Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

19. Dòng sông và giọt nước

05/09/201103:08(Xem: 3694)
19. Dòng sông và giọt nước

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG
Huệ Trân 2008

Dòng sông và giọt nước

Được sư phụ gửi qua Làng Mai tu học ba tháng trong khóa An Cư Kiết Đông, đối với tôi là một sự bất ngờ mầu nhiệm. Bất ngờ, vì khóa tu vừa bắt đầu rồi, tôi có thu xếp hỏa tốc lắm cũng trễ ít nhất từ một tuần đến mười ngày. Vậy mà, qua một vài điện thư, tôi đã được sư cô Chân Không chấp thuận. Mầu nhiệm, vì niềm đau nỗi khổ đang đến với tôi như những thử thách. Tôi đã quán chiếu, nhận diện đau khổ như những thực thể có mặt chứ không hòa đồng mình với đau khổ. Nhưng vì năng lực còn yếu nên con chim trúng thương đang cố vỗ cánh tìm một nơi an toàn trú ẩn.

Thì đây, sư phụ cầm phong thư đã viết sẵn, và truyền: “Con thu xếp ngay để qua Làng Mai. Trình lá thư này lên Sư Ông. Hãy chuyên cần, tinh tấn trong ba tháng đó.”

Ôi, sư phụ có tha-tâm-thông hay không mà đọc được sự mong mỏi trong lòng tôi như thế!

Sau ba ngày xoay như chong chóng, tôi mới có vé bay để một tuần sau đó, rời miền Nam California đầy nắng ấm của Hoa Kỳ, lên đường sang Paris đang lạnh dưới năm độ.

Tôi đã từng qua Pháp, xuống phi trường Charles De Gaulle vài lần, nhưng khi thì có thầy có bạn, khi thì có người thân cùng đi; và xuống phi trường là tôi luôn an tâm vì có người chờ đón. Lần này, một mình đeo túi vải lên vai, chẳng phải tới Charles De Gaulle (CDG) là xong, mà từ đó, phải chuyển máy bay đi Bordeaux. Tới Bordeaux mà không có ai đón thì phải tìm cách ra ga xe lửa mới về Làng được. Trong những điện thư trao đổi với sư cô Chân Không, có một cái “hãi hùng” như thế này: “Nếu vé bay về Bordeaux mắc quá thì em cứ bay tới Paris, phi trường CDG, rồi hỏi đường tới ga xe lửa về Bordeaux. Nhưng em phải xuống ga Libourne là một chặng trước Bordeaux để đổi sang xe lửa khác đi Sainte Foy La Grande. Tới đây thì mới có người trong Làng ra đón em được”.

Với những người đã từng có kinh nghiệm về Làng thì có lẽ những lời chỉ dẫn này là quá rõ ràng và đơn giản. Nhưng với con dế mèn phiêu lưu ký như tôi mà lò dò từ tầu bay sang tầu hỏa thế này, không chừng tôi sẽ tới… Tây phương!

Nhưng tôi biết, cơ hội này rất quý nên vừa xếp hành lý, vừa lẩm nhẩm bài kệ: “Để Bụt thở, để Bụt đi. Mình khỏi thở, mình khỏi đi. Bụt đang thở, Bụt đang đi. Mình khỏi thở, mình khỏi đi …” Thế là sự mầu nhiệm lại đến với tôi qua điện thư của sư cô Chân Không: “May quá, sư cô đã nhờ được người đón em tại phi trường Bordeaux và đưa em về thẳng Làng. Đó là anh Guy Pasteur, một người Việt Nam trưởng thành tại Pháp”.

Thế đó, nên đôi khi tôi có ỷ lại vào Bụt cũng chẳng là vô cớ. Và nhiều lần, tôi đã từng là cô Tấm, ngồi gọi Bụt rồi khóc bên bờ ao khi con cá bống thân yêu của mình bị cô Cám bắt làm thịt!

Được sư cô Chân Không cho biết anh Guy Pasteur chỉ nói bập bẹ tiếng Việt nên tôi cố ôn lại chút tiếng Pháp (cũng bập bẹ) của mình. Suốt dọc đường từ phi trường Bordeaux về Làng, hai ngôn ngữ bập bẹ trao đổi với nhau đầy thân thương vì chúng tôi còn có chung một ngôn ngữ nữa. Đó là ngôn ngữ Tình Thương với hai chữ “T” cùng viết hoa.

Cơ duyên tôi được tham dự An Cư Kiết Đông ở Làng Mai do bao nhiêu tình thương hội tụ lại như thế, tôi phải đền đáp thế nào cho đủ!

Y phục và vật dụng linh tinh tôi mang theo do cảm quan và trí tưởng tượng của mình. Đến nơi mới biết chỉ dùng được 50%. Nhưng tôi chẳng có gì phải lo lắng, cái gì sai, cái gì thiếu, đều được sư cô trụ trì ân cần cho mượn. Điều bối rối khá lý thú là các sư cô trẻ đều giống nhau quá! Cô nào cũng nhỏ nhắn, xinh xắn, dịu dàng, đi đứng, nói năng, làm việc … lúc nào cũng khoan thai, nhẹ nhàng, nhất cử nhất động khá giống nhau; cố nhớ tên các sư cô cùng đội với mình đã vất vả, làm sao nhớ nổi cô nào là Khiết Nghiêm, cô nào là Triệu Nghiêm, cô nào là Nhẫn Nghiêm… Lúc nào bí quá, tôi lại lẩm nhẩm đọc kệ: “Chỉ có thở, chỉ có đi. Không người thở, không người đi …”

Rồi mỗi ngày qua là mỗi dễ dàng hơn khi đã tạm quen với chương trình tu học và làm việc, thay đổi từng ngày trên bảng. Những sinh hoạt từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối được sắp xếp rất hài hòa để mang lại đủ năng lượng nuôi dưỡng thân tâm và khai mở trí tuệ.

Giờ tọa thiền 5 rưỡi sáng, những ngôi sao ngủ muộn còn lấp lánh trên nền trời sẫm tối nhưng sương sớm đã phủ mờ lối cỏ. Ngày tinh khôi thoảng hương gió thơm nhẹ từ những thân bách diệp quyện hương tinh khiết của rừng thông xanh mướt đã đủ tưới tẩm chất thiền trên những bước chân về thiền đường.

Một lần, ở Xóm Hạ, Thầy giảng về đề tài, làm sao đạt được an lạc, vững chãi khi thiền hành. Hôm đó, Thầy giảng pháp mà như đang làm thơ. Thầy nói, khi thiền hành, nếu ta đặt được chánh niệm vào bước chân thì ta có thể đi bằng bước chân của Bụt, dù ta đang có khổ đau trong lòng, ta vẫn có thể đi như quốc vương, như nữ hoàng. Có chánh niệm thì nỗi đau cũng là bạn đồng hành chứ không còn là đối tượng làm ta đau khổ mữa. Đừng cố ngăn giữ niềm đau, cũng đừng xua đuổi chúng. Hãy ôm lấy niềm đau mà đi, đồng thời mời gọi thiên nhiên vào trong ta. Thiên nhiên sẽ là dược liệu xoa dịu niềm đau.

Trong khi nghe những lời giảng như vậy, tôi nhìn thiên nhiên qua khung cửa kính. Trời đang sáng dần, lờ mờ đã thấy rừng phong trụi lá, im sững trong màn mưa sương đục. Những bụi trúc xanh mướt mang hình ảnh tu viện Trúc Lâm hơn 2500 năm trước, là bức tranh tĩnh mạc lột tả trọn vẹn sự thanh khiết, tươi mát và an nhiên tự tại của thiên nhiên.

Chỉ lắng tâm, thở sâu và nhẹ để nhìn thiên nhiên qua một không gian, một thời gian thôi mà còn cảm được cái bao la từ ái, như những bàn tay lương y, thì niềm đau nỗi khổ nào mà không được xoa dịu. Nếu tiếp tục lắng tâm, thở sâu, tiếp tục mời gọi vạn hữu về cùng ta thì chiếc lá phong đang rơi, bông hoa dại vừa nở, ngọn cỏ non rụt rè bên lối sỏi đều có thể trở thành lời ru êm của mẹ, sự âu yếm của cha. Có niềm đau nào còn mưng mủ được trong những nôi hồng thương yêu đó nữa không?

Cơn mưa sớm đã tạnh, và ánh dương đang rực rỡ phương đông. Tôi thực tập lời giảng, mời gọi mặt trời, và bỗng nghe mặt trời hát bài thơ Bát Nhã:

“Nắng là lá cây xanh
Lá cây xanh là nắng
Nắng chẳng khác lá xanh
Lá xanh chẳng khác nắng
Bao nhiêu hình sắc kia
Cũng đều như vậy cả”.

Không biết Thầy làm bài thơ này lúc nào mà khi tôi mời gọi mặt trời thì thơ đã cùng về với nắng để nói cho tôi biết: “Bao nhiêu khổ đau kia. Cũng đều như vậy cả”.

Bằng tinh thần Bát Nhã thì khổ đau kia là gì?

Lòng tôi bỗng vỡ òa niềm vui. Nắng, lá cây, mặt trăng, mặt trời, sương, mây, gió, mưa… tất cả đều ở trong nhau và ngoài nhau, tương dung và tương tức để thành cái bất sinh bất diệt. Vậy mà, tôi đã vô minh, tự trói mình vào niềm đau! Trong khi, nếu tôi biết thở thì “Khổ đau là hạnh phúc. Hạnh phúc là khổ đau”. Thư pháp trong phòng ăn Xóm Mới chẳng từng nói thế ư: “Les larmes que je versais hier, sont devenues pluie” Giọt lệ tôi nhỏ xuống hôm qua, nay đã thành cơn mưa”.

Những điều này, tôi cũng đã biết ít nhiều qua lý thuyết nhưng thực tập áp dụng được thì chưa bao nhiêu. Những gì chưa cảm nhận đủ, tôi thường ỷ lại, đổ thừa “Tại chưa đủ duyên!” Thật ra, tại mình chưa quyết tâm hạ thủ công phu. Chẳng phải Thầy từng nhắc trong những bài giảng: “Sự mầu nhiệm phải được tự ta thực chứng chứ không phải qua sách vở hay kinh nghiệm của người khác”.

Tôi đang được thở trong một môi trường quá tốt đẹp để thực tập giáo pháp vì quanh tôi, không gì ngoài đoàn lữ hành quyết tâm đi chung một con đường. Đó là con đường giải thoát khổ đau cho mình và cho người. Cùng đi chung với đoàn lữ hành đó là thiên nhiên tinh khôi, rực rỡ. Xóm Thượng qua Xóm Hạ; Xóm Hạ về Xóm Mới; Xóm Mới đi bộ tới Phương Khê. Thầy tới xóm nào giảng pháp thì các xóm kia cùng về đó. Tôi mới ở Xóm Mới có hai tuần mà đã hai lần Thầy xuống đây, hai lần chúng tôi lên Xóm Thượng, Xóm Hạ và một lần tôi được tới Sơn Cốc, nơi Thầy còn gọi bằng cái tên thơ mộng là Phương Khê, là dòng suối thương. Thầy tới xóm nào thì đội nấu ăn của xóm đó lo việc ăn uống cho tất cả mọi xóm. Lần đầu Thầy xuống Xóm Mới nhằm đúng ngày đội chúng tôi nấu ăn. Tôi hoảng quá, nấu làm sao cho kịp, cho đủ! Ấy thế mà đội chỉ cần tăng cường thêm người xắt gọt, và các sư cô vẫn làm việc thong thả, nhẹ nhàng. Tôi biết, đây là sự tu tập làm việc trong chánh niệm.

Tôi bỗng nhớ tới một đoạn trong cuốn Đường Xưa Mây Trắng, Thầy kể khi Đức Thế Tôn trở về ngôi làng nhỏ có rừng cây êm mát nơi Ngài đã giác ngộ, để giữ lời hứa với chú bé chăn trâu năm nào. Chú bé được nhận vào tăng đoàn, cùng lên đường hướng về thành Vương Xá. Chú cảm thấy các vị sa môn đi chậm quá! cứ từng bước, từng bước thế này thì bao giờ mới tới?! Vậy mà, ngày đi, trưa ghé thôn xóm khất thực, đêm tìm rừng cây ngủ, chỉ mười ngày sau, chú đã thấy phố thị tấp nập, đông vui, khác hẳn miền quê nghèo của chú.

Tôi chứng nghiệm được điều này khi thực sự sống trong sinh hoạt của Làng Mai. Với chương trình tu tập luôn đan kín như tọa thiền, tụng kinh, nghe pháp, thiền hành, pháp đàm, các lớp học về phật pháp căn bản, thể dục v.v… hài hòa với sự làm việc như nấu ăn, dọn dẹp, liên lạc khắp nơi, đều được phân công nhịp nhàng và tất cả mọi sinh hoạt đều làm trong chánh niệm.

Làm như không làm mà mọi việc đều hoàn tất gọn gàng, trang nghiêm, tĩnh lặng. Nếu mắt không thấy, tai không nghe, chân không bước ở nơi này thì tôi thật không thể tin nổi.

Nhìn vườn rau xanh mướt đủ loại rau cải, rau thơm, từng luống thẳng tắp vươn lên khỏe mạnh như ở những nông trại chuyên nghiệp, mà nơi đây, hoa trái này chỉ là kết quả của những giờ chấp tác, làm việc trong chánh niệm.

Vì công việc được luân phiên tuần tự nên cũng tới ngày tôi được ra vườn rau. Tri vườn rau là sư cô Bảo nghiêm, từng theo Thầy nhiều năm, và đi tới đâu là sư cô gieo hạt, trồng rau tới đấy. Nơi đây hoàn toàn không dùng chất bón hóa học để tránh tối đa sự độc hại cho côn trùng. Chất bón chính là những lá rau úa, những lõi cải, những vỏ trái xanh cắt bỏ, được gom lại, ủ nơi góc vườn.

Tôi lại được nhìn thấy tận mắt sự hiển lộ của lý duyên khởi. Hạt gieo xuống đất thành cây, cây góp phần thành đất, đất lại giúp hạt nẩy mầm để cây trở lại. Có phải bất sinh bất diệt là thế?

Vừa mang những cây con mới nhô lên trong chậu nhỏ để trồng thẳng hàng theo những luống đất mới sới, tôi vừa miên man nghĩ tới ông bà, cha mẹ. Những điều mơ hồ từng được nghe như “Ông bà cha mẹ có trong ta, ta cũng luôn có trong ông bà cha mẹ” hình như đang mở chút ánh sang kỳ diệu cho tôi khi một sư cô tình cờ nhắc: “Đừng bỏ cây cải này. Nó nhỏ xíu nhưng nhìn kỹ thì cũng có rễ rồi đây. Cái hạt nhỏ đã nẩy mầm, mọc rễ, em cứ trồng xuống đi, nó sẽ tự biết tiếp nhận mặt trời, mưa, nắng để thành cây cải xanh tươi”.

Nghe sư cô nói một cách rất tự tin như thế, tôi thầm xin lỗi cây cải quá nhỏ mà tôi suýt bỏ đi; rồi ân cần vén đất, đặt nó xuống. Nó là một, trong hàng trăm hạt li ti của cây cải mẹ đã được cắt đi từ mùa trước. Cây cải mẹ, tưởng không còn nữa, nhưng tôi đang được thực chứng bằng những công việc rất bình thường mà khi quán chiếu sâu sắc thì có thể vỡ ra những nghĩa lý thâm sâu.

Cây cải con còn có thể có mặt cho cải mẹ, sao tôi lại chẳng thể cảm nhận có cha mẹ trong tôi? Cái thú viết lách này chẳng phải từ cha ư? Và cái sự nghiêm túc với mình về gọn gàng ngăn nắp chẳng là thừa hưởng từ mẹ sao?

Trong những buổi thiền tọa, trời mùa đông thường còn tối lắm. Thiền đường hàng trăm người ngồi tĩnh lặng trong ánh nến lung linh đã là nguồn năng lượng kỳ diệu truyền lẫn cho nhau. Nhưng vẫn còn nữa, vì trong không gian trầm lắng đó sẽ vọng lên tiếng nói rất êm nhẹ của Thầy:

“Con mời Đức Thế Tôn thở bằng lá phổi của con. Con thỉnh mời Đức Thế Tôn ngồi bằng lưng của con. Con mời cha trong con thở với con. Con mời mẹ trong con thở với con…”

Lời thỉnh mời của Thầy cực kỳ tha thiết, cực kỳ thành kính, dẫn dắt hàng trăm hơi thở cùng thỉnh mời, tha thiết và thành kính như thế, nên không phải chỉ có hàng trăm hơi thở mà dường như hàng ngàn, hàng trăm ngàn làn hơi đang hít thở trong chánh niệm như thế.

Buổi thiền hành sau đó, tôi cố nuôi dưỡng những cảm nhận quý báu mà mình thấp thoáng có được. Hôm đó lại là ngày giỗ cha tôi. Với tôi, cha không chỉ là bậc sinh thành dưỡng dục mà còn là người bạn tri kỷ. Câu thơ đầu đời, tiếng hát thơ ngây, cha luôn là người đầu tiên tôi chia xẻ, nên khi cha mất đi, tôi hụt hẫng như Bá Nha mất Tử Kỳ! Rất nhiều năm qua, tôi vẫn còn tâm trạng này. Thường, những ngày giỗ cha, tôi làm mấy món chay thanh đạm mà khi xưa cha ưa thích, rồi tắm gội sạch sẽ, khăn áo chỉnh tề, tôi tọa thiền trước bàn thờ Bụt, để mặc lòng mình tha hồ nhớ tưởng đến cha, và sau đó, tụng một thời kinh A Di Đà.

Ngày giỗ cha năm nay, tôi đang được sinh hoạt với tăng thân Làng Mai, tôi đang thiền hành cùng tăng thân và đại chúng nên tôi không thể hoàn tất mâm cỗ chay để cúng cha. Một ý tưởng ngộ nghĩnh chợt khởi lên trong tôi: “Bước chân này là những miếng đậu hũ. Bước chân này là những trái cà chua. Bước chân này là những lá dưa muối... Con sẽ có đủ vật liệu để nấu những món cha ưa thích”. Năng lượng của bao bước chân xung quanh lập tức tiếp trợ tôi. Tôi đã có thật nhiều đậu hũ, thật nhiều dưa cải.

Tôi nhìn lên phía trước. Trong dáng đi chậm rãi, an lạc và vững chãi cố hữu, Thầy đang bước những bước chân mời gọi, bước cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Tôi hoan hỷ nương theo: “Đậu hũ đã chiên vàng, canh dưa cải đã sôi, con xin dọn lên mâm, mời cha về, mời mẹ về. Con đang bước cho cha. Con đang bước cho mẹ …”

Trời lạnh lắm! mà bàn chân tôi như bỗng ấm, ấm vô cùng.

Trời ơi! Bàn chân cha đang ủ lên chân tôi. Đúng thế. Chắc chắn như thế. Tôi không thể lầm lẫn làn hơi ấm này.

Tôi tưởng mình sẽ òa lên khóc, nhưng lạ thay, tôi không khóc mà bình tĩnh thở. Thở vào, tôi biết mình đang thở vào. Thở ra , tôi biết mình đang thở ra. Tôi “nhìn” được hơi thở của mình như đang quan sát hơi thở của con ếch bên bờ giếng. Con ếch không chỉ thở bằng lá phổi. Nó thở bằng cả thân mình. Tôi cũng đang thở bằng cả thân mình vì trong hơi thở của tôi có cả cha và mẹ.

Buổi thiền hành hôm đó, sau khi Thầy rời tàn cây vừa tọa thiền dăm phút, để lại tiếp tục hướng dẫn đại chúng xuống đồi, tôi đã cúi nhặt ba chiếc lá phong thật đẹp bên gốc cây ấy. Vế phòng, tôi ép lá vào cuốn sách. Đây là ba bước chân quá khứ, hiện tại, vị lai đã vừa hội tụ về để chứng nghiệm sự vô sinh bất diệt. Hình như bài pháp Thầy đang giảng về Sư Tử Vàng (Kinh Kim Sư Tử Chương) cũng rất gần điều này. Mỗi sát na đều có đủ quá khứ, hiện tại và vị lai. Khi quán sát sư tử vàng, nếu sư tử là hữu vi thì vàng là vô vi. Nhưng nếu vàng là một sát na vô vi thì sư tử hữu vi cũng ở trong đó.

Tôi có đang đi tìm cái Thường trong Vô Thường không đây?

Năm giờ sáng, đường lên Sơn Cốc còn đầy sao.

Đây là ngày-quán-niệm đầu tiên tôi được cùng đi với tăng thân, chỉ những người xuất gia chứ không có cư-sỹ. Thiền đường nhỏ, nhưng ấm cúng. Thầy bước vào cùng thị giả, thân thương và giản dị. Thầy nói về sự chọn lựa giữa đạo và đời. Xuất gia là một hành động cách mạng khi buông bỏ hết những cám dỗ của danh vọng tầm thường để tiến tới lý tưởng thanh cao là độ mình rồi độ người.

Sau buổi pháp thoại, tôi ngỏ lời cám ơn sư cô Chân Không đã cho phép tôi dự ngày-quán-niệm ở Sơn Cốc. Sư cô nhìn tôi, mỉm cười, rồi bảo: -Em theo cô xuống đây.

Sư cô chia xẻ với tôi niềm hạnh phúc được sống mấy năm với mẹ, cho đến ngày cụ mất, nơi căn phòng tự tay sư cô trang trí. Rồi tôi theo sư cô ra hành lang nhỏ, dừng lại hai, ba nơi thì tới trước một cánh cửa khép hờ, và gõ nhẹ. Tôi theo sư cô bước vào, như vừa theo sư cô bước vào những căn phòng trước.

Vị ngồi bên chiếc bàn nhỏ, quay đầu ra. Trời! Đây là phòng Thầy.

Sư cô nói:

- Con đưa cô Huệ Trân vào thăm Thầy.

Thầy dợm đứng lên, nhưng tôi đã vừa quỳ xuống, vừa nói:

- Con kính đảnh lễ Thầy.

Tôi lạy thật sâu, năm vóc sát đất. Khi ngửng lên, Thầy nhẹ tay ra dấu:

- Lạy Bụt đi.

Tôi vụng về quá! bây giờ mới nhìn thấy bàn thờ Bụt. Tôi lại sụp xuống, lạy thật sâu. Thầy và sư cô Chân Không im lặng chứng minh. Rồi Thầy rời bàn viết, ra trước bàn thờ Bụt, ngồi xuống bồ đoàn và chỉ nệm đối diện, bảo tôi:

- Ngồi xuống đi con.

Tôi vâng lời. Vừa vén áo ngay ngắn xong thì sư cô trở vào với ba tách trà. Đặt khay xuống, sư cô thân ái ngồi bên tôi. Tim tôi đập lạc nhịp khi thấy chỉ có ba tách trà. Hạnh phúc này bất ngờ quá, làm sao xứng đáng để nhận tách trà này đây? Thầy nâng tách trước, bảo chúng tôi:

- Uống trà đi.

Rồi quay sang tôi, Thầy hỏi:

- Con thấy sáng nay thế nào?

Tôi đáp lời Thầy bằng cảm nghĩ tự đáy trái tim:

- Bạch Thầy, sáng nay con đã được thở.

Thầy mỉm cười. Sư cô cũng mỉm cười. Còn tôi, biết rằng những giây phút hiếm quý này không biết bao giờ có nữa, nên, như những phong linh chẳng thể ngăn âm thanh lao xao khi gặp gió, bao nhiêu khổ đau trong tôi cũng tuôn trào như thế. Và Thầy từ bi lắng nghe. Lòng tôi vơi dần khi Thầy nhắc khẽ: “Uống trà đi!” như Thầy từng nhắc anh Steve, một học trò của Thầy trong những năm đầu thập niên 70: “Ăn quýt đi!” dù anh đang được ngồi ăn quýt cùng Thầy mà tâm trí thì lại lan man ở tương lai xa thẳm.

Tôi vội vàng quay về giây phút hiện tại. Hơi ấm từ tách trà ngâm nga trong tôi những câu thơ của Thầy viết, có lẽ từ hơn bốn mươi năm trước:

“Sáng hôm nay
tới đây
chén trà nóng
bãi cỏ xanh
bỗng nhiên hiện bóng hình em ngày trước
bàn tay gió
dáng vẫy gọi
một chồi non xanh mướt
nụ hoa nào
hạt sỏi nào
ngọn lá nào
cũng thuyết Pháp Hoa Kinh”

Sáng hôm nay, tôi được lên Sơn Cốc, được Thầy cho một tách trà nóng, được thiền hành trên những bãi cỏ xanh; và bài thơ xưa như một cảm ứng nhiệm mầu cho tôi thấy tôi ngày trước. Ngày trước đó, chẳng phải là thời gian hạn cuộc hai mươi, ba mươi, hay bốn mươi năm trước, mà ngày trước đó chỉ là nét thảo mơ hồ của lúc mặt trời mọc hay khi trăng lên. Ngày trước đó, tôi từng là giọt nước, mải mê đùa cùng những hạt sương tan nên đã không nghe thấy tiếng mời gọi của dòng sông:

“Hãy thôi là giọt nước nhỏ cô đơn
Hãy là dòng sông để cùng chảy ra biển lớn”

(Xóm Mới-LàngMai, An cư kiết đông11/ 2007-02/2008)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/06/2017(Xem: 9144)
Theunis Botha (51 tuổi), một thợ săn chuyên nghiệp người Nam Phi đã mất mạng sau khi bị con voi đè lên người trong chuyến đi săn ở Gwai, Zimbabwe. Ngày 19-5, nhóm của Theunis Botha đang đi săn ở Gwai, Zimbabwe thì bắt gặp đàn voi 4 con, các thành viên trong đoàn đã nhanh chóng rút súng ra bắn. Tuy nhiên, hành động này đã khiến đàn voi nổi giận và chúng bắt đầu đuổi theo nhóm thợ săn. Sau khi Botha bắn vào 3 con voi, con thứ 4 trong đàn đã dùng vòi nhấc Botha lên cao. Đúng lúc đó, con voi này bị một thợ săn khác bắn chết, nhưng không ngờ thi thể của nó đổ sụp xuống người Botha, đè anh thiệt mạng. Được biết con voi thứ 4 là một con voi cái.
14/06/2017(Xem: 4292)
“Hôm nay con đang ngồi trong trường thi tuyển sinh ĐH khốc liệt, rất có thể đường đời dài phía trước sẽ được viết bằng hoặc có sự thay đổi ngay dưới ngòi bút của con. Con chỉ muốn mượn dịp này muốn thưa với mẹ một câu rằng: lần này mẹ hãy để con là một người của chính con thực sự…”.
01/06/2017(Xem: 3973)
Tôi quen bác Victor trong một trường hợp thật tình cờ. Cứ mỗi năm chị em chúng tôi lại họp mặt nhau một lần, năm nay lại họp nhau lại Überlingen - một thành phố có hồ Bodensee xinh đẹp, đầy thơ mộng nằm giữa biên giới ba nước Đức, Áo và Thụy sĩ. Đến tối, vào giờ coi tin tức thì cái Tivi nhà cô bạn bị trục trặc, cũng may nhà bác Victor ở gần đó nên cô bạn đã nhờ Bác sang điều chỉnh và tôi quen Bác từ đó.
22/05/2017(Xem: 53722)
Trong bước đầu học Phật, chúng tôi thường gặp nhiều trở ngại lớn về vấn đề danh từ. Vì trong kinh sách tiếng Việt thường dùng lẫn lộn các chữ Việt, chữ Hán Việt, chữ Pali, chữ Sanscrit, khi thì phiên âm, khi thì dịch nghĩa. Các nhân danh và địa danh không được đồng nhứt. Về thời gian, nơi chốn và nhiều câu chuyện trong sự tích đức Phật cũng có nhiều thuyết khác nhau làm cho người học Phật khó ghi nhận được diễn tiến cuộc đời đức Phật. Do đó chúng tôi có phát nguyện sẽ cố gắng đóng góp phần nào để giúp người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần.
25/04/2017(Xem: 7184)
Chữ "duyên" trong đạo Phật, nghe vô cùng dễ thương nhưng cũng cực kỳ dễ ghét. Dễ thương ở chỗ nhờ duyên người ta đến với nhau, còn dễ ghét cũng vì duyên người ta đành xa nhau. Đến cũng do duyên, mà đi cũng vì duyên. Hai người yêu nhau đến với nhau, họ bảo có duyên với nhau. Rồi khi chia tay thì bảo hết duyên. Đã vậy, "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ“. Còn „vô duyên đối diện bất tương phùng". Vô duyên cũng là duyên mà hữu duyên cũng là duyên. Cùng chữ duyên mà lắm nghĩa quá!
24/04/2017(Xem: 8796)
Dây Oan - Truyện dài của Hồ Biểu Chánh | Nghe Truyện Xưa, Tác phẩm : Dây Oan ( 1935 ) Thể loại : Truyện dài Tác giả : Hồ Biểu Chánh
19/04/2017(Xem: 4209)
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã làm thay đổi con người và xã hội Miền Nam! Bốn mươi hai năm qua, nhiều người đã viết về sự kiện đổi đời này. Nhưng dường như có rất ít câu chuyện được viết về những đau thương, mất mát và bi thống trong chốn thiền môn của một thời điêu linh và đen tối ấy. Đặc biệt, người viết là lại là một nhà văn, một nhà nghiên cứu Phật học, một hành giả Thiền thân cận với chư tăng, ni và nhiều cư sĩ Phật tử. Đó là nhà văn Phan Tấn Hải.
13/04/2017(Xem: 3681)
Không biết các nhà khai phá cái xứ sở hoang vu, hẻo lánh ở mãi tận cực Nam quả địa cầu, cỡ như thủy thủ người Anh James Cook sống dậy, có giật mình cho sức sống mãnh liệt của mảnh đất mà trước đây hơn 200 năm mình đã miệt thị gọi là xứ Down Under. Nghĩa là vùng Miệt Dưới, cỡ như loại miệt vườn của quê hương ta.
07/04/2017(Xem: 3288)
Ba mươi tháng Tư lại về! Những tưởng những năm tháng lưu đày nơi xứ người đã làm chúng ta khô cằn như sỏi đá, những tưởng những ngày tháng lao đao theo cuộc sống với tuổi đời càng chồng chất đã làm cho chúng ta quên dần những ngày tháng cũ. Nhưng không, những ngày lưu vong vẫn còn đậm nét u hoài trong lòng tôi mãi mãi.
29/03/2017(Xem: 10078)
Thành Ba-La-Nại thuở xưa Ở miền bắc Ấn có vua trị vì Quốc vương nhiều ngựa kể chi Nhưng riêng một ngựa kia thì tuyệt luân Ngựa nòi, giống tốt vô ngần Lớn to, mạnh mẽ thêm phần thông minh Ngựa từ nhỏ đã khôn lanh Chưa cần nghe lệnh sai mình tới lui
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]