Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. Đi bộ

26/03/201107:18(Xem: 3763)
13. Đi bộ

HOA CỦA MỖI NGƯỜI
Tác giả: Diệu Kim

PHẦN II: HƯƠNG ĐẠO TÌNH ĐỜI

ĐI BỘ

Mỗi tuần, tôi cố gắng sắp xếp để có một lần tập thể dục bằng cách đi bộ. Tôi thường đi vào buổi chiều sẫm tối, hoặc nhân lúc có vở kịch nào diễn gần nhà thì đi bộ ra xem, coi như một công đôi việc. Đi từ đường Tôn Đản quận 4 đến sân khấu Kịch Sài Gòn, Nhà hát lớn, Nhà hát Kịch TP.HCM, rạp Hưng Đạo, chắc khoảng 3-4 km. Thi thoảng như hôm qua, tan suất diễn phúc khảo tại 5B, tôi đi bộ trở lại nhà, hình như 5 km, nhờ đôi dép có 25.000 đồng mà nhẹ tênh, êm chân.

Trên đường, có biết bao nhiêu chuyện thu vào đôi mắt, bao chuyện đáng nghĩ, đáng làm. Thảo nào nhà văn Sơn Nam viết được nhiều chuyện như thế, bởi ông cả đời chỉ đi bộ, không hề biết chạy xe đạp hay honda, và trên muôn dặm nẻo đường đi bộ ấy ông đã quan sát, nghe ngóng được rất nhiều.

Chạy xe, nhất là xe ô tô, ta vút qua cuộc đời nhanh quá, và trong một cảm xúc, một tâm thế khác hẳn lúc đi bộ. Từng bước chân đặt trên đất, ta mới có cảm giác hòa mình vào cuộc sống đang bộn bề bày ra trước mắt, rất gần gũi, rất thông cảm với người dân.

Tôi đã từng thử mình ở các phương tiện giao thông khác nhau, và hiểu tại sao những "ông quan" đi ô tô bóng lộn mới dễ dàng ra những chủ trương làm khổ dân. Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa không dùng ô tô, nhưng ước gì những ông quan đó có dịp vi hành bằng chính đôi chân của mình để lội xuống ruộng hay xuống công trường, vỉa hè, để cảm nhận đời sống người dân cụ thể hơn. Mà thôi, chuyện người ta, lo nổi không, mình đa mang quá không khéo buổi đi tập thể dục thư giãn trở thành buổi suy nghĩ nặng lòng thêm...

Nhưng làm sao không nặng lòng cho được! Bên vỉa hè có những cái gánh đang túm tụm lại với nhau, trên gánh treo lủng lẳng những chùm trứng cút, hoặc cốm gạo, bánh đa, phía dưới thúng là non chục ổi xanh, xoài sống, vài trái táo, trái cam... Chủ gánh đang giở hộp cơm nguội ngắt ra nuốt vội nuốt vàng để còn chuẩn bị gánh đi bán buổi tối, trước khi trở về khu nhà trọ chật hẹp với đôi chân mỏi nhừ. Nghe giọng nói biết ngay họ từ miền Trung trôi dạt vào Sài Gòn kiếm sống, mỗi tháng dành dụm mấy trăm ngàn gởi về nuôi cả gia đình. Nhìn những gương mặt khắc khổ vì mưa nắng trên đường tha phương cầu thực, ai không khỏi thắt lòng. Nhưng họ có lòng tự trọng, không ngửa tay xin tiền người khác, không ăn cắp, làm bậy.

Một nhóm người khác làm thợ hồ xây dựng, kê dép ngồi trên vỉa hè đợi nhau cùng về, trọ trẹ giọng Quảng, làm tôi nhớ chú Năm đang ở nhờ trong chùa Long Nguyên, cũng vào đây làm hồ nuôi ba đứa con lần lượt tốt nghiệp đại học. Ban ngày chú đi làm, không đàn đúm nhậu nhẹt, ban đêm về chùa canh chừng cửa nẻo cho các sư cô yên lòng, có khi bửa củi, khiêng xách dùm những thứ nặng nề, thành ra ăn hột cơm của Tam Bảo mà không mắc nợ.

Vỉa hè có chật một chút vì những người như thế, cũng thấy vui lòng! Nhiều khi bực mình vì phải leo xuống lòng đường mà đi, nhưng rồi bùi ngùi bởi chỗ nào cũng thấy người nghèo, thôi đừng quá bận tâm tới cái nồi cháo của bà này, gánh xôi của chị nọ, hay cái chỗ vá xe của chú kia... Dù họ có làm xấu bộ mặt phố phường nhưng họ không đi trộm cắp đã là mừng rồi. No ấm trước đã, rồi mới dám nghĩ tới cái đẹp.

Đi ngang mấy cái công viên, chợt giật mình, hầu như ghế đá nào cũng thiết kế cùng một kiểu có những gờ nổi cao lên, phân chiếc ghế ra làm ba khúc. Dụng ý là không cho người ta nằm lên ghế đó thôi. Mà "người ta" nào? Chỉ có những kẻ lang thang không nhà không cửa mới tìm một chỗ ngả lưng nơi này, chứ ai có gia đình đàng hoàng lại chịu ngủ lang. Làm ghế như vậy thì phố phường đẹp mắt hơn, vì không có cảnh người nằm phơi bụng mà ngủ. Nhưng nghĩ kỹ vẫn thấy bất nhẫn thế nào! Người cùng khổ, lấy đường phố làm nhà, vẫn không yên thân. Rồi họ ngả lưng nơi đâu giữa trời đêm mịt mù? Đặc biệt những hôm trời mưa tôi cũng đội áo nhựa bước đi, trông thấy những người co ro dưới hàng hiên rất hẹp, chạnh lòng không biết đêm nay họ ngủ làm sao. Thành ra cái ghế đá làm giường tự nhiên nổi lên mấy cái gờ sao mà khắc nghiệt. Tôi cũng loay hoay giữa cái đẹp phố phường và no ấm cho người nghèo, chẳng biết tính sao! Buồn, thấy mình bất lực.

Trung tâm Sài Gòn sáng choang vào ban đêm. Các cửa hàng điện tử mở máy hết công suất, quảng cáo ì xèo. Đèn hiệu nhấp nháy xanh đỏ vàng tím. Khách ngoại quốc đi lẫn vào người Việt Nam váy áo thướt tha, son phấn mượt mà. Niềm vui là có thực. Nhưng ở nhiều góc phố, dễ dàng trông thấy những đứa bé đang dậy thì hoặc chuẩn bị dậy thì đang đeo bám khách, tay cầm hoa hoặc sách, bản đồ, quà lưu niệm. Nhìn miệng các em cười mua chuộc, nhìn trang phục bụi bặm, nghe cả tiếng các em chửi thề, tôi lo sợ mơ hồ. Cảm giác như con cháu mình sắp bị nguy hiểm trong ánh sáng phù hoa đó. Những cuộc đời trong trắng sớm bị đường phố nhuộm màu, tội quá!

Có khi tan hát, đi ngang những khách sạn cao cấp, thấy nhiều cô gái phấn son rực rỡ đang đứng, biết là hẹn khách, tôi cũng thương thương. Không biết trách ai bây giờ!

Nhưng đường phố cũng có những hạnh phúc bất chợt. Hôm qua, ngang đường Nguyễn Thái Học, thấy hai anh chị khoảng 50 tuổi ngồi xếp bằng trên tấm nylon, đối diện nhau, ở giữa là hai trái bắp luộc vàng tươi và một chai nước suối rượu nho nhỏ. Anh ực một cái, xong đưa chị. Chị ngửa cổ khà một hơi. Rồi nhìn nhau. Tôi không kềm được, mỉm cười với họ. Anh cười lại với tôi, nét mặt rạng rỡ. Chị cũng nhe răng cười. Mèn ơi, hàm răng sún hết trơn! Nhưng vẻ hạnh phúc trên hai gương mặt làm tôi xúc động. Họ lam lũ lắm, vậy mà nhiều kẻ sống trong nhà lầu không có thứ họ đang có. Mới hồi sáng, ngồi nghe ông bạn khá giả tâm sự chuyện gia đình tan vỡ, đến chiều lại nhặt được hạnh phúc bên vỉa hè, niềm tin của tôi cứ nghiêng lật bốn bề.

Buổi chiều, nhiều ông bố bà mẹ dựng xe xếp hàng chờ đón con tan học. Gương mặt ai cũng tràn trề chữ nhẫn và tình thương vô bờ bến. Hồi con tôi còn nhỏ, tôi cũng đưa đón trần ai. Giờ nhìn thế hệ tiếp theo chăm con, thấy thương. Đời cha đời mẹ còng lưng cho con. Và những đứa trẻ cũng "đầu tắt mặt tối" trên trang giấy. Học hành mà khổ vậy sao? Mấy ông giáo dục ở đâu hỡi trời! Thôi, an ủi một chút là con nít còn... đi học. Chứ sắp tới có thêm nhiều đứa bỏ học, thử coi cái nào buồn hơn! Lại chủ nghĩa AQ!

Và buổi chiều còn có những người bán hàng ế ẩm, ngồi ủ rủ bên mớ rau héo, mớ dưa, hành sứt sẹo, chập choạng rồi mà vẫn chưa thể dứt về để cơm nước cho con. Tôi dừng chân, nhìn sát vào mặt họ, thu lấy cái chân dung của một kiếp người. Đó, niềm vui chưa bao nhiêu đã vội quay về nỗi buồn.

Đi bộ, thấy đời buồn nhiều hơn vui. Hay tại mình kỳ quặc? Có khi dầm mình dưới trời mưa, chân liêu xiêu trong những vũng nước nhỏ, mặt lạnh buốt và mắt nhòe đi, tự nhiên thấy đời thật mong manh. Luôn luôn là cảm thức buồn. Đi trên chính đôi chân của mình mà vẫn như chưa chạm vào mặt đất, vẫn chưa hiểu gì về đất, nơi ta đang sống từng ngày. Có những thứ ẩn mình phía sau ánh sáng, làm sao để thấy, để cảm thông...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/02/2011(Xem: 8439)
Đêm đã khuya không biết bây giờ là mấy canh giờ mà Nàng Lan vẫn còn miệt mài bên cây đèn bóng 60Watt, nàng Lan Rừng đang cặm cụi viết cho xong đoản văn mài dũa cái bọn đàn ông bạc tình, vô nghĩa, chỉ ích kỷ nghĩ cho mình, chỉ thích đi theo Ma Nữ trẻ đẹp tại quê nhà. Bàn tay ngà lướt nhanh trên phím gõ của dàn máy vi tính khá hiện đại.
18/02/2011(Xem: 13636)
Phần 01: 1/ Hồn ma nhà đạo sĩ 2/ Chiếc cầu muôn thuở 3/ Tôn Giả tí hon 4/ Không đau ruột bằng . . . 5/ Dạy khỉ nói Phần 02 : 6/ Mục Kiền Liên 7/ Bát cơm cúng dường 8/ Vườn Nai 9/ Duyên xưa nghiệp củ
23/01/2011(Xem: 2960)
Người ta truyền tụng rằng tại Nam Thiên Đệ Nhất Động có một vị sư tu hành đắc đạo. Có lúc sư ngồi thiền cả tháng, không ăn không uống, không lay động để thể hiện trí tuệ dũng mãnh của của Phật.
20/01/2011(Xem: 2524)
Thằng Hào cảm thấy hạnh phúc vô bờ, nó cứ muốn cho giây phút này kéo dài ra, dài ra mãi mãi… Nó cảm nhận được, cảm thấy được từ bên ngoài vừa có một mùa Xuân an vui...
20/01/2011(Xem: 3607)
Tôi giật mình thức giấc khi nghe tiếng chim hót líu lo líu rít bên ngoài: - “Ôi! Tiếng chim hót ở đâu, sao giống miền quê mình đến thế...” Vươn vai đứng dậy, tôi nói trong tiếng ngáp dài rồi chợt im bặt lại khi kịp nhớ ra... đây chẳng phải là những nơi mà mình từng đến từng đi trong suốt mấy chục năm qua.
19/01/2011(Xem: 17082)
Trở về từ Xứ Tuyết - Nguyên Phong
15/01/2011(Xem: 4684)
1- Vậy là chỉ còn ba ngày nữa, đúng chiều hai mươi ba tháng Chạp, sẽ diễn ra trận chung kết bóng đá tranh ngôi vô địch. Đây là cúp bóng đá dành cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, mồ côi được tuyển chọn từ các Nhà Mở, Làng S.O.S, và các gia đình vô gia cư sống lây lất trên vỉa hè trên địa bàn thành phố.
15/01/2011(Xem: 3382)
Mất cũng phải hết một ngày đêm suy nghĩ đến nhức đầu mệt óc, cắn trụi móng của ngón tay cái, thằng Thạch mới tìm ra được cách giải cho bài toán hóc búa đã làm cho nó mất ăn mất ngủ suốt một tuần qua. Tìm ra được là một chuyện, còn giải được hay không là chuyện khác, phải tùy thuộc vào… ông nội. Thằng Thạch quyết định về quê
15/01/2011(Xem: 4074)
Mọi lần, khi vợ chồng tôi cãi vã nhau chẳng đi đến đâu, tôi đều giận lẫy bỏ đi khỏi nhà, khi thì bồng con theo khi thì chỉ đi một mình tay không. Và, anh ấy sẽ chạy theo, đến một chỗ vắng vẻ nào đó mới níu kéo, năn nỉ, xuống nước xin lỗi. Anh ấy luôn luôn là người nhường nhịn, làm hòa trước. Vậy mà lần này, sau cuộc kình cãi kịch liệt, lời qua tiếng lại có phần động chạm tự ái của nhau, tôi giận muốn khùng lên, bỏ đi khỏi căn nhà đang ấm cúng. Tôi bỏ đi khỏi nhà lần này nhằm vào lúc chẳng còn bao lâu nữa là bước sang năm mới, vậy mới là... giận. Vừa đi, tôi vừa nhìn chừng lại phía sau, hy vọng anh ấy sẽ đuổi theo. Nhưng không, không hề thấy anh ấy.
15/01/2011(Xem: 3107)
Ngồi bên cửa sổ trên căn gác thấp lè tè, thằng Hào nhìn bâng quơ xuống con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo chạy ngang trước nhà, đôi mắt nó long lanh ngấn lệ. Nó đâu có muốn khóc, vì nó căm ghét nước mắt lắm. Nó đâu có ưa gì chuyện khóc lóc, vì nó cho đó là yếu hèn, và khóc lóc kể lể là đặc tính chỉ nên dành cho phụ nữ. Mình là con trai thì nhất quyết không được khóc
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]