- 01. Mùa Hoa Năm Nào
- 02. Sống
- 03. Vườn Cải Hoa Vàng
- 04. Bệnh Nan Y
- 05. Sư Ông và Lãng Tử
- 06. Hữu Công, Hữu Tội
- 07. Bức Tranh Phù Thủy
- 08. Những Giọt Lệ Hồng
- 09. Hai Cha Con
- 10. Tiếng Gọi
- 11. Mẹ Tôi
- 12. Khai Bút
- 13. Xuân Tâm
- 14. Họa Phúc Trùng Trùng
- 15. Dốc Mơ Đồi Mộng
- 16. Phụ Trương - Phật Mẫu
- 17. Phụ Trương - Sống Tức Là Tương Quan
DỐC MƠ ĐỒI MỘNG
Tu Viện Trúc Lâm Canada Xuất Bản PL. 2547 DL. 2003
Khi
chiếc tàu hải quân lặng lẽ nhổ neo vào một ngày cuối
tháng tư năm 1975 – mà nhiều người gọi là tháng tư đen
- để tìm bến tự do thì chàng trung sĩ Cường có cảm tưởng
được thoát ly cùng một lúc hai vòng kiềm tỏa: gia đình
và quân đội.
Mặc
cho ai khóc lóc, than thở hay u sầu, Cường bắt đầu lân la
đi tán gẫu trên tàu. Nhưng nụ cười thoải mái và những
câu bông đùa của anh không được ai hưởng ứng nên trở
thành trơ trẻn, vô duyên. Anh muốn nói chuyện, muốn
làm một hành động gì đó cho niềm vui rộn ràng trong anh
được biểu lộ ra ngoài nhưng đành cụt hứng.
Trung
úy Bảo thấy anh cứ lẩn quẩn trong đám dân di tản với
bộ đồng phục xốc xếch lôi thôi, đã nghiêm mặt nhìn anh,
yêu cầu anh trở về với vị trí và phận sự. Cường
nói thầm trong bụng: “Được rồi, ông còn chỉ huy
tôi một tháng nữa là cùng. Tới Mỹ rồi, ai cũng như
ai. Chừng đó tha hồ tôi hưởng tự do!”
Nhưng
anh cũng không vội gì đi vào bếp phụ lo việc ẩm thực như
vừa mới phân công hôm qua. Anh len lỏi xuống khu cơ khí
là vùng hoạt động quen thuộc của anh. Ở đây không
có ai, anh nằm dài trên sàn, tính đánh một giấc ngủ ngon
lành. Song giấc ngủ không đến được vì bao nhiêu ý
nghĩ, hình ảnh dồn dập hiện ra trong đầu anh.
Mọi
người đều di tản chung cả gia đình, riêng anh là dân hải
quân mà không mang ai theo; không phải chỉ vì lịnh cấm quân
tại chỗ, nhưng sâu xa hơn còn lý do tâm lý rất thầm kín
đã khiến anh dứt khoát ra đi không muốn dây dưa liên hệ
với những người trong nhà. Dù anh gia nhập quân ngũ
đã năm năm rồi, đã bao năm thường xuyên vắng nhà nhưng
cảm giác bị hất hủi, bị khinh rẻ trong gia đình từ thuở
ấu thơ vẫn còn ám ảnh Cường một cách mạnh mẽ.
Ba
anh, giáo sư Toán của trường Chu Văn An, là con người ốm
nhom, khô cằn, nghiêm nghị với gương mặt xương xẩu và
giọng nói khàn khàn vì dạy thêm quá nhiều. Ông chưa
bao giờ cởi mở, vui vẻ với anh. Con người khoa bảng
ấy chỉ chú trọng bằng cấp mà anh thì không sao đậu nỗi
cái bằng Tú Tài I nói chi tốt nghiệp đại học như bà chị
dược sĩ và cậu em kỹ sư điện của anh. Anh biết,
đối với “ổng”, anh là một cái gì đó đã kéo nấc thang
danh vọng của gia đình anh xuống thấp một bậc. Dù
ông không đánh đập, mắng mỏ gì – lý do vì ông không có
thì giờ - nhưng đối với cha, anh luôn luôn mang mặc cảm
có tội nên cứ lẩn tránh luôn.
Mẹ
anh cũng là nhà mô phạm, bà dạy nữ công gia chánh cho một
trường trung học công lập. Bà hiền lành, dễ thương
với mọi người, ai cũng mến nhưng có lẽ không ai biết được
cái tánh quá cẩn thận, quá tỉ mỉ và hay rầy rà của bà,
đặc biệt là đối với Cường. Có thể vì chị Nguyệt
và em Dũng ngày tối cứ vùi đầu vào sách vở nên chẳng
làm phiền bà.
Cường
thì lúc nào cũng có vẻ rảnh rỗi quá. Ngoài giờ đến
trường, nếu không đá banh thì về nhà luyện chưởng. Anh say mê truyện kiếm hiệp đến nỗi quên ăn cơm chiều
thì dĩ nhiên những “công tác” trong nhà cuả anh như quét
sân, lau nhà, lau bàn ghế… anh đâu thể nhớ được!
Hoặc đôi khi, vì bị “dũa” quá anh cũng rán nhớ nhưng
ngoài tánh lười anh lại còn có tật “ẩu” nên làm quấy
quá cho xong, chẳng sạch sẽ gì, chẳng đâu ra đâu, nên cũng
bị la rầy. Làm cũng rầy mà không làm cũng rầy nên
anh sinh ra lì lợm, cứ ráng chịu đựng làm thinh mỗi khi “bà
dũa” thì có thể buông trôi hết mọi công tác. Bởi
thế nên hai mẹ con chẳng hạp nhau, anh không thích bà mà có
lẽ bà củng chẳng thương anh như chị Hai và em Dũng.
Đối
với Cường, Nguyệt và Dũng là hai con mọt sách, không biết
gì khác hơn là “gạo bài” lo thi cử. Chẳng những
họ không biết chuyện năm châu bốn bể mà ngay đến thời
sự nóng hổi trong nước, trong thành phố, thậm chí trong cư
xá Phú Lâm cuả họ, họ cũng không quan tâm. Kiến thức
của hai người chỉ là những công thức cũ xì, những bài
bản cũ rích. Hai người ấy lúc nào cũng an phận đi
theo con đường đã được vạch sẵn.
Cũng
tội cho em Dũng, nó kém anh có hai tuổi mà người nhỏ thó
như “bộ xương cách trí” vì chẳng bao giờ tập thể dục,
chơi thể thao; còn anh từ lúc mười sáu tuổi, thân hình đã
phát triển thành một thanh niên cao lớn, vạm vỡ.
Tuy
nhiên, anh biết, dưới mắt chị Hai và thằng Dũng, anh chỉ
là người vô tích sự, lười biếng và ba xạo. Tuy họ
không nói ra nhưng trong cái nhìn, cách đối xử và lời lẽ
bóng gió, anh nhận ra điều ấy không khó. Thành ra, tuy
sống trong gia đình ruột thịt mà anh cảm thấy lạc lõng,
cô đơn. Anh không thương người nào trong nhà và có lẽ
trong nhà cũng chẳng ai thích anh. Sau hai năm rớt Tú Tài
I, không còn đủ điều kiện để được hoãn dịch vì lý
do học vấn, anh không buồn chút nào mà lại cảm thấy phấn
khởi vì sắp được đi lính, được thoát ra khỏi gia đình
tẻ nhạt của anh.
Cường
xin vào hải quân, hy vọng được thỏa thích tự do giữa cảnh
trời cao bể rộng, như con cá được vẫy vùng giữa biển
khơi. Nhưng thực tế không phải như anh tưởng. Quân đội là lò luyện thép. Anh phải khép mình trong
kỷ luật cứng ngắt của nhà binh, phải tuân thượng lệnh
một cách tuyệt đối, phải giữ gìn mọi thứ ngăn nắp và
sạch sẽ. Đó là những gì anh ghét nhất vì nó trái
ngược với thói quen bừa bãi và tánh buông trôi của anh. Thành ra bị phạt hoài, vì vậy trong suốt năm năm anh không
được lên cấp bậc. Thượng cấp xếp anh vào loại
“bê bối”. Anh cảm thấy không ai hiểu được mình;
mọi người đánh giá anh quá thấp; tự ái của anh bị tổn
thương một cách thường xuyên.
Được
đi Mỹ, anh sung sướng biết bao! Anh tin rằng nơi vùng
đất mới này anh sẽ hạnh phúc hơn, trước tiên là được
sống tự do theo ý mình, kế đó là không còn bị ba mẹ rầy
rà, không có thượng cấp ban lệnh. Anh được làm chủ
đời mình.
Sau
thời gian tạm trú vô vị ở đảo Guam, Cường được một
nhà thờ Tin Lành bảo lãnh về San Francisco. Với dáng
dấp khỏe mạnh, cao ráo, cái miệng hay cười và số vốn
Anh văn tạm đủ để giao thiệp, Cường chiếm cảm tình của
những người trong hội bảo trợ không khó. Họ giúp
anh có một nơi để cư ngụ, các vật dụng cần thiết và
việc làm tạm thời tại cây xăng. Ngày Chủ nhật, sau
lễ nhà thờ, họ thay phiên nhau chở Cường đi ăn tiệm, đi
chơi trong thành phố. Anh cảm thấy mình trở thành quan
trọng vì được nhiều người săn sóc và chú ý. Anh
hài lòng.
Nhưng
ông mục sư có cái nhìn xa hơn. Ông nói riêng với Cường: “Cậu còn trẻ, nên tìm học một nghề chuyên môn thì tương
lai sẽ khá hơn, chẳng lẽ làm việc ở cây xăng mãi à?”.
Cường
trả lời cho qua chuyện: “Tôi không đủ tiếng Anh!” Vì câu nói đó, hội bảo trợ sắp xếp người dạy Anh văn
cho Cường. Anh ngán quá! Thà vô trường học còn
dễ hơn, ở đây thầy kềm sát bên anh chịu không nổi. Thầy càng hăng hái tậm tâm, Cường càng khổ sở vì anh sợ
học hành, sợ sách vở từ nhỏ đến giờ. Để thoát
nạn, anh nảy ra ý định xin đi học sửa xe hơi.
Ông
mục sư biết thời gian ở quân đội, anh chuyên về ngành
cơ khí, rất tán thành ý kiến này. Chính ông đứng ra
lo giấy tờ và chỉ dẫn anh nộp đơn vay tiền học. Chính phủ Mỹ rất khuyến khích việc học nên sẵn sàng giúp
phương tiện. Người ta cho anh ba ngàn đồng và cho mượn
bảy ngàn để hoàn tất chương trình học một năm, nghĩa
là trong năm học ấy, anh khỏi phải bận tâm về học phí
cũng như tiền ăn ở.
Trường
học tận Oakland, cách nơi đây khá xa nên Cường phải dời
chỗ. Đi xa nhà thờ, không còn gặp ông mục sư và những
người trong hội, anh cảm thấy thoải mái hơn. Rồi đây
anh có thể sống hoàn toàn theo ý mình. Sau một năm ở
Mỹ, anh coi như đã quen mọi thứ, không còn rụt rè e sợ
gì nữa. Tung hoành kể từ đây!
***
Ngân có vẽ không vui:
- Chiều nay con có hẹn đá banh, giờ kẹt vô vụ nầy! Bịnh tiểu đường mà nhà thương chạy rồi thì chỉ chờ ngày thôi. Cả tuần nay, ổng mê man hoài, má thấy không?
Chị Hai Nguyệt xuống giọng gần như năn nỉ:
- Lúc mê lúc tỉnh thành ra phải có người canh chừng! Thôi con rán bữa nay nữa, tuần sau đổi phiên, bên cậu Tư mầy lo.
Thấy Ngân vẫn ngồi im, sụ mặt, Nguyệt thêm:
- Chừng nào cậu Ba tỉnh dậy, cho uống thuốc rồi, muốn đi đâu thì đi.
Ngân tiếp tục càu nhàu:
- Việt kiều như cậu Ba thiệt con hổng ham chút nào, sao ổng nghèo rớt mồng tơi vậy?
- Má cũng hổng biết nữa! Nhưng lúc mới về nước, thấy cậu Ba mầy cũng khá đó chớ. Cậu cho tiền anh em, cô bác cũng bộn. Chắc tại ngồi không mà ăn thì bao nhiêu cũng hết. “Tọa thực sơn băng” mà. Tánh cậu Cường từ nhỏ đã vậy rồi, lười biếng và không biết lo xa.
Nói xong, Nguyệt bước nhanh ra khỏi nhà. Bà không muốn nói chuyện với con trai lâu hơn.
Cường trở mình, anh nghe có tiếng nói chuyện léo nhéo bên tai nhưng không nhận ra được gì cả. Anh lại chìm trong giấc mộng triền miên.
***
Thời
gian ở Oakland là giai đoạn thoải mái tự do trăm phần trăm
của Cường. Muốn làm gì thì làm, không ai dòm ngó, kiểm
soát hay khuyên nhủ! Muốn nghỉ học ư? Cứ nằm
nhà xem tivi. Căn phòng bừa bãi lung tung khỏi cần dọn
dẹp. Đồ sạch, đồ dơ, giày vớ, khăn tắm… cứ vứt
đại đâu đó, lộn xộn có sao đâu, chừng nào cần tới
thì tính sau. Như vậy mới sướng, còn sống ngăn nắp,
thứ tự sao mà chán phèo!
Trong
lớp, Cường quen với mấy người bạn Mỹ cùng trang lứa
và cũng thích sống bừa bãi, bụi đời; họ thường rủ nhau
đi chơi biển, leo núi, cắm trại, đi săn, câu cá là những
thú giải trí rất thích hợp với Cường nên anh thường nghỉ
học để “sống vui vẻ hồn nhiên”. Kết quả là anh
không đủ tiêu chuẩn để tiếp tục khóa hai. Chuyện
đó cũng chẳng quan trọng gì đối với anh, Cường bỏ học
luôn. Bỏ học, trường còn hoàn lại học phí của khóa
sau, Cường sung sướng ký nhận ba ngàn rưởi, đổi chiếc
xe khá hơn và đi ăn tiệm thường xuyên hơn, khỏi phải nấu
nướng lôi thôi chi hết. Oakland có nhiều quán ăn Tàu,
chủ tiệm đa số là người Hồng Kông, họ nấu ngon lắm,
nhất là Hải Ký mì gia, quán ăn trông có vẻ bình dân mà
hợp khẩu anh. Cường trở thành thực khách quen thuộc
ở đấy.
Nhưng
thời gian hưởng thụ nầy không kéo dài được bao lâu. Khi tiền cạn dần thì thư đòi nợ của nhà băng bắt đầu
gửi đến yêu cầu trả góp số tiền bảy ngàn đô đã mượn
trước kia. Để lánh nợ, Cường bắt đầu dời chỗ
ở thường xuyên; những người trong nhà thờ không ai biết
địa chỉ của Cường; họ âm thầm chia xẻ với nhau sự
thất bại của lòng nhân ái. “Ai đem con sáo sang sông,
để cho con sáo xổ lồng bay xa!”
***
Chờ
mẹ ra khỏi cửa hồi lâu, Ngân đập mạnh vào vai cậu, ông
không nhúc nhích, chàng ta nắm tóc mai của ông mà giựt. Cường nghe đau điếng, mở mắt ra, ngơ ngác, chẳng biết
mình đang ở đâu? Ông rên khừ khừ trong miệng, cổ
họng khô ran.
Ngân
vừa đỡ cậu ngồi dậy, vừa nói:
-
Cậu Ba dậy uống thuốc!
Cường
rán nhướng mắt lên, đờ đẫn nhìn chung quanh:
-
Đây là đâu vậy?
-
Nhà cậu, bộ cậu không biết sao?
-
Tao tưởng nhà thương!
-
Cậu nằm nhà thương hai tháng trời, thuốc men tốn kém quá
chừng mà không hết bệnh, bác sĩ biểu đưa trở về nhà.
Ngân
thấy cậu có vẻ tỉnh táo, tỏ vẻ ân cần, bưng chén thuốc
kề tận miệng Cường. Cường hớp một hớp, chén thuốc
vừa đắng vừa lạnh làm ông lợm giọng muốn ói.
Ngân
lật đật nói:
-
Cậu bóp mũi lại, ực một hơi là xong. Má con nói cậu
có vẻ chịu thuốc Nam.
Rồi
chờ cậu uống xong chén thuốc, chàng thanh niên gợi chuyện:
-
Cậu hết bệnh ăn Tết mới vui. Còn năm tuần nữa là
Tết rồi mà gia đình chưa chuẩn bị gì, mấy chủ nợ thì
bắt đầu kêu réo.
Cường
thở dài. Hễ tỉnh được một chút thì nghe mọi người
nhắc đến nợ, đến tiền. “Không ai thật sự thương
mình cả!” Cường buồn ngao ngán.
Chẳng
biết vô tình hay cố ý, Ngân tiếp:
-
Có người khuyên khi nào thấy cậu tỉnh táo, nên nhắc cậu
làm tờ di chúc.
Cường
nổi giận một cách đột ngột:
-
Tao có cái “đách” gì mà làm di chúc di ngôn mậy!
Ngân
đáp tỉnh khô:
-
Cái nhà nầy, có người định giá một trăm cây.
Cơn
giận ập tới thật ác liệt, nó làm Cường uất nghẹn, ông
ngoẻo đầu một bên, bất tỉnh. Ngân nhún vai, bỏ ra
ngoài hút thuốc.
***
… Thời gian ở không, sống thoải mái hưởng thụ tại Oakland
chưa đầy một tháng thì Cường đã cảm thấy chán. Ăn không ngồi rồi, chẳng nghề nghiệp, chẳng tương lai,
đôi khi nghĩ lại cũng giật mình. Rủi đau yếu bịnh
hoạn thì sao? Hết tiền, làm sao sống? Ở Mỹ, việc
làm là quan trọng hơn cả, nó như lá bùa hộ mạng. Có
việc làm, chuyện gì cũng hanh thông.
Một
người bạn ‘bụi đời” rủ Cường vào nhóm bán cần sa,
ma túy, nghề nầy kiếm tiền nhanh, sống ngoài vòng pháp luật,
tự do lắm. Nhưng Cường vốn không có “máu lạnh”,
anh nhát gan lắm nên Cường quyết thối thoát. Dù sao
cũng cần một việc làm. Anh muốn làm nơi nào trả tiền
mặt, như vậy có thể trốn nợ một thời gian.
Anh
đến tiệm ăn Hải Ký quen thuộc để xin một chân bồi bàn. Người chạy bàn không thiếu nhưng cũng may, ông chủ tốt
bụng vui tính cho anh vào phụ bếp. Việc này cực nhọc
chẳng hạp với anh nhưng đành vậy, vì không có cơ may nào
khác. Làm ở đấy được ba tháng thì anh chiếm cảm
tình của ông chủ, chẳng phải vì anh giỏi dắn siêng năng
hơn người, nhưng nhờ tánh mềm mỏng, chịu đựng và vui
vẻ.
Ông
Hải Ký hay đùa, cứ hỏi anh muốn vợ không, ông gả con gái
cho. Cường tự lo thân mình còn chưa xong, dám đâu nghĩ
đến chuyện gánh thêm nợ, chỉ biết cười trừ. Nhưng
con gái của ông chủ - A Muối - vốn ế ẩm lâu rồi vì tánh
dở hơi, vui buồn thất thường như “mát dây mát điện”,
chẳng ai dám rớ, nay cứ đeo sát anh chàng thanh niên Việt
Nam khá đẹp trai nầy.
Ông
Hải Ký không muốn để “trái bom nổ chậm” trong nhà lâu
hơn nữa, vả lại con gái ông đã ba mươi tuổi rồi, nếu
không nhân dịp nầy gả phức đi thì biết bao giờ mới tống
“của nợ” ra khỏi nhà được.
Ông
bèn thương lượng với Cường: “Nếu anh đồng ý cưới
A Muối làm vợ, ông sẽ cho của hồi môn bộn bàng đủ để
mở một tiệm ăn nho nhỏ ở vùng xa. Chỉ cần một điều
kiện duy nhất, đừng bao giờ bỏ con gái ông!”
Trong
lúc Cường đang do dự chưa trả lời thì dịp may đến. Ông Hải Ký cho biết người bà con của ông ở Sacramento muốn
sang tiệm ăn năm mươi chổ ngồi, đang đông khách. Nếu
Cường bằng lòng, ông cho phân nửa vốn còn phân nửa sẽ
trả góp dần cho chủ cũ, lại truyền nghề nấu ăn cho.
Cường
ngẫm nghĩ: “Kẻ khố rách như mình nếu không nắm cơ
hội này thì chẳng biết đời nào mới được làm chủ nhân
ông? Vả lại, A Muối dù không đẹp cũng đâu xấu như
Chung Vô Diệm! Còn rủi nó nổi cơn, nó xổ tiếng Tàu,
mình hiểu chi đâu mà ngại. Tiếng Anh của nó cũng cỡ
mình thôi, chưa đủ để gây lộn”.
Thế
là đám cưới được cử hành. Hai vợ chồng dọn về
Sacramento ngay. Cuộc hôn nhân bằng lý trí tưởng đâu
sẽ làm Cường khổ sở vì cô vợ “tốc kê” nào ngờ tình
yêu chân thận của A Muối có tác dụng không ngờ. Nàng
chăm sóc, chìu chuộng, thương yêu và phục tòng Cường hết
mực, khiến Cường sung sướng quá; anh hài lòng lắm và bắt
đầu yêu vợ. Và mầu nhiệm thay, tình cảm của Cường
khiến cho chứng bịnh tâm thần của A Muối thuyên giảm. Hai người sống hạnh phúc bên nhau, chí thú lo làm ăn. Hai năm sau, họ trả dứt số tiền còn thiếu rồi năm kế
đó, họ tậu nhà. Khi họ định cư ở đấy được mười
năm, thì họ đã là chủ một nhà hàng lớn, có thể lãnh
tiệc đám cưới ba trăm người.
Thời
đó, việc làm ăn sao dễ dàng quá! Sự thành công làm
hai vợ chồng phấn chấn trên đường sự nghiệp, không buồn
để ý đến vấn đề hiếm muộn. Hai người cũng có
đi bác sĩ trị liệu nhưng không có thì giờ để theo các
ông chuyên khoa mãi, vì ông này điều trị một thời gian lại
gửi đến ông khác, chẳng ai dám cả quyết, hứa hẹn gì. Vì vậy hai mươi năm sống bên nhau, họ chẳng có mụn con
nào.
Cường
không hề quan tâm đến vấn đề nối dõi tông đường, chuyện
đó chảng có nghĩa lý gì đối với anh vì chính anh đã khước
từ gia đình, tuyệt giao với họ bao nhiêu năm rồi. Có
con mà nó không đồng quan niệm sống với mình thì chỉ gây
khổ cho cả hai bên.
A
Muối cũng biết điều, cứ khuyên Cường nên liên lạc với
cha mẹ anh em bên Việt Nam, nàng cả quyết: “Tại anh
cắt đứt tình nghĩa mẹ cha nên trời trả báo, khiến anh
chẳng có con!”
Nghe
vợ cằn nhằn mãi, Cường cũng rán viết một bức thư gửi
về Việt Nam nhưng thư bị trả lại vì không còn ai ở địa
chỉ cũ, thế là anh có lý do để trấn an lương tâm và khỏi
bị A Muối “tụng” hoài.
Trong
tiềm thức thăm thẳm của tuổi thơ, những lời giáo huấn
nghiêm khắc, những sự rầy rà mắng nhiếc của cha mẹ, sự
khi dễ của chị, của em kết thành một khối mặc cảm ẩn
ức trong tâm hồn Cường, khiến anh oán ghét họ đến muốn
lìa xa, và tệ hơn nữa, muốn cắt đứt cả ân tình.
“Cái
tôi” hèn mọn của mỗi người luôn luôn có khuynh hướng
muốn được tâng tiu, khen ngợi, được trọng vọng. Cường không bao giờ thỏa mãn được những ước vọng thầm
kín ấy nên tự ái của anh bị tổn thương nặng nề, anh
đau khổ không nguôi. Mãi đến khi gặp A Muối, nàng yêu
anh, nể vì anh, vô tình đáp ứng những khao khát mòn mỏi
tự thuở nào, anh cảm thấy sung sướng. Hơn thế nữa,
Cường còn được làm chủ nhân ông của mấy chục người
giúp việc. Cường trả lương hậu hĩ nên ai cũng vui
lòng, họ tuân lời chủ nhân răm rắp; anh tự thấy mình có
uy quyền, trở thành một nhân vật quan trọng, ai làm việc
chi cũng phải hỏi ý kiến anh; đó cũng là một sự thích
thú chưa từng có trong quãng thời gian đầu đời của anh. Bao nhiêu điều thỏa thuê ấy đủ để bù đắp cho sự thiếu
vắng tiếng cười của trẻ thơ. Anh không hề bận tâm
đến vấn đề con cái nhưng vợ anh lúc sau nầy thì cứ ủ
ê sầu muộn.
Cường
hỏi thẳng vợ: “Tại sao em quá lo về việc con cái. Sống sung túc, làm ăn phát đạt như vầy chưa đủ cho em hài
lòng sao? Hãy nói thiệt cho anh biết vì sao em khao khát
có một đứa con? Ngoài nhu cầu tình cảm muốn được
làm mẹ, em còn mong con vì lý do nào khác nữa, phải không?”
A
Muối đã khóc sướt mướt, trả lời trong tiếng nấc nghẹn
ngào: “Đối với người Tàu, đàn bà không con là một
trọng tội, chồng có thể bỏ. Hồi đó, dù anh hứa
với ba em là sẽ không bao giờ ly dị, nhưng nếu dựa vào
cớ nầy, ba không có lý do phản đối”.
Cường
xót xa, ôm vợ vào lòng: “Sao em lại có ý nghĩ ấy? Quan niệm đó đã cũ rích, lỗi thời và không hợp lý. Vả lại anh là người Việt nam, chúng mình sống trên đất
Mỹ, không ai bắt mình phải theo phong tục ấy được. Vả lại, như em thấy đó, trên đời nầy, anh chỉ có mình
em, em đã làm cho anh được hạnh phúc, không bao giờ anh có
ý nghĩ bỏ bê em. Anh thương em nhứt trên đời!”
Người
chồng nhìn sâu vào đôi mắt đẩm lệ của vợ mình, âu yếm
hôn lên trán nàng, hỏi tiếp: “Rồi, còn lý do nào nữa,
em nói luôn đi!”
Nàng
xúc động vì sự thương yêu của chồng nhưng lòng nàng cũng
còn nặng mối lo: “Anh nghĩ coi, gia tài sự nghiệp của
mình gây dựng mấy chục năm nay sẽ không có người tiếp
tục. Sự sản mình bây giờ trị giá bạc triệu chớ
ít đâu, nếu không con cái, khi mình chết biết giao lại cho
ai?”
Cường
bật cười lớn: “Em lo xa quá! Hãy tính chuyện
bây giờ nè, coi mình cần bổ thêm hàng gì? Hệ thống
lạnh có tốt không, thằng Chánh sắp nghỉ việc phải lo tìm
người thay thế… Cả trăm thứ trước mắt không lo,
rảnh đâu mà tính chuyện xa vời…”
“Xa
hay gần gì thì chuyện đó cũng tới mà anh!”
“Được
rồi, nếu em muốn tính thì anh tính cho, gọn lắm! Khi
hai đứa mình qua đời, tất cả tài sản sẽ cúng cho hội
từ thiện, hoặc nhà thương, hoặc trường học!”
“Làm
việc phước đức thì cũng tốt nhưng mà nghĩ lại cũng tiếc,
công mình làm việc cực nhọc biết bao lâu mới có được
như ngày nay…”
Cường
thương cái tánh thiệt tình của vợ, anh cười an ủi: “Lúc đó chết rồi, sống đâu mà tiếc của hả em!”
A
Muối “háy” chồng một cái dài thượt: “Ờ, em thì
ưa lo đủ thứ, còn anh thì khỏe ru, không biết lo là gì!”
***
Cường
thức giấc lúc tờ mờ sáng. Anh cảm thấy tỉnh mình
hơn mọi ngày. Có tiếng chim ríu rít trên cây trứng cá
trước nhà, nghe vui quá, anh lần bước ra cửa. Trời
còn mát lạnh trong sương sớm. Cường im lặng đứng
nhìn hạnh phúc bình dị của mấy chú chim sẻ đang réo gọi
nhau tìm mấy trái chín đỏ ẩn mình trong lá.
Bỗng
nhiên Cường thấy cuộc đời vẫn còn tươi đẹp nếu mình
biết sống. Anh không còn muốn chết, không muốn tiếp
tục tự tử bằng viên kẹo ngọt mà Dũng lén chị tiếp tế
cho anh theo lời yêu cầu.
Anh
đi rửa mặt, chải tóc và có dịp nhìn mình trong gương, chỉ
sau hai tháng mang bịnh trầm kha, anh không ngờ mình biến đổi
đến như vầy. Mặt mày xanh dờn, thịt thà trên mặt
chạy đi đâu hết làm cho bộ da như dán sát vào xương gò
má, đôi mắt thụt sâu. Nếu không có râu tóc xồm xàm
trắng xám ở chung quanh thì có lẽ anh giống hệt cái
đầu lâu. Anh cười thầm: thần chết chắc cũng
xấu xí như thế nầy là cùng.
Bây
giờ, anh biết mình đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Sau một tuần uống thuốc Nam, bịnh tình anh thuyên giảm một
cách không ngờ. Anh cảm thấy sung sướng được sống
lại, dù chưa biết sống để làm gì và sống như thế nào
cho có hạnh phúc chân thật chứ hai năm nay, sống giữa lòng
quê hương bên cạnh những người thân thuộc với tiền bạc
thừa mứa mà anh tự thấy chán chường, vô nghĩa làm sao!
Có
tiếng đứa bé rao bán bánh mì. Ngày mới dọn về xóm
chợ Cây Gòn nầy, anh đã nghe tiếng đứa bé rao hàng. Bây giờ chân nó vẫn rảo bước, miệng nó vẫn còn rao lanh
lảnh: “Bánh mì đây, bánh mì nóng dòn đây…!” Cuộc đời nói sẽ mãi mãi như thế nầy ư?
Anh
thèm một ổ bánh mì nóng, màu vàng sậm thơm phức ruột trắng
xốp bên trong. Bánh mì ở Việt Nam ngon hơn bánh mì ở
Mỹ nhiều vì lớp da ngoài dầy hơn, giòn hơn, lại có vị
ngọt, ăn không cũng đủ ngon rồi.
Cường
bước ra sân chờ đứa bé đi qua, chuẩn bị sẵn tiền trong
túi áo. Thằng bé ốm, lùn, thuộc loại nhỏ con, đang
quảy bao vải sau lưng, cái bao to gần bằng nó. Nó lanh
quá, thấy anh đứng chờ, tấp vô liền, không đợi kêu. Anh không đoán được tuổi của đứa bé vì nó chai quắt. Nó lẹ làng mở túi vải trao anh một ổ bánh còn nóng hổi,
xốp xộp, vàng lườm rồi cột túi lại cũng nhanh như khi
mở. Cường đưa nó tờ giấy bạc, định bảo giữ luôn
phần thối, nhưng lại thôi. Lòng tốt nhiều khi phải
xử dụng một cách khôn ngoan. Anh cho nó lần nầy, có
thể nó sẽ quấy rầy mời mọc anh mỗi ngày và vô tình sẽ
làm hỏng vở kịch “nghèo” của anh từ bao lâu nay.
Anh
trở vào nhà, đóng cửa cẩn thận rồi ngồi vào nghế salon
bắt đầu ăn. Anh trân trọng xé từng miếng bánh nóng
và thơm bỏ vào nhai thật kỹ, thật chậm. Ngon quá! Không cần chấm đường, cũng không cần trét bơ; miếng bánh
tự nó đã có vị ngọt khi trộn lẫn với dịch vị, nếu
mình ăn vội vàng, sẽ không được hưởng sự ngon ngọt nầy.
Ổ
bánh không lớn lắm nên Cường đã ăn hết trơn. Ăn
xong, anh nằm duỗi chân trên ghế, tận hưởng sự thú vị
còn ứ đầy trong miệng làm cả thân tâm đều dễ chịu.
Một
lúc sau anh mới để ý quan sát thấy vật dụng trong nhà đều
biến đi đâu hết: từ cái truyền hình, máy hát CD-Stereo,
máy chiếu phim ở trong phòng khách cho đến quạt điện ở
đầu giường, microwave trong nhà bếp đều không còn.
Cường
lật đật chun dưới gầm giường, giở miếng gạch lên, yên
tâm khi thấy cái tủ sắt nhỏ, khóa số, vẫn nằm y nguyên
chỗ cũ. Tủ nầy anh không để nhiều tiền đô trong
đó nhưng nó chứa đựng mọi thứ giấy tờ cần thiết liên
quan đến tài sản của anh. Cường không muốn ai biết
mình giàu có vì người giàu thường bị kẻ xung quanh tâng
tốc, nịnh nọt chớ ít khi gặp được chân tình. Anh
lục tủ tìm cái đồng hồ đeo tay, nó cũng chịu chung số
phận với những món đồ kia, chắc đã ra chợ trời rồi. May mà đồng hồ treo tường có lịch ngày tự động vẫn
còn, chắc vì nó thuộc loại rẻ tiền.
Gần
tám giờ rồi. Bữa nay Chủ nhật, thế nào chị Hai Nguyệt
và chú Dũng cũng đến đây. Cường muốn giả mê như
mấy hôm trước để có thể hiểu họ nhiều hơn: họ
săn sóc vì thương mình hay chỉ vì tiền bạc?
Khi
nghe tiếng máy xe Honda nổ bình bịch trước sân, Cường vội
lên giường nằm, vò đầu cho tóc bù xù lại rồi nhắm mắt
xây mặt vào vách.
Có
người mở cửa, rồi giọng cằn nhằn của Dũng:
-
Chị Hai, bộ chị tính cho anh Ba uống mấy thứ lá cây đó
hoài sao? Chị cũng là dược sĩ mà đầu óc chẳng khoa
học chút nào hết!
-
Thì lá cây cũng là dược liệu. Thuốc tây cũng có thứ
lấy chất liệu từ thảo mộc vậy.
-
Nhưng mà người ta có nghiên cứu, có thử nghiệm đàng hoàng. Đằng nầy chị đi tin ông thầy bá vơ nào đó; mỗi ngày
mắc công canh chừng xắc thuốc. Bác sĩ bó tay thì mấy
ông lang vườn làm sao trị được?
Cường
nghe có bàn tay đặt trên trán mình và tiếng chị Hai trả
lời:
-
Thì còn nước, còn tát. Chẳng lẽ nằm yên chờ chết
sao?
Rồi
chị mỉa mai:
-
Ai cũng mong cậu Ba chết đâu chết phức cho rồi để chia
gia tài, tôi biết mà! Nhưng tôi vẫn hy vọng cậu ấy
qua khỏi, nếu không sống lâu thêm được thì ít ra cũng sáng
suốt, tỉnh táo trở lại để biết lòng dạ của mọi người.
Dũng
hơn chột dạ vì bà chị nói đúng tim đen của anh. Hồi
bác sĩ tuyên bố “Không còn hy vọng gì nữa!” thì Dũng
đem anh mình về trở về nhà với lòng vui thầm vì sắp được
hưởng mớ tiền to. Nhưng chẳng biết sao “ảnh” sống
dai quá, cả tháng rồi chớ ít sao!
Nguyệt
được nước, chị nói thêm:
-
Có người còn mua kẹo, mua đường thẻ cho cậu ấy ăn đặng
chết sớm!
Dũng
chống chế:
-
Tại “ảnh” thèm, “ảnh” nói: “Sắp chết rồi,
còn cữ kiêng gì nữa!” Tôi thấy tội nghiệp mới cho
“ảnh” ăn chút đỉnh.
Nguyệt
bước trở lại giường:
-
Nè, cậu Tư thấy bữa nay sắc mặt anh cậu có khá hơn trước
không? Chịu thuốc rồi đó!
Dũng
không phải không biết tẩy của bà chị, anh nói móc:
-
Ờ, anh Ba hết bịnh thì chị có công lớn! Thuốc thí
chẳng tốn hao gì mà được lợi to!
Dù
đó là sự thật mà nghe em nói trúng phóc như vậy, Nguyệt
cũng thấy khó chịu. Chị bắt sang chuyện khác:
-
Lợi đâu không biết, chỉ thấy nợ nần bủa vây. Hồi
cậu Ba bịnh tới giờ, tôi đứng ra vay năm trăm đô rồi. Chỉ mong cậu ấy tỉnh táo trở lại để thanh toán nợ nần
cho tôi rảnh rang ăn Tết.
Nguyệt
bước ra cửa để chấm dứt câu chuyện. Vừa đi chị
vừa nói:
-
Thôi, em ở nhà lo phần vệ sinh cho Cường. Tôi đi đến
“Thầy Hai lá cây” xin thuốc thêm. Nếu thầy rảnh,
tôi rước thầy về đây bắt mạch cho cậu ấy luôn.
Nguyệt
xăng xái đi ra khỏi nhà, nổ máy xe Honda, phóng đi. Dũng
đúng im quan sát anh kỹ hơn, quả thật vậy, thần sắc anh
mình đã có sinh khí trở lại. Không biết nên buồn hay
nên vui. Dũng xây Cường nằm ngửa lại vừa lúc Cường
mở mắt ra. Đôi mắt tỉnh táo rõ ràng, không còn mê
man đờ đẫn như trước.
-
Anh Ba, bữa nay anh thấy trong người ra sao?
-
Ờ, thấy cũng đỡ!
-
Để em nấu cháo cho anh ăn nghe!
-
Thôi khỏi, tôi chưa thấy đói. Chú đỡ dùm tôi ngồi
dậy.
Cường
ngồi lên, dựa lưng vào đầu giường giả bộ ngồi thở
dốc một hồi lâu rồi nói:
-
Tôi muốn đi vòng vòng trong nhà!
-
Chi vậy anh! Anh còn yếu, đi coi chừng té! Anh muốn
gì để em lấy cho!
-
Chú tính thử coi đồ đạc trong nhà nầy nếu bán hết có
đủ trả nợ không?
Dũng
đáp ngay, kèm theo cái lắc đầu:
-
Trong nhà nầy còn món gì quí giá đâu anh! Nếu cùng quá
chắc phải bán nhà.
Cường
cố ý buông một hơn dài não ruột:
-
Nhà nầy tôi mướn dài hạn hai năm, không phải nhà mua chú
à! Giờ nói thiệt với chú, tôi đâu còn tiền bạc gì,
chỉ biết trông cậy vào tình nghĩa anh chị em.
Dũng
chưng hửng. Anh đứng như trời trồng. Dáng dấp
gầy gò ốm yếu của anh trông càng thảm sầu hơn vì sự
thất vọng làm cặp mắt anh tối sầm lại và cái miệng trệ
xuống như chiếc xuồng úp ngược.
Cường
quay mặt chỗ khác để nín cười.
Đầu
óc Dũng lúc đó làm việc nhanh: “may mà nợ nần chị
Hai đứng ra mượn; thôi vụ nầy buông xuôi hết cho chỉ lo,
mình tìm cách rút êm là vừa. Anh Cường nầy, từ nhỏ
tới giờ chỉ là người vô dụng, sống không ích lợi cho
ai!” Dũng làm thinh đi tới đi lui, không biết nói gì,
vì nếu hả miệng thì mắc lời hứa. Nhưng thấy làm
thinh hoài cũng kỳ, Dũng đỡ anh đứng dậy và dìu vô nhà
tắm.
Trong
lúc Dũng đang lau mình cho Cường thì chị Hai Nguyệt vừa về. Có tiếng nói chuyện, giọng đàn ông.
Dũng
nói:
-
Chắc có ông thầy tới xem mạch.
-
Sau mau quá vậy?
-
Tại cũng gần đây, ở đường Hương lộ chớ đâu. Với lại ông thầy may mắn lắm. Ông chuyên môn chửa
bịnh cho người nghèo, không lấy tiền bạc gì hết. Ai cúng tiền cho ổng, ổng cũng từ chối.
-
Vậy làm sao sống?
-
Em cũng không biết!
Cường
nghe lạ tai, tự hỏi: “tại sao ở đời nầy lại có
người không cần tiền?” Anh định hỏi thêm nhưng tiếng
nói chuyện đã rõ mồn một, Cường làm thinh lắng nghe.
-
Thầy coi đó, nay em tôi đã ra khỏi giường được rồi! Tuần trước còn nằm mê man chờ chết! Nếu thầy không
phiền, tôi xin được phép hỏi một câu có tính cách nghề
nghiệp vì tôi cũng là dược sĩ.
-
Bà cứ hỏi.
-
Tôi biết thuốc Nam mình cũng hay lắm. Riêng bịnh tiểu
đường của em tôi, thầy dùng dược liệu nào làm căn bản?
-
Lá vú sữa phơi khô, sao thủy thổ.
-
Chỉ vậy thôi sao?
-
Đó là phần chánh. Phải xem mạch, tùy theo mạch yếu,
khí hàn, nhiệt mà thêm vài vị khác nữa.
-
Hai người ngưng nói chuyện; nhìn Dũng đỡ Cường bước ra
phòng khách, bấy giờ đầu tóc, mặt mày đã sạch sẽ đàng
hoàng.
Cường
kín đáo, lặng lẽ quan sát ông thầy: Ông trạc bốn
mươi, dáng người tầm thước, khỏe mạnh với làn da sạm
nắng. Bộ đồ vải lam tạo vẻ sáng sủa cho gương mặt
rắn rỏi nhưng hiền từ. Tóc ông cạo không nhẵn lắm
nên thoạt trông, có thể lầm tưởng ông đội cái mũ màu
xám vì nhừng sợi tóc muối tiêu mọc thẳng đứng, cao chừng
một phân tây phủ đều trên đầu ông. Nếu ông mặc
bộ đồ nâu đà, người ta có thể tưởng ông là một nhà
sư.
Cường
khẽ cúi đầu chào ân nhân, thầy hai đáp lại bằng nụ cười
thân thiện:
-
Bữa nay coi bộ khá rồi đó nghen! Anh ngồi xuống ghế
cho tôi xem mạch lại.
Cường
rán nói một lời cảm tạ:
-
Đội ơn thầy cứu mạng!
-
Ơn nghĩa gì, phước chủ may thầy mà!
Cường
sinh cảm tình với thầy Hai ngay, không phải vì ơn cứu tử
nhưng từ nơi thầy, anh bắt gặp có cái gì gần gũi, thân
thương.
Cả
đời, Cường không có một người thân nào, ngoài người
vợ quá cố. Cha mẹ thì đã qua đời; chị em và các
cháu chỉ biết có tiền. Anh cảm thấy cô đơn dễ sợ
giữa lòng quê hương, giữa những người quyến thuộc.
Nếu
A Muối không qua đời một cách đột ngột vì bịnh viêm màng
óc thì chắc anh không trở lại Việt Nam làm gì; nơi nầy
đã một lần anh dứt áo ra đi không luyến tiếc. Ở
đây, anh không có ai bầu bạn. Rải tiền ra mua vui với
rượu và gái chẳng những không giải tỏa được sự cô
đơn mà còn chuốc thêm sự chán chường. Nhiều hôm,
anh nhớ A Muối quá, cứ đi lang thang hết phố nọ đến đường
kia. Vợ qua đời rồi, anh mới thấy rõ, nếu không có
sự tháo vát, kim chỉ của nàng, một mình anh chẳng thể nào
làm nên sự nghiệp. Vậy mà lúc nào nàng cũng tỏ vẻ
tôn trọng, cầu hỏi ý kiến anh trong mọi việc.
Sau
khi chôn cất A Muối, Cường tiếp tục việc làm ăn, hy vọng
công việc làm quên nỗi nhớ nhung. Nhưng chỉ cầm cự
được ba tháng thì sự thua lỗ đã trở nên nặng nề.
Những
người làm công biết Cường rộng rãi, không để ý đến
tiểu tiết, lại thêm tánh bừa bãi, không ngăn nắp, không
ghi chép sổ sách đàng hoàng, không kiểm soát hàng nhập hàng
xuất một cách cẩn thận nên họ sinh lòng tham, mạnh ai nấy
ăn cắp, từ tiền bạc đến thịt cá, tôm cua, thậm chí các
vật dụng nữa, thành ra tháng nào cũng thua lỗ năm, ba ngàn
đồng.
Cường
chán ngán quá, không thiết tha gì nữa, anh kêu bán tiệm, rồi
sau đó, anh bán luôn nhà cửa, xe cộ, đồ đạc các thứ,
gom hết tiền bỏ vào nhà băng. Anh muốn du lịch vòng
quanh thế giới nhưng sau đổi ý, về Việt Nam một chuyến
xem sao; hy vọng ở đây có thể tìm được những thân tình
ruột thịt. Sự thật đã làm anh thất vọng!
Thầy
Hai chăm chú nghe mạch, vạch xem mí mắt bịnh nhân, xem lưỡi,
cổ họng; ông gõ nhẹ vào đầu gối Cường rồi bảo anh
đứng dậy đi tới đi lui.
-
Được, được rồi! Nhưng mà cần uống thuốc thêm ba
tháng nữa. Thời gian nầy ăn uống phải cữ kiêng. Cữ củ cải trắng, củ cải đỏ, bắp cải, trái cây có
chất ngọt, kiêng rượu và ngũ vị tân. Tốt nhất nên
ăn gạo lức muối mè.
Chị
Hai Nguyệt mừng rơn thiếu điều muốn nhảy tưng lên. Dũng thì “trong héo ngoài tươi”. Anh đứng xớ rớ
một hồi rồi kiếm cớ rút lui, hẹn sẽ trở lại.
Nguyệt
xuống bếp nấu nước pha trà đãi khách. Cường có dịp
nói chuyện với thầy Hai.
-
Thầy có phải nhà sư không?
-
Tôi là cư sĩ,tức người tu tại gia.
-
Ở nhà tu cũng được hả thầy?
-
Ờ! ở đâu tu cũng được hết, chỉ do tâm mình muốn tu hay
không mà thôi.
-
Mà tu là gì, thưa thầy?
Thầy
Hai khoát tay, cười xuề xòa:
-
Cứ kêu tôi là anh Hai, đừng “thầy, bà” gì hết. Tuổi mình cũng xuýt xoát nhau thôi.
Rồi
Thầy đổi giọng nghiêm trang:
-
Tu là sửa, là chuyển đổi ác nghiệp thành thiện nghiệp. Trước, chưa biết tu mình có những ý nghĩ sai lầm, giờ sửa
thành chân chánh; hành động ích kỷ độc hại thành xả kỷ
lợi tha; lời nói khó nghe thành từ ái, hiền hòa.
-
Tu có ích lợi gì không?
-
Có chớ, nếu không, tu làm chi cho mắc công! Khi tu thì
bản thân mình được an vui, tương lai mình tốt đẹp vì biết
sống xứng đáng, sống ích lợi cho người chung quanh.
-
Tại sao mình phải vì mọi người, phải sống vị tha trong
khi chung quanh mình ai cũng lo thủ lợi và sống vị kỷ?
Thầy
Hai gục gặc đầu:
-
Ờ, hồi chưa biết đạo, tôi cũng nghĩ như vậy, tôi cũng
đã sống như vậy đó, y như đa số người đời nhưng mà
anh nghĩ kỹ lại coi, chẳng lẽ mình tới một nơi có bịnh
truyền nhiễm rồi cũng để bị lây như mọi người hay sao? Mình phải biết vươn lên, như bông sen mọc giữa bùn lầy,
và tìm cách cảm hóa, sửa đổi người, chuyển đổi hoàn
cảnh xấu xa ác liệt thành tốt đẹp, thiện hảo.
-
Đó là nhiệm vụ của các nhà đạo đức, chính trị, đâu
phải bổn phận của mình, chỉ là người dân thường.
-
Theo tôi, đó là bổn phận của mỗi chúng ta. Toàn thể
xã hội là sự kết hợp của nhiều cá nhân, nếu cá nhân
không chịu chuyển đổi thì xã hội không thể tiến bộ. Hơn nữa, anh thử quán xét lòng mình đi, anh sẽ thấy rằng
trong chúng ta có nhu cầu làm chuyện tốt, muốn sống ích lợi,
muốn giúp đỡ mọi người. Đáp ứng được nhu cầu
ấy thì hạnh phúc lắm, hơn hẳn cái sung sướng tạm thời
khi dục vọng ích kỷ được thỏa mãn.
Chị
Nguyệt trở ra với hai tách trà bốc khói, nét mặt còn rạng
vẻ hân hoan.
-
Mời Thầy dùng trà.
Hai
người đàn ông ngưng câu chuyện. Cường chăm chú nhìn
ông thầy uống trà: hai tay ông nâng tách trà thật nhẹ
nhàng và trân trọng, hình như ông thở vào thật sâu để
hưởng mùi thơm của hoa lài, rồi ông thổi cho bớt nóng và
hớp từng ngụm nhỏ. Ông có vẻ hạnh phúc lắm khi được
uống trà. “Chẳng lẽ hạnh phúc đến với ông đơn
giản và dễ dàng như vậy sao?”
Tự
nhiên Nguyệt và Cường đều giữ im lặng; họ không dám quấy
động bầu không khí đạo vị đang bao phủ quanh đây. Sau khi uống cạn tách trà, thầy Hai đứng dậy cáo từ. Cường tiếc rẻ phút giây gặp gỡ sao quá ngắn ngủi. Anh nói như một cái hẹn:
-
Hy vọng uống hết đợt thuốc nầy, tôi có thể đi đến
nhà thầy và nói chuyện lâu hơn.
-
Ờ, rán ăn uống cữ kiêng thì có lẽ đi được, bằng không,
tôi trở lại xem mạch cho.
Cường
nhón lên định tiễn thầy ra cửa nhưng thấy đã thấm mệt,
anh ngồi trở lại, thở hổn hển. Thầy Hai ra hiệu bảo
anh nằm xuống nghỉ.
Khi
chị Hai trở vào, Cường có dịp nhìn kỷ bà chị của mình. Chị đâu còn vẻ đài các sang trọng như xưa. Có lẽ
tuổi già và sự cực khổ đã tàn phá gương mặt bầu bỉnh
trắng hồng của thời con gái huy hoàng ngày cũ. Dáng
dấp thanh mảnh thuở nào giờ rút lại nhỏ thó, khô cằn,
xơ xác như cây mùa thu. Cường nhớ lại lời thầy Hai
vừa nói: “Ai cũng có lòng tốt.” Bà chị chắc
cũng không đến nổi tệ. Có lẽ hoàn cảnh túng thiếu
chật vật làm chị phải tính toán thiệt hơn. Còn chú
Dũng thì nổi tiếng sợ vợ nên đâu dám tự ý làm gì cho
anh mình. Thôi, hơi đâu để ý bắt bẻ chấp nhứt làm
chi, khổ tâm vô ích.
-
Cậu khỏe lại tôi mừng quá, còn hơn trúng số nữa!
Cường
nhếch miệng cười, hỏi nửa đùa nửa thật:
-
Chị mong trúng số chừng bao nhiêu?
-
Một ngàn đô là sướng rồi, có vốn làm ăn.
-
Chờ em khỏe, em viết thơ mượn tiền ông già vợ của em
ở bên Mỹ cho chị.
Nguyệt
sáng mắt, chị nói như reo vui:
-
Thiệt hả em, mà em nhớ mượn đủ để trả nợ luôn nghe. Hồi em bịnh tới giờ, chị vay cả thảy năm trăm đô rồi.
Cường
gật đầu, anh không còn cay cú khi nghe nhắc tới nợ nần:
-
Em hiểu.
-
Thôi để chị đi chợ mua thịt về bầm nấu cháo cho em ăn.
-
Chị làm gạo lức muối mè cho em. Ráng kiêng cữ theo
lời thầy Hai cho mau hết bệnh.
-
Ờ, vậy cũng tốt!
Khi
Nguyệt vừa quay lưng đi, Cường hỏi, như một sự tình cờ:
-
Còn chiếc xe Honda của em đâu?
Chị
Hai đáp, hơn ngượng ngập:
-
Thằng Ngân mượn. Để tôi biểu nó trả lại.
Cường
biết chị Hai bị thằng Ngân phá của. Nó là út, chị
cưng lắm; được nuông chiều từ nhỏ nên nó hư. Nó
mà biết Cường còn lắm tiền gửi ở nhà băng bên Mỹ chắc
nó không để yên.
***
Tự nhiên Cường cảm thấy thích sự đơn sơ ở vùng nầy. Những ngôi nhà lá rải rác trên cánh ruộng đã gặt hái xong tạo nên vẻ đẹp thảnh thơi, yên bình.
Anh bước vào trong mà chẳng ai hay. Nền nhà bằng đất được nện cứng, láng o, vách đất sét trộn rơm. Gian nhà trước không có gì ngoài cái bàn nhỏ, vài ba cái ghế. Thuốc khô chất đầy trên những kệ đóng sơ sài bằng ván tạp kê ở hai bên vách. Mùi thơm của lá thuốc khô lan tỏa trong không khí nghe thật dễ chịu.
Cường chưa kịp lên tiếng thì từ bên trong, một đứa bé chạy ra. “- Thằng bé bán bánh mì!” Anh nhận ra nó ngay. Nó lễ phép nói:
- Thưa chú, giờ nầy thầy Hai nghỉ xem mạch rồi, nếu cần bổ thêm thuốc thì được.
- Tôi muốn gặp thầy có chút chuyện.
Trong lúc nó còn ngần ngừ chưa dám quyết định, thầy Hai bước ra.
- Anh Cường! Tưởng ai chớ! Vô đây, vô đây!
Gian nhà sau tương đối rộng rãi hơn. Trên cao là bệ thờ Phật, phía dưới là tấm bảng đen với cái bàn dài, ghế xếp ở chung quanh.
Thằng bé bán bánh mì ra hiệu. Bốn đứa trẻ khác chẳng biết núp trốn ở đâu, giờ mới xuất đầu lộ diện.
Thầy Hai nói:
- Thôi mấy đứa lo học bài làm bài, thầy tiếp khách một chút.
Cường hỏi ngay:
- Thầy Hai, ý quên, anh Hai dạy học nữa sao?
- Ờ, tôi dạy đủ thứ: chữ nghĩa, Phật pháp và thuốc. Nhưng nghề thuốc chỉ truyền cho đệ tử ruột thôi.
Cường thắc mắc:
- Anh chọn đệ tử ruột bằng cách nào?
- Thử thách coi nó ham tiền không? Người ham tiền mà hành nghề thì trước sau gì cũng thành kẻ bất nhân.
- Tôi nghe nói thầy chữa bịnh không nhận tiền bạc gì của ai, vậy làm sao có tiền bổ thuốc, hoặc là sinh sống, ăn mặc.
Thầy Hai cười vui vẻ:
- Bổ thuốc thì có bọn trẻ đó. Hễ tụi nó đứa nào rảnh thì đi hái thuốc về, tôi phơi khô. Cũng có nhiều bịnh nhân sau khi được lành mạnh trở lại, tình nguyện phụ giúp tôi trong việc nầy. Còn chuyện ăn mặc đối với tôi không thành vấn đề. Ăn ngày một bữa, hoặc là bánh mì lạt, hoặc gạo lức muối mè, đôi khi cơm trắng với rau luộc chấm nước tương. Quần áo thì hai ba bộ thay đổi qua lại là đủ.
- Dù ít dù nhiều cũng phải cần tiền chớ thầy, nhất là thầy còn nuôi các em nhỏ nầy nữa.
- Các em nầy không ở đây. Tụi nó có cha mẹ hoặc ông bà, phải buôn bán phụ giúp gia đình. Còn phần tôi thì có chiếc xe xích lô đó - thầy vừa nói vừa chỉ chiếc xe đậu khuất trong góc nhà – khi nào cần tiền thì chạy vài cuốc là xong.
Cường khâm phục thầy Hai quá nhưng cũng lấy làm khó hiểu, không biết động cơ nào khiến thầy có thể sống lạ lùng như vầy được. Anh ngồi làm thinh ngẫm nghĩ.
Thầy Hai bây giờ mới có dịp ngắm nghía bịnh nhân:
- Bữa nay anh khá lắm rồi đó, sắc mặt có máu trở lại. Với lại anh cắt tóc cạo râu nhẵn nhụi, mới nhìn tôi nhận không ra.
Cường bắt đầu tâm tình:
- Từ nhỏ, tôi đã thích sống tự do theo ý mình, không cần dư luận, không quan tâm đến sự khen chê của mọi người, nghĩa là không muốn bị gò bó trong khuôn mẫu thông thường của xã hội. Bởi vậy, đối với gia đình, tôi là kẻ không ra gì, đối với quân đội tôi là lính “ba gai”. Tôi muốn thoát ra khỏi vở kịch đời để sống chân thật với lòng mình, nhưng thú thật, tôi không tìm ra hướng đi, không có lẽ sống.
Thầy Hai chăm chú lắng nghe, tỏ vẻ hiểu biết:
- Anh muốn thoát ra khỏi sự ràng buộc phải không? Đừng tìm cách vượt ra khỏi cuộc đời. Hãy thoát ra khỏi “cái tôi” của mình. “Cái tôi” của mỗi người là một cai ngục khắt khe, nó làm mình mất hạnh phúc, nó tạo sự đau khổ không cùng tận.
Đôi mắt Cường mở to, chứa đầy ngạc nhiên trong đó:
- Tôi không hiểu gì cả!
- Mỗi người ôm “cái tôi” của mình như một báu vật thiêng liêng bất khả xâm phạm và từ trên căn bản đó mà phán xét người chung quanh. Ai đối xử tốt với mình thì mình cho họ là tốt, ai khinh rẻ hất hủi mình thì bảo họ xấu. Điều đó rất sai lầm.
Trên thế gian nầy không có ai hoàn toàn tốt cũng không có ai hoàn toàn xấu; chỉ tùy theo hoàn cảnh mà họ trở thành thế nầy hay thế kia mà thôi.
Cường mơ màng trở về quá khứ:
- Đã có thời kỳ tôi được hạnh phúc lắm với người vợ hoàn toàn, với công việc làm ăn phát đạt.
- Hạnh phúc mà anh nói đó, tôi gọi là hạnh phúc có điều kiện. Cái gì cần phải có điều kiện, nhân duyên mới thành thì cái đó không chắc thật, không vững bền. Bằng chứng là bây giờ anh không còn nắm giữ được hạnh phúc thuở xưa bởi vì hoàn cảnh đã đổi khác.
- Tôi đồng ý! Nhưng mà nếu mình có được một chân tình hay một người thân hết mực thương yêu lo lắng thì mình có thể sống vui được.
Thầy Hai mỉm cười:
- Đừng bao giờ nương vào một nhân vật hay một hoàn cảnh bên ngoài để mưu cầu niềm vui. Hãy điều chỉnh tâm tư mình đừng sống trong ảo vọng, hãy bằng lòng với những gì mình đang có. Một chén cơm gạo lức muối mè có thể ngon hơn bữa cơm thịnh soạn nếu bữa cơm ấy mình dùng trong sự lơ đãng hay lo âu.
Cường thầm công nhận thầy Hai hữu lý nhưng tâm tư anh vẫn còn nặng chĩu ưu sầu:
- Thú thật với anh, tôi cảm thấy cô đơn quá!
Thầy Hai đứng dậy rót hai ly nước lạnh, trao cho Cường một ly. Hai người im lặng uống thật chậm rãi. Hồi lâu, thầy Hai cất tiếng nói:
- Anh có thấy lạ lùng không khi mình cảm thấy cô đơn giữa lòng quê hương, bên cạnh bà con chòm xóm? Tại sao ta lại cô đơn, bơ vơ, trơ trọi trên trái đất có mấy tỉ người? Tại vì ta nghĩ rằng không ai thương mình hết, phải không?
Thầy chắc lưỡi, nói tiếp:
- Cái ý nghĩ đó tầm bậy lắm đó nghe! Đừng để ý đến “cái tôi” của mình nhiều quá! Anh dẹp nó qua một bên rồi lắng nghe những tiếng kêu cứu vì đau khổ, vì nghèo đói, vì hoạn nạn tai ương. Hãy tìm đến với họ rồi trải lòng ra mà giúp đỡ tận tình, chừng đó “phép lạ” sẽ đến với anh.
Cường nhìn Thầy Hai đăm đăm, chờ thầy nói tiếp. Thầy biết lời của mình bắt đầu có tác dụng.
- Nếu anh bỏ được lòng vị kỷ hay đập vỡ được ngã chấp thì lòng anh lúc nào cũng an ổn nhẹ nhàng, đó là thứ hạnh phúc chân thật vì không cần phải có điều kiện thế nầy, thế kia.
- Tôi chưa hiểu!
- Cũng khó nói cho anh nhận ra vì điều nầy phải thực hành, thực nghiệm mới hiểu được. Anh cứ quên mình để sống vì mọi người đi, anh sẽ không còn đau khổ!
Cường lộ vẻ phấn chấn:
- Cám ơn anh Hai đã vạch cho tôi một hướng đi đúng lúc. Tôi sẽ làm theo lời anh, trước là đền ơn cứu tử sau là sống ích lợi cho đời.
Thầy Hai cảm động:
- Tôi làm nghề thuốc chỉ vì thấy người bịnh cũng như tôi bịnh vậy thôi, không để ý chuyện nghĩa ơn gì hết. Xứ mình ngoài sự bệnh tật ra còn cái khổ vì nghèo đói, vì ngu dốt tối tăm.
Một quyết định chợt đến với Cường, anh nói ngay:
- Tôi tuy không giàu có gì hơn ai nhưng tôi có thể đến với người nghèo đói, những người gặp thiên tai hoạn nạn hay những kẻ tật nguyền…
Thấy thầy Hai nở một nụ cười hoan hỉ, Cường biết mình đã đáp ứng hoài bảo của ân nhân. Anh cảm thấy sung sướng vì đã có một hướng đi, một lối thoát cho đời mình.
Cường cảm thấy đã gần gũi lắm với thầy Hai, anh đề nghị:
- Hay là thầy dọn về ở chung với tôi đi, nhà tôi rộng rãi mà không có ai.
Thầy Hai không dấu được sự cảm động:
- Cám ơn anh, nhưng tôi không còn ở đây bao lâu.
Chưa chi Cường đã cảm thấy mất mát vì anh cần một người thân, một người dẫn đường.
- Sao vậy?
- Tôi trụ mỗi nơi và ba năm là cùng, để khỏi sinh chuyện lôi thôi.
- Thầy xả thân để cứu nhân độ thế mà, có gì lôi thôi đâu?
- Đó là anh đứng trên lập trường cá nhân mà nói như vậy. Nếu không vượt ra khỏi “trung tâm vũ trụ” là ngã chấp của mình, anh sẽ tức giận lắm khi mình làm việc nghĩa mà có người dằn mặt, có kẻ hăm dọa vì ảnh hưởng của mình ngày càng lan rộng, hay vì mình làm vơi bớt túi tiền của những ông thầy thuốc khác.
Cường nghe nóng mặt:
- Sao họ kỳ cục vậy?
Thầy Hai trả lời với nụ cười hiền hậu:
- Ờ, tại vì họ còn mê; hơi nào chấp nhứt. Chi bằng mình hiểu người và tránh cho họ những sự chướng ngại, khó khăn thì mọi sự đều ổn thỏa.
Hai người nói chuyện mải mê, trời tối lúc nào không hay. Chú bé “bán bành mì” bưng cái đèn dầu ra đặt lên bàn, ánh sáng chung quanh bóng đèn tỏa rạng như một vòng hào quang. Cường biết đã đến lúc phải từ giã. Trước khi đứng lên, anh còn rán hỏi thêm:
- Hễ đừng nghĩ cho riêng mình thì không khổ nữa hả thầy?
- Ờ, chắc chắn như vậy. Không chấp ngã thì không phiền não, còn tiến thêm một bước nữa, không chấp pháp thì ở trong cảnh nào cũng không bị vướng mắc, tức là được tự tại, giải thoát.
Cường có cảm tưởng như những tia chớp sáng lòe đã từ lời nói của thầy Hai nổ tung trong đêm tối làm anh giật mình, như có ai vừa đánh thức anh dậy sau một cơn mê dài.
Anh đứng lên, đôi chân hơi run rẩy nhưng cái đầu tỉnh táo và sáng suốt hơn bao giờ. Anh muốn cảm tạ thầy Hai lần nữa, không phải chỉ vì ơn cứu mạng mà vì thầy đã chỉ cho anh con đường tràn ngập ánh sáng mà chắc chắn rằng khi dấn thân vào, anh sẽ gặt hái được vô vàn hạnh phúc.
Nhưng Cường biết rằng giây phút nầy, giữa hai người, ngôn từ đã trở nên thừa thãi. Thầy Hai chấp hai tay giữa ngực như một búp sen, cúi đầu chào Cường trước, Cường tự động bắt chước làm theo. Khi hai người ngẩng lên, người nầy thấy người kia đã nở cho mình một nụ cười mãn nguyện.