Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương I: Cảnh giới của tâm thức

10/03/201105:29(Xem: 8358)
Chương I: Cảnh giới của tâm thức

XỨ PHẬT HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG I: CẢNH GIỚI CỦA TÂM THỨC

Trong phần đầu của hồi ký này được trình bày trong tập sách “Các bậc chân sư Yogi Ấn Độ”, độc giả đã thấy tôi từ bỏ giấc mộng tầm đạo trên Hy Mã Lạp Sơn như thế nào. Đức độ và năng lực cảm hóa của sư phụ tôi đã khiến cho tôi phải hổ thẹn mà thấy rằng mình đã hết sức viển vông khi nghĩ đến việc rời xa người để mong mỏi một sự chứng đạo nơi những động đá vô tri trên núi Tuyết. Sau khi đã thấu triệt và từ bỏ hoàn toàn mọi ý tưởng ra đi, tôi lại quay về dưới chân sư phụ Śrỵ Yukteswar.

– Bạch thầy, con đã về!

Sư phụ yên lặng nhìn tôi với ánh mắt từ hòa khi tôi đến ra mắt người lúc vừa trở về đạo viện. Tuy hết lòng hối tiếc về sự sai lầm đã cãi lời thầy, nhưng tôi thực sự yên lòng vì mối giao cảm tôi đã có được trong đêm hôm trước với sư phụ nhờ sự giúp sức của Ram Gopal. Tôi biết người đã sẵn lòng cảm thông và tha thứ cho tôi. Hơn thế nữa, vẫn thương yêu che chở cho tôi như tự bao giờ.

– Con hãy xuống bếp xem có còn món gì ăn hay không. Con có vẻ mỏi mệt sau mấy ngày đi đường.

Mối quan tâm nhỏ nhặt của thầy làm tôi thật sự xúc động. Bây giờ thì tôi hiểu là mình không bao giờ còn có thể rời xa thầy được nữa. Những động đá vô tri giác trên núi Tuyết kia rõ ràng là không thể nào so sánh được với sư phụ đầy lòng thương yêu từ ái của tôi.

Tôi tự ý thức được sai lầm của mình, và hình dung rõ thậm chí một người cha cũng không dễ tha thứ hoàn toàn cho đứa con ngỗ nghịch dám cãi lời mình ra đi vì một ý tưởng sai trái. Vậy mà sư phụ không một lời trách mắng, cũng không biểu lộ chút buồn giận nào đối với tôi. Ngài quả thật là hiện thân vô cùng của lòng từ bi mà người thế gian không sao có thể hiểu hết được.

Khi tôi mang việc này ra hỏi sư phụ, người tươi cười nhìn tôi và nói:

– Mọi tình thương của thế gian thật ra đều có mục đích. Người cha thương con nhưng cũng đặt nhiều kỳ vọng ở con mình. Nếu đứa con không làm theo ý mình, người ấy sẽ thấy thất vọng, buồn khổ và hờn giận... Còn ta, ta không hề đặt kỳ vọng nơi các con, không muốn các con phải làm điều gì đó nhân danh ta, càng không hề lợi dụng các con vào bất cứ mục đích vị kỷ nào khác. Vì thế, các con không thể làm cho ta thất vọng. Ngược lại, chỉ có sự hạnh phúc chân thật mà các con đạt đến mới thật sự làm cho ta vui sướng mà thôi.

° ° °

Cuộc sống của tôi ở tu viện trở lại bình thường như trước. Nhưng giờ đây tôi cảm thấy đức tin của mình vững chãi hơn nhiều. Hơn thế nữa, qua tiếp xúc với Ram Gopal tôi mới hiểu ra sư phụ tôi hoàn toàn không phải một vị tôn sư bình thường như trước kia tôi vẫn tưởng. Tôi biết rằng, ẩn giấu bên trong vẻ ngoài rất giản dị, bình thường của người là một sự chứng ngộ sâu xa mà chỉ những hành giả đã đạt đạo mới có thể nhìn thấy được. Tôi đã thấy rõ là Ram Gopal không hề che giấu sự kính trọng sâu xa khi nhắc đến sư phụ tôi.

Tôi dành thời gian nhiều hơn cho việc tham thiền và tiết giảm tối đa những câu chuyện phiếm không cần thiết với những huynh đệ khác trong đạo viện. Tôi còn khám phá ra một điều là thỉnh thoảng tôi có thể tập trung tư tưởng ngay cả khi đang đi dạo trong vườn cây hoặc ven bờ sông chứ không chỉ trong những lúc ngồi yên thiền định.

Một hôm, tôi vừa bắt đầu ngồi xuống tham thiền trong một góc vắng ở cuối hành lang, được một lúc thì nghe có tiếng gọi của sư phụ từ xa:

– Mukunda, Mukunda!

Tôi cảm thấy không hài lòng. Lẽ ra sư phụ không nên gọi tôi vì chắc chắn người đã biết là tôi đang tham thiền. Một tâm trạng hờn giận khởi lên trong tôi, và tôi tự thấy mình không sao tập trung tư tưởng được. Tôi cố gắng ngồi yên thêm một lúc nữa. Thầy tôi lại gọi:

– Mukunda, Mukunda!

Tôi vẫn im lặng không đáp lại và tiếp tục cố gắng tập trung tư tưởng nhưng gần như không sao làm được. Một lúc lâu, tiếng gọi của thầy tôi lại vang lên:

– Mukunda, Mukunda!

Quá thất vọng, tôi giận dỗi đứng lên và đi về phía người, vẫn không lên tiếng đáp lại. Khi đến bên người, tôi nói với giọng trách móc:

– Bạch thầy, lẽ ra thầy không nên gọi con trong lúc con đang cố gắng ngồi thiền.

Sư phụ thản nhiên như đã hiểu hết mọi chuyện:

– Ta biết, và ta cũng biết là con đang tham thiền với tâm trạng như thế nào nữa kìa.

Xấu hổ vì bị thầy đọc thấu vào trong tư tưởng, sự hờn giận của tôi bỗng chốc tiêu tan và thay vào đó là sự kính phục vô cùng. Tôi nói:

– Vâng, bạch thầy con không sao tập trung tư tưởng được.

Sư phụ Śrỵ Yukteswar khoan thai nhìn tôi và nói:

– Bởi vì con đã khởi sự tham thiền với một mong cầu. Con tưởng rằng sự cố gắng của con sẽ giúp con đạt được kinh nghiệm thiền định chân thật hay sao? Đã thế, con còn khởi tâm hờn giận, con tưởng rằng việc tham thiền của con là quan trọng nhất trong cả vũ trụ này hay sao?

Tôi lặng lẽ cúi đầu nhận lỗi. Thầy tôi đã thấu suốt mọi suy nghĩ cũng như cảm xúc của tôi. Tôi không thể biện bạch và cũng không muốn biện bạch gì nữa, chỉ yên lặng cúi đầu chờ nghe lời thầy chỉ dạy.

– Con nên biết, việc tham thiền chỉ là một phương tiện để giúp con tu tập. Nếu con cố chấp cho rằng việc ngồi thiền là mục đích của sự tu tập, con sẽ không bao giờ thực sự đạt đến thành công. Cả vũ trụ này không phải vạn vật đều biết ngồi thiền, nhưng vẫn lặng lẽ chuyển hóa không phút giây ngừng nghỉ. Nếu con chưa nắm rõ được lẽ nhiệm mầu ấy thì việc ngồi thiền của con chỉ hoàn toàn là một sợi dây trói buộc mà thôi. Con người ta ai ai cũng đều sống được mà không cần phải ngồi thiền.

Tôi có phần nào choáng váng trước những lời dạy này của sư phụ. Quả thật từ xưa nay tôi vẫn tưởng việc ngồi thiền là mục đích của người tu tập. Nhất là trong thời gian gần đây, tôi lại càng chú ý nhiều hơn đến việc ngồi thiền, xem đó là mục tiêu quan trọng nhất của mình!

Thầy tôi chờ một chút như để cho tôi kịp lấy lại tinh thần rồi mới thong thả nói tiếp:

– Thiền định là pháp môn vô cùng quý giá để giúp người tu nhanh chóng đạt đến sự giải thoát. Nhưng nếu người tu tập cố chấp vào phương tiện, lấy đó làm cứu cánh của mình, thì thiền định lại trở thành một sợi dây trói buộc còn khó dứt bỏ hơn cả những hệ lụy khác của thế tục, vì rất khó được nhận ra. Nếu hiểu được điều đó, con sẽ thấy việc ngồi thiền dễ dàng hơn, và khi con không ngồi thiền cũng không phải là không ở trong trạng thái giải thoát mọi hệ lụy.

Rồi sư phụ nhìn thẳng vào mắt tôi và nói:

– Nếu con hiểu được những lời ta nói, cuộc đời tu tập của con sẽ không uổng phí.

° ° °

Trở về phòng mình, trong đầu tôi luôn ám ảnh những điều sư phụ vừa nói. Sau bữa cơm chiều, tôi ngồi lặng lẽ trước hành lang bên ngoài phòng mình và suy nghĩ rất nhiều. Tôi mơ hồ nhận ra có những điều từ xưa nay mình đã lầm lẫn không hiểu đúng trong việc tu tập.

Buổi tối, tôi ngồi thiền như thường lệ. Tuy nhiên, thay vì là bốn giờ đồng hồ như mọi hôm, đêm ấy tôi đã ngồi suốt đêm không ngủ.

Trong lúc thiền quán, tôi tập trung suy nghĩ rất nhiều những lời thầy dạy. Tôi bừng tỉnh nhận ra quả thật điều mà tôi khổ công tìm kiếm không phải là việc say mê dành trọn thời gian cho việc tu tập thiền định. Thay vì vận dụng thiền định như một phương tiện để đạt đến tâm trạng giải thoát và duy trì trạng thái giải thoát ấy trong đời sống, tôi đã bám lấy những giây phút an vui ngắn ngủi trong thơi gian nhập định mà cho đó là cứu cánh của đời mình. Càng suy nghĩ, tôi càng thấy hiểu rõ hơn và như trút bỏ được gánh nặng cố công từ lâu nay. Tôi thấy tâm hồn trở nên thanh thản, nhẹ nhàng.

Giờ đây, tôi thấy việc ngồi thiền không còn là những giây phút khó nhọc căng thẳng đầy cố gắng, mà trở thành những giây phút nghỉ ngơi thanh thản, tạo điều kiện dễ dàng cho tâm hồn lắng dịu lại sau những nhộn nhịp hay căng thẳng trong đời sống. Từ nhận thức này, những lúc không ngồi thiền cũng không phải là hoàn toàn bất ổn, mà người tu tập vẫn có thể giữ gìn tâm yên lắng thanh tịnh như trình độ chứng ngộ tâm linh đã đạt đến trong thời gian ngồi thiền.

Đến khoảng nửa đêm thì một điều kỳ diệu đã xảy ra với tôi. Trong trạng thái tập trung tư tưởng gần như hoàn toàn cao độ, tôi có cảm giác thân thể mình bất chợt nhẹ bỗng đi như không còn chút trọng lượng nào. Một lúc sau, không gian quanh tôi sáng dần lên trong một vùng ánh sáng ngày càng rực rỡ, và trong vùng sáng yên lặng ấy vạn vật dần hiện ra thật rõ ràng theo đúng với bản chất của chúng.

Thoạt tiên là hàng cây lớn chạy dài từ trước phòng tôi ra cổng tu viện. Trong trạng thái tinh thần sảng khoái đến khó tả này, tôi nhìn thấy hàng cây hiện ra rõ hơn cả trong ánh sáng ban ngày. Hơn thế nữa, tôi còn nhìn thấy được cả những rễ cây lớn nhỏ chằng chịt trong lòng đất, và cả những dòng nhựa đang luân chuyển bên trong mỗi thân cây.

Bên trên bầu trời, những tinh tú cũng hiện rõ trong tầm mắt tôi như cả một thế giới kỳ diệu đang chuyển động không ngừng mà mỗi mỗi đều tuân theo những quỹ đạo nhất định không hề sai lệch. Điều kỳ lạ là ánh sáng tỏa ra từ các vì sao giờ đây như mờ nhạt hẳn đi trong vùng ánh sáng linh diệu tỏa ra từ quanh tôi.

Càng về sau, tôi có cảm giác như thân thể mình ngày càng trở nên rộng lớn mênh mông không giới hạn. Cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng lan rộng khắp châu thân và như len lỏi đến từng ngỏ ngách khắp nơi trong vũ trụ. Trong giây phút ấy, tôi thấy mình đã hoàn toàn hòa nhập cùng với cả vũ trụ bao la và với cả từng gốc cây ngọn cỏ vô tri giác cho đến các loài côn trùng bé bỏng ẩn núp tận trong lòng đất sâu im lặng. Cảm giác an lạc siêu thoát đó tồn tại rất lâu cho đến khi từ trong đêm tối vọng lên những tiếng gà gáy sáng xa xa bên ngoài những bức tường bao quanh đạo viện. Và tuy không còn giữ được trạng thái ấy cho đến sáng, nhưng tôi vẫn còn cảm thấy nhẹ nhàng thư thái trong một tâm trạng mà từ trước đến nay tôi chưa từng có được.

Sau bữa điểm tâm, tôi tìm lên phòng sư phụ dự định sẽ trình bày với người kinh nghiệm tâm linh mà tôi vừa trải qua. Nhưng khi vừa gặp người, bỗng dưng tôi chợt hiểu ra là điều ấy hoàn toàn không cần thiết. Chỉ trong một thoáng, tôi bất chợt nhớ lại kinh nghiệm đã trải qua với Ram Gopal lần trước và một tia sáng lóe lên trong trí tôi, tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra đêm qua: Chính sư phụ đã giúp tôi trải nghiệm qua một thế giới tâm thức tuyệt vời, cảnh giới của một người đã chứng ngộ mà phải còn lâu lắm tự thân tôi mới có thể đạt đến.

Tôi lặng lẽ đến trước mặt sư phụ và chí thành lễ bái để tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với những ân huệ mà người đã dành cho tôi.

Sau lần ấy, tôi tự thấy mình thay đổi rất nhiều. Tôi không còn cảm giác khó chịu, bực tức mỗi khi có một công việc bất ngờ nào đó ngăn cản tôi không thể tham thiền vào giờ đã định. Tôi cũng không còn cảm giác nôn nao, chờ đợi để đến lúc được ngồi yên tĩnh một mình và dứt bỏ tất cả mọi vọng tưởng, tìm đến cảm giác an vui trong thiền định... Ngược lại, tôi cũng dễ dàng tập trung tư tưởng hơn gần như bất cứ lúc nào. Thời gian ngồi thiền mang lại cảm giác thư thái dễ chịu mà rất lâu sau khi ra khỏi thiền định tôi vẫn còn giữ được. Một đôi khi, tôi còn có thể tập trung tư tưởng và đạt được sự thư giãn hoàn toàn ngay trong khi đang làm một công việc thường ngày nào đó, hoặc lúc đang theo hầu sau sư phụ.

Bây giờ, tôi hiểu ra rằng việc ngồi thiền chỉ là một phương tiện, mà mục đích đạt đến cần phải vượt thoát bên ngoài phương tiện ấy. Tôi cũng hiểu được vì sao sư phụ tôi không hề xem giờ giấc thiền định của người là bất khả xâm phạm như một số các vị tôn sư khác. Thực tế tôi đã thấy nhiều khi có khách đến viếng thăm và đàm đạo vào giờ tham thiền, sư phụ vẫn vui vẻ tiếp chuyện, giải thích mọi thắc mắc cho họ mà không tỏ vẻ khó chịu chút nào. Đối với người, gần như mọi thời khắc đều là sống trong thiền định, nên người không cần phải cố chấp vào những giờ tĩnh tọa cố định như chúng tôi.

Từ kinh nghiệm bản thân đã trải qua, tôi càng vững tin hơn vào sự dắt dẫn của sư phụ, cho dù một đôi khi tôi quả thật vẫn chưa hoàn toàn hiểu được hết hành trạng của người.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/09/2011(Xem: 11650)
Tôi cảm động, vì sống trong đạo giải thoát tôi đã tiếp nhận được một thứ tình thiêng liêng, trong sáng; một thứ tình êm nhẹ thanh thoát đượm ngát hương vị lý tưởng...
12/09/2011(Xem: 3718)
Hồ Biểu Chánh (1884–1958), tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên; là một nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20. Ông sinh năm 1885 (trong giấy khai sinh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.
11/09/2011(Xem: 12592)
Tôi thức dậy trong một sự yên tĩnh như thế ấy ở Pomona. Tiếng chim hót vang rừng những không thể nói là tiếng ồn. Nó lại càng làm cho sự yên lặng thêm sâu hơn về bề sâu là khác.
06/09/2011(Xem: 10882)
Đóa sen, nếu nhìn dưới kính hiển vi và suy luận theo thiên văn học, là nền tảng của vũ trụ và cũng là một phương tiện giúp ta khám phá vũ trụ.
05/09/2011(Xem: 7523)
Điều tôi muốn là con đường đưa đến sự chấm dứt mọi đau khổ, một con đường đã được khám phá hơn hai ngàn năm trăm năm nay nhưng mãi đến thời gian gần đây tôi mới ý thức được nó.
05/09/2011(Xem: 6283)
Tinh thần Hoa Nghiêm từng dạy một câu rất thâm sâu nhưng chỉ cần lắng tâm là có thể nắm bắt được. Đó là: “Khoảnh khắc chứa đựng thiên thu”. Mỗi phút giây là mỗi thách thức của ta qua sự hiện hữu ở cõi Ta Bà này. Ta phải nghĩ thế nào để có chánh niệm, thở thế nào để có tỉnh thức, sống thế nào để có an lạc. Bước được một bước chân vào Tịnh Độ thì cần gì trăm năm?! Khoảnh khắc đó chính là thiên thu đấy.... Đức Phật là tiêu biểu tuyệt hảo về Từ, Bi, Hỷ Xả. Đó là Tứ Vô Lượng Tâm toàn bích, không một tỳ vết, thể hiện qua suốt cuộc đời thị hiện ta-bà của Ngài.
01/09/2011(Xem: 2797)
Lữ khách một mình trên lối mòn vào thung lũng An-nhiên. Núi rừng trùng điệp miền Bản-ngã-sơn huyền bí, nhàn nhạt ánh mặt trởi trên bóng lá thâm u. Mơ hồ đâu đó phảng phất khói lam ai đốt lau làm rẫy dưới sườn non.
31/08/2011(Xem: 13163)
Cám ơn nàng. Nàng đã đem lại cho ta SỰ THẬT. Nàng đã cho ta thấy cái phi lý của tưởng tượng. Ta sẽ không còn ôm giữ một hình ảnh nào, vì Phật đã dạy: Pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp.
29/08/2011(Xem: 7109)
Cha cô vẫn nói, cô giống mẹ từ chân tơ, kẽ tóc, vừa xinh đẹp, vừa tài hoa. Cha thương nhớ mẹ bao nhiêu là yêu quí cô bấy nhiêu.
29/08/2011(Xem: 14194)
Bàng bạc khắp trong tam tạng kinh điển, hằng hà sa số mẩu truyện, đức Phật thường nhắc đến sự liên hệ giữa Ngài và các đệ tử, giữa chúng sanh và Ngài trong những kiếp quá khứ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]