Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Chú Dương

16/09/201100:39(Xem: 7513)
08. Chú Dương

Thích Nhất Hạnh
TÌNH NGƯỜI
Truyện của tác giả khi còn là chú điệu
Lá Bối xuất bản

8. Chú Dương

Thời hạn giữ bò của tôi đã qua. Bò được giao lại cho chú Dương. Chú Dương đã gần bốn mươi tuổi, rất mạnh khỏe, tu từ bé tí nhưng đến nay chỉ lên đến chức Chú mà thôi. Chú có tay trái nên làm gì Chú cũng chỉ sử dụng tay phải. Chỉ một tay thôi mà chú có thể làm được hầu hết tất cả mọi việc. Chú có thể buông gàu xuống giếng múc nước rồi kéo kên bằng một tay, cuốc đất bằng một tay, hái củi bằng một tay. Tay có tật chỉ có thể giúp Chú như một điểm tựa. Chú hay cười, và cái cười rất dễ mến. Điệu nào cũng thân với Chú. Chú là một nhân vật đặc biệt trong chùa và là một người đã giúp tôi suy nghĩ rất nhiều đến sự cần mẫn và đức tin vững chãi nơi những cố gắng đều đều ở hiện tại.

Điệu nào cũng phải qua một thời gian giữ bò và khi thời gian hết thì bò lại được trao cho chú Dương. Trong những thời gian không giữ bò, chú Dương đi làm những việc khác. Chú vui lòng làm tất cả những việc gì mà các Thầy yêu cầu. Dì Tư hay nhờ Chú đi gánh giúp ít đôi nước hoặc đi kiếm ít củi. Chú ít có mặt trong những buổi nói chuyện thân mật của từng nhóm trong đại chúng.

Chỗ của chú ngủ là lầu chuông. Chú giữ việc thỉnh chuông khuya, vừa thỉnh chuông vừa ngâm kệ. Tiếng ngâm của chú đầm ấm mà rất tha thiết, có lẽ tha thiết hơn bất cứ tiếng của ai trong chùa:

“Hồng chung sơ khấu

Bảo kệ cao âm

Thượng thông thiên đường

Hạ triệt địa phủ ...”

Trong đêm khuya, tiếng ngâm kệ của Chú làm cho cả chùa ấm áp. Tôi cũng thức dậy từ tiếng khai chung thứ nhất và dù trời lạnh lẽ cũng phải chui vào cái bếp nhỏ phía giữa nhà hậu và liêu phòng của Lạc Nghĩa Đường mà nhóm lửa nấu trà hầu thầy. Khi bếp lửa đỏ rồi tôi mới hết run. Tôi hơ tay trên lửa và lắng nghe tiếng chú Dương xen lẫn với những tiếng đại hồng chung ngân dài, và đôi khi dồn dập:

“Văn chung thinh

Phiền não khinh

Trí tuệ trưởng

Bồ đề sinh ...”

Boong ... tiếng chuông khuya sao mà tinh tiến thiết tha, như tiếng kệ của chú Dương không khác. Không ai nghe tiếng đó mà không choàng dậy để lo sửa soạn ngồi thiền hoặc đi công phu. Mỗi khi có người ngủ quên không nghe cả tiếng chuông, chú Dương thường nói: ngủ quên không nghe tiếng chuông thì không sao, nhưng nếu đã thức mà nghe không dậy, tội to lắm. Tội ấy là tội kiếp sau làm rắn, chỉ nằm hoài mà không đứng dậy được. Rồi chú đọc câu kệ:

“Văn chung ngọa bất khởi

Hộ pháp thiện thần sân;

Hiện thế duyên phước bạc

Lai thế thọ xà thân”.

Nghe mà muốn ớn lạnh xương sống. Không ai dám trùm chăn mà ngủ thêm nữa, khi nghĩ đến mấy câu kệ ấy!

Cả chùa dậy lúc bốn giờ sáng mà trong khi tôi hoặc chú Mãn nấu trà thì chú Dương đánh chuông, chú Giải lo việc hương dâng. Chuông đánh trong khi các Thầy ngồi tham thiền. Rồi khi chuông gần nhập, nghĩa là dứt, thì các Thầy ra khỏi phòng, uống trà và sửa soạn đi công phu sáng. Những ai không đi công phu thì lo học bài. Chú Dương cho rằng chú phải đi con đường “tu phước” hơn là đi con đường “tu huệ” cho nên không chịu học thêm nữa mà chỉ lo làm công quả, thỉnh chuông và đi công phu. Khi chuông sớm đã “nhập’, chú vào chùa theo cửa hông và đi công phu với đại chúng. Tôi đứng chấp tay ở phía trước và nghe rõ tiếng tụng kinh rất thiết tha của chú. Có khi chú không theo kịp tiếng mõ nhưng mà chú rất chịu khó lắng tai nghe để hòa tiếng kinh của chú vào trong tiếng của đại chúng.

Sau này ở Phật Học Đường Báo Quốc, tôi hay về thăm chùa mỗi nửa tháng, và dầu đã lên chức Chú, đã học “giỏi” hơn chú Dương nhiều, tôi vẫn kính trọng Chú như đàn anh. Tôi thường nói riêng với chú Mãn: “Mình có cơ duyên học nhiều, nhưng sự trì chí của mình chắc chắn là không bằng của chú Dương. Biết đâu một kiếp nào đó gặp lại chú, mình phải công nhận rằng mình tuy đi mau nhưng lại tới trễ”. Và có một bữa nhìn chú Dương đóng chuồng bò, tôi nói với chú: “Khi nào chú thành Phật chú nhớ độ cho tôi với nghe chú Dương”. Câu nói thành thật nhưng mà chú tưởng là tôi nói đùa. Chú cười có vẻ hoan hỷ. Tôi tức quá, nói: “Thật đó, tôi nói thật đó mà chú Dương”.

Nhưng mà Chú vẫn không tin. Tôi đành chịu vậy. Tôi nhớ lại câu chuyện “vận thủy bang sài” ngày xưa của tổ Huệ Năng. Tổ thật ra có học hành gì đâu, nhưng nhờ căn trí mà “huệ” đã phát ra một cách tự nhiên, nhờ công việc gánh nước, kiếm củi, giã gạo. Y và bát tượng trưng cho sự đạt đạo đã được tổ Hoằng Nhẫn truyền cho Ngài. Tôi có cảm tưởng rằng đi đâu, mấy mươi kiếp về sau trở lại chùa, tôi vẫn gặp chú Dương với phong độ, nụ cười và niềm tin cũ. Chú Dương như một cây đại thọ nhiều hùng lực, khiến tôi say mê.

Chẳng có khi nào chúng tôi đem giáo lý “cao siêu” mà nói cho chú Dương nghe. Tôi có cảm tưởng Chú không cần giáo lý cao siêu. Chú thường nhìn chúng tôi và nói: “Tôi mừng mấy Chú được có cơ duyên học tập cao xa. Tôi thì bao giờ cũng vẫn như thế này”. Chú không biết rằng chúng tôi chẳng hề tự hào chút nào về cái học “cao xa” của chúng tôi cả. Chúng tôi chỉ biết sau này mỗi khi ngắm Chú, tự nhiên trong lòng cảm thấy hơi bâng khuâng và e ngại. bâng khuâng và e ngại vì không biết mình sẽ có được vững chãi mãi mãi trên con đường cam khổ như chú Dương hay không; và chỉ cần nhìn nơi Chú thôi, chúng tôi cũng biết rằng đời Chú sẽ còn vững chãi mãi mãi như thế.

Chuông tối phải thỉnh đủ một trăm lẻ tám tiếng, Chú Dương, tôi biết, rất cẩn thận về điều đó. Dưới giá chuông có giăng một sợi dây thép mang một trăm lẻ tám cái thẻ. Mỗi khi thỉnh một tiếng chuông, chú kéo một cái thẻ từ trái sang phải, như vậy cho đến khi nào đủ một trăm lẻ tám thẻ thì chú mới đọc kệ “nhập chung”. Chuông sáng bao giờ cũng dồn dập hơn chuông chiều. Chuông chiều thì phải hết sức khoan thai. Chú Dương nói: Chuông sáng phải dồn dập hơn để thúc giục các người khuất mặt trở về cõi âm trước khi trời sáng. Riêng tôi thì tôi thấy tiếng chuông dồn dập buổi sáng có công hiệu thúc đẩy và đập tan sự biếng lười.

Chú Dương chỉ có một cái tật nhỏ thôi là tật hút thuốc. Nhưng có lẽ đối với chú Dương, điều đó không nên gọi là một cái tật. Đó là một cái gì cần thiết ấm áp cho chú, cũng như tình bạn cần thiết giữa tôi và chú Mãn. Cái tình bạn ấy không phải là một cái tật hay sao? Nếu chú Dương thiếu thuốc, chú sẽ cảm thấy thiếu thốn và khó chịu. Chúng tôi cũng thế, một ngày mà hai anh em không được có dịp nói chuyện với nhau thì thật là thiếu thốn quá.

Vì hút thuốc cho nên chú Dương phải trồng một đám thuốc ở khoảng vườn phía sau mấy ngôi cổ tháp. Những cây thuốc lên xanh um, có những lá thật to bản. Chắc thế nào chú cũng có bón bằng phân bò và phân bổi. Có những buổi trưa tôi thấy chú hái thuốc về và ngồi sau hiên nhà hậu để xâu những lá thuốc vào từng xâu dài treo hóng dưới nóc liêu. Những xâu thuốc sẽ héo dần trong bóng mát thẫm mầu. Rồi có những buổi chú đem thuốc xuống, tước cuống đi và cuộn thành từng cuộn chặt, dài, và khoanh thành tửng khoanh tròn. Từng đó việc, chú chỉ cần làm một tay. Cho đến khi xắt thuốc, chú cũng chỉ làm một mình. Chú vấn thuốc rất tài. Những buổi trời mưa lùa bò ra núi, chú luôn luôn có một điếu thuốc trên môi cho ấm, tuy thế chú chẳng bao giờ hút thuốc trong những cần phải nghiêm trang. Trời có lạnh mấy đi nữa thì chú cũng không hút thuốc trong khi chú thỉnh chuông.

Có những buổi sáng tôi đi theo chú ra núi hái củi. Cầm một chiếc khèo dài chú khèo những cành thông khô thật cao xuống. Thông gãy răng rắc làm chúng tôi phải tránh ra xa. Thế rồi tôi gom góp những cành thông khô lại và hai chúng tôi vác mỗi người một ôm củi khá lớn về chùa.

Trong lúc tôi viết bài này thì chú Dương vẫn còn ở chùa, mạnh khỏe như một cây đại thọ, tuy rằng tuổi chú đã cao. Chú Dương thuộc về thế hệ của những người không phải bận tâm về vấn đề thời cuộc. Chú không phải và nghe những điều chú Mãn và tôi phải thấy và nghe. Chúng tôi phải nghĩ đến những điều rắc rối như là vấn đề duy tân đạo Phật, đem đạo Phật trở lại trong cuộc đời như thuở Lý Trần. Chúng tôi phải nghĩ đến vấn đề học hỏi, thực tập, thi cử, giảng diễn và tổ chức lại giáo hội. Chúng tôi phải lo nhiều việc quá mà không biết có nên được việc gì không. Con người của chúng tôi bị thực tại xã hội xâm chiếm quá nhiều, và trong chúng tôi niềm thắc mắc chung của thời đại đã trở thành niềm thắc mắc riêng tư. Cho nên tôi càng thấy nếp sống bình tĩnh và vô tư của Chú Dương là quý hóa. Thế hệ Chú có quyền nghĩ đến vấn đề của bản thân và giải quyết vấn đề đó như vấn đề quan trọng nhất của cuộc đời. Mà thực ra thì con người phải có quyền như thế. Trong khi viết những dòng này, tôi biết tâm hồn tôi không được an tĩnh bằng tâm hồn chú Dương. Đó là một điều tôi thấy thua chú, khiến tôi ước ao. Có lẽ đọc những dòng này, Chú sẽ mỉm cười cười cho là tôi lắm chuyện, nhưng thực ra, thế hệ chúng tôi vô phước hơn thế hệ của Chú nhiều. Làm sao chúng tôi có thể đóng lại chiếc cửa sổ đã mở ra cho chúng tôi nhìn vào cuộc đời, cuộc đời đầy dẫy những vấn đề, cuộc đời đã khiến cho người trai trẻ Tất Tạt Đa băn khoăn thao thức tìm phương cứu độ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/01/2014(Xem: 22270)
Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu.
01/01/2014(Xem: 7865)
Sau mấy chục năm dài xa quê hương, lần đầu tiên trở về nước, tôi muốn dành cho cả gia đình một bất ngờ lớn nên không báo trước để ai ra đón cả. Lúc ngồi trên máy bay, tôi mường tượng một cách đơn giản ra con đường nào dẫn vào xóm Biển, nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên với tất cả những ngày tháng êm đềm nhất của thời niên thiếu. Nhà tôi bao năm qua vẫn ở nơi ấy, bố mẹ và các em tôi vẫn quây quần cạnh nhau trong cái xóm Biển hiền hòa an bình ấy, nhất định tôi sẽ tìm ra được nhà mình, không lầm lẫn vào đâu được.
31/12/2013(Xem: 3442)
Đời người được bao nhiêu mà chiếc khăn bàn ấy đã ở với tôi gần nửa thế kỷ! Cho đến nay vẫn đang còn và có lẽ sẽ còn mãi với tôi cho đến cuối cuộc đời!
30/12/2013(Xem: 18151)
Hương Lúa Chùa Quê, 1 tập truyện hồi ký, ( 432 trang), hoài niệm tuổi thơ của hai tác giả, vừa là anh em ruột, vừa là hai vị giáo phẩm trong hàng lãnh đạo của PGVN ở hải ngoại, đó là Hòa Thượng Thích Bảo Lạc (Úc Châu) và Hòa Thượng Thích Như Điển (Đức Quốc) . Sẽ online trong thời gian sớm nhất, kính mời quý độc giả đón đọc. Nam Mô A Di Đà Phật.
25/12/2013(Xem: 11401)
Con người sanh ra trên cõi đời này đã mang theo nghiệp nhân của đời trước, lúc lớn lên lại gây tạo thêm nghiệp mới. Nghiệp nhân cũ cộng với nghiệp nhân mới nên chi phối cuộc đời còn lại (cận tử nghiệp) của mỗi người.
20/12/2013(Xem: 10942)
Bộ phim là câu chuyện có thật về chú chó Nhật được cả thế giới biết đến như một biểu tượng về tình yêu thương vĩnh cửu. Đây chắc chắn là bộ phim mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng không thể nào quên.
12/12/2013(Xem: 19098)
Bé trai Ryan 5 tuổi sống tại bang Oklahoma (Mỹ) kể về lần nhìn thấy Marilyn Monroe tại một bữa tiệc nhưng chưa kịp tiến lại gần cô đã bị một cú đấm vào mặt bởi một vệ sĩ.
12/12/2013(Xem: 5787)
Vào những ngày cuối tháng của năm, tôi có dịp lên Sàigòn, không khí sinh hoạt nhộn nhịp hẳn lên, bao hình ảnh xem như đã chuẩn bị trước từ nhiều tháng qua, những sắc màu, những âm thanh ầm ỉ của người, xe cộ và sự va chạm của mọi thứ xung quanh trong cuộc sống quay cuồng, làm chóng mặt và choáng ngợp cả mắt…
11/12/2013(Xem: 8316)
Bà cụ già đau yếu than thở với bà bạn thân nhất của mình, “Tôi ghét cái tuổi già. Tôi ghét vì phải ở đây trong cái nhà dưỡng lão này.” Bà bạn lên tiếng, “Chúng mình phải lạc quan.” “Lạc quan về cái quái gì chứ? Trời đất ạ!” “Vậy thì, bà đang đau nhức hay sao?”
11/12/2013(Xem: 22909)
Đi tu không có nghĩa là phải vào chùa, cạo bỏ râu tóc mà phải được hiểu rộng rãi hơn nhiều! Đi tu là một quá trình khám phá tâm linh. Chúng ta học ứng dụng những lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày của mình. Tu là chuyển hóa bản thân, từ vô minh đến trí tuệ, là tìm kiếm, khám phá con đường đưa đến hạnh phúc và an lạc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]