Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[21 - 30]

13/02/201217:42(Xem: 8958)
[21 - 30]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

21. VÂNG LỜI

Những cuộc nói chuyện của Thiền sư Bàn Khuê (Bankei) không những chỉ có những người học Thiền mà còn có những người thuộc mọi cấp bậc và giáo phái đến nghe. Sư không bao giờ trích dẫn kinh điển hay đắm mình vào những luận giải kinh viện. Thay vào đó là lời nói trực tiếp từ tâm sư đến tâm người nghe. Số thính giả to lớn của sư làm cho một tu sĩ phái Nhật Liên (Nichiren) tức giận bởi vì tín đồ của ông ta đã bỏ đi nghe Thiền sư nói chuyện. Vị tu sĩ cục bộ của phái Nhật Liên này đến chùa, quyết tâm tranh luận với Bàn Khuê.

Ông ta kêu lên, “Này, Thiền sư! Hãy đợi một chút. Bất cứ ai kính trọng ông cũng vâng lời ông, nhưng một người như tôi đây không kính trọng ông. Ông có thể khiến tôi vâng lời ông được chăng?”

Bàn Khuê bảo, “Hãy lên bên cạnh tôi đây, tôi sẽ chứng minh cho.”

Một cách kiêu hãnh, vị tu sĩ vẹt đám đông lấy đường đến Thiền sư.

Bàn Khuê mỉm cười bảo, “Hãy bước qua bên trái tôi đi.”

Vị tu sĩ vâng lời.

“Không, chúng có thể nói chuyện tốt hơn nếu ở phía bên phải tôi. Hãy bước qua đây,” Bàn Khuê nói.

Vị tu sĩ lại kiêu hãnh bước qua bên phải.

Bàn Khuê nhận xét, “Ông thấy không? Ông đang vâng lời tôi và tôi nghĩ ông là một rất người lịch sự. Bây giờ hãy ngồi xuống nghe đi.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

22. KHÔNG CHÚT TỪ BI

Ngày xưa ở Trung hoa có một bà lão trợ cấp cho một ông tăng hơn hai chục năm. Bà dựng am và cung cấp thực phẩm cho ông tăng khi ông tăng thiền định. Cuối cùng bà lão muốn biết ông tăng tiến bộ thế nào trong thời gian qua.

Muốn biết sự thật, bà nhờ một cô gái đa tình giúp bà. Bà lão bảo cô gái, “Hãy đến ôm ông ta, rồi bất ngờ hỏi, ‘Thế nào?’”

Cô gái đến thăm ông tăng, vuốt ve ông ta không chút gượng gạo, hỏi ông ta sẽ đối xử thế nào.

Ông tăng đáp bằng một câu kệ:

Cây khô kề đá lạnh,

Không chỗ nào ấm cả.

Cô gái trở về thuật lại mọi chuyện. Bà lão tức giận than, “Nghĩ ta đã nuôi hắn hai chục năm nay. Hắn tỏ ra chẳng quan tâm đến yêu cầu của cô, chẳng có ý giải thích tình cảnh của cô. Hắn chẳng cần phải đáp ứng đam mê, nhưng ít nhất hắn nên tỏ ra có chút từ tâm chứ.”

Nói xong bà lão lập tức đến thiêu rụi cái am.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

23. ĐẠI BA

Vào đầu thời Minh Trị có một nhà đô vật rất nổi tiếng tên là Đại Ba, có nghĩa là Sóng Lớn.

Đại Ba khỏe vô cùng và biết nghệ thuật đấu vật. Trong những cuộc đấu riêng tư, anh ta đánh bại luôn cả thầy mình, nhưng giữa công chúng anh ta lại hổ thẹn đến nỗi bị học trò của anh vật ngã.

Đại Ba cảm thấy cần đến một Thiền sư nhờ giúp đỡ. Hakuju, một vị sư hành cước, đang dừng chân ở một ngôi chùa nhỏ gần bên, vì vậy Đại Ba đến gặp và nói cho sư nghe chuyện phiền não của mình.

Hakuju khuyên, “Tên anh là Đại Ba, vậy tối nay hãy ở lại chùa này. Hãy quán tưởng anh là những cơn sóng to lớn đó. Rồi anh sẽ không còn là nhà đô vật sợ hãi nữa. Anh là những cơn sóng lớn quét sạch mọi thứ trước mặt, nuốt chửng tất cả mọi thứ trên đường đi tới. Hãy làm như vậy rồi anh sẽ là nhà đô vật vĩ đại nhất đất này.”

Hakuju rút lui, Đại Ba ngồi thiền định cố tưởng tượng mình là những cơn sóng. Rồi dần dần anh ta càng lúc càng cảm thấy nhiều sóng. Càng về khuya sóng càng trở nên to hơn. Sóng cuốn đi hoa trong bình. Ngay cả Phật trên bàn thờ cũng ngập sóng. Trước khi rạng đông, cả ngôi chùa chỉ còn là một ngọn triều dâng và dòng biển cả mênh mông.

Đến sáng Hakuju thấy Đại Ba còn thiền định, mặt phản phất nụ cười. Sư vỗ nhẹ lên vai nhà đô vật, nói: “Bây giờ thì không còn gì có thể quấy rầy anh nữa. Anh là những cơn sóng to lớn đó. Anh sẽ quét sạch mọi thứ trước mặt anh.”

Cùng ngày hôm đó, Đại Ba dự nhiều cuộc đấu vật và anh đã thắng. Từ đó, ở Nhật không ai đánh bại anh ta được.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

24. KHÔNG THỂ ĂN CẮP MẶT TRĂNG

Lương Khoan (Ryokan) là một Thiền sư sống nếp sống đơn giản nhất trong một cái am nhỏ ở chân núi. Một buổi chiều nọ, một tên ăn trộm đến viếng am và khám phá ra rằng trong am chẳng có gì để đánh cắp.

Lương Khoan trở về và bắt gặp anh ta. Sư bảo kẻ rình mò, “Anh có thể đường xa lặn lội đến viếng tôi, không nên trở về tay không. Hãy nhận quần áo của tôi làm quà vậy.”

Tên trộm kinh ngạc. Hắn lấy quần áo rồi chuồn ngay.

Lương Khoan ngồi trần truồng nhìn trăng, “Hỡi kẻ bần cùng, ước gì ta có thể cho anh mặt trăng đẹp này.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

25. KỆ PHÓ PHÁP CỦA HOSHIN

Thiền sư Hoshin đã sống nhiều năm ở Trung Quốc. Rồi sư trở về miền bắc Nhật bản, và sư dạy đồ chúng ở đó. Khi đã quá già, sư kể lại cho đệ tử câu chuyện sư đã nghe ở Trung Quốc. Câu chuyện như sau:

 

Một năm nọ Thiền sư Đa Phúc, khi đã quá già, nói với đệ tử rằng: “Ta sẽ không sống đến sang năm, vậy các anh nên đối xử tốt với ta trong năm nay.”

Các đệ tử tưởng sư nói đùa, nhưng vì sư là một bậc thầy có lòng đại độ nên mỗi đệ tử thay phiên nhau liên tiếp đãi sư ăn các món ngon trong những ngày còn lại của năm sắp hết.

Vào chiều cuối năm, Đa Phúc kết luận: “Các anh đã tốt với ta, ta sẽ từ giã các anh vào chiều mai khi tuyết ngừng rơi.”

Các đệ tử đều cười, nghĩ rằng sư già nua lẩm cẩm nói chuyện phi lý vì đêm hôm đó trời trong và không có tuyết. Nhưng nửa đêm tuyết bắt đầu rơi.

Qua hôm sau họ không thấy sư đâu. Khi vào thiền đường, họ thấy sư tịch ở đó.

Thiền sư Hoshin, người kể chuyện này, bảo các đệ tử của mình: “Thiền sư không nhất thiết phải nói trước sự ra đi của mình, nhưng nếu thật sự muốn, ông ta có thể làm được.”

Một người hỏi, “Hòa thượng làm được không?”

Hoshin đáp, “Được, ta sẽ cho các anh thấy ta có thể làm gì trong vòng bảy ngày tới kể từ bây giờ.”

Không một đệ tử nào tin lời sư và đa số họ còn quên ngay cả cuộc nói chuyện cho đến ngày sư gọi tất cả lại.

Sư bảo: “Bảy ngày đã qua, ta đã nói là sẽ từ giã các anh. Theo thông lệ là viết một bài kệ phó pháp, nhưng ta chẳng phải thi sĩ cũng chẳng phải là người viết chữ đẹp. Vậy hãy để một người nào trong các anh ghi lại những lời cuối cùng của ta.”

Các đệ tử lại nghĩ sư nói đùa, nhưng một người đã bắt đầu viết.

Hoshin hỏi, “Anh sẵn sàng chưa?”

Người viết đáp, “Dạ, rồi.”

Hoshin đọc:

Ta từ quang minh đến

Lại trở về quang minh.

Cái gì đây?

Bài kệ thiếu một câu của bốn câu thường lệ, vì vậy người đệ tử nói: “Hòa thượng, còn thiếu một câu.”

Với tiếng gầm của con sư tử chinh phục, Hoshin hét “Katsu!” và ra đi.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

26. NGƯỜI TRUNG HOA HẠNH PHÚC

Bất cứ ai đến các khu phố Tàu ở châu Mỹ cũng sẽ thấy các pho tượng một người béo tròn mang cái túi xách bằng vải bố. Các thương nhân Trung hoa gọi ông ta là người Trung Hoa Hạnh Phúc hay ông Phật Cười.

Vị Bố Đại (Hotei) này sống vào đời nhà Đường. Ông ta không có tham vọng gọi mình là Thiền sư hoặc tụ tập đồ chúng quanh mình. Thay vào đấy ông đi khắp các đường phố với cái túi bự trong đó ông đựng những món quà như kẹo, trái cây, hay bánh ngọt. Những thứ này ông sẽ cho bọn trẻ tụ tập chơi đùa quanh ông. Ông đã tạo đường phố thành một vườn trẻ.

Bất cứ khi nào gặp một một tín đồ Thiền, ông liền chìa tay ra nói, “Hãy cho tôi một xu.” Và nếu có ai yêu cầu ông trở về chùa dạy người, ông cũng nói: “Hãy cho tôi một xu.”

Có lần khi ông sắp bày trò chơi, một Thiền sư khác chợt theo hỏi: “Thế nào là đại ý của Thiền?”

Bố Đại liền đặt cái túi vải xuống đất, im lặng trả lời. Người kia lại hỏi: “Rồi thế nào là hoạt dụng của Thiền?” Lập tức người Trung Hoa Hạnh Phúc đu cái túi lên vai và tiếp tục bước đi.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

27. MỘT ÔNG PHẬT

Vào thời Minh Trị ở Tokyo có hai vị sư nổi bật với hai cá tính trái ngược nhau. Một người tên Unsho là một giảng sư Chơn ngôn tông (Shingon), giữ giới luật của Phật rất tinh cần. Sư không bao giờ uống rượu, cũng không bao giờ ăn sau mười một giờ trưa. Người kia tên Tanzan, là một giáo sư triết ở Đại Học Hoàng Gia Nhật, chẳng bao giờ giữ giới luật. Khi nào ông ta thích ăn thì ăn và khi nào thích ngủ ngày thì ngủ ngày.

Một hôm Unsho đến thăm Tanzan gặp khi Tanzan đang uống rượu, mà lưỡi của Phật tử, theo giới luật, thì không được dính rượu dù là một giọt nhỏ. Tanzan chào Unsho:

“Chào sư huynh, huynh uống rượu không?”

“Tôi không bao giờ uống rượu,” Unsho nghiêm trang đáp.

“Người mà không uống rượu thì chẳng phải là người,” Tanzan nói.

“Ý huynh muốn nói tôi chẳng phải là người chỉ vì tôi không dầm mình trong thứ nước độc đó!” Unsho tức giận phàn nàn. “Rồi, nếu tôi không phải là người thì tôi là cái gì?”

“Một ông Phật,” Tanzan đáp.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

28. ĐOẠN ĐƯỜNG LẦY

Một hôm Tanzan và Ekido cùng thong dong bước xuống một đoạn đường lầy. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi.

Đến một khúc quanh, hai người gặp một cô gái xinh xắn trong chiếc áo kimono và tấm khăn choàng bằng lụa, đang đứng bên lề đường không thể đi qua được ngả tư đường lầy.

“Đi này, cô bé,” Tanzan nói, và hai tay nhấc bổng cô gái đưa qua khỏi đoạn đường lầy.

Ekido không nói gì cả cho đến khi cả hai đến ngôi chùa nơi họ trú lại đêm đó. Rồi cho đến khi không còn chịu đựng được nữa, Ekido lên tiếng hỏi Tanzan: “Chúng ta, những tăng nhân, không được gần đàn bà, nhất là những người trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm. Tại sao huynh làm như vậy?”

Tanzan đáp: “Tôi đã bỏ cô ta lại chỗ đó rồi, huynh còn mang cô ta theo đó sao?”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

29. SHOUN VÀ MẸ

Shoun đã trở thành sư của Thiền Tào Động. Khi sư còn là một đệ tử thì cha của sư qua đời để lại người mẹ già cho sư phải chăm sóc.

Bất cứ lúc nào đến thiền đường sư cũng đem mẹ đi theo. Vì có mẹ đi theo nên khi viếng các chùa sư không thể sống chung với tăng chúng. Vì thế sư dựng một căn nhà nhỏ và chăm sóc mẹ ở đó. Sư chép thuê kinh kệ Phật giáo và bằng cách này sư nhận vài xu để mua thực phẩm.

Khi Shoun mua cá cho mẹ, người ta chế giễu sư, vì một tăng nhân không được phép ăn cá. Sư không để tâm điều đó. Nhưng mẹ sư đau lòng vì thấy con mình bị người ta cười. Cuối cùng bà bảo Shoun: “Mẹ nghĩ mẹ nên trở thành một ni cô. Mẹ cũng có thể ăn chay được.” Bà trở thành ni cô và hai mẹ con cùng nhau tu học.

Shoun rất thích âm nhạc và là nhạc sư đàn tranh, loại đàn mà mẹ sư cũng chơi được. Vào những đêm trăng tròn hai mẹ con cùng nhau chơi nhạc.

Một đêm kia, một thiếu phụ đi ngang qua nhà họ và tình cờ nghe tiếng nhạc. Xúc động sâu xa, thiếu phụ mời Shoun đến viếng nhà mình và chơi nhạc. Shoun nhận lời mời. Vài ngày sau sư gặp thiếu phụ trên đường phố và cảm ơn bà ta vì lòng hiếu khách của bà. Người ta lại cười sư vì sư đã viếng nhà của một người đàn bà thành thị.

Một hôm sư phải đến một ngôi chùa xa để thuyết pháp. Vài tháng sau sư trở về và mẹ sư đã mất. Bạn bè không biết tìm sư ở đâu, vì thế họ cử hành đám tang.

Shoun bước lên, gõ thiền trượng vào quan tài, nói: “Mẹ ơi, con đã về.” Rồi sư thay mẹ trả lời, “Mẹ mừng con đã trở về, con của mẹ.”

“Dạ, con cũng mừng,” Shoun lại đáp. Rồi sư thông báo với mọi người: “Tang lễ đã xong. Các người có thể chôn xác được rồi.”

Khi Shoun đã già và biết kỳ hạn của mình đã đến. Vào một buổi sáng sư kêu đồ chúng tập họp quanh mình, bảo rằng mình sẽ ra đi vào trưa hôm nay. Thắp nhang trước hình của mẹ và vị thầy cũ, sư viết một bài kệ:

Sáu mươi sáu năm qua ta đã sống

Hết sức mình và tạo được lối ta đi

Qua trần giới; giờ cơn mưa đã dứt

Giữa trời xanh mây tạnh mảnh trăng tròn.

Các đệ tử vây quanh sư tụng kinh và sư ra đi trong tiếng kinh cầu.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

30. KHÔNG XA PHẬT TÁNH

Một sinh viên đại học đến viếng Thiền sư Nga Sơn (Gasan) và hỏi: “Thầy đã từng đọc Thánh Kinh Ky Tô chưa?”

“Chưa, hãy đọc tôi nghe,” Nga Sơn đáp.

Sinh viên mở Thánh Kinh và đọc một đoạn trong sách Thánh Matthew: “Còn phần quần áo, các ngươi lo lắng làm chi. Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Salomon sang trọng đến đâu, cũng không mặc được áo tốt như một hoa nào trong giống đó. . . Vậy chớ lo lắng chi cho ngày mai, vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai.”

Nga Sơn nói: “Ai nói những lời đó, tôi cho là một người đã giác ngộ.”

Sinh viên đọc tiếp: “Hãy xin sẽ được; hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ sẽ mở cho. Bởi vì hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ thì được mở.”

Nga Sơn phê bình: “Tuyệt lắm. Ai nói điều đó không xa Phật tánh.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/01/2014(Xem: 22562)
Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu.
01/01/2014(Xem: 7953)
Sau mấy chục năm dài xa quê hương, lần đầu tiên trở về nước, tôi muốn dành cho cả gia đình một bất ngờ lớn nên không báo trước để ai ra đón cả. Lúc ngồi trên máy bay, tôi mường tượng một cách đơn giản ra con đường nào dẫn vào xóm Biển, nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên với tất cả những ngày tháng êm đềm nhất của thời niên thiếu. Nhà tôi bao năm qua vẫn ở nơi ấy, bố mẹ và các em tôi vẫn quây quần cạnh nhau trong cái xóm Biển hiền hòa an bình ấy, nhất định tôi sẽ tìm ra được nhà mình, không lầm lẫn vào đâu được.
31/12/2013(Xem: 3490)
Đời người được bao nhiêu mà chiếc khăn bàn ấy đã ở với tôi gần nửa thế kỷ! Cho đến nay vẫn đang còn và có lẽ sẽ còn mãi với tôi cho đến cuối cuộc đời!
30/12/2013(Xem: 18292)
Hương Lúa Chùa Quê, 1 tập truyện hồi ký, ( 432 trang), hoài niệm tuổi thơ của hai tác giả, vừa là anh em ruột, vừa là hai vị giáo phẩm trong hàng lãnh đạo của PGVN ở hải ngoại, đó là Hòa Thượng Thích Bảo Lạc (Úc Châu) và Hòa Thượng Thích Như Điển (Đức Quốc) . Sẽ online trong thời gian sớm nhất, kính mời quý độc giả đón đọc. Nam Mô A Di Đà Phật.
25/12/2013(Xem: 11768)
Con người sanh ra trên cõi đời này đã mang theo nghiệp nhân của đời trước, lúc lớn lên lại gây tạo thêm nghiệp mới. Nghiệp nhân cũ cộng với nghiệp nhân mới nên chi phối cuộc đời còn lại (cận tử nghiệp) của mỗi người.
20/12/2013(Xem: 11263)
Bộ phim là câu chuyện có thật về chú chó Nhật được cả thế giới biết đến như một biểu tượng về tình yêu thương vĩnh cửu. Đây chắc chắn là bộ phim mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng không thể nào quên.
12/12/2013(Xem: 19742)
Bé trai Ryan 5 tuổi sống tại bang Oklahoma (Mỹ) kể về lần nhìn thấy Marilyn Monroe tại một bữa tiệc nhưng chưa kịp tiến lại gần cô đã bị một cú đấm vào mặt bởi một vệ sĩ.
12/12/2013(Xem: 5848)
Vào những ngày cuối tháng của năm, tôi có dịp lên Sàigòn, không khí sinh hoạt nhộn nhịp hẳn lên, bao hình ảnh xem như đã chuẩn bị trước từ nhiều tháng qua, những sắc màu, những âm thanh ầm ỉ của người, xe cộ và sự va chạm của mọi thứ xung quanh trong cuộc sống quay cuồng, làm chóng mặt và choáng ngợp cả mắt…
11/12/2013(Xem: 8400)
Bà cụ già đau yếu than thở với bà bạn thân nhất của mình, “Tôi ghét cái tuổi già. Tôi ghét vì phải ở đây trong cái nhà dưỡng lão này.” Bà bạn lên tiếng, “Chúng mình phải lạc quan.” “Lạc quan về cái quái gì chứ? Trời đất ạ!” “Vậy thì, bà đang đau nhức hay sao?”
11/12/2013(Xem: 23785)
Đi tu không có nghĩa là phải vào chùa, cạo bỏ râu tóc mà phải được hiểu rộng rãi hơn nhiều! Đi tu là một quá trình khám phá tâm linh. Chúng ta học ứng dụng những lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày của mình. Tu là chuyển hóa bản thân, từ vô minh đến trí tuệ, là tìm kiếm, khám phá con đường đưa đến hạnh phúc và an lạc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]