Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 07

11/09/201112:45(Xem: 7629)
Chương 07

NẺO VỀ CỦA Ý
Nhất Hạnh

PHẦN THỨ HAI

VII

Hồi trưa tôi nhận được trên ba mươi lá thư từ Nữu Ước chuyển về. Chỉ có cái thiếp của Huệ Dương và một cái thơ của Phượng là từ Saigon, còn những lá thơ khác đều là thơ chúc tết địa phương cả. Bên này nội cái số tiền thiên hạ dùng để mua thiếp chúc tết và dán tem trong dịp Giáng sinh thật là đã nhiều. Mỗi gia đình có một bản danh sách những người quen thuộc cần được gửi thiếp Giáng sinh và Năm mới. Chỉ kể cái việc đi mua hàng trăm cái thiếp như thế, bỏ vào phong bì và viết địa chỉ cũng đã thấy mệt và tốn thì giờ lắm rồi. Nếu Nguyên Hưng chỉ có chừng mười người quen thì Nguyên Hưng còn có thể có thì giờ để chọn mua cái thiệp chúc khác nhau, mỗi cái thích ứng với một người quen. Rồi Nguyên Hưng viết những giòng chữ thăm hỏi chúc tụng riêng cho từng người. Thế nhưng nếu ta có đến hàng trăm người, ta không thể nào làm như thế được. Cứ việc mua một thứ thiếp, bỏ phong bì, dán tem rồi gửi đi. Làm như cái máy. Chỉ cần cẩn thận đừng bỏ quên một tên nào trong “bản danh sách” là được. Mỗi năm bản danh sách ấy có thể thay đổi chút ít. Có thể là một người chết. Có thể là có một người bạn ăn ở tệ quá, cần phải cắt đứt “liên lạc ngoại giao”. Có thể là có một vài người mới quen thân cần phải ghi vào trong danh sách. Nguyên Hưng, có thể thiên hạ tưởng như là tôi “lẻ loi” lắm mới phải xách khăn gói về Priceton trong cái dịp lễ Giáng sinh này. Anh chàng Jack chẳng hạn, cũng đã nghĩ như thế đấy. Nhưng thực ra tôi có lẻ loi đâu; tôi chỉ từ chối lời mời của rất nhiều người quen thuộc mà thôi. Cả năm chỉ có được mấy tuần lễ hoàn toàn của mình, cho mình, tội gì đem tiêu phí bằng cách sống ràng buộc trong lễ nghi giao tiếp phiền toái. Ngồi trong cái phòng nầy đây cũng êm ấm chán: muốn nói chuyện với Nguyên Hưng hay với bất cứ người nào tôi cũng có thể nói chuyện được mà. Mình còn phong lưu lắm. Bây giờ đây, còn có những người không có nhà, không có lò lửa, không đón năm mới. Và trên mảnh đất quê hương ta, chiến tranh càng lúc càng trở nên khốc liệt. Người dân sống trong tình trạng trên đe dưới búa. Chúng mình mất mát thật nhiều rồi. Quê hương chia cắt, đất nước lâm vào cảnh khói lửa. Chúng ta còn một chút Phương Bối, nhưng Phương Bối cũng đã chìm trong sương mù. Tuy nhiên chúng ta còn có nhau, chưa đến nỗi lẽ loi, cô đơn. Nhưng chúng ta muốn đứng về phía những người lẻ loi, cô đơn. Tôi muốn người ta thỉnh thoảng nghĩ tới những kẻ khổ đau, nghĩ tới mà thôi, chứ không nên thương hại. Những người khổ đau không muốn thương hại. Họ muốn có một thứ tình thương chân thực và đầm ấm.

Bên này, trong dịp Giáng sinh, có nhiều tổ chức quyên tặng những người nghèo. Tôi không thích người ta gửi quà cho cô nhi quả phụ và những người bần cùng mà không bao giờ thấy những cô nhi quả phụ và những người bần cùng. Có thấy họ, anh mới biết thương yêu. Tiền bạc và tặng phẩm nhận được trong dịp này là hằng chục triệu - nhưng đó chỉ là kết quả của lòng trắc ẩn, chưa phải là tình thương yêu. Tết này có một tổ chức chuyên môn xin giầy cho trẻ nghèo. Người ta xin được hàng triệu đôi giày cho trẻ con rồi. Và trong số những người tặng năm đồng bạc thay vì một đôi giầy trẻ con, hẳn có rất ít người tưởng tượng được hình dáng đứa bé sẽ có hân hạnh nhận được đôi giày và có lẽ hình dáng của đôi giầy nữa.

Năm ngoái cũng vào ngày này tôi đi chợ mua thức ăn cùng với Kenei Kira, một thanh niên Nhật Bản. Buổi chợ chiều hăm bốn tháng chạp có khác. Ai cũng có vẻ vội vã. Ai cũng muốn công việc mua bán mau xong để về nhà chuẩn bị lễ Giáng sinh. Chúng tôi phải mua thức ăn cho một tuần lễ, vì từ hăm lăm tới đầu năm sẽ không có chợ. Hình bóng của những người con trai ngoại quốc đi chợ mua thức ăn cuối năm có lẽ làm cho một vài người động lòng trắc ẩn. Có một bà ân cần hỏi chúng tôi xem chúng tôi cần bà giúp đỡ gì không. Chúng tôi nhã nhặn cám ơn và chúc bà “merry Christmas”. Cô thu ngân viên gói hàng cho chúng tôi rất sốt sắng, nhìn chúng tôi với đôi mắt ái ngại và chúc “merry Christmas” một cách cảm động. Họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ cô đơn lắm, buồn bã lắm, và nhớ nhà trong dịp lễ Giáng sinh này. Thực ra thì trong hai chúng tôi không có ai theo đạo Cơ đốc cả cho nên chúng tôi chưa bao giờ có được cái nao nức của buổi chiều Giáng sinh. Mà không có cái nao nức thì làm gì có được cái cảm giác cô đơn lẻ loi trong đêm Giáng sinh. Nguyên Hưng cứ nghĩ lại thì biết. Ở Saigon mỗi năm nhờ sự nhắc nhở các cành thông, các thiệp chúc, các thứ dây kim tuyến, vân vân… mà chúng ta biết Lễ Giáng Sinh đến. Chính ở Phương Bối chúng ta cũng ăn lễ Giáng sinh, cũng thức đêm, cũng có một cây Giáng sinh thật đẹp trong nhà, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể chia xẻ được cái nao nức thực sự của những người bạn theo Cơ đốc giáo. Có lẽ tại vì chúng ta chỉ biết tôn kính đức Ki Tô như một nhà đại văn hóa chứ không như một vị giáo chủ. Mà chắc đối với Đức Phật cũng vậy, chúng ta ít khi nhìn Ngài qua sự huyền diệu màu nhiệm của tôn giáo: chúng ta có khuynh hướng tôn kính Người như một bậc thầy, một nhà văn hóa mà không thờ phụng Người một cách say mê như người ta thờ phụng thần tượng. Nói nao nức thì có lẽ ngày ba mươi Tết cho chúng ta nhiều nao nức hơn.

Vậy mà Nguyên Hưng ơi, vào khoảng sáu giờ chiều ngày ấy chúng tôi bỗng thấy Brown Hall quá vắng. Trời lạnh, nhưng chúng tôi cũng cứ rủ nhau đi ra phố. Lúc đó, trời không có tuyết. Chúng tôi đi trên những con đường vắng teo, những con đường phố đầy giấy rác của buổi chiều hăm bốn. Những con đường này suốt năm không có khi nào đầy giấy rác như vậy. Cửa nhà nào cũng đóng, cửa tiệm nào cũng đóng. Quả đúng hệt là không khí ba mươi tết bên nhà. Bỗng dưng chúng tôi thấy buồn, cái nỗi buồn của những người tha hương khi tết đến. Ở đây, đêm Giáng sinh đúng là một đêm có giá trị tương đương với đêm giao thừa ở quê nhà. Chúng tôi bỏ dở cuộc dạo chơi và trở về Campus center uống trà, nói chuyện và xem T.V. Cái hoàn cảnh xung quanh quả có thể ảnh hưởng đến tâm lý ta một cách lớn lao phải không Nguyên Hưng. Những cái vui buồn thương ghét của chúng ta bị hoàn cảnh quy định một cách đáng kể. Rốt cuộc chúng ta thường vâng theo mệnh lệnh của hoàn cảnh, của dư luận mà ít khi thấy rõ được những ước muốn chân thực của con người chúng ta. Để rồi chúng ta phải trở thành một mẫu người khác, một mẫu người mà xã hội muốn chúng ta trở thành. Nguyên Hưng, chúng ta thuộc về hạng người muốn chống lại sự đồng hóa tập thể đó. Chúng ta trỗi dậy, vùng vẫy, đập phá để khỏi chui đầu vào những khuôn đúc của xã hội. Và cố nhiên là chúng ta gặp sức phản ứng dữ dội. Nhiều lúc tôi thấy tôi lâm vào một tình trạng thực cực kỳ nguy hiểm. Đó là những lúc tôi phải đối diện với chính tôi trong một cuộc vật lộn dữ dội giữa hai cái tôi không đồng nhau. Xã hội tạo cho ta một cái tôi xa lạ mà chính trong những lúc ấy, ta mới nhận được ra nó là xa lạ. Còn thường ngày ta vẫn cứ tưởng nó là cái tôi đích thực. Sự chạm trán giữa hai cái tôi ít khi đưa đến một cuộc hòa giải. Nó tạo tâm hồn của chúng ta thành một bãi chiến, và chính ngũ uẩn của tôi bị tàn hại tan hoang như mặt đất sau cơn phong vũ điên cuồng. Cây cối ngã nghiêng, cành lá xác xơ, nhà cửa tan nát. Những lúc ấy quả tình là cô đơn lắm, Nguyên Hưng. Nhưng mà mỗi lần vượt qua được một cơn giông tố như thế, tôi thấy tôi lớn hơn lên. Có thể một ngày nào đó ôi không vượt nổi nó và tôi sẽ ngã quỵ, nhưng bây giờ tôi thấy rõ ràng rằng nếu tôi chưa trải qua những cơn bão tố như thế thì tôi không phải và không thể là tôi bây giờ. Tuy vậy không phải là tôi không sợ những cơn giông bão. Nghĩ đến chúng, tôi còn muốn rơi nước mắt. Mỗi lần chúng đến là một lần tôi bị cuốn vào một trận chiến ác liệt đến nỗi thế giới bên ngoài không thể giúp tôi được một chút gì. Mỗi lần chúng đến, chúng tàn hại tôi, tiêu diệt tôi; nhưng cũng có thể nói rằng mỗi lần chúng đến là chúng cứu được tôi. Ít khi chúng ta nghe được bước chân chúng. Chúng xuất hiện một cách đột ngột nhưng chúng đã đến từng bước một trên những đôi hài bằng nhung. Giòng nhận thức và tư duy của tôi, chính dòng nhận thức và tư duy của tôi đã mang chúng đến từ từ, để một buổi sáng nào đó cơn bão tố xuất hiện đột ngột với tất cả mãnh lực của nó.

Trong mùa thu vừa qua, tôi cũng có trải qua một cơn khủng hoảng nội tâm như thế đó, Nguyên Hưng. Đó là vào ngày mồng một tháng mười dương lịch. Sự việc xảy ra đến một cách đơn giản. Và giông bão ban đầu tưởng như chỉ là một cái ráng trời. Năm sáu giờ đồng hồ sau khi sự việc xẩy ra, tôi vẫn chưa thấy gì rõ rệt. Chỉ thấy bản thể của tôi hình như bốc khói bay đi mất, và ở chỗ thay vì có tôi, chỉ còn có một đám mây mù loang loãng ở lại. Tôi thấy rằng từ lâu tôi tưởng tôi là một cái gì có thiệt, nhưng bây giờ thì tôi thấy tôi không là một cái gì hết.

Cố nhiên đó không phải là một suy tưởng triết học, cũng không phải là một trạng thái chứng ngộ của thiền định. Đó chỉ là một cảm tưởng tầm thường, rất thường. Cảm tưởng ấy là cái hình dáng và bản chất mà tôi tưởng là tôi, mà Nguyên Hưng tưởng là tôi, vốn là một điều được bịa đặt ra. Thực chất của tôi hư vô hơn thế nhiều mà cũng hiện thực hơn thế nhiều. Nó xấu xí hơn thế nhiều mà cũng đẹp đẽ hơn thế nhiều. Nó vừa không vừa lại có.

Cảm giác bắt đầu từ lúc gần mười một giờ khuya tối hôm mồng một, lúc tôi đang lục soạn ở lầu thứ mười một ở một thư viện Butler. Nguyên Hưng biết rằng đúng mười một giờ khuya thì thư viện đóng cửa. Lúc đó chỉ còn chừng mười hoặc mười lăm phút nữa thì tôi phải ra khỏi thư viện rồi. Tôi rút ra một cuốn sách, cuốn sách mang một cái tên có dính líu đến đề tài khảo cứu của tôi, một cuốn sách lớn và nặng. Cuốn sách xuất bản năm 1892, và năm 1892 cũng là năm được đóng dấu đưa vào thư viện. Ở bìa sau, tôi dộc bản ghi ngày tháng của người mượn sách. Lần mượn thứ nhất: 1915. Lần mượn thứ hai: 1932. Và tôi lần mượn thứ ba; tôi, Nguyên Hưng nghe rõ chưa? Tôi sẽ mượn vào ngày 1-10-1962. Cuốn sách nằm bảy mươi năm trên giá sách ở từng lầu thứ mười một của thư viện và đã qua hai tay người đọc. Thư viện được tổ chức theo kiểu stack và vì vậy người ta có thể tới tận nơi để rút ra xem trước khi quyết định là có mượn hay không. Vậy thì trong khoảng thời gian bảy mươi năm, đã có hai người đứng chỗ tôi đang đứng, rút cuốn sách tôi vừa rút vừa có ý định như ý định của tôi là mượn cuốn sách đem về! Bỗng dưng lúc ấy tôi ao ước được gặp hai người kia quá. Tôi sẽ ôm lấy họ, không biết để làm chi, nhưng phải ôm lấy. Họ đi mất rồi. Cũng như hôm nay tôi là họ, và mai tôi sẽ đi. Hai điểm nhất định A và B trên cùng một đường thẳng không bao giờ gặp nhau, nhưng vẫn ở trên một đường thẳng. Bởi vì nếu gặp nhau thì không thể được gọi là A và B nữa, sẽ ngỡ ngàng nhìn nhau. Và sẽ tự giới thiệu với nhau như bất cứ người xa lạ nào khác. Tôi đang đứng đây, gặp họ trong không gian nhưng không gặp họ trong thời gian.

Ôm cuốn sách trong tay, tôi lặng đi một hồi lâu, có lẽ đén ba bốn phút,rồi bỗng nhớ lại lời bạn tôi, Cerbu, nói với tôi hôm trước trong lúc bàn về vấn đề khảo cứu tư tưởng Phật học Việt Nam. Tôi nhớ Anton. Tôi mà còn trẻ à. Tôi cứ tưởng là mình đã sống lâu quá, đã sống nhiều quá rồi. Mấy chục tuổi thì được gọi là trẻ. Bây giờ giật mình ngó lại thì mình không hẳn là trẻ, không hẳn là già, cũng không phải là lưng chừng. Mình chỉ là một cái gì không thực là có, không thực là không. có những lúc tôi trẻ con quá, Nguyên Hưng cũng biết đấy, và vẫn tinh nghịch, vẫn đùa cợt, vẫn chơi trò đố tìm với cuộc sống một cách thành thực say mê. Vẫn biết giận dỗi, vẫn thích được ngơi khen, vẫn sẵn sàng khóc cười. Nhưng ở dưới đáy những cái đó, còn có cái gì nữa nhỉ? Có hay không? Nếu có tại sao lôi nó lên không được? Nếu không sao ta cứ đinh ninh rằng có?

Rồi trong khi ôm cuốn sách 1892, tôi thấy lóe lên vài tia hào quang của trực giác: thì ra tôi không có lý tưởng nào cả, không có hoài vọng nào cả, không có lập trường nào cả, không có chủ trương nào cả, không có hứa hẹn chi với ai cả, không tự công nhận mình là một thực thể giữa những thực thể. Quyết nhiên không phải môi trường sinh hoạt của nhân loại nói chung đã tạo nên cái thấy đó. Quyết nhiên không vì chán nản vì lo sợ vì ước muốn vì say mê mà có cái thấy đó. Cái thấy đó hồn nhiên tĩnh mạc mà xuất hiện. Lấy gậy đập vào tôi, lấy đá ném vào tôi láy súng bắn vào tôi lấy lửa đốt tôi đi, Nguyên Hưng sẽ thấy tan biến cái hình dáng cái ý niệm về con người tôi mà cả tôi và Nguyên Hưng đã từng tạo dựng nên, đã từng tưởng là có thực, mờ ảo như mây khói, như hư vô nhưng sẽ không phải là mây khói là hư vô, không xấu xí không đẹp đẽ nhưng vẫn có xấu có đẹp như hình bóng trên màn bạc. Lúc ấy, Nguyên Hưng ơi, tôi thấy tôi trở về. Áo của tôi, giầy của tôi, ngọn đuốc của tôi mất hết. Tôi chỉ còn là một con châu chấu vô tư nằm trên lá cỏ, Ừ, đúng là một con châu chấu. Nó không nhớ lại tiền thân. Tiền thân của nó biết thế nào là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tiền thân của nó biết thế nào là tăng, giảm, cấu, tịnh,sinh, diệt. Nó nằm trên lá cỏ, không phải để xa lánh, để phản đối, để chê bai. Trẻ con thích những con chuồn chuồn có cánh đỏ và mình đỏ như những trái ớt. Nó mầu xanh, lẫn trong cây cỏ, ít đứa nào thấy. Nó không trốn, nhưng mà nó không gọi. Nó không biết triết học là gì và nhất là lý tưởng là gì. Nó cảm ơn bài học của cuộc đời. Nguyên Hưng ơi em sẽ chạy hấp tấp qua đồng cỏ để đón đứa trẻ năm xưa trở về. Và khi trông thấy tôi, Nguyên Hưng sẽ trở lại. Trong lúc tâm hồn em tràn đầy thất vọng, em sẽ may mắn tìm thấy nó trên một lá cỏ.

Nguyên Hưng ơi, những ngày ấy Steve đi Boston và tôi ở nhà một mình. Cửa sổ phòng tôi để mở rộng suốt ngày đêm, như một lời cầu nguyện. Chuyện xảy ra cho tôi không phải là một chuyện vui, nhưng không phải là một chuyện buồn. Có những vấn đề của sự sống mà ta không thể xem là những vấn đề có thể nghiên cứu và tư duy. Ta phải sống, phải chết với chúng, phải giao chiến, phải đồng nhất với chúng. Chúng không thuộc riêng phạm vi của trí tuệ, chúng có gốc rễ ở cả phạm vi của tình cảm và ý chí nữa. Chúng khua động tiềm thức và bản thể. Chúng thống trị tim óc xương tủy máu huyết của con người. Nó là một hủy thể, rồi nó trở nên hủy thể của hủy thể. Còn tôi thì thành một bãi chiến trường. Ra khỏi cơn bão tố thì mới biết còn hay mất. Còn hay mất đây không phải chỉ cho sinh mệnh - còn hay mất đây chỉ cho một cái gì quan trọng hơn sinh mệnh, đó là cái ta, cái ta trước giờ bão tố. Lúc đó tôi cảm thấy tôi rất cần những người thương yêu nhưng tôi cũng biết rằng nếu có mặt họ trong những lúc đó thì tôi lại càng cô đơn hơn, càng đau khổ hơn. Có lẽ tôi phải đánh đuổi họ, hoặc là tôi trốn chạy họ, nghĩa là tôi phải đánh đuổi tôi.

Nguyên Hưng khi bão tố đã gây xong tan nát, khi những lớp vô hồ rã xuống thì quanh cảnh cũ cũng vừa tan. Trong hoang vắng có một vài tia nắng xuất hiện từ chân trời xa rọi tới. Những tia nắng đó đã không sưởi ấm được cảnh tượng chút nào mà còn làm tăng thêm tính chất cô đơn và hoang tàn của mặt đất. Tôi xuất hiện trầm lặng, mình mang đầy thương tích và rất cô đơn, một thứ cô đơn tuy có sức mạnh nhưng vẫn là cô đơn. Trong hình thể mới, tôi biết Nguyên Hưng không nhìn ra được tôi. Và những người tôi nghĩ là thân yêu cũng không nhìn ra được tôi. Mọi người muốn tôi nguyên vẹn như chú bé ngày xưa. Làm sao mà có thể như thế được, Nguyên Hưng. Làm sao tôi có thể vừa sống vừa không sống như thế được. Sống nghĩa là phải chết, chết trong từng giây từng phút, chết trong cơn bão tố để làm điều kiện cho sự sống phát sinh mãi mãi hoài hoài. Nguyên Hưng hãy xua đuổi tôi đi, mọi người hãy xua đuổi tôi đi. Tôi không thể vừa sống cuộc sống của con người vừa làm một đối tượng bất biến cho sự thương yêu, cho sự ghét bỏ, cho sự nhàm chán cho sự chiêm ngưỡng. Tôi phải lớn và vì vậy những chiếc áo mẹ tôi may cho tôi ngày trước đã phải rách ở những đường chỉ. Tôi có thể cất kỹ vào rương kỷ niệm những chiếc áo còn thơm mùi trẻ thơ và phảng phất tình thương của mẹ, nhưng tôi phải có áo khác để mặc cho vừa kích thước. Áo của tôi, tôi muốn tôi được tự may lấy. Tôi không tìm ra được thứ áo mà xã hội may sẵn. Chiếc áo tôi, trước mắt xã hội, sẽ có vẻ dị kỳ, sẽ không được chấp nhận. Tôi biết điều đó. Mà đây không phải chỉ là vấn đề một chiếc áo - đây là vấn đề của cả con người của tôi. Tôi từ chối tất cả những thứ thước đo người ta bắt buộc chúng ta phải dùng. Tôi nghĩ rằng tôi có một thước đo riêng của rôi, do tôi tìm ra. Và như vậy là tôi phải khai chiến với thiên hạ rồi, phải không Nguyên Hưng. Tôi khai chiến với xã hội, tôi khai chiến với tất cả những ai xâm phạm nhận thức độc lập của tôi. Nhưng mà còn Nguyên Hưng còn những người thân yêu thì sao? Tôi bắt buộc phải khai chiến với em, với tất cả mọi người - bởi vì tôi không thể không là tôi, bởi vì tôi không thể lai chui vào trong cái vỏ cứng mà tôi vừa phá vỡ để thoát ra. Đó là nguyên do của sự cô đơn. Tôi biết tôi có thể dùng cái vốn liếng tình cảm cũ để ép đưa Nguyên Hưng cùng đi với tôi trong một chuyến du hành không gian, chuyến du hành mà đôi khi chính tôi cũng cảm thấy chóng mặt. Nhưng không gian thì quá hoang vắng và tốc độ thì không thể nào lường trước được. Liệu Nguyên Hưng có thể ngồi lâu một bên tôi được không hay là lại choáng váng lại sinh lòng oán hận thù ghét tôi. Lại ép tôi phải trở về ngay trên mặt trái đất, nghĩa là trên mặt phẳng của những ước lệ những bảng giá trị cố hữu giả tạo? Như thế có lợi chi cho cả hai bên, cả Nguyên Hưng cả tôi hay không?

Cho nên tôi muốn đốt cháy cái túp lều hiện giờ đang làm chỗ trú ngụ của Nguyên Hưng. Tôi muốn gây xúc động, gây hoang mang, gây hỗn độn cho Nguyên Hưng có thể đập vỡ được cái võ cứng đã từng giam hãm mình, bẻ gãy những xích xiềng đã từng ràng buộc mình và phá tan những thần tượng đã từng chế ngự mình. Để vươn lên và để nhận thấy rằng mình không thể còn đau khổ còn sung sướng vì những cái bé nhỏ. Để sống như những người tự do, không chấp nhận một luật lệ nào hết của sự sống. Có lẽ giây phút huy hoàng nhất là giây phút mà tôi được chứng kiến sự trở về của Nguyên Hưng - tôi ưa gọi đó là một sự trở về - Sẽ đẹp tuyệt vời cái giây phút Nguyên Hưng vừa thoát ra khỏi trạng thái hỗn độn nhiệm mầu gây nên cho Nguyên Hưng bởi sự tiêu hủy của túp lều ẩn cuối cùng. Tôi hình dung được hình bóng của Nguyên Hưng vừa thoát ra khỏi chiếc vỏ cứng ngàn đời, đứng oai hùng trong ánh sáng rực rỡ của túp lều đang bốc cháy ngùn ngụt. Giờ phút ấy là giờ phút mà Nguyên Hưng bắt đầu có hết. Và chỉ bắt đầu từ giờ phút đó tôi mới thực sự có Nguyên Hưng.

Trong những ngày quằn quại khổ đau tôi không hề nói năng. Tôi chỉ có thể làm những công việc tay chân. Có lẽ Steve nhận thấy rằng có một cái gì rất khác thường đang xảy ra cho tôi nên từ hôm ở Boston về Steve nói năng và cử động rất dè dặt. Nghĩ đến lúc ấy mới thấy thương Steve. Nó không khơi chuyện với tôi và chỉ nói rất vắn tắt những điều cần nói. Đôi khi tôi biết Steve ngồi lặng yên nhìn tôi hằng năm mười phút bằng cặp mắt lặng lẽ và đượm chút ít lo lắng. Steve rút vào buồng ngủ và để tôi ngồi một mình trong phòng. Thái độ của người con trai trẻ tuổi ấy thật đầy hiểu biết. Một buổi sáng chủ nhật tôi rủ Steve ra công viên bờ sông; hai chúng tôi ngồi chơi trên thảm cỏ cho đến hơn một giờ trưa mới về. Chúng tôi chẳng nói chuyện gì cho nhau nghe cả. Khi về đến nhà, Steve hỏi rất nhỏ nhẹ: thầy có mệt không? Tôi trả lời không và cám ơn Steve.

Tuổi trẻ là tuổi đi tìm chân lý. Ngày xưa tôi viết trong nhật ký; dù sự thực có tiêu hủy anh, anh cũng phải bám víu vào sự thực. Như thế là tôi đã biết rất sớm rằng tìm thấy sự thực không phải là tìm thấy hạnh phúc. Anh ao ước trông thấy nó, nhưng hễ trông thấy nó rồi là anh không thể không khổ đau. Thà rằng anh không thấy gì hết, thà rằng anh chịu sự điều khiển của một người độc đoán của một người hay một đám người khác. Mỗi người đều tự xét mình và xét đoán kẻ khác bằng những nhận thức và những tiêu chuẩn vốn không phải là của mình. Đó chỉ là những gì tạo ra do ước lệ do truyền thống. Đó là những thước đo mà con người chung quanh, ở trật tự hiện htời của xã hội mà mọi người đang phải chấp nhận. Nguyên Hưng cho cái này là xấu, cái kia là tốt, cái này là thiện, cái kia là bất thiện, cái này là chân, cái kia là ngụy. Nhưng mà những tiêu chuẩn để đoán định ấy vốn không phải là của Nguyên Hưng. Nguyên Hưng đi mượn thước đo. Những cái thước đi mượn không bao giờ có thể gọi là chân lý cả. Chân lý không thể đi mượn, chân lý chỉ có thể thực chứng. Chân lý là trái của thực nghiệm tâm linh, của khổ đau, của sự xúc tiếp giữa tâm linh và thực tại, thực tại hôm nay cũng như thực tại muôn đời. May mắn lắm, hoặc rủi ro lắm con người mới bắt được nó. Và nó của người này không phải là nó của người khác, nó của hôm nay không phải là nó của hôm qua. Nếu Nguyên Hưng khám phá được một cái gì mà Nguyên Hưng biết là sự thực của hôm nay do tâm linh của Nguyên Hưng ấn chứng thì Nguyên Hưng sẽ thấy mọi giá trị cũ đảo loọn và Nguyên Hưng sẽ có một lối nhìn mới nó khiến cho Nguyên Hưng vượt thoát những ước lệ, những thành kiến, những kiến chấp, những tiêu chuẩn và những trật tự… Có những khuôn vàng thước ngọc ngày xưa nay đã được nhận thức như đã mang tính cách phong kiến. Khi Nguyên Hưng đã đạt tới một tiêu chuẩn nhận thức chân xác về thực tại rồi thì Nguyên Hưng không thể còn giả dối và chấp nhận những gì đã trở thành sai lạc trước mắt Nguyên Hưng. Nguyên Hưng sẽ hành động theo nhận thức mình và như thế chỉ biết tuân theo quy luật của sự sống do nội tâm Nguyên Hưng ấn chứng mà từ bỏ tất cả mọi quy luật của xã hội hiện tại. Xã hội sẽ trả thù Nguyên Hưng một cách đích đáng vì Nguyên Hưng đã dám cãi lại trật tự của nó lịch sử nhân loại đã chứng kiến những cuộc trả thù ấy. Bao nhiêu thảm kịch xảy ra, thầm lặng, bi thiết. Lịch sử nói “mi sẽ chết nếu mi cãi lại”. Vây mà bao nhiêu người dám, tuy nhận thức sự yếu đuối của mình, cãi lại bóng tối. Bất cứ ai lỡ trông thấy sự thực, lỡ chia xẻ nhận thức về sự thực ấy với những bậc vĩ nhân thì dù ít dù nhiều phải chịu chung số phận của họ. Chịu chung số phận mà không chịu chung danh vọng.

Nguyên Hưng, tôi đã nói rằng những tia nắng đầu rọi trên cảnh tượng tan nát sau cơn bão tố dù có chứng nhận được cho một cuộc thoát hình, vẫn chỉ làm cho cảnh tượng là mình đang mang những đau xót của một bà mẹ khi chưa sinh con mà đã biết trước rằng con mình sẽ bị lên án tử hình. Bà mẹ tương lai kia sống trong thao thức, đau khổ, không hề có được một chút an ủi, một chút tự hào, một chút hy vọng. Biết là mình đang có một đứa con. Biết là mình không nên có đứa con đó thì hơn mà vẫn phải buồn lòng mang nặng đẻ đau để rồi bi thảm chứng kiến sự tàn diệt của nó và của lòng mình, của chính mình. Nhưng định nghiệp đã rõ ràng như vậy rồi. Biết trước cả rồi. Sao lại không sinh một dứa con mũm mĩm? Dễ thương và hiền lành như mọi bà mẹ khác? Để mà hy vọng, để mà tự hào, để mà sung sướng, để mà tiếp nhận lời khen ngợi của mọi người?

Nhưng mà không lẽ chúng ta không đứng đậy? Không lẽ chúng ta để cho rêu phủ chúng ta như phủ một ngôi cổ tháp? Không lẽ chúng ta bơi theo một bản ngã giả tạo không là ta? Gần đây tôi viết cho Hương một lá thư, trong ấy tôi kể câu huyện một người thiếu nữ nghèo ước mơ được sống trong nhung lụa. Tên nàng là Minh. Nàng gặp một thương gia trẻ tuổi, rất giàu có, cưới nàng. Như thế mộng của nàng đã thành tựu. Mộng nàng như tôi đã nói chỉ là được sống trong ngọc vàng nhung lụa, cho nên nàng về với chàng thương gia trẻ tuổi không vì tình yêu. Còn người thương gia cũng nói rằng chàng cưới nàng vì nàng rất giống với người vợ trước của chàng, tên là Nguyệt. Cũng không vì tình yêu. Nàng không nề hà điều đó. Nàng sống cuộc đời giàu có và chỉ cần chiều chàng một điều: đó là nghe lời chàng để tập cho mọi ngôn ngữ mọi cử chỉ giống hệt như Nguyệt, người vợ trước. Đòi hỏi đó ban đầu thì không khó chịu lắm nhưng càng ngày càng trở thành một thứ gông cùm, một thứ quyền lực thống trị nàng. Nàng là Minh nhưng nàng phải bắt chước cho giống Nguyệt. Có những mầu áo mà Nguyệt ưa, đọc những tờ báo mà Nguyệt đọc, nói những lời mà Nguyệt nói, ăn những món ăn mà Nguyệt ăn… Nàng không được là Minh, mà phải là Nguyệt. Đó là tất cả bi kịch. Nàng thấy khổ đau vì nhân cách nàng chỉ là một cái móc áo, trên đó chàng móc cái nhân cách Nguyệt. Nhưng nàng không thể và không có can đảm khước từ cuộc sống giàu có bởi vì nàng đã làm quen với nó, đã bị nó phong tỏa rồi. Nghe đến đây, chắc ai cũng ước mong rằng nàng có đủ can đảm để từ bỏ chàng thương gia, về sống lại cuộc đời giản dị của một người thôn nữ, và khôi phục lại bản ngã đích thực của mình. “Đứng vào địa vị nàng, ta nhất định từ bỏ nếp sống nhục nhã kia”. Ai cũng nói thế. Nhưng chúng ta chỉ là những người ngoại cuộc, những người đứng bên ngoài, những người xem kịch. Vì thế cho nên chúng ta có vẻ sáng suốt, tỉnh táo. Giá chúng ta là nàng thực, thì chúng ta mới thức sự cảm thấy lúng túng. Mà Nguyên Hưng ơi, ai trong chúng ta mà lại không là nàng? Tất cả chúng ta đều đang phải tuân theo mệnh lệnh ác nghiệt của guồng máy xã hội hiện tại, ta đang cúi đầu vâng lời, và chúng ta phải ăn, nói, suy nghĩ, hành động theo những mẫu mực mà xã hội đã thiết lập và muốn chúng ta phải tùng phục. Chúng ta không được tự do là chúng ta, cũng như Minh không được là Minh. Để rồi chúng ta, tất cả chúng ta đều được xã hội chế biến và khuôn đúc thành những hóa phẩm giống nhau. Hóa phẩm mà không còn là nhân phẩm. Guồng máy đưa tới một cái collective ressemblance mà khi nhìn vào, chúng ta thấy nhân tính và cá tính con người bị đe dọa trầm trọng. Chúng ta cúi đầu đi theo, tại vì chúng ta không có can đảm chống trả lại, không có can đảm từ bỏ. Cũng như Minh. Chúng ta có hơn gì nàng đâu. Tại vì chúng ta đã làm quen với cuộc sống xã hội đầy tiện nghi này rồi và chúng ta đã bị nó khống chế mất rồi.

Nguyên Hưng có biết rồi câu chuyện đi đến đâu không. Một bữa kia Minh khám phá ra rằng Nguyệt, người vợ trước của chàng thương gia, vốn là kẻ ngoại tình. Minh mong lấy chứng cớ để làm cho chàng thương gia tỉnh mộng, nhưng không. Chàng bảo vì Nguyệt ngoại tình nên Nguyệt đã bị chính tay chàng giết. Nhưng giết xong vẫn chưa hả giận. Thấy Minh giống Nguyệt, chàng cưới nàng về, làm cho nàng giống Nguyệt thêm, làm cho nàng thành Nguyệt, để được giết Nguyệt một lần nữa. Và chàng xông lại để giết Nguyệt. Nguyệt vùng vẫy tuyệt vọng.

Tôi không dám kết luận là Nguyệt có chết hay không và vì không khép câu chuyện lại được. Mà dù Nguyệt không chết thì Nguyệt cũng ngắc ngoải rồi, như con người của xã hội chúng ta đang ngắc ngoải. Tôi mong ước một sự vùng dậy của con người, chờ đợi một sự vùng dậy của con người, phải kịp thời, đừng chậm chạp quá như Minh để đến giờ phút chót mới chịu vùng vẫy.

Nguyên Hưng, một buổi sáng, tôi thấy trời hé nắng, tôi nhận được một cái thiệp chúc sinh nhật từ nhà gửi qua. Hôm đó quả đúng là ngày sinh nhật của tôi. Mà cũng là ngày tôi được tái sinh một lần nữa, không biết lần thứ mấy. Trong một lá thư, Tuệ chép cho tôi ba câu thơ của Trụ Vũ:

“tôi đi giữa sa mạc hiu quạnh

một con gấu bỗng đến vồ tôi

nhưng tôi ngó thẳng vào mặt nó…”

Nhưng tôi ngó thẳng vào mặt nó! Phải tôi đã ngó thẳng vào mặt nó, và đã thấy được mặt mũi nó rồi. Tôi như một người vừa được giáp mặt tử thần. Tôi như một người ốm nặng vừa mới bình phục. Tôi mặc áo, xuống đường và lững thững trên hè phố, thèm khát ánh nắng buổi mai sau một chuỗi ngày u ám. Gió bão dịu dần.

Hết chương 7
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/04/2016(Xem: 3665)
Một đại văn hào người Pháp đã viết câu “Con người không bao giờ tắm hai lần trên một dòng sông“, nhưng Dòng sông Tịnh Độ của tôi không phải là “Dòng sông định mệnh“ của Quỳnh Dao, nên đã chan hòa đến lần thứ 11 tại chùa Linh Thứu rồi mà vị giải thoát vẫn ngời ngợi tỏa sáng. Vâng, khóa Huân Tu Tịnh Độ kỳ 11 từ ngày 14 đến 20 tháng 3 năm 2016 đã có khoảng 180 Phật Tử đa số từ phương xa và 20 Chư Tăng Ni đến tham dự. Đặc biệt vẫn là HT Phương Trượng chùa Viên Giác Thích Như Điển đến khai mạc và giảng Pháp, để phần hướng dẫn khóa tu cho Thầy Hạnh Giới một chuyên gia hay nói đúng hơn là một Hành Giả chỉ dẫn chúng ta con đường ngắn nhất và nhanh nhất đến gặp Đức Phật A Di Đà.
10/03/2016(Xem: 10028)
“This is SBS Radio The many voices of one Australia Broadcasting in Vietnamese Đây là SBS Radio Và sau đây là chương trình phát thanh Việt Ngữ”... Đó là nhạc hiệu mở đầu của Ban Việt Ngữ SBS Radio vào thập niên 1990 - mười lăm năm sau ngày đàn chim Việt tan tác lìa bỏ bầu trời quê hương. Mới đó mà đoàn lưu dân lê bước chân mục tử đã 40 năm rồi! Với hành trang tị nạn trên vai khi đến với SBS Radio, trong tôi vẫn còn đọng lại những thanh âm thảng thốt, kinh hoàng, van xin cầu khẩn của các thuyền nhân đồng hành khi gặp hải tặc Thái Lan, chuyến vượt biên bất thành đưa những con người sắp đến bờ tự do quay trở về quê cũ để rồi tất cả đều bị bắt vào tù, dù là trẻ con còn bồng ẳm trên tay. Đất nước tôi như thế đó, những con người còn lại trên quê hương sống vất vưởng đọa đày, những con người bỏ nước ra đi không nhìn được trời cao mà lại chìm mình dưới lòng biển lạnh
10/03/2016(Xem: 10071)
Năm 1979 thường được coi là điểm khởi đầu của nền báo chí Việt ngữ tại Úc khi số đầu tiên của tờ Chuông Sài Gòn được phát hành tại Sydney. Tờ báo này xuất bản 2 tuần một lần và sau đó đã trở thành một tuần báo. Trong vòng bốn thập niên qua, truyền thông tiếng Việt đã trải qua thời kỳ phát triển không khác chi truyền thông của các cộng đồng văn hóa đa nguyên khác, theo nghĩa là ngành này đã phát triển về số lượng cũng như sức mạnh theo đà phát triển của cộng đồng nói tiếng Việt.
01/02/2016(Xem: 15083)
“Đế Minh” là cháu ba đời Vua“Thần Nông”tuần thú, chuyển dời phương nam Đến núi Ngũ Lĩnh, (Hồ Nam) (1) Gặp nàng “Tiêngiới” lấy làm hân hoan Kết duyên chồng vợ vẹn toàn Sinh con: “Lộc Tục” hiền ngoan nhất đời “Đế Minh” quyết định truyền ngôi
31/01/2016(Xem: 3393)
Dì Trang là em của má tôi. Nếu không kể bên phía má, tôi có thể gọi dì bằng vai thấp hơn. Đơn giản, ba tôi là chú của chồng dì Trang. Khi ba tôi rời Hà Tĩnh để vào Nam, vào một thời xưa lắm, nghĩa là nói kiểu dân gian là năm một ngàn chín trăm gì đó, có dẫn theo một người cháu.
31/01/2016(Xem: 2862)
Tôi trở về Huế với một tâm trạng nôn nao bồi hồi! Hơn 30 năm sau mới nhìn lại Huế thân yêu, nơi đã cho tôi mật ngọt của thời mới lớn! Phi trường Phú Bài vẫn vậy, vẫn u buồn ảm đạm vào mùa mưa lụt, dù đã mấy mươi năm qua cũng chẳng rộng lớn, sửa sang gì hơn. Đã thế, tôi đặt chân xuống phi trường khi trời đã về chiều nên càng hiu hắt buồn. Niềm vui rộn ràng chỉ bừng lên khi thấy một số bạn cũ đã đứng chờ sẵn bên ngoài. Chúng tôi chỉ biết ôm nhau trong tay với bao niềm cảm xúc, nhìn nhau miệng cười mà nước mắt rưng rưng!
30/01/2016(Xem: 6075)
Có một y viện huyện thuộc vùng cao nguyên Thái Lan, do giao thông bất tiện nên bệnh nhân phải đi từ sáng sớm đến bệnh viện để khám và kịp quay về nhà trước khi trời tối.
20/01/2016(Xem: 4475)
Xin có vài dòng tâm tư nơi đây. Truyện này có một tựa đề rát là phim bộ Hàn Quốc. Tác giả đã nghĩ tới các tựa đề khác cho nhẹ nghiệp tình -- thí dụ như “Tay Ai Chưa Nắm Một Lần” hay “Dây Chuông Ai Níu Bên Trời” – thì lại rất là cải lương, và chẳng hấp dẫn tí nào. Truyện này có thể có vài dị bản khác nhau. Nguyên khởi là viết cho Báo Xuân Việt Báo theo nhu cầu phải có chất lãng mạn thế gian. Cùng lúc, gửi cho nhà thơ Kinh Bắc để đăng trên ấn bản xuân tạp chí Suối Nguồn (của Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang), với lời dặn dò rằng xin nhà chùa tùy nghi sửa đổi, cắt bớt, hay thêm vào sao cho phù hợp với chánh pháp.
15/01/2016(Xem: 11962)
Ngày xưa ở tại ven sông Có chàng khỉ sống ung dung một mình Mạnh sức lực, lớn thân hình Thêm tài nhảy nhót tài tình kể chi. Giữa sông có đảo đẹp kia Bao nhiêu cây cối rậm rì xanh tươi Trái cây ngon ngọt khắp nơi Nào hồng, nào chuối chào mời khỉ ta. Từ bờ tới đảo khá xa May thay có đá nhô ra giữa dòng
13/01/2016(Xem: 13808)
Việt nam nước tôi có chiều dài lịch sử thăng trầm trãi qua nhiều thời kỳ chống giặc ngoại xâm để giữ vững và mở rộng biên cương tổ quốc. Rồi qua hơn ba thập niên kể từ năm 1945 đến năm 1975 của thời hiện đại lại thêm một lần nữa Tổ quốc ngập chìm trong khói lửa chiến tranh tương tàn mà cho đến tận ngày nay vết thương vẫn chưa chữa lành bởi vì người ta nhân danh chủ nghĩa này lý thuyết nọ là những ý thức hệ ngoại lai.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]