Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

29. Ngũ Xú Nương

31/08/201113:33(Xem: 8066)
29. Ngũ Xú Nương

Đường Vào Nội Tâm
Thích Nữ Trí Hải

29. NGŨ XÚ NƯƠNG

Thuở ấy tại một xóm nghèo trong khu tồi tàn của xứ Ấn, có một cô gái đến tuổi cặp kê (tức là tuổi có thể lấy chồng) mệnh danh là Ngũ xú nương, vì cô quá xấu. Sắc của cô đủ năm vẻ xấu của mặt mày, hai tay và hai chân, nên được mệnh danh như vậy. Trẻ con mới thấy mặt cô đều phải khóc vì hãi sợ. Nhưng cô có một xúc giác rất êm áí đến nỗi ai động tới người cô đều cảm thấy khoan khoái vô cùng. Trẻ con thấy cô đều khóc thét, nhưng khi được cô ẵm lên thì lại không muốn rời ra nữa. Bởi vì sự xúc chạm người cô gây cho chúng một cảm giác êm ái lạ lùng, không khác gì được ấp ủ trong vòng tay của mẹ.

Tại sao cô lại chịu số phận kỳ quái như vậy? Tại vì kiếp trước cô là con gái của một thợ gốm nghèo. Một hôm, có một vị tỳ kheo đi khất thực đến nhà, cô đã không cúng dường mà còn xua đuổi vị ấy bằng những lời chua ngoa. Trước sự ngu si của cô bé, vị tỳ kheo động lòng từ bi muốn gieo cho cô một ít phước lành của sự bố thí, bèn bảo:

- Nếu cô không có cơm để bố thí, thì hãy cho bần tăng một ít đất sét vậy.

Cô gái vào nhà lấy một ít đất sét nắn đồ gốm đem bố thí vị tỳ kheo mà bảo:

- Đó! đi cho khuất con mắt cho rồi. Cái ông lỳ lợm!

Do lời mắng nhiếc và thái độ bực tức của cô khi bố thí, kiếp này cô phải bị quả báo là nhan sắc xấu xí vô cùng cực. Nhưng do sự bố thí đất sét cho vị tỳ kheo nên kiếp này cô được quả báo có một xúc giác êm dịu thần tiên.

Vì quá xấu, nên tuổi đáng lấy chồng mà cô vẫn còn được nhàn nhã rong chơi với bọn trẻ con suốt ngày trong xóm. Bấy giờ đức vua có thói quen giả dạng thường dân đi vào các khu lao động để xenm xét dân tình mà chỉnh đốn đời sống của họ. Một hôm vua đến xóm Ngũ xú nương vào lúc xẩm tối. Ngũ xú nương lúc ấy đang chơi bịt mắt bắt dê với tụi trẻ. Nàng bịt mắt quơ tay chặp bọn nhỏ đang reo hò né tránh. Đức vua giả dạng đi qua bị nàng quơ trúng. Ngũ xú nương hớn hở reo lên:

- Thằng cột!

- Không phải!

- Thằng kèo!

- Không phải!

Nàng tiếp tục gọi tên năm bảy đứa đều trất lất, bèn thả tay ra. Trong lúc đó đức vua như chết điệng cả người vì một khoái lạc thần tiên. Ngài chưa bao giờ thưởng thức một sự xúc chạm nào êm ái kỳ diệu như vậy, dù đang sống trong nhung lụa gấm vóc, được đoanh vây bởi vô số cung nữ nhan sắc diễm kiều. Trước sự chạm xúc của Ngũ xú nương lần đầu tiên, ngài cảm thấy bao nhiêu phi tần đều vô dụng, nên cho về vườn hết. Ngài chỉ cần một nàng này là đủ. Nhà vua giả dạng mặc dù đã được Ngũ xú nương buông ra, vẫn đứng trơ như phỗng đá... không muốn dời chân. Ngài đứng nhìn nàng tiếp tục trò chơi bịt mắt bắt dê trong bóng mờ. Cho tới khi trời tối, bọn trẻ thấm mệt giải tán, Ngũ xú nương đủng đỉnh về nhà. Vua lẽo đẽo theo chân cô gái. Vừa đi vừa tưởng tượng nhan sắc của nàng chắc cũng đến chim sa cá lặn, vì sự xúc chạm của nàng êm ái là thế. Vua muốn đến tận nhà nhìn cho rõ mặt hơn. Ngài nhất quyết đặt cô bé lên ngôi chánh cung hoàng hậu.

Vừa đi ngài vừa hỏi cô bé (vua vẫn giả bộ thường dân):

- Này em, qua muốn hỏi em về làm vợ, em có bằng lòng không?

Cô bé cười lớn:

- Ha ha! Ông muốn cưới tôi hả? Cha mẹ tôi nghèo lắm không có gì cho ông đâu! Chưa bao giờ ai hỏi tôi như vậy cả.

- Qua không cần của hồi môn, tiền bạc gia tài chi cả. Qua chỉ muốn sống gần em mà thôi.

Cô bé vẫn cười một cách hồn nhiên, chẳng tỏ chút gì e lệ:

- Ha ha, cái ông này thật kỳ! Ông hỏi mẹ tôi đi. Tôi không biết!

- Vậy thì em đưa qua về nhà hỏi mẹ nhé?

- Được! Ông cứ đi theo tôi.

Vua mừng khấp khởi, đi theo cô bé về nhà. Vừa bước vô căn nhà lá lặp xặp, cô bé đã gọi lớn:

- Mẹ đi! Có cái ông này muốn cưới con về làm vợ đây nè!

- Tốt! Thằng nào mà mê cái nhan sắc của mày đó, chắc là đồ ma chê quỷ hờn, thần sầu quỷ khốc mới thèm vào cái thứ mày!

Bà mẹ vừa nói vừa bưng cây đèn dầu đi ra để giữa nhà. Dưới ánh đèn leo lét, vua thấy mặt mày Ngũ xú nương, thật kinh hồn vía. Nhưng bùa lực sự xúc cảm của nàng vẫn mãnh liệt nơi vua, vua nhất quyết cưới nàng dù nàng xấu hơn Chung Vô Diệm. Trong phút chốc, vua đã định đoạt xong chương trình, vì say mê nàng quá đỗi. Chương trình ấy là, hàng ngày sau khi công việc triều đình xong xuôi, ngài sẽ cải dạng thường dân về nhà nàng vào lúc chiều tối, sáng sớm lại trở về cung. Như vậy vua sống được với nàng mà khỏi bị chê cười. Ngài chắc chắn, nếu rước Ngũ xú nương về cung, thì triều đình sẽ cho là ngài loạn óc mới tuyển vào ngôi chánh hậu một Chung Vô Diệm như thế.

Bởi vậy vua đề nghị với bà mẹ:

- Thưa bác, cháu muốn cưới cô em này, nhưng cháu chưa có nhà riêng, xin bác cho cháu tạm "gởi rể". Ban ngày cháu đi làm, tối về nhà vợ. Khi nào đủ tiền sắm nhà cháu sẽ đưa nàng đi.

- Được, nếu ông chịu cưới nó thì tốt lắm. Mà nhà tôi nghèo, ông cũng thấy đó, tôi không có đồng xu nào cho nó đâu!

- Không hề gì, thưa mẹ!

Được lời như cởi tấm lòng cả hai bên. Từ đó nhà vua tối tối lại về nhà Ngũ Xú nương. Ngài xem túp lều tồi tàn này còn hơn muôn vàn lầu son gác tía, vì nơi đó ngài được sống với những xúc giác kỳ diệu như ở cõi trời.

Một thời gian khá lâu trôi qua, vua thấy thật bất tiện nếu cứ phải giả dạng lần mò về nhà nàng mỗi chiều như thế. Nhưng ngài lại không xa Ngũ xú nương được. Ngài nghĩ cách làm sao đưa nàng về cung lên ngôi hoàng hậu mà khỏi bị ai cười ngài là đồ ngu. Bởi thế, ngài bày ra một mưu kế lạ lùng.

Một hôm, Ngũ xú nương đang ngồi buồn rầu thì vua về. Ngài hỏi:

- Tại sao em buồn vậy ?

- Tại vì cha em bệnh, muốn ăn một bát cháo tôm cua mà em không có tiền mua đồ nấu cháo.

- Tưởng là gì! Mai anh sẽ gánh về một gánh cháo tôm cua cho cha, muốn ăn bao nhiêu cũng được.

Nhân cơ hội ấy, nhà vua mua một nồi cáo tôm cua tại bà bán cháo ở chợ, đặt vào đầu gánh, đầu kia vua lấy cái vương miện gắn đầy hột xoàn năm ly của ngài, gói lại cẩn thận, bỏ vào một cái thúng, trên phủ đầy lá chuối. Rồi gánh về nhà cho cô gái và dặn:

- Đây, anh mua cháo tôm cua về cho cha đó. Đầu gánh này là cháo tôm cua, đầu kia muốn tôm cua rùa ếch cóc nhái chi cũng có cả. Khi nào cần mua gì thì lấy ra.

Cô gái được nồi cháo mừng quýnh, không vội để ý cái thúng lá chuối kia. Nàng dẹp nó vào một nơi, đem cháo cho cha ăn. Cả nhà cùng được một bữa khoái thích.

Hôm sau trở về cung, Vua hô hoán cái vương miện, vật quốc bảo đã biến mất, và ra lệnh các quan phải mở cuộc truy tầm. Triều đình nhốn nháo phái người đi tìm lục soát khắp nơi trong hoàng thành đều không có. Vua đề nghị :

- Trong thành không có thì tìm ra ngoài thành, ở những khu tồi tàn, xem kẻ gian có tẩu tán tài sản về đón không. Ban điều tra vâng lời, lục soát tới khu tồi tàn của Ngũ xú nương. Họ vào đến nhà nàng, lục tới thúng lá chuối tìm được cái vương miện; bèn bắt trói cả ông bà. Hai ông bà một mực kêu oan. Quan điều tra hỏi :

- Vậy thì của ai cái thúng này?

- Đó là của thằng rể tui đem tới.

- Thằng rể ở đâu?

- Không biết! Hắn nói không có nhà, đi cả ngày tới tối mới về đây. Có thể là một thằng trốn quân dịch lắm. Các ông chờ tới tối sẽ gặp nó.

Ban điều tra chờ mãi không thấy chàng rể xuất hiện. Bà mẹ cô gái đấm ngực la làng:

- Hắn có lẽ đã nghe động tịnh nên chuồn thẳng rồi! Oan đi là oan, hỡi trời hỡi đất!

- Vậy bà hãy tả hình đáng mặt mày thằng rể cho tôi nghe.

- Làm sao tôi thấy rõ mặt mày hình đáng hắn? Nhà nghèo, dầu hôi khan hiếm, tối chỉ thắp một ngọn đèn leo lét một lát là tắt. Thằng rể tôi thì tối mịt mới mò về khi tôi đã ngủ. Mà có thức thì tối quá cũng không thấy rõ được, mắt già lem nhem.

Họ bèn hỏi tới Ngũ xú nương :

- Còn cô, mặt mũi hình dạng chồng cô ra sao, hãy tả ra nghe.

- Tui cũng không thấy rõ được. Ảnh thường về lúc đã tối mịt, đèn lu, tui nhìn cũng lờ mờ lắm.

- Vậy thì làm sao cô nhận ra được chồng cô ?

- Sờ người thì biết!

Cả ban cười rộ, họ không biết giải quyết ra sao nên cho người về tâu vua. Vua phán:

- Vậy thì ta đã có cách bắt thủ phạm. Các ngươi hãy trả tự do cho vợ chồng nhà đó.

Vua bàn với các quan rằng, theo lời khai của cô gái, sờ người thì biết được chồng cô. Vậy hãy làm cái chòi như cái phòng bỏ phiếu ở giữa công trường cho cô gái đứng vào trong, chừa một lỗ vừa thò bàn tay vào thôi. Xong xuôi, hãy bắt tất cà đàn ông ở tuổi có thể lấy vợ, tới đưa bàn tay vào cho cô gái sờ. Gặp bàn tay nào cô gái cho trúng là chồng cô, thì đó là thủ phạm đã đánh cắp vương miện. Đình thần đều khen nhà vua cao kế, và thực hành ngay.

Đúng ngày, tất cả nam nhi từ mười tám đến bốn mươi lăm tuổi nối đuôi tới đưa tay cho cô gái sờ. Nhà vua cũng dự cuộc. Sau một ngày, cô đã sờ hàng ngàn bàn tay đưa vào, song không người nào trúng, (mỗi người khi được cô cầm tới tay đều cảm thấy sung sướng vô ngần, không còn ham muốn gì trên đời này nữa). Cuối cùng, khi nhà vua đưa tay vào, Ngũ xú nương la lên:

- Đây đúng là chồng tôi!

Cả triều đình ngơ ngác. Khi ấy họ mới hiểu ra mưu mẹo của nhà vua. Bởỉ vì ai cũng công nhận cái hạnh phúc tối cao do sự xúc chạm với nàng, và đối với hạnh phúc ấy, chỉ có nhà vua là xứng đáng hơn cả. Và chính họ cũng quên mất vẻ xấu xí của nàng, sau khi được bàn tay nàng sờ đến.

Triều đình tuân lệnh làm lễ tuyển Ngũ xú nương vào ngôi chánh cung, mà không còn bận tâm gì đến vẻ xấu xí của nàng, đồng thời cũng không cho vua là điên, sau cuộc thử thách ấy.

LỜI BÀN:

Câu chuyện này còn một khúc đuôi khá dài, đức Phật kể cho các tỳ kheo nghe cốt vạch trần những tội ác của phụ nữ, để các vị ấy lìa tham dục.

Nhưng chấm dứt ngang đây, người thuật có dụng ý khác. Trước hết là nêu rõ lý nhân quả, mà hậu hết các truyện cổ Phật giáo đều muốn nói lên. Sau đó, điều làm ta chú ý là mưu kế xảo quyệt của ông vua lập ra để có thể đưa cô gái về cung mà không bị chê cười. Thật không gì khôi hài bằng việc trưng dụng tất cả năng lực của triều đình quốc dân, với một chiêu bài hay ho đẹp đẽ là "bắt trộm, trừ gian"... rốt cuộc chỉ để biện minh cho sự hữu lý của dục vọng mình. Phải chăng đấy là cách xử sự của con người muôn thuở, khi còn bị dục vọng chi phối; và tai hại hơn, khi trong tay có chút uy quyền?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/09/2012(Xem: 12252)
Truyện Cổ Sự Tích Cứu Vật Phóng Sinh - Pháp sư Tịnh Không - Thích Phước Sơn dịch
19/09/2012(Xem: 7992)
Những Truyện Cổ Việt Nam Mang Màu Sắc Phật Giáo - Lệ Như Thích Trung Hậu, Sưu tầm & giới thiệu
14/09/2012(Xem: 4899)
Những câu chuyện thật chốn Thiền môn do các bậc trưỡng lão kể lại luôn luôn là những bài học hay nhất, là nguồn động lực lớn nhất cho các thế hệ mai sau noi gương trên con đường tu học. Trường hạ của Giáo Hội Thống Nhất tại Úc Châu – Tân Tây Lan năm nay tại Tu viện Vạn Hạnh Canberra, ngoài những buổi lễ trang nghiêm thành kính, ngoài những giờ sám hối thanh tịnh, ngoài hình ảnh chư Tôn đức với màu huỳnh y giải thoát, mỗi tối chư Tôn Đức Tăng Ni còn có những buổi thảo luận thật hoan hỷ, sôi động, không khí gần gũi nhưng không kém phần trang nghiêm. Những câu chuyện thật về công đức tu hành trong chốn thiền môn đã được chư Tôn kể lại, bài học “giữ tâm một chỗ, việc gì cũng xong”, trong đó việc sanh tử là việc lớn nhất của người xuất gia, từ ấy đã được lan xa….
21/08/2012(Xem: 3255)
Kính mời quý vị, quý bạn, quý Phật tử thưởng thức một truyện ngắn thực pha lẫn hoang đường, vừa có tính huyền bí vừa có tính cách triết lý, để thấy cuộc đời này tưởng như thực nhưng không có gì thực cả. Tất cả do tâm thức biến hiện. Thần linh chỉ là trò che mắt chúng sinh.
20/07/2012(Xem: 15875)
Nhìn chiếc cổng tre hai cánh mở bám đầy rêu xanh, an nhiên giữa tuyết sương, năm tháng - bất chợt, người con nhớ đến một câu thơ của ai đó: Cửa sài hai cánh mở...
03/07/2012(Xem: 3030)
Ni sư Ryonensinh năm 1797. Cô là cháu nội của Shingen, một vị tướng Nhật nổi tiếng. Sắc đẹp quyến rũ và thiên tài về thi ca đã khiến cô trở thành một công nương trong triều đình, kề cận bên hoàng hậu khi mới 17 tuổi. Tuy còn quá trẻ như thế nhưng danh vọng đã chờ đón cô.
14/06/2012(Xem: 25899)
Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng - Tập 2, Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang ấn hành... Nguyên Siêu
23/05/2012(Xem: 3747)
Cách chùa khoảng một trăm mét, xéo về phía tây, dòng sông chảy hiền hòa uốn quanh thôn làng, bao bọc gần hết chu vi ba mặt của xóm nhỏ, chừa mặt tây trông ra ngọn núi hình dáng như người nằm ngủ nghiêng mà ở khúc đuôi của nó như một bàn chân đang chỉa năm ngón lên trời. Ba người ngồi trên bãi cát hẹp của bờ sông. Phía trên đầu, gió chiều đang luồn qua lùm tre tạo ra những âm thanh xào xạc dễ chịu.
23/05/2012(Xem: 5131)
Bà già nhìn xuống dòng sông nước đục lờ, dõi theo một khúc gỗ đang trôi lững lờ theo con nước dập dềnh lên xuống đến khúc quanh ở cuối làng, nơi hai ống khói cao nghệu của nhà máy thả lên trời những cụm khói đen bay tản lạc trong gió chiều hoàng hôn. “Mới đó mà đã 20 năm, ông nhỉ?” bà nói mà không nhìn vào ông già ngồi cách mình một sải tay, trên phiến đá bám đầy rêu xung quanh hông.
10/05/2012(Xem: 6651)
Tập sách bạn đang cầm trên tay là bản dịch Việt ngữ của cuốn ‘The Snow Lion`s Turquoise Mane’. Cuốn này do Surya Das tập hợp các mẩu chuyện do các vị Lạt-ma Tây Tạng kể lại, được xuất bản năm 1992 tại Mỹ. Các mẩu chuyện ngắn này nhắc nhở đến những chuyện liên quan đến các vị đạo sư, từ đức Thích-ca cho đến các vị hiện nay còn sống như Đạt-lai Lạt-ma. Phần lớn các mẩu chuyện này toát ra nhiều đạo vị, nhất là gián tiếp chỉ cho người đọc thấy triết lý của toàn bộ đạo Phật, đó là nhận chân ra rằng mọi hiện tượng muôn hình muôn vẻ của tâm vật chẳng qua đều là biến hiện của tự tính trong tâm thức mọi loài. Đó là tự tính vô thủy vô chung, bất sinh bất diệt, lại không hề rời xa con người, nhưng trực nhận ra điều đó là một quá trình tu học gian nan mà các mẩu chuyện này cũng có nhắc đến.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]