Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện 11 - 20

24/01/201221:34(Xem: 7700)
Chuyện 11 - 20
Một trăm lẻ một câu chuyện Thiền
Trần Trúc Lâm

11. Câu truyện Về Nàng Shunkai

Shunkai còn có tên khác là Suzu, một giai nhân sắc nước hương trời. Lúc còn trẻ nàng đã bị ép hôn; không bao lâu sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, nàng theo học triết ở một trường đại học.

Ai nhìn thấy Shunkai cũng đều thầm yêu trộm nhớ. Ðã thế, nàng đến đâu cũng gây được cảm tình. Khi không hài lòng với triết học, nàng đến một thiền viện để học thiền, và rồi các thiền sinh lại mê nàng như điếu đổ. Số của Shunkai thật là đào hoa.

Sau rốt nàng thực sự trở thành một thiền sinh ở Kyoto. Các sư huynh ở thiền viện Kennin đều ca tụng lòng thành của nàng, và một vị trong số đó kết thân và giúp nàng thấu triệt được thiền.

Viện trưởng của thiền viện là Mokurai, Tịnh Sấm, rất là khắt khe. Ngài tự giữ giới rất nghiêm và đòi hỏi mọi thiền sinh cũng phải như thế. Nhưng than ôi, trong nước Nhật hiện đại, tăng sinh lại lấy vợ. Mokurai thường phải dùng chổi để xua đuổi phụ nữ ra khỏi các thiền viện của ngài, khi thấy có bóng hồng thấp thoáng.

Nhưng khổ thay, đuổi ra bao nhiêu lại vào càng nhiều hơn. Bà vợ của ông trưởng tràng lại bắt đầu ghen tương với Shunkai. Bà càng điên tiết hơn khi nghe các thiền sinh ca ngợi sự liễu ngộ thiền của nàng. Sau rốt bà đi phao tin về sự liên hệ giửa Shunkai và người bạn thiền huynh; vì vậy mà hai người bị đuổi ra khỏi thiền viện.

"Ta có thể chịu một phần lỗi," Shunkai thầm nghĩ, "nhưng bà vợ của ông trưởng tràng cũng không thể ở lại thiền viện khi bạn của ta bị đối xử bất công như vậy."

Ðêm ấy Shunkai phóng hỏa đốt rụi thiền viện có từ 500 năm. Hôm sau nàng bị nhà chức trách bắt giữ.

Một luật sư trẻ chú ý đến nàng và muốn giúp làm cho bản án nhẹ hơn. "Ông không nên giúp tôi," nàng nói. "Bởi vì tôi sẽ gây nên tội khác để lại bị cầm tù."

Sau bảy năm bị giam giữ, và ngay cả ông cai ngục 60 tuổi cũng mê mệt vì nàng, cuối cùng Shunkai được thả.

Nhưng từ đó, chẳng ai muốn gần gủi giúp đỡ nàng. Ngay cả các thiền sinh, những kẻ vốn tin vào giác ngộ giải thoát trong đời này với thân xác này, cũng xa lánh nàng.

Shunkai khám phá ra rằng Thiền là một việc mà kẻ theo thiền lại là một việc khác hẳn. Nàng mắc bệnh và kiệt lực.

Nàng gặp một tăng sĩ phái Shinsu, và được dạy niệm danh hiệu Ðức Quán Thế- Âm. Nhờ vậy tâm hồn Shunkai được an ủi. Nàng chết khi còn tuyệt đẹp ở tuổi vừa ba mươi.

Khi còn đói rách, nàng đã viết lại câu chuyện về đời nàng để kiếm sống. Câu chuyện được lan truyền ở Nhật; rồi những kẻ đã từng xa lánh nàng, đã từng ganh ghét và thóa mạ nàng nay lại đọc chuyện đời nàng trong nước mắt ràng rụa vì hối hận.


12. Ông Tầu Vui Vẻ ( (Hay Ông Thần Tài -- LND.)

Nếu ai đi phố Tàu ở Mỹ cũng đều thấy tượng của một vị mập mạp mang một túi vải. Những kẻ kinh doanh gọi là Ông Tầu vui vẻ hay Ông Thần tài.

Thực ra ông này tên là Hotei, sống ở thời nhà Ðường. Ông chẳng có ý tự gọi mình là thiền sư hoặc kết nạp môn đồ.

Ông đi rảo khắp phố phường, vai mang một cái túi vải lớn trong đó chứa đủ thứ kẹo, bánh, trái cây người ta cúng biếu, rồi ông lại phát cho lũũ trẻ hay chạy theo ông vui đùa. Ông đã tạo nên một nhà trẻ giửa phố.

Khi nào ông gặp một kẽ mộ đạo, ông ngữa tay xin: "Cho tôi một hào." Và nếu có ai bảo ông trở về chùa mà thuyết pháp, ông lại trả lời: "Cho tôi một hào."

Một hôm đang vui chơi với đám trẻ, tình cờ có một thiền sư đi qua, dừng lại hỏi: "Thế nào là yếu tính của Thiền?

Lập tức, Hotei yên lặng bỏ túi vải nặng nề xuống đất.

Vị thiền sư kia hỏi tiếp: "Thế thì, cái thực dụng của Thiền là gì?ẽ Nhanh chóng, Ông Tầu vui vẻ vác cái bị lên vai và tiếp tục đi.



13. Một Ông Phật

Tại Ðông Kinh vaụo thời Minh Trị, có hai vị thiền sư nổi danh với tánh tình khác hẳn nhau. Một vị là Unsho, ở Shingon chuyên giữ giới luật rất mực. Ngài không bao giờ uống rượu và ăn sau 11 giờ sáng. Vị kia là Tanzan, dạy triết tại trường Ðại học Hoàng gia, chẳng hề giữ giới. Khi ngài đói thì ăn, buồn ngủ thì đánh một giấc dù ban ngày.

Một hôm Unsho đến viếng Tanzan, và thấy vị này đang uống rượu.

"Chào sư huynh, Tanzan lên tiếng. "Uống cùng tôi một chén chăng?

"Tôi chẳng bao giờ uống rượu!" Unsho dõng dạc bảo.

"Kẻ không biết uống rượu chẳng phải là người," Tanzan nói.

"Này, Sư huynh gọi tôi không phải là người chỉ vì tôi không say sưa ư!" Unsho bất bình lớn tiếng. "Nếu không phải là người, tôi là gi vậy?

"Một ông Phật," Tanzan trả lời.


14. Con Ðường Bùn Lầy

Một hôm Tanzan và Ekido cùng đi trên một con đường lầy lội. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi. Qua một khúc quanh, họ gặp một người thiếu nữ xinh đẹp trong bộ kimono với đai lưng bằng lụa, ngập ngừng không băng qua đường được.

"Này cô bé," vừa nói xong, tức thì Tanzan bế cô gái sang bên kia đường.

Ekido không trò chuyện nữa cho mãi đến đêm khi hai người đến trú ở một ngôi chùa. Không còn chịu được nữa Ekido phàn nàn với Tanzan: "Chúng ta là tăng sĩ, không được đến gần phụ nữ, nhất là con gái trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm. Tại sao sư huynh lại phạm giới?"

"Ủa, tôi đã để cô gái ở đấy rồi mà," Tanzan nói. "Sư huynh còn mang cô ấy theo ư?"



15. Shoun Và Mẹ

Shoun đã trở thành một thiền sư của phái Soto. Cha ngài qua đời khi ngài còn là một thiền sinh, để lại một mẹ già ngài phải chăm nom. Mỗi khi đến thiền đường ngài đều đưa mẹ theo. Vì mẹ ngài luôn ở bên cạnh, cho nên khi viếng các tự viện, ngài không thể ngụ cùng chư tăng. Ngài xây một thảo am kế cận để được săn sóc cho mẹ. Ngài thường chép kinh kệ để sinh sống. Khi Shoun mua cá cho mẹ, kẻ chợ đều mỉa mai, bởi nghĩ rằng ngài phạm giới, nhưng ngài bõ ngoài tai. Tuy vậy, mẹ ngài lại đau lòng khi thấy mọi người đàm tiếu con mình. Sau rốt bà bảo Shoun: "Mẹ nghĩ mẹ có thể trở thành ni cô và ăn chay được." Bà liền thực hành và tu học.

Shoun rất thích nhạc và đã từng là bậc thầy về đàn tranh. Mẹ ngài cũng biết chơi đàn tranh. Có nhiều đêm trăng tròn, hai mẹ con thường hòa đàn với nhau.

Một đêm có người con gái đi ngang nhà và nghe được tiếng đàn, liền mời ngài đến nhà nàng đánh đàn vào đêm sau. Ngài nhận lời. Vài ngày sau, ngài gặp cô gái ngoài phố và cám ơn nàng về lòng hiếu khách. Mọi người đều cười chế nhạo vì người thiếu nữ đó là gái giang hồ.

Một ngày kia Shoun phải đến thuyết pháp ở một ngôi chùa xa. Vài tháng sau, ngài trở về và được tin mẹ vừa mất. Người quen không biết ngài ở đâu để báo tin, nên tiến hành tang lễ.

Shoun bước đến, dùng gậy gõ lên quan tài. "Mẹ ơi, con đã về đây," ngài nói.

"Con ạ, mẹ vui lắm khi thấy con trở về," ngài tự trả lời.

"Vâng, con cũng vui lắm," Shoun trả lời. Rồi ngài tuyên bố cùng mọi người: "Tang l đã xong. Xin chôn cất tử tế."

Khi Shoun về già, ngài biết không còn sống được bao lâu, liền gọi môn đồ đến vào một buổi sáng rồi bảo rằng ngài sẽ viên tịch vào buổi trưa. Ðốt hương trước di ảnh của mẹ và sư phụ, ngài viết một bài kệ:

Ta đã cố sống cho trọn vẹn trong năm mươi sáu năm,

Rong ruỗi trên đời.

Bây giờ mưa đã tạnh và mây đang tan,

Có gương trăng tròn trong bầu trời xanh.

Môn đệ của ngài vây quanh tụng kinh, và Shoun ra đi trong tiếng kinh cầu.


16. Không Xa Cõi Phật

Một sinh viên đại học đến thăm Gasan và hỏi: "Có bao giờ ngài đọc Thánh kinh không?

"Không, hãy đọc cho ta nghe," Gasan bảo.

Người sinh viên mở cuốn Thánh kinh và đọc một đoạn ở phần Thánh Ma-thi-ơ (Matthew): "Còn về đồ mặc, sao các ngươi lo lắng làm chi? Hãy gẫm xem hoa huệ ngoài đồng lớn lên thế nào: chẳng lao khổ, chẳng kéo chỉ, nhưng ta nói cùng các ngươi, dẫu Sa-lô-môn vinh hiển cả thể, cũng không mặc được bằng một trong những hoa ấy... Vậy nên, chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai."

Gasan bảo: "Ai đã nói được những lời đó, ta cho là kẻ giác ngộ."

Người sinh viên đọc tiếp: "Hãy xin, sẽ cho, hãy tìm, sẽ gặp; hãy gỏ, sẽ mở cho. Vì hai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì được mở cho."

Gasan nhận xét: "Thật tuyệt. Ai nói điều ấy không xa cõi Phật là bao."


17. Lời Dạy Dè Xẻn

Một bác sĩ trẻ ở Ðông kinh tên là Kusuda gặp một người bạn đang học thiền. Anh bác sĩ trẻ hỏi thiền là gì.

"Tôi không thể nói được," người bạn trả lời, "nhưng có một điều chắc chắn là nếu anh ngộ được thiền thì anh không còn sợ chết nữa."

"Ðược," Kusuda nói. "Tôi sẽ thử xem. Vậy tìm thiền sư ở đâu?"

"Ðến thầy Nan-in," người bạn bảo.

Thế là Kusuda tìm đến Nan-in, mang theo con dao bén để xem thiền sư có thực không sợ chết.

Khi Nan-in trông thấy Kusuda, ngài lên tiếng: "Chào ông bạn. Khỏe không? Chúng ta đã lâu không gặp!"

Kusuda sửng sốt, bảo: "Chúng ta không từng biết nhau mà."

"Ồ! đúng thế," Nan-in trả lời "Tôi nhầm ông với một vị bác sĩ khác thường đến đây học thiền." Với sự khởi đầu như vậy, Kusuda mất cơ hội thử thách vị thiền sư, anh ngập ngừng hỏi xem nếu anh ta có thể học thiền được không?

Nan-in bảo "Thiền chẳng khó. Nếu ông là thầy thuốc, hãy chữa trị bệnh nhân với từ tâm. Ðó là Thiền.

Kusuda trở lại viếng Nan-in ba lần và mỗi lần đều được dạy cùng một câu. "Một người thầy thuốc chớ nên phí thì giờ ở đây. Hãy trở về chăm sóc bệnh nhân.

Kusuda vẫn chưa hiểu tại sao lối dạy như vậy có thể giúp cho người học đạo không sợ chết. Ðến lần thứ tư anh phàn nàn: "Bạn tôi bảo tôi rằng khi học thiền người ta không còn sợ chết nữa. Mỗi lần tôi đến đây ngài đều bảo tôi phải về chăm sóc bệnh nhân. Việc đó thì tôi rành lắm rồi. Nếu thiền chỉ có vậy thì tôi sẽ không đến thăm ngài nữa."

Nan-in mĩm cười và vỗ vai người bác sĩ. "Tôi đã quá khắc khe với ông. Ðể tôi cho ông một công án."

Ngài dạy Kusuda quán tưởng về KHÔNG của Joshu (Triệu Châu), bài đốn ngộ đầu tiên trong cuốn Vô Môn Quan.

Hai năm liền, Kusuda quán tưởng đến công án KHÔNG. Khá lâu anh tưởng chừng đã ngộ được chân tâm, nhưng thiền sư vẫn bảo: "Ông chưa đạt đến.

Kusuda tiếp tục quán chiếu thêm một năm rưỡi nữa. Tâm bắt đầu định. Các vấn nạn được giải tỏa. KHÔNG trở thành chân lý. Anh ta chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, mà chính anh cũng chẳng hề biết đến, anh đã không còn bận tâm đến sự sống và chết nữa. Từ đó mỗi khi anh đến thăm Nan-in, vị sư già chỉ mỉm cười.


18. Ngụ Ngôn

Trong Kinh, Ðức Phật có dạy một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Một người đi qua một cánh đồng và gặp một con hổ. Anh ta bỏ chạy, con hổ đuởi theo. Ðến một bờ vực sâu, anh chụp được một sợi dây leo và đu lửng lơ gần bờ vực. Bên trên con hổ đang cúi xuống đánh hơi. Run sợ cuống cuồng, anh nhìn xuống đáy vực sâu lại thấy một con hổ khác đang nhe răng nhìn lên.

Bỗng lại xuất hiện hai con chuột, một trắng một đen đang gậm nhấm sợi dây leo. Chợt anh thấy một quả dâu chín mọng bên cạnh. Một tay nắm chặt dây, tay kia nhặt quả dâu bỏ vào miệng. Chao ôi sao nó ngọt thế!


19. Nhất Ðế

Nếu ai đến thăm thiền viện Obaku ở Kyoto đều nhìn thấy một bảng gỗ khắc chữ đại triện "Nhất Ðế" trên cổng. Ðối với người biết thưởng thức lối viết chân phương ai cũng đều tấm tắc khen ngợi là một tuyệt tác. Nó được viết bởi thiền sư Kosen hai trăm năm trước.

Thực ra ngài viết trên giấy, rồi nghệ nhân mới dựa theo khắc trên gỗ thật lớn. Khi Kosen viết thảo thì một thiền sinh đã đứng bên cạnh mài cả hàng mấy hủ mực lớn tướng, và cũng bạo dạn không ngừng phê bình lối viết của sư phụ.

"Chưa được," Y thưa với Kosen sau bản thứ nhất.

"Cái này thì thế nào?

"Còn kém, tệ hơn bản trước nữa," đệ tử phê.

Kesen kiên nhẫn viết bản này qua bản khác cho đến khi đếm được tám mươi tư bản với chữ "Nhất Ðế" chồng chất mà đệ tử vẫn chê.

Ðến một lúc thiền sinh trẻ kia bước ra ngoài trong chốc lát, Kosen nghĩ: "Bây giờ là lúc ta thoát ra khỏi cái dòm chừng của nó," và ngài phóng bút viết liền tay với tâm thơ thới chữ "Nhất Ðế." Quay vào, nguời đệ tử reo lên: "Tuyệt tác."


20. Lời Mẹ Dạy

Jiun, một vị Thiền sư phái Shingon, vốn là một học giả chữ Phạn thời Tokugawa. Lúc còn là thiền sinh, ngài hay thuyết giảng cho các đồng môn.

Khi hay tin, mẹ ngài liền viết cho ngài một lá thư: "Con ạ, Mẹ không tin rằng khi con hiến mình vào cửa Phật là cốt để trở thành một cuốn tự điển sống. Biện bác, sành sỏi, vẽ vang và tự màn chẳng đi đến đâu. Mẹ muốn con hãy dẹp cái trò lên lớp đó đi. Hãy dọn mình tĩnh tu trong một tiểu viện ở chốn thâm sơn cùng cốc. Dành mọi thì giờ cho việc thiền quán, may ra con mới ngộ được chánh đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/12/2014(Xem: 3615)
T huở nhỏ tôi mồ côi bố sớm, ở vào cái tuổi con nít vừa mới chập chững biết đi chưa nói được câu gọi bố lần đầu, bố tôi đã đi về miền cát bụi. Sự ra đi của ông đột ngột quá, còn trẻ quá mới 27 tuổi đầu làm sao không để lại bao luyến tiếc cho người ở lại. Dĩ nhiên mẹ tôi là người chịu nhiều đau đớn nhất, mới lấy chồng được hai năm cộng thêm đời chiến binh nên chỉ ở gần chồng vỏn vẹn có một tháng là nhiều. Con thơ còn bế ngửa trên tay, đầu quấn khăn tang người chồng yêu quí, đã phải xách tay nải leo lên chiếc thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường như một bài hát nào đó.
01/12/2014(Xem: 13032)
Nguyên gốc tác phẩm này là của Genro, một Thiền sư thuộc tông Tào động Nhật Bản, viết và xuất bản năm 1783. Mỗi câu chuyện là một công án mà tác giả đã có lời bình và kệ đi kèm. Fugai, người thừa kế Genro, thêm nhận xét của sư, câu đối câu, vào sách của thầy. Tôi sẽ dịch các câu chyện hay tắc, gồm cả lời bình của Genro và nhận xét của Fugai trong hầu hết các câu chuyện để tham khảo. Có khi gặp bài kệ cũng dịch để khuyến khích học tập.
28/11/2014(Xem: 4225)
Tôi và cả vợ tôi nữa, hình như mấy ngày hôm nay, lòng lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, hạnh phúc vô cùng! Chuyện chẳng có gì to tát lắm đâu mà sao chúng tôi vui mừng đến vậy. Tối thứ bảy vừa qua, sau khi tắt đèn, mở cửa phòng đi tìm nước uống chuẩn bị đi ngủ, tôi phát hiện ngay trước cửa phòng một túi quà nhỏ, món quà nhỏ bé của các con tôi, với một tờ giấy võn vẹn sáu chữ "Happy 40th year from your children". Chỉ với sáu chữ võn vẹn đó...đã khiến vợ chồng tôi ngẩn ngơ, quên đi hai chiếc đồng hồ tuyệt đẹp trên tay vợ tôi! Vợ tôi thì xúc động lắm, còn tôi, miệng thì luôn hỏi sao tụi nó lại nhớ đến ngày cưới của mình, nhưng lòng lại mơ màng nghĩ về những ngày này của 40 năm trước...Tôi cưới vợ!
16/11/2014(Xem: 4990)
Sau khi kết hôn hai năm, chồng tôi bàn với tôi đón mẹ lên ở chung để chăm sóc bà những năm tuổi già.Chồng tôi mất cha từ ngày anh còn nhỏ, mẹ chồng tôi là chỗ dựa duy nhất, mẹ nuôi anh khôn lớn, cho anh học hết đại học. “Khổ đau cay đắng” bốn chữ ấy vận đúng vào số phận mẹ chồng tôi! Tôi nhanh chóng gật đầu, liền đi thu dọn căn phòng có ban công hướng Nam, phòng có thể đón nắng, trồng chút hoa cỏ gì đó.Chồng tôi đứng giữa căn phòng ngập tràn nắng, không nói câu nào, chỉ đột ngột bế bổng tôi lên quay khắp phòng, khi tôi giãy giụa cào cấu đòi xuống, anh nói: “Đi đón mẹ chúng ta thôi!”.
15/11/2014(Xem: 10209)
Không và Có tương quan mật thiết với nhau như bóng với hình. Có bao nhiêu cái có thì cũng có bấy nhiêu cái không. Nếu cái có vô cùng vô tận, thì ...
14/11/2014(Xem: 4722)
Tại một ngôi trường tiểu học trong một thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ hôm nay là ngày đầu tiên khai giảng cho năm học mới. Cô Thompson là giáo viên phụ trách dạy lớp Năm. Cô giáo đứng trước các học sinh trong lớp học của mình và tương tự như các giáo viên khác, cô cũng nhìn khắp lượt vào các em học sinh và nói là cô sẽ thương yêu tất cả các học trò của cô như nhau, không có sự phân biệt nào cả. Cô đã nói với các đứa trẻ này điều đó, một điều mà cô tự biết là không thật lòng và cô biết là mình sẽ không thực hiện được.
08/11/2014(Xem: 6068)
Người đàn bà ngồi tựa vào tường trên lối mòn của một con hẻm. Mệt mỏi và thiếp đi cạnh quang gánh của mình. Hai đầu gánh là đủ thứ quà vặt như bánh tráng, kẹo, đến chanh, ớt… rồi có cả đồ chơi trẻ con chằng cột. Chị như muốn kéo cả thế giới chung quanh đi theo mình trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn không có ngày tháng cuối.
07/11/2014(Xem: 7504)
Tại sao lại là những bài học bình dị? Vì những câu truyện ở đây sẽ chỉ ra cho các em thấy được những bài học đạo đức rất gần gũi trong cuộc sống...
07/11/2014(Xem: 31856)
Nói "Chùa Khánh Anh sau 30 năm" có nghĩa là đã bắt đầu bước sang năm thứ 30+1... Thật vậy, chùa Khánh Anh bắt đầu sinh hoạt từ Lễ Phật Đản 1974, tức 1 năm trước biến cố lịch sử 30/4/1975. Tại sao lại không phải là sau ngày 30/4/75 như nhiều nơi khác, và nhiều chùa khác ở hải ngoại? Thưa quý vị và bà con cô bác, đó mới là có chuyện để kể lại. Và cái đoạn này có nhiều chuyện để kể lắm. Nghĩa là nguyên nhân do đâu, và từ bao giờ đưa đến việc thành lập chùa Khánh Anh trước năm 75 và sinh hoạt cho đến ngày hôm nay?
01/11/2014(Xem: 5401)
Trước 1975, tôi là một phi công Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Tôi qua Mỹ từ ngày mất nước, khi tuổi đời vừa mới 25. Mang tiếng pilot bay bướm nhưng tôi không có lấy một mảnh tình, bởi vì tôi không có tài tán gái. Thời đó mặc dù phụ nữ Việt nam cao giá, mấy thằng bạn không quân lanh lẹ vẫn vớt được một cô vợ Việt. Tôi khù khờ, vài năm sau đành yên bề gia thất với một thiếu nữ Mỹ tuổi đôi mươi. Hồi mới cưới, cuối tuần tôi thường dẫn Carrol hội họp bạn bè, nhưng nàng cảm thấy lạc lõng giữa đám người Việt bất đồng ngôn ngữ và từ chối những buổi họp mặt. Xuất giá tòng thê, mất liên lạc với đám bạn cũ, tôi hoàn toàn hội nhập vào đời sống Mỹ. Khi đứa con gái lên 5, chẳng may Carrol bị bịnh thận. Căn bịnh quái ác kéo dài hành hạ nàng hơn 20 năm và nàng qua đời vào thời gian đứa cháu ngoại vừa tròn 3 tuổi. Gần 2 năm qua, nỗi buồn mất người vợ Mỹ tuy đã nguôi ngoai nhưng tôi vẫn giữ thói quen sống không bè bạn, vẫn âm thầm cô đơn chiếc bóng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]