Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chim ưng thần

26/04/201101:48(Xem: 1557)
Chim ưng thần
Ngày xưa có một ông vua trị vì vào thời nào, tên là gì, tôi không nhớ rõ nữa. Vua không có con trai, chỉ có độc một cô con gái, luôn luôn đau ốm, không thầy thuốc nào chữa khỏi được. Vua được nghe lời tiên tri là công chúa ăn táo có thể khỏi được. Vua liền cho báo trong khắp nước là kẻ nào dâng công chúa táo ăn và khỏi bệnh thì sẽ được lấy nàng và lên ngôi vua.

Một bác nông dân có ba con trai cũng được tin ấy. Bác liền bảo người con đầu:

- Con hãy lên buồng kho, lấy một giỏ đầy táo ngon đỏ ối mà mang đến triều đình. Có thể công chúa ăn táo và khỏi bệnh, con được lấy nàng rồi lên ngôi vua.

Chàng trai làm như vậy và lên đường ra đi.

Chàng đi được vài giờ thì gặp một người nhỏ bé, tóc hoa râm, hỏi chàng mang gì trong giỏ. Chàng Unrich – tên chàng là Unrich - đáp:

- Tôi mang chân ếch.

Người nhỏ bé liền bảo:

- Ừ được, cứ như thế!

Rồi Unrich lại đi, đi mãi đến cung điện, báo là chàng mang táo đến, công chúa ăn vào sẽ khỏi bệnh. Vua nghe nói mừng lắm, cho đòi Unrich vào. Nhưng trời ơi! chàng mở giỏ ra thì chẳng thấy táo mà chỉ thấy chân ếch hãy còn ngọ ngoậy. Vua nổi giận đuổi chàng về. Chàng về nhà kể lại cho bố nghe đầu đuôi câu chuyện. Bố liền sai con thứ hai tên là Damuen đi, nhưng sự việc xảy ra cũng đúng như với Unrich. Chàng cũng lại gặp một người nhỏ bé, tóc hoa râm, hỏi chàng mang gì trong giỏ, Damuen đáp:

- Tôi mang lông lợn.

Người nhỏ bé tóc hoa râm đáp:

- Ừ được, cứ như thế!

Chàng đến cung điện, bảo là chàng mang táo đến, công chúa ăn vào sẽ khỏi bệnh. Người ta không để chàng vào và bảo là đã có một tên vào đây giễu cợt họ. Damuen kêu nài mãi, quả quyết là mình có thứ táo ấy, phải để cho chàng vào. Sau cùng người ta cũng tin chàng, dẫn chàng vào chầu vua. Nhưng khi chàng mở giỏ ra thì chỉ có lông lợn. Vua tức giận vô cùng, sai đuổi Damuen ra. Chàng về nhà kể lại cho bố nghe đầu đuôi câu chuyện. Người con út ở nhà chỉ gọi là thằng Ngốc Hanxơ liền hỏi bố là mình mang táo đi có được không. Bố bảo:

- Ừ, thứ mày mới thật là đúng nhỉ! Đến mấy đứa tinh khôn còn chẳng làm nên trò trống gì thì mày làm gì được?

Người con út không chịu nói:

- Ấy bố ơi! Con cũng muốn đi!

Người bố liền bảo:

- Cút đi, mày phải đợi đến lúc nào tinh khôn hơn đã.

Rồi bác quay lưng đi. Nhưng người con kéo áo bố nói:

- Ấy bố ơi! Con cũng muốn đi!

Người bố đáp bằng một giọng cáu kỉnh:

- Ừ, thôi được, mày đi đi, chắc là mày lại trở về mà thôi.

Cậu út mừng quá, nhảy lên. Bố lại bảo:

- Chà, mày như thằng điên, mỗi ngày một ngốc thêm.

Hanxơ cũng chẳng động lòng, vẫn mừng mừng rỡ.

Lúc ấy trời đã tối, chàng nghĩ bụng đợi đến sáng mai, không đến cung điện ngay hôm nay. Đến đêm chàng nằm trên giường không ngủ được. Tuy không ngủ được ngay, chàng cũng mơ tới cô thiếu nữ xinh đẹp, nhưng tòa lâu đài, vàng bạc và nhiều thứ khác nữa.

Sáng hôm sau, chàng lên đường và gặp ngay người bé nhỏ, lẻo khoẻo, mặc quần áo xám trắng, hỏi chàng mang gì trong giỏ. Hanxơ đáp là chàng có táo, công chúa ăn vào sẽ khỏi. Người nhỏ bé liền đáp:

- Ừ, cứ như thế!

Nhưng ở cung điện người ta nhất định không cho Hanxơ vào vì đã có hai tên đến xưng là mang táo lại thì một đứa mang chân ếch, còn một đứa mang lông lợn. Nhưng Hanxơ van xin mãi, nói là quả thật chàng không mang đến chân ếch, mà mang đến táo ngon nhất nước. Chàng ăn nói đứng đắn, lính cánh cổng cho là chàng không nói dối, bèn để cho chàng vào. Mà họ làm vậy là đúng, vì khi chàng mở giỏ trước mặt vua thì táo vàng hiện ra. Vua mừng rỡ, cho mang đến công chúa ngay và đợi người đến báo tin kết quả ra sao. Chỉ một lát sau, có người mang tin lại. Nhưng kìa, ai kia kìa? Chính là công chúa. Nàng vừa ăn táo thì khỏi bệnh liền, nhảy ở giường xuống. Không ai tả được hết nỗi vui mừng của nhà vua.

Nhưng giờ vua lại không muốn gả công chúa cho Hanxơ. Vua bảo chàng trước hết phải đóng một chiếc thuyền, đi trên cạn nhanh hơn cả đi dưới nước. Hanxơ nhận điều kiện ấy, về nhà kể lại sự việc xảy ra. Bố liền bảo Unrich vào rừng đóng một chiếc thuyền như vậy. Chàng làm việc rất cần cù, vừa làm vừa huýt sáo. Đến giữa trưa, trời đứng bóng, có một người bé nhỏ tóc hoa râm đến hỏi chàng làm gì. Unrich đáp:

- Tôi làm bay thợ nề.

Người bé nhỏ tóc hoa râm bảo:

- Ừ được, cứ như thế!

Đến tối, Unrich tưởng là mình đã đóng xong chiếc thuyền nào ngờ lúc ngồi vào chỉ toàn bay thợ nề. Hôm sau Damuen vào rừng. Nhưng sự việc xảy ra cũng y như đối với Unrich.

Đến ngày thứ ba, chàng Ngốc Hanxơ đi vào rừng. Chàng làm thật chăm chỉ, cả khu rừng vang tiếng đập chan chát, chàng vừa làm vừa hát và huýt sáo vui vẻ. Đến giữa trưa, lúc trời nóng bức nhất, người nhỏ bé lại đến hỏi chàng làm gì. Chàng đáp là chàng đang đóng một chiếc thuyền đi trên cạn nhanh hơn cả đi dưới nước, làm xong sẽ cưới công chúa làm vợ. Người nhỏ bé bảo:

- Ừ, cứ như thế!

Chiều tối, khi mặt trời lặn, chàng Hanxơ đã làm xong chiếc thuyền, mái chèo và các bộ phận khác. Chàng ngồi vào thuyền chèo đến kinh thành. Chiếc thuyền đi nhanh như gió.

Vua thấy chiếc thuyền từ đằng xa, nhưng vẫn không muốn gả con gái cho Hanxơ. Vua lại bảo chàng phải chăn một trăm con thỏ từ sớm tinh mơ đến tối mịt, nếu có một con trốn thì không được lấy công chúa. Chú Hanxơ vui lòng nhận lời và ngay hôm sau, cùng cả đàn thỏ vào bãi hoang. Chàng chăm chú canh không để con nào trốn cả.

Một vài giờ trôi qua, một con hầu ở cung điện đến bảo chàng Hanxơ phải đưa ngay một con thỏ vì có khách. Chàng Hanxơ nhận ngay ra mưu kế, chàng từ chối không chịu đưa thỏ, bảo là vua có thể đợi đến mai hãy mời khách món thỏ hồ tiêu. Con hầu không chịu thôi, quay ra khóc lóc. Chàng Hanxơ liền bảo là nếu công chúa thân chinh lại, chàng sẽ đưa cho một con thỏ. Con hầu về cung điện báo, công chúa thân chinh lại.

Trong khi ấy người bé nhỏ lại đến gặp Hanxơ, hỏi chàng đang làm gì. Chàng đáp là chàng đang phải chăn một trăm con thỏ, không để con nào trốn mất, làm được sẽ lấy công chúa và làm vua. Người bé nhỏ bảo:

- Được! Đây có cái còi, có con nào chạy trốn, cứ thổi còi thì nó lộn lại.

Khi công chúa đến, Hanxơ đặt một con thỏ vào tạp dề của nàng. Vua ngạc nhiên khi thấy Hanxơ đã chăn nổi một trăm con thỏ, không con nào trốn khỏi. Nhưng vua nhất định không chịu gả con gái cho Hanxơ, bắt chàng phải mang đến dâng vua một cái lông đuôi chim ưng thần đao.

Chú Hanxơ lên đường rảo bước. Đến tối, chàng đến một tòa lâu đài. Chàng xin ngủ lại, vì thời
ấy chưa có quán trọ. Ông chủ lâu đài vui vẻ nhận lời và hỏi chàng đi đâu. Chàng Hanxơ đáp:

- Tôi đến chỗ chim ưng thần.

- À, đến chỗ chim ưng thần à! Người ta kể lại là chim ấy biết tất cả mọi việc. Tôi mất chiếc chìa khóa hộp tiền bằng sắt. Chàng làm ơn hỏi hộ cho tôi chìa khóa ở đâu nhé!

Chàng Hanxơ đáp:

- Được, chắc chắn tôi sẽ làm.

Sáng hôm sau, chàng lại lên đường đi tới một tòa lâu đài khác, chàng ngủ lại ở đấy. Khi người ở lâu đài biết là chàng định đi đến chỗ chim ưng thần, họ nói là có cô con gái bị bệnh, chữa đủ mọi cách mà không khỏi, họ nhờ chàng làm ơn hỏi hộ chim ưng xem phải làm gì để chữa cô khỏi. Chú Hanxơ nhận làm việc ấy rồi lại lên đường đi.

Chàng đi tới một con sông, không có đò ngang chỉ có một người to lớn chuyển mọi người qua. Người ấy hỏi Hanxơ đi đâu, chàng đáp:

- Đến chỗ chim ưng thần.

Hắn dặn:

- Nếu chàng có gặp chim, nhờ hỏi hộ tôi tại sao tôi cứ phải chuyển tất cả mọi người qua sông.

Chàng Hanxơ đáp:

- Chà được thôi. Tôi nhất định phải làm.

Hắn đặt chàng lên vai đưa chàng qua.

Chàng Hanxơ đi mãi đến nhà chim ưng thần, nhưng nó đi vắng, chỉ có vợ ở nhà. Vợ chim hỏi chàng muốn gì. Chàng kể lại hết đầu đuôi: Chàng muốn có một chiếc lông đuôi chim ưng thần; ở lâu đài nọ, người ta đánh mất chiếc chìa khóa hộp tiền mới, chàng định hỏi chim ưng thần chìa khóa ở đâu, ở lâu đài khác, có cô gái bị bệnh, chàng muốn biết cái gì chữa cô khỏi được; gần đó, có con sông và một người phải đưa người qua, chàng cũng muốn biết tại sao hắn phải đưa mọi người sang.

Vợ chim ưng thần bảo:

- Này, anh bạn ơi, không ai nói chuyện với chim ưng thần được đâu. Nó ăn thịt tất cả mọi người. Nhưng nếu anh muốn thì anh cứ chui vào nằm dưới giường nó. Đến đêm khi nó ngủ say, anh có thể vươn tay ra mà giật lấy chiếc lông đuôi. Còn những điều anh muốn biết thì để tôi sẽ hỏi cho.

Chàng Hanxơ đồng ý, chui vào nằm dưới giường. Đến tối, chim ưng thần về. Nó vào đến buồng thì bảo vợ ngay:

- Mình này, ta ngửi thấy mùi thịt người.

Vợ đáp:

- Đúng đấy. Hôm nay có một người đến, nhưng nó đi rồi.

Rồi vợ chim ưng thần không nói gì nữa.

Giữa đêm, chim ưng thần đang ngáy o o thì chàng Hanxơ đưa tay ra giật một chiếc lông đuôi. Chim ưng thần giật mình bảo:

- Mình này, ta ngửi thấy mùi thịt người. Mà hình như có kẻ giật lông đuôi ta.

Vợ chim ưng liền bảo:

- Đúng là mình mê ngủ rồi. Tôi đã bảo mình là hôm nay có một người đến, nhưng nó đi rồi. Thôi thì hắn kể đủ thứ. Nào là một tòa lâu đài nọ, người ta đánh mất hộp tiền mới, không tìm thấy nữa.

Chim ưng thần nói:

- Thật là đồ ngu. Chìa khóa ở trong cái nhà kho để củi, dưới một đống củi sau cửa ấy.

- Hắn lại còn bảo là ở lâu đài khác, có đứa con gái bị bệnh, không biết cách nào chữa được.

Chim ưng thần nói:

- Thật là ngu. Dưới cầu thang trong hầm có một con cóc lấy tóc của cô ấy làm tổ. Nếu cô ấy lấy lại được tóc thì khỏi bệnh.

- Rồi hắn lại bảo là ở một nơi có con sông, và một người phải mang tất cả mọi người qua.

Chim ưng thần nói:

- Chà, thằng ngu! Hắn chỉ việc đặt một người xuống giữa dòng thì tự khắc không phải mang ai qua nữa.

Sáng sớm, chim ưng thần lại ra đi. Chàng Hanxơ chui ở gầm giường ra, cầm một chiếc lông đẹp. Chàng lại nghe thấy hết cả mọi điều chim nói về chiếc chìa khóa, cô con gái và người đàn ông. Vợ chim ưng thần kể lại tất cả cho chàng nghe lần nữa để chàng khỏi quên.

Sau đó, chàng lên đường về nhà. Trước tiên, chàng đến chỗ người ở bên sông. Hắn hỏi ngay chàng chim bảo gì. Chàng bảo hắn mang chàng qua đã rồi sẽ nói. Hắn mang chàng qua sông. Chàng liền bảo hắn chỉ việc đặt một người xuống giữa dòng, thì tự khắc không còn phải mang ai qua nữa. Hắn mừng rỡ lắm, bảo Hanxơ muốn mang chàng qua sông rồi lại mang về để tỏ lòng biết ơn. Chàng từ chối, bảo là không muốn phiền hắn, chàng đã hài lòng rồi.

Rồi chàng lại đi.

Chàng đi đến lâu đài có cô con gái ốm. Chàng cõng cô trên vai, vì cô không đi được, và mang cô xuống cầu thang dưới hầm. Chàng lấy cái tổ cóc ở dưới bậc cuối đặt vào tay cô; cô nhảy từ trên vai chàng xuống, chạy lên thang trước chàng và khỏi hẳn. Bố mẹ cô mừng lắm, cho chàng Hanxơ vàng bạc, chàng muốn gì cho nấy.

Đến lâu đài sau, chàng đi ngay vào nhà kho để củi, tìm thấy dưới đống củi sau cửa đúng ngay chiếc chìa khóa vàng và mang lên cho chúa lâu đài. Ông ta mừng rỡ vô cùng, thưởng cho Hanxơ nhiều vàng trong hộp, lại cho thêm đủ thứ, như bò sữa, cừu, dê.

Chàng Hanxơ đến chỗ nhà vua với tất cả những thứ ấy nào là tiền, là vàng, là bạc, nào là bò, là cừu, là dê. Vua hỏi chàng lấy ở đâu ra tất cả của cải ấy. Chàng cho biết là chim ưng thần bảo ai muốn lấy bao nhiêu cũng cho. Vua nghĩ bụng, mình cũng cần đến, bèn lên đường đi đến chỗ chim ưng thần. Nhưng khi vừa đến bến sông, thì vua đúng là người đầu tiên đến từ khi Hanxơ đi qua. Người ấy đặt vua xuống giữa dòng rồi đi mất. Vua bị chết đuối.

Chàng Hanxơ cưới công chúa và lên ngôi vua.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/08/2010(Xem: 3501)
Tác-giả Thiện Xuân Malkhanova là một con người thật đặc-biệt. Còn nhớ năm 2000 khi chị Trương Anh Thụy và tôi đi sang họp Đại-hội Văn-bút Thế-giới ở Mạc-tư-khoa, chúng tôi đã để ý đến chuyện đi đường, gặp con sâu róm ở dưới đất, chị đã ân cần lấy một cái lá nâng nó lên rồi đặt nó lên một cành cây gần đó. Một con người từ-bi đến với cả cỏ cây, đất đá! Chị bảo đó là điều chị đã học được từ đạo Phật.
04/08/2010(Xem: 3134)
Không biết từ lúc nào, mà ngôi tịnh thất vô danh thấp thoáng dưới tàn cây huỳnh đàn rậm lá trên đỉnh núi Ông cheo leo mây mù đong đưa bao phủ quanh năm, đã được dân quê dưới chân núi ưu ái gọi là am Mây Ngàn thay thế cho cái tên “chòi đạo Ân” mà họ hùa nhau ám chỉ túp lều lá của sư Từ Ân ngày trước. Thuở mới đăng sơn cắm dùi khẩn đất làm chốn ẩn tu, sư lủi thủi một mình chẳng có móng đệ tử lăng xăng đón đưa phục dịch, sư tự vác cuốc, quẩy gánh... lặng lẽ lên tận đỉnh, khai phá được một khoảnh đất nhỏ làm rẫy. Sư bắt đầu trồng các loại rau đậu, khoai, bắp, cà dưa... để sớm gặt hái hoa lợi,
20/07/2010(Xem: 8760)
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, tất cả mọi hành động bằng thân, lời và ý đều xuất phát từ hai tiêu chuẩn đó nhằm đem lại lợi lạc cho mình và tha nhân. Đây là những đức tính rất cơ bản để phát triển về Giới-Định-Tuệ mà một người muốn thăng tiến về mặt tâm linh thì cần phải quan tâm và thực hiện một cách triệt để.
17/07/2010(Xem: 3894)
Đêm qua con nghe bài pháp “Vượt qua oan gia trái chủ”của thầy Thích Tâm Đại, cảm thấy bàng hoàng, sửng sốt, mồ hôi ướt lạnh. Hóa ra, trong quá khứ, con đã tạo vô lượng tội, gieo vô lượng oán thù, oan gia trái chủ.
25/06/2010(Xem: 4270)
Vì không biết sự vận hành nội tại nên hầu hết mọi người trên thế gian không ai nhận ra chính mình và cũng không đồng ý với chính mình. Có người nương vào thể chất như thân thể cao lớn, mạnh khỏe, sắc diện đẹp đẻ, sáng sủa thù thắng …và cho đó là ta. Có vị lấy tri thức như bằng cấp học vị là mình như tiến sĩ, bác sĩ hay kỹ sư v.v. Có vị lấy danh vọng chức tước như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng v.v.làm ta.
25/06/2010(Xem: 7418)
Cô Sue Dixon, một Phật tử người Úc, vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, ung thư ngực, trong lúc dường như phải bó tay và hoàn toàn tuyệt vọng thì các Tăng sĩ Tây Tạng đã hướng dẫn phương pháp Thiền quán. Tuyệt vời thay, không lâu sau đó, cô bình phục và khỏe mạnh như xưa. Bài viết dưới đây, cô sẽ kể cho đọc giả biết quá trình loại bỏ bệnh ung thư như thế nào
02/06/2010(Xem: 2751)
Đó là ngày 26 Tháng 10 năm 1967. Tôi đang bay ngay trên bầu trời trung tâm Hà Nội đan chéo đầy hỏa tiễn trong phi vụ thứ 23 của mình, thì bị một hỏa tiễn Nga kích thước cỡ cột điện thoại bắn tung cánh phải chiếc Skyhawk ném bom tôi bay. Phi cơ bổ nhào từ cao độ khoảng 4,500 feet xuống đất, bị đảo ngược lại, gần như chúi thẳng đầu xuống đất. Tôi kéo cần bung dù thoát hiểm. Lực phóng làm tôi bị bất tỉnh vì tốc độ gió đâu khoảng 500 knot (chú thích người dịch: 926 km/giờ). Lúc đó tôi không nhận thức được, nhưng chân phải ngay quanh đầu gối và ba nơi trên cánh tay phải cùng cánh tay trái của tôi đã bị gãy. Tôi tỉnh lại ngay trước khi cánh dù của tôi rơi xuống một hồ nước ngay một góc của Hà Nội, một trong những hồ họ gọi là Hồ Tây. Mũ phi công và mặt nạ dưỡng khí của tôi đã bị thổi bay đâu mất. Tôi chạm mặt nước và bị chìm xuống đáy. Tôi nghĩ rằng hồ sâu khoảng 15 feet, cũng có thể 20. Tôi chòi chân phía dưới để nổi lên mặt nước. Lúc đó tôi không cảm thấy bất kỳ đau đớn nào. Tôi hít một
03/04/2010(Xem: 2963)
Đạo vốn vô ngôn; do ngôn mà hiển đạo, thế nên có mạn lục, có bảo huấn, có bút ngữ, có võ khố. Nay đây, có Hòa thượng Văn Thủ, tự Nhất Ty (1607 – 1648) người nước Nhật Bản, lúc đầu ở ẩn nơi Tây Cương thuộc đất Lạc Tây, về sau Ngài về núi Đan mai danh ẩn tích. Nhưng các hàng xuất gia khắp chốn hải hồ tìm đến bên Ngài kết am tranh tu học số đông không kể xiết. Rốt cuộc, danh Ngài thấu đến cửu trùng, vua thỉnh Ngài trụ trì hai chùa Pháp Thường và Linh Nguyên, ban hiệu là Định Huệ Minh Quang Phật ĐảnhQuốc Sư. Những khi nhàn rỗi, Ngài xem lại gương xưa góp nhặt những di ngôn, vãng hạnh của Phật Tổ và thêm vào đó lời phẩm bình biên tập lại thành bộ Truy Môn Bảo Tạng Tập (trong bản dịch nầy tạm lấy nhan đề là Kho Báu Nhà Thiền). Bộ sách nầy thật là cây đuốc huệ trong đường tăm tối, là thuốc hay cho người bệnh, chẳng những lợi cho người đương thời mà cũng là tiếp độ kẻ hậu côn, thật không có gì hơn vậy. Than ôi! Vào niên hiệu Bảo Vĩnh vì ảnh hưởng thời cuộc nên đâu có khắc bản và muốn lưu hàn
21/02/2010(Xem: 4439)
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567