Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3

15/03/201208:53(Xem: 8554)
Chương 3

NÚI XANH MÂY HỒNG

truyện vừa của Vĩnh Hảo

Khởi viết tại Sài Gòn 1980, hoàn tất tại Long Thành 1982

Alpha xuất bản 1991 tại Virginia, Hoa Kỳ

____________

CHƯƠNG 3

Để chờ vé xe vào Sài Gòn, tôi phải từ Hội An ra Đà Nẵng, ở lại hai ngày nơi một tịnh xá của các sư khất sĩ. Ở đây chỉ có hai nhà sư. Một trong hai vị rất thích thơ và làm thơ hay. Tôi đã được Tửu đọc cho nghe nhiều bài thơ của nhà sư ấy.

Tôi cũng được Tửu giới thiệu đến đây bằng một lá thư. Trong thư có đề cập đến tôi như một nhà thơ trẻ. Vì có đọc qua lá thư, tôi thấy tức cười và ái ngại quá đỗi. Cuối cùng, tôi chỉ gặp vị sư trưởng ở đây (vị sư sính thơ) và tự giới thiệu bằng miệng chứ không đưa thư của Tửu. Sư rất hoạt bát, dễ dãi. Tôi chưa kịp nghỉ ngơi thì đã được sư đọc cho nghe luôn một hơi tám bài thơ dài của sư sáng tác. Vừa đọc, sư vừa bình phẩm. Tôi chỉ biết im lặng và gật gù, rồi thầm nghĩ: “Hay thì hay thật là hay, mà sao nghe chán như ngày lại đêm!” Sư hỏi tôi thấy thế nào về bài thơ của sư. Tôi nói: “Tuyệt!” Nhưng lời vừa buông đã thấy ngượng miệng vì mình không thực lòng. Vả lại, quả thực là tôi không đủ tỉnh táo để thưởng thức sau một chặng đường dài từ Hội An ra Đà Nẵng rồi từ bến xe đò Đà Nẵng cuốc bộ gần một tiếng đồng hồ để tìm cho ra chỗ ở của sư. Hơn nữa, tôi không mấy thích những người vừa đọc vừa bình phẩm thơ của chính họ (dĩ nhiên là họ thường khen hay). Sự niềm nở của nhà sư tuôn ra cùng lúc với lời bình phẩm thao thao bất tuyệt làm tôi cảm thấy sượng sùng thay cho ông. Khoe thơ với một người lạ mà mình chưa biết rõ tâm tình của họ thế nào là điều tôi không thể làm được.

Tuy nhiên, vào giờ chót, khi tôi sắp sửa rời tịnh xá để ra bến xe, một thoáng duyên thơ được khơi dậy. Lúc ấy, nhà sư đang chèo thuyền ngoài rọc rau muống, mảnh y vàng phản chiếu dưới nước và nổi bật lên nền trời xanh biếc cuồn cuộn những cụm mây trắng, pha lẫn với màu xanh lục của đám rau muống và lục bình sau lưng ông tạo nên một bức tranh với nhiều cảm tưởng đẹp trong tôi. Tôi hứng cảm chép ngay một bài thơ ngắn để tặng nhà sư:

“Lá lục, áo vàng vào cuộc chơi

Trời xanh, mây trắng vượt xa đời

Thuyền xuôi ao tạnh lòng ngưng lại

Bất giác càn khôn động tiếng cười.”

Tôi âm thầm đặt bài thơ lên kệ sách của sư rồi lên đường. Bước ra khỏi tịnh xá, tôi mới nhớ ra rằng mình đã sống hai ngày hai đêm nơi đây như một người câm.

Chiều, xe vào tới Đại Lãnh thì tông chết một anh bộ đội. Cả xe phải bị giữ lại. Nhằm vào lúc chập choạng tối, lại xa nơi có dân cư, công an không làm việc, chuyến xe phải nghỉ đêm tại nơi xảy ra án mạng để chờ chính quyền địa phương gần nhất đến giải quyết.

Mọi người kéo nhau tìm mua thức ăn ở một xóm nhỏ cách đó khoảng hai cây số. Đó là điều cần thiết của đời sống. Từ khi xuất gia, tôi chỉ có thể ăn uống ở trong chùa chứ không thể bất cứ nơi nào khác. Trên hai chuyến tàu từ Nha Trang ra tới Đà Nẵng, tôi đã nhất định nhịn đói, nhịn khát (một phần vì không muốn biểu lộ cái bản năng sinh tồn không mấy hay ho của mình trước đám đông; một phần, vì không muốn thức ăn thức uống thúc bách mình đi… vệ sinh–cái điều khổ sở nhất của một tu sĩ khi ra khỏi chùa). Do đó, khi mọi người láo nháo tìm ăn, tôi ngồi lại trên xe, lắng nghe tiếng gió biển thốc vào bờ. Cả một rừng dương lao xao dưới ánh trăng mờ nhạt. Bên kia đường là hai chiếc GMC chở đầy bộ đội mà từ đó nạn nhân đã nhảy xuống để đi vào cõi chết một cách vô duyên.

Trước mũi xe là ánh lửa bập bùng được thắp bằng dầu thô, đặt bên cạnh xác chết. Xác chết được đắp hờ một manh chiếu cũ. Càng về khuya, xe qua đường càng vắng. Những người đi ăn lác đác trở về. Vài tiếng suýt xoa thương xót cho nạn nhân (như thể có ăn rồi thì tình thương mới đầy được trong bụng). Sau đó, không ai màng đến kẻ xấu số nữa. Có tiếng nhai thức ăn, tiếng một đứa trẻ khóc dai đòi quà, tiếng một chàng trai chọc ghẹo tán tỉnh một thiếu nữ. Chết cũng là một cái gì bình thường thôi. Người ta xuống vệ đường tìm chỗ ngủ xa xác chết. Một số người ngủ gà ngủ gật trên xe. Xác người nằm co, trơ trọi bên ánh lửa. Mấy chục chiến hữu của người chết còn ngồi lại trên xe, đang lo ăn uống và ngủ ngồi trên đó. Họ bị cấm rời khỏi xe (tôi nghe những người chung quanh nói như vậy) để tránh trường hợp có kẻ muốn đào ngũ. Hình như họ mới biết nhau, chưa có tình thâm giao. Hình như họ miễn cưỡng nhập ngũ nhưng vội vã lên xe để thi hành nghĩa vụ, chưa đủ thời giờ để kết thành bạn hữu. Một năm trước đây, nếu không có “lý lịch xấu” (gia đình có cha và anh làm việc cho chính quyền Quốc Gia) tôi cũng đã trở thành một anh bộ đội cầm súng ngồi trên những chiếc xe như vậy. Và biết đâu tôi cũng là một anh bộ đội bất bình đào ngũ, nhảy xuống xe và hóa kiếp bên vệ đường như xác người hôm nay.

Ngoài tiếng reo vi vút của những hàng dương và tiếng sóng biển gần đấy vọng lại, tất cả đều im vắng. Tôi cơ hồ nghe được tiếng lửa nói chuyện với xác người nằm đó. Một nỗi buồn mênh mang kéo căng tâm hồn tôi ra như một cánh buồm no gió. Nếu có một người thân, một người bạn nằm xuống một cách thảm thương như vậy thì hẳn là buồn lắm. Tôi bước xuống xe, đến cạnh xác chết đọc thầm một lời cầu nguyện. Và khi tôi quay đi, một cái gì thật thê lương, buồn chán, bỗng trùm xuống cả tâm hồn. Cùng lúc, tôi cảm nhận cuộc đời như những giọt sương mai. Những giọt sương long lanh ảo diệu và thật đáng thích, nhưng chúng sẽ phai tàn đi trong khoảnh khắc, dù người ta có mong đợi hay không.

Tài xế bị câu lưu. Hành khách được một tài phụ tạm thời đưa về bến xe Nha Trang để chuyển sang xe khác, tiếp tục hành trình vào Sài Gòn. Tôi không ngờ mình lại có duyên nợ keo sơn với Nha Trang như thế. Xuống bến xe Nha Trang, tôi do dự không biết phải đi đâu. Tôi không thích trở về nhà hay trở về chùa lúc này, vì đó là điều tôi không sao chịu nổi. Tôi đương cần tự do. Tôi không cho phép mình trở về, mặc dù qua hai ngày hai đêm nhịn đói và mất ngủ, tôi rất thèm được yên nghỉ. Hơn nữa, đã bỏ Nha Trang hơn một tháng, chắc chắn tôi đã bị công an địa phương cắt hộ khẩu và trở thành một kẻ bất hợp pháp của xã hội rồi. Tôi không còn tư cách pháp lý để trở về chùa hay về nhà một cách công khai được nữa.

Tôi đứng mãi ở một góc đường, băn khoăn tự tìm cho mình một quyết định. Cuối cùng, tôi bước đi. Tôi cũng không hiểu rõ là mình đã quyết định gì chưa. Có lẽ vì thấy rằng không thể đứng mãi một chỗ để gây sự chú ý của kẻ khác mà tôi cất bước cũng nên. Tôi men theo các con đường vắng người và ít điện đường để xuống bãi biển. May mà trên đường đi tôi không gặp một người quen nào vì gặp thì phiền hết sức. Một kẻ đi hoang mà cho người ta thấy hình tung của hắn lẩn quẩn nơi chốn hắn từ bỏ thì quả thật là chẳng hay ho gì. Lúc đó tôi cảm thấy vậy.

Tôi bước xuống bãi. Trăng chưa mọc. Biển đen như màn đêm. Tôi chỉ có thể nhìn thấy một cách lờ mờ những đợt sóng vỗ vào bờ làm tung lên những bọt nước trắng xóa. Chung quanh rất ít người. Tôi nằm xuống thật thoải mái trên cát. Những ngôi sao điểm bạc trên nền trời đen kịt. Tiếng gió reo và sóng vỗ quả là bản hòa âm bất tuyệt và kỳ tuyệt mà tôi vẫn say mê từ thuở bé. Tôi thiếp đi trong một lúc êm đềm không mộng mị.

Khi tôi bừng tỉnh thì trăng đã trải một vệt sáng vàng lóng lánh trên mặt biển. Cùng lúc, tôi sực nhớ ra rằng tôi không nên ở lại đêm dưới bãi, dù rằng tôi có thể tự coi mình như một tu sĩ lang thang đi nữa. Tôi đã từng có cái ước ao là được ở tù. Người khác sẽ cho rằng đó là một ước muốn điên khùng. Nhưng quả thật tôi có ý đó. Có lẽ tôi muốn thử xem sức chịu đựng của mình đến đâu, hoặc muốn biến nhà tù trở thành một lò trui luyện ý chí cho bản thân. Ước ao như thế rồ dại thật. Tuy nhiên, tôi tin là nó sẽ có lợi cho tôi. Đó là tâm trạng bồng bột nhất thời của tôi trong một giai đoạn nào đó lúc còn ở chùa. Nay, tôi đã lên đường, muốn đi khắp đó đây, muốn trải lòng ra với trời cao đất rộng, muốn hòa ca với cỏ nội hoa ngàn, muốn đồng điệu với nhịp rung của phố thị rừng xanh; đâu có lý nào tôi lại còn ôm ấp cái ý nghĩ muốn được ở tù đó nữa! Tôi phải lên đường. Đó là tiếng gọi chân thành nhất trong tim tôi. Tôi không thể dừng chân lâu dài nơi nào, ngay cả ở nhà hay chùa tôi, huống nữa là ở tù, một nơi bưng bít mà ngay từ hình thức nó đã là một cái gì đối nghịch rõ rệt với tự do rồi. Mà ở lại ban đêm dưới bãi biển dễ là có cái cớ để người ta kết tội mình có ý muốn vượt biên, là lý do chính đáng nhất để ở tù.

Và thật là đáng tiếc khi phải từ giã một bãi biển ngập trăng. Tôi đứng lên nhìn ánh trăng lấp loáng trên mặt nước. Trời biển mênh mông. Sóng vẫn ì ầm. Gió vẫn reo bên những hàng dừa và những hàng dương cao vút. Nhưng tất cả đều hiển hiện trước mắt tôi như những ảnh tượng đầu tiên đầy mới lạ. Tôi chưa hề chứng kiến một khung cảnh nào đẹp trang nghiêm và thiêng liêng như bãi biển lúc này. Bóng trăng loang trên nền trời, tràn trên mặt biển, nối kết độ cao và chiều sâu của biển trời thành một cõi mênh mông rộng sáng. Thế giới bỗng mở ra vô hạn, và đồng lúc, tôi thấy tâm thức mình cũng bước vào vô cùng. Tôi muốn reo lên vì sung sướng.

Nhưng rồi nỗi biến động đó của tâm linh cũng dịu dần. Tôi nhìn lại mình đứng lặng trên bãi. Thực tế vẫn không gì đổi thay. Tôi đang đứng đây với một chút lo âu, sợ sệt. Và tôi phải quay lưng bước về phố. Mỗi bước chân trên đường về như xoáy vào tim tôi một niềm đau. Tôi cảm thấy mất mát một cái gì đó thật lớn lao. Ngay lúc ấy, tôi tự hỏi mình rằng tự do nghĩa là gì. Một kẻ lang thang không nhà có thể có được tự do chân thật chăng? Một kẻ an thân trong sự vây bọc của những khuôn khổ và định chế xã hội có hưởng được tự do chân thật chăng? Khuynh hướng thoát ly của tôi bắt nguồn từ ước muốn đạp tung nhưng qui tắc gò bó của cửa chùa hay từ một động lực sâu xa hơn, khởi đi từ khát vọng vượt thoát cái nhầy nhụa tầm thường của thế gian? Và tự do ở đâu khi tôi đang loanh quanh tìm chỗ trú đêm như lúc này? Sao tôi không hưởng trọn vẹn hạnh phúc của mình khi nó quá hiếm hoi và ngắn ngủi? Sao tôi lại quay lưng với hạnh phúc vô vàn của tôi? Có phải chúng ta hy sinh tất cả, buông bỏ tất cả, ngay cả mạng sống, thì sẽ được tự do; hay là, chúng ta cũng sẽ mất tất cả? Tự do quả là miếng mồi béo bổ để câu những con cá nô lệ. Và khi con cá mắc phải lưỡi câu âm hiểm cay nghiệt, nó thường biện minh cho sự lầm lẫn của mình bằng sự ca tụng miếng mồi mà nó không được hưởng. Và có lẽ tôi cũng đang ca tụng sự tự do mà tôi chưa thực sự nếm được khi còn đứng đây, giữa cuộc sống này.

Lang thang trên hè phố vào cái giờ mà mọi người đều yên giấc cũng là cái cớ để công an đưa về bót điều tra. Nha Trang lúc bấy giờ khó khăn như vậy. Nhất là tôi, một tu sĩ ở lứa thanh niên, đi đêm không phải là điều hay ho gì cả. Tôi đành phải leo trăm bậc cấp lên chùa Núi. Trước đây, tôi và Đức mỗi đêm đều ngủ ngoài hiên chùa này, vì hiên chùa hướng về phía biển, có gió mát suốt đêm. Và mỗi lần trăng lên thì thật là tuyệt, bởi chúng tôi có thể nằm trong mùng mà ngắm trăng từ lúc mới mọc cho đến khi khuất hẳn sau cây me ở phía Tây.

Chọn một bậc cấp tương đối sạch và bằng phẳng, tôi phủi sơ rồi nằm nghỉ. Trăng bấy giờ trên đỉnh đầu. Mặc dù tôi đã đi quanh phố, qua không biết bao nhiêu con đường để đến đây mà trăng vẫn còn đấy, vẫn đi theo tôi không rời phút giây. Trăng như một người bạn đời chung tình một cách lặng lẽ và tế nhị nhất của tôi. Tôi cảm thấy vui và được an ủi khi nghĩ vậy. Tôi không là một lữ hành cô đơn. Dù cho tôi có ngủ thiếp đi, có quên đi tất cả thì trăng vẫn còn đấy.

Với tấm cà sa đắp làm chăn, tôi nằm duỗi thẳng người và tự thưởng mình một nụ cười thật tươi, tràn trề hạnh phúc. Hạnh phúc không những vì được nằm nghỉ sau nhiều giờ mệt nhọc mà còn ở chỗ đời sống không nhà thật là nhẹ nhàng, đơn giản. Trong tôi bây giờ không còn chút lo âu phiền muộn nào cả.

Tôi nhìn trăng qua nhánh lá me vắt ngang chỗ nằm. Có lúc tôi tưởng chừng như trăng đang chuyền xuống với tôi qua nhánh me. Cũng có lúc trăng như một thứ trái cây gì đó treo lủng lẳng trên cành. Và cũng có lúc trăng như một bóng đèn treo lơ lửng giữa màn trời huyền ảo, soi sáng cho thế giới riêng tôi. Có một vị thiền sư chỉ có duy nhất một bộ đồ che thân. Khi ông giặt đồ và phơi nó bên bờ suối thì bị kẻ trộm lén đánh cắp. Trần truồng như nhộng, ông ngồi trên núi ngắm trăng mà ngâm nga rằng: “Anh có thể tước đoạt của ta mọi thứ, nhưng anh không thể cướp được con trăng của ta đâu.”Tôi cũng có một con trăng vô giá chẳng ai có thể chiếm đoạt. Tôi mỉm cười và chợt nghĩ đến những căn phòng có đèn ngủ của thiên hạ. Có ai có được một chiếc đèn ngủ đẹp nên thơ và kỳ diệu như chiếc đèn ngủ trên cành me của tôi không nhỉ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/12/2014(Xem: 3619)
T huở nhỏ tôi mồ côi bố sớm, ở vào cái tuổi con nít vừa mới chập chững biết đi chưa nói được câu gọi bố lần đầu, bố tôi đã đi về miền cát bụi. Sự ra đi của ông đột ngột quá, còn trẻ quá mới 27 tuổi đầu làm sao không để lại bao luyến tiếc cho người ở lại. Dĩ nhiên mẹ tôi là người chịu nhiều đau đớn nhất, mới lấy chồng được hai năm cộng thêm đời chiến binh nên chỉ ở gần chồng vỏn vẹn có một tháng là nhiều. Con thơ còn bế ngửa trên tay, đầu quấn khăn tang người chồng yêu quí, đã phải xách tay nải leo lên chiếc thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường như một bài hát nào đó.
01/12/2014(Xem: 13034)
Nguyên gốc tác phẩm này là của Genro, một Thiền sư thuộc tông Tào động Nhật Bản, viết và xuất bản năm 1783. Mỗi câu chuyện là một công án mà tác giả đã có lời bình và kệ đi kèm. Fugai, người thừa kế Genro, thêm nhận xét của sư, câu đối câu, vào sách của thầy. Tôi sẽ dịch các câu chyện hay tắc, gồm cả lời bình của Genro và nhận xét của Fugai trong hầu hết các câu chuyện để tham khảo. Có khi gặp bài kệ cũng dịch để khuyến khích học tập.
28/11/2014(Xem: 4236)
Tôi và cả vợ tôi nữa, hình như mấy ngày hôm nay, lòng lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, hạnh phúc vô cùng! Chuyện chẳng có gì to tát lắm đâu mà sao chúng tôi vui mừng đến vậy. Tối thứ bảy vừa qua, sau khi tắt đèn, mở cửa phòng đi tìm nước uống chuẩn bị đi ngủ, tôi phát hiện ngay trước cửa phòng một túi quà nhỏ, món quà nhỏ bé của các con tôi, với một tờ giấy võn vẹn sáu chữ "Happy 40th year from your children". Chỉ với sáu chữ võn vẹn đó...đã khiến vợ chồng tôi ngẩn ngơ, quên đi hai chiếc đồng hồ tuyệt đẹp trên tay vợ tôi! Vợ tôi thì xúc động lắm, còn tôi, miệng thì luôn hỏi sao tụi nó lại nhớ đến ngày cưới của mình, nhưng lòng lại mơ màng nghĩ về những ngày này của 40 năm trước...Tôi cưới vợ!
16/11/2014(Xem: 4995)
Sau khi kết hôn hai năm, chồng tôi bàn với tôi đón mẹ lên ở chung để chăm sóc bà những năm tuổi già.Chồng tôi mất cha từ ngày anh còn nhỏ, mẹ chồng tôi là chỗ dựa duy nhất, mẹ nuôi anh khôn lớn, cho anh học hết đại học. “Khổ đau cay đắng” bốn chữ ấy vận đúng vào số phận mẹ chồng tôi! Tôi nhanh chóng gật đầu, liền đi thu dọn căn phòng có ban công hướng Nam, phòng có thể đón nắng, trồng chút hoa cỏ gì đó.Chồng tôi đứng giữa căn phòng ngập tràn nắng, không nói câu nào, chỉ đột ngột bế bổng tôi lên quay khắp phòng, khi tôi giãy giụa cào cấu đòi xuống, anh nói: “Đi đón mẹ chúng ta thôi!”.
15/11/2014(Xem: 10225)
Không và Có tương quan mật thiết với nhau như bóng với hình. Có bao nhiêu cái có thì cũng có bấy nhiêu cái không. Nếu cái có vô cùng vô tận, thì ...
14/11/2014(Xem: 4733)
Tại một ngôi trường tiểu học trong một thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ hôm nay là ngày đầu tiên khai giảng cho năm học mới. Cô Thompson là giáo viên phụ trách dạy lớp Năm. Cô giáo đứng trước các học sinh trong lớp học của mình và tương tự như các giáo viên khác, cô cũng nhìn khắp lượt vào các em học sinh và nói là cô sẽ thương yêu tất cả các học trò của cô như nhau, không có sự phân biệt nào cả. Cô đã nói với các đứa trẻ này điều đó, một điều mà cô tự biết là không thật lòng và cô biết là mình sẽ không thực hiện được.
08/11/2014(Xem: 6089)
Người đàn bà ngồi tựa vào tường trên lối mòn của một con hẻm. Mệt mỏi và thiếp đi cạnh quang gánh của mình. Hai đầu gánh là đủ thứ quà vặt như bánh tráng, kẹo, đến chanh, ớt… rồi có cả đồ chơi trẻ con chằng cột. Chị như muốn kéo cả thế giới chung quanh đi theo mình trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn không có ngày tháng cuối.
07/11/2014(Xem: 7523)
Tại sao lại là những bài học bình dị? Vì những câu truyện ở đây sẽ chỉ ra cho các em thấy được những bài học đạo đức rất gần gũi trong cuộc sống...
07/11/2014(Xem: 31904)
Nói "Chùa Khánh Anh sau 30 năm" có nghĩa là đã bắt đầu bước sang năm thứ 30+1... Thật vậy, chùa Khánh Anh bắt đầu sinh hoạt từ Lễ Phật Đản 1974, tức 1 năm trước biến cố lịch sử 30/4/1975. Tại sao lại không phải là sau ngày 30/4/75 như nhiều nơi khác, và nhiều chùa khác ở hải ngoại? Thưa quý vị và bà con cô bác, đó mới là có chuyện để kể lại. Và cái đoạn này có nhiều chuyện để kể lắm. Nghĩa là nguyên nhân do đâu, và từ bao giờ đưa đến việc thành lập chùa Khánh Anh trước năm 75 và sinh hoạt cho đến ngày hôm nay?
01/11/2014(Xem: 5413)
Trước 1975, tôi là một phi công Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Tôi qua Mỹ từ ngày mất nước, khi tuổi đời vừa mới 25. Mang tiếng pilot bay bướm nhưng tôi không có lấy một mảnh tình, bởi vì tôi không có tài tán gái. Thời đó mặc dù phụ nữ Việt nam cao giá, mấy thằng bạn không quân lanh lẹ vẫn vớt được một cô vợ Việt. Tôi khù khờ, vài năm sau đành yên bề gia thất với một thiếu nữ Mỹ tuổi đôi mươi. Hồi mới cưới, cuối tuần tôi thường dẫn Carrol hội họp bạn bè, nhưng nàng cảm thấy lạc lõng giữa đám người Việt bất đồng ngôn ngữ và từ chối những buổi họp mặt. Xuất giá tòng thê, mất liên lạc với đám bạn cũ, tôi hoàn toàn hội nhập vào đời sống Mỹ. Khi đứa con gái lên 5, chẳng may Carrol bị bịnh thận. Căn bịnh quái ác kéo dài hành hạ nàng hơn 20 năm và nàng qua đời vào thời gian đứa cháu ngoại vừa tròn 3 tuổi. Gần 2 năm qua, nỗi buồn mất người vợ Mỹ tuy đã nguôi ngoai nhưng tôi vẫn giữ thói quen sống không bè bạn, vẫn âm thầm cô đơn chiếc bóng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]