Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương bảy

13/03/201118:11(Xem: 5592)
Chương bảy

Á CHÂU HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG BẢY

Chúng tôi thức dậy thật sớm vào sáng hôm sau và lên đường trước khi mặt trời mọc, thẳng hướng đến chỗ làng quê của Bạch Lãng. Chúng tôi đến làng ấy mười hai ngày sau đó.

Khi đến nơi, chúng tôi được đón tiếp bởi những vị chân sư đã đến thăm chúng tôi vào ngày cuối cùng trên sa mạc, và lấy làm sung sướng khi được các vị mời chúng tôi nghỉ ngơi tại nhà các vị trong vài ngày.

Chúng tôi được đưa vào những gian phòng rất sang trọng so với những lều trại của chúng tôi trên sa mạc. Sau khi nghỉ ngơi một lúc, chúng tôi thay đổi y phục chỉnh tề và bước vào gian phòng khách bên cạnh.

Tại đây, chúng tôi gặp lại nhiều vị chân sư mà chúng tôi đã từng được quen biết trong những chuyến du hành đã qua xuống miền Nam. Các vị vui mừng tiếp đón, nói rằng vùng này là chỗ đất lành của chúng tôi và sẵn sàng mở rộng cửa để tiếp đón tất cả mọi người. Vị thống đốc của vùng này tiếp đón chúng tôi bằng một bài diễn văn đầy thiện chí thông qua lời của một thông dịch viên. Ông ta cũng cho biết rằng một bữa tối thịnh soạn đã được sắp đặt tại tư dinh thống đốc và chúng tôi sẽ được mời đến đó ngay lập tức.

Chúng tôi rời khỏi phòng khách, vị thống đốc đích thân đi trước dẫn đường, có hai người vệ sĩ đi kèm hai bên theo nghi lễ bản xứ. Kế đó là Lê Mông với bà chủ nhà của chúng tôi khi trước, rồi đến Tô Mặc với người thiếu nữ tuyệt sắc, và sau cùng là đức Tuệ Minh, đức bà Mã Ly mẫu thân của ngài và tôi, tất cả những người còn lại đều tháp tùng theo sau.

Chúng tôi vừa đi được một đoạn chưa bao xa thì có một bé gái ăn mặc rách rưới tách ra từ đám đông đang nhìn chúng tôi từ bên lề đường, và nói bằng tiếng bản xứ xin được gặp đức bà Mã Ly.

Bà Mã Ly nắm tay tôi và đức Tuệ Minh rồi cả ba chúng tôi đều bước ra khỏi hàng để nghe xem em bé ấy muốn nói điều gì Thấy vậy, bà chủ nhà của chúng tôi do dự một lúc rồi nói rằng bà muốn ngừng lại. Trong khi bà bước ra khỏi hàng ngũ quan khách, cả đoàn đều dừng chân.

Bà Mã Ly quay lại bảo viên thống đốc hãy cứ đưa tất cả mọi người tiếp tục lộ trình và hãy ngồi vào bàn ăn trước, bà sẽ đến sau trong chốc lát để nhập tiệc chung với mọi người. Trong khi đó, bà nắm hai bàn tay của bé gái trong tay bà.

Sau khi viên thống đốc và đoàn tùy tùng cùng những người khác đã đi qua, bà quì xuống thấp để áp gương mặt bà vào gò má của đứa bé, choàng hai tay vòng quanh cổ nó và nói:

– Con hỡi, con muốn ta giúp con điều gì?

Sau đó, bà Mã Ly được biết rằng em trai của bé gái này đã bị té ngã vào lúc xế chiều và có lẽ đã bị gãy xương sống. Đứa bé khẩn cầu bà Mã Ly đi theo nó để cứu chữa cho em trai nó, vì đứa em trai này đang đau đớn rên siết rất khổ sở.

Bà Mã Ly đứng dậy, giải thích tình hình cho chúng tôi nghe và bảo chúng tôi hãy đi đến tư dinh viên thống đốc, còn bà sẽ đi theo đứa bé gái và gặp lại chúng tôi sau. Lê Mông xin phép đi với bà. Bà nói rằng nếu muốn thì tất cả chúng tôi đều có thể đi theo bà. Chúng tôi bèn đi theo bà.

Bà vừa đi vừa nắm tay bé gái, em bé này nhảy nhót vì vui mừng. Bà chủ nhà chúng tôi thông dịch lại những lời em nói. Em biết chắc rằng đứa em trai của em sẽ được đức bà chữa khỏi.

Khi đi đến gần nhà, đứa bé gái chạy vọt tới trước để báo tin có chúng tôi đến. Chúng tôi thấy em ở trong một chòi lá vách đất nghèo nàn. Bà Mã Ly có lẽ đọc được tư tưởng của chúng tôi vì bà nói ngay:

– Điều đáng nói hơn là căn nhà nghèo nàn này chứa đựng những quả tim ấm áp.

Khi đó, cánh cửa đột nhiên mở. Chúng tôi nghe một giọng đàn ông mời chúng tôi bước vào. Bên trong cái chòi lá nhỏ bé này rất chật hẹp, hầu như chỉ vừa đủ khoảng trống để chứa tất cả chúng tôi, và mái chòi thấp đến nỗi chúng tôi không thể đứng thẳng người.

Một ngọn đèn dầu leo lét hắt ánh sáng lập lòe lên gương mặt của cha mẹ đứa bé đang ngồi ở một góc chòi, áo quần dơ bẩn. Trong góc xa nhất, nằm trên một đống rơm rạ và giẻ rách cũ hôi hám ẩm thấp, là một bé trai chừng năm tuổi đang rên siết, gương mặt tái ngắt như màu sáp và nhăn nhó ra vẻ rất đau đớn.

Đứa bé gái ngồi xuống bên cạnh và đặt hai bàn tay lên hai gò má em trai. Em nói với bé trai rằng nó sẽ được hoàn toàn chữa khỏi vì đức bà đã có mặt tại đó. Rồi em rút hai bàn tay ra và nhích sang một bên để cho đứa em trai nhìn thấy đức bà.

Đến khi đó, đứa bé trai mới nhìn thấy những vị khách lạ, và nét mặt em liền biến đổi ngay. Dường như em đang trải qua một cơn sợ hãi. Em lấy hai tay che mặt, và thân mình em run rẩy hòa nhịp với những tiếng khóc nấc từng cơn:

– Ôi! Con tưởng rằng đức bà chỉ đến một mình!

Bà Mã Ly ngồi xuống bên cạnh và ôm em vào lòng một lúc. Khi em đã bình tĩnh, bà nói rằng bà sẽ bảo những người khách ra về nếu em muốn vậy. Em đáp rằng em chỉ ngạc nhiên và sợ hãi thôi.

Bà Mã Ly quay sang nói với đứa bé gái:

– Con thương yêu em con nhiều lắm phải không?

Đứa bé gái, có vẻ như chưa được chín tuổi, đáp ngay:

– Dạ, nhưng con cũng thương yêu tất cả mọi người

Đức Tuệ Minh thông dịch lại cho chúng tôi câu nói gây xúc động đó, vì chúng tôi không hiểu một tiếng nào.

Bà Mã Ly nói:

– Nếu con thương em con nhiều như vậy, con có thể giúp sức một phần vào sự cứu chữa cho nó.

Kế đó, bà bảo em bé ấy ngồi trở lại tư thế lúc nãy, với hai bàn tay ôm lấy hai gò má của em nó, rồi bà xoay mình lại để đặt một bàn tay bà trên trán đứa bé. Ngay tức khắc, những tiếng rên siết liền ngưng bặt, gương mặt đứa trẻ sáng lên, thân mình nó duỗi thẳng giữa một cơn yên tĩnh hoàn toàn của bầu không khí chung quanh, và đứa trẻ ngủ yên trong một giấc ngủ tự nhiên.

Bà Mã Ly và đứa bé gái ngồi yên trong tư thế đó một lúc lâu, rồi bà gạt nhẹ hai bàn tay bé gái ra và nói:

– Em bé trai này thật khôi ngô!

Kế đó, bà rút bàn tay ra một cách thật nhẹ nhàng. Lúc đó, tình cờ tôi lại đứng gần bên bà trong khi bà đưa cánh tay trái ra trước. Tôi đưa bàn tay tôi ra để đỡ bà đứng dậy, nhưng khi bàn tay tôi chạm vào bàn tay trái của bà thì tôi cảm thấy giật nẩy cả mình như bị điện giật, và cánh tay tôi hầu như bị tê liệt. Bà nhẹ nhàng đứng dậy và nói:

– Tôi đã quên đi mất. Đáng lẽ tôi không nên nắm lấy tay bạn như vậy.

Khi ấy, tôi cảm thấy rất rõ ràng sức mạnh kinh khủng của dòng điện kỳ lạ vừa chạy xuyên qua thân mình tôi. Nhưng khi bà vừa nói dứt lời thì cảm giác ấy liền biến mất và cánh tay tôi đã trở lại bình thường. Tôi tin rằng không ai nhận thấy việc ấy xảy ra, vì mọi người còn đang mãi chú ý đến những gì diễn ra ở chung quanh.

Đứa bé gái đã quỳ thụp xuống chân bà Mã Ly và hôn lấy hôn để vào gấu áo của bà. Bà Mã Ly cúi xuống, lấy tay đỡ gương mặt đẫm lệ của đứa bé, rồi cũng quì xuống ôm nó vào lòng, hôn lên mắt và miệng nó. Đứa bé quàng tay ôm cổ bà Mã Ly, và cả hai đều yên lặng như thế trong một lúc. Kế đó, ánh sáng lạ lùng mà chúng tôi đã từng thấy trước đây bắt đầu tràn vào trong chòi. Ánh sáng ấy càng lúc càng trở nên sáng rỡ, và sau cùng thì tất cả mọi vật đều có vẻ như trong suốt và tỏa sáng. Dường như không gian trong cái chòi chật hẹp bỗng càng lúc càng trở nên rộng hơn. Trạng thái kỳ diệu này kéo dài một lúc lâu rồi mới dần dần biến mất.

Việc chữa bệnh xem như hoàn tất, chúng tôi bèn bước ra khỏi cái chòi lá chật hẹp. Trước khi chúng tôi ra về, người mẹ đứa bé ngỏ lời mời chúng tôi trở lại thăm khi nào có dịp.

Chúng tôi hối hả đi đến tư dinh viên thống đốc vì sợ mọi người phải chờ lâu. Chúng tôi có cảm giác như đã trải qua nhiều giờ trong cái chòi lá, nhưng thật ra chỉ có nửa giờ đã trôi qua từ lúc chúng tôi tách rời khỏi đoàn người đến khi chúng tôi gặp họ trở lại. Tất cả mọi việc dường như đã diễn ra trong một quãng thời gian còn ngắn ngủi hơn cả thời gian cần thiết để ghi chép lại câu chuyện!

Chúng tôi đến tư dinh viên thống đốc đúng vào lúc mọi người vừa ngồi vào bàn ăn. Lê Mông xin phép ngồi gần bên Tô Mặc. Anh ta lộ vẻ vô cùng khích động. Về sau, Tô Mặc kể lại rằng hôm ấy Lê Mông bị xúc động mạnh về những gì đã nhìn thấy, đến nỗi anh ta không sao giữ được sự bình tĩnh.

Qua hôm sau, Lê Mông là người thức dậy sớm nhất. Trong bữa ăn sáng, anh ta ngồi giữa đức Tuệ Minh với Dật Sĩ và đặt rất nhiều câu hỏi trong suốt bữa ăn.

Về sau, Lê Mông cho chúng tôi biết rằng hôm ấy anh ta bị xúc động và ngạc nhiên đến nỗi không thể ngồi yên mà không đặt ra những câu hỏi. Y nói rằng chuyến đi này thật là một chuyến đi sôi nổi và hào hứng nhất đời, tuy rằng anh ta cũng đã từng đi du lịch ở nhiều nơi xa lạ.

Khi đó Lê Mông nảy ra ý định giúp chúng tôi tổ chức một chuyến hành trình thứ nhì để tiếp tục những cuộc đào xới khảo cổ theo chỉ dẫn của các vị chân sư. Nhưng thật không may là dự án này mãi mãi không được thực hiện, vì Lê Mông đã đột ngột từ trần ngay năm sau đó.

Đức Tuệ Minh cho chúng tôi biết rằng chiều hôm đó sẽ có một cuộc hội họp giống như phiên họp hồi cuối năm ngoái tại làng quê của ngài. Ngài mời tất cả chúng tôi cùng đến dự và chúng tôi sung sướng nhận lời.

Chúng tôi định đến thăm đứa bé trai vừa được chữa bệnh hôm qua, nhưng e rằng quá đông người có thể gây bất tiện cho gia đình, nên chúng tôi chia ra thành từng nhóm nhỏ chỉ độ năm hay sáu người. Nhóm đi cùng với tôi gồm có đức Tuệ Minh, Lê Mông và hai vị phu nhân. Khi chúng tôi đi ngang qua nhà trọ của bà Mã Ly, bà cùng nhập bọn với chúng tôi.

Khi chúng tôi gần đến cái chòi nhỏ, đứa bé gái chạy ra thật xa để đón, rồi nhảy vào nằm gọn trong vòng tay mở rộng của bà Mã Ly và nói rằng em trai nó đã hoàn toàn khỏe mạnh.

Khi chúng tôi đến nơi, người mẹ đứa bé chạy vội ra quì mọp dưới chân bà Mã Ly và hết lời cảm ơn bà. Bà Mã Ly đưa tay ra đỡ người đàn bà ấy đứng dậy và nói:

– Bà đừng quá lưu tâm chuyện này. Thật ra tôi chẳng làm được gì cho bà cả! Sự nhiệm mầu đã xảy đến cho con trai bà không phải do tôi tạo ra, mà chỉ là kết quả biểu hiện cụ thể của tình thương yêu rộng mở. Vì thế, trong việc này có sự góp phần quan trọng của chính con gái bà. Nó đã thực sự dành cho em trai mình một tình thương yêu chân thật và không có giới hạn.

Ngay khi đó, đứa bé trai ra mở cửa và mẹ nó mời chúng tôi vào nhà. Chúng tôi đi theo sau các bà, và bà chủ nhà của tôi khi trước tình nguyện làm thông ngôn cho buổi nói chuyện.

Sau một lúc chuyện trò, có người đưa tin của vị thống đốc đến. Sáng hôm ấy, ông ta cử viên đại úy dẫn một toán quân hầu đến trân trọng mời chúng tôi dùng cơm trưa tại tư dinh.

Chúng tôi nhận lời, và đến giờ hẹn liền có một toán vệ sĩ đến hộ tống chúng tôi đến tư dinh viên thống đốc. Đến nơi, chúng tôi thấy một số đông những vị Lạt-ma của tu viện Lạt-ma giáo gần bên đã có mặt tại đó cùng với vị Sư trưởng của họ.

Chúng tôi được biết rằng tu viện này rất quan trọng và có khoảng hơn 1.500 nhà sư. Viên thống đốc là một trong những cư sĩ sùng tín và đứng ra bảo trợ về mặt tài chánh cho tu viện này.

Khi đó, chúng tôi được biết rằng bữa tiệc này có mục đích tạo một dịp tiếp xúc giữa các vị Lạt-ma và các thành viên trong đoàn chúng tôi. Các vị chân sư đã từng quen biết vị Sư trưởng này từ lâu. Thậm chí các ngài còn thường xuyên gặp gỡ và làm việc chung với ngài. Nhưng cho đến sáng hôm ấy, viên thống đốc dường như vẫn chưa biết đến mối liên hệ trên. Thật ra, vị Sư trưởng đã vắng mặt ở tu viện trong suốt ba năm nay và chỉ vừa mới trở về một ngày trước khi chúng tôi đến.

Trong bữa ăn, chúng tôi nhận thấy rằng các vị Lạt-ma đều là những người có học thức, có những quan điểm rộng rãi về cuộc đời và đã từng du lịch nhiều nơi. Có hai vị đã từng sống một năm tại Anh quốc và Hoa Kỳ.

Trước khi chia tay, vị Sư trưởng mời chúng tôi hôm sau đến viếng tu viện Lạt-ma giáo và làm thượng khách của các vị Lạt-ma trong một ngày. Đức Tuệ Minh khuyên chúng tôi nên nhận lời. Hôm sau, chúng tôi đã trải qua một ngày rất tốt đẹp và hữu ích tại tu viện.

Vị Sư Trưởng là một người đạo hạnh uyên thâm. Hôm đó, ông ta đã cùng với Tô Mặc kết tình thân hữu, và tình thân hữu này về sau đã trở nên một sự cảm thông sâu đậm kéo dài đến suốt đời của hai người. Vị Sư Trưởng đã đem đến cho chúng tôi một sự trợ giúp vô cùng quí báu trong những chuyến du hành về sau tại vùng này.

Theo chương trình được dự tính, đoàn chúng tôi sẽ lên đường vào trưa hôm sau. Dật Sĩ và Chander Sen sẽ cùng đi với chúng tôi đến một địa điểm trao đổi hàng hóa để chúng tôi mua sắm thêm lương thực dự trữ, và đức Tuệ Minh cũng sẽ đến đó sau với chúng tôi. Kế đó, ba vị chân sư sẽ cùng với chúng tôi trở lại địa điểm căn cứ mùa đông. Khi đến căn cứ, đoàn khảo cứu của chúng tôi sẽ giải tán, và những người nào muốn về nhà có thể theo con đường mòn của các thương nhân để đến nơi có bến tàu hoặc phương tiện di chuyển thích hợp.

Ngày hôm sau đức Tuệ Minh đến với chúng tôi. Chúng tôi từ giã mọi người và cùng ngài lên đường đi về hướng căn cứ mùa đông. Chúng tôi nghỉ lại hai ngày tại trại của bọn cướp đã gặp trước đây. Hai người trong số họ đã đi theo chúng tôi từ trước bèn từ giã tại đây và toán chúng tôi chỉ còn lại bảy người. Chính hai người đi theo chúng tôi đã thuật lại cho mọi người trong trại của bọn cướp nghe về chuyến du hành kỳ lạ vừa rồi và những điều nhiệm mầu mà họ đã nhìn thấy. Vì thế, chúng tôi được đối xử một cách kính nể và vô cùng chu đáo. Nhất là ba vị chân sư luôn nhận được những sự ưu đãi danh dự rất đặc biệt.

Người cầm đầu bọn cướp cho ba vị biết rằng, để đáp lại thịnh tình mà các vị đã dành cho họ, họ sẽ xem địa điểm chôn giấu của ba thành phố cổ như một vùng cấm địa tuyệt đối thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Sáng ngày chúng tôi lên đường, viên đầu đảng đến tặng cho Tô Mặc một huy hiệu bằng bạc chỉ nhỏ bằng một đồng tiền xu, trên đó có khắc những chữ rất lạ. Ông ta nói với Tô Mặc rằng, nếu bị bất cứ bọn cướp nào tấn công trong vùng này, chúng tôi chỉ cần đưa cái huy hiệu ấy ra là lập tức họ sẽ xem chúng tôi như bạn. Gia đình ông ta đã giữ cái huy hiệu ấy qua nhiều thế hệ và xem như một vật quí vô giá, nhưng ông ta muốn tặng cho Tô Mặc để tỏ lòng ngưỡng mộ.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng chiếc huy hiệu, đức Tuệ Minh cho chúng tôi biết rằng đó là một bản sao rất chính xác của một đồng tiền đã từng lưu hành phía bắc vùng Gobi từ nhiều ngàn năm trước. Riêng chiếc huy hiệu này đã có ít nhất cũng hơn bảy trăm năm tuổi. Những đồng tiền loại này thường được các thổ dân bản xứ dùng như những linh vật hộ phù, và họ cho rằng đồng tiền càng cổ xưa thì càng quí giá hơn và có hiệu lực hơn. Viên đầu đảng và cả bọn cướp hẳn đã đánh giá món quà của họ là một giá trị rất lớn.

Chúng lôi tiếp tục cuộc hành trình một cách êm thấm và đến căn cứ mùa đông vào thời gian đã định. Tại đây chúng tôi được sự tiếp đón nồng nhiệt của các vị chân sư đã đến viếng chúng tôi trên vùng sa mạc và đã từ biệt chúng tôi tại nơi làng nọ khi chúng tôi gặp vị Sư trưởng của tu viện Lạt-ma giáo.

Một lần nữa chúng tôi lại được mời đến ở nhà của bà chủ nhà năm trước, và chúng tôi liền vui vẻ nhận lời. Lần này chúng tôi chỉ còn lại có bốn người, vì bảy thành viên khác đã trở về Ấn Độ và Mông Cổ để thực hiện những cuộc sưu tầm khác nữa. Việc phân công như thế giúp chúng tôi có nhiều thời giờ hơn để phiên dịch các tài liệu cổ.

Làng nhỏ này rất yên tĩnh. Chander Sen và bà chủ nhà luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi khi phải dịch các đoạn văn khó và bí hiểm. Công việc này tiếp tục cho đến cuối tháng mười hai.

Khi đó chúng tôi nhận thấy một đám khá đông dân chúng lại tụ họp để chuẩn bị cho cuộc hội họp hằng năm. Phần đông là những người đã tham dự cuộc hội họp năm ngoái, nhưng địa điểm có thay đổi. Lần này, cuộc hội họp sẽ diễn ra tại ngôi đền cổ đục trong vách núi, tại gian phòng trung ương được dùng làm tòa đại sảnh.

Chiều ngày đầu năm dương lịch, chúng tôi đến tòa sảnh đường khi còn sớm để nói chuyện với những người đã hội họp tại đó. Họ đến từ nhiều vùng khác nhau và cho chúng tôi biết tin tức của thế giới bên ngoài, cái thế giới mà chúng tôi thật sự cảm thấy rằng đã mất hẳn liên lạc từ lâu. Tuy nhiên công việc của chúng tôi làm cho chúng tôi quá bận rộn đến mức quên cả ngoại cảnh, và thời gian thực sự đã trôi qua rất nhanh.

Ngày hôm sau, Tô Mặc đề nghị với cả bọn cùng xuống phòng tài liệu để tiếp tục công việc phiên dịch. Chúng tôi mãi chăm chú vào công việc đến nỗi không nhận ra được sự hiện diện của những người khác trong phòng. Thình lình, Tô Mặc đứng dậy và bước tới đón chào những người mới đến. Chúng tôi khi ấy mới ngước nhìn lên thì thấy bà Mã Ly, bà chủ nhà của chúng tôi và Chander Sen. Ngoài ra còn có Bạch Lãng và một người lạ mặt được giới thiệu với chúng tôi dưới cái tên là Bút Già.

Lúc ấy đã quá trưa, chúng tôi dọn bàn và chuẩn bị bữa ăn. Xong, chúng tôi ngồi vào bàn và sau một lúc im lặng; Bạch Lãng cất tiếng nói:

– Này các bạn, hôm nay chúng ta hãy chiêm nghiệm về nguyên Lý đại đồng thấm nhuần tất cả vạn vật, khắp trong vũ trụ. Nguyên lý ấy là ánh sáng, là tình thương yêu bình đẳng và rộng khắp và tất cả những gì gọi là Chân Thiện Mỹ mà chúng ta có được nhờ vào một nếp sống tốt lành. Chúng ta có thể vĩnh viễn được thấm nhuần những sự tốt lành ấy, nếu chúng ta mong muốn và quyết tâm. Khắp vũ trụ này vẫn luôn được chiếu sáng bởi ngọn lửa thiêng trường cửu của tình thương vô phân biệt. Ngọn lửa thiêng ấy sẽ chiếu sáng không bao giờ lu mờ. Nó xuất hiện từ đáy lòng của tất cả những ai đã thật sự nhận ra ý nghĩa chân thật của đời sống. Bắt nguồn từ những người thân thuộc quanh ta, ngọn lửa thương yêu ấy sẽ lan tràn ra khắp không gian, soi sáng đến tận những vùng xa xôi nhất để mỗi con người đều có thể cảm nhận được ánh sáng của nó và luôn nhận được những sự tốt lành do tình thương vô biên mang đến. Những rung động của ánh sáng thương yêu đó sẽ hòa chung nhịp đập với vô số trái tim của muôn người, muôn loài, khơi dậy tâm hồn thanh cao tốt đẹp ở ngay cả những người đang sa đọa tận dưới đáy cùng của tội lỗi.

Bây giờ, chúng ta đã nhận thức được về tình thương yêu rộng khắp với công năng sưởi ấm cho hết thảy muôn loài trong khắp vũ trụ. Chúng ta hãy cùng nhau thực tập phát triển lòng thương yêu đó để biến đổi thế gian này, chuyển hóa và hòa hợp tất cả nhân loại.

Sau những lời chân thật của Bạch Lãng, tất cả chúng tôi đều cảm thấy xúc động thật sự. Tận đáy lòng mình, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy đang dâng tràn một tình thương yêu mãnh liệt, một tình thương hướng về mọi đối tượng trong đời sống mà không hề có sự phân biệt hay giới hạn.

Kể từ sau bữa ăn tối thân mật đó cho đến ngày 15 tháng 4 là ngày chúng tôi lên đường, không có ngày nào hoặc đêm nào mà chúng tôi không tụ họp tại đó với tất cả các chân sư trong khoảng ít nhất là một tiếng đồng hồ để bàn luận về những phương pháp nuôi dưỡng và phát triển lòng thương yêu, mà các vị gọi là tâm đại bi, nền tảng để hướng đến tâm thức giác ngộ hay tâm thức Bồ-đề mà trước đây tôi đã có dịp nhắc đến. Dần dần, chúng tôi đều có cảm giác là những bức rào cản giới hạn tâm thức của chúng tôi đang bị xóa bỏ, và chúng tôi tự thấy mỗi người đều có thể trải lòng thương yêu chăm sóc cho người khác một cách thực sự. Chính vì thế, những giây phút sống chung hằng ngày của chúng tôi đã trở nên ấm áp và thân thiết hơn trước kia rất nhiều. Hầu như không ai còn phiền trách ai về bất cứ điều gì, cho dù chỉ là những điều nhỏ nhặt.

Đến ngày 1 tháng 4, chúng tôi đã hoàn tất công việc phiên dịch các tài liệu cổ và chuẩn bị vẽ họa đồ những bức tượng cổ xưa tạc trong núi đá. Công việc này được thực hiện một cách mau chóng vì sự hứng thú và hăng say của chúng tôi khi bắt tay vào việc.

Một buổi xế trưa, có một người đưa tin đến làng. Nhìn thấy cách mà dân làng tụ họp nhốn nháo chung quanh người ấy, chúng tôi đoán ngay rằng đó là một biến cố khác thường. Chúng tôi liền bỏ dở công việc và đi xuống làng. Tại đó, bà chủ nhà trọ cho chúng tôi biết rằng có một toán quân cướp khá đông đang tập trung dưới thung lũng cách đó không xa.

Điều này gây cho dân làng một sự lo ngại rất lớn, vì từ nhiều năm nay, quân cướp vẫn luôn muốn đánh cướp làng này vì có lời đồn rằng ngôi đền đục trong hang núi có chứa đựng một kho tàng khổng lồ. Nhưng những mưu toan đánh cướp làng này từ trước đến nay vẫn thất bại, và những toán quân cướp cho rằng phần lớn sự thất bại này là do bởi sức chống cự mãnh liệt của những nông dân sống ở miền thung lũng. Hôm nay, nhiều toán quân cướp đã tập hợp lại để tăng cường lực lượng. Bọn chúng hiện có độ bốn ngàn quân khinh kỵ võ trang đầy đủ, đang tấn công vùng thung lũng để đánh tan sự chống cự của những người nông dân sống chung quanh làng.

Bọn cướp hy vọng rằng chiến lược tấn công lần này sẽ có hiệu quả hơn những lần trước. Người đưa tin cũng kêu gọi dân làng này hãy đến trợ giúp, vì rất nhiều người đã bị giết, và những người khác sắp sửa từ bỏ mọi sự chống cự.

Bà chủ nhà chúng tôi đáp rằng trong làng không sẵn có người nào có thể đi xuống thung lũng để trợ giúp. Nhưng bà trấn an người đưa tin rằng ông ta có thể trở về và sẽ không có gì xảy ra cho những người chung quanh ông ta.

Chúng tôi lại tiếp tục làm việc mặc dầu cũng ý thức được sự lo ngại của dân làng và chia sẻ phần nào sự lo ngại của họ.

Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục vẽ họa đồ và hoàn chỉnh công việc thu gom tài liệu để có thể tìm thấy đầy đủ hơn về lịch sử nền văn minh cổ xưa của một dân tộc đã từng sống trên phần đất bao la này, nay đã trở thành bãi sa mạc hoang vu. Viễn ảnh bị mất đi những kết quả sưu tầm từ bấy lâu nay trong một trận đánh với bọn cướp làm cho chúng tôi rất đỗi lo âu. Chúng tôi bèn góp nhặt tất cả các tài liệu mang vào trong phòng dự trữ tài liệu của ngôi đền. Đền này đã từng thoát khỏi một loạt những cuộc tấn công tương tự của bọn cướp.

Tối hôm đó, chúng tôi cùng với bà chủ nhà bàn kế hoạch trợ giúp dân làng. Chúng tôi bày tỏ sự ngạc nhiên khi không thấy các vị chân sư. Bà chủ nhà nói rằng sau khi có sự cầu cứu của người đưa tin, bọn cướp có lẽ bị bắt buộc phải gián đoạn cuộc tấn công, nếu không họ sẽ tự hủy diệt chính họ.

Đêm đó, chúng tôi đi ngủ với ý nghĩ là nỗi lo ngại về sự an toàn của chúng tôi có lẽ không cần thiết. Hôm sau, chúng tôi thức dậy sớm và chuẩn bị bắt tay vào việc thì người đưa tin hôm qua lại xuất hiện. Ông ta báo tin rằng những cuộc tấn công vào nông dân đã chấm dứt và bọn cướp đang tập trung lực lượng ở cách đó độ ba mươi lăm cây số, có lẽ để chuẩn bị đánh vào làng chúng tôi.

Trong khi bà chủ nhà nói chuyện với người đưa tin, với một nhóm dân làng tụ họp ở chung quanh, một người kỵ mã phóng ngựa vào làng và chạy ngay đến chỗ chúng tôi. Trên đường ông ta chạy vào làng, những nhóm dân làng có vẻ nhận biết ông ta và liền giải tán ngay, dường như vì sợ hãi.

Khi người kỵ mã sắp đến gần, người đưa tin bất giác thốt ra tên y và liền chạy trốn cùng với những dân làng khác, hiển nhiên là vì sợ rằng bọn cướp sẽ đến theo sau người kỵ mã. Chúng tôi còn ở lại với bà chủ nhà để đợi ông ta đến.

Ông ta gò cương ngựa và hất hàm nói với Tô Mặc một cách hiên ngang, rằng bọn cướp biết rõ chúng tôi là người ngoại quốc và chúng tôi đến đây với mục đích gì. Ông ta nói chuyện bằng tiếng địa phương nên chúng tôi không hiểu gì cả. Nhìn thấy chúng tôi ngơ ngác, ông ta liền hỏi có ai thông dịch được không. Bà chủ nhà trọ quay lại đối diện với người kỵ mã lúc ấy hãy còn ngồi trên lưng ngựa, và hỏi rằng bà có thể làm việc ấy giúp ông ta được không.

Khi vừa nhìn thấy bà, người kỵ mã có vẻ như bị điện giật. Tuy nhiên, ông ta trấn tĩnh lại ngay để nhảy xuống ngựa một cách gọn gàng và vừa chạy lại vừa đưa hai tay ra trước, kêu lên:

–Vậy ra bà ở đây sao?

Kế đó, ông ta đưa hai bàn tay lên trán, quì xuống trước mặt và xin lỗi bà. Bà chủ nhà chúng tôi bảo ông ta hãy đứng dậy và bày tỏ ý muốn. Chúng tôi nhìn thấy bà đứng thẳng người, và trong một lúc gương mặt bà đổi sắc vì nổi cơn thịnh nộ. Bà tỏ ra một cơn xúc động mãnh liệt đến nỗi người kỵ mã phải kinh hoảng. Chúng tôi cũng sợ hãi đến độ mất cả sự bình tĩnh. Những danh từ “hèn nhát, đồ sát nhân, hãy bước tới và nói rõ mi muốn gì” được phát ra từ đôi môi của bà với một sức mạnh kinh khủng đến nỗi người kia phải quì mọp sát đất. Một lần nữa, bà lại mắng mỏ y thậm tệ:

– Đứng lên, mi quá hèn nhát đến nỗi không dám đứng dậy chăng?

Chúng tôi không ngạc nhiên vì sự sợ hãi bi lụy của người kỵ mã, vì cũng như ông ta, chúng tôi hoàn toàn đứng sững như trời trồng, không dám động đậy. Tôi chắc rằng nếu có thể làm được với sức mình thì hẳn ông ta đã chạy vắt giò lên cổ. Nhưng lúc ấy, cũng như chúng tôi, ông ta không thể cử động hay thốt lên một lời nào. Ông ta buông mình xuống đất như một cái xác không hồn, hai mắt giương lên và miệng há hốc.

Trong sự tiếp xúc với các vị chân sư có những quyền năng siêu phàm, đây là lần đầu tiên chúng tôi có dịp nhìn thấy một vị bày tỏ cơn xúc động mạnh. Chúng tôi cũng hoảng sợ giống như tên cướp. Những rung động trong giọng nói của bà chủ nhà làm cho chúng tôi bị chạm mạnh như sức va chạm của một tiếng nổ dữ dội kèm theo với một cú điện giật, làm tê liệt không những giọng nói mà luôn cả các bắp thịt của chúng tôi. Tôi không tìm thấy danh từ nào khác để diễn tả những cảm giác lúc ấy. Với những định luật vật lý mà chúng tôi đã biết, thật khó mà giải thích được vì sao những rung động xuất phát từ một thân hình mảnh mai như của bà chủ nhà lại có thể làm cho chúng tôi cảm thấy như bị đè bẹp và trở nên yếu đuối bất lực. Nhưng sự thật là như vậy. Tuy tình trạng đó chỉ kéo dài có một lúc, nhưng nó dường như lâu đến hàng giờ trước khi mọi việc trở lại bình thường.

Chúng tôi đứng trân mình như những pho tượng và lấy làm động lòng trắc ẩn đối với tên cướp. Chúng tôi cảm thấy sự mong ước mãnh liệt là muốn trợ giúp y bằng mọi cách. Đó là sự phản ứng chung của tất cả chúng tôi, nhưng ngược lại chúng tôi chỉ có thể đứng sững nhìn bà chủ nhà trân trối.

Thình lình, mọi sự đều thay đổi. Gương mặt bà biểu lộ trước hết một sự cứng rắn, kế đó nét mặt bà biến đổi và trở lại dịu dàng như lúc bình thường. Chúng tôi cảm thấy có lòng trắc ẩn sâu xa đến nỗi chúng tôi tất cả đều chạy lại đỡ lấy cái thân hình đang nằm mọp dưới đất. Bà chủ nhà cũng cúi xuống và đưa một tay cho tên cướp. Người này giây lát đã tỉnh lại. Chúng tôi đỡ y đứng dậy và đặt y ngồi thoải mái trên một chiếc ghế dài gần đó. Y nhất định từ chối không bước vào bất cứ căn nhà nào. Bà chủ nhà khi đó mới nhận thấy cái ảnh hưởng mà bà đã gây cho chúng tôi, bèn tỏ lời hối tiếc về cơn thịnh nộ dữ dội của bà.

Chúng tôi vẫn còn run rẩy khắp thân mình, và một lát sau đó mới trấn tĩnh tinh thần lại được. Bà giải thích rằng, người ky mã này là đầu đảng của một bọn cướp khét tiếng trong vùng này cũng như trên khắp sa mạc Gobi. Một vài người rất hiếm biết được tên y, gọi là tên “Cướp Đen”, và chỉ dám thốt ra tên ấy một cách sợ hãi vì mọi người đều biết y là một kẻ cướp rất tàn bạo, không biết thương xót ai cả.

Bà chủ nhà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với người này trong hai lần tấn công bị thất bại của bọn cướp. Mỗi lần như vậy, y đã tỏ ra một sự thù hận sâu xa dối với bà và đối với các vị chân sư nói chung. Thỉnh thoảng y đã gửi đến các ngài những bức thông điệp với lời lẽ đầy căm hờn mà các ngài không hề để ý đến.

Sự xuất hiện thình lình của y đã nhắc nhở cho bà chủ nhà những hành động bất hảo trong quá khứ của y một cách rõ rệt đến nỗi bà đã mất bình tĩnh trong một lúc. Nhưng bà liền trấn tĩnh lại và bước đến gần người ấy. Khi bà đến gần, y toan đứng dậy nhưng không thể làm gì khác hơn là thu mình để ngồi ngay ngắn hơn một chút, với một vẻ mặt kinh khiếp sợ hãi đến cực độ.

Sự căm hận toát ra từ mọi cử chỉ của y, thân mình y run rẩy lập cập như người bị chứng liệt bại. Bà chủ nhà chúng tôi tỏ ra một dáng điệu trái ngược hẳn với y, vì bà đã lấy lại được sự bình tĩnh và không còn tỏ ra một dấu hiệu xúc động nào. Chúng tôi có ý nghĩ đem người kia đi. Trước khi chúng tôi có thể thốt ra lời, bà chủ nhà đã đọc được tư tưởng chúng tôi và đưa tay lên để yêu cầu chúng tôi giữ im lặng.

Tô Mặc hiểu rằng bà đảm đương trách nhiệm của tình tình hình lúc ấy và những gì mà chúng tôi làm chỉ đưa đến việc đặt bà trong một tình thế khó xử. Chúng tôi bèn rút lui cách đó một quãng xa. Bà nói chuyện với người ấy bằng một giọng thấp nhỏ và êm đềm trong một lúc khá lâu trước khi nhận được sự trả lời. Khi người ấy bắt đầu trả lời, bà chủ nhà bèn ra dấu cho chúng tôi bước lại gần.

Chúng tôi ngồi xuống đất trước mặt hai người và lấy làm sung sướng mà có thể làm một cử chỉ khả dĩ đưa đến sự bớt căng thẳng. Tên cướp giải thích rằng hắn ta được các tên chúa đảng cử đến với tư cách một sứ giả hòa bình để thương thuyết việc giao nộp kho tàng của cải mà họ cho rằng đang được chôn giấu ở ngôi đền trong hang núi. Nếu dân làng chịu đem nộp kho tàng ấy, bọn cướp hứa sẽ không đánh phá họ nữa và sẽ thả hết các dân làng bị cầm tù mà theo ông ta cho biết thì có đến trên ba ngàn người. Họ cũng hứa sẽ rời khỏi xứ này và không bao giờ còn làm hại những người dân sống ở miền thung lũng.

Bà chủ nhà chúng tôi giải thích cho ông ta biết rằng trong đền không có một kho tàng nào có giá trị đối với bọn cướp. Bà cho ông ta biết nhiều chi tiết và đề nghị đưa ông ta đi xem tất cả các gian phòng trong đền hoặc bất cứ nơi nào. Ông ta từ chối ngay, vì sợ bị giữ lại làm con tin. Không một lời đảm bảo nào của chúng tôi có thể thuyết phục được ông ta.

Bà chủ nhà xác nhận với ông ta sự thành thật của chúng tôi và ông ta liền tin ngay. Nhưng khi đó ông ta đang rơi vào một tình thế khó xử, vì ông ta chính là kẻ chủ trương thực hiện vụ đánh cướp này. Chính ông ta đã khêu gợi óc tưởng tượng của bọn cướp và làm cho chúng nổi lòng tham muốn đánh cướp kho tàng. Ông ta đã dựa vào trí tưởng tượng của mình để mô tả một cách hấp dẫn những kho của cải vô giá đã được chất chứa và che giấu từ lâu đời.

Hơn thế nữa, ông ta đã lợi dụng sự hứa hẹn về kho tàng vô giá tưởng tượng này để giúp cho hai cha con ông ta duy trì được một sự liên kết trong bọn cướp. Ông ta là đầu đảng của một trong năm toán cướp đang tập trung lực lượng để phát động cuộc tấn công.

Như vậy, tình hình xem như đã đi đến chỗ bế tắc. Nếu ông ta trở về với câu trả lời là không có kho tàng, bọn cướp sẽ lên án ông ta như một kẻ lừa gạt và phản bội. Chắc chắn ông ta sẽ không tránh khỏi một sự trừng phạt xứng đáng.

Nhưng ông ta cũng không thể ngăn chặn bọn cướp mở cuộc tấn công, vì sau tất cả những cố gắng trước đây của ông ta để đưa cuộc chuẩn bị đến giai đoạn hiện tại, cả bọn sẽ không còn đủ lòng tin nơi ông ta để có thể hủy bỏ cuộc tấn công.

Rõ ràng, ông ta đang lâm vào một tình thế rất khó khăn. Rồi trước sự ngạc nhiên không thể nói hết của chúng tôi, bà chủ nhà bỗng tình nguyện đưa ông ta về trại! Bất chấp những lời can ngăn của chúng tôi, bà đề nghị đi ngay lập tức. Bà trấn an chúng tôi rằng không có gì nguy hiểm nếu bà đi một mình, nhưng nếu có chúng tôi đi theo, bọn cướp sẽ nghi kỵ và tất cả chúng tôi sẽ bị lâm nguy.

Chúng tôi bèn lẳng lặng tuân theo vì không thể làm gì khác hơn. Tên tướng cướp bèn lên ngựa, và chúng tôi đỡ bà chủ nhà lên ngồi trên yên ngựa phía sau tên cướp, trên một tấm yên thứ nhì đã sắp đặt sẵn.

Hai người ra khỏi làng, và trước mắt chúng tôi khi ấy là một cảnh tượng khó quên, có lẽ sẽ luôn sống động trong ký ức cho đến tận muôn đời: Tên cướp với những nét mặt tỏ vẻ hoang mang và nghi ngờ, còn bà chủ nhà thì thản nhiên quay lại mỉm cười và nói với chúng tôi rằng bà sẽ trở về vào lúc chiều tối.

lll

Suốt những giờ còn lại trong ngày hôm đó, chúng tôi không còn lòng dạ nào để làm việc nữa, cùng nhau đi thẩn thơ vô định quanh làng cho đến lúc xế chiều. Sau đó, chúng tôi trở về nhà trọ để đợi bà chủ nhà. Về đến nơi chúng tôi thấy trên bàn đã bày sẵn những thức ăn ngon lành. Và tất cả chúng tôi hầu như đều sững người ra vì ngạc nhiên khi nhìn thấy bà chủ nhà đã ngồi nơi đầu bàn với nét mặt tươi cười hồn nhiên như mọi ngày.

Chúng tôi đứng sững sờ trong im lặng. Bà lấy dáng trang trọng nhưng nói với một giọng hơi chế giễu:

– Này các bạn, ít nhất người ta cũng phải chào hỏi nhau khi bước chân vào nhà chứ!

Khi đó chúng tôi mới như người từ trong mộng tỉnh ra, khẽ nghiêng mình và thốt ra mấy tiếng lắp bắp chào bà. Bà nói tiếp:

– Tôi đã hoàn toàn thất bại trong việc thuyết phục bọn cướp từ bỏ cuộc tấn công. Nhưng bọn chúng đồng ý hứa sẽ xem xét và trả lời tôi trong vòng ba ngày nữa. Bây giờ tôi biết rằng sự trả lời của họ sẽ là khởi điểm của một cuộc tấn công, nhưng dù sao tôi đã cứu được mạng sống cho tên Cướp Đen, ít nhất là trong lúc này. Chúng ta sẽ phải chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công, vì không gì có thể ngăn cản bọn chúng được nữa. Tôi nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta chắc phải có lúc nghĩ đến sự công bình thiêng liêng để tìm thấy đức tin vững chắc hầu vượt qua những lúc khó khăn nguy hiểm trong đời.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/05/2011(Xem: 2453)
Ngày xưa có một ông vua và một bà hoàng hậu ngày nào cũng nói: "Ước gì mình có đứa con!" mà mãi vẫn không có.
05/05/2011(Xem: 2503)
Một người có ba con trai, cả cơ nghiệp có một cái nhà. Người con nào cũng muốn sau này, khi bố mất, nhà sẽ về mình.
26/04/2011(Xem: 10636)
Mỹ Uyên tần ngần đứng trước cổng Tam quan chùa, lâu lắm rồi vì nhiều lý do nàng đã không đến đây dù rằng mỗi kỳ lễ Tết nàng đều từ thành phố về nhà thăm cha mẹ và nhà nàng cách chùa không xa lắm. Dù sao, ngôi chùa này với nàng cũng có biết bao kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu.
26/04/2011(Xem: 4282)
Ai đã từng đọc tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh“ tức “Truyện Kiều“ của đại thi hào Nguyễn Du mà chẳng biết Hoạn Thư, người đàn bà “biết ghen“ thông minh vào bậc nhất nhì trên đời. Hoạn Thư thì quá nổi tiếng rồi (nhưng chẳng biết trên đời có thật hay không?), bây giờ thì tôi xin được kể về một Hoạn Thư khác hoàn toàn có thật, thật như mặt trời mọc ở đằng đông và lặn ở đằng tây vậy.
26/04/2011(Xem: 2421)
Một buổi tối, chàng đánh trống trẻ tuổi đi một mình giữa cánh đồng. Tới bên một cái hồ, anh thấy trên bờ ba chiếc áo trắng của ai vứt đó.
26/04/2011(Xem: 2116)
Xưa có một người trước khi đi xa từ biệt ba con gái, hỏi các con muốn lấy quà gì. Cô cả muốn lấy ngọc, cô thứ hai xin kim cương, cô út nói...
26/04/2011(Xem: 3038)
Xưa có một người lính như vậy bị thải hồi. Bác ta không học được nghề gì nên không kiếm tiền được, đành đi lang thang ăn xin thiên hạ.
26/04/2011(Xem: 2718)
Ngày xưa có một người đàn bà góa sống cô quạnh trong một túp lều gianh. Trước cửa là một cái vườn có hai cây hoa hồng, một cây ra hoa đỏ, một cây ra hoa trắng.
26/04/2011(Xem: 2505)
Ngày xưa có một ông vua trị vì vào thời nào, tên là gì, tôi không nhớ rõ nữa. Vua không có con trai, chỉ có độc một cô con gái, luôn luôn đau ốm...
25/04/2011(Xem: 3626)
Ông Tư bị ung thư và biết chắc không thể sống lâu hơn sáu tháng. Ông bình tỉnh chờ cái chết, và vui vẻ sống những ngày ngắn ngủi còn lại, mà không bi ai, không sợ hãi. Ông muốn sau khi chết, gia đình làm đám tang theo ý riêng của ông. Bà vợ nghe dặn dò cách thức làm đám tang kỳ dị, thì nói giọng buồn, với đôi mắt cầu khẩn: - Em nghe nói ngày xưa ở Huế, người đàn bà đầu tiên đi xe đạp, bị cả thành phố phỉ nhổ, xem như là Me Tây, như kẽ phá hoại phong hóa nơi đất thần kinh. Cho đến khi chiếc xe gắn máy hiệu “Velo solex” ra đời, người đàn bà đầu tiên xữ dụng, cũng bị xem như là thứ côn đồ, cao bồi du đảng, chẵng ai dám giao du thân mật. Đến như bà Thu, vốn là một công chúa, dù là con của vị phế đế, là người đàn bà có xe hơi, và lái xe hơi dầu tiên ở Huế, cũng bị thiên hạ nghi ngờ oan ức đến cái đức hạnh của bà, mà suốt đời không kiếm được một tấm chồng. Thế mà bây giờ, anh bảo em làm đám tang khác thiên hạ, không giống ai, thì chịu sao nỗi lời tiếu đàm của bà con, họ hàng! Ông Tư cười,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]