Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Dì Tư

16/09/201100:39(Xem: 7665)
03. Dì Tư

Thích Nhất Hạnh
TÌNH NGƯỜI
Truyện của tác giả khi còn là chú điệu
Lá Bối xuất bản

3. Dì Tư

Không biết dì Tư xuất gia từ độ nào. Chỉ nghe nói rằng dì vào chùa đã lâu lắm, hồi Hòa thượng chưa viên tịch. Năm nay dì đã già lắm, có lẽ trên 60. Răng của dì chỉ còn lại năm ba cái, nhưng dì còn mạnh khỏe lắm. Dì ở chung với dì Bang trong một cái liêu nhỏ, phía nhà Trù. Hai dì lo việc bếp núc để giúp đỡ phần nấu nướng cho chư Tăng. Dì Bang khó tánh hơn, nên chúng tôi ít gần, còn dì Tư thì luôn luôn hoan hỷ. Dì thương chúng tôi lắm. Chú Tâm Mãn và tôi khi có chuyện gì hay, thường đến thuật lại với dì. Bao giờ dì cũng đãi chúng tôi một nụ cười dễ dãi, hiền hậu. Mỗi khi cười nhiều, đôi mắt dì nheo lại gần như nhắm. Dì không biết quốc ngữ. Chứ Tâm Mãn dỗ ngon dỗ ngọt bảo dì học, nhưng dì vẫn nhứt quyết không chịu:

- Thôi, các chú nghĩ bi chừ tui học tiếng Tây mần chi? Tui già rồi. Các chú mới cần học cho hung để sau ni làm việc cho đạo. (Tôi xin dịch: Thôi! Các chú nghĩ: bây giờ tôi học tiếng Tây làm gì? Tôi già rồi. Các chú mới cần học cho nhiều, để sau này làm việc cho đạo).

Chú Mãn cười:

- Ấy, ai bảo dì học tiếng Tây dâu? Chúng tôi khuyên dì học chữ quốc ngữ mà. Chữ quốc ngữ là chữ của nước mình.

Nhưng dì không nghe. Bởi vì dì không thể tin rằng cái thứ chữ viết bằng bút sắt mà lại là cái chữ của mình được. Chữ của nước mình, theo dì, là chữ “an nam”, chữ viết bằng bút lông kia.

Về chữ “an nam” thì dì cũng biết vò vẽ. Nghĩa là dì có thể đọc chập chững được bài Thập phương hay bài Nhất tâm quy mạng. Dì rất siêng năng. Không có thời tịnh độ nào là dì không đi. Mỗi khi gần đến giờ tịnh là dì lo rửa mặt, rửa tay thật sạch sẽ. Dì mặc chiếc áo rộng màu lam, cổ đeo một tràng hạt huyền đen nhánh, chân đi đôi guốc lẹp kẹp. Dì kéo lê đôi guốc từ dưới bếp lên lầu chuông, rồi thì từ lầu chuông, dì đi chân không vào chùa đứng nép vào một góc để chờ đại chúng thăng đường hành lễ.

Dì rất ham học. Dì đã thuộc lòng Di Đà, Hồng Danh Khể Thủ và Quy Mạng. Dì muốn học Lăng Nghiêm. Chú Tâm Mãn và tôi sợ dì không thể nào thuộc được Lăng Nghiêm, bởi vì chú Lăng Nghiêm dài bằng năm sáu chú Đại bi. Làm sao mà dì học thuộc cho nổi, khi mà dì đã già rồi, trí óc dì đã lẩm cẩm hay quyên rồi! Nhưng dì tha thiết quá, thành khẩn quá. Chúng tôi đành phải chiều dì. Thế là chú Tâm Mãn lấy một xấp giấy vàng bạc, đóng cho dì một cuốn tập. Tôi dán thêm cho dì hai cái bìa cứng phết nước nâu. Mỗi ngày tôi viết trên sách ấy mấy câu, bắt đầu từ Diệu trạm tổng trì bất động tôn ... Chữ viết rất lớn, một chữ to gần bằng hộp diêm. Tôi nói:

- Bắt đầu từ hôm nay, chú Mãn chỉ cho dì học, mỗi ngày một câu. Dì siêng năng thì chừng ... năm tháng có thể học thuộc được kinh này.

Dì cười, mắt híp lại và hai hàm răng sún vẫn rất dễ thương:

- Năm tháng không xong thì bảy tháng. bảy tháng không xong thì một năm. Chú đừng lo tôi không thuộc.

Rồi dì học rất siêng năng, Chú Mãn cứ tiếp tục chỉ cho dì học, ba bốn hôm như thế. Cho đến hôm thứ năm, khi chú Mãn sắp sửa chỉ bài mới, tôi liền đến “khảo hạch”, bắt dì đọc lại bài cũ. Bị thầy bắt trả bài một cách bất ngờ, học trò luống cuống ngay. Thế là dì đọc không trôi tám câu đã học. Tôi nói:

- Không được. Học như thế này thì không bao giờ thuộc được Lăng Nghiêm, Rồi cứ học sau quên trước, học trước quên sau, đến bao giờ thuộc được.

- Rứa thì thưa chú, chú có cách chi học cho mau thuộc, chú chỉ biểu cho tui học với.

Tôi nói:

- Bây giờ thì thế này. Mỗi ngày học vài câu. Hôm nay chỉ bài, ngày mai dò lại. Mà dò không thuộc thì bắt học lại bài cũ. Cứ ba bữa thì học ôn một lần. Dì chịu không?

- Chịu.

- Vậy thì bữa nay bắt đầu học lại. Hôm nào không thuộc thì bị phạt.

- Phạt thì tôi cũng chịu phạt, bởi vì học mà không sợ phạt thì mần răng cho mau giỏi, nhưng mấy chú tính phạt mần răng? Quỳ hương thì tôi quỳ không nổi, bởi vì đầu gối yếu hung (yếu lắm) rồi.

Tôi cười:

- Ai bắt dì quỳ hương bao giờ. Để nghĩ ra cách khác.

Dì lại cười:

- Thưa các chú, các chú cứ nghĩ đi.

Tôi đang nghĩ đến các lối phạt ở trường học, nào “Cồng xin” (consigne), nào chép bài, nào quét lớp ... thì bỗng chú Mãn phá lên cười. Tôi vội mắng:

Ấy chết, không được cười lớn, chú Mãn! Quý Thầy nghe, quý Thầy rầy chết. Phải học hạnh trang nghiêm, chớ bao giờ cười lớn như thế.

Chú Mãn cố nín cười:

- Em đang nghĩ đến một lối phạt, mà đã nghĩ ra rồi nên bật cười không thể ngăn cản được.

Tôi hỏi:

- Chú nghĩ ra cách nào, nói thử xem.

- Thế này nhé, mỗi khi dì không thuộc, thì dì phải cung cấp cho hai anh em mình bốn khuôn đậu phụ chiên để ăn trong bữa cơm ngọ.

Dì Tư cười gần ngã sấp. nhưng tôi tán thành ngay:

- Phải đấy, tôi đồng ý với cái lối phạt đó.

Cái món ăn thích nhất của chúng tôi là đậu khuôn (đậu phụ) chiên. Chùa nghèo, thành thử phần lớn các bữa ăn đều là đạm bạc. Một bữa cơm có đậu phụ đối với chúng tôi, là một bữa cơm “lý tưởng” mà dì Tư lại có thể là tác giả của những bữa cơm lý tưởng ấy! Bởi vì dì giữ cái phần đi chợ, mua các thức ăn. Bốn khuôn đậu (hay hai thôi cũng quý rồi) dành riêng cho chúng tôi! Thật là một điều hy hữu. Chúng tôi thường chấp tác ngoài vườn chùa từ mười tới mười hai giờ, và thường trở về chùa ăn cơm sau đại chúng. Một mâm cơm nhỏ đợi hai chúng tôi ở trên ghế quá đường mỗi khi chúng tôi về muộn. Nếu trên mâm cơm ấy mà thỉnh thoảng “ngự” một đĩa đậu khuôn rán thì thú biết chừng nào!

Cái lối phạt mà chúng tôi mới phát minh ra, chúng tôi rất bằng lòng nó. Dì Tư cũng bằng lòng. Ấy thế là thỉnh thoảng chúng tôi được thưởng thức trong bữa cơm những miếng đậu phụ thơm tho và ngon lành. Chú Tâm Mãn còn ít tuổi nên có lúc không nhịn được cười, cứ vừa ăn vừa khúc khích. Tôi cũng muốn cười, nhưng thấy mình lớn hơn, đành phải “lập nghiêm”:

- À ra cái chú Tâm Mãn này, ăn cơm không quán “ngũ quán” mà cứ cười mãi nhé!

Có một độ, dì Tư thuộc bài luôn luôn. Chúng tôi không có dịp phạt và vì thế, đậu khuôn cũng vắng trên mâm cơm, tôi nói với chú Tâm Mãn trong một bữa cơm trưa:

- Lâu nay không có đậu khuôn chú Mãn nhỉ.

Chú Mãn ghé miệng vào tai tôi thầm thì. Tôi gật đầu và mỉm cười:

- Đồng ý với chú.

Thế là buổi chiều hôm đó, dì Tư phải học đến bốn câu. Tôi chắc thế nào ngày mai dì cũng “bị phạt”. Trưa ngày hôm sau, vào giờ “chỉ tịnh” tôi xuống bếp tìm mượn cây dao nhíp lên rọc giấy đóng sách, thì thấy dì đang dựa lưng vào thành cối ngủ gật, tay cầm quyển kinh. Nghe tiếng động, dì ngồi ngay dậy. Tôi hỏi:

- Sao dì không vào nghỉ trưa một chút kẻo mệt? Dì đi nghỉ đi, để chiều làm việc. Chiều nay còn đi kiếm thêm củi nữa nhé.

Dì nói nhỏ:

- Tui phải học cho thuộc không thì chiều ni bị chú Mãn phạt. Nguy lắm.

Tôi cười:

- Nguy gì! Chỉ tốn công chiên đậu phụ mà thôi.

Nhưng dì gọi tôi đến gần, hạ giọng:

Chiên đậu thì không tốn công mô, nhưng mà lâu nay tiền chợ hằng ngày thầy thủ khố (quản lý) phát chừng mực lắm. Năm nay lúa ruộng của chùa thâu được không bao lăm. Tiền không đủ mua rau cho đại chúng, thì lấy mô để mà mua đậu khuôn nộp phạt.

- Vì vậy mà dì cố học bài cho thuộc để khỏi bị phạt chớ gì?

Dì gật. Cái gật đầu có vẻ đăm chiêu, nhưng rồi dì lại cười. Nghe dì nói, và nhìn cái cười của dì, tôi thấy hơi hối hận. Rồi cảm thấy thương dì vô hạn. Tôi nói:

- Tôi và chú Mãn sẽ bỏ cái lối phạt ấy từ nay. Sẽ tìm cách phạt khác. Từ nay dì đừng chịu phạt đậu khuôn nữa nhé. Thôi dì cất sách mà đi nghỉ một lát kẻo mệt.

Dì Tư vui vẻ làm theo ngay. Tôi vào phòng chú Mãn, thầm thì với chú câu chuyện vừa xảy ra. Rồi tôi dí một ngón tay lên trán chú:

- Chỉ tại chú đấy nhé.

Chú Mãn nhìn tôi hơi trách móc, và nói như làm nũng:

- Thế ai bảo chú đồng ý với em?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/04/2019(Xem: 8502)
Nó bị người ta tra tấn hành hạ rất dã man, quá đói mà không có gì ăn phải ăn cả vỏ bánh kẹo của du khách, bây giờ nó đã được giải thoát và sống cuộc sống vui vẻ, tự do. Trong suốt 50 năm, chú voi Raju sống một kiếp sống nô lệ. Không ai biết cuộc đời trước kia của nó là như thế nào, chỉ biết rằng nó đã bị bắt cóc khỏi mẹ và tách khỏi bầy từ khi còn rất nhỏ, rồi được bán đi bán lại qua tay của 27 người chủ khác nhau như một món hàng hóa, để rồi cuối cùng chôn vùi cuộc đời mình tại một sở thú ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.
30/03/2019(Xem: 7982)
Sách của Hòa Thượng Thích Như Điển đã có trên Amazon, ĐH Nguyên Minh, ĐH Nguyên Đạo đã rất nhiệt tình và đã bắt đầu đưa dùm những sách của tôi viết cũng như dịch lên trang Amazon, Xin niệm ân TT Nguyên Tạng, Thầy Hạnh Tuệ cũng như ĐH Nguyên Minh, ĐH Nguyên Đạo, Đh Quảng Pháp Triết Trần, Đh Tân Thường Định rất nhiều về việc nầy để đưa những tác phẩm này đến với độc giả gần xa.
24/03/2019(Xem: 4005)
Mẹ kể: Năm 1960. Khi em bé Mười Dư chào đời, xuất hiện trong nhà như một thiên thần lạ lẫm thì cậu bé anh kề, thứ Mười (sinh năm 1958), quý em bé lắm. Anh thương em lắm lắm.
24/03/2019(Xem: 3763)
Ở bên Ấn Độ thời xưa Trong vương quốc nọ gió mưa thuận hoà Ngựa vua quý báu, kiêu sa Mỗi khi tắm táp hay ra phía ngoài Nơi dòng sông chảy khoan thai Có vùng nước cạn các nài thường quen Thường mang ngựa tắm nhiều phen Từ lâu vẫn ghé qua bên sông này.
21/03/2019(Xem: 4085)
Ba cô người mẫu Hollywood bất ngờ xuất hiện tại một khu thương mại sầm uất của Thành Phố Mumbai. Vẻ đẹp thiên kiều bá mị, thân hình quá hấp dẫn, ăn mặc hở hang của ba cô đã làm khu phố rộn cả lên. Trẻ con thì bám theo reo hò. Phó nhòm của các báo lá cải đua nhau chụp hình rồi về đưa lên trang nhất hoặc trang tin điện tử của Yahoo News. Những báo này được bày bán ở các siêu thị ở Mỹ cho tầng lớp “bình dân giáo dục” thích đọc chuyện tình ái lăng nhăng, mông to, vú lớn, chân dài, ly dị, ngoại tình, giày dép, kính đeo mắt, quần áo, đồ lót, nữ trang, ví xách tay của các cô đào, người mẫu, công nương, hoàng tử…xem xong thì quăng vào sọt rác. Nếu còn ở Việt Nam thì xếp đống rồi đem bán ký-lô kiếm tiền tiêu vặt.
16/03/2019(Xem: 3618)
Đường của ruộng, lúa đồng phả hương con gái, phất phơ gió mùa mơn mởn làng quê.Vẫn tên giòng nước năm xưa soi bóng lũy tre, uốn mình dọc bờ về quê ngoại; cánh cò điểm trắng nền xanh lúa mạ, nước Hương Giang tiếp sức cổ thành.
04/03/2019(Xem: 4904)
Ngoài địa danh cầu Thủ Huồng, ở Đồng Nai còn có những địa danh khác như chùa Thủ Huồng, rạch Thủ Huồng đều gắn liền sự tích một nhân vật có thật tên Thủ Huồng đã được ghi trong sử sách.
28/02/2019(Xem: 3899)
Mới hồi trưa nay, ngủ say với 'thử thể bất an" rã rời mệt mỏi, tôi mơ thấy Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Tôi vội quỳ sụp xuống, dập đầu lạy liên tục, mà lúc đó vẫn thấy biết là mình đang rúng động tâm can, ngập tràn hạnh phúc... - Con kính bái Tổ Sư... - Hứ!
26/02/2019(Xem: 8349)
Hai nhà buôn thuở xa xưa Vẫn thường liên lạc thư từ với nhau Ông già thành thị rất giàu Ở Ba La Nại từ lâu đời rồi Chàng kia ở phía xa xôi Nơi làng biên giới ít người ghé đây,
25/02/2019(Xem: 15540)
Bức Tượng Phật ngồi lưng vua độc nhất Việt Nam ở Hà nội, Vua Lê Hy Tông cho tạc tượng đặt trong chùa Hòe Nhai để bày tỏ sám hối vì đã cư xử sai lầm với đạo Phật
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]