Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

9. Phóng sanh

22/03/201114:25(Xem: 2732)
9. Phóng sanh

BÓNG THỜI GIAN
Tác giả: Diệu Kim

PHÓNG SANH

Mỗi ngày rằm, ngôi chùa nhỏ ven sông lại xôn xao. Tiếng lũ trẻ chạy khắp xóm la rân: “Lại coi thầy phóng sanh tụi bây ơi!” Những bàn chân khẳng khiu, đen mốc vì suy dinh dưỡng sải ào ào trên đường làng mấp mô đất sau một cơn mưa. Và rồi những gương mặt đen nhẻm bởi nắng gió tụ tập đen kín vòng trong vòng ngoài...

Thầy bảo cô Diệu Thiện bưng thau cá ra bờ sông. Cái thau màu xanh cũ kỹ nhưng bên trong đặc khừ những cá khiến lũ trẻ reo lên: “Trời ơi, cá rô ngon quá chừng bây ơi! Tép, tép nữa kìa.” Cô Diệu Thiện chắt lưỡi: “Ngon cái gì! Người ta phóng sanh mà tụi con muốn ăn hay sao lại bảo ngon?” Thằng Được buột miệng: “Dạ ngon thiệt chớ! Con cá rô bự chảng kia con ăn cả chén cơm lận đó!” Con Thuý thấy vậy hùa theo: “Ừa, tao mà có vài con tép kia rang lên ăn cũng đã. Hôm qua má tao cho ăn kho quẹt mặn chát.”

Cô Diệu Thiện xua tay: “Thôi thôi, nín dùm đi mấy anh mấy chị. Sao mà om sòm, nói bậy nói bạ, thầy la bây giờ. Tối ngày lo ăn không hà, sát sanh không sợ!” Cô vừa dứt lời thì thầy ra tới. Lũ trẻ im bặt. Chúng nín thở nhìn theo bàn tay thầy đang cầm một nhánh bông trang nhúng trong ly nước trắng. Thầy bắt đầu tụng chú, rồi dùng nhánh bông rải nước lên cái thau, chuẩn bị thả cá. Lũ cá nghe xao động mặt nước, liền quẫy đuôi làm bắn nước lên tung toé.

Cô Diệu Hoa và cô Diệu Hồng là hai người xuất tiền mua cá thả hôm nay, nên được “vinh dự” cầm cái thau nghiêng xuống bờ sông. Cá tép trong thau tuột dần xuống. Tép thì búng tanh tách, còn những cái lưng đen bóng của cá rô và cá bống dừa thì lơ lửng một hồi trong làn nước xanh biếc trước khi tỉnh táo hẳn để quẫy đuôi thật mạnh lội băng theo dòng, mất hút vào mênh mông tìm lại cuộc đời tự do. Ắt hẳn chúng phải “hú hồn hú vía” sau một cuộc truy bắt tưởng đâu đã tiêu đời trong nồi trong chảo. Hai cô Phật tử nở nụ cười sung sướng. Hôm nay họ thả gần 10 ký cá chứ ít sao, sơ sơ 1 ký chừng 70 con lớn nhỏ, vị chi hai cô đã giải thoát cho 700 sinh mạng. Phước đức biết chừng nào!

Cô Diệu Huệ chắp tay: “Bạch thầy, tháng sau con xin đăng ký phóng sanh.” Cô Diệu Thông cũng chắp tay: “Bạch thầy, cho con cùng đăng ký với cô Huệ.” Thầy gật đầu: “Được rồi, thầy sẽ ghi tên hai cô vào sổ. Còn ai muốn phóng sanh nữa thì cứ đăng ký sau nhé.” Cả đoàn người lục tục kéo nhau lên chùa lạy Phật trước khi ai về nhà nấy.

Bến sông chỉ còn trơ lại anh Năm Thìn, ngồi chồm hổm dưới gốc cây ô môi nhìn hoài xuống mặt nước. Bà Bảy đi ngang qua hỏi: “Mầy chưa về hả Năm? Nhìn gì dữ vậy?” Năm Thìn gãi đầu: “Ờ... thì tui nhìn... cá. Tiếc ghê hén bà Bảy. Hồi nãy mà có lưới kéo một cái thì... đã tay. Tự hôm rày tui tát mương, kéo lưới gì cũng ít xịt cá, tụi nhỏ ở nhà ăn cực quá chừng.” Bà Bảy nạt: “Nói bậy. Người ta thả, bây lại đòi bắt. Người ta lo phóng sanh cho có phước, bây cứ nghĩ chuyện sát sanh.”

Năm Thìn thở dài: “Tui cũng biết phóng sanh thì có phước, nhưng mình nghèo quá đâu có tiền mua cá mà thả như mấy cô Phật tử đó. Con tui còn không có cá ăn, lấy đâu tới thả. Mà bà Bảy nói đừng sát sanh, vậy vợ con tui biết ăn cái gì bây giờ? Bà không thấy cả làng cả xã mình phần lớn nghèo như tui, sống nhờ con cá dưới sông, cọng rau trong vườn, quanh năm không có đồng bạc nào để đi chợ. Lo tiền trường cho con, tiền thuốc cho vợ, đã muốn ná thở.”

Nghe giọng Năm Thìn hơi dằn dỗi, bà Bảy tức cười: “Ai biểu bây kiếp trước không chịu tu, bây giờ phải chịu cái nghiệp. Càng sát sanh thì càng khổ hơn đó con. Nếu làm được như mấy cô Phật tử đó thì cái nghiệp mới nhẹ đi.” “Thôi bà ơi, tui biết hết trơn á. Nhưng bây giờ biểu vợ con tui nhịn ăn cá luôn chắc... nó chết. Bà cho tiền tui mua tàu hủ đi, cả nhà tui sẵn sàng ăn chay liền.” Bà Bảy phì cười: “Thì bắt cá bán, đem tiền mua tàu hủ.” Năm Thìn phủi đít đứng dậy: “Bà chọc tui hoài. Làm kiểu đó phóng sanh chi cho mất công.” Và anh ta bươn bả đi về nhà.

Căn nhà như một căn chòi nhỏ xíu, bốn bề vách lá thủng lỗ chỗ, che thêm mấy tấm ni lông đủ màu anh lượm lặt quanh chợ. Cả xóm có rất nhiều căn nhà như thế, nên riết rồi Năm Thìn tự an ủi, quên đi giấc mơ hồi mới cưới vợ là phải có một căn nhà tử tế. Chỉ lo chạy gạo và tiền tập vở, quần áo cho hai đứa con đã đủ mệt. Nhìn con Thúy đã mười tuổi nhưng tong teo chỉ bằng con bé Misa 6 tuổi của chú em trai trên thành phố mà Năm Thìn đứt ruột. Bữa anh lên thành phố thăm chú Út, thấy mâm cơm đầy vung nào cá thu chiên, nào thịt chà bông, nào chả lụa, vậy mà con bé Misa cứ ngúng nguẩy không thèm ăn. Chả bù với con Thúy và thằng Thương, bữa nào cũng cá kho khô, tép rang, canh rau mồng tơi hái ngoài hàng rào, vậy mà vét nồi cạn đáy. Nhưng đó là còn may, chớ bữa nào Năm Thìn tát mương, kéo lưới không có cá, thì vợ con anh ăn nước mắm là chuyện thường. Con nít cả xóm này cũng y như vậy, nên thôi, than thở làm gì.

Nhưng mỗi lần mấy cô Phật tử phóng sanh cá, là Năm Thìn... ngồi tiếc. Anh biết mình nghĩ bậy, nhưng tự nhiên nó nghĩ, biết làm sao! Ước gì mình có đủ phước đức như người ta mình cũng đi phóng sanh, chớ ai mà muốn tạo tội sát sanh làm chi!

°

Lật bật mà một tháng trôi qua thiệt mau. Lại tới ngày phóng sanh. Chùa lại rộn ràng, bến sông lại đầy ken con nít và dân trong xóm. Nhưng lạ, sao lần này hổng thấy mấy cô Phật tử đánh tiếng cho người ta đem cá tới bán như những lần trước. Ngược lại, trong bếp chùa lại um sùm tiếng người cười nói, tiếng dao thớt lộp cộp. Đằng này xắt đậu hũ, đằng kia xắt củ sắn, góc nọ rửa nấm mèo, nấm rơm... Năm Thìn mon men hỏi: “Ủa, chùa mình bữa nay có đám hả bà Bảy?” “Ừ. Thầy mời cả xóm tới ăn đó nghen. Bây đi ra vàm mời mấy nhà ngoài đó, còn trong này thằng Tám Lựa đi rồi. À, coi qua nhà ông Tư mượn thêm mấy cái ghế đi con, sợ thiếu.” Năm Thìn hít mũi: “Chà, làm món gì ngon vậy bà Bảy? Mà... có cho con nít vô ăn không?” “Có. Lớn bé gì thầy cũng đãi hết. Dẫn đám con của bây vô ăn luôn.” Năm Thìn vỗ tay cái chát: “Trời, tui phải về kêu vợ tui đừng nấu cơm!” Bà Bảy cười: “Cái thằng!” Năm Thìn phóng như bay đi.

Mới xế xế trưa mà thức ăn đã nấu xong và dọn lên bàn. Có ba món thôi, nhưng món nào cũng trông thiệt ngon. Đích thân cô Diệu Thông vô bếp, làm “chủ xị”. Cô nấu la-gu chay vàng ươm, béo ngậy, lũ con nít chấm bánh mì tới tấp. Còn món bún riêu chay thì trắng tươi những váng đậu hũ kết lại trong làn nước sóng sánh màu cà chua đỏ hồng, bên cạnh là một dĩa rau giá tươi xanh. Cuối cùng là món cơm bì, chan nước mắm chay ăn không thua gì cơm tấm bì ngoài chợ.

Cả xóm ăn vui quá chừng, mà hổng biết thầy cúng đám gì, sao không nghe thông báo trước. Đám giỗ Hòa thượng thì đã qua rồi. Phật đản, không phải. Vu Lan, cũng không. Thôi kệ, từ từ hỏi sau, miễn thầy cho ăn là đỡ đi chợ một bữa. Nói nghe kỳ vậy ta? Ừ, thì kỳ, nhưng thiệt tình là vậy. Bữa nay Năm Thìn cũng khỏi đi kéo lưới. Tám Lựa khỏi đi cào cá chạch. Chà, bữa nay có cả chục con cá chạch thoát khỏi cái bàn cào bén ngót của Tám Lựa nghen. Thôi ăn đi cha, ngồi ăn chay mà cứ nhớ mấy con cá, tội lút đầu. Hổng phải đâu cha, tui đang mừng giùm nó là bữa nay nó thoát chết. Ừ, vậy thì được. Ủa mà ăn chay vầy coi bộ còn bổ hơn mấy bữa nhà tui ăn nước mắm à nghen. Chớ sao, coi nè, tàu hủ, nấm rơm toàn là chất gì... gì... tương đương thịt cá, bữa thầy giảng quên mất tiêu rồi. Chất đạm cha ơi. Nghe lỗ tai bên đây chạy lỗ tai bên kia. Ờ ờ, chất đạm. Thúy, Thương, ăn nhiều nhiều vô con, bù lỗ hôm qua ăn cực, lát nữa ba xin thầy một túm đem về chiều cho con ăn. Trời đất, tham quá đi, ăn còn đòi xách dìa! Kệ tui, tui nghèo, thầy thương, có gì xấu hổ. Phật từ bi chớ bộ...

Loáng cái, thức ăn đã sạch nhẵn. Mọi người sực nhớ: “Thầy ơi, thả cá đi thầy, bộ thầy quên hả thầy?” Thầy bước ra tủm tỉm cười: “Thầy thả rồi.” Mọi người ngơ ngác: “Ủa, hồi nào? Sao con không thấy?” “Thầy thả lúc các con đang ăn đó.” “Mèn ơi, sao thầy hổng kêu tụi con ra coi.” “Chính tay các con thả, đâu cần chạy đi đâu coi nữa.” “Ơ... vậy là sao...”

Thầy lại tủm tỉm cười: “Mỗi bữa ăn, con ăn bao nhiêu con cá? Thí dụ cá bống đi.” “Dạ, cá bống nhỏ xíu chắc phải ăn 10 con.” “Vậy ở đây có tất cả bao nhiêu người?” “Dạ, chừng 70 người, tính luôn con nít đó thầy.” “Ừ, làm toán nhân thử coi một bữa sáng 70 người ăn có phải hết 700 con cá bống không. Mà hôm nay các con ăn chay, nghĩa là các con vừa tha cho 700 sinh mạng. Như vậy các con đã phóng sanh rồi, đâu cần phải xuống sông làm lễ thả cá nữa.”

“Nhưng thầy ơi, tiền này của cô Diệu Thông và Diệu Huệ đi chợ làm tiệc, thì phước đức phóng sanh là của hai cô chớ tụi con chỉ ăn thôi, đâu có phước.”

“À, chuyện này thì ngược lại. Nếu cô Thông, cô Huệ mua cá thả thì chỉ hai cô có phước, nhưng nếu hai cô làm tiệc chay đãi 70 người thì cả cô lẫn 70 người này đều có phước. Vì 70 người này cùng tham gia tha bổng cho 700 sinh mạng kia mà. Chưa kể, hai cô còn giúp cho dân mình ăn no, đầy đủ chất bổ, trẻ em bớt suy dinh dưỡng, thì thầy nghĩ cái phước đó còn cộng thêm vô cái phước phóng sanh. Phải không nào?”

Cả xóm vỗ tay rần rần: “Hoan hô thầy! Hoan hô cô Thông, cô Huệ!” Thầy đưa nhánh bông trang lên: “Từ nay, mỗi ngày rằm, thay vì bỏ tiền mua cá đem thả, thì chúng ta dùng số tiền ấy nấu tiệc chay đãi cả xóm cùng ăn, cùng giữ giới không sát sanh, các con có chịu không?” “Dạ chịu, dạ chịu.” “Vậy ai đăng ký cho tháng tới thì nói thầy ghi tên vô sổ nhé.” “Dạ, dạ.”

“Bạch thầy, còn tụi con không có tiền làm tiệc thì xin tới phụ giúp nấu nướng, dọn dẹp, chớ ăn hoài mắc nợ nhà chùa...”

“Không sao, miễn con phát tâm giữ giới là đã sinh phước đức. Nhờ giữ giới mà cuộc đời con có thể bớt khổ, hoặc khá giả, rồi sau này đến lượt con làm tiệc đãi lại mọi người.”

“Thầy dạy hay quá. Nhưng thầy ơi, chừng nào giàu tính sau, chớ ngay bây giờ cả xóm cùng quây quần ăn uống, tu hành như vầy con thấy hạnh phúc quá.”

“Đúng vậy, hạnh phúc ngay trong hiện tại. Ngày hôm nay chúng ta còn được ngồi bên nhau hòa thuận trong tình đồng đạo, tình làng nghĩa xóm như thế này chính là một hạnh phúc, phải cảm nhận lấy nó.”

Một hồi trống bát nhã ngân vang. Mặt trời lên cao, đường làng ngập bóng tre bóng trúc. Những dáng người thanh thản bước đi dưới bóng cây râm mát, nghe lòng cũng dịu mát niềm vui. Dưới dòng kênh xanh, những con cá lòng tong nhởn nhơ lội trên mặt nước, tấm lưng thon dài trong veo tung tăng theo từng con sóng nhỏ. Chúng ngước mắt nhìn lên, thấy ai đó mỉm cười với chúng, thật bình yên...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/07/2020(Xem: 8313)
Mẹ từ giã cõi đời vào những ngày cuối năm biến không khí đón tết vui tươi giờ đây càng thêm lặng lẽ. Nhìn Cha già ngồi niệm Phật, cúng lễ phẩm mỗi ngày 3 lần cho Mẹ, trông ra phía trước sân những chậu vạn thọ hoa đã nở tròn, khiến tôi càng thấy buồn và nhớ Mẹ nhiều hơn. Tôi ngồi xem mấy món đồ Mẹ để lại được đựng trong chiếc hộp gỗ đã bạc màu, lòng tôi cảm xúc dâng trào khi nhìn thấy xâu chuỗi bằng hạt bồ đề tự tay tôi làm và những lá thư tôi viết gởi về thăm Mẹ cũng như những bài thơ võ vẽ tập làm từ tuổi ấu thơ. Những bài thơ từ khi tôi viết đến khi Mẹ qua đời đã gần hai mươi năm, tưởng chừng đã hư mất thuở nào nhưng được Mẹ gói trong mấy lớp bao ni lông thì giờ đây cũng đã ố vàng. Đây là rất ít số bài thơ còn sót lại trong thời tuổi thơ của tôi. Cảm xúc nhớ Mẹ dâng trào theo từng câu chữ, những kỷ niệm thuở ấu thơ bên Mẹ hiền đầm ấm, hồn nhiên, hạnh phúc biết bao. Đặc biệt, “Đôi Gánh trên vai Mẹ” là một trong những hình ảnh thiêng liêng của cuộc đời và là nguồn động lực vô cùng lớn
10/07/2020(Xem: 8152)
Hồi tháng Giêng năm nay, ông Mohan Paswan, một tài xế xe thồ tuk-tuk, bị thương trong một tai nạn giao thông. Ông tạm trú ở Gurugram, ngoại ô thủ đô New Delhi, nơi ông suốt ngày hành nghề chở khách bằng chiếc xe cà tàng có gắn máy. Tiền kiếm được ông gửi về quê nuôi vợ con ở Bihar, tiểu bang miền đông Ấn Độ, cách xa đến 700 dặm (trên 1.100 km.) Sau tai nạn, ông Paswan không thể tiếp tục chạy xe để kiếm tiền, không những thế ông cần sự săn sóc. Cô con gái ông, Jyoti Kumari, 15 tuổi, nghe tin liền nhảy lên tàu lửa đi tìm cha rồi ở cạnh ông để chăm lo. Thế rồi cơn đại dịch xảy ra.
02/07/2020(Xem: 5349)
- Chú An ơi, chú còn pin không cho tôi xin với? - Ô, hết rồi Cụ ơi, con cũng không có tiền để mua pin mới! Thôi Cụ chịu khó nghỉ nghe tin tức vài hôm nha, có tiền con sẽ mua cho Cụ! Ông Cụ mắt nhìn vào chiếc radio buồn buồn, cúi đầu xuống rồi lại ngước lên, trông thật tội! -Thì cũng đành vậy thôi. Cám ơn Chú! Cụ có chiếc radio đã cũ lắm rồi, khổ cỡ của nó bằng cuốn vở học trò, cái cần ăng ten đã sứt từ lâu, ông tự chế lại bằng cọng căm xe đạp khiến tiếng nói nghe khàn khàn, thỉnh thoảng ông phải đập đập vào tay nó mới có âm thanh; màu sơn bây giờ cũng phai gần hết, lốm đốm, thay vào đó, mồ hôi tay, nhiều chỗ dính chút xi măng, lấm tấm đất…và thời gian đã làm chiếc radio của ông trông thật tội! Ngày nào cũng vậy, cứ hai lần sáng tối, ông nhìn chiếc đồng hồ treo trên vách đất, đến giờ đài phát thanh thời sự là ông mở radio. Thời gian đầu, mấy Chú lo lắng, vì theo sự quy định của Sư Phụ thì tất cả những chú Tiểu mới vào chùa đều không được phép sử dụng bất cứ loại máy thu
29/06/2020(Xem: 6582)
Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc còn lưu lại một câu đối đậm thiền vị tại ngôi chùa cổ Hội Khánh, nơi đặt Trụ sở Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Dương: “Đại đạo quảng khai thố giác khuê đàm để nguyệt Thiền môn giáo dưỡng, qui mao thằn thụ đầu phong” Tạm dịch: Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây. Chùa xây dựng từ thế kỷ XVIII (1741), 1861 chùa đã bị chiến tranh tàn phá thiêu hủy. Đến năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với khuôn viên trên 1.200m2.
28/06/2020(Xem: 23546)
Bức tượng được sơn son thếp vàng, tạc hình ảnh một nhà vua mặc triều phục đang quỳ gập người, hai bàn tay cung kính mở rộng để trên mặt đất, còn bên trên lưng là một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen nằm đè lên.
25/06/2020(Xem: 5611)
Thầy tôi là Giáo Thọ về môn Lịch Sử Phật Giáo và Cổ Đại Hán Ngữ trường Cao- Trung Phật Học Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu. Thầy có trí nhớ rất tốt, ngoài lĩnh vực chuyên môn thì hầu như “bỏ túi” nhiều bộ tiểu thuyết Lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc như Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử .v.v…Và đây là những viên kẹo tinh thần mà Thầy tôi thường thưởng cho huynh đệ chúng tôi trong lúc làm việc. Tưởng chừng những câu chuyện đó đã trôi vào dĩ vãng theo những năm tháng đầy biến động của cuộc đời, nhưng thật kỳ diệu tất cả dường như đều được sắp xếp lại gọn gàng trong ký ức của tôi như những món quà tâm linh và cùng lớn dần với dòng đời. Thời gian qua, thế giới đang oằn mình giữa cơn đại dịch Covid-19.
18/06/2020(Xem: 3892)
Phiên đại triều của Thiên Đình cứ trăm năm một lần kỳ này diễn ra trong bầu không khí thật hoang mang, mệt mỏi. Thái Bạch Kim Tinh nay đã già yếu lắm rồi. Cụ tâu trình quên trước quên sau khiến Ngọc Hoàng Thượng Đế chau mày rồi cũng phải thông cảm, khoát tay ra hiệu cho qua. Nam Tào, Bắc Đầu tai đã nghễng ngãng, gầy ốm hom hem, vầng trán nhăn nheo vì quá căng thẳng với chuyện của trần gian. Bà Lê Sơn Thánh Mẫu có lẽ nhờ Vườn Đào và biết sửa sang sắc đẹp cho nên trông vẫn trẻ. Thiên Lôi tuy còn khoẻ nhưng kể từ khi loài người chế ra cột thu lôi thì ông chỉ còn “ vớ ” được một vài người ngu ngơ chẳng may lang thang ngoài đồng ruộng trong lúc trời mưa gió. Ngoài ra uy quyền của ông còn bị sứt mẻ vì Ngọc Hoàng Thượng Đế vừa bổ
17/06/2020(Xem: 3264)
- Hai Chú đói bụng lắm phải không? Mặt mày xanh lè, tái mét hết rồi! Con có cơm của Ông Bà Chủ đem ra để chút nữa ăn. Con chia hai chú một miếng nha. Tôi quay nhìn, Dũng Đen chạy đến gần tôi nói giọng líu ríu, Nó chăn đàn vịt thuê cho Ông Bà Chín trong xóm, nghe nói nó quê Miền Tây nhưng không biết chính xác ở nơi nào, chỉ nghe nó kể nhà nghèo, anh em đông, Dũng là con trai lớn, dù thương lắm nhưng Ba Mẹ nó đành bấm bụng cho nó đi giữ vịt thuê lấy tiền để nuôi gia đình. Mỗi năm Dũng chỉ về nhà được một lần trong dịp tết. Dũng Đen nhỏ hơn tôi hai tuổi nhưng trông mạnh khỏe và lanh lợi, mọi người kêu Dũng Đen vì ngoài cặp mắt ra thì cả người nó đen nhánh. Không biết vì da nó đen hay là vì từ nhỏ đến giờ ở ngoài đồng ruộng nên mới đen như vậy?
15/06/2020(Xem: 4695)
Thuở ấy nơi thành Ca Tỳ La Vệ của xứ Ấn Độ nhiều tín ngưỡng, nhiều giai cấp và nhiều bất công, đấy là nơi lý tưởng cho họ sinh ra và gặp nhau để nối mối lương duyên kết thành vợ chồng trong kiếp cuối cùng. Chàng là Thái tử phước báu đầy người với 32 tướng tốt, sức khỏe phi thường. Nàng là công chúa nước nhỏ láng giềng, dung mạo đoan trang và diễm kiều, lúc nào cũng là đối tượng thu hút cho các vương tôn công tử con nhà quyền quý đến tuổi kén vợ. Nhưng duyên trời đã định sẵn cho họ thành vợ chồng, nên cho dù anh chàng Đề Bà Đạt Đa có ba đầu sáu tay đến đâu, có mưu mô giành giật tới đâu cũng không chiếm được trái tim nàng công chúa khả ái này. Tuy nhiên để cho công bằng và theo đúng luật lệ của hoàng gia, các chàng phải thi đấu trong tất cả các bộ môn từ cung cho tới kiếm, ai chiến thắng sẽ được làm phò mã.
04/06/2020(Xem: 4005)
- Nhanh chân lên các con, vào chòi tránh mưa thôi! Tiếng Thầy gọi, huynh đệ chúng tôi mỗi người cùng phụ nhau đem giỏ thức ăn và mấy đồ lặt vặt đi làm vào trong chòi. Gọi cái chòi chứ thật ra đây chỉ là chuồng Bò cũ của ông Sáu già gần chùa đã bỏ vài năm nay, trống trơn, chỉ còn phần mái che ở trên nhưng tranh cũng đã sắp mục rồi! Giữa bốn bề đồng ruộng trống trơn không có bóng cây thì cái chòi tranh là nơi duy nhất để tạm lánh những lúc nắng mưa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]