Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

14. Họa Phúc Trùng Trùng

28/08/201117:10(Xem: 2675)
14. Họa Phúc Trùng Trùng

Diệu Nga
DỐC MƠ ĐỒI MỘNG
Tu Viện Trúc Lâm Canada Xuất Bản PL. 2547 DL. 2003

Họa Phúc Trùng Trùng

Chiếc Boeing hiện đại, đầy đủ tiện nghi của hãng hàng không Malaysia đang bắt đầu bay trên Thái Bình Dương để đưa hành khách từ những nước Á Châu đi du lịch hay trở về Mỹ.
Ngồi chễm chệ trên chiếc ghế rông thuộc hạng first class, ông giám đốc hãng Việt Tiến gọi cô tiếp viên mang thêm cho ông một ly rượu. Ông Việt Tiến thích nhìn hoặc trò chuyện với cô gái Mã Lai xinh đẹp và duyên dáng này, chẳng phải để tiêu pha thì giờ mà thôi.
Dáng dấp tròn trịa và thanh mảnh, nụ cười hoa đào luôn chúm chím trên môi, mái tóc đen mượt bới cao khoe khuôn cổ ngà thon thả, chưa hằn một vết nhăn… Cô gái này phảng phất giống Quỳnh Hoa…
Ôi, Quỳnh Hoa “người yêu bé nhỏ” của ông! Mới từ giã nàng hôm qua, tưởng chừng đã xa nhau lâu lắm! Nhớ em vô cùng! Ai ngờ ở lứa tuổi ngoài năm mươi mà ông còn yêu say đắm, cuồng nhiệt không khác gì thời trai trẻ mấy chục năm xưa.
Trong ánh mắt của những người chung quanh, ở Sài Gòn, dù ai cũng cố dấu không biểu lộ ra nhưng ông vẫn đọc được ý nghĩ thầm kín của họ. Mọi người đều cho rằng mối liên hệ này chỉ là một sự trao đổi. Bao nhiêu đàn ông Việt kiều về nước vung tiền ra để mua vui, ông cũng thế thôi. Ngay cả Vũ, người bạn từ thuở còn để chỏm, thân thiết như ruột thịt, cũng không nghĩ khác.
“Họ chỉ là người ngoài cuộc, họ đâu hiểu Quỳnh Hoa cũng yêu mình bằng trái tim chân thật. Mồ côi cha từ thuở còn tấm bé, Quỳnh Hoa là loại thiếu nữ thích đàn ông lớn tuổi như cần được che chở, được dìu dẫn trên chợ đời quá nhiều chông gai, cạm bẫy. Từ Hà Nội lưu lạc tận trời Nam, nàng như con nai tơ, đẹp và ngây thơ. Chung quanh nàng, bao nhiêu tay thợ săn đang giương cung.”
Mà tội chưa! Một năm ông chỉ đến với nàng một tháng là cùng. Ông không thể vịn lý do gì để đi về thường xuyên được. Gina có thể nghi ngờ. Đàn bà có sự nhạy bén của họ.
Men rượu lan tỏa khắp cơ thể gây cho ông cảm giác dễ chịu, lâng lâng. Qua khung cửa sổ, ông dõi mắt theo những cụm mây trắng đang phiêu du trên bầu trời xanh ngắt, trong ngần. Ước gì mình cũng như mây. Mình sẽ tự do bay về nơi ấy… Mình còn thua những cánh chim trời, chúng muốn đi đâu thì đi, ở đâu thì ở, chẳng có gì vướng bận.
Bổn phận, danh tiếng, lương tâm… Ôi, những thứ ấy sao mà rắc rối, sao mà ràng buộc! Đời người được bao lâu, mấy ai dám sống cho mình, sống thỏa thích, tận hưởng những gì mình đang có!
Nghĩ ngợi vẩn vơ mãi sinh ra bực tức, ông lầm bầm trong miệng: “Ước gì máy bay rớt xuống biển, chết phức cho rồi!”
Oái ăm thay, ngay lúc ấy, chuông báo động trong máy bay vang rền. Phi công cất tiếng: “Vì lý do kỹ thuật, phi cơ phải quay lại Singapore để có thể đáp xuống an toàn. Yêu cầu các tiếp viên giúp đỡ hành khách chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho trường hợp khẩn cấp!”
Không khí căng thẳng đột nhiên ập xuống như một cái lưới to, trùm lấy tất cả mọi người. Máy bay bắt đầu chao đảo như con diều sắp băng. Trẻ con khóc ré lên. Nhiều người nhắm mắt lại chú tâm cầu nguyện. Những bàn tay thân thích nắm chặt nhau để trấn an, đè nén sự sợ hãi.
Thần chết lảng vảng đâu đây. Ông Việt Tiến rùng mình. Hình ảnh Gina và hai đứa con trai hiện rõ nét. Họ sẽ mất mát gì khi ông giã từ cuộc đời ngay hôm nay? Dĩ nhiên Gina sẽ đau khổ lắm vì tình yêu của nàng đối với ông rất đậm đà. Nhưng nàng thừa sức tiếp tục điều khiển hãng giấy để nuôi Micheal học xong ngành y khoa, và em nó tuy mới vào đại học Yale năm nay, cũng không có điều chi trở ngại cho mộng trở thành luật sư của nó.
Khói bắt đầu lan vào các toa hành khách; người ta ho sặc sụa. Ông Việt Tiến cảm thấy khó thở, vội đeo mặt nạ dưỡng khí vào.
Bây giờ ông mới thật sự sợ hãi; hai chân run rẩy, lạnh toát mồ hôi. Càng gần với cái chết, người ta càng tiếc nuối sự sống.
Khi ông có cảm tưởng sắp ngất đi, Quỳnh Hoa hiện ra chập chờn như sương khói. Ông với tay chồm tới nhưng nàng chỉ lạnh lùng xoay lưng…
Chiếc máy bay như con thú bị thương, rán lết về hang động trước khi chết. Đất liền đã gần lắm cho tầm nhìn. Hi vọng sống tăng lên khi phi công báo tin sắp sửa hạ cánh. Nhưng than ôi, trước khi đáp xuống phi trường, tàu bay bị gãy làm đôi và bốc cháy nửa phần sau.
Hung tin được loan truyền nhanh chóng khắp thế giới. Đó là tai nạn hàng không thảm khốc mở đầu thiên niên kỷ: năm 2000.
Gina cấp tốc đi tìm chồng. Trong cảnh hỗn độn giữa sống và chết, may và rủi, phước và họa, Gina mừng rú lên khi biết chồng mình thoát chết. Sự chấn thương nặng nề vẫn còn làm anh hôn mê nhưng người vợ ngoại chủng ấy vui lòng chấp nhận bất cứ tình huống nào xảy ra cho chồng, miễn là anh còn sống.

***

Ở Washington, khí hậu tháng sáu đã đủ ấm để khách nhàn du thong thả đi dạo. Gina đẩy xe lăn, đưa chồng ra vườn sau. Nắng xuân lấp lánh reo vui trên mặt hồ bơi in sắc da trời.
Hàng trúc đào trồng sát bờ tường đang khoe sắc hồng tươi. Tiếng chim ríu rít chung quanh. Vườn hoa hồng đủ màu sắc đang đua nở, hương thơm lan nhẹ trong khu vườn riêng của đôi vợ chồng triệu phú.
Ông Việt Tiến sung sướng ngẩng mặt lên đón nắng, hít thở không khí ấm áp, trong lành. Gina mỉm cười với chồng, giọng nàng tươi vui:
- Lúc này trông anh khỏe ra, da mặt sáng và hồng hào.
- Tất cả là nhờ em đó, nàng tiên của anh!
Chẳng phải nịnh đầm đâu. Ông Việt Tiến đáp lời vợ với sự thành thật. Sự dịu dàng, chu đáo, thủy chung của nàng giúp ông lấy lại nghị lực để sống và can đảm chấp nhận sự tàn phế của mình. Đây là một người phụ nữ rất đẹp về tâm hồn mà ông có diễm phúc được cưới làm vợ.
Ớ lứa tuổi này, người đàn bà Mỹ già sớm hơn người Á Đông. Làn da lốm đốm tàn nhang, trắng nhợt; nếp nhăn đã xuất hiện nhiều ở đuôi mắt, khóe miệng. Tóc nàng không còn óng mượt ánh tơ vàng như thuở còn là sinh viên; đôi mắt trong xanh ngày nào giờ đã kém tinh anh. Nhưng vẻ đẹp của tâm hồn nàng khiến Việt Tiến thấy Gina là một bà tiên. Nàng đã nâng tinh thần anh từ nơi tuyệt vọng, chán chường vì mặc cảm tàn phế đến chỗ lấy lại sự tự tin vào năng lực của mình.
Dù Gina làm việc thường xuyên tại hãng nhưng trong cách xử sự của nàng, ông vẫn là chủ tịch điều khiển, uy quyền vẫn trọn vẹn. Nàng luôn luôn tuân theo quyết định của ông. Tánh ông xưa nay vẫn thế, thích chỉ huy và nắm trọn quyền hành.
Gina vịn vai chồng, âu yếm trao quyển sách Phật giáo mà anh đang đọc dở dang:
- Anh đọc sách nhé! Em vào giúp bà bếp lo bữa cơm chay. Hôm nay anh Hoàng cùng nhà sư ở Oregon sẽ đến chơi, anh nhớ không?
- Nhớ chứ! Mà em cũng biết nấu món chay à?
- Thì cứ theo cách chỉ dẫn trong sách mà làm! Em sẽ chờ mọi người thật đói mới dọn ra, chừng đó ai ăn cũng thấy ngon.
Ông Việt Tiến mắng yêu bằng tiếng Việt:
- Cô lém vừa thôi nhé!
Người vợ cười, hạnh phúc lấp lánh trong mắt. Cô hiểu tiếng việt chút đỉnh, những câu nói đùa.
Trước khi bước đi, nàng còn dặn:
- Cái phone em để sẵn trong xe, cần gì gọi em nha!
Việt Tiến gật đầu, nhìn theo dáng đi nhún nhẩy của Gina. Những lúc sung sướng, bước chân nàng như chim sáo.
Đột nhiên, một câu hỏi hiện ra trong đầu ông: “Nếu Gina biết được một năm trước đây mình có ý định bỏ nàng để chính thức cưới Quỳnh Hoa, nàng sẽ phản ứng ra sao?”
Ông lắc đầu, không dám nghĩ tiếp. Không ngờ có lúc mình lại u mê như vậy. Dục vọng thật là đáng sợ! Nhưng Quỳnh Hoa đóng kịch tài quá, đến cáo già như mình còn bị gạt, huống chi người khác.
Nhớ lại sau tai nạn phi cơ, nằm bịnh viện hơn ba tháng, trở về nhà, ông liên lạc với Vũ ngay để hỏi thăm về Quỳnh Hoa vì dường như nàng không còn ở địa chỉ cũ, đường điện thoại đã bị cắt.
Lòng ông xốn xang nhiều nỗi. Phần lo cho Hoa, phần buồn rầu vì sự tàn phế của mình. Làm sao ông có thể bay về Việt Nam như trước? Và nếu gặp lại ông trong tình trạng này, Quỳnh Hoa sẽ đối xử với ông ra sao?
Rồi quan trọng hơn hết, đối diện với lương tâm, ông tự hỏi mình có thể nhẫn tâm tiếp tục lén lút với Quỳnh Hoa trong khi Gina hết dạ lo lắng thương yêu chồng? 
Vũ tuy ở Việt Nam cũng không biết tung tích gì về Quỳnh Hoa. Ngôi nhà đã đổi chủ.
Mãi đâu năm tháng sau đó, Việt Tiến mới vỡ lẽ ra. Than ôi, còn sự thật nào chua chát hơn? Vũ gởi cho ông tờ báo “Tuổi Trẻ”. Tưởng là bạn gởi mình đọc cho vui, nào ngờ… nào ngờ bài phóng sự dài với nhiều hình ảnh rõ ràng đã giết chết người yêu trong mộng của ông. Tựa bài phóng sự gói trọn nội dung của nó: “Người đẹp tài hoa vừa làm gái bao vừa làm tú bà.”
May mà bài báo không nêu tên tuổi ông ra như một “khách xộp”, một nạn nhân ở nước ngoài.
… Việt Tiến lắc đầu, muốn xua đuổi quá khứ. Dù cố quên, chuyện cũ vẫn quấy rầy ông mãi không thôi. Mặc cảm tội lỗi cũng có, nhưng hình như ông đau vì lòng kiêu hãnh tự tôn của ông bị xúc phạm nhiều hơn.

***

Ông Hoàng ngừng xe trước cổng sắt của tòa biệt thự và bấm còi. Trong lúc chờ người ra mở cửa, ông xây qua thầy L.T. vừa nói vừa cười:
- Anh em tôi mỗi người một tánh, nói đúng hơn mỗi người một tật. Tôi thì khó khăn, xét nét hay bắt bẻ nhưng nhờ theo thầy, nay đã đở lắm rồi; còn Việt Tiến, chú em út của tôi thì kiêu lắm. Có lẽ vì chú ấy có tài, lại luôn gặp vận hên, thành công dễ dàng trong mọi việc, từ học hành đến sự nghiệp và ngay cả chuyện hôn nhân…
Xe từ từ vào sân; Gina chạy ra đón, mừng ríu rít. Nàng chấp tay chào nhà sư một cách cung kính. Đây là lần thứ nhì thầy đến đây. Thầy đến để châm cứu và dạy Việt Tiến phương pháp trị liệu bằng nội công.
Hai chân của Việt Tiến, các bác sĩ chuyên khoa đều chịu thua nhưng theo thầy L.T., nếu dùng sức mạnh của ý chí và kiên nhẫn tập luyện đều đặn thì trong vòng một năm, có thể đứng lên được. Khi đã đứng lên được thì chuyện tập đi không khó khăn.
Việt Tiến đang chờ ở phòng khách. Ông có cảm tình với nhà sư trẻ này. Được tiếp xúc với Thầy, Việt Tiến cảm thấy thoải mái lắm. Nơi thầy tỏa ra sự yên ổn, bình dị, yêu đời. Chẳng biết có phải vì chiếc áo nhật bình màu nâu đơn giản hay vì nụ cười hồn nhiên vô tư thường nở trên môi thầy? Nụ cười làm đôi mắt sáng của thầy cũng cười theo.
Thầy chậm rãi bước lên bậc tam cấp bằng cẩm thạch, tiến vào nhà. Thầy còn trẻ trung nhưng điệu bộ lúc nào cũng thong dong, thư thả. Đi đâu, thầy cũng có túi vải nâu đeo trên vai làm bạn.
Việt Tiến chưa kịp chào, thầy đã hỏi:
- Bác khỏe không? Tháng vừa rồi tập đều không?
- Dạ cũng đỡ.
Rồi ông tự động khoe:
- Tôi tập đều lắm thầy à, ngày hai lần. Tôi nghe lời thầy, ráng hít thở thật chậm và thật sâu rồi tống mạnh trược khí ra ngoài, thấy khỏe lắm!
Nhà sư mỉm cười, buông câu nói đùa:
- Tôi đoán chừng hồi nhỏ ông học giỏi lắm. Ông là loại người hễ làm việc gì là làm tới nơi tới chốn.
Việt Tiến gật đầu, không dấu sự hãnh diện:
- Thầy đoán đúng! Tôi được học bổng toàn phần du học ở Mỹ suốt trong sáu năm liền.
Vui miệng Việt Tiến kể luôn:
- Nhờ thời gian học ở Michigan, tôi gặp Gina, cưới nàng và ở lại Mỹ luôn. Chỉ hai năm sau khi ra trường, chúng tôi tạo lập một xưởng giấy, ban đầu nhỏ thôi nhưng dần dần to ra mãi cho đến nay.
Gina và ông Hoàng vừa vào trong. Chiếc giỏ mây trên tay nàng đầy những hoa hồng mới cắt, đặt biệt là những hoa màu nâu sậm, nâu non, xen lẫn vài đóa vàng rực như áo nhà sư.
Nàng đã sung sướng khoe anh chồng vườn hồng nầy do chính tay nàng chọn giống và ghép màu. Hương hoa thoang thoảng khắp cả gian phòng rộng, trang hoàng đẹp mắt.
Trong lúc đó thầy L.T. bỏ túi vải xuống, soạn dụng cụ châm cứu, Gina cúi đầu chào thầy lần nữa rồi xin phép xuống bếp lo buổi cơm trưa.
Thầy ngẩng mặt về phía ông Hoàng:
- Bác Hoàng, trong lúc tôi đi rửa tay, bác tìm gối cao kê hai chân bác Tiến lên giùm nhé!
- Dạ vâng!
Thầy L.T. không hành nghề châm cứu thường xuyên nhưng nhìn hai ngón tay nhanh nhẹn của thầy ve xoắn cây kim cắm gọn vào huyệt dưới da khiến người bịnh sinh lòng tin tưởng.
Trong lúc làm việc, thầy chú tâm lắm nhưng vừa xong cây kim cuối cùng, thầy đùa ngay:
- Tôi chữa bệnh theo kiểu “phước chủ may thầy” chỉ mong đừng ai thưa kiện gì. Dù tôi bị thua kiện cũng chẳng có chi để đền vì gia tài chỉ có ba bộ y và một cái bát.
Câu nói đùa của thầy khiến Việt Tiến nhớ lại thắc mắc của mình, sẵn dịp ông hỏi luôn:
- Thưa thầy, kỳ trước thầy kể chuyện “Tái ông mất ngựa” chắc là để an ủi tôi. Nhưng tôi thấy câu chuyện ấy có tính cách cá biệt quá, không thể đúng trong mọi trường hợp. Đâu phải lúc nào họa cùng sinh phúc, rồi phúc sinh họa v.v… theo chu kỳ đơn giản như vậy đâu!
Việt Tiến ngưng nói, đưa mắt nhìn thầy rồi nhìn ông Hoàng, xem phản ứng của hai người ra sao…
Thầy mỉm cười, khuyến khích:
- Bác nói tiếp! Tôi thích nghe!
- Tôi xin đan cử trường hợp thực tế là cuộc đời tôi . Mẹ tôi nói tôi là đứa trẻ đẻ bọc điều. Quả thật, đời tôi gặp toàn sự may mắn và thành công. Từ việc học hành, thi cử đến chuyện làm ăn. Chưa thất bại bao giờ. Đến như máy bay rớt, cháy, mà tôi vẫn còn sống sót thì phải biết số tôi hên lắm, ít ai được như vậy.
Ông Hoàng nhìn em, ngẫm nghĩ: “Nếu chú này mà thêm được bộ vó đẹp trai nữa chắc chú kiêu bằng trời. Cặp mắt ốc nhồi trắng dã của chú luôn luôn chẳng thấy ai bằng mình! Chú đâu ngờ rằng sự thành công khiến chú sinh kiêu mạn, nghênh ngang; Đó là cái họa lớn lắm mà chú không biết.”
Thầy L.T. vẫn điềm đạm tự nhiên. Thông thường, ngựa chứng là ngựa hay. Nếu điều phục được bệnh nhân này mình mới xứng đáng là thầy thuốc.
Thầy cất tiếng, giọng êm ái, dịu dàng:
- Tôi rất đồng ý với bác, bác Tiến à. Đâu phải phúc sinh họa rồi họa lại sinh phúc. Họa phúc gì cũng do cái nhân mình đã tạo từ trước. Gieo gió gặp bão, ở hiền gặp lành, đơn giản vậy thôi. Họa phúc là kết quả của những nhân tố có sẵn và thường thì chúng duyên với nhau không dứt để trở thành những điều may rủi, thành công thất bại, hạnh phúc khổ đau v.v… liên tiếp trong đời sống của chúng ta.
Thấy Việt Tiến chú ý lắng nghe, thầy tiếp:
- Theo quan điểm của Phật Giáo, trong phúc có họa, trong rủi có may, trong thành công có thất bại…
- Sao lạ vậy? Tôi chưa hiểu!
- Tôi xin nếu thí dụ này cho dễ nhé! Nhưng một người hay bịnh hoạn đau yếu, dưới mắt kẻ khác, là kém may mắn, đáng thương hại phải không? Nhưng vì phải đối phó với bệnh tật, tâm người ấy ít tham dục. Chẳng những ít tham dục, người ấy thấy rõ rằng “hữu thân hữu khổ” nên tìm phương cách thoát khổ, mong được thoát ly sinh tử… Đó là trong họa có phúc vậy. Họa phúc, phúc họa cứ trùng trùng sinh khởi như thế mãi. 
Việt Tiến gật gù:
- Tôi cũng vậy, nếu không bị thương tật, tôi đã không có cơ hội gặp thầy và không biết gì về giáo lý nhà Phật… Cả tháng nay tôi đọc nhiều sách Phật, rất thích thú. Không ngờ một người có đầu óc thiên về khoa học như tôi lại bị chinh phục dễ dàng như thế.
Ông Hoàng có dịp xen vào:
- Không có sự mâu thuẫn nào hết giữa Phật giáo và khoa học chú ạ. Khoa học tiến bộ, càng có những khám phá mới, càng chứng minh được sự hợp lý của đạo Phật. Đây là đạo của sự thật, không phải là sự viển vông mơ hồ hay mê tín dị đoan.
- Đồng ý! Nhưng, thưa thầy, tôi chưa đủ niềm tin về chuyện tái sinh hay vòng luân hồi. Tôi muốn hiểu Phật giáo trên quan điểm thực tiễn, nghĩa là qua giáo lý, làm sao mình hưởng dụng được ngay, không đợi đến kiếp sau.
Nhà sư trẻ tỏ ra sốt sắng:
- Tôi bước vào đạo cũng bằng tinh thần thực dụng như thế nên tôi hiểu rõ ý bác.
Chúng ta trở lại vấn đề phúc và họa nhé! Nếu một người thấm nhuần giáo lý nhà Phật và có sự ưa thích thực hành lý thuyết Phật giáo mà mình thâu nhận được thì khi biết rằng trong phúc có họa, trọng họa có phúc, người ấy sẽ không phát sinh lòng vui sướng kiêu hãnh khi gặp may mắn thành công, và cũng không buồn rầu chán nản nếu rủi ro thất bại. Đó là người ấy đã vượt qua khỏi sự phân biệt, tâm họ an nhiên trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch. Đấy là người được giải thoát ngay trong đời sống hằng ngày. Tâm người ấy như mặt nước hồ thu, yên lặng trong trẻo, không bị xao động vì sóng gió phiền não.
Việt Tiến hỏi, nửa đùa nửa thật:
- Nếu ngày nào cũng im lặng êm đềm như ngày nấy thì cuộc sống còn sôi động, hứng thú gì nữa?
Không thích nghe giọng đùa dai của Việt Tiến, ông Hoàng chận ngay:
- Vậy tôi hỏi chú, nếu phi cơ chuyến nào như chuyến nấy đều an toàn bình yên vô sự thì chán lắm, buồn lắm hử? Phải có trục trặc, bị rớt bị cháy mới hào hứng à?
Biết lời nói của mình vô duyên nên bị hiểu lầm, Việt Tiến cười giả lả…
Nhà sư đứng lên gỡ kim cho Việt Tiến. Xong xuôi, thầy bảo anh thở sâu, thở mạnh và quán tưởng mình dồn ép thanh khí xuống tận đôi chân.
Việt Tiến nhìn đôi chân vô dụng của mình. Khi tâm ông vừa khởi lên ý tưởng bi quan, ông nhớ ngay đến lời giảng dạy của thầy: họa phúc trùng trùng. Lạ thay, Việt Tiến cảm thấy lòng mình trở nên bình thản ngay. Sự bình yên thanh thản này giúp ông lấy lại nghị lực. Ông vận công thở, chú tâm vào luồng khí bơm vào phổi đang từ từ mang sinh lực đến toàn thân.
Gina xuất hiện với bình hoa hồng thắm tươi. Nàng tiến đến gần nhà sư, trịnh trọng dâng lên thầy, lấp bấp câu tiếng Việt:
- Con cúng dường thầy!
Sư L.T. ngạc nhiên và cảm động, ông tiếp nhận bình hoa, mỉm cười, đáp lại bằng tiếng Anh:
- Thank you!
Ông Việt Tiến biết đây là những đóa hoa hiếm, lạ mà Gina rất quí nhưng nàng đã dám cắt để cúng dường thầy. Hành động của nàng cũng là một đóa hoa vi diệu, đầy hương thơm.
Nàng cho ông Hoàng hay bữa cơm trưa đã sẵn sàng.
Khi Việt Tiến tập và nghỉ ngơi xong, mọi người ngồi vào bàn ăn. Họ bắt chước nhà sư nâng chén lên cúng dường.
Riêng Việt Tiến, ông biết mình bắt đầu nếm pháp vị. Ông mong ngày nào đó sẽ đi đứng lại bình thường. Chừng ấy, thay vì về Việt Nam để đắm chìm trong dục lạc, ông sẽ thường xuyên đi chùa, tu học tinh tiến và tự nguyện làm cánh tay hộ pháp đắc lực.
Hơn ai hết, ông hiểu rằng khi si mê, mình nhìn vấn đề rất sai lầm, sự sai lầm gây tác hại khổ đau. Đến với đạo Phật là hướng về chân lý giải thoát.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/05/2015(Xem: 5699)
Em đừng hỏi vì sao tôi cưới em Chỉ đơn giản bên em tôi thở được Đó là hai câu thơ của thầy tôi làm tặng người vợ thân yêu của mình khi thầy bị bệnh phải nhập viện.
07/05/2015(Xem: 5743)
Ngày còn đi làm, cứ mỗi lần đến ngày 13 thứ sáu, các bạn đồng nghiệp trong sở tôi kiêng cử dữ lắm, ai cũng cho đó là ngày xấu nhất trong năm. Tôi thì không tin, chỉ cười, cũng không phản đối lòng tin của bạn bè nhưng bây giờ tôi cũng đâm ra sợ ngày này vô cùng: 13 Thứ sáu - ngày Anh tôi ra đi thật quá bất ngờ và quá đau đớn!
02/05/2015(Xem: 3819)
Khi tôi gặp Thầy lần đầu tiên, tôi thật sự là một kẻ phàm phu tục tử có đầy đủ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, đã chẳng tu mà chỉ biết hú là giỏi. Mặc dù tôi được sinh ra từ một gia đình có tiếng là theo đạo Phật lâu đời, nhưng từ khi có sự hiểu biết, tôi thấy bà và mẹ chỉ đi chùa mỗi năm vài lần vào dịp lễ lớn, cũng lạy Phật, thắp hương, khấn vái sì sụp gì đó rồi… hết. Còn tôi thì sao, tôi bị sinh ra vào những năm sau cuộc chiến, tưởng là hòa bình lập lại thì dân giàu nước mạnh, tôn giáo được tự do phát triển không ngờ mọi việc hoàn toàn ngược lại, ăn còn không đủ no nói gì đến việc đi chùa nghe Pháp, đọc kinh. Tóm lại tôi hoàn toàn mù tịt về Phật Pháp.
02/05/2015(Xem: 4675)
Tôi gặp nàng tại Đại nhạc hội Việt Nam tổ chức tại Düsseldorf vào một mùa Giáng Sinh xa xưa nhưng không bao giờ quên được dù nàng lúc đó lẫn lộn giữa rừng người đông đảo. Nàng không xinh đẹp tuyệt trần, không ăn mặt lòe loẹt nổi bật, cũng không hoạt bát ồn ào gây sự chú ý của mọi người. Nhưng đối với tôi thì nàng thật đặc biệt với dáng vẻ đoan trang thùy mỵ, với đôi mắt dịu dàng và với sự im lặng của nàng trong một góc vắng của hội trường. Nàng đứng đó, tay cầm một cuốn sách nhỏ, vừa đọc vừa... gặm bánh mì, thỉnh thoảng lại ngước mắt lên nhìn xung quanh coi có gì “lạ” không rồi lại cắm đầu vào cuốn sách, cứ y như trong đó có chỉ chỗ giấu kho vàng vậy!
01/05/2015(Xem: 15356)
Được làm con Phật là điều vừa đơn giản, vừa hy hữu. Đơn giản, vì sinh ra trong một gia đình Phật giáo thì tự động theo cha mẹ đi chùa, lễ Phật, tin Phật ngay từ bé. Hy hữu, vì biết lấy Phật giáo làm lý tưởng đời mình và chọn sự thực hành Phật Pháp như là sinh hoạt nền tảng hàng ngày—không phải ai sinh ra trong gia đình đó cũng đều tin Phật từ nhỏ đến lớn, và nếu tin Phật, cũng không gì bảo đảm là hiểu Phật, thực hành đúng đắn con đường của Phật để gọi là con Phật chân chính.
23/04/2015(Xem: 3154)
Năm nay 2015 tôi có đến ba mùa Xuân. Đó là mùa Xuân của nước Đức, mùa Xuân của nước Nhật và mùa Xuân của Hoa Kỳ. Thông thường mùa Xuân bắt đầu vào cuối tháng 3 dương lịch và kéo dài ba tháng như vậy, để thuận với lẽ tuần hoàn của vạn hữu là Xuân, Hạ, Thu, Đông; nhưng cũng có nhiều nơi mỗi năm chỉ có hai mùa như quê tôi Việt Nam, là mùa mưa và mùa nắng. Trong khi đó Âu Châu, nhất là vùng Bắc Âu, mỗi năm cũng chỉ có hai mùa. Đó là mùa lạnh kéo dài nhiều khi đến 6 hay 7 tháng và mùa ấm chỉ có chừng 3 đến 4 tháng là cùng. Dĩ nhiên là sẽ không có mùa Hè và trời vào Thu lại nhanh lắm, để đón tiếp một mùa Đông băng giá lạnh lùng.
15/04/2015(Xem: 11375)
Một sớm mai nọ, tôi không nhớ ngày ta, ngày tây, chỉ nhớ đầu năm 1984. Buổi sáng hôm ấy đầy dáng Xuân cả đất trời Nam Hà, khi tôi và hằng trăm tù nhân chính trị trên đường đến hiện trường lao động ở dải đất dài, mà hai bên toàn là núi đá vôi cao, thấp trùng trùng, điệp điệp. Người địa phương Ba Sao gọi là THUNG.
31/03/2015(Xem: 18451)
Dianne Perry, (sau này được biết đến qua pháp danh Tây Tạng của cô là Tenzin Palmo) là một vị ni cô người Anh đầu tiên, đã ẩn cư thiền định suốt 12 năm trong một hang động cao 12.300 bộ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, cách ngăn khỏi thế giới trần tục bởi những rặng núi phủ đầy tuyết trắng quanh năm. Tenzin Palmo đã sống một mình và tu tập trong động tuyết này. Cô đã chạm trán với những thú rừng hoang dã, đã vượt qua những cơn lạnh khủng khiếp, những cái đói giết người, và những trận bão tuyết kinh hồn; cô tự trồng lấy thực phẩm và ngủ ngồi trong cái hộp gỗ rộng cỡ 3 bộ vuông (theo truyền thống Tây Tạng, các vị tu sĩ đều tọa thiền trong một cái hộp gỗ như vậy). Cô không bao giò ngủ nằm. Mục đích của Tenzin Palmo là chứng đạo trong hình tướng một người nữ.
18/03/2015(Xem: 6318)
Tôi sinh ra ở miền sông nước Nam Bộ của xứ Việt. Nhưng thật lạ, phải gần nửa đời tôi mới bắt đầu nhận ra mình vốn yêu sông nước. Tôi yêu quê từ những miền đất lạ mà mình đi qua, và tệ nhất khi đôi lúc chỉ là những nơi chốn xa ngái mịt mù chỉ nhìn thấy trong sách vở, phim ảnh. Và kỳ chưa, đó cũng là cách tôi yêu đạo Phật. Ăn cơm chùa từ bé, nhưng phải đợi đến những giây khắc nghiệt ngã, khốc liệt nhất bình sinh, tôi mới nhìn thấy được rõ ràng nụ cười vô lượng của đức Phật bất chợt hiện lên đâu đó cuối trời thống lụy.
05/03/2015(Xem: 3242)
Có những kỷ niệm tưởng rằng sẽ mờ nhạt theo tháng ngày tất tả, trôi xuôi đến tận cùng triền dốc của cơm áo xứ người. Nhưng không, mỗi khi trời đất đổi mùa thì lòng người lại bâng khuâng, ký ức lại hiện về rõ nét, dù đó là một khoảng thời gian đã qua, một ký ức đã xa... Chỉ còn lại trong tim nhưng cũng đủ xót xa lòng khi nhớ đến! Hình ảnh bà cụ già nua ốm yếu, ngồi cô đơn trong căn chòi tranh rách nát, vào một buổi chiều âm u buồn thảm vẫn còn đậm nét trong lòng tôi, nhớ đến là bồi hồi xao xuyến cả tâm can. Buổi chiều ở Đồng tháp Mười buồn quá sức, buồn đến não nuột xót xa, một chòi tranh nằm chơ vơ bên con lạch nước đục ngầu, không người qua lại, xung quanh chỉ có tiếng ếch nhái than van!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com