Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

49. Bốn loại phúc đức

05/04/201113:34(Xem: 6039)
49. Bốn loại phúc đức

TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO
Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu

PHẦN I: Những chuyện đương thời Đức Phật

49. Bốn loại phúc đức

Lúc đức Phật còn tại thế, có một vị trưởng giả tên là Âm Duyệt, nhà rất giàu có, cuộc sống không có điểm nào đáng phàn nàn trừ ra một điều là tuổi đã cao mà chưa có đứa con trai nào. Thế nên từ sáng đến tối ông cứ luôn rầu rầu nét mặt.

Nhưng nhờ căn lành đời trước nên một hôm, liên tiếp có bốn loại phúc đức cùng đến với ông trong một lúc. Thứ nhất, vợ ông sinh được một cậu con trai kháu khỉnh xinh xắn không ai bì kịp; thứ hai, trong chuồng ngựa có vô số ngựa trắng đều sinh sản rất nhiều ngựa con khoẻ mạnh trong cùng một lúc; thứ ba, ông được vua phái người tới tận nhà phong thưởng chức tước; thứ tư, những chiếc tàu buôn ông gởi ra nước ngoài tìm kho tàng đều về tới bến, thành công mỹ mãn.

Vị trưởng giả hoan hỉ vô cùng, ông nghĩ rằng đó là do chư thiên ban phúc cho mình nên phải tập họp gia tộc lại, làm một bữa tiệc cỗ cao lương mỹ vị để cúng tế, tạ ơn lòng tốt của chư thiên.

Lúc ấy đương nhiên có rất nhiều Thiên vương cùng bát bộ thiên long và chư thiên cõi trời rải rác trong hư không, thấy vị trưởng giả phúc đức đầy đủ như thế, đều âm thầm tán thán. Đức Phật Thích-ca vì đời trước có chút nhân duyên nên cũng đến trước cửa nhà trưởng giả nói kệ cát tường:

Phúc đức trổ mạnh mẽ,
Niềm vui tới một lúc.
Do phúc đức đời trước,
Nay đến lúc thành thục.

Trưởng giả Âm Duyệt nghe pháp âm vi diệu của đức Phật Thích-ca, mừng rỡ chạy ra ngoài cửa cung kính lễ bái mà nói:

– Ngài là vị xuất gia được cả pháp giới này tôn kính bậc nhất, phúc tuệ song toàn nên độ hóa được chúng sinh trong cả mười phương thế giới! Hôm nay biết trước nhà tôi có may mắn vô hạn nên Ngài tới tận đây mà tán dương, lòng tôi thật vô cùng cảm kích!

Nói xong, bèn đem ra những tấm thảm nhung trắng loại thượng hảo hạng ra cúng dường Phật. Đức Phật tiếp nhận rồi bèn chú nguyện cho ông và còn từ bi khai thị rằng:

– Trên thế gian này, ngay trong bản thể của tiền tài vốn đã bị năm loại tai nạn nguy hiểm chi phối, nhưng người ta không biết cái đạo lý này nên cứ mong cầu không chịu biết đủ, tính toán chi li, đến khi chết dù một đồng xu nhỏ cũng không mang theo được. Tiền tài như thế chỉ đem lại phiền não cho chúng ta mà thôi. Hôm nay nếu trưởng giả dùng những tiền tài bất an ấy để bố thí cúng dường thì sau này phúc đức và chuyện vui nào cũng sẽ theo nhân duyên đó mà đến với ông.

Trưởng giả thưa hỏi:

– Năm loại tai nạn nguy hiểm ấy là gì?

Đức Phật đáp:

– Thứ nhất là không biết sẽ bị lửa thiêu cháy lúc nào; thứ hai là đề phòng nạn bão lụt không kịp; thứ ba là bị quan quyền dùng sức mạnh tịch thu mà không sao kháng cự; thứ tư là sinh con bất hiếu hư đốn tiêu phí đến khánh tận gia sản; thứ năm là giặc cướp đến cướp đoạt.

Trong năm loại tai nạn trên, bất cứ tai nạn nào xảy ra cũng đều làm cho gia sản bị tổn thất. Thí dụ, nếu có một người phạm tội với quan, thì không những của cải bị tịch thu hết mà còn có thể còn bị giam cầm trong lao tù, thậm chí có thể bị xử tử nữa! Lúc ấy, người đó biết làm cách nào để chống chọi hay bảo vệ tài sản cho được an toàn? Lại nói, kiếp trước có người đã từng bố thí 7 lần, nhưng mỗi lần bố thí xong đều vô cùng hối hận tiếc rẻ. Do không bố thí với tâm chí thành nên sau đó, người ấy tuy có vô số tiền của, nhưng cũng bị phá sản 7 lần.

Trưởng giả nghe thế, sinh tâm chí thành bố thí một cách hoan hỉ. Đức Phật nói xong cũng tức khắc quay trở về núi Kỳ Xà Quật.

Lúc ấy có một vị ngoại đạo tên là Bất Lan Ca Diếp, nghe nói đức Phật chỉ thuyết có một bài kệ cát tường mà được vô số thảm nhung trắng, bèn sinh tâm ganh tị, tìm cách bắt chước. Nhưng ông không biết nói kệ nên đến xin đức Phật dạy cho.

Đức Phật biết trước trưởng giả Âm Duyệt trong tương lai sẽ mất hết tài sản lẫn phúc đức trong cùng một lúc, nên dùng lời khéo léo để khuyên can ngoại đạo, nhưng người này cho rằng đức Phật không chịu dạy cho mình nên cứ theo nài nỉ mãi.

Đức Phật có đại thần thông, thấy rõ nhân duyên kiếp trước của Bất Lan Ca Diếp, biết nghiệp chướng không thể tránh được, nên nói với đại chúng rằng: “Tội không tránh được, có nợ phải trả.” Rồi Ngài đem bốn câu kệ cát tường dạy cho Bất Lan Ca Diếp.

Không lâu sau, trưởng giả Âm Duyệt đã mất hết tài sản trong một trận hỏa thiêu, rất nhiều ngựa con cũng chết cháy trong cùng một lúc, đứa con trai quý bất hạnh yểu mệnh, đồng thời bị người khác ganh ghét sàm tấu với vua, nên bao nhiêu chức vị được phong thưởng ngày nào nay đều bị tước mất. Chưa hết, những con tàu ông gởi đi tìm kiếm kho tàng đều bị bão tố lật úp, cả vốn lẫn lời đều chìm sâu trong biển cả.

Đúng lúc ấy, Bất Lan Ca Diếp hồ hởi phấn khởi đến trước nhà trưởng giả, đọc to lên những câu kệ cát tường. Trưởng giả đang phiền não không có chỗ để trút giận, đột nhiên nghe những câu kệ cát tường, ngỡ rằng Bất Lan Ca Diếp cố ý chọc tức mình, lập tức nổi giận, mặt mày đổi màu từ trắng ra xanh, bất chấp hết thảy, thuận tay tóm lấy cây gậy dựng ngay bên cửa đánh Bất Lan Ca Diếp một trận túi bụi.

Đáng thương cho Bất Lan Ca Diếp, trong thoáng chốc bị một trận đòn nên thân, cả người bầm tím mang đầy thương tích, bò lê bò càng đau đớn trở về nhà. Nhưng tuy vậy vẫn chưa tỉnh ngộ, cứ ngỡ rằng tại đức Phật không chịu dạy kệ cho rõ ràng!

Lúc ấy đức Phật đang ở vườn trúc La Duyệt Tri thuyết pháp, nói với đại chúng rằng:

– Bất Lan Ca Diếp hôm trước tới đây đòi ta dạy cho kệ cát tường, ta khuyên can mà không nghe, hôm nay đến đó bị đả thương rồi!

Ngài A Nan liền thưa hỏi đức Phật:

– Bất Lan Ca Diếp và vị trưởng giả kia có nhân duyên gì với nhau mà bị quả báo ấy?

Đức Phật nói:

– Đó là do một nhân duyên rất lâu xa về trước. Thuở ấy có một ông vua tên là Âm Duyệt. Một hôm vua đang ngủ trưa thì có một con chim anh vũ bay lên trên mái cung đình mà hót, tiếng hót nghe rất cảm động. Vua nghe nó hót vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, bèn hỏi người xung quanh rằng: “Đó là loại chim gì, sao nó hót nghe cảm động đến thế?” Người xung quanh đáp: “Có một con chim kỳ diệu, mới bay tới hót ở trên mái cung đình.”

Vua nghe thế, sai rất nhiều người đi lùng kiếm khắp mọi nơi, cuối cùng bắt được chim. Vua vui mừng khôn kể xiết, bèn dùng ngọc châu cơ, thủy tinh, lưu ly, trân châu, san hô, anh lạc v.v.. rất nhiều châu báu như thế làm lồng cho nó ở, từ sáng tới tối giữ nó mãi bên mình không chịu lìa xa.

Về sau có một con chim khác tên là mộc điểu, thấy thế bèn hỏi chim anh vũ rằng:

– Làm sao mà bạn được sung sướng tột cùng như thế?

Anh vũ đáp:

– Tôi tình cờ hót chơi giải buồn trên mái cung đình, vua nghe được cho rằng tiếng hót của tôi cảm động nên sủng ái tôi như thế.

Chim mộc ganh tức nói:

– Tôi có thể hót hay hơn cả bạn!

Thế rồi, lúc vua đang ngủ trưa, chim mộc bèn bay đến trước cung đình hót rầm rĩ. Vua giật mình tỉnh giấc, rởn cả tóc gáy, nổi giận hỏi người xung quanh: “Tiếng gì nghe rùng rợn như thế?” Người xung quanh đáp: “Đó là tiếng con chim mộc đang hót trước cửa.” Vua nổi giận, lập tức ra lệnh bắt chim vặt lông và đánh cho một trận rồi mới thả về.

Chim mộc bò ngả bò nghiêng trở về tổ, có rất nhiều chim khác thấy tình trạng của nó như thế thì kinh hoàng hỏi nguyên do, chim mộc không những không chịu nhận sự thật mà còn oán trách chim anh vũ, nói với đồng loại rằng:

– Tại con chim anh vũ tôi mới ra nông nỗi này!

Đức Phật ngừng một lúc rồi lại nói tiếp:

– Âm thanh hay có thể đem lại phúc đức, âm thanh dở thì đem đến tai hoạ. Chim mộc tự làm hại lấy mình mà còn giận chim anh vũ. Vị vua thuở ấy chính là trưởng giả Âm Duyệt ngày nay, chim mộc là Bất Lan Ca Diếp trong quá khứ đã ganh tị với chim anh vũ nên bị đánh đập đau đớn, kiếp này lại ganh tức với Phật, cũng lại bị nạn gậy gộc. Chính vì tâm ganh tị thiêu đốt mà không chịu hối cải!

A Nan lại thưa hỏi đức Phật:

– Trưởng giả Âm Duyệt đời trước làm công đức gì mà lại được bốn loại phúc báo, và tại sao bây giờ phúc đức ấy lại bị tiêu mất?

Đức Phật trả lời:

– Trong đời trước, lúc còn trẻ Âm Duyệt tín phụng Phật pháp, chí thành cúng dường thánh chúng, nguyện cho được giàu có. Quả nhiên về sau được như nguyện, nhưng khi cưới vợ rồi thì bất hạnh đâm ra đam mê tửu sắc, khinh mạn Tam Bảo. Đã thế còn không có tâm từ bi, không gieo trồng căn lành, vì thế nên phúc báo của ông ta tan đi như bóng trăng đáy nước, hoa đốm trong không, biến mất trong nháy mắt.

Sau đó, thật đáng thương, sẽ bị vô hạn thống khổ bức bách, chịu tận cùng khổ báo rồi mới tiêu trừ nghiệp chướng được.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/05/2011(Xem: 2454)
Ngày xưa có một ông vua và một bà hoàng hậu ngày nào cũng nói: "Ước gì mình có đứa con!" mà mãi vẫn không có.
05/05/2011(Xem: 2503)
Một người có ba con trai, cả cơ nghiệp có một cái nhà. Người con nào cũng muốn sau này, khi bố mất, nhà sẽ về mình.
26/04/2011(Xem: 10636)
Mỹ Uyên tần ngần đứng trước cổng Tam quan chùa, lâu lắm rồi vì nhiều lý do nàng đã không đến đây dù rằng mỗi kỳ lễ Tết nàng đều từ thành phố về nhà thăm cha mẹ và nhà nàng cách chùa không xa lắm. Dù sao, ngôi chùa này với nàng cũng có biết bao kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu.
26/04/2011(Xem: 4282)
Ai đã từng đọc tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh“ tức “Truyện Kiều“ của đại thi hào Nguyễn Du mà chẳng biết Hoạn Thư, người đàn bà “biết ghen“ thông minh vào bậc nhất nhì trên đời. Hoạn Thư thì quá nổi tiếng rồi (nhưng chẳng biết trên đời có thật hay không?), bây giờ thì tôi xin được kể về một Hoạn Thư khác hoàn toàn có thật, thật như mặt trời mọc ở đằng đông và lặn ở đằng tây vậy.
26/04/2011(Xem: 2421)
Một buổi tối, chàng đánh trống trẻ tuổi đi một mình giữa cánh đồng. Tới bên một cái hồ, anh thấy trên bờ ba chiếc áo trắng của ai vứt đó.
26/04/2011(Xem: 2116)
Xưa có một người trước khi đi xa từ biệt ba con gái, hỏi các con muốn lấy quà gì. Cô cả muốn lấy ngọc, cô thứ hai xin kim cương, cô út nói...
26/04/2011(Xem: 3038)
Xưa có một người lính như vậy bị thải hồi. Bác ta không học được nghề gì nên không kiếm tiền được, đành đi lang thang ăn xin thiên hạ.
26/04/2011(Xem: 2719)
Ngày xưa có một người đàn bà góa sống cô quạnh trong một túp lều gianh. Trước cửa là một cái vườn có hai cây hoa hồng, một cây ra hoa đỏ, một cây ra hoa trắng.
26/04/2011(Xem: 2505)
Ngày xưa có một ông vua trị vì vào thời nào, tên là gì, tôi không nhớ rõ nữa. Vua không có con trai, chỉ có độc một cô con gái, luôn luôn đau ốm...
25/04/2011(Xem: 3626)
Ông Tư bị ung thư và biết chắc không thể sống lâu hơn sáu tháng. Ông bình tỉnh chờ cái chết, và vui vẻ sống những ngày ngắn ngủi còn lại, mà không bi ai, không sợ hãi. Ông muốn sau khi chết, gia đình làm đám tang theo ý riêng của ông. Bà vợ nghe dặn dò cách thức làm đám tang kỳ dị, thì nói giọng buồn, với đôi mắt cầu khẩn: - Em nghe nói ngày xưa ở Huế, người đàn bà đầu tiên đi xe đạp, bị cả thành phố phỉ nhổ, xem như là Me Tây, như kẽ phá hoại phong hóa nơi đất thần kinh. Cho đến khi chiếc xe gắn máy hiệu “Velo solex” ra đời, người đàn bà đầu tiên xữ dụng, cũng bị xem như là thứ côn đồ, cao bồi du đảng, chẵng ai dám giao du thân mật. Đến như bà Thu, vốn là một công chúa, dù là con của vị phế đế, là người đàn bà có xe hơi, và lái xe hơi dầu tiên ở Huế, cũng bị thiên hạ nghi ngờ oan ức đến cái đức hạnh của bà, mà suốt đời không kiếm được một tấm chồng. Thế mà bây giờ, anh bảo em làm đám tang khác thiên hạ, không giống ai, thì chịu sao nỗi lời tiếu đàm của bà con, họ hàng! Ông Tư cười,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]