Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Hai Cha Con

28/08/201117:10(Xem: 2673)
09. Hai Cha Con

Diệu Nga
DỐC MƠ ĐỒI MỘNG
Tu Viện Trúc Lâm Canada Xuất Bản PL. 2547 DL. 2003

Hai Cha Con

Ông Hai Nghĩa làm việc ở nhà ga xe lửa gần hai mươi năm nay; đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh chia tay cũng như đoàn tụ cho nên đối với ông, đó là chuyện thường. Hợp tan, vui buồn, cười khóc cứ thay phiên nhau diễn ra tạo cho đời sống bộ mặt linh động, muôn màu muôn vẻ.
Nhưng hôm nay, sau khi đưa tiễn đứa con trai độc nhất rời khỏi tỉnh lỵ nhỏ bé của tiểu bang Alabama này, đến khi trở về nhà, ông mới thấm thía nỗi sầu biệt ly.
Cái buồn xâm lấn ông từ từ, nó lan nhè nhẹ nhưng bàn tay thô bạo của nó cứ như nắm cả buồng tim của ông mà rứt ra. Đau nhói. Đôi khi ông có cảm tưởng như nghẹt thở, tay chân rã rời… Ông nằm im lìm trên ghế sofa không biết bao lâu.
Trời nóng quá, dù mùa hè chỉ mới bắt đầu bằng những ngày 80 độ F. Ông uể oải đứng dậy pha một ly trà đá. Ở Mỹ có loại “ice tea” chỉ cần dăm ba phút, đã có món giải khát vừa rẻ vừa ngon.
Ông sớt một nửa để lên bàn thờ vợ. “Bả cũng ưa thứ này.” Ông nhìn ảnh vợ một cách trìu mến rồi cầm nửa ly còn lại, mở cửa bước ra sân sau.
Sân nhà ông tuy nhỏ nhưng trông cũng nên thơ với hai cây thông già xanh tốt quanh năm. Cỏ được cắt xén bằng phẳng, tưới tẩm cẩn thận nên vẫn giữ được màu xanh mát mắt quanh những bồn hoa chậu kiểng thay nhau khoe sắc đủ bốn mùa.
Trời đã xế bóng nên không khí dễ chịu lại. Ông ngồi xuống tảng đá lớn dưới cội cây thông, hớp từng ngụm nước mát lạnh và cảm thấy tỉnh mỉnh hơn. “Con mình tốt nghiệp rồi, phải đi kiếm việc làm, đâu ở quanh quẩn xó nhà hoài được!”
Hình ảnh đứa con trai xúng xính trong áo thụng, đầu đội mũ vuông đen trong ngày lễ ra trường hôm qua hiện rõ trong trí nhớ và nỗi vui sướng bỗng trở lại với ông, đầy ấp cả buồng tim, lá phổi.
“Bà nó ơi! – ông nói thầm với người vợ quá cố - Bà không sống mà nhìn con, giờ cũng kỹ sư như ai! Vợ chồng mình tuy hèn mọn thiệt đó nhưng con mình giờ đã nên người. Bà phải khen tui đó nghen! Gà trống nuôi con mười lăm năm ròng trong cảnh nghèo khó mà con vẫn nên người!”
Từ hồi sang Mỹ đến giờ, gia đình ông ở miết tại tỉnh lỵ nhỏ bé này, không muốn dọn đi đâu vì cả hai vợ chồng may mắn tìm được việc làm tại nhà ga xe lửa Amtrak ở địa phương. Đồng lương “cu li” tuy chẳng là bao nhưng hai đầu lương góp lại, sống tiện tặn, họ cũng mua được căn nhà nhỏ, cũ bốn mươi năm, già bằng tuổi họ.
Căn nhà tuy nhỏ nhoi, cũ kỹ nhưng vợ chồng đẹp dạ lắm vì dù sao cũng được làm chủ bất động sản này, sau ba mươi năm trả góp. Họ cảm thấy như mình đã bám rề được trên vùng đất mới quá xa lạ.
Những người Việt đến sau đều khen vợ chồng ông tốt số: tiếng Anh tiếng u không có một chữ vậy mà cả hai đều được vô làm hãng lớn của Mỹ, có bảo hiểm sức khỏe và đủ quyền lợi về hưu bổng.
Thật ra thì hay chẳng bằng hên. Khoảng năm 1978, người Việt mình sang Mỹ chưa đông; những công việc lao động tay chân như lau chùi, quét dọn v.v… nhiều lắm vì Mỹ trắng thì chê còn Mỹ đen vào làm một thời gian ngắn rồi bỏ.
Nhờ quen với cô thư ký người Việt làm trong hãng, ông được giới thiệu vào làm. Họ ngần ngại chưa muốn nhận ông thì cô thư ký hứa sẽ thông dịch và hướng dẫn cho đến khi nào ông quen việc. Vài tháng sau, thấy được, ông xin cho vợ vào làm luôn. Họ nào mong mỏi gì hơn một cuộc sống bình dị, yên ổn và tự do!
Đứa con trai duy nhất của hai người – Hòa – lúc bấy giờ tuy đã 
mười hai tuổi nhưng vì chẳng biết tiếng Anh, phải học lại tiểu học. Hòa không lấy thế làm buồn vì dáng dấp nhỏ thó của cậu cũng không khác gì đứa trẻ Mỹ sáu, bảy tuổi.
Hòa thuộc loại chậm lụt, không thông minh lanh lợi gì nên học hành rất vất vả. Cũng may, nó được cái siêng năng, chịu khó; nếu không thì chẳng thể vào đại học nỗi. Ở đấy, anh phải “trầy vi tróc vảy” trong bảy năm mới lãnh được mảnh bằng mà một sinh viên khác chỉ cần bốn năm thôi. Anh ra trường lúc tuổi đã ngoài ba mươi.
“Tam thập nhi lập!” Ông Hai Nghĩa lẩm bẩm một câu chữ nho. “Tuổi này bắt đầu lập nghiệp cũng chưa muộn.”
- Anh Hai khỏe rồi hả! Ngồi uống trà coi thảnh thơi dữ a!
Bà hàng xóm vừa đon đả bước tới vừa cất giọng đả đớt cố hữu của bà.
- Chào chị Phụng, chị tới hồi nào tui không hay!
Anh ỷ y không khóa cửa, bữa nào đồ đạc trong nhà anh bị dọn hết cho coi!
- Ờ, cái tật đó thằng Hòa cự tui hoài! 
Bà Phụng ngồi phệt xuống cái băng dài bằng gỗ sồi do ông tự đóng cả chục năm về trước. Cái băng ghế này giờ đã ọp ẹp, tồi tàn không khác gì người đàn bà luống tuổi đang ngồi trên ấy.
Bà ta mở giỏ têm trầu. “Bà nầy kỳ cục, qua Mỹ lại tập ăn trầu! Mới năm mươi tuổi mà làm như già sụm!” Ông Hai nói thầm trong bụng, ngán ngẩm nhìn cái đầu tóc chôm bôm xám xịt và hai răng cửa trống trơn như miệng hang. Người tuy ú nu nhưng da dẻ lại xanh mét như bịnh kinh niên. Bà con cô bác ở đây rỉ tai nhau: “Mụ Phụng giả bộ già yếu bịnh hoạn để ăn tiền welfare.” Từ ngày đứa con lai duy nhất bỏ bả trơ trọi chốn này, bà trở nên dở dở ương ương không ai chịu nổi; chỉ có ông còn giao thiệp nên hóa thành bạn thân.
Nhưng thằng Hòa ghét bả lắm, nói bả “dê” ông già mình để lợi dụng. Ông chỉ cười, biện hộ “tao có đách gì đâu mà sợ bị lợi dụng! Nghèo cũng sướng cái vụ đó!”
Thật ra ông thương cảnh tình cô đơn của người đàn bà lỡ vận này. Nơi đất khách quê người gặp cảnh ngộ như bà, nếu không điên thì hóa dại thôi. Gia tài chỉ có hai mẹ con, theo diện con lai sang Mỹ mới ba tháng, con Lụa gạt mẹ nó, nói phải đi tiểu bang khác kiếm việc làm ăn, rồi bẵng luôn, không thư từ liên lạc gì hết. Có người tình cờ gặp lại nó ở Cali mấy năm sau đó, ăn mặc diêm dúa phấn son lòe loẹt đến nỗi nhìn không muốn ra. Mà nó cũng không thèm nhìn ai, sợ người ta nhắc đến bà già đã sinh ra nó.
Hai người bạn ngồi im lặng khá lâu. Bóng chiều chầm chập trải lên sân mang theo vài cơn gió mát. Bà Phụng nhóc nhách nhai trầu, bỗng nhiên buột miệng nói:
- Lạy trời cho con trai ông đừng đoản hậu vô nghì như con Lụa nhà tôi! 
Ông Hai Nghĩa nhếch môi cười, không đáp. Thằng Hòa kỹ sư của ông mà bà “khùng” này dám đem so sánh với con Lụa! Nhưng dù sao ông cũng thầm cám ơn lòng tốt của bà.

***

Sau những giấc ngủ gà ngủ gật đêm rồi ngày, hết ngày lại đêm trên xe lửa, Hòa thức dậy lúc vừa rạng đông. Mặt trời còn ẩn trong cánh rừng thưa đang chạy thụt lùi ra sau nhưng những đợt nắng mới, vàng rực ở chân trời, đang tủa ra, xé tan lớp sương mù lãng đãng.
Mặc dù chỗ ngồi thoải mái rộng rãi như một cái giường nhỏ - đối với khổ người của Hòa – nhưng hai chân anh tê cóng. Hòa nhè nhẹ đứng dậy, co duỗi chân tay rồi đi vào khu nhà ăn toa trên. Đa số hành khách đều còn ngủ.
Ly cà phê nóng với cái bánh donut giúp anh tỉnh táo. Hòa móc túi lấy giấy xem lại ngày giờ tàu đến nơi: chỉ còn nửa tiếng là tới ranh giới tiểu bang Ohio, từ trạm biên giới này, tàu chạy suốt hai tiếng nữa mới vào thành phố chính.
Bên ngoài, cảnh vật từ từ sáng tỏ hơn. Hòa có cảm giác đời mình cũng bắt đầu một giai đoạn mới, tươi sáng nhộn nhịp hơn những tháng năm buồn tẻ, đìu hiu ở thành phố cũ. Chàng như đã thoát ra khỏi cái kén tù túng, quê mùa, hóa thành chú bướm có đôi cánh bay bổng, cao vời.
Tuy nhiên, mặc cảm sợ hãi, thua sút luôn luôn kèm sát những hi vọng vươn lên của Hòa. Không biết rồi đây có hãng nào nhận mình không với điểm trung bình hạng C. Ohio là tiểu bang đang lên. Các hãng mời nhiều người bạn cùng lớp của anh đi phỏng vấn nhưng họ đều chê xa và lạnh, còn anh gửi đơn đi cùng khắp mà chẳng ai gọi. Vì vậy Hòa đánh bạo đến tận nơi này để tìm việc. Kỹ sư công nghiệp mà, đâu đến nỗi tệ.
Tội nghiệp ông Hai Nghĩa, trước ngày anh đi, ông vét hết tiền ở trương mục tiết kiệm trao cho anh ba ngàn đồng, bảo là để phòng thân. Hòa cũng cần tiền thật đó, vì không biết bao lâu mới kiếm được việc làm, định lấy phân nửa thôi, nhưng nhớ lại mụ Phụng hay lui tới la cà, nếu anh không giữ hết thì chắc bà ta cũng tìm cách bòn rút. Chẳng biết tại sao anh ghét mụ ta một cách lạ kỳ. Chắc tại anh ghen giùm má anh dù bà quá vãng đã lâu rồi.
Má anh là người mẹ hoàn toàn, chìu anh hết mực, xin gì được nấy. Duy chỉ có một điều làm anh không hài lòng, là anh giống má anh như đúc: từ thân người ốm yếu nhỏ nhoi đến gương mặt khắc khổ, xương xẩu trên đó ít ai thấy được nụ cười. Lại thêm hai vai ngang như đòn gánh! Tướng anh như vậy đó, làm sao sang được? Vì vậy anh khó tìm một cô bạn gái dù ở Alabama lúc sau này, người Việt không hiếm.
Ba anh thì cao ráo, khỏe mạnh hơn nhưng trông thô kệch với gương mặt vuông chèn bẹt và tướng đi chữ bát.
Không ai có thể chọn cho mình một chỗ để sinh ra. Nếu được lựa chọn, chắc chắn anh đã không ra đời trong ngôi nhà của cha mẹ anh. Nhưng dù sao, ba anh cũng dễ thương. Ông coi anh là lẽ sống, là niềm hãnh diện tột cùng. Ngoài ba anh ra, anh không là gì cả dưới mắt người chung quanh.
Là “thần tượng” của cha mình nên Hòa chủ động mọi sự. Anh nói gì ông cũng vui vẻ nghe theo như một người thừa hành tốt. Đôi khi anh bịa chuyện lếu láo để thỏa mãn lòng tự tôn lẫn mặc cảm tự ti rất phức tạp trong tâm lý của mình, ông Hai cũng một lòng tin tưởng, không thắc mắc lôi thôi gì…
Khi hành khách kéo vào câu lạc bộ khá đông, Hòa đứng lên, mua tờ báo rồi trở về toa. Ông bạn ngồi ghế đối diện vẫn còn che mặt ngủ.
Hòa mở rộng tờ báo, xem kỹ mục cần người: nhiều hãng xưởng ở đây cần kỹ sư, cán sự công nghiệp. Anh an tâm, nhắm mắt lại ngủ tiếp với giấc mơ sẽ có việc làm tốt, tậu căn nhà và cưới được một cô vợ xinh xinh…
Xe lửa giảm tốc độ dần dần. Thành phố hiện ra trước mặt. Sống ở Mỹ lâu năm, lại có dịp đi đây đi đó trong các kỳ nghỉ hè, Hòa không bỡ ngỡ chi khi đến một tiểu bang mới. Một phần cũng vì kiến trúc đô thị ở Mỹ tại các nơi không khác nhau mấy và ở đâu người ta cũng thấy tiệm McDonald’s với hình chú hề và chữ M màu vàng thật to dựng trên nóc. Đó là quán ăn bình dân quen thuộc của mọi người và của Hòa trong những ngày sắp tới nếu anh không tìm được khu vực Việt Nam hay Á Châu tại đây.
Sau khi lo chỗ tạm trú, Hòa gửi đơn xin việc ngay hôm sau. Anh rải gần bốn mươi tờ “resume” mà đợi mãi đến hai tuần sau mới có một hãng gọi anh tới để phỏng vấn. Hãng này thuộc loại nhỏ, chuyên sản xuất đồ dùng bằng nhựa. Họ trả lương nhân viên thấp nên hay chọn những đối tượng như Hòa. Họ mướn Hòa như một cán sự và hứa sẽ cho lên kỹ sư khi nào hãng có nhu cầu.
Tuy thất vọng nhưng không có cơ hội nào khác, anh đành nhận việc. Dĩ nhiên Hòa báo cáo với ông già không đúng như thật. Anh vẽ vời, đánh bóng mọi sự làm ba anh thêm hãnh diện; điều đó thỏa mãn “cái tôi” của Hòa lắm.
Một năm say, anh sung sướng có được cô gạn gái, là nhân viên mới của hãng. Cô Hường tuy ở Việt Nam mới sang và luống tuổi rồi nhưng sắc vóc xinh xắn lại xuất thân từ gia đình sĩ quan cũ, có bề thế, tên tuổi. Hòa cưng chìu cô lắm, còn cô thì không nói ra nhưng định bụng chỉ ưng Hòa khi nào anh thực thụ là kỹ sư. Cô thuộc loại người cứng cỏi, sống bằng lý trí.
Từ ngày có bạn gái, Hòa như quên hẳn người cha già cô đơn ở tỉnh lẻ. Thỉnh thoảng ông nhớ con, gọi điện thoại tìm để được biết con mình vẫn bình yên; còn anh thì bận rộn lắm, chỉ có thì giờ gửi cho ông tấm thiệp mừng ngày Father’s Day với chữ ký vội vàng dưới hàng chữ in sẵn.
Đôi khi, lương tâm chổi dậy, anh ý thức được rằng mình là đứa con vô tình nhưng anh tự trấn an ngay vì biết cha lúc nào cũng rộng lượng, xuề xòa, không chấp nhất chi… Anh sợ liên lạc mật thiết với ông, ông sẽ đòi dọn về ở chung vì có đôi lần vui miệng anh đã hứa “khi nào ba hưu trí, con rước ba qua đây ở luôn.”
Đối với anh, đó chỉ là lời nói có tính cánh đẩy đưa; biết ông hằng mong mỏi như vậy nên nói cho ông vui thôi. Cho ăn bánh vẽ thì bao nhiêu chả được! Rước ông về ở chung, chắc chắn cô bạn gái sẽ không bằng lòng. Cô ấy mà bỏ anh, chắc anh chết! Lỡ phịa rằng ba anh cũng vốn dòng trí thức phong lưu, rủi cô ấy biết rõ lai lịch từ “binh nhì” ở Việt Nam đến “lao công quét dọn” ở Mỹ thì có nước độn thổ.
Đôi khi, thành thật với chính mình, Hòa biết mình đã trở thành kẻ láo khoét, thích “nổ” và hay khoe khoang nhưng anh không thấy thế làm xấu hổ. Anh đã quen khoác cho mình lớp sơn hào nhoáng và tự hài lòng với những gì mình đã vẽ vời ra.

***

Trằn trọc suốt đêm, ông Hai Nghĩa không ngủ được một phút giây ngắn ngủi nào. Nỗi đau, cái giận, sự chua xót xen lẫn lòng hối tiếc đã hòa trộn vào nhau, dày xé cả tâm tư, dằn vặt ông không dứt.
Thằng Hòa lại cho ông “ăn thịt thỏ”. Nó hứa cuội với ông trong ngày quan trọng nhất của tuổi già; ngày về hưu. Bà con, bạn bè, lối xóm, đồng nghiệp, ai cũng dành thì giờ đến dự buổi tiệc thân mật này, còn đứa con độc nhất của ông, núm ruột yêu dấu của ông thì biệt dạng.
Đa số người thân thiết rõ cảnh tình đáng thương của ông, đã tế nhị, không đá động, hỏi han về Hòa nhưng đôi người cũng vô tình buột miệng:
- Kỹ sư Hòa đâu? Lâu quá chẳng thấy về Alabama.
- Ờ, cũng bảy hay tám năm rồi!
- Ngày này lẽ ra cậu ấy phải về để tính công chuyện cho ba chớ! Già cả rồi, ở một mình đâu nên!
Họ thương ông mà nói vậy chứ không ác ý, nhưng những câu nói ấy như những mũi tên xuyên xuốt qua trái tim người cha đau khổ.
Cả tháng vừa qua, ông hăng hái sơn phết,dọn dẹp nhà cửa với ý nghĩ khi con mình về thắm, nó sẽ không xấu hổ vì căn nhà bây giờ đã quá cũ kỹ: một bên vách, cây đã mục; thảm ở phòng khách từ màu xám tro đã ngã thành đen, bẹp dí xuống, cứng đơ như miếng ni-lông dầy. Cửa nẻo đều trở nên ọp ẹp, lỏng lẻo.
Trong dịp này, bà Phụng đã đến giúp ông hằng ngày. Bà biết ông phấn khởi lắm, hi vọng sẽ được gặp con. Có lần bà ướm hỏi:
- Ông chắc cậu về không?
Mặc dầu hơi chột dạ - vì bây giờ ông không dám cả tin vào bất cứ lời nói nào của đứa con yêu quí – nhưng ông cũng mạnh dạn đáp:
- Về chớ! Tôi đòi gởi vé xe lửa miễn phí, nó không chịu, nó đi máy bay mau hơn.
- Chừng nào có chuyến bay, có giờ tới mới chắc! 
Ông Hai chép miệng:
- Nhiều lần tôi muốn lên thăm nó, nó không cho, nói già cả ngồi xem lửa mất sức. Kỳ này nó lấy phép về chơi, ở lại vài tuần.
Bà Phụng xây mặt, dấu cái trề môi. Người ngoài ai cũng biết Hòa là đứa con đoản hậu – cũng như con Lụa của bà vậy, nhưng đóng kịch khéo hơn - chỉ có ông vì quá thương con nên không thấy sự thật. Kỳ nầy cho ông sáng mắt ra. Sáng mắt rồi, ông chỉ khổ một lần chót thôi chớ không còn khổ dài dài vì phải ăn bánh vẽ của Hòa nữa.
Không phải bà ghét chi Hòa – nó mắt mớ gì tới bà mà ghét – nhưng tức giùm ông Hai Nghĩa quá chừng… Mà lần nầy ổng “canh me” để được nói chuyện thẳng với nó qua phone là may. Thông thường, chỉ có máy trả lời, dù nhắn năm điều bảy chuyện trong máy, nó cũng không bao giờ gọi lại… Rõ ràng như vậy mà Ông Hai cũng chưa chịu hiểu!
… Sau trắng đêm suy nghĩ, bây giờ ông Hai mới thấy được tâm địa của con mình. Ông đau lòng quá, không phải vì sợ tuổi già của mình vò võ cô đơn nhưng vì không ngờ đứa con mà mình đã dày công đào tạo, đã đặt trọn niềm tin tưởng và hãnh diện lại thấp thỏi đến như vậy.
Thà nó đừng làm kỹ sư bác sĩ, nó cứ nối nghiệp lao công như ông mà biết đạo làm người, biết nghĩa làm con thì ông hả dạ hơn. Giá trị con người đâu phải ở bằng cấp địa vị hay sự sang giàu!
Ông Hai đi tới đi lui ngoài sân sau, càng nghĩ ngợi càng đau lòng… Cho đến khi mặt trời đã lên cao, thấy nóng, ông vừa định trở vào nhà thì nghe tiếng bà Phụng đập cửa rầm rầm, miệng kêu ơi ới…
- Anh Hai, mở cửa! mở cửa cho tôi vô!
Chủ nhà vừa hé cửa, bà Phụng đã nhào tới. Cùng lúc đó, ông nhận ra sự hiện diện của bác Vinh, hội trưởng cao niên.
Bà Phụng để tay lên ngực, thở cái phào:
- Vậy mà tôi hết hồn! Tưởng ông buồn tình tự vận rồi chớ!
Ông Vinh điềm tĩnh, từ tốn hơn, tiến tới bắt tay ông Hai Nghĩa rồi chậm rài bước vào nhà. Sau khi phân ngôi chủ khách, ông Vinh giải thích:
- Hồi sáng này lúc tôi còn ngủ, bà bạn đây tới, thức tôi dậy, báo tin anh đã tự tử. Tôi hỏi “sao chị biết?”. Chị nói đã đập cửa nhà anh rầm rầm cả chục lần mà không có tiếng ai trả lời. Bán tín bán nghi, tôi cấp tốc đến đây xem sự thể ra sao?
Người cha đau khổ nhếch môi cười gượng gạo. Ông liếc bà Phụng một cái bén ngót làm bà xấu hổ bỏ vào trong, nói là đi pha cà phê.
Bắt được cái cười của ông Hai Nghĩa, người bạn biết đây là cơ hội tốt để tháo gút tâm sự:
- Từng tuổi này, tôi mới nghiệm ra rằng mình chỉ nên sống với thực tại.Chấp nhận thực tế, dù nó không đúng với sự mong cầu của mình, mình sẽ đỡ khổ lắm anh à! Vợ chồng tôi có đến bốn đứa con, hai trai hai gái nhưng tới lúc bạc đầu cũng không sống chung với đứa nào được. Mà sống riêng cũng có cái hay, mình độc lập mà chúng nó thì được tự do.
Ông Hai vuốt tóc - chắc đầu tóc mình bồm xồm khó coi, khách tới bất thình lình quá. Ông im lìm một lúc rồi nói như than:
- Thì sự thể đã rõ ràng như vậy, không chấp nhận cũng không được. Sanh con nào dễ sanh lòng!
Hiểu nỗi đau của bạn, ông Vinh tìm cách an ủi:
- Thôi, thì dù sao đi nữa, con hơn cha là nhà có phúc anh à! Bây giờ anh không cần phải lo lắng, đùm bọc, che chở cho cậu ấy nữa. Con chim trời khi đủ lông đủ cánh, cứ thả cho nó bay… Mình nghĩ vậy mà khỏe, khỏi bận lòng.
Ông Nghĩa hít sâu một hơi thở để làm dịu cơn xúc động rồi trầm ngâm. Tiếng đồng hồ “tích tắc”, “tích tắc” gợi ông nhớ lại những đêm khó ngủ, những đêm dài thăm thẳm, triền miên với bao phiền muộn, thất vọng và ngán ngẩm.
- Thú thiệt với anh nghen, tôi vốn quê mùa dốt nát, nuôi được đứa con ăn học thành tài thì mình hành diện ghê lắm nhưng mà xét cho kỹ, đó không phải là cái phúc của gia đình tôi. Phải nói đây là điều bất hạnh. Nhưng dù sao tôi cũng tha thứ cho nó. Sau này, nếu nó hoạn nạn, ốm đau, thất bại hay gì gì đi nữa, tôi cũng sẵn lòng thương…
- Tôi hiểu! Mình là cha mà, dù chúng nên hay hư, giỏi hay dở, thành công hay thất bại mình cũng cứ thương thôi. Sông còn có lúc nước lớn nước ròng chứ cha mẹ thương con bao giờ cũng thế, tràn ngập, phủ phê…
- Mà thôi, mình không biết thực tế cuộc sống của cậu ấy ra sao, cứ ngồi đây mà trách, có khi cũng oan!
Không cầm được giòng nước mắt thương cảm, ông Hai lặng lẽ khóc: “Ông Vinh đã thấy được nỗi lo thầm kín của mình, người bạn này sâu sắc, tế nhị mà lại bao dung, không bao giờ phê phán, xét nét ai.”
Ông Vinh tôn trọng sự xúc động của bạn, đứng lên nhìn ra cửa sổ. Nắng buổi trưa sáng rực cả con đường nhựa thẳng tắp, hàng cây dogwood trổ hoa hồng nhạt làm dịu lại bầu không khí nóng nực của mùa hè. Ở Mỹ, người về hưu còn khỏe lắm, lại còn một thời gian dài trước mặt, nếu không khéo sử dụng, cuộc sống sẽ trở nên vô vị, nhạt phèo.
Mùi cà phê thơm ngát báo hiệu sự hiện diện của bà Phụng. Cái miệng “bép xép” của bà nảy giờ phải khép lại trong nhà bếp khiến bà khó chịu nên vừa bưng khay cà phê vào, bà nói liền:
- Giận thì khổ, không giận thì lỗ!
Trở lại ghế ngồi, ông Vinh cười, buông câu đùa:
- Nhưng “giận thì giận, mà thương thì thương!”
Hai người đàn ông trao nhau cái nhìn thông cảm. Ông Hai Nghĩa có dịp nhìn ngắm người bạn gái vui tính và bộc trực của ông: bà ta đã trồng hai cái răng cửa, tóc tai vén khéo, da mặt không còn bủng beo tái ngắt như xưa. Lúc sau này, bà hoạt động tích cực cho hội cao niên, hay đi chùa làm công quả, bà tìm được lẽ sống và nguồn hạnh phúc yêu đời. Bà không còn cay cú khi có ai vô tình nhắc đến con Lụa.
Ông Nghĩa biết rằng ông cũng có cơ hội để sống vui, ông sẽ nhờ Vinh hướng dẫn đi chùa, học giáo lý, tụng kinh niệm Phật; tâm hồn ông sẽ bớt khổ đau, phiền muộn. Con đường đầy hoa bưởi, hoa cam dẫn đến ngôi chùa làng ở quê nhà như hiện ra trước mắt. Ông bỗng nhớ quá ao sen trước sân chùa rợp sắc hồng, ngào ngạt hương thơm vào mùa hạ và bóng áo nâu của sư ông thật dịu hiền…
… Tối hôm đó, sau khi dùng cơm ở nhà Vinh về, ông đang chuẩn bị đi ngủ thì có tiếng điện thoại reo vang. Dù cố gắng bình tỉnh, tay ông vẫn run lên khi nghe tiếng Hòa ở đâu bên kia.
- Ba tha lỗi cho con!
- Ờ! … con có gì khó khăn cứ nói di.
- Con hay nói dối ba, lần này con phải thưa thật!
- Chuyện gì đó con?
- Con ra đời không thành công như mình mong ước… lương đã thấp mà bị thất nghiệp hoài… có cô bạn gái, mình cưng chìu hết sức, rốt cuộc cũng không thành.
- Không sao, từ từ rồi con gặp người khác.
- Con lỡ có con với… với Mỹ đen rồi ba à!
- !!! (Đành im lặng, ông biết nói gì đây?)
- Ba còn nghe con không?... Bị thất tình, buồn quá, con vơ đại cô đó, ở ngay phòng bên cạnh, ai dè…
Ông Hai Nghĩa cố dấu tiếng thở dài:
- Thôi, dù sao cũng là máu mủ của mình, đừng bỏ người ta mang tội, con à.
- Bây giờ con đang thất nghiệp, còn nó sanh rồi không ai giữ con, tiền gửi nhà trẻ mắc quá…
Quyết định đến thật nhanh, không đắn đo suy nghĩ ông Hai sốt sắng:
- Tụi bây dọn về đây ở chung với tao nè, tiền nhà khỏi tốn, đỡ lo. Tao giữ cháu nội cho hai đứa đi làm.
- Con cám ơn ba. Lúc nào ba cũng thương yêu, lo lắng cho con mà con thì chưa làm được gì để đền đáp. Con hứa từ nay…
Ông Hai chận lời:
- Ba chỉ cần con hứa từ nay phải sống thành thật với chính mình và với người chung quanh. Đừng ngụy tạo, đừng vẽ vời. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, con à.
Giọng của Hòa trở nên ngập ngừng:
- Con xấu hổ, con ăn năn… con xin chừa!
- Ờ thôi, chuyện cũ bỏ qua hết đi con. Mà cháu nội của tao là trai hay gái vậy?
- Dạ con trai, nó bự lắm ba à, hồi mới sanh đã 9 pounds, bây giờ chưa tròn ba tháng đã 15 pounds rồi.
Ông Hai nói thầm: “Lại một lần nữa, con hơn cha là nhà có phúc!”
- Con đặt tên nó là Michael. Hi vọng sau này lớn lên, nói chơi bóng rổ giỏi như Michael Jordan vậy!
- Thôi con ơi, đừng mơ mộng viển vông nữa, sống với thực tế là hơn! Thực tế là, tao nhận giữ cháu ngày thường thôi. Thứ bảy tao sinh hoạt hội cao niên, chủ nhật tao đi chùa.
Hòa nghĩ trong bụng: “ông già bây giờ có uy quá, tự nhiên mình thấy khớp!” Rồi anh vui vẻ hứa:
- Dạ, con đâu dám đòi hỏi gì hơn. Ba giúp con đúng lúc quá! Tụi con thu xếp, tuần sau đi xe lửa về.
- Tao còn sẵn hai vé miễn phí nè, để tao gởi lên cho. Thôi khuya rồi, tao đi ngủ đây. Bye!
Bỗng nhiên trời đổ xuống một trận mưa rào. Tiếng mưa ban đầu còn thưa thớt, về sau trút xuống ào ào không ngớt. Mưa làm tan bầu không khí oi bức, nồng nực ở chung quanh. Ông Hai nằm im nghe sự mát mẻ của đất trời đang hòa lẫn với niềm vui lớn lao đang làm tươi lại trái tim khô héo của mình từ bấy lâu nay…

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2019(Xem: 5021)
Quê quán tôi ở tận làng Nguyệt Biều, ngoại ô thành phố Huế, nơi nổi tiếng có những vườn thanh trà xanh um, trái ngọt. Hơn 50 năm trên đất Việt, tôi đã sống hơn 30 năm trên đất Huế, uống nước sông Hương hai mùa mưa nắng, ăn cơm gạo de An Cựu. Mùa hè tắm biển Thuận An, mùa xuân ngắm hoa đào trên chùa Từ Hiếu, mùa đông vẫn dầm mưa qua đò Thừa Phủ; chưa kể tiếng thông reo trên đồi Thiên An, tiếng ve sầu rả rích trên các tàng cây dọc con đường vào Thành Nội. Còn nữa, màu hồng, màu trắng của hoa sen hồ Tịnh Tâm, màu đỏ rực của phượng vĩ mùa hè. Tôi là dân Huế chính cống, Huế chay, “mô - tê - răng - rứa “ tôi nói không sai một chữ. Cũng có thể máu huyết tôi thấm đậm hương vị quýt Hương Cần, thanh trà, nhãn lồng Nguyệt Biều, mít Kim Long, dâu Truồi ngọt lịm...
21/10/2019(Xem: 3809)
Hans Christian Andersen là một nhà văn nổi tiếng của Đan Mạch, hay nói đúng hơn là của tuổi thơ. Ông sinh ngày 2 tháng 4 năm 1805 và mất ngày 4 tháng 8 năm 1875, thọ 70 tuổi. Đa phần tên Ông được viết tắt là H.C.Andersen, có lẽ để cho người ta dễ đọc và dễ nhớ, nhất là cho trẻ em. Ngày Ông sinh ra tính cho đến nay ở đầu thế kỷ thứ 21 nầy cũng đã trên 200 năm rồi. Ngày ấy Odense vẫn là một ốc đảo của Đan Mạch, nằm giữa những đảo lớn, có thủ đô Copenhagen và vùng Kolding. Từ Kolding hay Copenhagen muốn đến Odense đều phải đi ngang hai chiếc cầu dài nhất nhì tại Âu Châu và những chiếc cầu nầy cũng chỉ mới được xây dựng vào thế kỷ thứ 20, chứ trước đó thì chắc rằng người ta phải đi ngựa và đi thuyền mới đến được những nơi nào người ta muốn đến của hai mảnh đất liền nằm hai bên ốc đảo Odense nầy.
05/10/2019(Xem: 5582)
Một ông tăng tu Thiền tới hỏi hòa thượng: -Xin hòa thượng cho một câu ngắn gọn “Phật Là Gì?” để con tỏ ngộ và giảng dạy cho đại chúng. Hòa thượng đáp: - Phật là cơm.
29/09/2019(Xem: 27734)
Video: Hành Trình Khám Phá về Sự Thật Xá Lợi của Đức Phật (Rất hay, rất cảm động khi xem, quý vị nên tranh thủ vào xem liền, chân thành cảm ơn nhà văn, nhà khảo cô người Anh Charles Allen đã thực hiện cuốn phim tài liệu công phu và độc nhất vô nhị để tôn vinh và tìm ra sự thật về xá lợi của Đức Thế Tôn sau 26 thế kỷ, from Thích Nguyên Tạng, chủ biên trang nhà Quảng Đức)
26/09/2019(Xem: 6051)
Vừa tang tảng sớm, sương mai còn đọng trên đầu những ngọn cỏ xanh non, một người phụ nữ trạc tuổi bốn mươi, khoác áo bà ba nâu giản dị, đã đến trước ngõ cây tùng của am lá , tên dân dã thường gọi am Không Cửa … Bà không cần gọi am chủ mà đã tự động hé cánh cửa tùng hờ hửng mở, thư thả đi những bước chân nhẹ nhàng vào đến tận cửa am. Bà cất tiếng gọi :
11/09/2019(Xem: 4481)
Một câu chuyện có thật. Tại một thành phố ở Ấn Độ, vị thương gia mất cả ngày trời thương thảo với đối tác. Mệt mỏi, ông vào một nhà hàng sang trọng, tự thưởng cho mình bữa tối thịnh soạn.
03/09/2019(Xem: 3450)
Một đêm khi Shichiri Kojun đang tụng kinh thì một tên trộm với một thanh kiếm sắc nhọn bước vào, đòi đưa tiền nếu không ông sẽ mất mạng.
21/08/2019(Xem: 8409)
Một đoàn đông toàn thương gia Dự trù vượt biển đi xa buôn hàng Tìm đường sinh sống lang thang Lộ trình đoàn phải băng ngang cánh đồng
14/08/2019(Xem: 3763)
Sư cô Trăng Hiền Tâm, xuất gia trong gia đình cây Dẻ Gai ngày 25 tháng 10 năm 2018, tại Làng Mai – Pháp. Là con một, lớn lên trong một gia đình khá yên ấm tại Hàn Quốc và đang trên đường xây dựng sự nghiệp vững vàng, sư cô đã gặp được con đường tâm linh và phát tâm xuất gia mạnh mẽ. Hiện nay, sư cô đang tu tập ở xóm Mới và là niềm vui cho tất cả mọi người. Dưới đây là những chia sẻ của sư cô về hành trình tâm linh của mình, được Ban biên tập chuyển ngữ từ tiếng Anh
13/08/2019(Xem: 6302)
Một người từ 2500 năm trước vẫn còn sống chốn nhân gian, bạn có tin không? Nhưng càng kỳ lạ là, cách đây không lâu, một tiến sỹ người Anh tên là Beckson đã gặp tôn giả Ca Diếp trên núi Kê Túc, hơn nữa ông còn vì thế mà đã quy y Phật giáo. Đó là vào buổi sáng ngày đầu tiên hội nghị hàng năm của Hội nghiên cứu học thuật London vào đầu thế kỷ 20, rất nhiều tiến sỹ nổi tiếng nước Anh nghiên cứu khoa học, triết học, pháp học và thần học đã tấp nập đến trung tâm nghiên cứu, sẵn sàng thuyết trình. Người khiến mọi người chú ý là một vị hòa thượng phương Tây, thân hình cao lớn, mặc bộ tăng y màu vàng, ngoài khoác áo cà sa, tay cầm chiếc bát đen, chân trần, cử chỉ trang trọng, bước về phía tòa nhà tráng lệ của Hội nghiên cứu học thuật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]