Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[37-48]

13/12/201116:29(Xem: 5811)
[37-48]
VI TIẾU
Tác giả: Viên Minh

[37-48]

37. SINH LÃO BỊNH TỬ

Sau nhiều năm tinh tấn tu hành, một vị tăng vẫn không sao đạt được mục đích mà ông hướng đến là thoát ly sinh, già, đau, chết. Đang lúc buồn nản thì Sư đến thăm. Vị tăng hỏi:

- Làm sao thoát khỏi sinh - lão - bịnh - tử?

Sư than:

- Chỉ tội cho Sinh - Lão - Bịnh - Tử thoát không khỏi ông!

۞

Lời góp ý:

Có hai loại sinh - lão - bịnh - tử nơi mỗi người:

1) Của thế giới tự nhiên tâm - sinh - vật lý.

2) Của thế giới ảo tưởng ngã kiến vọng chấp.

Tâm - sinh - vật lý là diễn biến tự nhiên của sự sống:

- Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thuộc về sinh lý.

- Sắc, thanh, hương, vị, xúc thuộc về vật lý.

- Ý và pháp thuộc về tâm lý.

Ba yếu tố này tương quan, tương duyên, tương dung, tương tác, tương sinh, tương khắc mà hợp thành cái gọi là “con người” có sinh, có già, có bịnh, có chết, có khổ, có lạc, có xả một cách tự nhiên, vô tư, vô ngã.

Nhưng khi sự tương - quan - vận - hành - tâm - sinh - vật lý này bị nhìn qua ảo tưởng vọng thức (Tập đế)thì liền trở thành bản ngã cùng với sự xuất hiện của ảo giác thời gian và đau khổ(Khổ đế).Bấy giờ không phải là sinh - lão - bịnh - tử tự nhiên nữa mà là luân hồi sinh tử của bản ngã vọng chấp.

Ngược lại, khi sự tương - quan - vận - hành - tâm - sinh - vật lý này được trí tuệ soi chiếu(Đạo đế)thì không còn ảo tưởng vọng thức, không còn ảo giác thời gian và đau khổ, nghĩa là toàn bộ luân hồi sinh tử của bản ngã chấm dứt(Diệt đế).Ngay khi đó, thế giới tự nhiên tâm - sinh - vật lý được trả về đúng với bản chất nguyên thủy của nó: Sinh - Lão - Bịnh - Tử “hiện toàn chân”như thị như thực (yathàtathatà), chẳng cần thêm bớt.

Người mê không lo giải thoát khỏi sinh - lão - bịnh - tử của ngã kiến vọng chấp, lại cứ lo can thiệp vào bản chất sinh - lão - bịnh - tử tự nhiên tâm - sinh - vật lý. Ví như người quáng mắt tưởng sợi giây là con rắn rồi cứ nhè sợi giây mà đánh, chỉ tội cho sợi giây bị đòn oan trong khi con rắn ảo thì muôn đời vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi!


38. SẮC KHÔNG

Sư ghé thăm một vị tăng nổi tiếng uyên thâm Phật Pháp và có nhiều sở đắc. Vừa thấy Sư, vị tăng dùng phép thần thông ẩn mình đâu mất.

Sư hỏi:

- Ông làm gì vậy?

Vị tăng nói:

- Đó là “sắc tức thị không”.

Sư nói:

- Đã “sắc tức thị không”sao ông lại phải biến mất làm gì. Hơn nữa ông chỉ mới giấu được cái sắc thân, còn cái bản ngã của ông xem ra lại càng lộ rõ hơn!

Vị tăng cả giận hỏi lại:

- Còn Thầy thì sao?

Sư đáp:

- Ngươi không thấy ta “sắc bất dị không”hay sao?

Lời góp ý:

SẮC KHÔNG là vấn đề được bàn cãi hàng ngàn năm vẫn chưa ngã ngũ. Và tiếc thay nó đã trở thành một triết lý đầu môi! Tất nhiên là vậy, vì đây đâu phải làVẤN ĐỀ để lý luận, mà chính làSỰ KIỆN thân chứng (kàyasakkhì) hoặc thấy bằng con mắt tuệ (pannacakkhunà passati).

SẮC không phải là SẮC TƯỚNG - đối tượng của nhãn căn, không phải làSẮC THÂN - bao gồm tứ đại, không phải là SẮC PHÁP - đối nghĩa với Danh pháp.

SẮC dùng trong ngũ uẩn là sự tập khởi của một diễn trình tương duyên, tương tác và tương ứng giữa sáu căn, sáu trần và sáu thức (mười tám giới). Vậy SẮC không phải là một hiện hữu cố định hay có sẵn, mà là một phản ứng có điều kiện. Ngay khi ta đang ngồi đây,SẮC có thể có, có thể không tùy theo điều kiện tập khởi.

Nhưng SẮC có hay không chẳng có gì quan trọng, có cũng được mà không cũng được. Quan trọng là ở chỗ CÁI NHÌN. Nếu cái nhìn là ảo tưởng vọng thức (Vipallatthasanna) thì có - không đều là ảo ảnh (màyà), như người nằm mộng, thấy có thấy không đều là mộng.

Nếu cái nhìn là Tuệ Không Quán Chiếu (Sunnanupassananana) thì có - không đều như thị. Không - có chẳng rời, có - không chẳng khác.

Trong mộng có - không đều ảo mộng

Tỉnh ra không - có cũng hoàn không

Mặc ai có có không không đó

Lặng lẽ hồn nhiên một nụ cười.


39. KHÔNG CÓ AI CẢ

Sư đang quét sân, thiền sinh hỏi:

-Thế nào là thiền?

Sư nói:

-Quét sân, quét sân...

Thiền sinh thắc mắc:

-Vậy ai quét sân cũng là thiền sư sao?

Sư nói:

-Không có ai quét sân cả.

۞

Lời góp ý:

Thế nào là thiền?

Ngay khi “lý trí muốn biết” lang thang dong ruổi tìm đạo tìm thiền, thì than ôi, thiền đã xa xôi ngàn dặm ra đi!

Thấy thế, Sư vội đánh thức gã “túy sinh” trở về thực tại. Nhưng ngay nơi thực tại hắn lại toan đội lốt mọc sừng”.

Một lần nữa, Sư lại ra tay lột mặt nạ cái gã “mộng du” bép xép. Chảng biết gã có thấy ra được “mặt mũi xưa nay” của mình không?

Ra đi khắp bốn phương trời

Tìm ai mỏi gót muôn đời còn xa

Ta về gặp lại tình ta

Dấu chân viễn mộng chỉ là phù vân.


40. XIN HOÃN LẠI

Một tục gia đệ tử đến bái yết Sư, muốn biết anh ta tu bao lâu nữa mới đạt đến Niết Bàn.

Sư nói:

- Còn lâu lắm.

Nghe vậy, người đệ tử vô cùng chán nản.

Nhưng Sư lại nói tiếp:

- Thôi được, ta có pháp môn này có thể đạt đến Niết Bàn ngay, để ta dạy cho ngươi.

Bấy giờ người đệ tử bối rôi thưa:

- Thưa Thầy, chưa được, để hoãn hoãn cho con thu xếp việc nhà đã.

۞

Lời góp ý:

Phần lớn người tu ai cũng nói đến mục đích giác ngộ giải thoát: viễn lý điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn. Nhưng trên thực tế, người ta lại cố tình trì hoãn.

Người ta viện đủ lý do chính đáng, những lý do trì hoãn cực kỳ thiện xảo tinh vi, những nhãn hiệu sơn son thếp vàng lộng lẫy: nào hạnh nguyện vị tha, nào vào ra sinh tử độ tận chúng sanh, nào dấn thân nhập thế cư trần bất nhiễm..., thế là đã có chỗ ẩn náu an toàn cho bản ngã ung dung làm trò múa rối!

Những bậc Đại Bồ Tát nghe chúng sanh viện lẽ cũng phải cười dài, tội nghiệp cho chúng sanh mê muội cứ tưởng giác ngộ giải thoát là chẳng còn gì tất, nên nấn ná đầu sào trăm trượng chẳng dám nhảy bước cuối cùng, đâu hay chính lúc đó “thập phương thế giới hiện toàn chân”.

Như xưa có một vị hoàng tử từ nhỏ bị lạc vào rừng. Tù trưởng bộ lạc thấy dễ thương đem về cho chơi với bọn trẻ. Để hoàng tử khỏi buồn, Tù trưởng bày trò chơi “vua tôi” cho bọn chúng và bảo hoàng tử làm vua, bọn trẻ con bộ lạc làm thần dân, suốt ngày vui chơi thỏa thích, quên cả nhớ nhà. Một hôm, vua cha sắp băng hà, sai các vị đại thần đi tìm hoàng tử về nối ngôi. Khi tìm được hoàng tử, các đại thần khẩn khoản cầu xin hoàng tử hồi cung đăng quang kế vị. Hoàng tử nghĩ: “Bây giờ ta đã làm vua rồi còn về cung làm gì nữa, biết có hơn gì không?” Thế là hoàng tử viện cớ trí hoãn chẳng chịu trở về, say mê chơi trò con nít !!!

Ham chơi trò con nít

Ôi lộng giả thành chơn

Biết bao giờ tỉnh ngộ

Nhìn thấy tận nguồn cơn.


41. VĨNH CỬU

Một đạo sĩ du già tin rằng một ngày kia, sau khi đã dày công khổ luyện, ông sẽ thoát khỏi thế giới huyễn hóa (màyà) này để đạt đến một cõi vĩnh hằng, ở đó, con người mãi mãi trường sinh bất tử. Đạo sĩ trình bày với Sư quan điểm đó để xem Đạo Phật lý giải thế nào. ông hỏi:

- Đạo Phật có tin một thế giới vĩnh cửu không?

Sư chỉ một giọt sương trên đóa hoa phù dung vừa mới nở, nói:

- Có, đây chính là thế giới vĩnh cửu.

Đạo sĩ ngạc nhiên:

- Đức Phật cũng nói “các pháp hữu vi là vô thường”kia mà?

Sư nói:

- Thế ông tưởng cái gì lâu dài mới vĩnh cửu sao?

۞

Lời góp ý:

Nghe Lão Tử nói đến đạo thường, các đạo gia liền mơ tìm cõi đào nguyên trường sinh bất tử. Nghe Phật nói Pháp tướng vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh thì lý trí liền vẽ ra một thể tánh thường - lạc - ngã - tịnh làm mục đích trốn chạy cõi vô thường, để rồi người ta đổ xô đi tìm... viễn mộng!

Lầm lẫn đáng thương nhất trên đời là đồng hóa vĩnh cửu với thời gian. Vĩnh cửu không hề đối nghịch với vô thường. Vĩnh cửu mà tìm ngoài vô thường, cũng như pháp tánh mà tìm ngoài pháp tướng thì chỉ gặp lông rùa sừng thỏ, uổng công dã tràng xe cát!

Còn bản ngã thì còn ý niệm, còn ý niệm thì còn thời gian, còn thời gian thì chẳng bao giờ thấy được vĩnh cửu! Nhưng ngay khi bản ngã, ý niệm và thời gian chấm dứt thì liền thấy vĩnh cửu đang du hí thần thông trong trò chơi ảo hóa vô thường.

Vĩnh cửu mong tìm mà chẳng được

Vô thường muốn bỏ lại cưu mang

Mai sau nhắn với hàng con cháu

Chớ mất công toi chuyện dã tràng!


42. XUẤT MÔN

Một chú tiểu đang say mê nghiên cứu cuốn “Diệu Pháp Nhập Môn”,thỉnh thoảng đắc ý nói một mình: “Thật là tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!”

Sư đi ngang qua nói:

- Ngươi đọc xong cuốn đó ta sẽ cho học “Diệu Pháp Xuất Môn”.

- Bạch Thầy, nhập được môn này con thấy kỳ diệu quá sao lại xuất môn?

Sư nói:

- Bởi vậy người ta mới nói nhập môn đã là kỳ diệu mà xuất môn lại càng kỳ diệu hơn.

۞

Lời góp ý:

Xưa có hai cha con ông bá hộ, vì chiến tranh loạn lạc phải bỏ nhà ra đi tha phương cầu thực. đến lúc thái bình thì người cha đã già yếu sắp lìa bỏ cõi trần. ông bá hộ bèn viết chúc thư giao lại tòa lâu đài của ông tại quê nhà cho con. Trong chúc thư ông tả rõ đường về quê cũ, dáng dấp ngôi nhà và từng công dụng chi tiết của những vật báu bên trong.

Người con hằng ngày cứ ngồi đọc chúc thư với lòng tự hào hãnh diện rằng mình là chủ nhân của một tòa lâu đài tráng lệ. Càng đọc, anh càng say mê với sự kỳ diệu của những vật báu trong kho tàng vô giá.

Có người thấy thế hỏi: “Kho tàng quý giá của anh hiện giờ ở đâu?” Anh tự hào chỉ chúc thư và nói: “Thì đây chứ còn đâu nữa!”

Diệu Pháp (Abhidhamma) là một trong ba tạng giáo điển của nhà Phật. Diệu Pháp cũng chính là đệ Nhất Nghĩa đế (chân lý rốt rạo - paramatthasacca). Như vậy, Diệu Pháp vừa có nghĩa là ngôn ngữ chỉ bày thực tại, vừa có nghĩa là chính tự thân thực tại. Nhưng khi một người còn say mê với ngôn ngữ kỳ diệu nói về thực tại thì có nghĩa là anh ta chưa hề thấy thực tại kỳ diệu bao giờ.

Mau mau thoát khỏi rừng kinh điển

Mở mắt mà xem chuyện gì đây

Chớ luận Tam Hoàng rồi Ngũ đế

Cũng đừng nằm mộng giữa ban ngày.


43. THÁNH KHÔNG BIẾT ĐAU

Thị giả của Sư nghe người ta kể rằng chủ nhà của hiền triết Epitète đối xử với ông rất tệ. Người chủ cho vặn chân Épitète để tiêu khiển. Nhà hiền triết nói:

- Nếu ngài tiếp tục thì chân tôi sẽ gãy.

Nhưng người chủ vẫn tiếp tục và chân ông gãy thật. Epitète ôn tồn nói:

- Đấy, tôi nói có sai đâu.

Nghe xong, thị giả cứ khen hoài: “Thật là một nhà hiền triết siêu việt!” Rồi thị giả chợt nghĩ rằng: “Thầy mình là một thiền sư nổi tiếng, vậy để xem có bằng Épitète không?” Nhân Sư đang nằm nghỉ, thị giả tụm lấy chân Sư vặn mạnh. Sư nói:

- Đau, đau.

Thị giả thất vọng nói:

- Còn đau thì đâu phải là đạt đạo!

Sư nói:

- Chứ ngươi muốn ta đạt cái đạo vô cảm giác hay sao?

Lời góp ý:

Đạt đạo không phải là luyện thành mình đồng da sắt, mà đơn giản chỉ là đau thấy đau, lạnh thấy lạnh, trong sáng bình thường chẳng cần thêm bớt. Nhưng phần lớn người tu không chịu nổi“bình thường tâm thị đạo”nên tự đặt cho mình những lý tưởng phi thường, những sở đắc siêu nhiên.

Nhưng sở đắc chỉ là con đẻ của vô minh ái dục, dù sở đắc có vĩ đại cách mấy cũng chỉ là ảo mộng.

Khí công thượng thừa, định lực kiên cố, pháp thuật cao cường, thần thông quảng đại, v.v... là những mục đích hấp dẫn của người tu luyện. Thế là trần gian trở thành một... trường đua vĩ đại!

Càng đấu tranh, càng tiến bộ, càng đạt nhiều thành quả, càng bước lên địa vị cao siêu thì lại càng xa đạo. Vì sao vậy? Vì đó chỉ là con đường bành trướng của bản ngã mộng mơ.

Tu là bỏ. Bỏ là không chấp trước, chứ không phải lấy - bỏ theo nghĩa thường tình. đạt đạo là bỏ hết, chẳng những không còn một chút ảo tưởng mộng mơ, mà ngay cả Niết Bàn cũng không chấp trước (Nibbànam n’àbhinandati- Kinh Căn Bản Pháp Môn, Trung Bộ Kinh). Chư Phật và A La Hán không phải là địa vị sở đắc như người ta lầm tưởng, mà chính là dẹp hết chẳng còn SỞ gì để đắc, phá hết chẳng còn ĐỊA nào để đứng.

Khi nghe nói vậy, chúng sanh sợ khiếp, bèn vội vàng lập địa vị để tu, bày sở cầu để chứng. Không biết rằng:“Hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc”,chẳng luyện, chẳng đắc, chẳng cầu, chẳng chứng.

Trong ngoài lặng lẽ chẳng vin đâu

Sáng suốt hồn nhiên khỏi vọng cầu

Buông hết một phen đừng luyến tiếc

Ai hay ngay đó thấy đạo mầu.


44. LÀM CHỦ

Chủ nhân một xí nghiệp lớn nọ xin vào thiền viện cư thất một tháng. ông rất tinh tấn nên ai cũng nghĩ là ông sẽ thành công như ông đã thành công trong việc điều hành xí nghiệp.

Nhưng khi ra thất, ông bạch với Sư:

- Con đã cố gắng, nhưng sao chưa làm chủ được mình?

Sư nói:

- Tại ông đã quen cái nghề làm ông chủ mất rồi!

۞

Lời góp ý:

Nguyên nhân gây ra ba cõi không yên như ngôi nhà cháy chính là bản ngã, đứa con cưng của vô minh ái dục. Vậy mà người tu cứ bất mãn với bản ngã này, rồi dựng lên bản ngã khác cao thượng hơn, hoàn hảo hơn,..., rồi lại bất mãn, rồi lại dựng lên..., cứ thế mà luân hồi sinh tử, trôi lăn ba cõi sáu đường.

Bản ngã nhỏ (tiểu ngã) thì khổ nhỏ, bản ngã lớn (đại ngã) thì khổ lớn, chạy trời không khỏi nắng được đâu.

Trong bản ngã hàm chứa ý niệm, thời gian và đau khổ nên tự nó chẳng bao giờ viên mãn. Bản ngã này vừa mới sinh ra thì kẻ bất mãn bản ngã cũng vừa xuất hiện. Kẻ bất mãn đòi phê phán, sửa sai và làm chủ bản ngã, có ngờ đâu, chính hắn cũng là bản ngã, cho nên ngay sau lưng hắn, một kẻ bất mãn khác cũng đã trực chờ. Vậy biết bao giờ ai làm chủ được ai?

Xưa có người nằm mơ, thấy mình lọt vào một ngôi nhà kính vạn hoa, anh bỗng thấy mình phân thân cùng khắp. Chẳng biết ai là chân, ai là giả. Anh cười, những người kia cũng cười; anh giận, những người kia cũng giận; anh nói chúng là ảo ảnh, chúng cũng bảo anh là ảo ảnh;... Cãi vả om sòm, hét la ầm ĩ cho đến khi tất cả đều té nhào ngất xỉu. Giật mình tỉnh dậy chẳng thấy một ai, té ra, tất cả chỉ đều là mộng.

Tu hành lấy vọng để cầu chân

Nào có hay đâu vọng hai lần

Chẳng vọng chẳng chân, ngay tại đó

Bản lai diện mục hiện toàn chân.



45. SAO LẠI HỎI TÔI

Người học đạo thường muốn hiểu chữ tâm họ tìm tòi trong Abhidhamma(thuộc Nam Tông) hoặc Duy Thức Luận(thuộc Bắc Tông) để phân tích cho rành rẽ thế nào là tâm. Nhưng khi bước vào các môn luận này, họ đụng phải một rừng thuật ngữ chuyên môn, nào bằng tiếng Pàli, nào bằng tiếng Sanskrit, lại còn cả những từ ngữ chữ Hán nữa. Đó là chưa kể việc các môn học này cũng chưa hoàn toàn nhất trí với nhau về nhiều vấn đề. Vì vậy, người học tưởng chừng sáng được cái tâm, ai dè càng thêm tăm tối.

Một học giả đành đến tham vấn Sư:

- Thưa Ngài! Thức, tâm, ý, tình, trí v.v... khác nhau như thế nào?

Sư nói:

- Ủa, cái đó anh tự hỏi anh chứ sao lại hỏi tôi?

۞

Lời góp ý:

Biết bao người có thói quen tìm chân lý trong ngôn ngữ.

Thuộc lòng một số định nghĩa trong kinh, trong sách đã ba hoa nói chân nói lý. Còn tự thân chân lý thì chẳng biết nơi đâu mà tìm cho được.

Lấy kinh luận mà nghiên cứu tâm đã là chuyện buồn cười, lại nhè người khác mà vấn nạn tâm thì quả là đáng khóc.

Hướng ngoại cầu tâm tâm chẳng ổn

Đem tâm kiếm đạo đạo còn lâu

Tâm ở gốc tâm sao chẳng thấy

Đạo còn nơi đạo mãi tìm đâu?


46. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

Mặc dù đã học nhiều kinh sách cũng như đi nghe giảng pháp ở nhiều đạo tràng, anh ta vẫn không hiểu đích xác “Thập Nhị Nhân Duyên”là gì. Cuối cùng anh đến tham vấn Sư:

- Xin Thầy chỉ cho pháp Thập Nhị Nhân Duyên.

Sư nói:

- Anh vừa bỏ mất một bài Thập Nhị Nhân Duyênrồi!

Tưởng Sư vừa giảng xong bài pháp đó mà anh đến trễ, chàng thanh niên đành để dịp khác. Ít lâu sau, anh đến lại xin hỏi về Thập Nhị Nhân Duyên. Sư nói:

- Anh lại vừa để mất một bài Thập Nhị Nhân Duyênnữa!

۞

Lời góp ý:

Đức Phật dạy:“Thấy thập nhị nhân duyên tức thấy pháp, thấy pháp tức là thấy Như Lai”.

Ngài Huyền Giác nói: “Vô minh thật tánh tức Phật tánh”.

Hai câu nói hoàn toàn đồng nghĩa.

Thấy thực tánh vô minh tức là minh. Minh tức là giác, giác tức là Phật tánh, Phật tánh tức Như Lai. Thấy thực tánh vô minh tức thấy“y tánh duyên khởi pháp”của thập nhị nhân duyên.

Nói thập nhị nhân duyên dành cho Duyên Giác là chuyện ấu trĩ thật buồn cười. Không ai thành Phật mà không thấy thực tánh của vô minh, không ai giác ngộ mà không có con mắt thấy Pháp (Pháp nhãn). Tất cả Bồ Tát đều phải giác ngộ y tánh duyên khởi của thập nhị nhân duyên.

Thập nhị nhân duyên lại không khác Tứ đế. Phân Tứ đế cho Thanh Văn, Nhân Duyên cho Duyên Giác lại là chuyện buồn cười hơn nữa. Vô minh tức Tập đế. Vô minh tạo ra ảo giác sinh tử khổ đau tức Khổ đế. Thấy thực tánh vô minh tức đạo đế. Vô minh chỉ là ảo tưởng không có thật, nên thấy thực tánh vô minh có nghĩa là thấy vô minh không có thực tánh, hay nói một cách khác, vô minh diệt tức Diệt đế. Vậy Thập Nhị Nhân Duyên là một cách nói khác của Tứ đế mà thôi.

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát-nhã-ba-la-mật-đa chính là tu Đạo Đế. Chiếu kiến ngũ uẩn giai không: ngũ uẩn tức Tập Đế, giai không tức Diệt Đế. độ nhất thiết khổ ách: khổ ách tức Khổ Đế. Vậy Bồ Tát muốn đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu Tam-bồ-đề phải tu Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên. Tất cả chư A La Hán Chánh Đẳng Giác đều đã thấy năm uẩn, mười tám giới, mười hai nhân duyên, bốn Đế giai không y như nhau cả.

Tiếc thay người mê chỉ học Pháp trên ngôn ngữ rồi luận Bắc luận Nam, nói đại nói tiểu mà bỏ mất bài học của Pháp ngay chính nơi thực tại hiện tiền.


47. PHẨM PHỔ MÔN THẬT

Một bà tín nữ thường ngày tụng niệm Phẩm Phổ Mônnhiều lần, tin rằng sẽ tai qua nạn khỏi và cầu gì được nấy. Chẳng bao lâu bà thấy có nhiều ứng nghiệm.

Nhân đến trình pháp với Sư, bà nói:

- Thưa Thầy, con tụng Phẩm Phổ Mônthấy quả thật linh ứng.

Sư ngạc nhiên nghĩ thầm: “Bà này mới tụng Phổ Môn giả mà hiệu nghiệm như thế, huống chi nếu bà tụng được Phẩm Phổ Môn thật!”

۞

Lời góp ý:

Tất cả kinh giáo đều như ngón tay chỉ mặt trăng. Mặt trăng mới là “kinh thật”, còn ngón tay chỉ là “kinh giả” lập phương tiện. Nghe nói Phẩm Phổ Môn cầu gì được nấy, người ta chẳng cần đọc hết kinh Pháp Hoa làm gì, cứ một Phẩm Phổ Môn là đủ cầu Đức Quán Thế Âm ban cho đủ điều ước nguyện. Có ngờ đâu đó là Phẩm Phổ Môn giả, còn Phẩm Phổ Môn thật lại chính là pháp tu “phản văn tự kỷ”mà mỗi người phải tự đóng vai Đức Quán Thế Âm để tự nghe tự độ. Chỉ cần thất niệm bất giác, phóng dật hướng ngoại là mất ba mươi hai thân! Mỗi người phải biết làm Đức Quán Thế Âm hay làm Quán Tự Tại Bồ Tát để“phản văn tự kỷ mỗi thường quan”. Cho nên, kinh Lăng Nghiêm nói rõ Đức Quán Thế Âm điển hình đã “sơ y văn trung nhập lưu vong sở”cho đến khi “tịch diệt hiện tiền”thì“nhĩ căn viên thông”trong ngoài nghe suốt. Nhưng không phải nghe như thiên nhĩ thông của chư thiên đâu, đây là cái nghe của người giác ngộ, nghe bằng trí tuệ quán chiếu (Vipassanà nàna).Vậy Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại là lắng nghe soi chiếu thế giới tự thân cho đến khi thông suốt trong ngoài là nhĩ căn viên thông vậy.

Xưa có anh chàng khờ may được một cuốn Thần Dược Thư. Trong đó nói có một vị Thần Y chữa lành bá bịnh và ghi rõ cách chữa trị của người. Chàng khờ nghe nói Thần Y chữa lành bá bịnh liền ngày đêm cầu nguyện Thần Y, nhưng bịnh anh càng ngày càng nặng. Xóm giềng thấy vậy hỏi sao anh không theo toa trong sách mà bổ thuốc về uống, cầu nguyện làm gì. Anh khờ nổi giận bảo hàng xóm là đồ ngu, chẳng tin thần thánh, rồi tiếp tục ngồi cầu!


48. KHÔNG MẤT MÁT GÌ

Sư đang đi kinh hành. Một thiền sinh đến hỏi:

- Làm sao thấy được chân tướng của vạn pháp?

Sư nói:

- Bỏ ý nghĩ đó đi.

- Như thế không cần thấy chân tướng của vạn pháp sao?

Sư mắng:

- Ngươi thấy hay không thấy thì chân tướng của vạn pháp đâu có mất mát gì.

۞

Lời góp ý:

Thấy tánh thấy tướng mà còn khởi “ý niệm thấy” thì tánh tướng đó chỉ là hoa đốm giữa hư không trước con mắt bịnh. Dầu có ai thấy hay không thấy thì tánh tướng vẫn y nhiên thong dong tự tại. Vậy chẳng thà đừng thấy còn hơn thấy lầm thấy bậy. Vì thấy lầm chỉ khổ cho mình, cho người chứ tánh tướng có mất mát gì đâu.

Kinh Aggi-vacchagotta nói:“Kết luận pháp là thường, vô thường, hữu biên, vô biên, đồng nhất, dị biệt, có, không, vừa có vừa không, không có không không,... đều là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, tàn hại, não hại, nhiệt não, không hướng đến yếm ly, ly tham đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn”.

Vậy chớ có bắt chước Thánh Nhân mà gạn cho pháp những nhãn hiệu vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh hay thường , lạc, ngã, tịnh rồi đảo điên tánh tướng, bôi bác chân như (yathàbhùta), nhiễu loạn tín chúng.

Xưa có đứa con ngu dốt, mời Thầy thuốc về chữa bịnh cho mẹ. Thầy thuốc bắt mạch, kê toa, dặn dò liều lượng chu đáo. Quả nhiên mẹ uống vài thang đã hoàn toàn bình phục. Đứa con thấy thuốc hay, liền tự xưng Thầy thuốc, chữa bịnh cho người. Bất kỳ bịnh gì anh cũng cho toa thuốc đó với liều lượng y nguyên. Bịnh chẳng thấy lành, nhiều người chết oan. Cuối cùng bị vua bắt đem ra pháp trường xử trảm.

Thấy thì nên nói thấy

Không thấy cứ bảo không

Chẳng thà rằng không thấy

Còn hơn thấy bông lông.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/04/2016(Xem: 3686)
Một đại văn hào người Pháp đã viết câu “Con người không bao giờ tắm hai lần trên một dòng sông“, nhưng Dòng sông Tịnh Độ của tôi không phải là “Dòng sông định mệnh“ của Quỳnh Dao, nên đã chan hòa đến lần thứ 11 tại chùa Linh Thứu rồi mà vị giải thoát vẫn ngời ngợi tỏa sáng. Vâng, khóa Huân Tu Tịnh Độ kỳ 11 từ ngày 14 đến 20 tháng 3 năm 2016 đã có khoảng 180 Phật Tử đa số từ phương xa và 20 Chư Tăng Ni đến tham dự. Đặc biệt vẫn là HT Phương Trượng chùa Viên Giác Thích Như Điển đến khai mạc và giảng Pháp, để phần hướng dẫn khóa tu cho Thầy Hạnh Giới một chuyên gia hay nói đúng hơn là một Hành Giả chỉ dẫn chúng ta con đường ngắn nhất và nhanh nhất đến gặp Đức Phật A Di Đà.
10/03/2016(Xem: 10168)
“This is SBS Radio The many voices of one Australia Broadcasting in Vietnamese Đây là SBS Radio Và sau đây là chương trình phát thanh Việt Ngữ”... Đó là nhạc hiệu mở đầu của Ban Việt Ngữ SBS Radio vào thập niên 1990 - mười lăm năm sau ngày đàn chim Việt tan tác lìa bỏ bầu trời quê hương. Mới đó mà đoàn lưu dân lê bước chân mục tử đã 40 năm rồi! Với hành trang tị nạn trên vai khi đến với SBS Radio, trong tôi vẫn còn đọng lại những thanh âm thảng thốt, kinh hoàng, van xin cầu khẩn của các thuyền nhân đồng hành khi gặp hải tặc Thái Lan, chuyến vượt biên bất thành đưa những con người sắp đến bờ tự do quay trở về quê cũ để rồi tất cả đều bị bắt vào tù, dù là trẻ con còn bồng ẳm trên tay. Đất nước tôi như thế đó, những con người còn lại trên quê hương sống vất vưởng đọa đày, những con người bỏ nước ra đi không nhìn được trời cao mà lại chìm mình dưới lòng biển lạnh
10/03/2016(Xem: 10138)
Năm 1979 thường được coi là điểm khởi đầu của nền báo chí Việt ngữ tại Úc khi số đầu tiên của tờ Chuông Sài Gòn được phát hành tại Sydney. Tờ báo này xuất bản 2 tuần một lần và sau đó đã trở thành một tuần báo. Trong vòng bốn thập niên qua, truyền thông tiếng Việt đã trải qua thời kỳ phát triển không khác chi truyền thông của các cộng đồng văn hóa đa nguyên khác, theo nghĩa là ngành này đã phát triển về số lượng cũng như sức mạnh theo đà phát triển của cộng đồng nói tiếng Việt.
01/02/2016(Xem: 15194)
“Đế Minh” là cháu ba đời Vua“Thần Nông”tuần thú, chuyển dời phương nam Đến núi Ngũ Lĩnh, (Hồ Nam) (1) Gặp nàng “Tiêngiới” lấy làm hân hoan Kết duyên chồng vợ vẹn toàn Sinh con: “Lộc Tục” hiền ngoan nhất đời “Đế Minh” quyết định truyền ngôi
31/01/2016(Xem: 3423)
Dì Trang là em của má tôi. Nếu không kể bên phía má, tôi có thể gọi dì bằng vai thấp hơn. Đơn giản, ba tôi là chú của chồng dì Trang. Khi ba tôi rời Hà Tĩnh để vào Nam, vào một thời xưa lắm, nghĩa là nói kiểu dân gian là năm một ngàn chín trăm gì đó, có dẫn theo một người cháu.
31/01/2016(Xem: 2899)
Tôi trở về Huế với một tâm trạng nôn nao bồi hồi! Hơn 30 năm sau mới nhìn lại Huế thân yêu, nơi đã cho tôi mật ngọt của thời mới lớn! Phi trường Phú Bài vẫn vậy, vẫn u buồn ảm đạm vào mùa mưa lụt, dù đã mấy mươi năm qua cũng chẳng rộng lớn, sửa sang gì hơn. Đã thế, tôi đặt chân xuống phi trường khi trời đã về chiều nên càng hiu hắt buồn. Niềm vui rộn ràng chỉ bừng lên khi thấy một số bạn cũ đã đứng chờ sẵn bên ngoài. Chúng tôi chỉ biết ôm nhau trong tay với bao niềm cảm xúc, nhìn nhau miệng cười mà nước mắt rưng rưng!
30/01/2016(Xem: 6105)
Có một y viện huyện thuộc vùng cao nguyên Thái Lan, do giao thông bất tiện nên bệnh nhân phải đi từ sáng sớm đến bệnh viện để khám và kịp quay về nhà trước khi trời tối.
20/01/2016(Xem: 4507)
Xin có vài dòng tâm tư nơi đây. Truyện này có một tựa đề rát là phim bộ Hàn Quốc. Tác giả đã nghĩ tới các tựa đề khác cho nhẹ nghiệp tình -- thí dụ như “Tay Ai Chưa Nắm Một Lần” hay “Dây Chuông Ai Níu Bên Trời” – thì lại rất là cải lương, và chẳng hấp dẫn tí nào. Truyện này có thể có vài dị bản khác nhau. Nguyên khởi là viết cho Báo Xuân Việt Báo theo nhu cầu phải có chất lãng mạn thế gian. Cùng lúc, gửi cho nhà thơ Kinh Bắc để đăng trên ấn bản xuân tạp chí Suối Nguồn (của Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang), với lời dặn dò rằng xin nhà chùa tùy nghi sửa đổi, cắt bớt, hay thêm vào sao cho phù hợp với chánh pháp.
15/01/2016(Xem: 12081)
Ngày xưa ở tại ven sông Có chàng khỉ sống ung dung một mình Mạnh sức lực, lớn thân hình Thêm tài nhảy nhót tài tình kể chi. Giữa sông có đảo đẹp kia Bao nhiêu cây cối rậm rì xanh tươi Trái cây ngon ngọt khắp nơi Nào hồng, nào chuối chào mời khỉ ta. Từ bờ tới đảo khá xa May thay có đá nhô ra giữa dòng
13/01/2016(Xem: 13907)
Việt nam nước tôi có chiều dài lịch sử thăng trầm trãi qua nhiều thời kỳ chống giặc ngoại xâm để giữ vững và mở rộng biên cương tổ quốc. Rồi qua hơn ba thập niên kể từ năm 1945 đến năm 1975 của thời hiện đại lại thêm một lần nữa Tổ quốc ngập chìm trong khói lửa chiến tranh tương tàn mà cho đến tận ngày nay vết thương vẫn chưa chữa lành bởi vì người ta nhân danh chủ nghĩa này lý thuyết nọ là những ý thức hệ ngoại lai.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]