mà tôi không biết. Nhưng không phải, đó là một đám tang. Một đám tang đi trong mưa đang tiến dần về phía tôi. Có lẽ họ lỡ bị ướt nên tiếp tục đi dưới mưa, mà cũng có thể họ mới xuất phát từ một địa điểm nào gần đó, bất kể mưa, theo giờ khắc mà họ được thầy số cho là tốt. Người chết không hẹn được ngày giờ chết nhưng khi chôn thì bị qui định trong một khoảng thời gian nào đó. Mà không chừng họ đi dưới mưa thế lại hay, vì người chết không hẹn mưa hay nắng thì khi chôn cũng bất kể nắng hay mưa.

Mưa chưa tạnh nhưng đã thưa hạt. Những kẻ nấp mưa cũng không hẹn nhau, cùng ùa ra khỏi hàng hiên mà leo lên xe. Mỗi người mỗi ngả, không ngoái nhìn nhau, không vướng bận nhau; cũng không ai để ý một xác người nằm xuống được kiệu đi trên cùng một con đường. Âm thanh của phố thị được trả lại với những tiếng xe máy nổ. Tôi đứng đó nhìn đám tang đang tiến dần đến.

Những người nhạc công đi theo đám tang vẫn đầy thiện chí, thổi kèn dưới mưa lất phất. Họ thổi thật hay và thổi những bản nhạc không dính dấp gì đến cuộc biệt ly buồn tẻ giữa người sống với người chết. Nhiều bản nhạc thật kích động và vui nhộn. Tôi chứng kiến lần đầu tiên trên đời một đám tang vui nhộn lạ kỳ như vậy. Tuy nhiên, những tang quyến đi cạnh quan tài cũng khóc sướt mướt. Không biết họ có nghe được tiếng nhạc chăng; và không biết có ai hiểu là họ đang buồn khổ bên cạnh tiếng nhạc không? Tôi thấy nước mưa phụ họa cho những giọt lệ của họ.

Cái chết không phải là niềm đau của người chết mà là nỗi đau của người ở lại. Người chết có thể tiếc nuối, có thể đớn đau trước khi chết; nhưng khi bước ra khỏi cuộc sống thì, hoặc là chẳng còn gì hết, hoặc là, một đời sống mới mở ra. Đàng nào họ cũng đã thoát ly cuộc sống vốn dĩ khổ đau này. Đời sống mới có hay không cũng gần như chẳng quan hệ gì đến đời sống đã qua. Bởi suốt đời có khi nào người ta nhớ được kiếp trước của mình ra sao, nếu thực sự có kiếp trước? Bên kia đời sống vẫn là một cái gì bí ẩn. Người ta cố gắng làm sáng tỏ sự bí ẩn đó từ nhiều quan điểm khác nhau; nhưng chung qui, vẫn chỉ là những quan điểm.

Cuộc sống của con người mới là điều cần giải quyết. Bổn phận con người là sống cho ra một con người. Một cá nhân phải trọn vẹn trong trách nhiệm của nó đối với chính nó, cũng như trách nhiệm của nó đối với sự tương hệ cuộc đời. Cho nên con người phải thường trực đối diện với cuộc sống chứ không phải là nhìn mãi về nỗi chết. Thực ra, cái chết là một cái gì rất xa lạ. Chúng ta chỉ biết người khác tắt thở và xuống huyệt chứ không hiểu gì hơn về cái chết. Không hiểu mà sợ, sợ cái không hiểu, phải chăng đó là sự điên rồ đáng thương của chúng ta? Vậy chúng ta “sợ cái không hiểu” hay là “sợ cái chết?” Có lẽ “sợ” chỉ là một ảo tưởng.

Chết là sự dừng nghỉ tạm thời hay vĩnh viễn của một sinh thể trên chặng đường hướng đến tương lai. Nhưng tương lai không là gì cả; chỉ là một giấc mộng mà người ta không dám chắc rằng mình sẽ thế nào trong đó, và mình có thể hiện hữu trong đó hay không?

Cái chết chỉ có ý nghĩa đối với người sống. Bởi nó đánh rơi khỏi tầm tay những gì họ yêu quí; bởi nó mang đi vĩnh viễn một bóng người mà họ đã cùng chung sống trong nhiều kỷ niệm; bởi nó xóa đi một kiếp người mà suốt đời họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại lần nữa; và cũng bởi nó cho họ một cái nhìn thật rõ ràng về sự mong manh, huyễn hoặc của cái gọi là mạng sống.

Tôi thầm đọc một lời cầu nguyện khi đám tang đi qua. Mặt trời lại chói rạng sau cơn mưa. Những vũng nước mưa còn đọng lại trên đường lấp lánh nắng chiều. Tôi đạp xe về nhà mà nghe trong lòng mình cũng đọng lại một nỗi niềm gì đó, không lấp lánh, nhưng chùng xuống và mịt mù. Và mầu nhiệm thay, chính trong cõi mịt mù đó, tôi bỗng ngỡ ngàng nhìn ra vẻ xuân sắc bất tuyệt của trần gian mà từ lâu hầu như tôi không sao cảm nhận được khi dấn mình vào ngưỡng cửa của một kẻ xuất trần, làm người khách lạ rong chơi qua lại với nụ cười khinh bạc, tự mãn. Trần gian, trong khoảnh khắc này, như một chùm hoa rộ nở, như một thực thể sinh động nhất trong tôi, trong chính tôi, với vẻ đẹp kỳ bí, đa dạng mà khi lắng sâu vào nó, tôi thấy tôi như kẻ hành hương cúi mình xuống hôn lên mảnh đất thơm lừng thánh tích, một cách kính cẩn và đầy ngưỡng mộ.

Cảm ơn tạo hóa đã cho ta những bất ngờ đem lại khổ đau và những bất ngờ đem lại hạnh phúc.

Cảm ơn đời sống đã cho ta những niềm vui và nỗi khổ tầm thường, ti tiện của tâm hồn.

Cảm ơn nhân thế đã cho ta trực diện với những phũ phàng, đen bạc, cũng như những chân tình vô hạn trong cuộc sống.

Cảm ơn ngày tháng đã cho ta sự hiểu biết về sức bền bĩ cũng như sự mong manh của kiếp người.

Cảm ơn nhân loại đã cho ta những ngạc nhiên kỳ thú về những tị hiềm, man trá, cũng như những đơn sơ chân chất của lòng người.

Cảm ơn kiếp sống phù du.

Cảm ơn ngày tháng qua mau.

Cảm ơn sự mê muội, cuồng tín đã mở lối cho bao nhiêu thống khổ.

Cảm ơn những máu lệ đã tuôn xuống vô cùng trên mảnh đất đau thương này.

Cảm ơn sự quằn quại thống khổ cày nát trên những con tim vô tội.

Cảm ơn sự gầm thét kiêu sa, cuồng vọng của những chủ thuyết.

Cảm ơn những phi lý bất công áp đặt trên vai gầy nhân loại.

Cảm ơn những tham vọng ngất trời đục khoét tàn bạo vào đời sống thuần lương.

Cảm ơn sự vô tình trước cái chết của bao nhiêu người ngã xuống để đắp cao cho lầu đài ảo vọng.

Cảm ơn sự nghèo đói đã cho con người những tay chân run mỏi, những tấm thân khô gầy để van xin các ân huệ tầm thường.

Cảm ơn sự tàn ác và khủng bố của những thế lực đã đạp nhào bao nhiêu sinh linh câm lặng trường kỳ trên khắp các nẻo đời.

Cảm ơn những cha già mẹ yếu, những đứa em thơ và những anh chị nhẫn nhịn cúi xuống cho tham tàn bạo ngược vươn dậy.

Cảm ơn những con người thất thế sa cơ, những gia đình ly tán sống vất vưởng trên vỉa hè phố thị.

Cảm ơn sự nai lưng vất vả của những con người cùng khốn tìm sống trên các mảnh đất chai sạn, cằn khô.

Cảm ơn những mồ hôi đã đổ xuống trên luống cày, trên cán cuốc, bốc hơi trên những thân thể nhọc nhằn.

Cảm ơn những đứa con ngây thơ vội bỏ trường học để nuôi nấng cha già mẹ yếu.

Cảm ơn những tủi nhục làm uất nghẹn cổ họng bé nhỏ của những con người không phương tự vệ.

Cảm ơn những nước mắt đã trôi đi như những giòng sông lặng lẽ trong đêm đi qua đời người.

Cảm ơn những xương máu đã chất lên trùng trùng như núi cao mỉa mai trêu cười cuộc sống.

Cảm ơn sự hy sinh liên tục của những chiến sĩ, những anh em, những thế hệ thay nhau cho cuộc mộng chưa thành.

Cảm ơn sự quờ quạng kiếm tìm của những nạn nhân bất bình trên các nẻo đường dẫn đến tương lai.

Và cũng xin cảm ơn những phòng trà ca nhạc thâu đêm bỏ quên cuộc đời trong tiếng hát.

Xin cảm ơn những tiệc rượu vô tình nhắp say ngoài cuộc thương đau.

Xin cảm ơn những đồng tiền phung phí ném vào cuộc chơi vô nghĩa.

Xin cảm ơn những đền chùa nguy nga, những Thánh đường đồ sộ, trêu ngươi sự cùng khốn của hàng triệu con người đói lạnh.

Và lại xin cảm ơn hạnh phúc giản đơn của những tình yêu…

Cảm ơn và tạ ơn tất cả.

Xin cúi lạy tất cả, dù là niềm vui hay nỗi buồn; dù là hạnh phúc hay tủi nhục; dù là cao thượng hay kém hèn; dù là trong sạch hay nhơ bẩn; tất cả những gì hiện hữu trên đời đã tô điểm muôn màu cho trần gian ngập tràn khổ lụy này.

Về nhà, tôi nhận được điện tín từ Huế gửi vào báo tin Đức bệnh nặng, cần gặp tôi gấp. Tôi mỉm cười. Người ta thường gọi nhau vượt biên theo lối đó để tránh sự phát giác theo dõi của công an. Và một điện tín như vậy cũng là một trong những điều kiện để được cấp giấy thông hành đi xa. Nhưng Đức thì muốn gặp tôi ở Huế để cùng ngao du sơn thủy hay tâm sự cho thỏa lòng, chứ chú ấy sẽ không đi vượt biên đâu. Tôi đoán vậy. Tôi cũng thích đi Huế lắm, vì dù sao, Huế cũng là quê cha của tôi.

Tôi đến chùa gặp Thiện để hỏi thăm đường đến nhà Đức ở Huế, vì Thiện cũng sinh trưởng ngoài đó. Biết rõ đường đi rồi, tôi quyết định ngày mai lên đường.

Trở về nhà, tôi thu xếp hành lý sẵn. Khi tôi đang loay hoay với cái xách tay nhỏ của mình thì người bưu tá lại đến, trao cho anh tôi một bức điện tín khác. Anh tôi đọc rồi cầm vào đưa tôi, không nói một lời. Tôi đọc nhanh. Điện tín báo tin Đức chết tại bệnh viện Huế.

Tôi ngồi xuống. Lưng dựa vào tường. Mắt ngước nhìn trần nhà. Im lặng. Năm phút sau, tôi bật khóc.

Chiều nay, cũng một chiều mưa tại nhà bưu điện mà cách đây hai hôm tôi đứng nhìn đám tang đi qua, tôi đánh một điện tín chia buồn cùng gia quyến của Đức.

Hai tháng sau, tôi về Nha Trang. Mẹ tôi cho biết Đức có ghé thăm bà trước khi ra Huế. Cũng theo lời mẹ tôi kể, Đức đã đi vượt biên tại Phan Thiết. Thất bại, chú ấy lẩn trốn vào rừng, dậm phải ngãi hoang hay vướng khí độc trong rừng suốt hai ngày đêm rồi nhuốm bệnh nặng, cố gắng về đến Huế để chết ở nơi chôn nhau cắt rún.

Đức có gởi tặng tôi một tấm ảnh chú ấy mới chụp trước khi vào Phan Thiết đi vượt biên. Trong ảnh, Đức nhìn tôi với khuôn mặt hốc hác, buồn, không cười rạng rỡ như xưa. Tôi lật mặt sau đọc thấy những nét chữ thân thuộc của Đức: “Bạn hiền ơi, hẹn ngày tái ngộ.”Tôi cất vội tấm ảnh vào ví như chôn đi một kỷ niệm đau buồn mà chính mình không đủ can đảm để ôn lại.

Nơi Thiền thất của Đức, tôi ngồi xuống bậc đá mà trước đây chúng tôi thường ngồi ngắm cảnh chiều tà.

Dĩ vãng như những đợt sóng xô ùa vào bờ tâm hồn. Nắng thấp về Tây. Dãy núi Hoàng Ngưu mây ngập phủ đầu. Từng đàn cò trắng thong thả bay về núi. Đồng ruộng bát ngát chạy dài đến chân trời tô điểm thêm cho vẻ êm lắng của một ngày tàn. Đức thường ví tôi như một cụm mây và chú ấy là tảng núi. Giờ này, tôi thấy Đức như một cụm mây thì đúng hơn. Người ta không thể biết trước tất cả những gì sẽ xảy đến trong đời mình.

Chúng ta lên đường vì một tiếng gọi. Tiếng gọi gõ từng nhịp vang dội trong tim ta. Tiếng gọi căng xé tâm hồn chúng ta. Tiếng gọi thúc bách bước chân chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ bước đi tán loạn trên những ngả đường mà bao nhiêu người đã vấp ngã, trên những con đường của truyền thống, ước lệ, tập tục và quyền uy bạo lực. Chúng ta càng vươn lên càng bị chèn ép và phá hoại. Cuộc sống thì tràn đầy nước mắt mà tình thương thì đã cạn nguồn trên những tháp ngà trang trọng. Có phải chúng ta sẽ quờ quạng tìm kiếm mãi hay không? Bao nhiêu tủi nhục đã ứ tràn, bao nhiêu máu lệ đã đổ rồi. Anh tìm kiếm gì? Chị tìm kiếm gì? Em tìm kiếm gì? Tôi tìm kiếm gì? Chúng ta tìm kiếm gì? Tất cả chúng ta đang là những nạn nhân bị cuốn hút trong cơn xoáy cuồng loạn, phân ly và phi lý vô cùng của cuộc đời này.

Mặt trời đã khuất bóng. Những cụm mây trắng trôi đi về đâu để lại dãy núi Hoàng Ngưu ngất ngưỡng, cô độc dưới vòm trời vô tận. Có lẽ Đức đã có một lối về cũng như những cụm mây kia đã có lối về của chúng. Mỗi người chúng ta đều sẽ có một lối về. Tôi cũng sẽ có lối thoát của tôi. Nhưng, đâu là ngõ thoát chung cho chúng ta nhỉ?

Tôi đứng dậy, lên đường.

Vĩnh Hảo

(Sài Gòn 1982)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/09/2012(Xem: 12253)
Truyện Cổ Sự Tích Cứu Vật Phóng Sinh - Pháp sư Tịnh Không - Thích Phước Sơn dịch
19/09/2012(Xem: 7993)
Những Truyện Cổ Việt Nam Mang Màu Sắc Phật Giáo - Lệ Như Thích Trung Hậu, Sưu tầm & giới thiệu
14/09/2012(Xem: 4900)
Những câu chuyện thật chốn Thiền môn do các bậc trưỡng lão kể lại luôn luôn là những bài học hay nhất, là nguồn động lực lớn nhất cho các thế hệ mai sau noi gương trên con đường tu học. Trường hạ của Giáo Hội Thống Nhất tại Úc Châu – Tân Tây Lan năm nay tại Tu viện Vạn Hạnh Canberra, ngoài những buổi lễ trang nghiêm thành kính, ngoài những giờ sám hối thanh tịnh, ngoài hình ảnh chư Tôn đức với màu huỳnh y giải thoát, mỗi tối chư Tôn Đức Tăng Ni còn có những buổi thảo luận thật hoan hỷ, sôi động, không khí gần gũi nhưng không kém phần trang nghiêm. Những câu chuyện thật về công đức tu hành trong chốn thiền môn đã được chư Tôn kể lại, bài học “giữ tâm một chỗ, việc gì cũng xong”, trong đó việc sanh tử là việc lớn nhất của người xuất gia, từ ấy đã được lan xa….
21/08/2012(Xem: 3256)
Kính mời quý vị, quý bạn, quý Phật tử thưởng thức một truyện ngắn thực pha lẫn hoang đường, vừa có tính huyền bí vừa có tính cách triết lý, để thấy cuộc đời này tưởng như thực nhưng không có gì thực cả. Tất cả do tâm thức biến hiện. Thần linh chỉ là trò che mắt chúng sinh.
20/07/2012(Xem: 15885)
Nhìn chiếc cổng tre hai cánh mở bám đầy rêu xanh, an nhiên giữa tuyết sương, năm tháng - bất chợt, người con nhớ đến một câu thơ của ai đó: Cửa sài hai cánh mở...
03/07/2012(Xem: 3031)
Ni sư Ryonensinh năm 1797. Cô là cháu nội của Shingen, một vị tướng Nhật nổi tiếng. Sắc đẹp quyến rũ và thiên tài về thi ca đã khiến cô trở thành một công nương trong triều đình, kề cận bên hoàng hậu khi mới 17 tuổi. Tuy còn quá trẻ như thế nhưng danh vọng đã chờ đón cô.
14/06/2012(Xem: 25915)
Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng - Tập 2, Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang ấn hành... Nguyên Siêu
23/05/2012(Xem: 3747)
Cách chùa khoảng một trăm mét, xéo về phía tây, dòng sông chảy hiền hòa uốn quanh thôn làng, bao bọc gần hết chu vi ba mặt của xóm nhỏ, chừa mặt tây trông ra ngọn núi hình dáng như người nằm ngủ nghiêng mà ở khúc đuôi của nó như một bàn chân đang chỉa năm ngón lên trời. Ba người ngồi trên bãi cát hẹp của bờ sông. Phía trên đầu, gió chiều đang luồn qua lùm tre tạo ra những âm thanh xào xạc dễ chịu.
23/05/2012(Xem: 5134)
Bà già nhìn xuống dòng sông nước đục lờ, dõi theo một khúc gỗ đang trôi lững lờ theo con nước dập dềnh lên xuống đến khúc quanh ở cuối làng, nơi hai ống khói cao nghệu của nhà máy thả lên trời những cụm khói đen bay tản lạc trong gió chiều hoàng hôn. “Mới đó mà đã 20 năm, ông nhỉ?” bà nói mà không nhìn vào ông già ngồi cách mình một sải tay, trên phiến đá bám đầy rêu xung quanh hông.
10/05/2012(Xem: 6656)
Tập sách bạn đang cầm trên tay là bản dịch Việt ngữ của cuốn ‘The Snow Lion`s Turquoise Mane’. Cuốn này do Surya Das tập hợp các mẩu chuyện do các vị Lạt-ma Tây Tạng kể lại, được xuất bản năm 1992 tại Mỹ. Các mẩu chuyện ngắn này nhắc nhở đến những chuyện liên quan đến các vị đạo sư, từ đức Thích-ca cho đến các vị hiện nay còn sống như Đạt-lai Lạt-ma. Phần lớn các mẩu chuyện này toát ra nhiều đạo vị, nhất là gián tiếp chỉ cho người đọc thấy triết lý của toàn bộ đạo Phật, đó là nhận chân ra rằng mọi hiện tượng muôn hình muôn vẻ của tâm vật chẳng qua đều là biến hiện của tự tính trong tâm thức mọi loài. Đó là tự tính vô thủy vô chung, bất sinh bất diệt, lại không hề rời xa con người, nhưng trực nhận ra điều đó là một quá trình tu học gian nan mà các mẩu chuyện này cũng có nhắc đến.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]