Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5

15/03/201208:53(Xem: 8395)
Chương 5

NÚI XANH MÂY HỒNG

truyện vừa của Vĩnh Hảo

Khởi viết tại Sài Gòn 1980, hoàn tất tại Long Thành 1982

Alpha xuất bản 1991 tại Virginia, Hoa Kỳ

____________

CHƯƠNG 5

Hạnh phúc chân thật chỉ hiện đến trong một thoáng mà trong đó, dường như nó không đòi hỏi một điều kiện nào cả. Người ta chỉ cảm nhận nó trong một tâm tư lơ lửng và ngay trong lúc họ hồn nhiên đón tiếp muôn vật như là những gì xa lạ, mới mẻ. Lúc đó, hạnh phúc ùa đến, ồ ạt, ngập tràn, nhưng làm nhẹ bổng cả tâm hồn.

Sài Gòn có một không khí, hay có thể nói trắng ra là có một cái mùi gì đó mà ở Nha Trang tôi không tìm thấy. Đó không phải là một mùi hôi. Nó thật là khó tả. Tôi đã cố gắng phân tích mà vẫn không sao kết luận được là Sài Gòn có mùi gì. Lúc ở Nha Trang, dù đi dưới phố, tôi vẫn thấy mùi gió biển mằn mặn và một không khí nhè nhẹ, hiền hòa. Còn ở Hội An, phố xá bốc mùi xác cau khô, trà Tàu và đi đâu tôi cũng thấy cái gì đó cổ xưa, cũ kỹ, bang bạc khắp nơi. Bây giờ, ở Sài Gòn, nơi tôi vừa đặt chân đến thì có một mùi gì mới mới, có vẻ cơ khí, kỹ nghệ; hay thực tế hơn, có cái mùi của ét-xăng. Nhưng những người ở Sài Gòn đã sinh trưởng hoặc sống lâu nơi đây, đã quen với khói xăng rồi, chắc họ phải có cảm nghĩ khác hơn. Tôi hy vọng thế chứ nếu Sài Gòn chỉ có cái mùi đúng như tôi ngửi thấy và mọi người đều công nhận như vậy thì buồn quá.

Tôi đi qua nhiều con đường, nhiều dãy phố đông người qua lại, ít người để ý đến tôi. Có lẽ vì họ quá bận rộn hoặc vì tu sĩ như tôi không phải là món đồ lạ để cho họ phải lưu ý. Khác với lúc tôi đi tàu hỏa; vì khi tôi hiện diện trên tàu, nhất là phải đứng ở giữa toa, thì những người trong toa nhìn đâu, ngó đâu rồi cuối cùng cũng dán con mắt vào tôi. Kỳ lạ! Họ ngó trân cho đến khi nào ngủ gục hoặc khi tôi nhìn thẳng vào mắt họ, họ mới chịu thôi. Làm như tôi là cái gì trên trời mới rớt xuống vậy. Mà cũng có thể họ nhìn tôi cho khỏe con mắt, vì nhìn những người khác xôn xao qua lại, chen lấn, nói cười, cãi vã, ăn uống, ngủ gật, thì sẽ mệt con mắt lắm. Những cái xao động kia làm cho tâm hồn bất an trường kỳ của họ bị khuấy lên; còn nhìn tôi như nhìn một pho tượng, một khúc gỗ, hẳn họ thấy thoải mái hơn nhiều. Tôi lại chợt nhớ đến Đức. Trong trường hợp bị nhiều người nhìn chăm chú, Đức nghĩ rằng vì họ thấy chú giống Chà Và hoặc giống người da đen (đầu cũng tròn, trọc) nơi hộp kem đánh răng Hynos. Tội nghiệp Đức. Chú ấy luôn mang mặc cảm là người ta sẽ cười mình. Cũng vì thế, đôi lúc chú trở nên có thái độ bất cần đời. Thái độ này gây nên một mâu thuẫn rất trầm trọng trong đời sống của chú. Bởi vì bất cần đời thì làm sao yêu đời được! Không yêu đời, có nghĩa là không yêu người. Mà yêu người là yếu tố đầu tiên cho một tu sĩ lấy làm chất liệu để bước vào con đường hành đạo, phục vụ cuộc đời. Người tu sĩ không biết yêu thương thì chỉ là cội cây già cỗi đứng trơ vơ trên đất sỏi khô cằn. Tu sĩ là kẻ thiết tha yêu đời và luôn luôn muốn trải hết tình thương của mình trên cánh đồng bao la vô tận của cuộc sống. Gần gũi chơi thân với Đức, tôi thấy Đức đích thực là mẫu người hiền lành, chân chất, độ lượng, và xứng đáng là một biểu trưng của tình thương theo tinh thần Phật Giáo. Chỉ có điều là người ta chưa biết đón nhận con người của Đức. Phải hiểu Đức và phải biết cách giải tỏa những mặc cảm của Đức, người ta mới có thể nhận ra hình ảnh của một mẫu người lý tưởng hiếm hoi.

Đã từ lâu, tôi vẫn thường nghe đồn rằng người Sài Gòn không ai thèm để ý ai, mạnh ai nấy sống. Nếu thật như thế thì đời sống có vẻ hẹp hòi và cỗi cằn quá. Nhưng trong trường hợp một người không muốn bị người ta dòm ngó, vì lý do này hoặc lý do khác, như trường hợp tôi chẳng hạn, thì điều đó kể cũng lợi thật. Tôi lững thững đi hết con đường dài không biết tên trong khi trời càng về khuya.

Vừa bước đi, tôi vừa suy gẫm về chuyến phiêu lưu của mình. Tôi đã tự cho mình là một kẻ giang hồ. Nhưng ở đời, khi nói đến “kẻ giang hồ”, người ta thường nghĩ ngay đến một kẻ phiêu bạt, lang thang, rày đây mai đó, không chịu dừng chân vĩnh viễn ở một nơi chốn nào. Hắn có thể làm một kẻ có máu phiêu lưu, thích mạo hiểm, thích điều mới lạ và không chịu đời sống lặng lẽ, yên bình. Hắn cũng có thể là một kẻ bỏ nhà đi hoang vì muốn tìm nếp sống tự do với hải hồ, hoặc không chịu được sự tù túng, ràng rịt của gia tông. Và hắn cũng có thể là một kẻ vô gia đình. Nói chung, hoặc vì hoàn cảnh, hoặc vì ý hướng, mà một kẻ giang hồ chọn lựa lối đi hoang của mình.

Tôi không phải là một kẻ giang hồ đúng nghĩa mặc dù tôi có máu phiêu lưu và ý hướng thoát ly. Chí nguyện và hình thức một tu sĩ không cho phép tôi bày một chuyến giang hồ theo nghĩa chung chung mà người đời thường hiểu. Tôi chỉ có thể làm một du tăng, tức một tu sĩ đi hóa độ khắp nơi, nếu tôi thích. Nhưng dưới chế độ Cộng sản, với sự kiểm soát gắt gao về nhân hộ khẩu, cái mộng trở thành du tăng khó lòng thực hiện. Huống chi tôi còn là kẻ nhút nhát, nói chuyện vụng về thì làm sao thích hợp với vai trò du tăng, kẻ du thuyết truyền đạo! Do đó, sự ra đi của tôi nếu nói là đi giang hồ thì có vẻ kêu và dễ bị ngộ nhận là có cái gì thiếu đứng đắn. Thực ra, tôi nào có đi giang hồ gì đâu! Khi chấp nhận lầm tàu để ra tới Đà Nẵng thay vì vào Sài Gòn, dĩ nhiên tôi cũng có dự trù là sẽ đến chùa Long Tuyền ở Hội An. Vào Sài Gòn cũng thế, tất nhiên tôi cũng có vài chỗ quen biết để phòng khi không có nơi tá túc. Vấn đề đi lại và cư trú dưới chế độ Cộng sản cũng hệ trọng như vấn đề sanh tử vậy. Luôn luôn người ta phải có một chỗ tựa nào đó, hoặc một nơi chốn nào đó để rút về. Tôi đã dự phòng việc đó. Như vậy, nói rằng đi giang hồ quả là quá đáng và buồn cười. Tuy nhiên, vào thời điểm của các 1976 đến 1978, các chùa chiền ở Nha Trang, nhất là Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức, nơi ở cuối cùng của tôi trước khi bỏ đi xa, đều bị công an theo dõi ráo riết đến độ tu sĩ chúng tôi không thể rời khỏi thành phố được nửa bước. Cho nên, sự ra đi của tôi, nếu không nói là một chuyến giang hồ thì cũng là một chuyến đi liều lĩnh, táo bạo, làm sửng sốt các tu sĩ và Phật tử Nha Trang lúc bấy giờ.

Trong giai đoạn đó, người chủ hộ, thầy tôi, mỗi đêm đều phải mang sổ hộ khẩu xuống đồn công an thành phố để báo báo về nhân số khiếm diện (nếu có) và đôi nét khái quát về sinh hoạt của chùa trong ngày. Những người ở chùa, ai vắng mặt một đêm mà không có phép của công an thì sẽ bị gọi xuống đồn công an thành phố để khai báo và viết bản tự kiểm. Vắng mặt ba đêm không có phép sẽ bị cắt hộ khẩu, trở thành kẻ bất hợp pháp của địa phương. Ngoài cái hộ khẩu ràng buộc, chúng tôi còn bị công an thay nhau dòm ngó ngày đêm, khiến cho ngôi chùa Hải Đức, đẹp thơ mộng trên đỉnh đồi Trại Thủy, trở thành một nhà tù giam nhốt chúng tôi trong buồn bực và bất mãn. Uy quyền của những cán bộ và công an địa phương, hạ tầng cơ sở, cũng có thể làm xáo trộn cả nếp sống của hàng tu sĩ chúng tôi, những kẻ lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo lớn tại Việt Nam. Điều này làm tôi suy nghĩ rất nhiều mà không sao tìm ra một lối thoát nào. Là một chàng trai mười chín tuổi, tôi gần như là một đứa con út của chùa; mà chỉ mới là một chú sa di (cao hơn chú tiểu một bậc, nhưng chưa trở thành Tỳ Kheo để chính thức tham dự vào hang ngũ Tăng sĩ của Giáo hội) thì tôi có thể làm được gì, phản kháng bằng cách nào nếu không phải là đi hoang? Bỏ chùa ra đi lúc ấy không có nghĩa là trốn chạy, vì những người ở lại đều cho rằng giải pháp bỏ đi nguy hiểm hơn. Có ở lại thì mới còn hộ khẩu, còn chỗ ở, còn công việc làm (vì tu sĩ toàn thành phố Nha Trang đều là công nhân của xưởng nước tương trực thuộc Giáo hội). Bỏ đi thì mất tất cả, trở thành kẻ sống ngoài vòng pháp luật và còn có thể bị tù nữa. Cho nên, đi mà trù tính trước những nơi chốn an toàn nào đó để đến thì không thể gọi là đi giang hồ. Tuy nhiên, há không phải rằng khi người ta nhảy vào một thế giới mới lạ mà mình không đoán trước được những gì sẽ xảy ra, là một cuộc mạo hiểm thơ mộng hay sao? Tôi không đặt tên cho chuyến đi của mình là một chuyến giang hồ nữa. Tôi nghĩ, đó là một chuyến “đi hoang”. Tôi thích ý và mỉm cười một mình.

Biết mình không thể rảo bộ mãi ngoài phố, tôi đứng lại một chặp bên đường và cuối cùng, tôi đón một chiếc Honda chở khách – mà người ta thường gọi là xe thồ. Người lái xe hỏi tôi đi đâu. Tôi nói chùa X. ở Phú Thọ. Anh ta ra giá tiền. Tôi thấy giá không cao lắm nên bằng lòng đi. Trước khi rời Hội An vào Sài Gòn, tôi đã được Tửu căn dặn, chỉ vẻ đầy đủ về việc đón xe thồ hay xích lô tại Sài Gòn (cụ thể là phải tỏ ra mình không phải dân từ tỉnh khác mới đến Sài Gòn, biết được giá cả và kì kèo trả giá để khỏi bị hớ v.v…). Tửu sợ là khờ khờ như tôi sẽ bị người ta gạt chở đi vòng thật xa để tính nhiều tiền.

Xe đưa tôi đến tận chùa. Tôi gặp ngay Huân, bạn tôi, đứng ngay trước cổng. Huân trả tiền xe cho tôi, vì thú thật, tôi đã hết nhẵn tiền. Huân đưa tôi vào chùa tắm rửa, ăn uống. Anh ấy đón tiếp tôi vui vẻ, ân cần, vì đã là bạn quen biết với tôi ở Hội An, quê của anh. Huân hỏi tôi tới tấp những tin mới nhất của Hội An mà anh hy vọng tôi mang vào. Nhưng tôi lười trả lời quá đỗi, bởi không hiểu sao tôi lại thấy chán ngắt, chán không thể tả. Tôi lấy cớ mệt mỏi và buồn ngủ, tảng lờ luôn những câu hỏi của anh ấy. Rồi tôi nhắm mắt. Huân để yên cho tôi ngủ. Tôi gác tay lên trán tìm hiểu xem cái gì đã xảy ra trong lòng mình. Lại một nỗi buồn. Buồn mênh mông và tàn bạo. Hình như nó đã đeo đuổi tôi một cách bền bĩ, dai dẳng ngay từ thuở còn ấu thơ.

Trong một thoáng, trong tôi bỗng bừng dậy một vài kỷ niệm xa xưa khi tôi ba lần bỏ nhà đi hoang (đều bị gia đình tìm ra và đưa về nhà), một lần trốn nhà đi tu. Mọi lần đều là những thái độ phản kháng, liều lĩnh xảy ra ngay từ thuở còn bé. Đó là những kỷ niệm buồn mà lại nên thơ và dễ thương khi tôi ôn lại. Nhưng chính lúc này, tôi mới thực sự nhìn thấy những chuyến đi hoang đó có ý nghĩa gì đối với cả cuộc đời tôi. Qua đó, tôi hiểu tôi hơn.

Dường như trong huyết quản tôi là những giòng phún thạch bị dồn nén. Nó luôn luôn thôi thúc tôi phải vươn lên, nhào về trước và thoát ly. Từ năm chín tuổi cho đến năm mười một tuổi, bỏ nhà đi ba lần. Mười hai tuổi, lại trốn nhà, nhưng để đi tu và cuối cùng trở thành một tu sĩ như ngày nay. Nhưng suốt từ lần đi hoang đầu tiên cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy có một cái gì đó buồn buồn, khó hiểu và cùng một tính chất. Nó như một nỗi buồn bị cô đặc lại trong tâm khảm tôi từ một tiền kiếp xa xưa nào, khiến cho tôi, tuy đã qua nhiều đổi thay, mà vẫn thấy nó còn đó, vẫn như là một khối lù mù âm u, chưa hề biến động. Ôi, vẫn cái buồn thuở ấy, cái buồn đã khiến tôi trốn học xuống bãi biển nhìn ngó trời mây từ thuở tiểu học; cái buồn đã giục tôi cầu nguyện cho trường trung học Võ Tánh bị sập vào một tối (để khỏi ai bị thương tích) cho tôi được thong dong rong chơi dưới biển, ngoài phố; cái buồn đã thôi thúc tôi nhiều lần đi hoang và trở thành một tu sĩ.

Rồi bây giờ, không phải cũng vì nó mà tôi lại vầy thêm một cuộc chơi xa hay sao! Nhưng cũng không hẳn nó chỉ đơn giản là một nỗi buồn. Nó thật khó tả, vì nó mang mang và làm quay quắt cả tâm hồn chứ không phải như một xao xuyến cô quạnh bình thường. Tôi trở mình úp mặt xuống gối và chợt nhận ra rằng nó không phải là một nỗi buồn mà là một sự thất vọng.

Hạnh phúc không thể tìm được từ bất cứ nơi chốn nào trừ phi chúng ta thực sự tự do. Tôi đi tìm tự do đã bao lâu rồi. Chẳng phải đi tu cũng là đi tìm tự do đó sao! Đức cũng khát khao tự do như tôi. Chúng tôi cùng đi tìm, cùng chạy rông, cùng muốn dấn thân vào một con đường mới để chỉ mong mỏi một điều thôi là, tự do. Nhưng tự do là gì? Tự do ở đâu? Khi tôi theo Huân bước vào cổng chùa, ngang nhà bếp, chào một vài người, là ngay tức khắc, tôi nhận chân rằng tự do là cái mà tôi không thể tìm được nơi đây và có lẽ tìm khắp nơi trên đất Sài Gòn này tôi cũng sẽ thất vọng mà thôi. Tự do không phải là cái gì ở ngoài mà người ta có thể ban phát cho tôi được. Tôi sẽ thất vọng mãi nếu tôi cứ hy vọng là sẽ tìm ra nó trên một khoảnh đất nào, trong một đời sống nào, từ một con người nào không phải nơi chính tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/12/2015(Xem: 7040)
Mỗi chuyến đi đều có mỗi nhân duyên khác biệt. Chuyến đi Ai Lao lần nầy của ba huynh đệ: tôi, thầy Hạnh Giới và chú Hạnh Tuệ cũng có nhân duyên thật là đặc biệt. Thông thường chương trình của Thượng Tọa Phương Trượng được sắp đặt trước một năm, năm nay chúng tôi sang Úc với Thượng Toạ thời gian ba tháng, từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 1 năm 2004. Chuyến đi nầy sẽ ghé Bồ đề Đạo tràng, vì thương quý thầy cô học tăng Việt nam, sinh viên trường Đại học Delhi, Thượng Toạ sang thăm Ấn độ mỗi năm một lần, để quý vị có cơ duyên được gần gũi, được nghe những lời huấn từ của Thượng Toạ và được tu tập bù lại phần lớn thời gian sống đời lưu học sinh, không chùa, phải ở ký túc xá sinh viên hoặc ở nhà trọ.
17/12/2015(Xem: 4727)
Ai cũng có những câu chuyện trong cuộc đời của mình. Có câu chuyện theo thời gian ta đã quên, nhưng cũng có câu chuyện làm cho ta nhớ mãi. Và khi ta kể ra, có người cho đó là vớ vẫn nhưng nó lại làm ta thay đổi cách nhìn, cách sống của mình. Câu chuyện cuộc đời của cậu bé Lucky đã trở thành một trong những câu chuyện huyền thoại của cuộc đời tôi. Vào một buổi sáng mùa đông lạnh giá, đó là ngày thứ 4, tôi ra mở cửa để đón chào ngày mới. Hôm nay ngày mới chào đón tôi bằng một chú mèo con mới sinh mà mẹ nó bỏ rơi trước cổng nhà đứa cháu. Dù đã được báo trước nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hình dáng của một chú mèo sơ sinh. Người ướt sũng và tím tái. Chú được đựng trong một chiếc hộp giày và quấn trong một chiếc chăn. Tôi vội vàng đi lấy thêm những chiếc khăn khác để cuốn vào người cho bé.
17/12/2015(Xem: 14079)
Trong khu rừng kia có một con khỉ rất hạnh phúc. Nó tìm ăn những trái cây ngọt lịm khi đói và nằm nghỉ ngơi khi mệt. Một ngày, con khỉ đang lang thang bìa rừng thì thấy một ngôi nhà… Trong ngôi nhà nhỏ bé đó, nó thấy một cái bát to đựng toàn táo, những quả táo tuyệt đẹp. Con khỉ liền trộm lấy một quả và chạy thật nhanh trở lại khu rừng.
16/12/2015(Xem: 3588)
"Ta sẽ không khi nào quên được con đâu," ông lão nói lầm bầm. Mấy giọt nước mắt chảy xuống lăn trên đôi gò má đầy nếp nhăn của ông. "Ta già mất rồi. Ta nào còn có thể lo gì cho con được nữa!" Chú chó nghiêng đầu qua một bên và ngước mắt nhìn lên ông chủ. Chú chó khẽ sủa: "Gâu gâu! Gâu gâu!" Chú ngoe nguẩy cái đuôi, chú muốn biết xem ông chủ của chú đang tính làm chuyện gì đây. "Ta không thể lo được cho chính bản thân ta, làm sao mà ta còn lo chi nổi cho con nữa!" Ông lão ôm ngực lên cơn ho liên tục. Ông rút ra một chiếc khăn tay và đưa lên mũi hỷ thật mạnh. "Ta sắp phải tới xin ở trong nhà dưỡng lão mất rồi, đâu có thể đem con theo được. Con biết đó ở trong cái nhà người già này người ta có cho nuôi chó đâu!"
15/12/2015(Xem: 5392)
Một vị thiền sư và một trong những đệ tử ưu tú nhất phải trở về một thiền viện ở trong núi lúc đêm khuya đã trễ lại gặp một cơn bão mùa đông dữ dội nổi lên trên con đường hiểm hóc. Dừng lại thời sẽ chết giữa đồng hoang; tiếp tục đi thời có thể nguy hiểm đến mất mạng vì rơi xuống những bờ giốc trơn trợt. Chỉ có cách lần bước đi tới là nhờ những lằn chớp loé lên soi sáng con đường phía trước mặt. Hai người chậm chạp lê dần từng bước tới phía trước trong gió thét gầm và mưa quất xối xả.
12/12/2015(Xem: 4176)
Đi mãi rồi cũng phải đến, mặt trời đã lên cao làm người tôi muốn bốc hỏa. Khi xe chúng tôi luồn lách một cách khó khăn qua các ngõ hẻm chỉ vừa đủ chiều ngang một chiếc xe, thì mọi người đã quy tụ đầy đủ ngoài sân. Một thiếu sót kỹ thuật đáng kể trong buổi phát xe tại Ninh Bình. Chẳng là phái đoàn bận ra Đà Nẵng nên không nhận được danh sách người nhận xe, để viết sẵn bảng tên ở nhà. Đến nơi Sư Cô Như Giác mới giao cho tôi viết, làm sao viết kịp, nhờ các Thầy của Chùa viết hộ họ lại viết sai. Các bệnh nhân khuyết tật chờ lâu cũng mệt, người nhà họ thấy xe lăn để mời mọc, bèn bế họ lên ngồi tạm. Phát sinh ra cảnh "Râu ông nọ cắm cằm bà kia", thành xe tên người này, bảng cầm tên người khác. Họ cãi nhau chí chóe, đã lỡ ngồi lên xe rồi không ai muốn đổi nữa!
03/12/2015(Xem: 8818)
Báo chí thế giới hiện đang đồng loạt đưa tin về việc người sáng lập ra mạng xã hội Facebook - Mark Zuckerberg - tuyên bố sẽ hiến tặng 99% cổ phần Facebook để phục vụ cho các mục đích từ thiện. Tuyên bố này được đưa ra khi vào ngày thứ 3 vừa qua, Zuckerberg và vợ - cô Priscilla Chan đã đón con gái đầu lòng - Max. Tổng trị giá số cổ phần mà Zuckerberg dự kiến hiến tặng hiện có trị giá vào khoảng 45 tỉ đô la. Tất cả những điều này họ làm vì sự ra đời của cô con gái nhỏ - Max. Một lá thư xúc động đã được ông chủ Facebook đăng tải lên trang cá nhân với một tiêu đề giản dị: “Lá thư gửi tới cho con gái của chúng tôi”:
27/11/2015(Xem: 4540)
- Tên họ cháu là gì? - Tony Nguyễn. - Vậy cháu là người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American) ? - Không, tôi là người Mỹ (American). - Không có ai là người Mỹ “ròng” tại xứ Hoa Kỳ nầy cả. Chỉ có người Da Đỏ thường được xem là người Mỹ Nguyên Gốc (Native American) ở đây thôi. Nhưng thực ra họ cũng là người xứ khác đến đây sớm nhất mà thôi. Đây là đất nước hợp chủng nên mỗi dân tộc trước khi thành người công dân Mỹ đều có tên xứ gốc của mình đứng ở đằng trước như người Mỹ gốc Nhật, người Mỹ gốc Hoa, người Mỹ gốc châu Phi, người Mỹ gốc Anglo... - Tôi không cần biết chuyện của người khác. Tôi chỉ biết tôi là người Mỹ.
27/11/2015(Xem: 4697)
Một nữ công-nhân làm việc tại một xí-nghiệp chế-biến thịt đông lạnh. Một buổi chiều, khi đã hoàn-thành công-việc, như thường-lệ cô đi vào kho đông lạnh để kiểm-tra một chút. Đột-nhiên, cửa phòng lại bị đóng và khóa lại! Cô bị nhốt ở bên trong mà không một ai biết!!! Cô vừa hét khản cổ họng, vừa đập cửa với hy-vọng có người nghe được tiếng mình mà đến cứu! Nhưng vẫn không có ai nghe thấy!!! Lúc này, tất-cả công-nhân đã tan ca! Toàn bộ nhà máy đều yên-tĩnh!!! Sau 6 giờ chiều hôm ấy, công-nhân lạnh cóng người, tuyệt-vọng và đau-khổ! Đang lúc cô tưởng như không chịu đựng được nữa!!! Thì bất-ngờ được người bảo-vệ đến mở cửa cứu ra ngoài!!!
26/11/2015(Xem: 4586)
Tại thành phố Berlin thủ đô của nước Đức, có một ngôi chùa mang tên một ngọn núi thiêng, nơi Đức Phật ngày xưa hay thuyết Pháp, đó là chùa Linh Thứu. Vị trụ trì hiện nay mang một cái tên là Diệu Phước, nên các thiện nam tín nữ đổ xô về chùa lễ bái rất đông vì tin rằng chùa này rất “linh“ và cầu xin gì cũng được nhiều “phước“. Quả thật thế! Một số đại gia đến chùa làm công quả, lúc đầu chỉ có một nhà hàng cơ sở làm ăn, sau vài năm ôi thôi cửa tiệm mọc ra như nấm, tiền thu vào đếm không xuể. Thế là họ lại càng tin tưởng vào phước đức của ngôi chùa, từ đấy ngôi chùa Linh Thứu đã đi vào huyền thoại.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]