Nguyên tác: Journey In Search Of The Way-The Spiritual Autobiography Of Satomi Myodo
Nguyên Phong Việt dịch, Làng Văn xuất bản 1996
Trong
đời sống vẫn có những sự kiện xảy ra thật bất ngờ,
ngoài sự mong cầu, ao ước. Tôi đã mải miết tìm kiếm khắp
nơi một cách mù quáng nhưng vẫn không tìm thấy điều tôi
muốn. Quả thật tôi có mắt mà như mù, ngay khi đến Taiheiji,
tiếp xúc với thiền sư Yasutani, tôi vẫn không nhận ra đó
là vị thầy mà tôi muốn tìm từ bao lâu nay. Nếu thiền sư
Yasutani không từ bi mở cho một con đường thì không biết
hiện nay tôi sẽ như thế nào? Có thể tôi vẫn lang thang tìm
kiếm cho đến những ngày cuối của cuộc đời. Tôi được
thọ giới tỳ kheo và giao phó nhiệm vụ quét dọn, nấu nướng
tại Taiheiji. Mỗi sáng tôi dậy rất sớm để tham dự các
thời khóa thiền. Tôi thực hành theo lời chỉ dẫn của thiền
sư Yasutani, luôn luôn cẩn thận, ngồi thật đúng cách, và
gìn giữ cử chỉ thật trang nghiêm, thành kính trong mọi hành
động. Trong lúc tọa thiền, nếu có điều gì thắc mắc tôi
đều đem ra hỏi, nhờ thế tôi mới thấy việc tìm được
một vị thầy có kinh nghiệm hướng dẫn quan trọng như thế
nào. Đôi khi có những thắc mắc rất nhỏ, tưởng chừng
không có gì đáng kể nhưng khi nhận được câu giải đáp,
tôi mời thấy tầm quan trọng của nó.
Một hôm trong lúc tọa thiền, tôi cảm thấy trong người thoải mái, dễ chịu, dường như có một cái gì kỳ lạ đang biến chuyển trong tâm tôi. Tôi thấy mình như được nâng lên một bình diện nào đó, khắp người được bao phủ trong một niềm phúc lạc vô biên, tôi thấy mình như tan biến trong một biển tình thương rộng lớn. Tôi mừng rỡ tìm đến thiền sư Yasutani để kể cho ông nghe về kinh nghiệm này. Ông thản nhiên nói ngay:
- Điều này không có gì lạ, đa số học trò của ta cũng đều có những kinh nghiệm tương tự như vậy. Phần lớn con người thường quen suy nghĩ theo đuờng lối nhị nguyên, có chủ thể và đối tượng, nên thường bám víu vào bản ngã. Các cảm giác khoái lạc, hạnh phúc cũng đều xảy ra quanh cái bản ngã này. Lần này bà đã kinh nghiệm được một thứ tình cảm cao thượng hơn vì không còn tập trung vào bản ngã nên bà thấy sung sướng, thoải mái hơn các cảm giác khoái lạc của bản ngã. Tuy nhiên bà đừng nên bám víu lấy nó, chỉ nên coi đó là một việc đã xảy ra rồi và quên nó đi. Đừng để kinh nghiệm này trở nên một kỷ niệm rồi giữ mãi trong tâm mà thành chướng ngại.
Trong một buổi thiền tập khác, tôi bỗng dưng thấy chán nản và thất vọng một cách kỳ lạ. Tôi sợ mình sẽ không thể thành công được và cảm giác sợ hãi này cứ chi phối tôi trong suốt khóa thiền. Thiền sư Yasutani đã khuyên:
- Đó là một điều thường xảy ra. Một cái máy có thể hoạt động đều đặn không ngưng, nhưng một con người thì không như thế. Có lúc cơ thể mệt mỏi vì các hiện tượng tâm lý hay sinh lý, hoặc cả hai. Điều quan trọng là hãy vững tâm và đừng thất vọng. Bà phải tin chắc rằng mình sẽ thành công và sự quyết tâm này sẽ gây phấn khích và khôi phục lòng nhiệt thành của bà. Một khi bà nghĩ rằng mình không thể đạt được điều mình muốn hoặc tệ hơn nữa, bà cho rằng việc đó vượt khỏi khả năng của bà, thì bà không bao giờ nhận ra được chân tánh của mình.
Hôm sau, trong buổi giảng hàng ngày, thiền sư Yasutani đã nói:
- Có ba yếu tố hết sức quan trọng trong việc tu thiền, đó là Đại Tín Căn (Daishinkan) hay lòng tin nhiệt thành, một lòng tin đã cắm rễ rất sâu, không gì có thể lay chuyển được. Đây không phải là lòng tin mù quáng hay mê tín dị đoan nhưng là một lòng tin tưởng chắc chắn vào những điều đức Phật đã chỉ dạy. Phật giáo bắt đầu với sự giác ngộ của đức Phật, do đó niềm tin nhiệt thành của chúng ta là sự chứng ngộ của Phật và bản chất của sự chứng ngộ đó. Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành và các con là Phật sẽ thành” thì chắc chắn chúng ta sẽ thành Phật vì chúng ta vốn sẵn có khả năng đó. Nếu người nào không tin được điều này thì chắc chắn không thể tiến xa được. Yếu tố quan trọng thứ hai là Đại Nghi Đoàn (Daigidan) hay sự nghi ngờ mãnh liệt, một nỗi nghi khiến chúng ta cảm thấy áy náy, khó chịu không sao tìm được sự giải thích thỏa đáng. Đây không phải là một mối nghi ngờ tầm thường hay đơn giản nhưng là một mối nghi phát xuất từ cái lòng tin nhiệt thành kia. Nó là cái nghi rằng tại sao thế giới này lại đầy xung đột, mâu thuẫn và đau khổ khi lòng tin nhiệt thành cho rằng chính sự ngược lại như vậy mới đúng. Cái nỗi nghi mãnh liệt này hiện hữu tương xứng với cái lòng tin nhiệt thành kia, do đó mới nảy sinh yếu tố quan trọng thứ ba là Đại Phấn Chí (Daifunshi) hay sự quyết tâm dũng mãnh. Sự quyết tâm này phát xuất một cách tự nhiên từ sự nghi ngờ mãnh liệt kia. Để dẹp tan mối nghi ngờ đó, người ta dốc toàn lực ra để khám phá vì sao lại có sự nghịch lý như vậy, tại sao “bản tánh của chúng ta vốn tự trong sạch, đầy đủ và không sinh diệt” mà thế giới của chúng ta, vốn chỉ là những biểu hiện của nội tâm chúng ta, lại bất toàn, thiếu sót, đầy những khổ đau và luôn luôn thay đổi như vậy? Chính cái động năng cương quyết tìm câu trả lời này sẽ dẫn người ta đến Ngộ. Giải quyết được mối nghi này là phá vỡ được tất cả những mâu thuẫn nhị nguyên và đó chính là con đường mà các tổ thiền tông đã chỉ dạy “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.
Sau khi sống tại Tokyo khoảng một tháng, tôi được thiền sư Yasutani cho tham dự khóa Nhiếp tâm (Sesshin) tại chùa Shinkoji. Cũng như khóa nhiếp tâm trước tại Zuiryuji với thiền sư Joten, mọi người bắt đầu bằng công án Vô. Trong buổi độc tham (Dokusan) với thiền sư Yasutani, tôi đã cố gắng trình bày kiến giải của mình nhưng lúc đó tôi vẫn còn chịu ảnh hưởng các kinh nghiệm quá khứ nên thiền sư Yasutani đã nói ngay:
- Đó là Ma cảnh chứ chẳng phải Phật pháp, hãy khởi sự
lại từ đầu.
Tôi
lui ra và nhủ thầm: “Lần này ta phải bắt đầu lại như
người sơ tâm, chưa biết gì”. Tôi xếp bằng để tham công
án nhưng một lần nữa, các thói quen quá khứ lại chi phối
tôi. Chỉ trong thoáng giây tôi lại bước vào trạng thái trống
rỗng, thụ động như khi còn thực hành các phương pháp của
Thần đạo. Mặc dù cố gắng nhưng lần nào cũng thế, lúc
thì tôi thấy mình lo chiến đấu để gạt bỏ các lý luận
nổi lên một cách rối loạn, khi thì tôi lại rơi vào trong
hư vô không sao làm chủ được mình. Trong suốt khóa Nhiếp
Tâm, tôi đã không tiến bộ bao nhiêu.
Trong
buổi nói chuyện trước khi chấm dứt khóa Nhiếp Tâm, thiền
sư Yasutani đã nói: ”Tôi biết trong quí vị có một số người
đã thất vọng vì nỗ lực mà không đạt ngộ nhưng quí vị
nên biết sự nỗ lực không bao giờ lãng phí cả. Điều này
có thể so sánh với việc bắn cung. Ai dám bảo 99 lần bắn
hụt không liên quan gì đến lần thứ 100 bắn trúng hồng
tâm? Điều quan trọng là quí vị phải biết áp dụng những
điều đã học vào đời sống hàng ngày. Có nhiều người
khi trở về nhà mới kiến tánh, có người vài tháng sau khóa
nhiếp tâm đang ngồi trên xe lửa bỗng kiến tánh. Tóm lại,
việc có đạt ngộ hay không trong khóa nhiếp tâm không quan
trọng. Điều quan trọng là quí vị hãy tiếp tục tập trung
vào công án, đừng làm phí phạm công phu này. Đừng đợi
đến khóa nhiếp tâm sau mới tiếp tục tham công án mà hãy
thực hành những gì có thể ngay trong đời sống hàng ngày.
Người ta không thể đạt ngộ bằng cách tham dự khóa nhiếp
tâm, hay nghe các thiền sư chỉ dạy, mà bằng chính nỗ lực
cá nhân không ngừng nghỉ của mình”.
Sau khóa nhiếp tâm, tôi tìm đến thiền sư Yasutani:
- Thưa thầy, con cố gắng lại lại từ đầu nhưng cứ bị các thói quen cũ chi phối. Mỗi khi tập trung tư tưởng vào công án con lại thấy trong tâm nổi lên những lý luận này nọ khiến con phải cố gắng gạt bỏ nó. Dĩ nhiên con biết như vậy là sai nhưng không hiểu sao đầu óc con cứ mâu thuẫn như một bãi chiến trường.
- Đó là cái bệnh của trí thức. Bà có thói quen suy nghĩ và lý luận nhiều quá nên vẫn thấy giữa mình và thế gian bên ngoài là hai thực thể khác biệt. Sự vướng mắc lại trầm trọng hơn khi bà cố gắng gạt bỏ nó vì vẫn còn sự phân biệt giữa cái bản ngã và cái không phải bản ngã. Bà phải biết bản ngã vốn là huyễn, do sáu thức sinh ra và tứ đại hợp thành. Cái quan niệm về bản ngã thực ra đã ăn sâu vào tiềm thức cá nhân, từ kiếp này qua kiếp khác, không dễ gì có thể gạt bỏ ngay được. Nhờ sự tập trung vào Vô một cách nhất tâm mà bà sẽ dần dần loại bỏ được vọng niệm này, và khi xóa sạch được nó là kiến tánh.
- Nhưng con đã tham cứu công án Vô nhiều năm mà vẫn không sao giải được. Xin thầy từ bi ban cho con một công án khác.
- Bà đừng thất vọng và bỏ cuộc một cách dễ dàng như vậy. Xưa khi tổ Huệ Khai đã tham cứu công án này suốt sáu ăm trời mới giải được thì công phu của bà đã thấm vào đâu? Sau khi giác ngộ, tổ Huệ Khai soạn bộ Vô môn quan và đưa công án Vô lên hàng đầu trong tất cả các công án hẳn phải có lý do đặc biệt rồi. Dĩ nhiên tôi có thể trao cho bà công án Tiếng vỗ của một bàn tay hay Bộ mặt thật trước khi cha sinh mẹ đẻ là gì, nhưng hai công án này sẽ còn kích thích trí tưởng tượng của bà nhiều hơn nữa khiến bà cứ bận tâm suy luận, không đạt lợi ích nào cả. Tổ Huệ Khai đã nói: “Cố gắng giải Vô bằng lý luận thì có khác gì sờ tay vào một tấm vách bằng thép dày nung đỏ”. Theo tôi, với những người trí thức, thích suy nghĩ lý luận, công án Vô là phương pháp tốt nhất. Người trí thức sẽ tìm đủ mọi lý luận, biện giải để tìm ra cho được ý nghĩa của Vô. Dĩ nhiên họ sẽ tìm được một câu trả lời nào đó để mang ra trình bày nhưng chắc chắn vị thầy hướng dẫn sẽ gạt nó qua một bên và yêu cầu người đó phải tìm nữa. Họ sẽ tiếp tục trò chơi của lý luận này một hồi, lần nào cũng thế, cứ tìm ra câu trả lời nào là bị vị thầy hất hủi, quát mắng, gạt bỏ không thương tiếc. Bà không thấy sao? Phần lớn các cuộc độc tham trong khóa nhiếp tâm đâu mấy khi kéo dài quá một phút vì tất cả những gì có thể lý luận, suy nghĩ, hay tưởng tượng đều bị gạt bỏ. Chỉ sau những năm tháng khổ công mà chẳng đi đến đâu, khi mọi lý luận, biện giải đều kiệt quệ thì người ta mới tuyệt mọi ý niệm, và rồi trong sự tuyệt ý niệm đó, người ta hốt nhiên nhận ra Vô.
Thiền sư Yasutani nhìn tôi một lúc rồi thong thả giải thích:
- Bà cần hiểu rằng công án được thiết lập ra để làm bối rối những kẻ trí thức, những kẻ say mê chữ nghĩa, danh từ, lý luận, phân biệt. Mục đích của công án là giải phóng cái tâm ra khỏi trò chơi của ngôn ngữ hay cái bẫy của văn tự. Công án thường lấy những đề tài rất giản dị như cây cối, súc vật, sông núi để cho người ta dễ hiểu rồi khiêu khích lý trí đưa ra những giải đáp không thể có được. Nói một cách khác, công án vạch trần sự giới hạn của lý trí, của lý luận nhị nguyên và giúp người ta kinh nghiệm được chân lý không thể nghĩ bàn. Sự giải đáp công án chính là sự chuyển hóa của tâm, đưa nó từ trạng thái mê hoặc đến trạng thái thức tỉnh. Sự quyết tâm chiến đấu với công án chính là sự nỗ lực phá tan xiềng xích của vô minh để đạt đến giải thoát. Chỉ những người đã giải được công án mới có thể hiểu rằng mỗi công án đều có những ý nghĩa rất sâu xa, chỉ rõ bộ mặt thật của con người trước khi sinh ra chứ không giản dị đâu. Với những người khao khát giải thoát một cách nhiệt thành thì tham công án là phương pháp rất hữu hiệu nhưng với kẻ lười biếng, không khát khao bao nhiêu thì phương pháp này không ích lợi gì mấy.
- Như vậy con phải làm gì?
- Điều quan trọng là phải tập trung để thành một với Vô chứ đừng nghĩ đến ý nghĩa của nó. Sự tập trung phải liên tục và hết sức ý thức vì một ngập ngừng là hỏng công phu rồi. Tổ Tăng Xán đã nói: ”Đạo lớn vốn không khó, chỉ bình thường giản dị, nhưng nếu sau một ly, là đất trời xa cách”. Do đó, bà phải biết cảnh giác rồi nhờ công phu bền bỉ mà sẽ hòa nhập được vào Vô.
- Nhưng nếu tránh được việc bị các lý luận quấy rầy, con lại rơi vào một trạng thái trống rỗng lạ lùng, không thể kiểm soát được.
Thiền sư Yasutani gật đầu nói:
- Trường hợp của bà rất đặc biệt. Bà hết rơi vào cực
đoan này lại mắc vào cực đoan khác. Bà gặp ba chướng ngại
lớn: Bản tánh của bà ưa lý luận, suy nghĩ nhiều quá, bà
lại có lòng tham cứ mong cầu đạt ngộ, và bà có thói quen
trở nên mẫn cảm, thụ động do việc thực hành một phương
pháp thiền ngoại đạo. Ba chướng ngại này đã cản trở
công phu tu tập của bà nên dù cố gắng bà vẫn không đạt
kết quả bao nhiêu, Đa số mọi người chỉ gặp khó khăn
về một phương diện nào đó thôi nhưng trường hợp của
bà lại khác.
Đây là lần đầu tiên tôi ý thức rõ rệt về những sai lầm tai hại do sự tu tập một cách tự do, phóng túng của mình. Nước mắt tôi trào ra, tôi thấy rõ lý do tại sao dù cố gắng mà tôi vẫn không tiến bộ bao nhiêu. Tôi khóc cho sự dại dột, bất cẩn của mình. Tôi tiếc cho thời gian mấy chục năm lang thang tìm đạo một cách vô ý thức. Tuy nhiên tôi cũng mừng vì một vị thầy đã phân tích rõ rệt được “bệnh trạng” của tôi như vậy ắt hẳn phải có “thuốc chữa”. Tôi quỳ mọp xuống sàn:
- Xin thầy từ bi chỉ dẫn cho con làm sao có thể khắc phục được những chướng ngại này.
Thiền sư Yasutani ung dung nói:
- Có một cách tọa thiền để thực hiện tự tánh, nó không
phải là sự tập trung vào công án để đả phá những lý
luận, cũng không phải đếm hơi thở để chống lại việc
đầu óc trống rỗng. Phương pháp này đòi hỏi lòng quyết
tâm, can đảm và hùng lực, đó là phương pháp “Chỉ quán
đả tọa” (Shikan-taza) mà tổ Đạo Nguyên (Dogen), người
sáng lập dòng thiền Tào Động Nhật Bản đã đem nó từ
Trung Hoa về. Nền tảng của nó là việc ngồi với lòng tin
dũng mãnh không lay chuyển, ngồi như Phật ngồi, ngồi với
tâm vô cầu, vô niệm, để thể hiện cái tâm thức Bồ Đề
tự nhiên sẵn có. Người ngồi thiền theo phương pháp này
tin rằng một ngày nào đó chắc chắn họ sẽ đạt Ngộ (Satori)
một cách tự nhiên. Đây chính là điều mà tổ Đạo Nguyên
đã dạy: “Ngồi thiền đúng cách là thể hiện chân tánh
không ô nhiễm của mình chứ không phải cố gắng để Ngộ”.
Tuy nhiên bà cần nhớ kỹ rằng Ngộ vẫn là điều hết sức
quan trọng, tôi đã nghe có người lý luận một cách sai lầm
rằng Ngộ không phải là điều cần thiết. Nếu tu thiền
mà không đạt Ngộ thì cái đó là thứ thiền gì chứ không
phải thiền Phật giáo. Bà nên biết có nhiều phương pháp
khác nhau, cố gắng đạt Ngộ qua việc tham công án, quán hơi
thở hoặc đạt Ngộ qua cách ngồi với lòng tin rằng giây
phút kiến tánh sẽ đến tự nhiên, Tổ Đạo Nguyên đã nói:
”Trong Chỉ Quán Đả Tọa không có phương tiện (thiền tọa)
hay cứu cánh (giác ngộ) mà phương tiện và cứu cánh là một”.
Đây là một phương pháp thực hành mà người tu chỉ tập
trung vào việc ngồi mà thôi. Vì không có công án hay hơi thở
trợ giúp nên người ta rất dễ xao lãng, do đó nói thì dễ
nhưng thực hành lại rất khó. Đây không phải phương pháp
cho người mới tập mà dành cho những người đã có công
phu tu tập lâu dài, những người có thể ngồi lâu không mỏi
mệt, có thể đếm hơi thở rõ ràng, không nhầm lẫn, vì
nó đòi hỏi một sự tập trung cao độ. Vì trạng thái tập
trung này không thể kéo dài duy trì lâu được nên một thời
khóa chỉ nên kéo dài khoảng nửa giờ là nhiều. Tôi tin chắc
rằng nếu ngồi đúng cách, bà sẽ toát mồ hôi đầm đìa,
dù giữa mùa đông giá lạnh, vì sự tập trung sẽ sinh nhiệt.
Tuy nhiên trên con đường đạo, không có một phương pháp
cố định nào để áp dụng cho tất cả mọi người. Mỗi
người tùy tâm trạng, hoàn cảnh và hạnh nguyện sẽ lựa
chọn phương pháp nào thích hợp với mình nhất để tu tập.
Theo kinh nghiệm của tôi, bà cần phải áp dụng cả ba phương
pháp để đối trị với những chướng ngại của bà. Bà
cần tham công án để phá vỡ những chướng ngại về trí
thức, lý luận. Bà cần quán hơi thở để giữ đầu óc minh
mẫn, luôn luôn chủ động chứ không để lọt vào trạng
thái trống rỗng thụ động. Và sau cùng bà cần thực hành
Chỉ Quán Đả Tọa để thể hiện Phật tánh sẵn có, tránh
những mong cầu về Ngộ. Một khi đã ngồi một cách thành
kính, không mong, không cầu gì nữa mà hoàn toàn để tâm thoải
mái thanh tịnh thì dù bà có đạt ngộ hay chưa, tự tánh sẵn
có cũng vẫn khai mở và thể hiện một cách tốt đẹp.
Từ
đó tôi bắt đầu áp dụng phương pháp thiền sư Yasutani chỉ
dạy vào thời khóa hàng ngày, bắt đầu bằng việc tham cứu
công án, quán hơi thở và Chỉ Quán Đả Tọa. Dưới sự chỉ
dẫn của thiền sư Yasutani, tôi tập trung tư tưởng vào đan
điền (hara) vì đó là nơi các năng lực tinh thần quy tụ,
Một số người tin rằng óc là nơi trú ngụ của tư tưởng
nên khi tọa thiền họ thường tập trung tất cả sức mạnh
vào đầu, hoặc giữa trán để mở con mắt tâm. Thiền sư
Yasutani không đồng ý và chủ trương phải bắt đầu từ
đan điền (hara) để giữ quân bình cho cơ thể và thiết lập
một trung khu ý thức tại đây. Ông cho rằng nếu tập trung
tư tưởng lên óc thì dễ bị nhức đầu, căng thẳng thần
kinh, tê liệt cảm giác, rồi sinh ra các biến chứng kỳ lạ
như thụ động, mẫn cảm dễ bị các động lực khác sai
khiến. Ông nói rằng sự tập trung sinh lực vào đan điền
sẽ làm giảm đi các vọng niệm nảy sinh trong đầu vì máu
trên óc sẽ được kéo xuống đan điền, xoa dịu bộ óc và
hệ thần kinh, làm xả giãn các sự căng thẳng không tự nhiên.
Khi tâm được giữ chặt ở đan điền, các vọng niệm ích
kỷ vốn xuất phát từ trí óc hạn chế, phân biệt, sẽ được
thay thế bằng các tư tưởng rộng rãi, bao dung khiến người
ta kinh nghiệm được một cảm giác tự do, thoải mái tràn
ngập khắp tâm và thân. Khi tập trung tư tưởng lên óc một
cách quá độ, người ta thương vô tình cúi đầu ra phía trước
khiến lưng không được thẳng. Một cái lưng cong sẽ kéo
theo vô số tạp niệm nảy sinh do sự lưu chuyển không bình
thường của khí. Những tạp niệm này sẽ ảnh hưởng lên
hơi thở và làm cho nó trở nên nhanh chậm bất thường, tùy
bản chất các tạp niệm. Sự rối loạn hơi thở sẽ phản
ảnh ngược lên thần kinh tạo ra trạng thái căng thẳng không
cần thiết. Nếu tập trung vào đan điền, người ta dễ ngồi
thẳng lưng một cách thoải mái, nhờ thế mà cơ thể ngồi
lâu, chân tay không bị tê cứng, đau buốt. Chính nhờ biết
ngồi đúng cách mà các năng lực tinh thần bị lãng phí trước
kia vào những lý luận thị phi, những toan tính ích kỷ, sẽ
được sử dụng một cách hài hòa để gia tăng cường lực
cho các bộ phận của cơ thể. Chính sự ngồi đúng cách và
thở hít một cách ý thức này sẽ tái sắp đặt các năng
lực của cơ thể, phân phối nó đi một cách đồng đều,
làm ổn định tâm thần, tự tánh sẵn có được thể hiện
và chuyển hóa nhân cách cũng như cá tính con người.
Tôi
sống tại Taiheiji được khoảng một tháng thì chùa Raikoji
gần đó có mở khóa nhiếp tâm (Sessin) và thiền sư Yasutani
khuyến khích tôi nên đến đó tham dự. Khóa nhiếp tâm này
được thiền sư Shibayama hướng dẫn. Ông dạy học trò phải
tham công án “Cây cột phướn trước sân chùa” như sau:
Đại đức A Nan đến hỏi Tổ Ca Diếp: ”Khi đức Thế Tôn
phó chúc và truyền y bát cho sư huynh, ngài còn truyền pháp
riêng gì nữa không?” Tổ Ca Diếp liền gọi: ”Này A Nan!”
Đại đức A Nan trả lời: “Dạ” Tổ Ca Diếp liền nói:
”Cây cột phướn trước cổng chùa đổ”. Đại đức A
Nan nghe đến đó giật mình liễu ngộ và được Tổ Ca Diếp
ấn chứng và truyền chánh pháp nhãn tạng cho làm vị tổ
thứ hai của Thiền Tông.
Tôi
ngồi xếp bằng và khởi sự tham công án thì nhìn thấy những
tấm chiếu trải trên thiền đường đều đã rách nát cả.
Tôi cảm khái nghĩ thầm: ”Ngôi chùa này nghèo quá, ngay những
tấm chiếu trải mà cũng để cũ nát như vậy. Ngày trước
khi còn hành nghề cô đồng (Miko), có bao giờ ta để ngôi
đền Thần Đạo có những tấm chiếu cũ nát như thế đâu!
Có lẽ ta phải hành lại nghề này để kiếm tiền tu bổ
cho ngôi chùa này mới được. Nghĩ cho cùng, hành nghề đồng
cốt đâu có gì xấu…” Vừa lan man nghĩ đến đó thì tôi
nhận thức được rằng mình đã thiếu tự chủ, để cho
những tư tưởng không cần thiết dấy lên một cách vô ý
thức. Ngay lúc đó tôi cũng hốt nhiên hiểu được ẩn nghĩa
của công án “Cây cột phướn trước sân chùa đổ”. Chỉ
một thoáng giây, mọi sự trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Chỉ một phút sơ ý, tâm người đã bị ngoại cảnh chi phối,
vọng tưởng nổi lên không ngừng khiến người ta mất tự
chủ. Từ chuyện nhỏ như tấm chiếu rách rồi đến việc
tu theo Thần đạo, việc hành nghề đồng cốt… Ôi thôi!
Chỉ một thoáng giây thiếu tự chủ mà vọng niệm đã nổi
lên cuồn cuộn như vậy thì làm sao mặt nước hồ tâm có
thể tĩnh lặng để mặt trăng chân lý biểu hiện rõ ràng
được? Cho đến lúc đó tôi mới hiểu được rằng chân
lý đâu phải một thứ để đem ra bàn luận, để suy tưởng,
để quán xét mà phải trực nhận, kinh nghiệm nó trong từng
phút giây. Khi bắt đầu suy gẫm đến nó là đã lạc đề
rồi. Khi bắt đầu đặt câu hỏi là đã xa lìa nó rồi, và
chỉ sai lệch đi một ly là đi xa cả vạn dậm. Đó chính
là sự hiểu biết của tôi về công án “Cây cột phướn
trước sân chùa đổ”. Phải rồi, phải làm bặt mọi tư
tưởng, phải dứt tuyệt mọi suy gẫm, mọi tư niệm, phải
hoàn toàn làm chủ cái Tâm của mình trong bất cứ hoàn cảnh
nào, trong từng phút giây. Từ trước đến nay, việc tọa
thiền của tôi không có kết quả bao nhiêu vì tôi chưa tự
mình tìm ra được một mấu chốt nào để bám vào, nhưng
đến nay tôi đã có một chìa khóa để hướng dẫn công phu
tu tập. Từ đó mỗi khi một tư tưởng nào đó nảy sinh,
tôi lại quán đến công án này để loại bỏ nó và tập
trung nỗ lực vào đan điền.
Tôi
tiếp tục tu tập thêm hai tháng nữa cho đến khóa nhiếp tâm
sau được tổ chức vào cuối mùa hè năm đó. Lần này thiền
sư Yasutani là người hướng dẫn nên chứng tôi trở lại
tham công án Vô. Vào ngày thứ hai trong tuần lễ nhiếp tâm,
tôi đang tập trung nỗ lực để giữ công án này trong tâm
thì bất chợt có một sức mạnh kỳ lạ ở đâu đẩy tôi
ngã bật ngửa ra phía sau. Tôi cố gắng ngồi dậy, chuẩn
bị lại tư thế ngồi cho vững chắc và tập trung nỗ lực
vào công án nhưng một lần nữa, tôi lại bị đẩy ngã bật
ngửa ra phía sau. Tôi ngạc nhiên suy nghĩ: Có thể lúc trước
mình ngủ gật rồi bị ngã, nhưng lần này rõ ràng mình đã
tỉnh táo mà sao lại ngã lăn ra như vậy? Đang suy nghĩ thì
thời khóa thiền cũng vừa chấm dứt, mọi người xả thiền
để xoa nắn chân tay rồi xếp hàng để đi kinh hành. Tôi
xoa nắn chân tay rất kỹ cho xả giãn rồi theo mọi người
đi kinh hành quan thiền đường. Sau khi đi kinh hành, mọi người
trở lại chỗ ngồi để tiếp tục tọa thiền. Lần này rút
kinh nghiệm, tôi cẩn thận ngồi thật ngay ngắn, thở hít
rất ý thức, và tập trung tư tưởng vào đan điền trước
khi khởi sự tham công án. Vừa đề xướng công án trong tâm,
tôi đã bị ngay một sức mạnh kỳ lạ ở đâu đẩy ngã
bật ngửa ra phía sau, nhưng nhờ đề cao cảnh giác, tôi ý
thức ngay được đó là một ngoại lực gây ra bởi các vong
linh. (Nhờ hành nghề đồng cốt, tôi đã được dạy bảo
rằng khi bị đẩy ngã ngửa ra phía sau thì nguyên nhân thường
do các yếu tố bên ngoài như các vong linh; còn như ngã chúi
ra phía trước thì nguyên nhân có thể do các yếu tố bên
trong, do sự rối loạn của tâm thân hay bị bùa chú trù ếm
ám hại). Tôi kết luận rằng có thể đây là những vong linh
vất vưởng quanh chùa, những cô hồn không người thờ cúng,
không nơi nương tựa đã quấy phá tôi. Tôi biết đây là
một chuớng ngại mà tôi cần vượt qua. Dĩ nhiên một người
đã từng là vị thầy của Thần Đạo như tôi hiển nhiên
có cách đối phó nhưng không hiểu sao tôi lại thấy nảy
lên trong lòng một ý nghĩ thương xót. Tôi thở mạnh một
hơi cho tỉnh táo rồi chắp tay khấn thầm: ”Hỡi các vong
linh, các loài ma quái hiện diện quanh đây. Tôi chỉ là một
người cũng đang lầm đường lạc lối như quý vị và tôi
không ao ước gì hơn là tu tập để giải thoát. Nếu tôi
tìm được con đường giải thoát trong kiếp này thì tôi nguyện
sẽ phát tâm hồi hướng công đức, xin giúp đỡ và hướng
dẫn tất cả mọi loài chúng sinh cũng đều được giải thoát
như tôi. Xin quý vị đừng quấy phá tôi nữa mà giúp cho tôi
có thể tròn được đạo quả”. Sau khi phát nguyện xong,
tôi quyết tâm ngồi thật ngay ngắn và tập trung mọi sức
mạnh trong người để tọa thiền. Lạ lùng thay, từ đó tôi
không bị đẩy ngã bật ngửa ra sau nữa, nhưng mỗi lân sơ
ý, không kiểm soát hay thiếu công phu hành trì thì tôi lại
bị đẩy ngã lăn ra như trước.
Suốt
ngày hôm đó tôi rất mệt mỏi vì phải dụng công nhiều
nhưng tôi cương quyết giữ công án trong tâm không ngưng nghỉ.
Đến tối, khi đặt mình nằm xuống sàn, tôi vẫn tiếp tục
tham công án Vô. Tôi thấy mỗi hơi thở đều là Vô, thở
ra cũng là Vô, hít vào cũng là Vô, tất cả đều là Vô…
cứ thế tôi hòa nhập vào trong Vô lúc nào không biết. Tôi
ý thức rằng mỗi tiếng động cũng là Vô; tiếng chó sủa,
mèo kêu cũng là Vô; tiếng gió thổi, tiếng lá cây rụng cũng
là Vô; từ cánh cửa đến bức tường cũng đều là Vô, và
bất chợt mọi sự trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Cái
kinh nghiệm lúc này thật không thể diễn tả vì ”chỉ ai
uống nước mới biết được nóng lạnh”. Tôi bật cười
sung sướng thốt lên ”Ôi cái ông già Triệu Châu này, ông
đã làm khổ tôi biết mấy! Thì ra công án Vô chỉ có thế
thôi…” Tôi toan ngồi bật dậy để đi tìm thiền sư Yasutani
để xin Độc tham (Dokusan) nhưng không hiểu sao tôi thấy điều
này không còn cần thiết nữa. Khi xưa tôi vẫn nghĩ nếu giải
được công án này, chắc hẳn tôi phải sung sướng lắm,
nhưng không hiểu sao lần này tôi lại thấy trong lòng hết
sức yên tĩnh, chẳng vui mà cũng chẳng không vui. Trong lòng
tôi hoàn toàn an tĩnh, thông suốt và tôi quyết định nằm
xuống ngủ cho đẫy giấc. Chưa bao giờ tôi ngủ được một
giấc dài thật thoải mái, nhẹ nhàng, thanh thản như lúc đó.
Hôm sau tôi tiếp tục tham dự thời khóa thiền tập như thường lệ cho đến khi được gọi vào độc tham với thiền sư Yasutani. Tôi quỳ xuống đảnh lễ và thong thả nói: ”Thầy ơi, con đã thấy được Vô!” Thiền sư Yasutani chăm chú nhìn tôi một lúc rồi ông bắt đầu đặt câu hỏi. Tôi tuần tự trả lời từng câu một cách rõ ràng, mạch lạc. Cuộc độc tham kéo dài hơn hai mươi phút và sau cùng ông xác nhận rằng tôi đã kiến tánh (Kensho). Ông mỉm cười hỏi:
- Thế nào, đêm qua bà ngủ ngon chứ?
- Thưa vâng, con đã ngủ được một giấc thoải mái. Người
ta nói rằng khi kiến tánh, ai cũng vui mừng rộn ràng, vui đến
nỗi không thể ngủ được. Tuy nhiên con chỉ thấy trong lòng
bình an, thanh thản chứ không có gì khác lạ. Con cảm thấy
như vừa nuốt trôi được một cái gì vướng mắc trong cổ
họng từ bao lâu nay và từ đó mọi sự trở nên thông suốt.
Nhãn quan của con dường như mở rộng và con tự hỏi: ”Phải
chăng đó là Kiến tánh?” Khác hẳn với kinh nghiệm khi xưa
với những hình ảnh lạ lùng, những màu sắc, âm thanh và
một niềm vui tràn ngập khắp châu thân, lần này con chỉ
thấy một sự an lạc thầm kín, nhẹ nhàng không thể diễn
tả, con chỉ có một ý nghĩ duy nhất là ”nếu một kẻ già
nua, quê mùa hủ lậu như con mà cũng có thể kiến tánh được
thì chắc chắn trên thế gian này, không có ai không thể kiến
tánh. Nếu đã muốn, chắc chắn ai cũng có thể tu hành để
giải thoát được như vậy vì tất cả mọi chúng sinh đều
có sẵn khả năng này”. Đó là ý nghĩ của con khi kinh nghiệm
được sự an lạc ấy. Cho đến lúc này con mới hiểu rõ
điều thầy đã dạy” Kiến tánh là kinh nghiệm mà mình có
thể sống mãi trong đó, không bao giờ dứt tuyệt” và con
cũng hiểu điều Tổ Huệ Khai nói với Tổ Bách Trượng: “Kho
báu trong nhà dùng không bao giờ hết mà còn đi tìm ở đâu?”
Bạch thầy, trong bao năm qua con đã khổ công đi tìm đạo
giải thoát, con đã phạm hết lỗi lầm này đến lỗi lầm
khác, cứ như kẻ đi trong đêm tối, sờ soạng không sao tìm
được lối thoát. Hiện nay con thấy rõ lớp mây mù chung quanh
đã tan, có thể thấy rõ mọi sự và con hiểu rằng tất cả
mọi cố gắng của con từ trước đến nay không có gì vô
ích, quả đúng như lời thầy đã dạy ”Ai dám bảo rằng
99 lần bắn hụt không liên quan gì đến lần thứ 100 bắn
trúng hồng tâm?” Hiện nay tất cả mọi sự đều sáng tỏ,
thông suốt và con hiểu được lời Tổ Tăng Xán đã dạy:”
Đạo lớn chẳng gì khó, cốt đừng lựa chọn thôi, quý hồ
không phân biệt, thì tự nhiên sáng ngời, sai lạc đi một
ly, đất trời liền xa cách, chớ nghĩ chuyện ngược xuôi,
thì hiện liền trước mắt”. Hơn lúc nào hết, con thấy
rõ mình như đứa con đi hoang trở về nhà, như kẻ cùng tử
trong kinh Pháp Hoa, có hạt châu quí trong túi áo mà không biết
sử dụng. Con thấy rõ ơn thầy đã từ bi chỉ dạy, công
ơn chư Phật, chư Bồ Tát, vì thương xót chúng sinh mà đã
khai đường chỉ lối…
Phần
kết
Ni
sư Satomi Myodo tiếp tục tu học với thiền sư Yasutani trong
nhiều năm và đã giải được hơn 546 công án cần thiết
để trở nên một vị thầy của dòng Tào Động. Bà được
thiền sư Yasutani chứng nhận đã hoàn tất chương trình huấn
luyện theo phương pháp của ông và thầy của ông, thiền sư
Harada Sogaku. Không như những chương trình huấn luyện khác
tại các thiền viện Nhật Bản, phương pháp này bao gồm cả
hai truyền thống Tào Động và Lâm Tế và được biết đến
như một chương trình huấn luyện hết sức khó khăn vì nó
đòi hỏi một kỷ luật vô cùng khắt khe và một ý chí cương
quyết mãnh liệt. Dĩ nhiên một người đã được chứng nhận
như thế có thể mở trường đào tạo học trò, hoặc đi
trụ trì một ngôi chùa nào đó nhưng ni sư Satomi Myodo đã
không làm thế. Bà chỉ muốn tiếp tục tu tập và thực hành
Chỉ Quán Đả Tọa. Chính thiền sư Yasutani đã công nhận
bà là một trong những người thực hành Chỉ Quán Đả Tọa
lỗi lạc nhất nước Nhật mà ông được biết.
Trái với khi xưa, lúc là vị thầy Thần Đạo, bà đã có những chương trình hoạt động to tát, xây cất các đền thờ, thắng tích nổi tiếng, mở các khóa tu cho hàng ngàn người tham dự. Lần này mặc dù có thể làm như vậy nhưng bà đã từ chối mọi sự mà chỉ khiêm tốn nhận chức quét dọn, nấu nướng tại chủa Taiheiji, hoặc phụ tá cho thiền sư Yasutani trong các khóa Nhiếp Tâm. Bà sống âm thầm giản dị và thường được mọi người biết đến như một trong hai thị giả nổi tiếng của thiền sư Yasutani. Người ta thường thấy bà mặc một tấm áo nâu cũ, trên vai đeo túi đựng kinh đi sau thiền sư Yasutani trong các khóa giảng dạy về thiền. Tuy không chính thức giảng dạy nhưng hành động, cử chỉ của bà đã là một tấm gương sáng cho nhiều người khác. Những ai đã đến chùa Taiheiji đều biết đến vị ni sư già lo việc nấu nướng, quét dọn, đun bếp với nụ cười an lạc trên môi và những người có dịp tiếp xúc với bà đều phải công nhận rằng bà là một trong những thiền sư lỗi lạc nhất của Nhật Bản trong cuối thế kỷ hai mươi. Bà thường nói: ”Ta đã tìm kiếm không ngừng về con đường thoát khổ vì ta không thể hài lòng với những con đường hứa hẹn thật nhiều nhưng chẳng giải quyết được bao nhiêu. Ta không thể chấp nhận một cái gì xa vời, hão huyền rời xa thực tế vì những điều này không ăn nhập gì đến đời sống hiện tại. Điều ta muốn tìm là con đường giải thoát ngay trong đời sống hiện tại, vì ta biết khi tìm ra nó, người ta sẽ không còn đau khổ và đời sống sẽ là một ân sủng thay vì một sự phấn đấu khôn nguôi”.
Năm 1978, sau khóa an cư kiết hạ, ni sư Satomi Myodo xin phép thiền sư Yasutani trở về thăm nhà vì đã đến lúc bà phải ra đi. Bà về Hokkaido, đi thăm mộ song thân, gặp lại con cháu một lần cuối rồi vào ngày 2 tháng 8 năm 1978, bà xếp bằng nhập thiền và trút hơi thở cuối cùng. Khi đó bà vừa được 80 tuổi. Người con gái của bà đã viết: ”Mẹ tôi vốn là một người khắc khổ, lạnh lùng, suy nghĩ nhiều và thường ít nói nhưng lần này khi trở về, bà là một con người khác hẳn. Mặc dù tuổi đã cao, trên mặt đầy vết nhăn nhưng nét mặt của bà thật rạng rỡ, và đặc biệt lúc nào bà cũng mỉm cười khiến ai nhìn thấy cũng phải cười theo. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi sung sướng thoải mái như lần này, ngay trước khi qua đời, mẹ tôi vẫn còn vui đùa với hai đứa cháu ngoại một lúc rồi mới nhập thiền và trút hơi thở cuối cùng”.