Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21. Đói và no

05/04/201113:34(Xem: 7003)
21. Đói và no

TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO
Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu

PHẦN I: Những chuyện đương thời Đức Phật

21. Đói và no

Một hôm, đức Phật dẫn 500 vị tỳ-kheo trên đường từ nước Tu Lại Bà đi về thôn Tỳ Lan Nhã, tìm chỗ trú ngụ trong một khu rừng ở ven đường.

Thôn trưởng của thôn Tỳ Lan Nhã ngày xưa vẫn tin tưởng phụng thờ đạo Bà-la-môn, về sau nghe và biết được đức Phật có đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, thân phóng hào quang và diễn thuyết diệu pháp về vũ trụ nhân sinh, mới chuyển qua tin tưởng Phật giáo.

Hôm ấy, nghe đức Phật sắp đến thôn của mình, ông bèn nắm lấy cơ hội ngàn năm khó gặp này, đến khu rừng nơi đức Phật đang an trụ, đảnh lễ mà thưa rằng:

– Bạch Thế Tôn, con là thôn trưởng của thôn Tỳ Lan Nhã ở cách đây không xa, nghe đức Phật giáng lâm con vô cùng vinh hạnh. Vì thế con vội vàng đích thân đến đây cung thỉnh Thế Tôn và chư tỳ-kheo đến thôn của con cư trú trong ba tháng an cư mùa mưa. Con nguyện đảm trách tất cả mọi sự cúng dường, xin đức Phật từ bi nhận lời!

Đức Phật dạy:

– Ta biết ông có lòng thành, nhưng đệ tử của ta quá đông, ta không muốn làm gánh nặng cho ông, nên ta nghĩ tốt nhất là thôi vậy, không phiền đến ông.

– Thưa không đâu, bạch Thế Tôn! Tuy làng con rất nhỏ, nhưng con tin rằng cũng đủ sức để cúng dường Thế Tôn và chư tỳ-kheo, xin Thế Tôn đừng bận tâm, dầu sao đi nữa cũng xin cho con được phép cúng dường.

Thôn trưởng một mực nài nỉ van xin, đức Phật chỉ còn cách gật đầu ưng thuận. Thôn trưởng vui mừng cưỡi ngựa về làng lo chuẩn bị mọi thứ.

Ngoại đạo biết được chuyện này, vừa sợ hãi vừa oán giận, bèn dùng nữ sắc đưa vào nhà của thôn trưởng, bày hoa thơm cỏ lạ, hương thơm ngào ngạt, rồi lại bày cỗ bàn rượu thịt ê hề, thắp đèn ánh sáng mờ ảo, người đẹp như mây trời khiến một khi thôn trưởng bước chân vào nhà là tâm trí hoàn toàn ám độn. Trải qua một đêm, sáng hôm sau thôn trưởng căn dặn người nhà rằng:

– Đương lúc thiên hạ thái bình, từ hôm nay cho tới hết ba tháng mùa mưa ta sẽ ở trên lầu cao này nghỉ ngơi, bất cứ chuyện gì, dầu vui hay buồn ta cũng đều không muốn nghe đến.

Thôn trưởng bị lọt vào bẫy của ngoại đạo nên hoàn toàn quên bẵng chuyện phải tiếp đãi đức Phật.

Nhân duyên của làng này đối với đức Phật hãy còn cạn cợt, lại trúng nhằm một năm mà côn trùng làm hại mùa màng, cả làng bị sa vào cảnh thiếu thốn nên không một người nào chịu bố thí cho đức Phật hay chư tỳ-kheo một chút gạo hay một chút nước. Đức Phật và chư tỳ-kheo chỉ còn biết nhẫn nhục chịu đựng ở phía bên ngoài thôn Tỳ Lan Nhã.

Lúc ấy, có một người buôn ngựa dẫn theo 500 con ngựa từ nước Ba Lợi đi ngang qua chỗ ấy, thấy vậy bèn thưa với các vị tỳ-kheo rằng:

– Con không có bao nhiêu lương thực để cúng dường quý thầy, chỉ có xác lúa mạch cho ngựa ăn, quý thầy có dùng được không?

– Chúng tôi rất cảm tạ thịnh tình của ông, nhưng chưa được đức Phật hứa khả thì chúng tôi không dám nhận thức ăn của ngựa. Xin đợi chúng tôi vào thỉnh ý đức Phật rồi mới dám quyết định.

Đức Phật tán thán rằng:

– Đã lâm vào cảnh đói khát như thế này mà các ông còn ít mong cầu và biết đủ, không dám làm ngược lại lời giáo huấn của ta, ta rất an lòng. Các ông có thể thọ nhận thức ăn của ngựa mà ông lái buôn cúng dường.

Lúc ấy các vị tỳ-kheo mới thuận tiếp nhận thức ăn của ngựa. A Nan cũng được một phần, bèn đem lúa mạch ra nghiền thành bột hòa với nước nấu thành cháo đem lên cúng dường đức Phật. Các vị tỳ-kheo cũng xay xác lúa mạch ra rồi nấu lên mà ăn.

Mục-kiền-liên thấy tình trạng đáng thương ấy bèn thưa với đức Phật rằng:

– Bạch Thế Tôn! Con suy nghĩ thật kỹ rồi, ở chỗ này không thể có thức ăn được, con muốn dùng thần thông đi chỗ khác mang ít lúa gạo về!

Phật dạy:

– Mục-kiền-liên! Không nên làm như thế. Tuy ông có thể dùng thần lực mang thức ăn về, nhưng nhân duyên túc nghiệp không thể trừ diệt được. Chỉ có nhẫn nhục là điều quan trọng nhất.

Mục-kiền-liên vâng lời dạy của đức Phật, cúi đầu lui đi.

Ba tháng nhẫn nhục chịu đựng cực khổ đã trôi qua, đức Phật và chư tỳ-kheo đói khát nên tiều tụy thấy rõ, nhưng dẫu bị đói khát bức bách đến đâu đi nữa, lòng tin của các vị ấy vẫn không hề bị lay chuyển mảy may nào. Chư tăng đoàn kết, hòa hợp biết bao!

Qua hôm sau, đức Phật bảo A Nan:

– A Nan! Hãy cùng ta đi gặp thôn trưởng thôn Tỳ Lan Nhã xem sao!

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Thôn trưởng thôn Tỳ Lan Nhã đang chìm đắm trong hoan lạc ngũ dục, vừa vặn đứng trên lầu cao nhìn xuống, thấy vẻ tiều tụy của đức Phật và A Nan trên đường đi tới. Thoạt đầu ông hoang mang như thể không hiểu tại sao, rồi trong chớp mắt, ông thấy đầu óc choáng váng, mặt mày xây xẩm. Chờ tỉnh táo lại, ông chạy như bay đến trước mặt đức Phật, khóc lóc thảm thiết:

– Thế Tôn! Thật là đáng sợ! Con bị quỷ vương mê hoặc nên mới dám dối trá lừa gạt thánh nhân. Con đã gieo trồng vô lượng vô biên hạt giống ác quả! Xin Thế Tôn từ bi lân mẫn con, con không hề muốn điều ấy xảy ra, xin cho con sám hối!

Đức Phật trầm tĩnh đáp rằng:

– Đúng vậy! Ông đã trồng hạt giống tội ác, thỉnh đại chúng mà không cúng dường, không phải là ngu si lắm sao? Nhưng ta đã thấy ông phát tâm lúc ban đầu ra sao rồi, nên nếu ông chân thành sám hối thì chỉ có sự sám hối ấy là đáng kể mà thôi.

– Nay con đứng trước đức Phật tối tôn mà sám hối, xin Thế Tôn quán sát tâm con. Từ hôm nay trở đi xin cho con được cúng dường trong vòng một tháng, cho con được lấy công chuộc tội.

– Thôn trưởng, ba tháng vừa qua ta an cư ở phía ngoài thôn này không hề dời chỗ. Bây giờ mùa mưa đã qua rồi, có rất nhiều chúng sinh đang chờ mong ta cứu độ. Ngay hiện giờ ta đã nghe họ kêu gào tên ta, nên ta phải rời khỏi nơi này lập tức.

– Xin Thế Tôn niệm tình con!

Vừa nói, thôn trưởng vừa hướng cặp mắt van nài nhìn sang A Nan đang đứng gần bên đức Phật, nói tiếp:

– Tôn giả A Nan! Xin ngài vào nói hộ con một tiếng! Ít nhất cho con được cúng dường ngày mai, làm một bữa cơm đạm bạc để tiễn biệt, và cho con cơ hội sám hối với chư tỳ-kheo!

Đôi mắt từ bi của đức Phật phóng ra một tia sáng thương xót, Ngài chấp thuận lời cầu xin cuối cùng của thôn trưởng thôn Tỳ Lan Nhã.

Suốt ngày và suốt cả đêm hôm ấy, thôn trưởng thôn Tỳ Lan Nhã đã chuẩn bị một bữa cơm tiễn biệt rất thịnh soạn, rồi hôm sau dùng tâm tri ân và tâm cung kính đi thỉnh mời đức Phật và chư tỳ-kheo vào thôn. Cơm nước xong, thôn trưởng đem bốn tấm y bằng vải rất đẹp, cùng một đôi dép cỏ cúng dường lên đức Phật, và 2 tấm y vải cùng một đôi dép cỏ cúng dường mỗi vị tỳ-kheo.

Thôn trưởng và tất cả mọi người trong thôn đưa tiễn đức Phật và chư tỳ-kheo, tay vẫy mà nước mắt ràn rụa, tự than rằng thiện căn của mình quá mỏng manh nên không cúng dường được đức Phật cho tử tế đàng hoàng.

Khi đức Phật muốn ra đi thì không có thế lực, không có lời nói nào có thể ngăn trở được Ngài. Cũng như khi đức Phật không muốn đi, thì dù bất cứ sự khốn khó bức hại nào đi nữa, Ngài cũng có thể nhẫn nhục chịu đựng được.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4803)
Sáng sớm đã nhìn thấy lá vàng rụng đầy sân. Ừ, đang mùa thay lá mà. Sân chùa có nhiều cây cao bóng mát cho khách thập phương ghé lại tham ...
10/04/2013(Xem: 8946)
Trong ngôi chùa lá nhỏ nằm gần một con suối nhỏ, thầy trò tôi đã có một đời sống tu hành đạm bạc yên vui. Sáng sáng thầy cùng các vị sư huynh ra ...
10/04/2013(Xem: 4538)
Nằm trong góc sân chuồng, con Bê uể oải nhai lại mớ rơm khô mà mắt nó cứ ngó mông lung ra ngoài. Nơi ấy có mấy bụi tre già, thỉnh thoảng vang ...
10/04/2013(Xem: 4167)
Bóng chiều buông xuống. Những tia sáng cuối cùng đi qua mảnh sân nhỏ còn rơi rải lại chút nhạt nắng mong manh trên những thân cây đang ngã ...
10/04/2013(Xem: 4349)
Một bóng người thoăn thoắt bước đi, thỉnh thoảng quay đầu nhìn ra hai bên đường đầy vẻ tư lự. Lúc này vần trán thanh tú khẻ nhíu lại, trầm ngâm nghĩ ...
10/04/2013(Xem: 5742)
Tôi mang loại giày vải màu đen đó đã ba mươi năm. Còn xâu chuỗi màu đỏ luôn ở bên mình (không phải là loại mã não thứ thiệt đâu) cũng tròm ...
10/04/2013(Xem: 4361)
Quân bước xuống xe, rẽ vào con đường đất đỏ, nơi có chiếc cổng Tam Quan màu xanh rêu cổ kính. Gần bên với tấm biển thấp nhỏ ghi rõ hàng ...
10/04/2013(Xem: 6051)
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp đi lại trên dòng sông này. Bờ bên kia là vườn cây trái xum xuê vươn thẳng tới tận cuối đường chân mây. Xa xa…. từng cánh đồng lúa xanh non trải rộng trông như tấm màn nhung giăng kín cả mặt đất, làm cho những cánh cò cứ chao nghiêng bay lượn theo hương mùi mạ mới.
10/04/2013(Xem: 4642)
Dừng chân bên khu vườn rợp bóng mát của những táng cây cổ thụ, Người lữ khách đặt nhẹ chiếc ba lô xuống, rồi ngồi thư giản trên một tảng đá trong tư thế toạ thiền đếm hơi thở. Dù từng đi đây đó nhiều, cảm thụ biết bao kỳ quan dị cảnh cuả đất trời, nhưng chàng vẫn bị thu hút trước vẻ đẹp huyền ảo của buổi ban mai rực vàng bóng nắng. Nhiều người khác cũng lần lượt kéo tới, không gian bao trùm trong sự chiêm bái thành kính mà yên lặng tôn nghiêm. Đến với miền đất Phật xa xôi này, Du Tử chợt nghe lòng thoáng chút nhẹ nhàng thanh thản an vui.
10/04/2013(Xem: 4308)
Hình ảnh ngôi chùa, dòng sông, cây đa bến nước đã quá đổi thân quen và gắn bó đời người qua từng làng xã quê hương. Để rồi khi tất cả khung cảnh nên thơ bình dị ấy chỉ còn là chút hoài niệm xa xôi thì nó bổng trở thành một thứ biểu tượng thiêng liêng, ẩn chứa biết bao niềm thương nỗi nhớ đến nao lòng...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]