Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương tám

13/03/201118:11(Xem: 5103)
Chương tám

Á CHÂU HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG TÁM

Sau bữa cơm, chúng tôi đứng dậy và bà chủ nhà đưa chúng tôi ra vườn. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy đức Tuệ Minh, Dật Sĩ và Bút Già đã ngồi sẵn tại dó. Chúng tôi bèn ngồi xuống bên cạnh các vị và liền cảm thấy một sự thoải mái bình an khôn tả. Điều đó cho chúng tôi hiểu rằng, từ đây cuộc đời chúng tôi còn phải nương tựa rất nhiều vào các vị chân sư.

Chúng tôi đã ràng buộc chặt chẽ với các ngài dường như bởi những sợi dây vô hình. Và tôi mơ hồ nhận thấy rằng đó không phải là một điều thật sự tốt đẹp. Mỗi người trong chúng ta cần phải tự mình thực hiện vai trò nhất định của mình trong cuộc đời, và không ai trong chúng ta lại nên làm một con người thụ động, chỉ biết dựa dẫm vào người khác. Tôi hiểu rằng nếu đến một ngày nào đó mà chúng tôi tỏ ra không thể tự mình đứng vững, không cần đến sự trợ giúp, thì các ngài sẽ bắt buộc phải cắt đứt mọi sự liên hệ với chúng tôi. Sau đó, Tô Mặc đã có dịp nêu ra vấn đề này một cách hoàn toàn thành thực và cởi mở.

Mặt trời vừa khuất bóng, ánh tà dương còn tô màu lên cảnh vật lúc trời chiều, bày ra một sự phong phú về màu sắc và một vẻ đẹp khôn tả. Không một ngọn gió thổi, không một tiếng động làm gián đoạn sự yên tĩnh chung quanh chúng tôi. Nỗi lo sợ về bọn cướp cho đến lúc nãy vẫn đè nặng trong lòng chúng tôi cũng đột nhiên hoàn toàn biến mất.

Cảnh vật chung quanh thật là yên tĩnh, và chúng tôi ý thức một cảm giác hoàn toàn thoải mái lạ thường. Chúng tôi dường như tự thả trôi theo dòng thời gian một cách vô tư, không còn lo gì đến ngày mai.

Đêm hôm đó, chúng tôi dường như quên đi tất cả mọi nỗi lo âu cũng như sự nôn nóng trong công việc, để chỉ ngồi cạnh bên nhau cùng với các vị chân sư một cách yên tĩnh cho đến tận nửa khuya. Chúng tôi hầu như không bàn luận về bất cứ đề tài nào, nhưng sự thật là một đêm yên lặng đó đã nói với chúng tôi rất nhiều điều. Tất cả chúng tôi đều nhận ra được những lao xao không cần thiết trong tâm thức mà hầu như ngày đêm liên tục khởi lên trong chúng tôi, khiến cho chúng tôi phải mất hẳn đi sự sáng suốt và bình an vốn có. Chúng tôi cũng ngạc nhiên biết bao khi nhận ra rằng, chúng tôi không cần phải làm bất cứ điều gì để dẹp bỏ đi những tư tưởng lao xao vọng động đó, mà chỉ cần ngồi yên, mỉm cười và chia sẻ với nhau sự an ổn như đêm nay. Những tư tưởng vọng động kia dường như tự nó đã không còn chút năng lượng nào để khởi lên, và đang dần dần tan biến trước sự quan sát rất rõ ràng của chúng tôi. Thật là một kinh nghiệm kỳ lạ và lý thú mà từ trước đến nay chúng tôi chưa từng biết đến!

Khi chúng tôi chia tay để ra về, đức Tuệ Minh mới nói đôi lời trấn an chúng tôi về sự tấn công của bọn cướp. Ngài nói rằng, nếu bọn cướp này vẫn ngoan cố trong ý định đánh phá thôn ấp, rốt cuộc chúng sẽ tự hủy diệt lấy nhau. Cơ hội đã được đưa đến cho chúng để rời khỏi làng mà không làm hại đến dân chúng. Nếu chúng không đón nhận cơ hội ấy, chúng sẽ đi đến chỗ tự làm hại lẫn nhau. Người ta không thể mưu toan tiêu diệt những người đồng loại mà không chuốc lấy điều tai họa cho chính mình. Chúng ta đã gửi đến cho bọn cướp ấy thông điệp chân thành của tình yêu thương rộng mở thiêng liêng. Nếu họ đáp lại tình thương ấy bằng sự hận thù, sự phản bội, lừa dối hay oán hận, thì họ sẽ tự mình khơi dậy một ngọn lửa để tiêu diệt chính họ. Các bạn đừng sợ sệt gì cả. Chúng ta chỉ ban rải tình thương, nhưng chúng ta không thể ép buộc họ chấp nhận tình thương ấy. Nếu bọn cướp cũng đến đây với tình thương thì sẽ không thể có sự xung đột. Nhưng dù sao thì chính nghĩa bao giờ cũng thắng.

Hôm sau, chúng tôi được thông báo rằng một người đưa tin đã đến làng. Chúng tôi bước ra đón tiếp ông ta và được cho biết rằng bọn cướp đã tạm dừng mọi cuộc đánh phá, hiện đang cắm trại im lìm ở cách đó khoảng ba mươi lăm cây số. Từ khi biết những người nông dân đã gửi lời kêu gọi cứu trợ đến dân làng này, họ đã ngưng mọi sự cướp bóc và đánh phá, nhưng họ vẫn còn cầm giữ một số đông người bị bắt làm con tin để phòng trường hợp có sự kháng cự bằng võ lực.

Theo người đưa tin thì có tin đồn rằng bọn cướp sẽ tấn công làng này trong một hai hôm nữa nếu kho tàng không được mang đến nộp cho họ.

Tất cả dân làng đều tình nguyện hy sinh tánh mạng để bảo vệ làng, nhưng người đưa tin được trấn an rằng sự hy sinh đó là không cần thiết. Ông được cho biết là hãy trở về nhà và yên tâm nghỉ ngơi. Dân làng cũng bày tỏ sự biết ơn sâu xa về những cố gắng của ông vì mục đích bảo vệ chung cho tất cả mọi người.

Sáng hôm sau, chúng tôi đã tìm thấy lại sự hứng khởi trong công việc và mọi tư tưởng sợ sệt đều đã biến mất. Ngày kế đó, chúng tôi đang nghiên cứu một vài hình tượng khắc trên những tảng đá của hang núi thì chợt nhận ra có sự khác thường từ vị trí của người canh phòng ngoài làng. Người này đứng ở phía bên kia hang núi, trên một vị trí cao hơn chỗ chúng tôi đứng, và như vậy anh ta có thể quan sát trên khắp một vùng rộng lớn. Nhìn xuyên qua ống kính viễn vọng, chúng tôi thấy người ấy đang ra hiệu báo động cho người làng.

Không bao lâu, chúng tôi thấy dân làng náo loạn chạy tứ phía và tìm nơi trú ẩn trong những hang động sâu thẳm của vùng núi non hẻo lánh này. Tất cả đều tỏ vẻ vô cùng lo lắng và náo động. Chúng tôi lắng tai và nghe thấy những tiếng động ồn ào từ đằng xa vọng lại, và nhận biết ngay đó là đoàn kỵ mã của bọn cướp đang tiến tới.

Một người trong chúng tôi trèo lên cao hơn một chút nữa để quan sát tình hình. Anh ta cho biết đã nhìn thấy đám mây bụi mù trời dậy lên bởi một đoàn kỵ mã đông đảo đang phi nước đại tiến về phía hang núi.

Chúng tôi lập tức đem cất giấu đồ dụng cụ của mình vào trong một khe đá ở gần bên, và tìm nơi trú ẩn trong những khe núi chớn chở, từ đó chúng tôi có thể quan sát những hành động của bọn cướp.

Đoàn kỵ mã ngừng lại ở chỗ cửa vào hang núi. Khoảng năm mươi tên cướp đi tiên phong phi ngựa tiến lên phía trước, kế đó cả bọn đều quất ngựa phóng nước đại chạy vào hang.

Tiếng vó ngựa chạy dồn dập cùng với những tiếng hò hét vang rân hợp thành những âm thanh chấn động cả núi rừng và rùng rợn khôn tả. Nơi chúng tôi đang ở là một vị trí rất thuận lợi, vì những vách núi hầu như dựng đứng như vách thành. Chúng tôi có thể nhìn xuống dưới hang núi và quan sát bọn cướp tiến tới như nước vỡ bờ, dường như không gì ngăn cản nổi.

Đoàn quân tiên phong đã vượt qua khỏi chỗ vị trí của chúng tôi, và những người kỵ mã đi đầu của đoàn trung quân đã tiến lên rất nhanh. Chúng tôi quay ống kính viễn vọng nhìn trở về làng thì thấy dân làng đã bị một cơn náo loạn khủng khiếp. Chúng tôi cũng thấy một thành viên trong bọn chúng tôi đang đứng trên bao lơn của ngôi đền. Anh ta ngưng làm việc để ra đứng đó quan sát bọn cướp đang tiến tới. Kế đó, chúng tôi nhìn thấy ở phía sau anh ta, nơi cửa vào sảnh đường chính của ngôi đền xuất hiện đức Tuệ Minh từ đó bước ra. Ngài đi thẳng đến bao lơn và đứng yên trong một lúc, trong tư thế oai nghiêm như một pho tượng.

Tất cả những ống kính viễn vọng của chúng tôi lẽ tự nhiên là tập trung cả về hướng đó. Bao lơn của ngôi đền cách xa chỗ chúng tôi trú ẩn khoảng năm cây số và cao hơn khoảng ba trăm thước. Trong khoảng cách đó, chúng tôi có thể nhìn rõ từng chi tiết những cử động của đức Tuệ Minh qua ống kính viễn vọng.

Chúng tôi thấy đức Tuệ Minh đứng yên lặng hồi lâu rồi đưa hai tay ra phía trước. Từ nơi hai bàn tay ngài, chúng tôi nhìn thấy một tia sáng như bạc chiếu thẳng đến chỗ một khúc quanh về bên trái, ngay trước mặt đoàn quân tiên phong của bọn cướp. Trong giây lát, bỗng xuất hiện một bức tường lớn dựng lên như vách thành ở ngay chỗ ấy, với những mũi nhọn chơm chởm túa ra như những mũi tên.

Những con ngựa ở hàng đầu của bọn cướp đang phóng nước đại như bay tới trước, hốt nhiên nhảy dựng lên và dừng lại thình lình, làm cho một số lớn những kỵ mã tiên phong bị hất văng xuống đất. Nhiều con ngựa nhảy dựng và đứng sững trên hai chân sau trong một lúc, rồi quay đầu chạy trở lại cửa hang, ngược chiều với bọn cướp ở đạo trung quân.

Khi hai toán quân của bọn cướp đến gần nhau, những kỵ mã còn chưa bị ngã ngựa cố gắng kìm cương ngựa của họ, nhưng dường như vô ích. Cùng với những con ngựa vô chủ phóng tới như điên, họ đâm sầm vào bọn cướp trung quân, làm cho những hàng đầu của đạo quân này bị lỡ trớn và đứng khựng lại. Những hàng kế đó, không biết có sự hiểm nguy, vẫn phóng nước đại tiến vào đám người ngựa hỗn độn phía trước, và trong hang núi lúc ấy hiện ra cảnh tượng của một đám người ngựa lộn xộn và mất trật tự, không còn hàng ngũ kỷ cương gì cả.

Trong phút chốc, một sự im lặng chết chóc bao trùm lên tất cả, chỉ gián đoạn bởi những tiếng thét rú lên của những kỵ mã trong cơn khủng khiếp và tiếng ngựa hí thất thanh.

Kế đó diễn ra một cảnh tượng rùng rợn ở ngay tại chỗ mà đoàn quân tiên phong đã hoảng kinh quay đầu trở lại, bị chạm trán với những hàng quân đầu tiên của bọn cướp ở đạo trung quân. Những con ngựa không người cưỡi, trong cơn hoảng hốt, đã phóng vào đám rừng người, làm cho một số lớn những người kỵ mã bị hất văng xuống đất. Những con ngựa của họ lại trở thành vô chủ, lồng lên nhảy tứ tản và càng làm tăng thêm sự hỗn loạn. Những con ngựa cũng hốt hoảng không kém gì bọn chủ nhân của chúng, bắt đầu hí vang, nhảy vọt sang hai bên và thét rú lên từng hồi trong cơn hãi hùng và khủng khiếp tột độ.

Kế đó, cơn hỗn loạn lan tràn khắp cả bọn cướp đang bị lúng túng và bế tắc trong hang núi ở phía dưới chúng tôi. Thình lình chúng tôi thấy những người kỵ mã tuốt gươm trần ra khỏi vỏ và chém loạn xạ tứ phía. Những người khác rút súng bắn vào đám người ngựa chung quanh, có lẽ định mở đường để thoát thân.

Không bao lâu, cảnh tượng đó đã biến thành một trận chém giết hỗn loạn, chỉ có những kẻ mạnh bạo nhất sống sót. Cơn hỗn loạn chấm dứt bằng sự đổ xô nhau chiếm lấy những khoảng trống giữa những kẻ may mắn thoát khỏi cơn chém giết vừa qua.

Rồi họ rời khỏi hang núi và để lại những đống xác người ngựa đã chết hoặc bị thương. Chúng tôi hối hả đi xuống để tìm cách cứu giúp những kẻ bị thương. Tất cả dân làng và các vị chân sư cũng tiếp tay với chúng tôi. Dân làng cũng gửi người đi khắp các vùng phụ cận để kêu gọi sự trợ giúp.

Chúng tôi làm việc ráo riết suốt đêm và cho đến sáng hôm sau. Đức Tuệ Minh và các chân sư đích thân chăm sóc những kẻ bị thương khi chúng tôi vừa đưa họ ra khỏi đống thịt người ngựa hỗn tạp, có kẻ sống lẫn người chết.

Khi chúng tôi đã cứu được tất cả những người còn sống, cho đến người cuối cùng, chúng tôi trở về quán trọ để ăn sáng.

Vừa bước vào nhà trọ, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy tên Cướp Đen đang ngồi nói chuyện với đức Tuệ Minh. Ngài nhận thấy cái nhìn ngạc nhiên của chúng tôi và nói:

– Chúng ta sẽ nói chuyện sau.

Sau bữa ăn sáng, chúng tôi bèn ra ngoài cùng với Tô Mặc. Tô Mặc cho biết rằng đức Tuệ Minh và anh ta đã tìm thấy tên Cướp Đen bị thương nặng và không thể cử động được nữa, vì bị ngựa đè lên mình. Hai vị đã kéo tên cướp ra và chở hắn đến một nơi tạm trú, tại đây y được dành cho tất cả mọi tiện nghi có thể tìm được. Kế đó hai vị kêu gọi đến sự giúp đỡ của bà chủ nhà trọ chúng tôi và giao tên cướp cho bà chăm sóc.

Khi những vết thương được băng bó xong, hắn ta khẩn cầu bà chủ nhà hãy cho ông ta biết là phải làm gì để sám hối mọi tội lỗi và quay đầu hướng thiện. Khi ấy, bà hỏi ông ta có muốn được bình phục sức khỏe chăng. Ông ta đáp:

– Có, tôi muốn được lành mạnh hoàn toàn.

Bà chủ nhà nói:

– Vì bây giờ anh đang cầu xin có được sức khỏe, lời cầu xin của anh đã được đáp ứng. Anh sẽ được hoàn toàn lành mạnh.

Kế đó, tên cướp nằm thiếp đi trong một cơn ngủ mê li bì. Đến nửa đêm, những vết thương của hắn ta đã hoàn toàn biến mất và thậm chí không để lại một vết sẹo nhỏ nào.

Tô Mặc đã nhận thấy điều này khi anh ta đi tuần tra lúc ban đêm. Tên Cướp Đen bèn đứng dậy, mặc y phục vào và tình nguyện giúp một tay cứu trợ cho những kẻ bị nạn. Chúng tôi cũng thấy một số đông bọn cướp được hoàn toàn bình phục mà trước đó chúng tôi nghĩ rằng họ không sao qua khỏi.

Khi công việc cứu trợ kết thúc, tên Cướp Đen len lỏi trong đám đồng bọn bị thương và cố gắng hết sức để an ủi và trấn tĩnh tinh thần họ. Nhiều người giống như những con thú bị gài bẫy, họ lo sợ bị tra tấn đến chết, vì đó là cách đàn áp những kẻ cướp bị sa lưới theo phong tục bổn xứ. Ý nghĩ đó ăn sâu vào trí óc họ đến nỗi họ không có một sự phản ứng tốt lành nào đối với những cách đối xử nhân đạo mà người ta dành cho họ. Họ sợ rằng những cố gắng của chúng tôi để giúp họ mau bình phục sức khỏe chỉ có mục đích là để có thể tra tấn họ lâu dài hơn.

Sau cùng, tất cả đều đã khỏi bệnh, tuy rằng một số ít đã kéo dài bệnh tật dây dưa trong nhiều tháng với niềm hy vọng rõ rệt không dấu giếm rằng nhờ đó họ có thể hoãn sự tra tấn họ.

Ít lâu sau đó, tên Cướp Đen qui tụ tất cả những tên cướp sống sót nào tình nguyện theo ông ta để thành lập một toán quân bảo vệ làng mạc chống lại những cuộc tấn công của bọn cướp về sau này. Ông ta cũng chiêu mộ được nhiều dân làng gia nhập vào toán quân đó. Về sau chúng tôi được biết rằng kể từ ngày đó, những bọn cướp không còn đánh phá vùng này nữa.

Hai nhóm của phái đoàn chúng tôi rốt cuộc cũng đã vượt qua vùng lãnh thổ này trên lộ trình đi đến vùng sa mạc Gobi. Chính tên Cướp Đen và đồng bọn đã hộ tống và bảo vệ cho phái đoàn trong vùng địa phận của họ và vùng lân cận, ít nhất trên bảy trăm cây số đường trường, và không một người nào muốn nhận tiền thù lao về công việc đó.

Về sau, chúng tôi còn có nhiều dịp được nghe nói về Cướp Đen. Ông ta đã phát triển nhiều công việc từ thiện và cứu trợ trong toàn thể vùng này và dành trọn cuộc đời còn lại để giúp đỡ cho dân chúng được sống yên lành hạnh phúc mà không hề nhận tiền bạc của ai.

Ngày thứ hai sau khi bọn cướp đã tan rã, đến trưa thì chúng tôi đã săn sóc hết tất cả những kẻ bị thương và cũng đã đi quan sát lại một lần cuối để chắc chắn rằng không một người nào còn bị bỏ sót lại trong hang núi giữa đống xác người ngựa nằm ngổn ngang la liệt như bãi chiến trường.

Trong khi chúng tôi trở về quán trọ để ăn điểm tâm và nghỉ ngơi, một người trong nhóm chúng tôi cất tiếng nói lên một ý nghĩ vẫn ám ảnh chúng tôi trong nhiều giờ trước đó:

– Tại sao phải có sự giết chóc rùng rợn và hủy hoại sinh mạng khủng khiếp đến như thế?

Chúng tôi đã mệt đừ, và cơn xúc động đã làm cho chúng tôi bị hoàn toàn kiệt sức. Vì bọn cướp gây cho dân làng một sự sợ hãi kinh hoàng tột độ, nên tất cả mọi cố gắng cứu trợ đều đổ dồn lên vai chúng tôi, nhất là trong những giờ phút đầu tiên.

Ngay cả sau khi chúng tôi đã lôi hết những kẻ bị thương ra khỏi đống xác người ngựa nằm ngổn ngang chồng chất lên nhau, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn để thuyết phục dân làng ra tay trợ giúp những kẻ bị thương. Họ tuyệt đối không thấy có lý do nào để giúp đỡ chúng tôi cứu mạng những kẻ đã toan giết hại họ chỉ vì lòng tham muốn của cải.

Nhiều người dân làng cảm thấy vô cùng ghê tởm khi phải sờ mó vào một xác chết. Nếu họ không có một sự kính trọng đặc biệt đối với các vị chân sư thì họ đã rời khỏi vùng này ngay lập tức mà không hẹn ngày trở lại. Dầu sao, chúng tôi đã quá mệt mỏi và rất đau lòng, vì đó là cái kinh nghiệm khủng khiếp nhất trong đời chúng tôi.

lll

Khi cơn xúc động của những ngày qua đã dần dần lắng dịu, chúng tôi lại bắt tay vào công việc một cách hào hứng, hăng say. Mùa lễ Phục sinh đã sắp đến và chúng tôi định kết thúc công việc sưu tầm ở làng này trước khi trở về Ấn Độ.

Công việc được hoàn thành rất mau chóng. Sự chuẩn bị cuối cùng cho việc trở về được hoàn tất trước ngày lễ Phục sinh, và chúng tôi định dành trọn ngày Chủ nhật để nghỉ ngơi dưỡng sức.

Khi vừa bước ra cửa để đi tới đền trước lúc bình minh, chúng tôi gặp Chander Sen ngồi trong sân quán trọ. Ông ta liền đứng dậy để đi theo chúng tôi và nói Tô Mặc sẽ gặp chúng tôi tại chánh điện. Ông ta đề nghị chúng tôi nên trở về Ấn Độ bằng đường đi ngang Lhasa, thủ đô Tây Tạng, kế đó qua Mouktinath theo đường truông núi Kandemath trên dãy Tuyết Sơn, rồi từ đó, sẽ đi tới Darjeeling.

Khi trở về làng, chúng tôi thấy mọi việc đều chuẩn bị sẵn sàng chờ chúng tôi lên đường. Một số khá đông dân làng đã đi trước để vạch đường trên các truông núi bị bao phủ dưới một lớp tuyết dày đến ba bốn thước tây. Truông núi mà chúng tôi sẽ vượt qua ở cách xa đến tám mươi cây số và trên một chiều cao độ bốn ngàn thước. Phần lớn vùng này núi non chớn chở và rất khó vượt qua. Dân làng có thói quen vạch một con đường mòn và nện tuyết ém xuống cho chặt một ngày trước khi lên đường. Tuyết được ép chặt trên đường lộ sẽ đông đặc lại vào ban đêm và người ngựa sẽ dễ đi hơn.

Chúng tôi thức dậy rất sớm trước khi trời sáng và nhận thấy rằng mọi việc đều đã được chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết nhỏ. Dật Sĩ và một người hướng đạo địa phương sẽ đi theo chúng tôi. Tất cả dân làng đều tề tựu đông đủ để tiễn đưa chúng tôi lên đường.

Chúng tôi lấy làm tiếc mà phải rời khỏi làng. Tại đây chúng tôi đã trải qua hai mùa đông tốt đẹp. Dân làng là những người hồn nhiên chất phác và dễ thương. Để tỏ lòng ưu ái, nhiều người trong bọn họ đã tiễn đưa chúng tôi trên bảy tám cây số rồi mới quay trở về. Khi đó, chúng tôi mới từ giã họ một lần cuối cùng và tiếp tục dấn bước trên con đường trở về Ấn Độ.

Nhưng chúng tôi còn phải trải qua nhiều tháng trên đường về trước khi nhìn thấy lại những ngọn núi đầu tiên của dãy Tuyết Sơn. Theo lộ trình đã định, chúng tôi đi xuống thung lũng Gia-ma-nu-chu, đi dọc theo một con sông đến truông Tonjnor Jung, rồi đi vòng theo con sông Brahmaputra để đến Lhasa, thủ đô Tây Tạng.

Khi chúng tôi gần đến Lhasa thì đã nhìn thấy nhô lên từ đằng xa nóc điện Potala, cung điện của vị Đạt-lai Lạt-ma, vị vua của xứ Tây Tạng. Cung điện này được xem như một viên ngọc quí của thành phố này.

Lhasa là thủ phủ chính trị của Tây Tạng, nhưng còn vị lãnh đạo tinh thần tối cao về mặt đạo đức tâm linh được cho là cư ngụ trong một trung tâm huyền bí ẩn giấu gọi là Shambhala, hay Bạch Ngọc Cung. Chúng tôi rất mong ước được viếng thăm trung tâm huyền bí và linh thiêng này, mà theo truyền thuyết là được ẩn giấu rất sâu dưới lòng đất ở vùng sa mạc Gobi.

Chúng tôi vào thành phố Lhasa cùng với một đoàn người hộ tống. Người ta đưa chúng tôi đến những nhà trọ có chuẩn bị đủ mọi thứ tiện nghi có thể tìm được ở đây. Một đám đông kéo đến trước cửa nhà trọ và đứng đó hàng giờ để quan sát chúng tôi, vì sự hiện diện của người da trắng ở đây là một cảnh tượng lạ lùng và hiếm có.

Chúng tôi được mời đến viếng tu viện Lạt-ma giáo vào ngày hôm sau, lúc mười giờ. Chúng tôi được đề nghị bày tỏ những điều ước muốn của mình, và mọi người sẽ vui lòng giúp đỡ chúng tôi về mọi mặt.

Bất cứ chúng tôi đi đâu, đều có một nhóm người đi theo sau lưng. Một lính canh được đặt trước cửa nhà trọ để xua đuổi những kẻ tò mò, vì dân chúng thủ đô Lhasa có thói quen bước vào nhà người lạ mà không báo trước. Sự có mặt của chúng tôi là một điều mới lạ trong đời họ, và chúng tôi không thể trách họ về sự tò mò nói trên.

Khi một người trong chúng tôi đi ra ngoài một mình, những kẻ tò mò bao vây chung quanh với ý định rõ ràng là để nhìn xem cho tận mắt, sờ mó tận tay để biết chắc rằng anh ta quả là một con người thật, và đôi khi sự quan sát ấy tỏ ra quá đỗi sỗ sàng đối với nạn nhân.

Hôm sau chúng tôi thức dậy sớm và sửa soạn đi đến tu viện để gặp vị sư trưởng. Khi chúng tôi gần đến tu viện, vị sư trưởng đích thân bước ra tiếp đón chúng tôi. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy cùng đi với sư trưởng có cả đức Tuệ Minh và đức bà Mã Ly! Đó là một cuộc hội ngộ hoàn toàn bất ngờ.

Chúng tôi vào tu viện và nghỉ lại đó. Sau những cuộc đàm luận lý thú về đạo lý với vị sư trưởng, chúng tôi bàn về việc lên đường đi Shambhala. Vị sư trưởng hỏi rằng người cùng đi với chúng tôi được chăng. Một trong các vị chân sư đáp rằng người có thể đi, không khó, nếu người có thể rời khỏi xác phàm và trở về nhập xác tùy ý muốn. Dầu sao, nhóm các vị chân sư sẽ đi Shambhala ngay tối hôm ấy.

Chúng tôi đồng ý rằng các ngài sẽ tụ họp tại nhà trọ của chúng tôi vào lúc xế chiều và Tô Mặc sẽ cùng đi với các ngài.

Các ngài đã tụ họp tại đó sau khi chúng tôi trở về nhà trọ. Sau một cuộc trò chuyện ngắn, các ngài bước ra cửa và chúng tôi không còn gặp lại các ngài trong nhiều ngày.

Trưa ngày hôm sau, chúng tôi được thông báo cho biết rằng đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ tiếp kiến chúng tôi tại biệt điện của ngài. Vị sư trưởng đến nhà trọ ngay chiều hôm đó để cho chúng tôi những chỉ dẫn cần thiết về cuộc yết kiến này.

Chúng tôi thật hân hạnh được dành cho cuộc yết kiến này, vì theo thường lệ thì chúng tôi phải chờ đợi một thời gian khá lâu trước khi được diện kiến đức Đạt-lai Lạt-ma. Chúng tôi được dành cho đặc ân này ngay sau khi một sứ giả đem tin tức trở về cho đức Đạt-lai Lạt-ma biết rằng cuộc thăm viếng tại Bạch Ngọc Cung (Shambhala) đã diễn ra một cách tốt đẹp.

Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã được thông báo về những sự việc diễn biến trước đây trong suốt cuộc hành trình của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng gây cho ngài một ấn tượng tốt đẹp đến mức tối đa, vì chúng tôi muốn xin phép Ngài để thực hiện một cuộc quan sát và sưu tầm khắp nơi trong xứ Tây Tạng.

Chúng tôi được cho biết rằng vị thống đốc của tỉnh sẽ đến trước giờ trưa và đã thông báo cho biết, do một viên sứ giả đem tin, rằng ngài sẽ giúp đỡ chúng tôi với tất cả quyền hạn của ngài. Đó thật là một sự ngạc nhiên bất ngờ.

Chúng tôi thức dậy sớm và đi cùng với một nhóm tùy tùng đến yết kiến xã giao vị thống đốc. Ngài tỏ vẻ rất hài lòng về cử chỉ này và mời chúng tôi cùng đi với ngài. Khi chúng tôi và vị thống đốc đến nơi, chúng tôi được đưa vào các gian phòng dành cho quan khách tại biệt điện. Từ đó, chúng tôi sẽ đi thẳng đến một phòng riêng để tham gia những nghi lễ đầu tiên chuẩn bị cho cuộc yết kiến với đức Đạt-lai Lạt-ma.

Khi chúng tôi đến nơi, có ba vị Lạt-ma cao cấp đang ngồi trên những chiếc bục cao có lót nệm dày, trong khi những vị Lạt-ma cấp dưới ngồi xếp chân trên nền đất trong tư thế kiết già. Hai vị Lạt-ma mặc áo đỏ đứng trên những bục cao và điều khiển những khúc thánh ca hợp tấu. Vị sư trưởng bạn chúng tôi thì ngồi trên một chiếc ngai có che lọng theo nghi lễ và chờ viên thống đốc đến.

Sân ngoài của tu viện được trang hoàng thật đẹp trong dịp này. Những bức tranh tuyệt đẹp trình bày những cảnh tượng lịch sử diễn ra từ năm 1417 khi đức Tông-khách-ba (Tsongkhapa) thành lập tông phái Cách-lỗ (Gelugpa) ở Tây Tạng. Phái này cũng thường được gọi là Hoàng phái, bởi họ thường sử dụng y phục màu vàng. Chính phái này về sau đã sản sinh ra các vị Đạt-lai Lạt-ma liên tục tái sinh qua nhiều đời mà đến nay là vị đời thứ 14 vẫn còn đang hoằng hóa. Các vị Đạt-lai Lạt-ma là người lãnh đạo tinh thần và dẫn dắt người dân Tây Tạng về mặt tâm linh. Các vị đã chọn Lhasa là trung tâm chính yếu của xứ Tây Tạng, cả về mặt tâm linh cũng như các hoạt động kinh tế và xã hội.

Một lúc sau, vị thống đốc cùng đoàn tùy tùng bước vào và đi thẳng đến chỗ ngồi của vị sư trưởng. Vị này cũng đã từ trên ngai bước xuống. Cả hai vị đều đứng chung một chỗ để tiếp đón chúng tôi và đưa chúng tôi đến phòng khách của đức Đạt-lai Lạt-ma.

Tòa sảnh đường được trang hoàng với những tấm thảm bằng lụa treo trên vách rất lộng lẫy và với những bàn ghế bằng gỗ quí đánh bóng rất đẹp. Sau khi được đưa vào phòng khách, chúng tôi quì xuống một lúc trước đức Đạt-lai Lạt-ma rồi mới đứng dậy và được mời ngồi.

Vị sư trưởng thay mặt chúng tôi để chúc mừng đức Đạt-lai Lạt-ma và trình bày mục đích cuộc viếng thăm của chúng tôi. Đức Đạt-lai Lạt-ma đứng dậy và mời chúng tôi bước lại gần. Một vị Lạt-ma hầu cận đưa từng người trong chúng tôi đến chỗ ngồi. Vị sư trưởng và viên thống đốc ngồi ở hai góc cùng một hàng với chúng tôi.

Khi đó, đức Đạt-lai Lạt-ma bước xuống ngai và đứng trước mặt chúng tôi. Ngài cầm lấy một cây quyền trượng nhỏ do vị quan hầu cận dâng lên, rồi từ từ đi dọc theo hàng của chúng tôi đứng và điểm nhẹ cây quyền trượng ấy lên trán mỗi người như một nghi thức ban ân huệ.

Kế đó, do vị sư trưởng làm thông ngôn, ngài chúc mừng chúng tôi đến xứ Tây Tạng. Ngài nói rằng ngài rất hân hạnh tiếp đón chúng tôi như những vị thượng khách trong thời gian chúng tôi lưu lại thành phố này.

Chúng tôi đưa ra cho ngài nhiều câu hỏi và được cho biết rằng ngài sẽ trả lời vào hôm sau. Sau đó, ngài mời chúng tôi đến xem những tài liệu và bia đá cổ được lưu trữ dưới hầm biệt điện. Ngài gọi một vị quan hầu cận và truyền khẩu lịnh mà vị quan ấy không dịch lại, nhưng chúng tôi hiểu rằng chúng tôi được tự do đi lại khắp nơi trong biệt điện mà không có giới hạn.

Kế đó, đức Đạt-lai Lạt-ma ban ân huệ bằng cách bắt tay chúng tôi một cách thật thân mật. Rồi ngài cho người đưa chúng tôi cùng với vị sư trưởng và viên thống đốc về nơi nhà trọ để nghỉ ngơi.





Về đến nơi, vị sư trưởng và viên thống đốc xin phép được vào phòng chúng tôi vì họ muốn trao đổi một số vấn đề. Vị sư trưởng nói:

– Có nhiều chuyện lý thú đã xảy ra kể từ khi các bạn đến lưu trú trong ngôi làng nhỏ chỗ chúng tôi. Chúng tôi đã xem xét nhiều tấm bia đá cổ trong tu viện và nhận thấy rằng tất cả đều có đề cập đến một nền văn minh cổ của xứ Gobi. Chúng tôi ngờ rằng các nền văn minh và tín ngưỡng tôn giáo cổ xưa đều xuất xứ từ một nguồn gốc duy nhất. Chúng tôi không biết rõ căn nguyên và thời đại nào đã sáng tạo các bia đá cổ, nhưng chúng tôi quả quyết rằng những bia đá ấy ghi lại những tư tưởng của một dân tộc đã từng sống cách đây nhiều ngàn năm. Chúng tôi hiện có phần tóm lược của một bản dịch do một vị Lạt-ma xứ Kisou-Abou dịch lại cho chúng tôi. Chính nhờ đó mà chúng tôi đã hiểu được phần lớn nội dung các bia đá.

Sáng hôm sau, khi chúng tôi đang đợi vị sư trưởng thì có một sứ giả đưa tin đến rằng đức Đạt-lai Lạt-ma muốn tiếp kiến chúng tôi vào lúc hai giờ trưa. Chúng tôi bèn đi tìm vị sư trưởng và gặp được ông ta ngoài cửa tòa sảnh đường với vẻ mặt hân hoan và đang cầm nơi tay một tờ thông điệp được mang đến cho chúng tôi, vị sư trưởng nói:

– Đây là một thư mời với mục đích chính thức trao tặng cho các ông.

Khi chúng tôi đã tụ họp lại, có một người trong nhóm đề nghị đến phòng lưu trữ các tài liệu văn khố. Chúng tôi tán thành và liền đi tới đó. Khi đến nơi, một sự bất ngờ làm chúng tôi rất ngạc nhiên. Tại đó chúng tôi thấy có hàng nghìn pho tài liệu cổ khắc trên những tấm bảng bằng đồng, bằng thép, và còn có những tấm bia bằng đá cẩm thạch trắng chạm trổ rất đẹp. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có dịp quan sát tận mắt loại tài liệu cổ đó.

Vị sư trưởng cho chúng tôi biết rằng bản thân ông không biết rõ về những bia đá cổ đó, nhưng được nghe nói rằng chúng được đưa đến từ xứ Ba Tư. Ông liền tình nguyện đi tìm và mời đến một vị Lạt-ma được tin là biết rõ tường tận về những bia đá cổ này. Khi ông ta đã ra ngoài, chúng tôi bắt đầu cuộc quan sát, nhưng không một thành viên nào trong nhóm chúng tôi đọc được những cổ tự khắc trên các bia đá.

Chung quanh những bia đá này đều có chừa một phần lề, bề rộng chừng năm phân tây. Trên các lề này có chạm hình nổi. Rất nhiều hình nổi trong số này được làm bằng vàng ròng, còn một số cổ tự cũng bằng vàng nhưng không được chạm nổi lên.

Những bia đá đều sắp thành từng hàng rất có qui củ, và mỗi hàng đều có mang một số thứ tự

Trong khi chúng tôi còn đang đắm chìm trong cơn suy tưởng mông lung thì vị sư trưởng đã trở lại cùng với một vị Lạt-ma cao niên, có phận sự bảo quản các kho tài liệu.

Vị Lạt-ma mới đến này thuật cho chúng tôi nghe lịch sử của các bản văn và tài liệu cổ, và câu chuyện làm cho chúng tôi thích thú say mê đến nỗi vị sư trưởng phải nhắc nhở chúng tôi về cuộc hội kiến với đức Đạt-lai Lạt-ma.

Giờ yết kiến đức Đạt-lai Lạt-ma đã gần đến và chúng tôi phải mặc áo tràng dự lễ trong dịp này. Khi chúng tôi đến sảnh đường thì thấy đức Đạt-lai Lạt-ma vừa đi qua dãy hành lang cùng với toán ngự lâm quân theo hộ vệ để bước vào sảnh đường theo một cửa lớn. Cánh cửa hông vừa mở, chúng tôi lại được đưa vào gian phòng khách trang hoàng lộng lẫy.

Giữa phòng khách, đức Đạt-lai Lạt-ma ngồi trên một sàn cao có trải nệm thêu chỉ vàng. Ngài mặc áo rộng thêu vàng với một khăn choàng đỏ. Vị sư trưởng đưa chúng tôi đến trước mặt ngài và lại đứng cùng một hàng với chúng tôi như trước.

Sau vài lời chào hỏi chúc mừng, đức Đạt-lai Lạt-ma từ trên sàn bước xuống và đứng trước mặt chúng tôi với hai bàn tay đưa lên. Chúng tôi bèn quì xuống để ngài ban ân huệ. Khi chúng tôi đứng lên, ngài bước tới trước vị trưởng đoàn của chúng tôi, cài một huy hiệu nhỏ trên ngực ông ta.

Kế đó ngài từ từ đi dọc theo hàng ngũ chúng tôi và cài lên ngực của mỗi người một huy hiệu tương tự nhưng nhỏ hơn.

Kế đó, ngài cầm lấy cái ống dài đựng tờ văn thư từ trên tay vị sư trưởng và trao cho vị trưởng phái đoàn của chúng tôi. Những huy hiệu đều rất đẹp, được làm bằng vàng ròng và có cẩn một viên ngọc bích ở giữa. Trên viên ngọc có khắc bằng hình nổi bức chân dung đức Đạt-lai Lạt-ma vô cùng sinh động và rất giống.

Chúng tôi có cảm tưởng rằng đức Đạt-lai Lạt-ma và các vị Lạt-ma cận thần đều là hiện thân của sự khả ái và lịch sự, và chúng tôi không biết nói gì khác hơn là thốt ra hai tiếng “cám ơn”.

Kế đó, vị Lạt-ma hầu cận cho biết chúng tôi được mời dự dạ tiệc với đức Đạt-lai Lạt-ma ngay tối hôm đó tại biệt điện.

Sau bữa dạ tiệc, câu chuyện lại xoay chiều về vấn đề những tấm bia đá cổ lạ kỳ. Đức Đạt-lai Lạt-ma và viên lão thần phụ trách bảo quản kho tài liệu cổ, qua lời của một viên thông ngôn, thuật lại cho chúng tôi nghe lịch sử của những bia đá cổ. Chúng tôi đã ghi chép lại cẩn thận tất cả những gì được nghe hôm đó.

lll

Theo lời các ngài thì những bia đá này do một nhà sư tìm ra được trong một cái hầm ở dưới nền đất của một ngôi đền cổ đã điêu tàn ở xứ Ba Tư. Nhà sư ấy có thuật lại rằng ông ta được hướng dẫn đến nơi chôn giấu những bia đá cổ do những tiếng hát dịu dàng êm ái vọng ra liên tục từ ngôi đền cổ, mà ông ta nghe văng vẳng bên tai trong mỗi lúc tọa thiền.

Bài hát rất du dương và giọng hát rất trong trẻo đến nỗi làm cho nhà sư phải chú ý và tò mò. Nhà sư bèn đi về hướng từ đó vọng ra tiếng hát và bước dần vào bên trong các hầm đá của một ngôi đền cổ đã đổ nát. Giọng hát dường như xuất phát từ phía dưới hầm.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng và không thấy có một lối nào đi xuống phía dưới hầm, nhà sư bèn quyết định tìm ra nguồn gốc xuất phát ra giọng hát. Nhà sư tìm được những đồ khí cụ thô sơ quanh đó và bắt đầu đào xới trong những đống gạch ngói đổ nát.

Không bao lâu, ông ta tìm thấy một phiến đá lớn dường như là để lót sàn đá dưới hầm. Ông ta cảm thấy thất vọng vì trong một lúc ông tưởng rằng đã bị lạc hướng vì tiếng gió rít lên từng hồi trong những bức tường xiêu đổ của ngôi đền.

Trước khi rời khỏi chỗ ấy, nhà sư bèn ngồi tọa thiền trong một lúc. Trong khi ông ta đang nhập định thì tiếng hát lại vang lên trong trẻo và rõ ràng hơn trước, và dường như thúc giục ông phải tiếp tục cuộc thăm dò, tìm kiếm.

Một sự cố gắng hầu như phi phàm đã giúp cho ông ta dịch chuyển được phiến đá lớn sang một bên và khám phá ra một con đường hầm. Khi ông ta chui lọt được qua cửa hầm này thì đường đi được soi sáng dường như bởi một nguồn ánh sáng vô hình. Trước mặt nhà sư là một vầng ánh sáng rực rỡ chói lòa. Nhà sư bèn đi theo vầng ánh sáng đó, và dần dần tiến đến cửa vào một hang động lớn, khép chặt bằng những cánh cửa đá rất kiên cố.

Trong khi ông ta đang khựng lại ngắm nhìn những cánh cửa đá này và không biết phải làm gì để có thể tiếp tục đi tới, thì bỗng có tiếng rít lên và một phiến đá lớn từ từ chuyển động, rồi xoay ngang để lộ ra một cửa vào để ông ta có thể đi xuyên qua đó.

Trong khi ông bước qua cánh cửa này thì giọng hát lại vang lên, trong trẻo và êm ái, nghe như người hát đang ngồi ở phía bên trong đó. Ánh sáng lúc nãy dừng lại ở ngoài cửa lại tiếp tục di chuyển vào bên trong động và chiếu sáng khắp nơi. Và nhà sư vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy những tấm bia đá cổ dựng đứng nơi đây, trong những khoảng trống đục khoét trên vách đá, phủ đầy cát bụi như đã có tự muôn đời.

Nhà sư bèn quan sát kỹ vài tấm bia cổ và liền nhận ra ngay vẻ đẹp tuyệt mỹ cũng như giá trị của các tấm bia này. Ông ta nghĩ rằng cần phải trở về và chờ dịp thích hợp tiết lộ bí mật này với một số người tâm phúc để cùng họ tìm cách di chuyển những bia đá ra ngoài và đem cất giấu ở một nơi an toàn.

Ông ta bèn ra khỏi hầm, đặt phiến đá lớn lại nguyên chỗ cũ, lấy gạch ngói vụn nát phủ lên trên như trước, rồi đi tìm những người bạn tâm phúc sẵn lòng tin tưởng câu chuyện do ông kể lại và có đủ can đảm cũng như phương tiện để cùng ông thực hiện kế hoạch.

Sự tìm kiếm những người hợp sức này kéo dài đến hơn ba năm. Hầu hết những người mà ông ta thuật chuyện cho nghe đều tưởng rằng ông ta đã mất trí, điên khùng. Sau cùng, trong một chuyến hành hương, ông gặp được ba vị tăng mà ông đã quen biết trong một cuộc đi hành hương tương tự trước đây, và thuật chuyện cho họ nghe. Họ tỏ ra rất hoài nghi. Nhưng một buổi tối đúng vào lúc chín giờ, trong khi họ đang ngồi quây quần chung quanh một ánh lửa trại, thì tất cả đều nghe văng vẳng đến một giọng hát, bắt đầu với một bài ca nói về đề tài những bia đá cổ.

Ngày hôm sau, họ chấm dứt cuộc hành hương và bắt đầu cuộc hành trình đi đến ngôi đền cổ. Kể từ khi đó, giọng hát kia mỗi ngày đều vang lên đúng vào lúc chập tối. Giọng hát ấy càng nhẹ nhàng du dương hơn khi bốn người du khách đi đường mệt mỏi, khiến cho họ như quên cả sự mệt nhọc.

Khi họ đi gần đến ngôi đền cổ điêu tàn, và chuyến hành trình đã sắp kết thúc, thì hình ảnh mảnh mai thanh tú của một đứa trẻ thiếu niên bỗng xuất hiện vào khoảng một giờ trưa và bắt đầu vừa hát vừa hướng dẫn họ đến chỗ ngôi đền.

Khi họ đến nơi thì phiến đá lớn đã bị cạy bật lên và nằm sang một bên. Họ liền đi theo đường hầm đưa đến chỗ động đá. Những cánh cửa tự nhiên mở rộng khi họ đến gần, và họ bước vào động. Chỉ một lúc quan sát ngắn ngủi cũng đủ cho các vị tăng lữ nhận biết giá trị của những bảo vật này. Họ bèn đi đến một làng cách đó độ một trăm cây số để tìm mua lạc đà và đồ lương thực tiếp tế, chuẩn bị đưa các bia đá cổ đến một chỗ an toàn.

Họ mua được mười hai con lạc đà và trở lại ngôi đền cổ, rồi bọc gói thật cẩn thận các tấm bia đá cổ lại chắc chắn cho khỏi bị hư hỏng dọc đường. Kế đó họ mua thêm ba con lạc đà nữa, và bắt đầu một cuộc hành trình lâu dài đến Peshwar. .

Gần đến Peshwar, cả bọn mới đem cất giấu những bảo vật quí giá này trong một hang núi hẻo lánh; và để yên tại đó trong năm năm.

Để giữ gìn các bia đá cổ, các vị tăng lữ luân phiên nhau tọa thiền ngay trước cửa hang núi.

Sau đó, từ Peshwar họ lại chở các bia đá đến Lahnda, trong tỉnh Punjab, và lưu trữ tại đó trong mười năm.

Kế đó, xuyên qua nhiều giai đoạn từ từ và chậm chạp, những bảo vật này được chở đến Lahsa và lưu trữ trong biệt điện của đức Đạt-lai Lạt-ma. Như thế, phải mất đến bốn chục năm để di chuyển tất cả các bia đá từ nơi chôn giấu đầu tiên đến được Lahsa.

Từ nơi biệt điện này, người ta còn dự tính sẽ phải chuyển những bia đá quý giá này đến Bạch Ngọc Cung (Shambhala). Như vậy, hiện thời xem như những bia đá này vẫn còn đang trên đường di chuyển chứ chưa thực sự đến nơi cất giữ cuối cùng.

Khi câu chuyện được kể lại đến đây thì những người phụ tá mang bốn tấm bia đá cổ vào phòng và cẩn thận đặt lên một bàn gỗ giống như cái bàn mà chúng tôi đang ngồi chung quanh. Nhờ đó chúng tôi đều có thể nhìn thấy các bia đá tận mắt.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau được đúc kết từ những nghiên cứu của chúng tôi trong suốt nhiều năm qua, chúng tôi tin rằng với những cuộc sưu tầm rộng khắp và công phu hơn nữa có lẽ sẽ chứng minh được rằng những bia đá cổ này thật ra chỉ là những bản sao được tạo ra để bảo tồn những tài liệu cổ trên các bản chánh mà nay đã thất lạc. Nếu giả thuyết này đúng, thì các bia đá này có lẽ đã được làm ra vào thời kỳ sơ khai của nền văn minh cổ Ấn Độ.

Dầu sao, theo chỗ chúng tôi biết thì thế giới văn minh hiện đại không có một tài liệu cổ nào tương tự như thế. Những bia đá cổ với những tài liệu khắc trên đó có nguồn gốc ban đầu từ đâu, có lẽ đến nay vẫn còn là một câu hỏi khó. Bốn tấm bia đá cổ vẫn còn đó, đang được dựng lên ngay trước mặt chúng tôi, và mỗi tấm bia hẳn là đáng giá cả một kho tàng lớn.

Câu chuyện tường thuật trên đây có vẻ hơi đi ra ngoài đề mục chính, nhưng chúng tôi thấy cần phải trình bày một cách vắn tắt những chuyện xảy ra ở nhiều vùng cách biệt nhau trên toàn thế giới, khi người ta tìm thấy những tài liệu có liên hệ trực tiếp đến những nền văn minh cổ xưa nhất thế giới.

Chúng tôi cũng sẽ nói sơ qua về những nền nghệ thuật và văn hóa của họ, cùng những tư tưởng và động lực nào đã giúp cho những nền văn minh ấy duy trì được sự sinh tồn ở một trình độ rất cao.

Vài nhóm người rất hiếm vẫn tiếp tục thực hành đời sống tâm linh cao cả. Những nhóm người đó đã một phần nào trở nên những ngọn đuốc soi đường cho nhân loại đang tiến hóa đến một cao điểm mới của lịch sử văn minh. Hãy còn chờ xem phải chăng những thiếu sót lỗi lầm của một thiểu số, được tăng cường bởi đa số nhân loại, có thể nào lại một lần nữa nhấn chìm thế giới và lôi cuốn phần đông loài người vào quên lãng trong một thời gian lâu dài.

Những quan sát của chúng tôi cho thấy rằng hiện tại có tiềm lực chứa đựng tất cả tương lai. Chỉ có những công trình của hiện tại mới tạo nên tương lai. Nếu hiện tại được toàn hảo, thì tương lai chắc chắn cũng sẽ được toàn hảo. Không phải là sự toàn hảo của hiện tại được nối tiếp theo trong tương lai, mà chính cái ý thức về sự toàn hảo hiện tại sẽ đưa đến cái ý thức của một tương lai toàn hảo.

Dù cho chúng tôi đi đến đâu, chúng tôi cũng khám phá được những dấu tích của một dân tộc, ở một thời kỳ nhất định nào đó, đã hoàn toàn sống trong hiện tại. Trọn cái tương lai của dân tộc ấy hoàn toàn phù hợp đúng đắn với những công trình hiện tại của họ, đến nỗi tương lai của họ không thể nào cách biệt xa con đường toàn hảo. Đó tức là cái nguồn gốc của lời răn “Các ngươi chớ có băn khoăn lo lắng gì về tương lai.” Họ áp dụng giáo điều này: “Hãy sống với hiện tại một cách thành thật, rồi tương lai cũng sẽ được tốt đẹp.” Tư tưởng ấy luôn luôn tái xuất hiện trong những phong tục, tập quán, những bài dân ca, và những kinh cầu nguyện của nhiều dân tộc khác nhau.

Chúng tôi cũng đã nghiên cứu những huyền thoại về âm binh của vùng “Biển Cát,” theo như danh từ của người Trung Hoa thường gọi vùng sa mạc Gobi. Ở nhiều nơi trên sa mạc, người ta nghe có những tiếng nói dị kỳ. Nhiều khi người ta nghe trong khoảng không có tiếng người kêu gọi đúng tên họ mình. Có khi người ta nghe thấy tiếng động ồn ào huyên náo của một đám đông người dường như ở rất gần. Người ta cũng thường nghe được tiếng âm nhạc do nhiều loại nhạc khí khác nhau, kèm theo với những giọng hát rất dịu dàng thánh thót.

Chúng tôi đã từng nhìn thấy rất nhiều ảo ảnh và nghe tiếng động của những cồn cát di chuyển. Chúng tôi chắc rằng những tầng lớp không khí ở một chiều cao nhất định nào đó bên trên bãi sa mạc đã trở nên trong suốt đến nỗi vào những lúc mà tất cả những điều kiện bên ngoài đều hoàn toàn hòa hợp với nhau đến mức tối đa thì những lớp không khí ấy có tác động giống như những “phòng ghi âm” kỳ diệu có khả năng dội lại những âm ba rung động đã được phát ra từ quá khứ. Chúng tôi tin rằng những diễn biến xảy ra từ thời Trung cổ cũng có thể đã được tái diễn lại bằng cách đó.

Chúng tôi bận rộn với công việc đến nỗi mất cả ý thức về ngoại cảnh, và thời gian trôi qua rất nhanh. Dưới sự chỉ dẫn của vị Lạt-ma cao niên, chúng tôi sao chép lại các tài liệu cổ trên các bia đá cùng nhiều tài liệu khác nữa. Nhưng rồi cũng đến lúc chúng tôi phải chuẩn bị chia tay để tiếp tục hành trình đã định.

Buổi sáng ngày chúng tôi lên đường, thời tiết rất sáng sủa, quang đãng, và mọi việc đã sắp đặt sẵn sàng cho chuyến đi của chúng tôi đến Shigatzé. Chúng tôi đã từ giã tất cả những nhân vật hầu cận đức Đạt-lai Lạt-ma. Một đám đông dân chúng cũng tề tựu trên các đường phố để tiễn đưa chúng tôi. Họ vẫy tay khắp nơi để ra dấu từ giã, hoặc chắp tay cầu nguyện cho chúng tôi được bình an trên lộ trình.

Một phái đoàn đại diện dân chúng đã đi trước mở đường cho chúng tôi trên nhiều cây số đường trường, và năm chục người tiễn đưa chúng tôi đến tận Shigatse, trên vùng thượng lưu sông Brahmaputra.

Trong khi chúng tôi đi gần tới thành phố này, tức là thành phố quan trọng thứ nhì của xứ Tây Tạng sau thủ đô Lhasa, chúng tôi nhìn thấy tu viện Tashi Lumpo rất lớn, nằm cách xa hai cây số ngoài thành phố.

Một phái đoàn các nhà sư của tu viện này đã đi bộ trên năm cây số để tiếp đón chúng tôi và mời chúng tôi về nghỉ ngơi tại tu viện trong suốt thời gian lưu trú tại đây.

Khi bước vào tu viện, chúng tôi cảm thấy một niềm an tĩnh thấm nhuần các gian phòng như một sự hiện diện cao cả và vô hình. Thật vậy, đó là một nơi nghỉ ngơi lý tưởng trước khi bước chân lên đoạn đường sẽ đưa chúng tôi đến hồ Dolma và thị trấn Sansrawar.

Sau khi dùng bữa cơm chiều với các vị Lạt-ma, chúng tôi bàn luận về những ngôi đền rất đẹp và rải rác khắp nơi trong thành phố. Kế đó, câu chuyện xoay qua vấn đề khác biệt giữa các tín ngưỡng tôn giáo. Một vị Lạt-ma rất cao niên nói:

– Các vị Lạt-ma và đạo sĩ yogi không cùng chia sẻ những tin tưởng giống nhau. Người yogi không thể chấp nhận rằng giáo lý của bất cứ một người nào đề xướng ra là có giá trị quyết định độc đáo. Tất cả mọi người phải đạt tới sự thông suốt tự trong nội tâm của họ. Còn những tu sĩ Lạt-ma giáo thì tuân theo một cách chặt chẽ giáo lý của đức Phật. Họ nghĩ rằng mỗi người đều đang tiến lên trên con đường tu tập và cuối cùng rồi sẽ đạt tới quả vị tối cao của Phật. Người Phật tử tinh tấn chắc chắn rồi sẽ đắc quả vị Phật như đức Phật Thích-ca trước đây...

Chúng tôi thấy sáu vị Lạt-ma cầm đầu một nhóm tu sĩ gọi là các tu sĩ du phương. Nhóm các vị sư này không sống cố định ở bất cứ nơi nào mà thường xuyên đi du hóa khắp nơi. Họ không nhận tiền bạc cúng dường của bất cứ ai, chỉ sống bằng cách khất thực hằng ngày. Họ giữ mối liên hệ thường xuyên với nhau và với sáu vị Lạt-ma trưởng ở tại tu viện. Nhóm tu sĩ du phương này chia làm ba toán, mỗi toán có một vị Lạt-ma cầm đầu. Như vậy, ba vị Lạt-ma trưởng toán cùng với sáu vị ở tu viện tạo thành một cơ cấu chỉ huy gồm chín vị Lạt-ma.

Ba vị trưởng toán thường ở ba nơi khác nhau, và mỗi vị sư du phương luôn giữ mối liên hệ với vị trưởng toán của mình. Vị trưởng toán lại có trách nhiệm giữ mối giao tiếp thường xuyên với sáu vị Lạt-ma trưởng ở tu viện. Thông thường, các vị này giao tiếp với nhau bằng một phương pháp mà chúng tôi tạm gọi là chuyển di tư tưởng, vì chưa có được một danh từ nào chính xác hơn. Phương thức này sử dụng một kiểu năng lực tinh tế của tâm thức giúp người ta có thể nhận biết được tư tưởng của nhau qua một khoảng cách không gian bất kỳ, nhờ vào những rung động tương hợp của cả hai tâm thức.

Hôm sau, chúng tôi được mời dùng bữa sáng với các vị Lạt-ma. Vị Lạt-ma già cho chúng tôi biết rằng người sẽ đi theo chúng tôi đến tận đền Poratat Sanga khi nào chúng tôi hoàn thành mọi công việc. Chúng tôi nhận lời, vì vị Lạt-ma này là bạn thân của vị hướng đạo vừa dẫn đường vừa làm thông dịch cho chúng tôi. Cả hai người sẽ giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu các tài liệu cổ.

Trong khi nói chuyện, vị Lạt-ma già nói một cách tự nhiên:

– Hai thành viên trong nhóm của các ông đã từ giã ra đi hôm thứ Hai vừa rồi, sẽ đến Calcutta hôm nay vào lúc 11 giờ 30. Nếu các ông muốn giao tiếp với họ thì chúng tôi có thể giúp.

Vị trưởng phái đoàn chúng tôi liền viết một bức thư ngắn bảo hai người ấy hãy đến thẳng Darjeeling để thu xếp trước một công việc cần thiết, và đợi chúng tôi đến đó vào ngày 24 tháng 8. Ông ta ghi rõ ngày tháng trên bức thư, chép lại một bản sao và đưa bản chính cho vị Lạt-ma.

Vị này đọc xong, xếp tờ giấy lại cẩn thận và để sang một bên. Sau đó, hai đoàn viên đã gặp lại chúng tôi tại Darjeeling vào ngày 24 tháng 8 đúng như kế hoạch. Họ đưa cho chúng tôi xem một bức thư viết tay được chuyển giao đến tận tay họ sau khi họ đến Calcutta chưa được hai mươi phút. Họ vẫn tưởng rằng người đem thư là một thư tín viên được gửi đi từ trước với những chỉ dẫn rõ rệt. Nhưng bây giờ thì chúng tôi đã có bằng chứng cụ thể về những năng lực thần giao cách cảm của các vị Lạt-ma Tây Tạng. Và nếu họ đã có được năng lực siêu nhiên trên địa hạt này, chắc hẳn họ cũng có thể phát triển nhiều năng lực khác nữa.

Chúng tôi hối hả lên đường đến Poratat Sanga vì một số đông khách hành hương sẽ tụ họp tại đó vào mùa này vì thời tiết rất thuận tiện cho sự hội họp đông đảo.

Chúng tôi đi ngang qua thị trấn Gyantse. Tại đây chúng tôi được cho biết là sẽ gặp một vị tăng sĩ rất đặc biệt mà người ta thường gọi là vị “sư cười”. Những giọng hát tiếng cười của vị sư này giúp cho người nghe có thể quên hết mọi sầu khổ, và ông cũng giúp đỡ khách hành hương vượt qua những đoạn đường gay go, khó khăn nhất trên lộ trình.

Khi chúng tôi bước vào.sân tu viện, một vị thanh niên tăng lực lưỡng bước đến gần chúng tôi với những lời chào mừng nghinh tiếp. Ông ta cho chúng tôi biết rằng các vị Lạt-ma muốn mời chúng tôi ở lại tu viện trong thời gian lưu trú tại làng này. Chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ lên đường ngay hôm sau, vì chúng tôi cần phải đi gấp lên truông Phari.

Vị tăng trẻ đáp:

– Chúng tôi biết rằng các bạn định đi tới Poratat Sanga. Tôi cũng trở về đó vào sáng mai và rất sung sướng nếu được cùng đi với các bạn. Các bạn vui lòng cho phép chứ?

Chúng tôi nhận lời. Với một chuỗi cười dài cởi mở, vị tăng trẻ nhanh nhẹn đưa chúng tôi đến chỗ ngủ, trong gian phòng lớn của tu viện.

Sau khi đã xếp đặt cho chúng tôi được có đủ tiện nghi, vị tăng trẻ chúc chúng tôi nghỉ yên giấc và kiếu từ, hứa sẽ gặp lại chúng tôi vào sáng sớm hôm sau. Rồi ông ta vừa bước đi vừa hát vang bằng một giọng rất trong trẻo. Khi ấy, chúng tôi mới biết đó chính là vị “sư cười”!

Sáng hôm sau, vị “sư cười” đến đánh thức chúng tôi dậy rất sớm bằng một giọng hát vang lừng và loan báo rằng bữa ăn điểm tâm đã sẵn sàng.

Chúng tôi từ biệt các vị Lạt-ma, được các vị ban ân huệ trước khi lên đường và nhận thấy mọi việc đã được chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi của chúng tôi đến truông núi Phari.

Truông núi này đưa du khách qua khỏi các đỉnh núi Phari và Kang La. Nói chung, đường đi rất cheo leo, nhưng ở những đoạn đường khó đi thì vị “sư cười” luôn đi trước dẫn đường, vừa hát vừa cười làm cho chúng tôi quên hết cả mệt nhọc. Trong những đoạn đường gồ ghề lồi lõm nhất, giọng hát của ông ta vang rền và dường như nâng bước chúng tôi đi tới một cách dễ dàng, êm ái.

Chúng tôi lên tới đỉnh truông núi vào lúc ba giờ chiều. Trạm nghỉ chân sắp tới của chúng tôi là thị trấn Maha Muni với một ngôi đền rất lớn, như một pháo đài.

Cũng như ở các nơi khác, tại đây chúng tôi được tiếp đón nồng hậu. Chúng tôi được cho biết rằng người ta không cần giữ chúng tôi ở lại vì chân sư Pouridji đã đi trước chúng tôi đến đền Poratat Sanga là nơi có rất nhiều đạo sĩ yogi và tu sĩ các môn phái khác đã tề tựu rất đông tại đây.

Hôm sau, những người hành hương tụ họp rất sớm vì họ rất nôn nóng muốn được gặp chân sư Pouridji. Họ cũng muốn chiêm ngưỡng ngôi đền Poratat Sanga là một ngôi đền cao nhất thế giới, một tòa kiến trúc mỹ lệ dựng trên một đỉnh núi rất cao.

Tất cả đoàn người hành hương và chúng tôi đều lên đường. Ngọn núi Everest hùng vĩ nhô lên trước mặt chúng tôi dưới lớp áo tuyết trắng như pha lê và phản chiếu ánh sáng êm dịu của mặt trời lúc bình minh. Cảnh đẹp hùng vĩ của núi tuyết dường như thúc giục chúng tôi hãy cố gắng tiến thêm vài bước, chỉ vài bước nữa thôi, rồi đưa tay ra trước để nắm lấy mảnh áo tuyết đang bao phủ đỉnh núi. Nhưng mỗi khi chúng tôi tiến thêm được một đoạn thì đỉnh núi lại như lùi lại một khoảng cách nữa, và vẫn luôn nằm ngoài tầm tay của chúng tôi!

Chúng tôi đã vượt qua núi Chomolhari, một ngọn núi rất cao nhưng vẫn có vẻ như một chú lùn so với ngọn Everest khổng lồ đang sừng sững ở trước mặt.

Trước đây, chúng tôi vẫn cho rằng con đường mòn dọc theo sườn núi Chomolhari thật là cheo leo hiểm trở, nhưng bây giờ chúng tôi phải đi một cách vô cùng vất vả trên một con đường mà thường khi chúng tôi phải bò với cả hai chân và hai tay! Tuy nhiên, những giọng hát và tiếng cười sảng khoái của vị “sư cười” vẫn tiếp tục đưa chúng tôi đi tới một cách nhẹ nhàng thoải mái như lướt trên hai cánh. Trong cơn hứng khởi, chúng tôi quên cả sự hiểm nguy và dường như chúng tôi vượt qua những đoạn đường khó khăn một cách dễ dàng nhanh chóng.

Chuyến đi ngày hôm ấy không có vẻ gì là quá lâu hay mệt nhọc đối với chúng tôi. Suốt đoạn đường dài mà chúng tôi đều cảm thấy dường như chỉ kéo dài trong chốc lát. Những âm ba rung động của sự thiêng liêng, an tĩnh và điều hòa toát ra từ các ngôi đền luôn luôn hấp dẫn người du khách đến những ngọn núi này. Thật không lạ gì mà thấy rằng dãy Tuyết Sơn vẫn luôn gây nguồn cảm hứng tâm linh cho khách hành hương, và các thi nhân vẫn luôn ca tụng sự huy hoàng hùng vĩ của nó.

Sau cùng, đến khi chiều tối thì chúng tôi đã vượt qua tất cả mọi nỗi khó khăn trên đường và dừng chân trên một khoảnh đá bằng phẳng rộng lớn. Ai nấy đến lúc này mới cảm thấy mệt nhoài và cùng nhau thở dốc.

Nhiều ngôi đền rải rác ở xa xa, nhưng đền Poratat Sanga đẹp như viên ngọc nhô lên ở một độ cao khoảng bảy trăm thước so với chỗ chúng tôi và chiếu một vầng ánh sáng rực rỡ, soi sáng tất cả các núi đá và đền miếu ở vùng chung quanh.

Những người hành hương và chúng tôi cùng ngồi quây quần trong một hang đá rộng lớn. Chúng tôi ngạc nhiên khi nhận thấy có cả phụ nữ trong số người hành hương. Không có sự kỳ thị hay phân biệt nam nữ trong các chuyến hành hương, ai muốn đi đều có thể xin gia nhập.

Các vị chân sư đã từng sống tại đây. Chân Sư Niri cũng từng đi qua những con đường mòn mà chúng tôi vừa đi. Hôm nay, nhà đạo sĩ Santi cao cả, khiết bạch và khiêm tốn đã ngồi tọa thiền tại hang đá này và đang đắm chìm trong cơn đại định.

Chúng tôi đang lo lắng về việc làm sao tìm được nơi ăn chốn ở cho tất cả những người hành hương đông đảo này. Vị “sư cười” biết được điều đó liền... cười và cất tiếng hát:

“Đừng lo chi những vấn đề nhỏ nhặt.

Nơi đây luôn có đủ thức ăn,

Chỗ ngủ và áo quần,

Cho tất cả mọi người.”

Kế đó, ông ta lại hát lên bằng một giọng du dương, nhịp nhàng:

“Xin kính mời tất cả,

Mọi người hãy an tọa.”

Khi chúng tôi vừa ngồi xuống thì đã thấy có người mang ra những chén thức ăn nóng và bổ dưỡng.

Vị đạo sĩ Santi cũng đã xả thiền đứng dậy và cũng tham gia việc chuyển thức ăn cho mọi người, với sự trợ giúp của vị “sư cười” và một số người hành hương khác.

Khi ai nấy đều đã ăn uống no lòng, tất cả khách hành hương đều đứng dậy và người ta đưa họ đi từng nhóm nhỏ đến các ngôi đền kế cận để nghỉ lại trong đêm đó.

Vị “sư cười” đưa chúng tôi đến một ngôi đền tọa lạc trên một tảng đá lớn, ngăn cách với chỗ chúng tôi vừa ở bởi một vách đá dốc đứng cao chừng hai mươi lăm thước. Khi đến gần, chúng tôi mới nhận thấy có một cây cột hình trụ dài, chân trụ chấm đất, còn ngọn thì đỡ lấy cái mõm đá de ra ngay phía dưới ngôi đền.

Vì cây cột trụ này dường như là phương tiện duy nhất để lên tới ngôi đền, nhóm chúng tôi tụ lại dưới chân trụ để tìm cách trèo lên. Trong một lúc, hy vọng duy nhất để có chỗ ngủ ban đêm dường như tùy thuộc vào khả năng của chúng tôi để trèo lên cây trụ ấy. Nhưng vị “sư cười” nói:

– Các bạn đừng hấp tấp. Vấn đề không thực sự khó khăn đến thế đâu.

Kế đó, ông ta bước lại gần vách đá hơn và vạch một bụi cây rậm rạp, chúng tôi liền nhìn thấy một lối đi nhỏ ăn thông vào trong vách núi. Đó là những nấc thang rất nhỏ, chỉ vừa đủ một người đi và chạy theo hình xoắn ốc lên đến ngay phía trước sân đền. Vì lối đi ấy nằm ngay ở một chỗ lõm vào của vách đá và có những bụi cây rậm che khuất ngay bên ngoài nên đứng từ xa hầu như rất khó nhận ra.

Sau khi leo hết những bục đá, chúng tôi lên đến sân đền và được mời vào nghỉ ngơi bên trong. Những người hành hương thuộc các nhóm khác cũng đã được đưa đến các ngôi đền rải rác chung quanh đó và đều có chỗ nghỉ ngơi thoải mái.

Sau một đêm yên giấc, chúng tôi hầu như không còn giữ lại một dấu vết nào của sự mệt nhọc. Đêm đó chúng tôi đã ngủ rất say và yên giấc như trẻ con. Chúng tôi thầm nghĩ, nếu như có thể thường xuyên có được những giấc ngủ bình an và vô tư như thế này thì có lẽ con người đã không phải than vãn nhiều về kiếp sống.

Sáng hôm sau, khoảng bốn giờ thì giọng hát mạnh mẽ và sôi động của vị “sư cười” đã đánh thức chúng tôi dậy. Tiếng hát lanh lãnh như vang vọng khắp cả núi rừng, trời đất:

“Cõi thiên nhiên đã thức dậy.

Những người con của thiên nhiêni hãy thức dậy.

Bình minh của một ngày mới đã xuất hiện.

Sự tự do và bình an đang chờ đón các bạn.”

Chúng tôi lần theo những bậc thang nhỏ của con đường luồn trong vách núi để trở xuống và gia nhập với các nhóm người hành hương khác, cũng đang lục tục kéo đến từ các ngôi đền rải rác quanh đó. Sau đó, chúng tôi cùng nhau thăm viếng tất cả những nơi thánh tích linh thiêng của vùng này.

Trong khoảng mười lăm ngày mà chúng tôi đã trải qua trong vùng này, mỗi ngày chúng tôi đều được ăn những thức ăn nóng, ngon lành và bổ dưỡng, và thức ăn dường như được cung cấp tùy theo nhu cầu của mỗi người, không hề có sự giới hạn.

Vị “sư cười” và một bạn đồng hành khác bắt đầu dẫn đường cho chúng tôi trèo lên ngọn núi Poratat Sanga. Đường đi khởi đầu bằng những nấc thang được đục vào trong khối đá, không biết tự bao giờ nhưng đã bị những dấu chân người trước đây làm cho nhẵn bóng. Kế đó, chúng tôi phải đi trên những tấm sàn gỗ dày bắc ngang để nối liền các khe hở giữa hai vách núi, với những vực sâu thăm thẳm được nhìn thấy ngay dưới chân mình.

Có những chỗ phải leo lên bằng dây, với một đầu dây được buộc chặt vào những mô đá nhô ra ở phía trên.

Sau hai giờ đồng hồ, những người leo núi chúng tôi vẫn chưa thể vượt qua mõm đá thứ nhì khoảng một trăm bảy mươi lăm thước cao hơn điểm khởi hành. Khi đó, chúng tôi mới nhận ra rằng không còn chọn lựa nào khác hơn là buộc phải bỏ dỡ chuyến leo núi này.

Từ bên dưới, nhìn thấy dáng vẻ lưỡng lự và biết rõ vị trí khó khăn của chúng tôi, vị đạo sĩ liền Santi kêu to:

– Tại sao các anh không xuống đi?

Vị “sư cười” đưa hai tay lên miệng làm loa đáp vọng xuống:

– Chúng tôi đã thử đi xuống, nhưng đá trơn lắm, không xuống được!

Quả thật, chúng tôi đang rơi vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi không còn đủ sức để tiếp tục leo lên, nhưng khi muốn quay lại mới nhận ra cũng không dễ dàng chút nào. Ai đã từng trải qua kinh nghiệm leo núi đều biết rõ, việc trèo lên một vách đá trơn láng thường là dễ hơn... leo xuống!

Đạo sĩ Santi liền bảo chúng tôi hãy bình tĩnh, và bắt đầu hướng dẫn chúng tôi những cách thức cần thiết để có thể leo xuống một cách cẩn thận và an toàn. Khi đã xuống tới chân vách đá, chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm. Vị đạo sĩ mỉm cười và bảo chúng tôi:

– Xem ra sự hứng khởi và nhiệt thành của tuổi trẻ trong các anh đã tàn lụi dần.

Chúng tôi không đáp lại câu nói nửa đùa nửa thật đó, mà tất cả đều ngước nhìn lên đỉnh núi với những cặp mắt đầy mong ước. Một người nói:

– Nếu chân sư Pouridji đang ở trên đó, chúng tôi quả thật là không may vì không thể gặp được ngài. Quả thật, cuộc leo núi này là quá khó khăn đối với chúng tôi.

Vị đạo sĩ đáp:

– Các anh đừng buồn nản. Bằng cách này hay cách khác thì những nguyện vọng của các anh rồi cũng sẽ được đáp ứng. Bây giờ, các anh hãy yên tâm nghỉ ngơi. Tôi cho là các anh đã có một sự khởi đầu tốt đẹp rồi đó.

Trên đường trở lại chỗ nghỉ, chúng tôi tự hỏi trong sự ngạc nhiên, không biết bằng cách nào mà người ta có thể xây cất một ngôi đền trên đỉnh núi như ngôi đền Poratat Sanga, ở một nơi mà ngay cả việc muốn đến viếng thăm như chúng tôi cũng đã là cực kỳ khó khăn!

Nhiều người trong chúng tôi lên tiếng than vãn rằng không biết đến bao giờ mới có thể gặp được chân sư Pouridji. Vị đạo sĩ bỗng bất ngờ lên tiếng đáp:

– Các bạn hãy yên tâm. Chiều nay các bạn sẽ được toại nguyện.

Thật vậy, chân sư Pouridji đã đến gặp chúng tôi trong bữa cơm chiều. Chúng tôi có nhắc đến việc leo núi bị thất bại. Chân sư mỉm cười và nói:

– Tuy vậy, các anh cũng đã thành công trong việc dám đặt mình trước một sự thử thách khó khăn đến thế.

Khoảng bốn giờ chiều ngày hôm sau, tất cả chúng tôi đều tụ họp trong hang đá ở phía dưới ngôi đền. Đạo sĩ Santi bảo tất cả chúng tôi:

– Hôm qua tôi có nói là nguyện vọng của các anh sẽ được đáp ứng. Bây giờ, tôi sẽ thực hiện điều đó.

Rồi ông nhanh nhẹn dẫn đường đi trước, đưa tất cả chúng tôi theo một con đường vòng ra sau vách núi. Tại đây, chúng tôi nhận ra có một đường mòn rất nhỏ, quanh co khúc khuỷu nhưng vẫn dễ đi hơn nhiều so với việc phải leo qua vách núi như hôm qua.

Sau hơn hai giờ đồng hồ đi loanh quanh, thỉnh thoảng phải chậm lại ở những khúc đường quá hẹp, cuối cùng rồi chúng tôi cũng vượt qua được tất cả những bậc thang bằng đá để lên đến sân sau của ngôi đền.

Sau một lúc nghỉ ngơi, chúng tôi tập hợp lại và xếp thành hàng ngay ngắn để cùng nhau vào lễ bái trong đền. Ngôi đền rộng đến nỗi tất cả chúng tôi đều đứng thành hàng trong chánh điện nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ của khoảng sân lễ. Các vị chân sư dạy cho mọi người cách đọc tụng thánh ngữ Ohm. Rồi tất cả chúng tôi cùng đồng thanh cất giọng tụng đọc theo các ngài. Trong khoảnh khắc, tiếng tụng đọc của chúng tôi vang rền trong ngôi đền lớn và tạo ra một bầu không khí vừa kỳ bí vừa an ổn khó tả. Dường như chúng tôi có cảm giác rằng sẽ không có bất kỳ điều gì có thể làm tổn hại đến chúng tôi trong giờ phút thiêng liêng này. Chúng tôi đang được che chở và bảo vệ bởi một sức mạnh vừa thiêng liêng huyền bí vừa gần gũi thân thiết vô cùng.

Sau buổi lễ, chúng tôi ra sân và chia nhau ngồi quanh các phiến đá lớn. Khi mọi người đã ngồi yên, chân sư Pouridji cất giọng trầm trầm nói với chúng tôi:

– Nhiều người trong các bạn chưa hề nhìn thấy những hiện tượng nhiệm mầu xảy ra trong đời sống, nhưng một số khác có thể đã được chứng kiến trong những trường hợp nhất định nào đó. Thật ra, trong thế giới tự nhiên hàm chứa rất nhiều điều mà các bạn có thể gọi là mầu nhiệm, nhưng lại không có gì là huyền bí cả. Khi các bạn chưa từng chứng kiến và không thể giải thích được một hiện tượng kỳ bí nào đó, các bạn thường xem đó như là một phép lạ. Nhưng thật ra đó cũng chỉ là những chuyển biến rất tự nhiên trong vũ trụ, và con người hoàn toàn có thể nắm hiểu được những sự chuyển biến đó.

Khi chúng tôi được truyền thụ pháp môn yoga cổ truyền, chúng tôi cũng đã từng kinh ngạc trước vô số những điều mầu nhiệm được thực hiện bởi các bậc thầy. Nhưng với sự tu tập nỗ lực, dần dần chúng tôi không còn xem đó là những điều kỳ lạ nữa, cũng như chúng tôi không còn thấy hứng thú trong việc nhìn thấy hay tự mình thực hiện những điều đó. Có ý nghĩa gì khi các bạn có thể có được vô số những quyền năng mầu nhiệm nhưng vẫn không thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi? Có ý nghĩa gì khi các bạn có thể kêu mưa gọi gió nhưng lại không tự kiềm chế và chuyển hóa được một cơn giận dữ của bản thân? Vì thế, chúng tôi nhận ra một sự thật là, con đường tu tập chân chính là luôn hướng đến sự giải phóng tự thân ra khỏi mọi sự trói buộc của những tham lam, sân hận và si mê, chứ không phải là nhằm đạt đến những năng lực siêu nhiên hay phép mầu huyền bí.

Các học thuyết và triết lý của các bạn đều ca ngợi tự do. Đôi khi các bạn sẵn sàng tham gia vào những cuộc đấu tranh dai dẳng và gian khổ chỉ để dành cho bằng được sự tự do. Thế nhưng, nếu các bạn chịu bình tâm suy xét kỹ, các bạn sẽ thấy là suốt đời hầu như các bạn chẳng bao giờ có được một giây phút nào thực sự được tự do cả! Mọi hành vi, tư tưởng của các bạn đều chịu sự sai khiến của sự tham muốn, sân hận và si mê. Với sự trói buộc của những tâm niệm xấu xa, các bạn không thể nào có được dù chỉ là một phút giây thanh thản. Và nếu trong lòng bạn vốn đã không có sự tự do, thì mọi sự cải thiện hoàn cảnh bên ngoài liệu có ích gì?

Vì thế, hôm nay tôi mong rằng các bạn hãy suy gẫm và nhận thức lại vấn đề này. Con đường tu tập là con đường giải thoát, con đường đưa đến sự tự do thực sự, giải phóng hoàn toàn cả về mặt tinh thần và thể chất. Tôi rất cảm ơn sự ngưỡng mộ và tôn kính mà các bạn đã dành cho tôi, và chính vì sự tôn kính đó mà các bạn đã phát khởi tâm nguyện muốn được tiếp xúc, gặp gỡ tôi tại nơi này. Nhưng nếu các bạn có thể hiểu được những gì tôi vừa nói, thì cho dù các bạn không cần cất công lên tận đỉnh núi này, các bạn vẫn có thể nhận biết được sự hiện diện của tôi ngay bên cạnh các bạn trong từng giây phút. Bởi vì đối với những tâm thức thực sự tự do thì những khoảng cách không gian và thời gian đều không thực sự hiện hữu.

Kế đó, chân sư Pouridji còn thuyết giảng cho tất cả chúng tôi nghe về ý nghĩa thiêng liêng của thánh ngữ Ohm và hướng dẫn những cách hành trì đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả, thích hợp với đời sống của những người đệ tử đang sống đời thế tục.

Sau buổi giảng pháp, ngài mời chúng tôi cùng đi theo ngài đến một động đá rất lớn nằm sâu trong hang núi. Tại đây, chúng tôi thấy có nhiều vị tu sĩ đang tọa thiền nhập định.

Chúng tôi lưu lại ngôi đền và trong động đá này chín ngày. Chúng tôi được biết có nhiều vị tu sĩ yoga đã từng sống trong động đá này suốt nhiều năm, và sau khi rời khỏi nơi vắng vẻ cô liêu này, tất cả đều trở thành những bậc chân sư cao cả, tỏa ra khắp nơi từ đỉnh núi này để dẫn dắt vô số người đi vào con đường tốt đẹp về mặt đạo đức và tâm linh.

Chúng tôi được biết rằng sau cuộc hội họp này thì có nhiều vị chân sư sẽ trở về Ấn Độ theo con đường đến hồ Sansrawar và Mouktinath. Từ Mouktinath, chúng tôi có thể dễ dàng đi đến Darjeeling. Đó là một tin tốt lành, và triển vọng được cùng đi trên suốt chặng đường này với các đấng cao cả làm chúng tôi rất hãnh diện.

Trong suốt thời gian lưu trú nơi đây, chúng tôi đi từ động này đến động khác và nói chuyện với rất nhiều tu sĩ. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên mà thấy nhiều vị trong số đó đã sống tại đây mùa đông cũng như mùa hè. Chúng tôi hỏi họ có bị rét lạnh vì tuyết xuống nhiều vào mùa đông hay không. Họ đáp rằng tuyết rơi và không khí giá lạnh là điều hoàn toàn tự nhiên, nhưng họ có một pháp môn yoga gọi là “nội hỏa” có thể giúp cho người hành trì ngồi giữa trời giá lạnh mà thậm chí không cần đến một manh áo che thân. Pháp môn ấy giúp tạo ra một luồng hơi nóng từ bên trong thân thể và rồi luân lưu khắp châu thân, bảo vệ hành giả chống lại môi trường giá lạnh quanh mình. Các vị cũng cho biết, nếu không có pháp môn này, những đại sư Tây Tạng cũng như Ấn Độ từ xưa đến nay hẳn đã không thể chọn những vùng núi cao đầy băng tuyết để tu tập hành trì.

Thời gian dường như trôi qua rất nhanh, thoắt đó mà chúng tôi đã đến ngày chúng tôi phải lên đường. Vào sáng ngày hôm đó, tất cả đoàn người đều thức dậy từ rất sớm do tiếng hát vang của vị “sư cười”. Chúng tôi nghĩ là chắc có xảy ra chuyện gì khác thường, vì ngay sau đó ông ta lên tiếng mời tất cả chúng tôi hội họp lại trong một lúc.

Trong khi chúng tôi bước ra ngoài, ánh sáng từ đền Poratat Sanga hắt ra sáng rực, đến nỗi hầu như cả vùng chung quanh đều có thể nhìn thấy. Vị “sư cười” đứng ở một góc đền và đề nghị chúng tôi đứng im lặng trong một lát để chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ của đền trong khung cảnh hoàn toàn yên tĩnh của buổi bình minh chưa lố dạng.

Cảnh tượng khi ấy thật là khó tả. Mỗi người chúng tôi đều đứng yên lặng và đều nhìn thấy rõ hàng trăm người khác cũng đứng yên như những pho tượng in bóng lên nền sương mờ buổi sáng, hai tay đưa lên ra phía trước trong tư thế cầu nguyện mà các vị chân sư đã hướng dẫn.

Sau một lúc lâu, cơn im lặng kéo dài đó được chấm dứt khi giọng nói của vị “sư cười” vang lên:

– Xin chào tất cả các bạn! Chân sư Pouridji mời tất cả các bạn cùng tham gia tụng thánh ngữ Ohm.

Trong chốc lát, hàng trăm âm hưởng khác nhau đã cùng lúc cất cất lên phụ họa với giọng đọc trầm ấm của vị chân sư. Âm thanh kỳ diệu đó vang dội trong cảnh núi rừng yên tĩnh của buổi sáng sớm, và bầu không khí mát lành dường như cũng muốn giữ chặt lấy giọng đọc thánh ngữ không để cho tan biến đi, khiến tất cả chúng tôi đều cảm thấy một trạng thái lâng lâng siêu thoát, như hòa nhập vào với khối âm thanh nhiệm mầu đang vang dội, quyện chặt vào từng gốc cây ngọn cỏ trong thiên nhiên bao la quanh đó.

Tiếng đọc thánh ngữ Ohm của tất cả chúng tôi vang dội trong ít nhất là mười phút. Khi ấy, dường như có tiếng cồng của điểm giờ khắc của ngôi đền vang lên.

Tất cả những người hành hương đều đã tề tựu trong hang đá ở phía dưới ngôi đền. Khi chúng tôi đã ngồi xuống, đạo sĩ Santi đưa tay lên và tất cả mọi người im lặng. Ông nói mấy lời từ biệt và chúc chúng tôi lên đường bình an cũng như sẽ có được một cuộc sống tốt lành hơn khi trở về nhà.

Kế đó, vị “sư cười” lên tiếng nói:

– Đã đến lúc chúng tôi phải từ giã các bạn. Chúng tôi gửi đến các bạn những lời chúc tốt lành và tình thương yêu sâu đậm nhất. Chúng tôi mong các bạn hãy dành cho chúng tôi niềm vinh dự sẽ được tiếp đón các bạn một lần nữa. Chúng tôi rất buồn khi phải chia tay với các bạn. Chúng tôi mong ước các bạn sẽ trở lại vào một ngày không xa lắm để tái ngộ cùng chúng tôi. Cầu xin cho các bạn luôn nhận được những ân huệ tốt lành và mọi sự may mắn.

Kể từ khi gặp gỡ vị “sư cười” cho đến nay, có vẻ như đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy ông thốt ra những lời với một vẻ nghiêm trang và chân thành như vậy! Câu trả lời cho bài diễn văn đầy xúc động của ông dường như đã được một người trong nhóm chúng tôi phát biểu ngay:

– Các bạn thân mến, chúng ta đã được gặp gỡ nhau trong một hoàn cảnh vô cùng tốt đẹp và đầy ân huệ. Với những gì đã nhận được từ chuyến đi này, chúng ta sẽ không bao giờ cách biệt nhau nữa, cho dù mai đây các bạn và tôi có thể mỗi người một ngã và trôi giạt đến tận những nơi góc bể chân trời, nhưng những khoảng cách không gian đó không thể tạo thành sự ngăn cách thực sự trong tâm thức chúng ta.

Chúng tôi đã đi được một quãng đường khá dài mà bên tai vẫn như còn nghe vang vọng tiếng tụng đọc thánh ngữ. Những bước chân dong ruổi trên đường đưa chúng tôi đi xa dần, nhưng lòng chúng tôi như vẫn còn ở lại Poratat Sanga. Chúng tôi bắt đầu cảm nhận được rằng quả thật không hề có sự biệt ly, chia cách, và chúng tôi không hề cảm thấy rằng đã rời khỏi nơi thánh điện tôn nghiêm đó.

Trên đường về, vị “sư cười” dẫn đường cho chúng tôi vẫn luôn cất tiếng hát vang và cười rất vui vẻ. Cũng như lần trước, giọng hát phấn khởi và tiếng cười sảng khoái hồn nhiên của ông ta giúp chúng tôi vượt qua dễ dàng tất cả những đoạn đường khó khăn gập ghềnh.

Vào khoảng hai giờ trưa, chúng tôi đi qua thị trấn Maha Muni, nhưng thay vì dừng chân tại đây để nghỉ ngơi, chúng tôi vẫn tiếp tục đi thêm nhiều giờ đồng hồ nữa và vượt qua cả một chặng đường dài. Tuy vậy, chúng tôi không hề cảm thấy mệt nhọc chút nào, và cuộc hành trình vẫn tiếp tục như thế cho đến bờ hồ Sansrawar. Tại đây, người ta đưa chúng tôi đến nghỉ tại một ngôi đền rất mỹ lệ ở gần bên bờ hồ.

Chúng tôi nghỉ ngơi hai ngày trước khi tiếp tục lộ trình đi qua truông núi trên dãy Tuyết Sơn. Địa điểm này phong cảnh u nhã và có vẻ rất thần tiên. Hồ nước phẳng lặng và xanh biếc như viên ngọc nằm giữa một khung cảnh núi non hùng vĩ bao bọc chung quanh. Các loài chim hót líu lo trên những cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh hồ. Nhiều vị trong số các chân sư cùng đi với chúng tôi cư ngụ tại đây.

Chúng tôi tiếp tục lộ trình đến Mouktinath cùng với đạo sĩ Santi. Đường đi vượt qua rất nhiều đoạn cheo leo hiểm trở và chuyến du hành kéo dài suốt nhiều ngày, nhưng chúng tôi đi đường một cách dễ dàng suôn sẻ và đến Mouktinath đúng ngày giờ đã định.

Tại đây, chúng tôi được sự tiếp đón nồng nhiệt của đức Tuệ Minh và nhiều vị chân sư khác. Quả thật không thể dùng bất cứ lời nào để diễn tả được hết sự vui mừng vô hạn của chúng tôi trong dịp tái ngộ này. Chúng tôi đã đi đến tận những vùng xa xôi cách trở, đã được dành cho một sự tiếp đãi trọng hậu và khả ái nhất đời, và đã học hỏi được rất nhiều điều quý giá mà có khi người ta phải mất cả một đời người mới có được. Tuy nhiên, chính tại đây mà chúng tôi mới cảm thấy mình đã thật sự “trở về nhà”!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2019(Xem: 5021)
Quê quán tôi ở tận làng Nguyệt Biều, ngoại ô thành phố Huế, nơi nổi tiếng có những vườn thanh trà xanh um, trái ngọt. Hơn 50 năm trên đất Việt, tôi đã sống hơn 30 năm trên đất Huế, uống nước sông Hương hai mùa mưa nắng, ăn cơm gạo de An Cựu. Mùa hè tắm biển Thuận An, mùa xuân ngắm hoa đào trên chùa Từ Hiếu, mùa đông vẫn dầm mưa qua đò Thừa Phủ; chưa kể tiếng thông reo trên đồi Thiên An, tiếng ve sầu rả rích trên các tàng cây dọc con đường vào Thành Nội. Còn nữa, màu hồng, màu trắng của hoa sen hồ Tịnh Tâm, màu đỏ rực của phượng vĩ mùa hè. Tôi là dân Huế chính cống, Huế chay, “mô - tê - răng - rứa “ tôi nói không sai một chữ. Cũng có thể máu huyết tôi thấm đậm hương vị quýt Hương Cần, thanh trà, nhãn lồng Nguyệt Biều, mít Kim Long, dâu Truồi ngọt lịm...
21/10/2019(Xem: 3809)
Hans Christian Andersen là một nhà văn nổi tiếng của Đan Mạch, hay nói đúng hơn là của tuổi thơ. Ông sinh ngày 2 tháng 4 năm 1805 và mất ngày 4 tháng 8 năm 1875, thọ 70 tuổi. Đa phần tên Ông được viết tắt là H.C.Andersen, có lẽ để cho người ta dễ đọc và dễ nhớ, nhất là cho trẻ em. Ngày Ông sinh ra tính cho đến nay ở đầu thế kỷ thứ 21 nầy cũng đã trên 200 năm rồi. Ngày ấy Odense vẫn là một ốc đảo của Đan Mạch, nằm giữa những đảo lớn, có thủ đô Copenhagen và vùng Kolding. Từ Kolding hay Copenhagen muốn đến Odense đều phải đi ngang hai chiếc cầu dài nhất nhì tại Âu Châu và những chiếc cầu nầy cũng chỉ mới được xây dựng vào thế kỷ thứ 20, chứ trước đó thì chắc rằng người ta phải đi ngựa và đi thuyền mới đến được những nơi nào người ta muốn đến của hai mảnh đất liền nằm hai bên ốc đảo Odense nầy.
05/10/2019(Xem: 5582)
Một ông tăng tu Thiền tới hỏi hòa thượng: -Xin hòa thượng cho một câu ngắn gọn “Phật Là Gì?” để con tỏ ngộ và giảng dạy cho đại chúng. Hòa thượng đáp: - Phật là cơm.
29/09/2019(Xem: 27734)
Video: Hành Trình Khám Phá về Sự Thật Xá Lợi của Đức Phật (Rất hay, rất cảm động khi xem, quý vị nên tranh thủ vào xem liền, chân thành cảm ơn nhà văn, nhà khảo cô người Anh Charles Allen đã thực hiện cuốn phim tài liệu công phu và độc nhất vô nhị để tôn vinh và tìm ra sự thật về xá lợi của Đức Thế Tôn sau 26 thế kỷ, from Thích Nguyên Tạng, chủ biên trang nhà Quảng Đức)
26/09/2019(Xem: 6053)
Vừa tang tảng sớm, sương mai còn đọng trên đầu những ngọn cỏ xanh non, một người phụ nữ trạc tuổi bốn mươi, khoác áo bà ba nâu giản dị, đã đến trước ngõ cây tùng của am lá , tên dân dã thường gọi am Không Cửa … Bà không cần gọi am chủ mà đã tự động hé cánh cửa tùng hờ hửng mở, thư thả đi những bước chân nhẹ nhàng vào đến tận cửa am. Bà cất tiếng gọi :
11/09/2019(Xem: 4481)
Một câu chuyện có thật. Tại một thành phố ở Ấn Độ, vị thương gia mất cả ngày trời thương thảo với đối tác. Mệt mỏi, ông vào một nhà hàng sang trọng, tự thưởng cho mình bữa tối thịnh soạn.
03/09/2019(Xem: 3450)
Một đêm khi Shichiri Kojun đang tụng kinh thì một tên trộm với một thanh kiếm sắc nhọn bước vào, đòi đưa tiền nếu không ông sẽ mất mạng.
21/08/2019(Xem: 8409)
Một đoàn đông toàn thương gia Dự trù vượt biển đi xa buôn hàng Tìm đường sinh sống lang thang Lộ trình đoàn phải băng ngang cánh đồng
14/08/2019(Xem: 3763)
Sư cô Trăng Hiền Tâm, xuất gia trong gia đình cây Dẻ Gai ngày 25 tháng 10 năm 2018, tại Làng Mai – Pháp. Là con một, lớn lên trong một gia đình khá yên ấm tại Hàn Quốc và đang trên đường xây dựng sự nghiệp vững vàng, sư cô đã gặp được con đường tâm linh và phát tâm xuất gia mạnh mẽ. Hiện nay, sư cô đang tu tập ở xóm Mới và là niềm vui cho tất cả mọi người. Dưới đây là những chia sẻ của sư cô về hành trình tâm linh của mình, được Ban biên tập chuyển ngữ từ tiếng Anh
13/08/2019(Xem: 6304)
Một người từ 2500 năm trước vẫn còn sống chốn nhân gian, bạn có tin không? Nhưng càng kỳ lạ là, cách đây không lâu, một tiến sỹ người Anh tên là Beckson đã gặp tôn giả Ca Diếp trên núi Kê Túc, hơn nữa ông còn vì thế mà đã quy y Phật giáo. Đó là vào buổi sáng ngày đầu tiên hội nghị hàng năm của Hội nghiên cứu học thuật London vào đầu thế kỷ 20, rất nhiều tiến sỹ nổi tiếng nước Anh nghiên cứu khoa học, triết học, pháp học và thần học đã tấp nập đến trung tâm nghiên cứu, sẵn sàng thuyết trình. Người khiến mọi người chú ý là một vị hòa thượng phương Tây, thân hình cao lớn, mặc bộ tăng y màu vàng, ngoài khoác áo cà sa, tay cầm chiếc bát đen, chân trần, cử chỉ trang trọng, bước về phía tòa nhà tráng lệ của Hội nghiên cứu học thuật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]