Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. Cây lá và con người - thảnh thơi và phiền não

05/09/201103:08(Xem: 4702)
13. Cây lá và con người - thảnh thơi và phiền não

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG
Huệ Trân 2008

Cây lá và con người

Theo Phật-luật, hàng năm, giới xuất gia, tùy hoàn cảnh và môi trường, phải câu hội về một nơi để cùng thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức. Thời gian đó được gọi là mùa An Cư Kiết Hạ.

An là giữ thân nơi tịnh mặc tĩnh lặng. Cư là trụ, là ở. Kiết là giữ tâm lại một chỗ. An Cư Kiết Hạ là thúc liễm thân tâm vào nơi an tịnh trong mùa Hạ. Trong tinh thần đó, trường Hạ là nơi quy tụ giới xuất gia cùng về.

Ấy thế mà, khi xưa, có trường Hạ chỉ độc nhất một người. Trường hạ đó là rừng cây Sala thuộc một quận lỵ nhỏ nằm hướng đông bắc, tả ngạn sông Hằng. Và người về an cư kiết hạ ở đó chính là vị đã ban luật an cư, là người đã đạt Giác Ngộ, là Đức Thế Tôn.

Sao lạ vậy?

Dường như những gì xảy ra thời Đức Phật còn tại thế đều không hoàn toàn ngẫu nhiên, mà tiềm ẩn sâu sa là cơ duyên để Đức Phật chỉ dạy cho chúng sanh thấy những mầm mống tạo ra khổ đau phiền não.

Năm đó, tại tu viện Ghosira thuộc tỉnh Kosambi, phía đông nam Lộc Uyển xảy ra một vụ tranh chấp nội bộ giữa một vị kinh sư và một vị luật sư. Nguyên nhân rất nhỏ, nhưng vì tự ái lớn nên huynh đệ bên nào thì đứng về phía thầy của mình bên đó. Khi Đức Phật biết tin, Ngài lên tiếng khuyên cả hai bên dẹp bỏ bản ngã, trở về với mục đích tối hậu là tu học thì mọi người đều thỉnh cầu Đức Phật đứng ngoài. Có lẽ vì họ đã quá lậm sâu vào sân hận, không ai có thể nhường nhịn ai nữa!

Biết thế, Đức Phật tĩnh tọa giây lát rồi lẳng lặng đứng dậy, ôm bình bát, ra khỏi tu viện.

Đại chúng nghĩ là Đức Phật chỉ đi khất thực rồi trở về.

Nhưng không.

Đức Phật biết rằng, với những tâm sân hận đã hằn sâu như thế, chẳng phải chỉ lời nói có thể đưa họ trở về chánh đạo mà phải cho họ thực chứng bằng sự đau khổ, sự thiệt thòi mới giúp họ tỉnh ngộ. Như trong gia đình, có đứa con, cha mẹ chỉ dùng lời nhẹ nhàng khuyên bảo cũng hiệu quả, nhưng có lúc, nó bỗng ương ngạnh, lại phải dùng roi vọt mới xong.

Với cuộc xung đột ở Kosambi cũng thế.

Mùa An Cư Kiết Hạ năm đó, Đức Thế Tôn không có mặt với tăng đoàn. Sự thiếu vắng vị Thầy khả kính, không được hướng dẫn, không được nghe pháp đã tạo nên khoảng trống bất an rất lớn lao trong lòng từng vị khất sỹ khiến những tranh chấp trước đây đối với họ như không thể vượt qua được, nay trở thành quá nhỏ bé.

Nhưng đã trễ. Họ phải thấm thía đủ sự hối hận mới có thể học bài học Lục Hòa mà Đức Phật sẽ tuyên giảng.

Rời tu viện Ghosira, Đức Phật ra khỏi tỉnh Kosambi, theo hướng bờ sông mà đi… đi mãi… Tới sẩm tối, Ngài tìm bụi cỏ nghỉ ngơi. Hôm sau, vừa hửng đông, Ngài xuống sông tắm gội rồi nhắm phía bắc, tả ngạn sông Hằng mà đi tiếp. Trưa hôm đó, sau khi ôm bát vào làng khất thực, Ngài tìm thấy một rừng cây êm mát, có suối nước trong, có nhiều trái rừng đang ửng chín, nhiều chim muông và những con sóc nhỏ hiền lành.

Và Đức Phật quyết định sẽ một mình An Cư Kiết Hạ tại khu rừng im vắng đó.

Chính nơi đây, Ngài đã làm bạn với voi chúa, thường dẫn đàn voi con xuống suối uống nước. Bên bờ suối đó, sau khi uống nước, đàn voi thường phủ phục trước vị Đạo-sư tọa thiền tĩnh lặng và hùng tráng dưới cội tùng. Voi chúa cũng thường hái trái rừng cúng dường Đức Phật, cùng với muôn chim líu lo trên cây, thỏ và sóc chạy nhảy quanh Ngài. Tất cả tạo thành bức tranh hài hòa trong tinh thần hòa bình tuyệt đối.

Trên thực tế, vì tham sân si luôn luôn chế ngự nên thế gian không bao giờ có hòa bình lâu dài. Những ai mơ ước điều đó đều bị nhìn như kẻ mộng du!

Nhưng, có ai từng quan sát những tàng cây xum xuê cành lá không? Chiếc lá nào mọc ra ở đâu thì tăng trưởng ở đó, tuy ngày càng rậm rạp nhưng không thấy sự tranh giành, xô đẩy. Trái lại, càng tăng trưởng thì dường như chúng càng hòa hợp để mang lại sự lớn mạnh cho cây.

Con người thì khác.

Tâm lý con người thường sẵn mầm muốn chinh phục kẻ yếu hơn mình nên trong bất cứ xã hội nào cũng có kẻ quyền thế hiếp đáp người cô thế, kẻ giầu khinh chê kẻ nghèo, xứ lớn luôn rình rập chiếm đoạt xứ nhỏ để lớn hơn. Làm sao mà thế giới ta-bà không tràn ngập khổ đau vì chiến tranh, chết chóc?

Con người không thảnh thơi, hài hòa và an nhiên đồng góp phần lớn mạnh cho đất mẹ quê cha của mình, như muôn lá đã sống cho cây, muôn cây mạnh mẽ xanh tươi đã sống cho rừng.

Một lần, vua Pasenadi, quốc vương xứ Câu-Tát-La tìm đến Đức Phật để xin chỉ dạy về hoài bão xây dựng hạnh phúc cho dân chúng và nền hòa bình với các xứ lân bang.

Đây là những điều tưởng như đơn giản vì thường xuyên được nhân gian đề cập tới; nhưng thực tế chẳng đơn giản, bởi từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, không một vị vua nào không nghĩ tới, mà chẳng mấy ai thực hiện được. Dân chúng đâu đâu cũng đầy rẫy đau khổ vì phân chia giai cấp, các xứ láng giềng thì luôn có mối nghi ngờ, hiềm khích, như hỏa diệm sơn âm ỉ, bùng nổ bất cứ lúc nào!

Buổi viếng thăm lần đó, vua Pasenadi được Đức Phật tiếp trên chiếc chõng tre, trước tịnh thất. Người im lặng lắng nghe nhà vua than thở, kể lể những ưu tư khắc khoải đó. Và khi Đức Phật lên tiếng thì vua Pasenadi sửng sốt, bàng hoàng.

- Bệ hạ có thương yêu dân chúng của mình không?

- Thưa Đức Thế Tôn, trẫm thương yêu dân chúng của mình như các hoàng tử, công chúa vậy.

- Khi gửi những người trai trẻ ra trận mạc, bệ hạ có lo lắng cho tính mạng của họ không?

- Thưa Đức Thế Tôn, khi gửi những người trai trẻ ra trận mạc, trẫm đau khổ, lo lắng như gửi các hoàng tử đi xa vậy.

- Khi chiến tranh giữa hai nước xảy ra, ngoài sự lo lắng cho những người trai trẻ của bổn quốc, bệ hạ có thương xót và lo lắng cho những người trai trẻ của nước đối nghịch hay không?

- Thưa Đức Thế Tôn, khi chiến tranh xảy ra, trẫm thực tình thương xót và lo lắng cho tất cả những người trai trẻ đang lâm trận vì họ đều phải trực diện sự nguy hiểm, sự đau đớn.

- Đúng thế. Tôi tin rằng các quốc vương xứ khác cũng cùng tâm trạng như bệ hạ. Không ai muốn đẩy con cái của mình vào chốn hiểm nguy nhưng chiến tranh luôn xảy ra là bởi sự khác biệt về ý thức hệ mà do bản ngã tự tôn đã không chấp nhận nhau; là do lòng tham, xứ nọ muốn thôn tính xứ kia để giầu mạnh, rộng lớn hơn; là bởi sự nghi kỵ về những âm mưu thôn tính đó nên nhân danh sự tự vệ mà ra tay trước v.v… Khi suy nghĩ và hành động như thế thì lòng thương yêu dân chúng như bệ hạ vừa nói, nằm ở đâu? Lòng thương yêu đó đã bị che lấp mất rồi! Nếu những nhà lãnh đạo đều yêu thương dân chúng xứ khác như dân chúng của mình thì nền hòa bình thịnh vượng đương nhiên có mặt trên khắp trái đất này, vì bao nhiêu tài nguyên, kinh phí, sinh mạng thay vì đổ vào chiến tranh sẽ được dùng để vun bồi, phát triển sự lớn mạnh về cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần cho đất nước mình. Đây không phải là điều quá lý tưởng. Đây là điều có thể thực hiện được nhưng nó không xảy ra chỉ vì những người nắm vận mạng quốc gia đã không đồng thời cùng suy nghĩ và tin tưởng như thế.

Trong khi vua Pasenadi xúc động, mở lớn mắt thì Đức Phật nhẹ nhàng kết luận:

- Lịch sử nhân loại chứng minh một sự thật bất di bất dịch mà người đời vẫn cố không tin. Đó là, sự giầu có và an lạc của quốc gia này không bao giờ bền vững do được tạo nên bởi sự nghèo khó và chết chóc của quốc gia khác. Nếu mọi vị lãnh đạo đồng dẹp được tham sân và nghi kỵ thì mỗi quốc gia vẫn tự phát triển trong hạnh phúc mà không cần tới bạo động.

Nghe những lời dạy thực tiễn và từ bi đó, vua Pasenadi đã quỳ xuống, lạy tạ Đức Phật.

Không biết, trên đường về lại hoàng cung, nhà vua có tình ngờ dừng lại dưới tàng cây râm mát của một đại thụ để thấy những lời vàng ngọc đang an nhiên, dễ dàng thể hiện trên đời sống của cây, của lá.

Con người, với trí tuệ sung mãn sao lại không thực hiện được???

(Cốc Thảnh Thơi, tháng bẩy/2008)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/04/2019(Xem: 8852)
Nó bị người ta tra tấn hành hạ rất dã man, quá đói mà không có gì ăn phải ăn cả vỏ bánh kẹo của du khách, bây giờ nó đã được giải thoát và sống cuộc sống vui vẻ, tự do. Trong suốt 50 năm, chú voi Raju sống một kiếp sống nô lệ. Không ai biết cuộc đời trước kia của nó là như thế nào, chỉ biết rằng nó đã bị bắt cóc khỏi mẹ và tách khỏi bầy từ khi còn rất nhỏ, rồi được bán đi bán lại qua tay của 27 người chủ khác nhau như một món hàng hóa, để rồi cuối cùng chôn vùi cuộc đời mình tại một sở thú ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.
30/03/2019(Xem: 8253)
Sách của Hòa Thượng Thích Như Điển đã có trên Amazon, ĐH Nguyên Minh, ĐH Nguyên Đạo đã rất nhiệt tình và đã bắt đầu đưa dùm những sách của tôi viết cũng như dịch lên trang Amazon, Xin niệm ân TT Nguyên Tạng, Thầy Hạnh Tuệ cũng như ĐH Nguyên Minh, ĐH Nguyên Đạo, Đh Quảng Pháp Triết Trần, Đh Tân Thường Định rất nhiều về việc nầy để đưa những tác phẩm này đến với độc giả gần xa.
24/03/2019(Xem: 4096)
Mẹ kể: Năm 1960. Khi em bé Mười Dư chào đời, xuất hiện trong nhà như một thiên thần lạ lẫm thì cậu bé anh kề, thứ Mười (sinh năm 1958), quý em bé lắm. Anh thương em lắm lắm.
24/03/2019(Xem: 3838)
Ở bên Ấn Độ thời xưa Trong vương quốc nọ gió mưa thuận hoà Ngựa vua quý báu, kiêu sa Mỗi khi tắm táp hay ra phía ngoài Nơi dòng sông chảy khoan thai Có vùng nước cạn các nài thường quen Thường mang ngựa tắm nhiều phen Từ lâu vẫn ghé qua bên sông này.
21/03/2019(Xem: 4173)
Ba cô người mẫu Hollywood bất ngờ xuất hiện tại một khu thương mại sầm uất của Thành Phố Mumbai. Vẻ đẹp thiên kiều bá mị, thân hình quá hấp dẫn, ăn mặc hở hang của ba cô đã làm khu phố rộn cả lên. Trẻ con thì bám theo reo hò. Phó nhòm của các báo lá cải đua nhau chụp hình rồi về đưa lên trang nhất hoặc trang tin điện tử của Yahoo News. Những báo này được bày bán ở các siêu thị ở Mỹ cho tầng lớp “bình dân giáo dục” thích đọc chuyện tình ái lăng nhăng, mông to, vú lớn, chân dài, ly dị, ngoại tình, giày dép, kính đeo mắt, quần áo, đồ lót, nữ trang, ví xách tay của các cô đào, người mẫu, công nương, hoàng tử…xem xong thì quăng vào sọt rác. Nếu còn ở Việt Nam thì xếp đống rồi đem bán ký-lô kiếm tiền tiêu vặt.
16/03/2019(Xem: 3693)
Đường của ruộng, lúa đồng phả hương con gái, phất phơ gió mùa mơn mởn làng quê.Vẫn tên giòng nước năm xưa soi bóng lũy tre, uốn mình dọc bờ về quê ngoại; cánh cò điểm trắng nền xanh lúa mạ, nước Hương Giang tiếp sức cổ thành.
04/03/2019(Xem: 5092)
Ngoài địa danh cầu Thủ Huồng, ở Đồng Nai còn có những địa danh khác như chùa Thủ Huồng, rạch Thủ Huồng đều gắn liền sự tích một nhân vật có thật tên Thủ Huồng đã được ghi trong sử sách.
28/02/2019(Xem: 3990)
Mới hồi trưa nay, ngủ say với 'thử thể bất an" rã rời mệt mỏi, tôi mơ thấy Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Tôi vội quỳ sụp xuống, dập đầu lạy liên tục, mà lúc đó vẫn thấy biết là mình đang rúng động tâm can, ngập tràn hạnh phúc... - Con kính bái Tổ Sư... - Hứ!
26/02/2019(Xem: 8671)
Hai nhà buôn thuở xa xưa Vẫn thường liên lạc thư từ với nhau Ông già thành thị rất giàu Ở Ba La Nại từ lâu đời rồi Chàng kia ở phía xa xôi Nơi làng biên giới ít người ghé đây,
25/02/2019(Xem: 15757)
Bức Tượng Phật ngồi lưng vua độc nhất Việt Nam ở Hà nội, Vua Lê Hy Tông cho tạc tượng đặt trong chùa Hòe Nhai để bày tỏ sám hối vì đã cư xử sai lầm với đạo Phật
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]