Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Sống chung với lũ

22/03/201114:25(Xem: 3083)
10. Sống chung với lũ

BÓNG THỜI GIAN
Tác giả: Diệu Kim

SỐNG CHUNG VỚI LŨ

Đang yên thân tu hành tại một ngôi tự viện trong thị xã, thầy bỗng phát nguyện về vùng sâu vùng xa hóa đạo. Lập tức, thầy được giao một ngôi chùa nhỏ ở huyện biên giới. Thế là, khăn gói lên đường. Hành trang chỉ có cái đãy nâu nhẹ tênh và một trái tim hừng hực lửa yêu đời, yêu Phật pháp, chúng sanh.

Thế mà bây giờ, sau 5 năm, thầy chán nản muốn bỏ đi, muốn chạy khỏi nơi này bởi quá mệt mỏi và thất vọng. Thầy ngồi bó gối nhìn ra sân chùa, nơi con nước tràn về lênh láng, ngập hết mấy luống rau, ngập cả căn bếp thấp. Thầy không buồn ăn cơm, chỉ uống ly bột đậu nành cầm hơi, chờ con nước rút. Mà nó cũng không rút bao nhiêu, thầy biết phải chịu đựng suốt mấy tháng như thế mới tới mùa khô. Cái xứ Đồng Tháp Mười này năm nào cũng có lũ về, như chuyện thường ngày ở huyện. Thành ra, chỉ có mỗi việc là chờ đợi, và nước vẫn ngập vô tư...

Đôi mắt thầy chạm phải cánh cổng tam quan. Hình ảnh xưa chợt hiện về. Ngày đó, thầy hăng hái lên đường “nhận nhiệm sở”, sau những năm ngồi mòn ghế giảng đường Phật học, thèm một cái gì đó thay đổi khác đi. Và không ngờ, chùa ở xa quá chừng xa. Xe từ thị xã phải đi tiếp mấy chục cây số nữa. Xuống xe, đi bộ ra bến sông, đợi đò. Con đò ung dung qua lại giữa hai bờ xanh biếc cỏ cây, như không thèm đếm xỉa gì tới cái nóng ruột của khách.

Và dòng sông đã làm thêm một nhịp cắt nữa với thế giới văn minh bên này. Qua bờ bên kia, là một thế giới nghèo khổ, lạc hậu. Những mái tranh xiêu vẹo, những con người lam lũ, thiếu thốn cả phương tiện giải trí, văn hóa. Đêm đêm, chỉ có cái ra-đi-ô phát ra những câu vọng cổ buồn não nuột. Xa xa mới có một căn nhà sắm tivi, chớp tắt đèn màu như một tụ điểm sang trọng nhất xóm...

Và chùa của thầy lọt thỏm giữa một khu đất mọc đầy cỏ dại. Mái ngói cũ kỹ thấp lè tè chỉ đủ che nắng mưa cho tượng Phật nhỏ, đường nét điêu khắc chất phác như gương mặt người nông dân thế kỷ trước. Quanh Phật Thích Ca, có thêm vài tượng nữa, cũng đất sét thô mộc, đường nét chân chất. Bồ Tát Quán Âm giống y bà mẹ ở nhà, gò má bầu bĩnh thấy mà thương. Còn ông Thiện thì đẹp trai hiền khô như cái anh đóng tuồng hát bội về cúng đình năm nọ. Ông Ác cũng không thấy ghê chút nào, mà như ẩn giấu một nụ cười trong cái nhe răng hùng hổ. Thầy đứng ngắm mấy pho tượng, mỉm cười một mình.

Từ chánh điện vừa bước mấy sải là đã ra tới hậu tổ và nhà bếp. Tất cả đều lợp tole, thủng lỗ chỗ, trơ trọi mấy cục gạch ông táo đen thui đầu, lạnh ngắt củi lửa. Thầy quơ đại mấy nhánh xoài khô mới rụng ngoài vườn, nhen một ấm trà. Thầy bưng trà lên cúng Phật. Hương trà nghi ngút lẫn vào hương cỏ chung quanh...

Gần hai năm sống độc cư... Một mình thầy quanh quẩn trong chùa, hết làm cỏ vườn, tới trồng rau cải, rồi nấu cơm, rửa chén, rồi tụng kinh, niệm Phật. Dân chúng không ai tới chùa, chỉ đứng ngoài nhìn vô quan sát. Thầy mở cổng chùa thật rộng, nhưng chẳng có ai bước qua lằn ranh ấy để vào.

Thấy vậy, thầy đã làm mọi cách để tiếp cận. Đầu tiên là làm quen với lũ trẻ con trong xóm. Thôi thì, mỗi ngày có bao nhiêu bánh kẹo thầy đều đem ra đãi hết. Lũ trẻ tới chùa ào ào, cười giỡn tưng bừng. Thầy dạy chúng niệm Phật, đi kinh hành, dạy chúng đừng chửi thề, nói tục. Hết bánh kẹo, tới xâu chuỗi, tập vở, bút mực... Thầy trút hết túi hò túi xê ra lo cho tụi nhỏ, vì gia đình chúng cũng quá nghèo. Nhưng hình như đâu vẫn hoàn đấy. Chúng nó ăn hết bao nhiêu bánh kẹo rồi mà vẫn nghịch ngợm như quỷ sứ, tới giờ thầy tụng kinh là chúng vô tư chạy giỡn, thậm chí có thằng Tí còn rình ăn cắp cái búa chẻ củi của thầy đem đi bán để đánh bài. Con Na lén lén ra vườn chọi xoài, mấy chùm xoài cát thầy để dành bẻ cúng Phật bị nó ném rụng xuống chấm nước mắm đường sạch ráo. Rồi đến lượt cha mẹ chúng mon men tới chùa. Thầy lại khuyên ăn chay, niệm Phật. Nhưng họ lắc đầu: “Tui hồi nào tới giờ hổng biết ăn chay thầy ơi. Thôi, ăn hiền ở lành được rồi, cần gì phải tu hả thầy?” Họ bươn bả xin thầy mớ rau, trái chuối rồi dông tuốt về nhà. Thầy nhìn theo, đau buốt trong lòng.

Chưa hết, mới đây thôi, có những chuyện khiến thầy càng thêm chán nản. Số là thầy lấy hai câu thơ trong cuốn sách của Hòa thượng Nhân Từ, sửa lại chút ít cho vần, rồi khắc lên hai cây cột ngoài cổng tam quan. Nhưng chính quyền xã không biết nguồn gốc hai câu thơ, cứ làm khó bảo thầy đục bỏ. Thầy làm đơn khiếu nại lên trên, vụ việc còn đang dùng dằng chưa giải quyết xong. Khổ vậy, có những địa phương mà cán bộ nhà nước rất am hiểu tôn giáo, am hiểu văn hóa, lịch sử, đọc nhiều sách báo, thì họ hỗ trợ cho quý thầy và quý sư cô nhiệt tình. Nhưng cũng có một số địa phương mà cán bộ còn hạn chế, thì họ thường gây những khó khăn không đáng có cho chùa chiền. Thầy cũng biết nước chảy không đồng đều, chỗ gò chỗ trũng, nhưng thầy xui quá, gặp ngay chỗ bực mình như vầy. Cứ vài bữa lại có người tới kiểm tra, rồi có người nói vô nói ra đủ thứ, thật là mệt!

Chính vì vậy cái tư tưởng bỏ đi càng lúc càng đậm nét trong đầu thầy. Tìm nơi nào chính quyền dễ chịu, Phật tử thuần thành, thầy tới đó hóa độ là yên thân. Ừ, vậy đi. Thiếu gì chùa của huynh đệ đang mời thầy về ở, giảng dạy. Thầy nhớ hồi đó sư huynh Thiện Trí cười tủm tỉm hỏi: “Suy nghĩ kỹ chưa? Không đơn giản và lãng mạn như ông nghĩ đâu nghen. Thực tế khắc nghiệt lắm, mai mốt bỏ chạy thiên hạ cười đó!” Thầy chắt lưỡi: “Em phát nguyện rồi mà, khó khăn gì em cũng ráng vượt qua. Còn trẻ, phải xông vào nơi khó khăn để gầy dựng Phật pháp chớ sư huynh!” “Hà hà, tui hổng biết. Chỉ biết là chừng nào ngán thì quay về đây ở với tui!” Bây giờ, gương mặt sư huynh lại hiện ra trong trí nhớ thầy. Thầy mà xách đãy về, sư huynh mừng phải biết.

Chiều xuống tự lúc nào. Con nước cũng vơi đi một ít, để lộ nền gạch tàu đóng rong của căn bếp chật chội. Thầy thả chân xuống, phải nấu gói mì ăn trước khi tụng kinh chứ. Thầy cẩn thận dò từng bước, sợ trượt chân ngã vì lớp rong nhớt lầy. Thầy tìm cái hộp quẹt để nhen lửa. Chà, không còn củi. Thầy sơ ý để giàn bếp bị lật, mớ củi chúc đầu xuống nước, ướt nhẹp. Thôi, cứ đốt tạm mấy cọng lá dừa này, đủ sôi gói mì. Mai tính tiếp.

Thầy đang loay hoay thì nghe tiếng gọi:

– Thầy ơi! Thầy ơi!

– Ai đó?

– Tui đây. Thầy ra mở cổng tui vô thầy ơi.

Cánh cổng thầy đã gài chặt tự hôm rày, vì không muốn ai quấy nhiễu nữa. Thầy muốn thu mình lại, không dính dáng gì tới cái thế giới xung quanh. Thầy miễn cưỡng đi ra mở khoá.

– Bà Tám mới qua. Nước nôi lênh láng vầy bà đi đâu cực vậy?

– Mèn ơi, thấy chùa đóng cửa kín mít mấy bữa, tui sợ thầy có đau ốm gì không, chạy qua coi thử.

Thầy cười:

– Tôi không sao.

– Ủa, thầy cầm tô chi vậy? Thầy chưa ăn cơm hả?

– À, tôi định nấu gói mì. Bà kêu nên chạy riết ra.

– Mèn ơi, hổng có cơm sao thầy ăn mì? Hay để tui kêu sắp nhỏ bưng cơm qua thầy nghen. Có đồ ăn không? Chắc thầy hổng đi chợ được hả, thôi để tui cúng thầy chai nước tương với mấy trái đậu bắp. Tui chạy về rồi tui đem qua. Thầy đừng đóng cổng nghen. Để đó tui vô khỏi kêu thầy mắc công.

Bà Tám nói một hơi rồi te tái đi về. Cái quần đen rách dưới lai xắn cao hai bên hông lội lũm chũm trong lớp nước đục ngầu phù sa trên sân chùa.

Chưa đầy mười phút, bà Tám trở qua liền, kéo theo một đám con nít chuyên bắn tỉa bánh kẹo của thầy. Chúng nhào tới chỗ thầy tíu tít:

– Trời ơi, tự hôm rày thầy hổng mở cửa chùa, tụi con buồn muốn chết. Muốn vô, mà hổng dám kêu.

Thầy ngó lơ chỗ khác:

– Bữa nay thầy hết bánh rồi.

– Dạ đâu có sao. Tụi con ngồi chơi. Thầy kể chuyện cổ tích đi thầy. Chuyện cái ông gì chém được 99 ngón tay của người ta đó, còn 1 ngón thì ổng rượt ông Phật của mình định chém nữa. Hay chuyện con voi say. Mà thôi, chuyện thái tử giết cha cướp ngôi đi thầy...

Con Na liền nạt đứa bạn:

– Ê, mầy lộn xộn quá! Mầy biểu thầy kể tùm lum làm sao thầy kể kịp. Nghe chuyện nào thì nghe một chuyện thôi chớ.

Thầy phì cười:

– Được rồi. Từ từ thầy kể.

Bà Tám la lên:

– Tụi bây tránh ra cho thầy ăn cơm. Thầy đang đói bụng mà kể cái gì. Thầy đừng có chiều tụi nó.

Lũ trẻ chạy ào lên chánh điện. Thầy nghe tiếng tụi nó chí choé giành chỗ đứng và tiếng thằng cu Mít niệm Phật mà gào to lên muốn đứt gân cổ. Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Mọi hôm thầy nghe vậy thì bực lắm, vì dạy hoài mà nó không chịu niệm nhẹ nhàng hơn, nhưng hôm nay thì thầy lại tức cười. Thôi kệ, nó la làng cũng được, miễn tiếng đó là tiếng Phật, còn hơn nó chửi thề. Còn mấy thằng nhóc kia đứa thì chen lấn đứng trước đứng sau, đứa lại không thèm chắp tay mà cứ vung vẩy như múa. Cũng kệ luôn, vì dù sao nó giỡn ở đây cũng đỡ hơn chạy chơi chỗ khác rồi bị rủ rê đánh bài, đánh lô tô, sinh ra đánh lộn.

Thầy hơi chạnh lòng, mai mốt thầy đi rồi tha hồ tụi nó quậy phá, hay là không thèm tới chùa nữa, bỏ mặc ông Phật ngồi cô đơn trên chánh điện. Kệ, chuyện đó có người khác lo, thầy hổng muốn lo nữa.

Thầy và cho xong miếng cơm cuối cùng. Bà Tám luộc đậu bắp thiệt ngon, vừa chín tới, nóng hổi, chấm nước tương thơm thơm. Trời, lâu lắm mới thấy có người cúng dường à nghen. Ở đây, chỉ có thầy bỏ tiền ra cho họ, chớ cúng dường thì toàn mấy cô Phật tử quen ở thị xã. Thôi, ăn lẹ còn đi tụng kinh.

Thầy dọn dẹp chén đũa, chợt trông thấy thằng Tí đang đứng lủi thủi trong góc cột. Tí bắt gặp ánh mắt của thầy liền cúi mặt xuống. Thầy hỏi:

– Sao không lên niệm Phật với các bạn?

– Dạ...

Thằng Tí ngần ngừ. Thầy sực nhớ thầy đã cấm nó lai vãng trong khu vực này, chỉ được quyền đi từ cổng vô tới cánh cửa mà thôi. Bữa nay vô tới bếp là quá mức rồi. Thằng Tí lắp bắp:

– Con... con... xin lỗi thầy. Con hổng dám làm vậy nữa đâu.

Thầy ừm nhỏ trong họng, không rõ là có ừ hay không. Tí thấy thầy không la, hơi mừng. Nó vội vàng phóng lại chỗ giàn bếp:

– Thầy để con sửa đống củi lại cho, mai thầy có củi khô mà nấu cơm. Nãy giờ con nghe bà Tám cằn nhằn quá chừng vì đám củi ướt.

Nói xong, nó lẹ làng chất một mớ củi lên ông táo, tận dụng hơi nóng của đám tro nãy giờ bà Tám luộc đậu bắp và nấu ấm trà, như vậy sáng mai củi sẽ khô. Đám còn lại ngả nghiêng trên giàn, nó kê lại cho ngay ngắn. Thầy nhìn nó, dịu giọng:

– Thôi được rồi. Mai con rảnh thì tới giúp thầy đem phơi.

Thằng Tí dạ thiệt lớn:

– Mai con tới liền. Thầy làm cái gì nữa thì cứ biểu con làm.

– Đem luôn cuốn tập tới thầy dạy tiếp mấy chữ hôm nọ học dở dang.

– Dạ.

Thằng Tí nhảy tưng lên, niềm vui vì được thầy “tha bổng.” Thầy bước lên chánh điện bảo tụi nhỏ:

– Các con niệm Phật như vậy là tốt lắm. Bây giờ đi về nghen, cho thầy tụng kinh, mai lại tới.

Tụi nhỏ vâng lời. Nhưng thầy vẫn nhờ bà Tám ra đóng giùm cánh cổng, vì sợ có đứa ngẫu hứng chạy vô chơi, la hét um sùm như mọi hôm. Cả thằng Tí cũng phải đi về, vì không ai coi chừng nó, biết đâu nó lại trở chứng. Bà Tám nấn ná ở lại lau dọn giúp thầy mấy thứ lặt vặt trong hậu tổ.

Thầy tụng kinh xong, xuống bàn trà ngồi nhâm nhi ly trà nóng bà Tám pha sẵn. Nhìn ra bầu trời chỉ một vầng trăng khuyết lơ lửng buồn hiu rọi xuống một vùng mênh mông nước lũ, thầy thở dài:

– Dân mình ở đây khổ quá!

Bà Tám cười:

– Riết rồi quen thầy ơi! Có lúc cực quá đâm nản, nhưng nghĩ không ở đây thì ở đâu. Một là bỏ xứ mà đi, hai là ở lại, chịu đựng và tìm cách sống chung với lũ. Chỉ có hai con đường đó thôi, không cách nào khác. Mà tụi tui không ai bỏ đi cả. Ở lại hết, cũng sống được vậy.

Thầy im lặng. Bà Tám giả lả:

– Thầy lo làm chi. Có lo thì lo làm lại cái cổng chùa kìa, sứt bản lề rồi. Tui biết thầy mệt với tụi con nít này lắm, đóng cửa phứt cho xong, hổng ai trách thầy đâu. Còn hễ thầy mở cửa là tụi nó ào vô, thầy ráng mà chịu đựng. Thôi tui về. Mai thầy muốn ăn gì thì gởi tui đi chợ mua giùm cho, chớ nước nôi lênh láng thầy đi cực lắm.

Thầy cảm ơn bà Tám, tiễn bà ra cổng, không quên kiểm tra cái bản lề cửa. Ừ, nó sứt thiệt rồi. Mai sẽ sửa.

Nhưng sáng hôm sau, thầy cầm kềm bẻ luôn cái bản lề bị sứt. Cổng chùa mở toang, không cần khoá nữa. Lời bà Tám văng vẳng bên tai thầy. Một là bỏ xứ mà đi, hai là ở lại, chịu đựng và tìm cách sống chung với lũ. Thầy cũng phải chọn một trong hai con đường y như vậy. Một là bỏ đi, hoặc đóng cửa chùa tĩnh tu cho yên thân, cũng không ai trách thầy. Hai là, đã phát tâm Đại thừa hóa độ chúng sanh thì phải mở cửa ra chấp nhận khó khăn. Không có con đường thứ ba. Và không tiến, thì ắt phải lui. Thôi, ráng thêm chút nữa. Còn nước còn tát mà. Thầy chợt nhớ tới cái giọng niệm Phật gào to của thằng cu Mít, nhớ bàn tay thằng Tí sửa lại mớ củi trên giàn, nhớ chai nước tương của bà Tám... Vẫn còn đâu đó những tấm lòng. Vẫn còn đâu đó chút thiện căn. Thầy ráng khơi gợi thêm chút nữa, vẫn chưa hết hy vọng. Lê Lợi mười năm nếm mật nằm gai mới chiến thắng quân Minh. Huống chi thầy đang chiến đấu với bao nhiêu tập khí của chúng sanh, khó khăn hơn nhiều, mới 5 năm vẫn chưa bằng Lê Lợi. Ừ, thôi cho thêm cái hẹn vài năm nữa, nếu thầy vẫn không làm gì được cho xứ sở này thì coi như không đủ phước duyên, khi ấy nói lời chia tay cũng không muộn.

Hôm sau nữa, thầy ra huyện đặt một sư cô làm 100 cái bánh bao chay loại đặc biệt đem về phát cho dân trong xóm. Mọi người tấm tắc khen:

– Ngon quá thầy ơi! Tự hồi nào tới giờ mới ăn thử bánh chay à nghen.

Thầy cười:

– Còn nhiều món độc chiêu nữa, bữa nào thầy đãi.

– Ủa, sao thầy nói mùa nước này thầy về thị xã ở?

– Không, thầy vẫn ở đây. Phải sống chung với lũ chớ!

Con lũ chồm lên như đáp lời thầy. Nước vỗ vào cổng tam quan, cuốn theo mấy chú cá rô non lội tung tăng. Cánh cổng mở sẵn rồi, cứ vô đi các con! Mấy chú cá tròn mắt nhìn thầy. Lũ cũng có niềm vui phải không ta?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/10/2013(Xem: 19834)
Có những ngày trong đời, người ta thả trôi lòng mình theo dòng cuốn dập dềnh bất định của bao cảm giác. Vui thì cười nói hồn nhiên, lộ vẻ sung sướng, buồn thì mặt dàu dàu cúi xuống để nước mắt rơi thành dòng. Điều đó chẳng có gì lạ, Còn vui buồn, còn cười khóc được thì hãy còn là con người.
11/10/2013(Xem: 6181)
Em là đóa hoa đứng bên hàng giậu, có chàng trai trẻ ngắm em rồi làm thơ bảo rằng em cười với chàng, đã thấy em trong tiền kiếp. Chỉ có thế thôi mà bài thơ của chàng được một Thiền Sư viết văn trứ danh liệt vào loại thơ Thiền, nhờ đó loài hoa nhà quê như em trở thành nổi tiếng. Một đóa hoa Dâm Bụt đứng bên hàng giậu.
11/10/2013(Xem: 5413)
Em ơi, nếu mộng không thành thì sao ? Mua chai thuốc chuột, uống cho rồi đời. Ngày xưa còn bé, Hoa Lan nghịch ngợm ghê lắm cứ theo bọn con trai leo trèo, chơi đánh kiếm cho đúng câu tiên đoán thần sầu của bà nội. Bà mụ nặn lầm con bé này rồi, phải chi ra thằng cu thì đúng hơn. Do đó Hoa Lan tối ngày chỉ ở trên cây ổi nằm vắt vẻo đong đưa, hát vu vơ mấy câu cải biên bài Duyên Kiếp của chàng nhạc sĩ họ Lầm, rồi thích chí cười vang. Cười đây không có nghĩa là biểu đồng tình với nội dung câu hát ấy đâu, nếu vì một giấc mộng nào đó không thành, dám bưng chai thuốc chuột nốc ừng ực, cái đó không có Hoa Lan rồi đấy, các bạn ạ!
10/10/2013(Xem: 4400)
Để nói về một điều gì thật ồn, thiên hạ vẫn bảo “ồn như cái chợ„ .Thế nhưng với tôi, có một nơi ồn còn hơn cái chợ, đó là ngày họp mặt thầy và trò của trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi tổ chức nhằm vào 26-07-2008.
10/10/2013(Xem: 5298)
Khi tôi biết sẽ định cư tại Thụy Sĩ, cái xứ nhỏ xíu, diện tích chỉ 41.300 cây số vuông, dân số khoảng hơn 7 triệu người, trong đó đã có gần hai triệu người ngoại quốc, tôi thật nản.
25/09/2013(Xem: 8178)
Đang nằm bịnh gần...vãng sanh, có tiếng điện thoại reo, giọng của chị bạn thân: - Đi ...tu không? Tôi phều phào: - Chùa nào? - Tu viện Viên Đức. - A, Thọ Bát Quan Trai đấy hả? - Vâng, xe còn một chỗ trống, sáng mai 7 giờ xuất hành, đi không? - O.K.
25/09/2013(Xem: 11017)
Thế là, dù muốn hay không, tôi vẫn phải nhận thêm một tuổi nữa, và năm nay… Nhâm Thìn là năm tuổi của tôi. Thuở còn bé, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe… ké người lớn nói chuyện với nhau: “Năm tuổi của tôi”. Tôi không rõ năm tuổi là năm gì, ý nghĩa ra sao, nhưng qua câu nói và thái độ khi nói, tôi vẫn cảm nhận được nỗi lo lắng sợ hãi của các bậc trưởng thượng. Sợ gì nhỉ? Tai nạn? Đau ốm? Mất mát hay chết? Nhưng rồi sau đó có ai chết đâu và có xảy ra chuyện gì đâu. Còn xui xẻo trong năm, nếu có, thì tuổi nào mà tránh được, chả cứ năm tuổi. Thế nhưng, các bác vẫn sợ và e dè để rồi năm đó “án binh bất động” không cựa quậy gì ráo.
25/09/2013(Xem: 6820)
Trong nhà Phật chúng ta hay nghe đến hai chữ Nhân Duyên, hết nhân nọ đến duyên kia trùng trùng duyên khởi. Nhưng chưa ai chịu tỉ mỉ phân loại các nhân duyên kiểu “à la Hoa Lan“ như thế này. Với sư phụ Giác Duyên là duyên Phật pháp, đến chàng Nghịch Duyên nhất định phải là duyên con Tiều, tiếp đến chàng A Còng là duyên “gió cõng đò đưa“. Hôm nay với Thi Thi Hồng Ngọc một cây bút nữ của tờ báo Viên Giác, thuộc hàng con cháu sinh sau đẻ muộn, là duyên “Thiên cơ bất khả lậu“.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]