Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[51 - 60]

13/02/201217:42(Xem: 8605)
[51 - 60]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

51. VIỆC LÀM TRONG ĐỜI GISHO

Gisho thọ giới làm ni khi cô vừa mười tuổi. Cô nhận sự huấn luyện y như các chú con trai. Khi được mười sáu tuổi, cô hành cước từ Thiền sư này đến Thiền sư khác, tham học với tất cả các sư.

Cô lưu lại với Thiền sư Unzan ba năm, Thiền sư Gukei sáu năm, nhưng chưa được cái thấy thanh tịnh. Cuối cùng cô đến Thiền sư Inzan.

Inzan cho cô thấy không có sự phân biệt chuyện tính phái của cô. Sư chửi mắng cô như giông bão. Sư tát tai cô để thức tỉnh bản tánh nội tại của cô.

Gisho lưu lại với Inzan mười ba năm, và cô tìm được cái cô đã tìm.

Thiền sư Inzan viết một bài kệ ca ngợi cô:

Đã mười ba năm theo ta tu học,

Sáng lẫn chiều công án liền tham.

Tetsuma ở Trung quốc ngày xưa

Đã vượt qua tất cả những gì Gisho nay làm được

Kể từ khi Mujaku thực có chân tài

Không ai sánh được với Gisho hiện tại!

Nhưng tông môn ta còn lắm ải phải qua,

Bàn tay sắt ta luôn luôn có sẵn,

Chờ Gisho đến nhận mang về.

Sau khi giác ngộ, Gisho đến tỉnh Banshu bắt đầu dựng chùa riêng và dạy hai trăm ni cô cho đến khi Gisho qua đời vào tháng tám một năm nọ.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

52. NGỦ NGÀY

Thích Tông Diễn từ giả thế giới này khi sư sáu mươi mốt tuổi. Hoàn thành sự nghiệp của đời mình, sư để lại một giáo lý vĩ đại, phong phú hơn nhiều Thiền sư khác. Các đệ tử của sư thường ngủ trưa vào những giữa mùa hè, trong khi sư làm ngơ điều này và chính sư không bao giờ lãng phí một phút.

Sư đã học giáo lý của tông Thiên thai lúc mười hai tuổi. Một ngày mùa hè không khí oi nồng chú tiểu Tông Diễn nằm sải chân ra ngủ trong lúc thầy đi vắng.

Ba tiếng đồng hồ trôi qua, bỗng nhiên thức giấc, chú nghe tiếng chân thầy bước vào, nhưng trễ quá rồi. Chú nằm ỳ ra đó, chắn ngang lối vào cửa.

“Xin lỗi con, xin lỗi con,” thầy chú thì thầm, cẩn thận bước qua người chú, tựa như bước qua người của một khách quí. Từ đó Tông Diễn không bao giờ ngủ trưa nữa.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

53. TRONG CÕI MỘNG

Một đệ tử của Thích Tông Diễn kể: “Thầy chúng tôi thường ngủ trưa một giấc ngắn. Chúng tôi trẻ con hỏi tại sao thầy ngủ trưa, thầy chúng tôi đáp, “Tôi vào cõi mộng gặp các hiền triết thời xưa giống như Khổng Tử vậy.” Khi Khổng Tử ngủ, mộng thấy các hiền triết thời thượng cổ rồi kể lại cho đệ tử nghe.

Một hôm trời nóng ghê gớm, vài đứa chúng tôi ngủ một giấc ngắn. Bị thầy mắng, chúng tôi giải thích, “Chúng con đi vào cõi mộng gặp các hiền triết thời thượng cổ như Khổng Tử vậy.” Thầy liền hỏi, “Thế có tin tức gì của các hiền triết đó không?” Một đứa trả lời, “Chúng con vào cõi mộng, gặp các vị hiền triết và hỏi có thấy thầy chúng con đến đây mỗi buổi trưa không, nhưng họ bảo là không thấy một kẻ nào như vậy.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

54. THIỀN CỦA TRIỆU CHÂU

Triệu Châu bắt đầu học Thiền lúc sáu mươi tuổi và tiếp tục cho đến năm tám mươi khi ngộ đạo.

Sư dạy Thiền từ lúc tám mươi cho đến năm một trăm hai mươi tuổi.

Một đệ tử hỏi sư: “Nếu trong tâm chẳng có gì hết, thì thế nào?”

Triệu Châu đáp: “Buông nó xuống.”

Người đệ tử hỏi tiếp: “Nếu chẳng có gì hết, làm sao buông?”

Triệu Châu nói: “Thì giở nó lên.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

55. NGƯỜI CHẾT TRẢ LỜI

Khi Mamiya, sau này trở thành một giảng sư nổi tiếng, đến tham học với một Thiền sư, vị Thiền sư ấy bảo sư chứng minh tiếng vỗ một bàn tay.

Mamiya tập trung tâm lực tham tiếng vỗ một bàn tay có thể là gì.

“Ông tham chưa tận lực,” thầy sư nói. “Ông còn bị thức ăn, của cải, đồ vật và âm thanh đó ràng buộc nhiều quá. Thà ông chết đi còn hơn. Chết sẽ giải quyết được công án.”

Lần kế tiếp Mamiya gặp thầy, thầy lại bảo chứng minh tiếng vỗ một bàn tay. Lập tức Mamiya ngã xuống làm như chết.

Thầy sư quan sát: “Ông chết được rồi, còn tiếng vỗ thì thế nào?”

“Con chưa giải được,” Mamiya đáp và nhìn lên.

“Người chết không nói. Cút đi,” thầy sư nói.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

56. THIỀN TRONG NẾP SỐNG ĂN MÀY

Tosui là một Thiền sư rất nổi tiếng. Sư đã sống ở nhiều chùa và dạy ở nhiều tỉnh khác nhau.

Ngôi chùa cuối cùng sư viếng, tập trung người theo nhiều đến nỗi Tosui bảo họ sư sẽ bỏ toàn bộ việc thuyết pháp. Sư khuyên họ giải tán và đi bất cứ nơi nào họ muốn. Sau đó không ai thấy tung tích sư ở đâu.

Ba năm sau, một trong các đệ tử của sư khám phá thấy sư sống với một vài người ăn mày dưới một gầm cầu ở Kyoto. Anh ta liền van nài sư chỉ dạy.

“Nếu anh có thể sống như tôi một đôi ngày, tôi có thể dạy cho,” sư đáp.

Vì vậy người đệ tử cũng mặc quần áo ăn mày và sống một ngày với sư. Ngày hôm sau, một người ăn mày chết. Nửa đêm Tosui và đệ tử đem xác đi chôn trên một sườn núi. Sau đó họ trở lại chỗ ở dưới gầm cầu.

Phần đêm còn lại Tosui ngủ ngon lành, còn người đệ tử không thể ngủ nổi. Đến sáng Tosui bảo: “Hôm nay chúng ta không phải đi xin ăn. Người bạn đã chết để lại một ít ở đàng kia.” Nhưng người đệ tử không nuốt nổi một miếng nhỏ.

Tosui kết luận: “Tôi đã nói anh không thể làm được như tôi. Hãy cút khỏi chỗ này, đừng làm phiền tôi nữa.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

57. ĂN CẮP TRỞ THÀNH ĐỆ TỬ

Một buổi chiều khi Thiền sư Thất Lý (Shichiri) đang tụng kinh thì một tên cắp tay cầm thanh kiếm bén bước vào, đòi sư đưa tiền nếu không thì y lấy mạng sống của sư.

Thất Lý bảo y: “Đừng quấy rầy tôi. Tiền ở trong ngăn kéo kia anh có thể lấy đi.” Rồi sư tiếp tục tụng kinh.

Sau đó một chút sư dừng lại bảo: “Đừng có lấy hết. Tôi cần một ít để ngày mai đóng thuế đó.”

Kẻ xâm nhập gom góp phần lớn số tiền và bắt đầu chuồn. “Hãy cảm ơn người cho quà chứ,” sư nói thêm. Người kia cảm ơn rồi bỏ đi.

Vài ngày sau người ấy bị bắt và thú nhận đã ăn cắp của nhiều người, trong số đó có Thiền sư Thất Lý. Khi được gọi đến làm nhân chứng, sư nói: “Người này không phải là kẻ cắp, ít nhất cũng về phần tôi. Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta có cảm ơn tôi.”

Sau khi mãn hạn tù, người đó đến thăm Thất Lý và trở thành đệ tử của sư.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

58. ĐÚNG VÀ SAI

Khi Thiền sư Bàn Khuê tổ chức một kỳ nhập thất bảy ngày, đệ tử nhiều nơi trên đất Nhật đến dự. Tại một trong các cuộc hội họp này, một đệ tử bị bắt về tội ăn cắp. Sự vụ được báo cáo đến Bàn Khuê với yêu cầu rằng phải trục xuất kẻ có tội. Bàn Khuê làm ngơ vụ này.

Sau đó người đệ tử lại bị bắt trong một hành vi tương tự, Bàn Khuê cũng lại bỏ qua sự vụ một lần nữa. Điều này khiến các đệ tử khác tức giận, làm đơn thỉnh nguyện đuổi tên ăn cắp, tuyên bố rằng nếu không họ sẽ bỏ đi tập thể.

Sau khi đọc đơn thỉnh nguyện, sư cho gọi mọi người tập họp lại, nói:

“Các anh biết cái gì phải và cái gì không phải. Các anh có thể đi chỗ khác để học nếu các anh muốn, nhưng người anh em khốn khổ này không biết phải quấy. Nếu tôi không dạy anh ta thì ai dạy? Tôi sẽ giữ anh ta lại đây dù cho tất cả các anh có bỏ đi hết.”

Một suối nước mắt trào xuống rửa sạch khuôn mặt của người anh em đã từng là kẻ ăn cắp. Tất cả lòng ham muốn ăn cắp biến mất.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)


59. CỎ CÂY GIÁC NGỘ THẾ NÀO

Vào thời Kiêm Thương (Kamakura), Shinkan học Thiên Thai tông sáu năm, học Thiền bảy năm, rồi sư sang Trung hoa tham thiền thêm mười ba năm nữa.

Khi sư trở về Nhật nhiều người muốn tham kiến và hỏi những vấn đề khó hiểu. Nhưng khi Shinkan ít khi tiếp khách và trả lời những câu hỏi của họ.

Một hôm một tăng nhân năm mươi sáu tuổi cầu ngộ, nói với sư: “Tôi đã học giáo lý Thiên Thai tông từ lúc còn bé, nhưng có một điều tôi không thể hiểu được. Thiên Thai nói rằng ngay cả cỏ cây cũng sẽ giác ngộ. Đối với tôi điều này quả thật kỳ lạ.”

“Bàn chuyện cỏ cây giác ngộ làm gì?” Shinkan hỏi. “Vấn đề là chính ông làm sao giác ngộ. Ông có bao giờ xét đến điểm này không?”

“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điểm ấy,” ông tăng già lấy làm kinh ngạc.

“Vậy, hãy về nghĩ kỹ xem,” Shinkan kết thúc.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

60. NGHỆ SĨ BẦN TIỆN

Gessen là một nhà sư nghệ sĩ. Trước khi bắt đầu vẽ sư luôn luôn đòi trả tiền trước, tiền công thường cao. Sư nổi tiếng là “Nghệ Sĩ Bần Tiện.”

Có lần một geisha (kỹ nữ) tặng tiền để nhờ sư vẽ một bức tranh. Sư hỏi: “Cô trả tôi bao nhiêu?”

Cô gái đáp, “Bất cứ giá nào ông muốn, nhưng tôi muốn ông làm việc trước mặt tôi.”

Vì thế một hôm cô geisha gọi Gessen đến. Cô ta tổ chức một bữa tiệc cho một người khách bao cô.

Gessen vẽ bức tranh bằng nghệ thuật dùng cọ lông. Khi bức tranh hoàn thành, sư đòi một món tiền cao nhất thời bấy giờ.

Sư nhận tiền công. Lúc ấy cô geisha quay phía người khách bao cô, nói: “Ông nghệ sĩ này chỉ muốn tiền. Tranh của ông ta đẹp nhưng tầm hồn ông ta bẩn thỉu; tiền đã làm biến nó thành bùn. Tác phẩm do một tâm hồn bẩn thỉu như thế vẽ ra không đáng được trưng bày. Nó chỉ bằng cái quần lót của tôi thôi.”

Cô geisha cởi cái váy ra rồi bảo Gessen vẽ một bức tranh khác lên phía sau cái quần lót của cô ta.

“Cô sẽ trả bao nhiêu?” Gessen hỏi.

“Ồ, bao nhiêu cũng được,” cô gái đáp.

Gessen kêu một giá thích thú, vẽ bức tranh theo cách thức đòi hỏi, rồi bỏ đi.

Sau này người ta biết rằng Gessen có một số lý do cần có tiền:

Nạn đói dữ dội đến viếng tỉnh sư ở. Người giàu không giúp kẻ nghèo, vì thế Gessen có một kho chứa bí mật không ai biết, ở đó sư dự trữ thóc, sẵn sàng cho lúc khẩn cấp.

Từ làng của sư đến Thánh Điện Quốc Gia đường đi thật là tồi tệ, nhiều khách bộ hành phải khổ sở khi đi qua đó. Sư muốn làm con đường tốt hơn.

Thầy của sư đã qua đời mà không thực hiện được ý muốn xây một ngôi chùa, Gessen muốn hoàn thành ngôi chùa đó cho thầy.

Sau khi Gessen thực hiện được ba ước nguyện đó, sư vất bỏ cọ vẽ và những đồ dùng của người nghệ sĩ, vào núi ở, không bao giờ vẽ nữa.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/09/2012(Xem: 12509)
Truyện Cổ Sự Tích Cứu Vật Phóng Sinh - Pháp sư Tịnh Không - Thích Phước Sơn dịch
19/09/2012(Xem: 8126)
Những Truyện Cổ Việt Nam Mang Màu Sắc Phật Giáo - Lệ Như Thích Trung Hậu, Sưu tầm & giới thiệu
14/09/2012(Xem: 5024)
Những câu chuyện thật chốn Thiền môn do các bậc trưỡng lão kể lại luôn luôn là những bài học hay nhất, là nguồn động lực lớn nhất cho các thế hệ mai sau noi gương trên con đường tu học. Trường hạ của Giáo Hội Thống Nhất tại Úc Châu – Tân Tây Lan năm nay tại Tu viện Vạn Hạnh Canberra, ngoài những buổi lễ trang nghiêm thành kính, ngoài những giờ sám hối thanh tịnh, ngoài hình ảnh chư Tôn đức với màu huỳnh y giải thoát, mỗi tối chư Tôn Đức Tăng Ni còn có những buổi thảo luận thật hoan hỷ, sôi động, không khí gần gũi nhưng không kém phần trang nghiêm. Những câu chuyện thật về công đức tu hành trong chốn thiền môn đã được chư Tôn kể lại, bài học “giữ tâm một chỗ, việc gì cũng xong”, trong đó việc sanh tử là việc lớn nhất của người xuất gia, từ ấy đã được lan xa….
21/08/2012(Xem: 3376)
Kính mời quý vị, quý bạn, quý Phật tử thưởng thức một truyện ngắn thực pha lẫn hoang đường, vừa có tính huyền bí vừa có tính cách triết lý, để thấy cuộc đời này tưởng như thực nhưng không có gì thực cả. Tất cả do tâm thức biến hiện. Thần linh chỉ là trò che mắt chúng sinh.
20/07/2012(Xem: 16125)
Nhìn chiếc cổng tre hai cánh mở bám đầy rêu xanh, an nhiên giữa tuyết sương, năm tháng - bất chợt, người con nhớ đến một câu thơ của ai đó: Cửa sài hai cánh mở...
03/07/2012(Xem: 3180)
Ni sư Ryonensinh năm 1797. Cô là cháu nội của Shingen, một vị tướng Nhật nổi tiếng. Sắc đẹp quyến rũ và thiên tài về thi ca đã khiến cô trở thành một công nương trong triều đình, kề cận bên hoàng hậu khi mới 17 tuổi. Tuy còn quá trẻ như thế nhưng danh vọng đã chờ đón cô.
14/06/2012(Xem: 26580)
Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng - Tập 2, Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang ấn hành... Nguyên Siêu
23/05/2012(Xem: 3910)
Cách chùa khoảng một trăm mét, xéo về phía tây, dòng sông chảy hiền hòa uốn quanh thôn làng, bao bọc gần hết chu vi ba mặt của xóm nhỏ, chừa mặt tây trông ra ngọn núi hình dáng như người nằm ngủ nghiêng mà ở khúc đuôi của nó như một bàn chân đang chỉa năm ngón lên trời. Ba người ngồi trên bãi cát hẹp của bờ sông. Phía trên đầu, gió chiều đang luồn qua lùm tre tạo ra những âm thanh xào xạc dễ chịu.
23/05/2012(Xem: 5357)
Bà già nhìn xuống dòng sông nước đục lờ, dõi theo một khúc gỗ đang trôi lững lờ theo con nước dập dềnh lên xuống đến khúc quanh ở cuối làng, nơi hai ống khói cao nghệu của nhà máy thả lên trời những cụm khói đen bay tản lạc trong gió chiều hoàng hôn. “Mới đó mà đã 20 năm, ông nhỉ?” bà nói mà không nhìn vào ông già ngồi cách mình một sải tay, trên phiến đá bám đầy rêu xung quanh hông.
10/05/2012(Xem: 6840)
Tập sách bạn đang cầm trên tay là bản dịch Việt ngữ của cuốn ‘The Snow Lion`s Turquoise Mane’. Cuốn này do Surya Das tập hợp các mẩu chuyện do các vị Lạt-ma Tây Tạng kể lại, được xuất bản năm 1992 tại Mỹ. Các mẩu chuyện ngắn này nhắc nhở đến những chuyện liên quan đến các vị đạo sư, từ đức Thích-ca cho đến các vị hiện nay còn sống như Đạt-lai Lạt-ma. Phần lớn các mẩu chuyện này toát ra nhiều đạo vị, nhất là gián tiếp chỉ cho người đọc thấy triết lý của toàn bộ đạo Phật, đó là nhận chân ra rằng mọi hiện tượng muôn hình muôn vẻ của tâm vật chẳng qua đều là biến hiện của tự tính trong tâm thức mọi loài. Đó là tự tính vô thủy vô chung, bất sinh bất diệt, lại không hề rời xa con người, nhưng trực nhận ra điều đó là một quá trình tu học gian nan mà các mẩu chuyện này cũng có nhắc đến.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]