Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Nhân lành quả ngọt

24/04/201109:25(Xem: 6908)
3. Nhân lành quả ngọt

CON ĐƯỜNG SÁNG
(SỰ THẬT NHÂN QUẢ)
Thích Huyền Diệu

NHÂN LÀNH QUẢ NGỌT

Kinh nghiệm bản thân của tôi là ở đời muốn làm chuyện phước đức quả thật rất khó khăn, mà làm việc tội lỗi thì dễ hơn nhiều. Riêng tôi chỉ mới có niềm mơ ước thôi mà đã gặp phải bao nhiêu là thử thách!

Đầu tiên tôi đứng ra hình thành Ban vận động thành lập ngôi chùa Việt Nam mà tôi là tổng thư ký. Cùng với một số bạn bè thân hữu, tôi bỏ ra bao nhiêu công sức mới vận động được vị thống đốc bang Bihar đồng ý bán cho hai mẫu đất với giá tượng trưng một đồng rupi vào năm 1974. Lúc bấy giờ chúng tôi là những người vô danh tiểu tốt nên phải kiên trì lắm mới đạt được thành công này. Tuy nhiên người chủ tịch của Ban vận động lại cất giữ giấy cấp đất mà không có động thái nào xúc tiến thêm. Theo điều kiện ghi trong quyết định giao đất, trong vòng 24 tháng người được cấp phải sử dụng miếng đất này, quá thời hạn đó chính quyền sẽ lấy lại để cấp cho người khác. Thế là sau hai năm án binh bất động, miếng đất đương nhiên bị chính quyền địa phương thu hồi. Đây là một điều vô cùng đáng tiếc và tôi phải mất đến hơn mười năm trường lao tâm khổ trí mới mua được khu đất khác để xây chùa. Từ sự việc này tôi rút ra kinh nghiệm hễ mình có khả năng làm một việc gì, tốt hơn hết là cứ âm thầm mà làm, nếu được thì khi nào làm xong rồi mới nên nói.

Song song đó tôi vẫn tiếp tục hoàn tất chương trình đại học. Khi vừa tốt nghiệp tôi được bổ nhiệm làm trợ lý cho người thầy của mình tại đại học Nantes là giáo sư Yves Durant, nhà quý tộc sinh trưởng trong một dòng họ lâu đời của nước Pháp. Thời kỳ này có một việc xảy ra mà hệ quả tác động nhiều đến công việc cũng như cuộc sống của tôi sau này.

Lần đó giáo sư Durant nhờ tôi đến trông nhà giúp trong thời gian vợ chồng ông đi nghỉ hè. Một ông Tây nhà giàu đã rắc rối huống chi thầy tôi thuộc dòng dõi vua chúa, cuộc sống lại càng phức tạp và kiểu cách hơn nhiều. Vì vậy trước khi giao nhà ông bà cẩn thận dặn dò tôi đủ điều, trong đó việc quan trọng nhất là để mắt đến đàn chó cưng.

Tôi được sắp xếp ở trong một căn phòng riêng đầy đủ tiện nghi. Hằng ngày tôi trông coi mọi việc trong tòa nhà một cách chu đáo, siêng năng tưới vườn hoa, chiều chiều lại dẫn đàn chó đi dạo.

Một hôm nhân lúc rảnh rỗi tôi đi thơ thẩn trong sân, khi đến chỗ nhà để xe ở kế bên chuồng ngựa, thấy nơi này không được sạch sẽ nên tôi nảy ý nghĩ dọn dẹp và bỏ ra mấy ngày để quét dọn lau chùi. Tôi mang đôi bốt cao cổ và gắn vòi xịt nước bằng máy để tẩy uế những chỗ rơi rớt phân ngựa. Bỗng nhiên tôi nhìn thấy trong góc nhà xe có một vật gì lóe sáng. Tôi nhặt lên, đem rửa sạch thấy nó chiếu lóng lánh thật đẹp.

Lần đầu tiên trong đời cầm trên tay một viên đá óng ánh, tôi chẳng phân biệt được đây là loại đá gì. Ngày hôm đó tôi đi ngay xuống vùng Deauville. Nơi đây có các sòng bạc và trường đua ngựa danh tiếng, thu hút nhiều khách du lịch giàu tiền lắm bạc, đặc biệt là các triệu phú người Ả Rập. Tôi đến khu vực chợ trời của dân chuyên mua bán nữ trang và đưa chiếc nhẫn ra nhờ định giá. Chủ cửa hàng đo đạc, săm soi một hồi rồi cho biết đó là hột xoàn loại tốt nhất và đưa ra một cái giá cao ngất, tương đương với 50.000 đô la Mỹ, khiến tôi hoàn toàn sững sờ!

Tôi hoang mang lấy lại viên đá bỏ túi rồi vội vã quay đi. Việc đầu tiên tôi đi mua ngay mấy cây kim tây, bỏ viên hột xoàn vào túi trong rồi cẩn thận gài chặt lại. Chưa an tâm, lâu lâu tôi lại đưa tay sờ túi xem viên kim cương còn nằm yên ở đó hay không. Rõ ràng, lợi đâu chưa thấy mà tự nhiên lại rước mối lo vào người.

Đầu óc tôi rối bời, nghĩ rằng có lẽ mình nghèo quá nhưng có lòng từ bi, nhiều tánh tốt, nhờ ơn đức cha mẹ, thầy tổ… nên Phật Trời thương mà ban lộc. Số tiền bán viên kim cương là cả một gia tài lúc bấy giờ, đủ để mua một căn nhà ba bốn phòng ngủ tại kinh đô ánh sáng. Về đến nhà lòng tôi cảm thấy lâng lâng, tự nhủ có lẽ nhờ mình theo học một bậc chân sư nên bây giờ được hưởng phước. Nhưng lúc đó những lời Thầy dạy bỗng văng vẳng bên tai làm tắt niềm hứng khởi. Rồi tôi lại tự bào chữa, rõ ràng mình không ăn cắp mà chẳng qua nhờ có ý tốt, tự nguyện lau dọn nhà cửa nên mới tình cờ nhặt được của rơi.

Suốt một tháng sau đó tôi cứ bị dằn vặt bởi ý nghĩ không biết nên trả hay giữ? Nghĩ đến việc trả thấy cũng tiếc vì trong đời dễ gì có được một số tiền lớn như thế. Còn đang phân vân lưỡng lự, tôi tiếp tục đi đến cửa hiệu kim hoàn tại quảng trường Place Vendôme nổi tiếng thanh lịch, nơi những tay triệu phú và các ông vua dầu hỏa thường lui tới tìm mua nữ trang cho các mệnh phụ phu nhân. Nơi này xác nhận đây là viên kim cương đắt giá và nhìn tôi với vẻ nghi ngờ khiến tôi phải vội vã bỏ đi ngay.

Tôi bèn hỏi ý kiến vài người bạn thân thiết, ai cũng bàn cứ giữ khiến tôi yên tâm nghĩ rằng việc mình làm không có gì sai quấy. Bạn bè đồn đại với nhau rồi tò mò kéo tới yêu cầu tôi cho xem viên kim cương khiến tôi bắt đầu hốt hoảng, e ngại viên ngọc quý này không khéo lại hại đến thân. Vì vậy tôi không lưu lại lâu đài nữa mà ra mướn khách sạn bên ngoài để đừng ai biết chỗ ở của mình.

Khoảng một tuần lễ sau vợ chồng vị giáo sư trở về. Nghe nói tôi đang ở tại khách sạn, ông thầy cười nói đùa dạo này tôi tiền bạc rủng rỉnh lắm hay sao mà lại ra ở bên ngoài cho thêm tốn kém, mà sự sang trọng, tiện nghi của khách sạn lại chẳng thể hơn tòa lâu đài của ông bà.

Hôm đó tôi chờ cho ông bà ăn uống xong rồi mới lấy chiếc hộp bên trong có chiếc nhẫn kim cương đặt lên bàn. Bà vợ ngạc nhiên mở hộp, thoạt nhìn thấy chiếc nhẫn, bà tỏ vẻ rất sửng sốt rồi sau đó ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Thì ra đây là chiếc nhẫn gia bảo từ thời các vua Louis truyền lại trong dòng họ và cũng chính là chiếc nhẫn mà ông giáo sư đã trao cho vợ trong ngày cưới. Thế rồi sau đó chiếc nhẫn đột nhiên biến mất hồi nào không biết. Gia đình ông hầu như xáo tung cả ngôi nhà nhưng vẫn không tìm ra. Cả hai ông bà đều vô cùng buồn rầu, không chỉ vì giá trị vật chất của chiếc nhẫn mà quan trọng hơn đây là một kỷ niệm của dòng họ và là vật gia bảo truyền qua nhiều đời. Không ngờ chẳng biết vì lý do gì mà chiếc nhẫn lại nằm bên đống phân ngựa một cách bí ẩn như thế.

Kể từ ngày đó, mối quan hệ giữa thầy trò tôi thay đổi một cách đáng kể. Ông bà giáo sư coi tôi như một thành viên trong gia đình, thậm chí ông còn quyết định ghi tên tôi thừa hưởng một phần gia tài ngang bằng với ba người con của ông bà trong di chúc.

Các con của giáo sư xưa nay vẫn tỏ ra quý mến tôi, nhưng kể từ lúc ấy thì nảy sinh vấn đề và thái độ của họ bắt đầu thay đổi. Tôi nhìn thấy rất rõ điều này nên cương quyết từ chối nhưng giáo sư không đổi ý. Thế là tôi bèn mời các con của ông cùng đến văn phòng luật sư, tôi ký giấy khước từ tất cả quyền lợi của mình được hưởng trong di chúc và nhường lại cho họ toàn quyền sử dụng. Các con của ông bà tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Tôi giải thích với họ rằng chẳng qua ông bà giáo sư có lòng quý mến nên làm như vậy, nhưng riêng tôi không bao giờ muốn nhận khoản tài sản ấy.

Thời gian sau cả hai ông bà giáo sư đều tình nguyện nhờ tôi hướng dẫn học Phật pháp. Vậy là về kiến thức đời thường tôi là học trò của ông nhưng về mặt tâm linh ông lại là học trò của tôi. Thế rồi trong nhiều năm tiếp theo, giáo sư Durant chính là người tiếp tay tích cực nhất trong việc xây dựng ngôi chùa Việt Nam tại Ấn Độ.

Trong công việc thì tất cả những vị trí, việc làm của tôi đều nhờ có sự can thiệp nhiệt tình của Thầy mà được thuận buồm xuôi gió.

Ngoài những sự giúp đỡ lớn lao ấy, Thầy lại còn nài nỉ cho chùa mượn tiền nhiều lần, nhưng tôi luôn từ chối vì sợ chẳng may có điều gì rủi ro xảy đến cho mình thì lại không trả được nợ. Sau đó vì ông bà làm mặt giận nên có lần tôi đành phải hỏi mượn cho họ vui lòng rồi đem về cất kĩ. Nửa năm sau tôi mang toàn bộ số tiền đem trả lại. Không ngờ trước khi đưa tiền giáo sư đã cẩn thận ghi lại dãy số trên mỗi tờ giấy bạc thành ra tôi giấu đầu lòi đuôi và ông bà khám phá ra rằng tôi mượn tiền chỉ để họ vui lòng.

Thầy Durant quan tâm công việc của chùa Việt Nam chẳng khác gì việc của bản thân. Không chỉ giúp cho Việt Nam Phật Quốc Tự ở Ấn Độ, ông còn nhiều lần can thiệp với các vị chức sắc cao cấp trong chính phủ Nepal để hỗ trợ cho tôi trong việc xây dựng chùa Việt Nam tại Lumbini, ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần ở Nepal.

Một kỷ niệm vui là có lần ông điện thoại cho vị đại sứ Pháp ở Nepal yêu cầu giúp đỡ tôi và ân cần giới thiệu tôi là thầy của ông. Thế là Tòa đại sứ Pháp tại Nepal chuẩn bị tiếp đón long trọng người thầy của vị đại giáo sư quý tộc Durant mà họ tưởng tượng phải là một nhân vật đường bệ.

Hôm đó tôi từ ngôi chùa đang xây dựng đi thẳng tới Tòa đại sứ Pháp với bộ đồ làm việc đầy bụi bặm, quả thật trông không được tươm tất cho lắm. Đến nơi đã thấy viên bí thư thứ nhất của vị đại sứ túc trực chờ đón. Nhưng ông này không thèm để mắt đến anh chàng gầy gò, ốm yếu và rất tầm thường vì tưởng rằng tôi là một trong số những người đến đây chầu chực xin visa vào nước Pháp.

Lúc ấy đã quá giờ hẹn nên viên bí thư có vẻ bồn chồn đi tới lui, tôi bèn tiến đến trước mặt ông và xưng danh. Việc này gây ra cho ông ta một sự bối rối mà ông cố gắng kiềm chế không để lộ ra vì lịch sự và xin lỗi tôi rối rít.

Đến khi ông vào bên trong báo với viên đại sứ rồi trở ra mời tôi vào thì lại thêm một tình huống buồn cười khác. Đó là vị đại sứ khi thoáng nhìn thấy tôi đã quay qua hỏi cấp dưới của mình:

- Anh có lầm không? Tôi đang chờ tiếp vị giáo sư của ngài Durant kia mà?

Ông ta tưởng rằng tôi không biết tiếng Pháp nên không cần hạ giọng khi nói câu này. Phần tôi không lấy làm ngạc nhiên vì đây là cảnh tôi thường xuyên gặp phải, chẳng qua là do tôi ít chú trọng trau chuốt vẻ ngoài cho phù hợp với một vài chức danh mình đang mang.

Trở lại mối quan hệ giữa giáo sư Durant và tôi, qua sự việc này tôi rút ra một kinh nghiệm quý báu. Rõ ràng nếu trước đây tôi giữ lại chiếc nhẫn kim cương để đổi lấy một căn nhà, thì chưa chắc nó còn tồn tại được đến ngày nay. Trong khi đó có thể nói toàn bộ các khoản tiền giáo sư đã giúp cho ngôi chùa Việt Nam sau này tính ra gấp mấy lần trị giá chiếc nhẫn kim cương trước đây.

Tóm lại, nhờ luôn tâm niệm làm theo lời dạy của vị ân sư mà trong đời tôi đã thu lượm được nhiều kết quả vô cùng tốt đẹp. Tôi thường gọi đó là phép mầu mà mọi người đều có thể có được.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4896)
Đến mùa vía Bà Núi Sam, Châu Đốc, hàng ngàn người lũ lượt kéo nhau về lạy Bà, cầu mua may, bán đắc, làm ăn thịnh đạt và sinh con theo ý muốn...
10/04/2013(Xem: 6652)
Trên đê Yên Phụ một buổi chiều mùa hạ. Nước sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to, cuồn cuộn chảy, tưởng muốn lôi ...
10/04/2013(Xem: 6560)
Mùa đông năm ấy tuyết không rơi nhiều, nhưng cái lạnh vẫn theo sương khói ùa về làm xác xơ thêm cho khu rừng mới trải qua một mùa dông bão kéo dài trước đó. Dân trong vùng cũng đang bị nạn dịch cúm. Lúc này mọi người kéo nhau vào rừng tìm hái cỏ thuốc, và những gì có thể ăn được cho qua cơn đói lạnh ngặt nghèo.
10/04/2013(Xem: 7056)
Cánh rừng già đang trải qua một mùa đông dài khắc nghiệt. Cây cỏ xác xơ … cảnh vật chìm sâu trong lớp tuyết trắng dày đặc. Chỉ có những thân cổ thụ...
10/04/2013(Xem: 5068)
Thuở xưa, trong một thành nọ, có một ngôi chùa tên là Viên Âm, mỗi ngày có rất nhiều người đến thắp hương lễ Phật, nên chùa cũng rất hưng thịnh...
10/04/2013(Xem: 5338)
Nắng lên cao, nắng chiếu ngút ngàn quanh các triền núi hoang vu làm khô ráo mấy hạt sương mai còn đọng lại trên những ngọn cây. Càng đi lên...
10/04/2013(Xem: 5675)
Cổng Chùa hiện dần ra trên con đường đất quen thuộc. Trời trưa nắng gắt, thỉnh thoảng từng cơn gió lốc thổi đến, hất tung bụi mù và cuốn theo mấy ...
10/04/2013(Xem: 5298)
_Ồ! sen ở đây nở rộ, trông đẹp quá! Ai đi ngang qua ao sen nhà chùa cũng đều cất tiếng nói như vậy.
10/04/2013(Xem: 5458)
Mùa đông về làm cho ngọn đồi thông thêm rộng thoáng. Không một chiếc lá cây rơi rụng. Không một bóng người lui tới để nghe tiếng bước chân ...
10/04/2013(Xem: 4901)
Chú Tiểu Minh nhặt được chú chim con lúc chiều khi đang cúng thí thực. Con chim run rẩy sà xuống như chiếc lá khô rơi rụng trong buổi chiều tà. Nó cùng bầy với lũ chim được phóng sanh hồi sáng này. Nhưng lại quá kiệt sức nên không thể bay xa được. Động lòng, chú mang chim về liêu mình để chăm sóc và cho ăn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]