Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kỷ lục của một bậc Thầy

01/08/201521:16(Xem: 4798)
Kỷ lục của một bậc Thầy

Thien_Su_2

KỶ LỤC CỦA MỘT BẬC THẦY

 

Vĩnh Hảo

 

 

 

 

 

Ngọn đồi không cao nhưng diện tích khá rộng. Nếu đi bộ một vòng quanh chân đồi, cũng mất gần một ngày. Cây cối trên đồi đã được đốn hạ trụi lủi từ năm năm trước để tiến hành công trình xây dựng ngôi chùa, đạt kỷ lục là có chánh điện rộng lớn nhất nước; bên cạnh đó, lại thêm một kỷ lục là có tượng Phật tọa thiền vĩ đại nhất châu lục. Thế nên, khi công trình xây dựng hoàn tất, nhìn từ xa, chỉ thấy ngôi chùa nguy nga với mái ngói xanh đỏ và tượng Phật to lớn thếp vàng nhũ lóng lánh, nổi bật giữa trời mây, không còn thấy ngọn đồi.

Ngoài chánh điện, nơi đây còn có nhiều tòa nhà rộng lớn, bao gồm tiền sảnh, hậu sảnh, tăng xá, tàng kinh các, bảo tàng viện, tăng quán, v.v… với ngói lợp nhập cảng và cột kèo chạm trổ tinh vi, tiếp nối liền lạc nhau tạo nên một quần thể kiến trúc qui mô, chiếm hết diện tích ngọn đồi, từ chân lên đỉnh, từ mặt trước đến mặt sau.

Trên đỉnh đồi, phía tây của chánh điện, sư phụ cho dựng một căn nhà rường bằng gỗ, hình lục lăng, không vách, đặt tên là Không Phong Các. Gió lồng lộng suốt ngày đêm. Sư phụ thường ngồi uống trà một mình nơi đó. Thỉnh thoảng mới có khách phương xa đến, xin được bái kiến vị tăng sĩ nổi danh chế tác nhiều kỷ lục không ai làm nổi.

Sư phụ chỉ có một đệ tử xuất gia, đã theo chân sư phụ từ lúc còn niên thiếu. Trước, cũng có nhiều đệ tử khác xin thọ pháp với sư phụ nhưng đã lần lượt hoàn tục hoặc rời bỏ thầy để cầu học với minh sư khác. Còn lại người đệ tử hữu duyên này, nay đã là một vị tỳ-kheo xấp xỉ tuổi ba mươi. Từ khi sư phụ dấn thân vào việc xây dựng cơ sở, nay tỉnh này, mai tỉnh nọ, thầy trò ít có cơ hội ngồi với nhau để dùng bữa hay đàm đạo. Liên tục nhiều năm, sư phụ thường đi tham sát, đốc thúc các công trình xây dựng, trong khi đệ tử thì đóng cửa nghiên cứu kinh điển, tham thiền nhập định. Sư phụ đi đến tỉnh nào, đệ tử khệ nệ mang kinh sách theo đó; chưa một lần bắt tay vào việc của sư phụ, mà sư phụ cũng chưa bao giờ yêu cầu đệ tử tiếp giúp. Việc thầy thầy làm, việc trò trò làm; người lo xây dựng bên ngoài, người lo xây dựng bên trong.

Hôm nay sư phụ muốn vời đệ tử ra ngoài đàm đạo. Cửa phòng đệ tử đóng kín, bên trong im lặng như tờ. Sư phụ gõ cửa ba tiếng không thấy trả lời, đành để lại một mẩu giấy nhỏ rồi một mình ra ngồi nơi Không Phong Các, chờ đợi. Nửa giờ đồng hồ sau mới thấy đệ tử xuất hiện.

“Thầy gọi con có việc?” đệ tử cung kính thưa.

Sư phụ không nói, chỉ tay nơi một ghế trống, bảo đệ tử ngồi. Đệ tử không dám ngồi, vẫn cung kính đứng một bên, chờ sư phụ dạy bảo.

“Con vào thiền bao năm đã tìm thấy gì rồi?” sư phụ hỏi với nụ cười nhẹ.

“Thưa, vẫn nơi ấy, không tăng không giảm.”

“Nghĩa là cứ lẩn quẩn một chỗ hay sao?”

“Thưa, chỉ là không rơi vào chỗ nào ạ,” đệ tử minh xác.

Sư phụ trầm ngâm một lúc, nói:

“Tri không đủ, phải hành con ạ. Thầy đã dấn thân thực hiện nhiều phật-sự ở khắp các tỉnh thành, dù miệt mài trong nhiều năm qua vẫn cảm thấy là chưa thỏa nguyện. Vì không muốn làm gián đoạn công phu và ý nguyện của con, thầy cứ một mình gánh hết mọi việc. Nay thầy đã già, cảm thấy sức lực không kham nổi những công trình lớn. Những ngày qua, sau khi hai kỷ lục vĩ đại cuối cùng được hoàn thành nơi đây, thầy nghĩ là tạm đủ. Thầy muốn tịnh dưỡng. Nhưng cũng nhờ ngồi nơi đỉnh đồi này nhiều ngày, thầy bất ngờ nghĩ ra một công trình vĩ đại hơn tất cả những công trình mà trước đây đã làm. Ôi, thật thú vị, thật kỳ diệu thay!...”

Đệ tử liền lên tiếng, cắt ngang hứng cảm của sư phụ:

“Thưa thầy, con nghĩ thầy nên nghỉ ngơi. Một mình thầy đã tạo nên 9 kỷ lục không ai  làm nổi. Nay thầy cũng bắt đầu già yếu, thầy nên tịnh dưỡng, không cần phải tạo thêm kỷ lục nào nữa.”

Sư phụ chưng hửng một thoáng, rồi nói, giọng hơi gắt:

“Ta nói chưa hết ý mà!”

Thầy-trò im lặng một khoảng lâu. Sư phụ tằng hắng, nói:

“Như đã nói khi nãy, thầy muốn tịnh dưỡng. Nhưng sáng kiến thực hiện kỷ lục vô tiền khoáng hậu này, nhất định không thể bỏ qua, mà nên làm cho bằng được. Kỷ lục này, thầy đặt lên vai con đấy!”

“Ồ, thầy muốn con… thay thầy thực hiện kỷ lục.. thứ mười à? Thưa thầy, con… sao làm nổi…, con đâu biết bắt đầu từ đâu… biết làm gì bây giờ!” đệ tử lúng búng nói trong họng.

Thầy nghiêm giọng, nói như trách móc, cũng vừa khích lệ:

“Con đóng cửa hai mươi năm qua để dồi mài kinh điển, tìm gì, thấy gì vậy hả? Pháp Phật không phải chỉ nằm trong những cuốn kinh, những bài thi kệ! Năm xưa ta cũng như con, từ tịnh thất bước vào dòng đời, hai bàn tay không, kinh nghiệm không có, biết gì mà làm! Cứ dấn thân đi vào, sẽ tự tìm thấy con đường, tự biết việc gì phải làm. Những kiến thức nào con đạt được từ kinh sách, chỉ có thể tự soi cho chính con, chứ soi sáng gì được cho thế gian? Không lẽ cứ ngồi trong thư phòng mà nhai đi nhai lại những sở văn, sở kiến! Hãy dũng mãnh dấn thân, mà cái dũng đầu tiên của thiền sư là bước ra khỏi tháp ngà nhàn tịnh an vui của mình.”

Sư phụ ngưng, xoay qua cái bàn nhỏ, với lấy bình nước sôi; đệ tử vội đỡ lấy bình, tay run run chế nước vào ấm trà mới thay. Hương trà ướp sen xông lên một thoáng rồi theo gió cuốn đi. Đệ tử rón rén ngồi xuống chiếc ghế trống khi nãy sư phụ cho phép ngồi; châm trà vào chung. Hai thầy trò im lặng hồi lâu. Một toán du khách ăn mặc lịch sự, ồn ào bước ngang Không Phong Các; thấy hai thầy trò đang ngồi im lìm tư lự, họ lập tức ra dấu với nhau, xuống giọng, không huyên náo nữa, chắp tay xá dài rồi đi thẳng về hướng đông, khu vực chánh điện.

Chờ không khí chung quanh yên lắng rồi, sư phụ nhấp ngụm trà, tiếp tục dạy đệ tử:

“Thế gian này không gì còn mãi, nhưng trong tương đối, có những cái tồn tại rất dài lâu, mà một đời người không sao mục kích hoặc cảm nhận được sự biến đổi trong chúng. Như mặt trời, mặt trăng, như tảng núi kia… bao nhiêu triệu năm qua, vẫn như thế, có ai thấy được chúng đã đổi thay thế nào. Chưa kịp thấy sự biến hoại của chúng là đã trở thành người thiên cổ rồi. Vì vậy, thầy tạo nên 9 kỷ lục thì cũng có lý do: thầy muốn gây ấn tượng thật mạnh vào tâm thức của người tham quan, chiêm bái; đồng thời cũng muốn những kỷ lục này, tuy là vật chất hữu hình hữu hoại, sẽ ở lại thật lâu với đời, ít ra cũng vài trăm cho đến cả nghìn năm. Mấy trăm năm không so gì được với tuổi của thiên địa nhật nguyệt, nhưng dù gì cũng khiến cho hàng triệu người của bao thế hệ thành tâm lễ bái, hoặc chắp tay cung kính, hoặc cúi đầu ngưỡng mộ, thậm chí chỉ chiêm quan vì tò mò, thị hiếu… cũng gieo được duyên lành với Phật. Con hiểu ý chỉ của thầy rồi chứ?”

“Dạ, con hiểu,” đệ tử nhỏ giọng thưa.

“Hai mươi năm qua, thầy chưa một lần yêu cầu con làm việc gì trọng đại. Nay đã đến lúc thầy cậy đến con, mà con cũng nên xem đây như việc của con, đừng miễn cưỡng nhận đó như là việc thầy giao phó. Con hãy rời khỏi thiền sàng, dấn thân vào trần gian khổ lụy, vận dụng trí tuệ nội quán mà phát khởi lòng từ đối với chúng sinh. Con chỉ có thể chứng nghiệm được niết-bàn ngay nơi cuộc đời khổ đau tận cùng này mà thôi.”

Người học trò run bấn cả người, đứng dậy rời khỏi ghế, có vẻ như muốn quỳ xuống, hoặc đảnh lễ sư phụ, nhưng sư phụ đã nhanh nhẹn cầm lấy tay đệ tử, nâng dậy, đẩy đệ tử trở lại chỗ ngồi. Đệ tử chắp tay, nói lắp bắp, giọng đầy cảm xúc:

“Thưa thầy… con xin tâm lĩnh lời dạy của thầy… Xin cho con biết con nên bắt đầu từ đâu, và khi nào.”

Sư phụ không vội trả lời; tầm mắt phóng đến tận chân trời phía tây, nơi dãy núi Người Nằm mờ ảo ẩn hiện trong sương chiều. Một lúc, sư phụ chậm rãi nói:

“Chúng ta đã có quả chuông lớn nhất, tượng Phật trì bình cao nhất, ngôi chùa có nhiều tượng Phật nhất, Phật khổ hạnh bằng đồng nặng nhất, tháp chín tầng cao nhất, tượng Phật bằng đá hoa cương lớn nhất, tượng Phật bằng ngọc lớn nhất, chánh điện rộng lớn nhất, và tượng Phật tọa thiền lớn nhất…”

Sư phụ nói ngang đó thì ngưng; mắt không rời dãy núi Người Nằm. Đệ tử dõi theo mắt sư phụ, vẫn chưa đoán nổi kỷ lục thứ mười của sư phụ là gì. Thầy trò chìm trong im lặng. Bất chợt, sư phụ lại lên tiếng:

“Có ít nhất là hai lý do thầy muốn con thay thầy thực hiện kỷ lục cuối cùng này. Thứ nhất, thầy đã bắt đầu yếu, không thể đi xa, không thể đảm đương công trình lớn và dài hạn; thứ hai, thầy không muốn con hóa thành gỗ đá trong thiền phòng. Con hãy nhìn xem, dãy núi kia, rõ ràng là dáng một người nằm nghiêng bên phải, chiều dài non hai cây số, chiều cao khoảng năm trăm thước. Thầy muốn biến cả dãy núi ấy thành tượng Phật nhập diệt vĩ đại nhất thế giới! Chúng ta phải làm được, nhất định phải làm được!”

Đệ tử thất kinh, mặt mày xanh mét, nói lắp bắp:

“Thưa thầy, sao mà làm nổi! Con không thể… Công trình này to tát quá… con e sức con…”

“Con sẽ làm được. Thầy tin con làm được,” sư phụ quả quyết.

Đệ tử ngồi im, mặt cúi xuống, hai bàn tay đan nhau đặt trên bàn, run lẩy bẩy. Sư phụ nhìn đệ tử, thương xót, khích lệ:

“Hai mươi năm trước, việc này đối với thầy là một thách thức kỳ thú, nhất định thầy phải thực hiện cho bằng được. Con đừng tự ti, chùn lòng trước những việc lớn. Thực ra chẳng có đại sự gì ở đời này mà người xuất gia chúng ta không làm nổi. Chỉ là muốn làm, quyết tâm làm hay không mà thôi. Lìa tất cả vọng chấp, thoát ly sinh tử mới là đại sự; còn những phật-sự hữu hình hữu tướng này, có đáng sá gì mà con phải khiếp hãi!”

Đệ tử bàng hoàng như vừa tỉnh mộng, đứng bật dậy, sụp lạy sư phụ một lạy, rồi quỳ chắp tay, kính cẩn thưa:

“Con xin vâng lĩnh ý chỉ của thầy. Con xin nhận.”

Sư phụ gật gù hài lòng; đỡ đệ tử dậy, ôn tồn nói:

“Thầy đã bàn thảo với những người cọng sự của thầy từ tuần trước. Nhóm kiến trúc sư ước tính kinh phí cho toàn công trình là khoảng 80 nghìn lượng vàng, sử dụng khoảng 100 nhân công thường trực, chính thức, làm việc ngày tám giờ, ròng rã trong 10 năm thì có thể hoàn tất. Nhóm người trong hội của thầy sẽ trình bày chi tiết từng giai đoạn của công trình dài hạn này. Nhóm này sẽ theo con đến hiện trường, gồm có 4 kiến trúc sư, 4 kỹ sư xây dựng, 4 bác sĩ và y tá, 5 võ sĩ bảo vệ, 5 đốc công điều hành, 7 người đảm trách thủ quỹ và vận động tài chánh, 8 người lo hậu cần. Khi nào con sẵn sàng, họ sẽ cùng con lên đường. Phần thầy, sẽ nhập thất dài hạn cho đến khi con hoàn tất công trình trở về.”

Đệ tử vẫn còn phân vân, rụt rè hỏi:

“80 nghìn lượng vàng, quá lớn, làm sao mà có?”

“Đừng lo con à. Con không biết là 9 kỷ lục trước đây, kỷ lục nào cũng phải tốn vài chục nghìn lượng vàng hay sao! Thầy làm việc nào cũng đều có các đại thí chủ ở khắp các tỉnh cúng dường, ủng hộ cả. Sau thành công của mỗi kỷ lục, họ đều mong muốn được tiếp tục đóng góp. Còn có những phú thương đến tìm thầy, xin được cúng dường hàng trăm, hàng nghìn lượng vàng để dành sẵn trong quỹ để dùng đến khi hữu sự. Những người này đã tỏ ý hối tiếc vì không biết trước công trình thầy làm, và dặn khi nào thực hiện công trình mới, hãy cho họ cơ hội đóng góp, kinh phí lớn bao nhiêu họ cũng không ngại. Nói để con yên lòng, trong quỹ của hội hiện nay không đủ con số 80 nghìn lượng vàng, nhưng cũng xấp xỉ gần bằng con số ấy. Thầy chỉ cần thông báo với các đại thí chủ ở các tỉnh là họ cấp tốc chuyển vàng cúng dường ngay; không chừng tịnh tài đóng góp còn vượt khỏi số kinh phí cần đến nữa kìa!”

 

*

 

Thiền sư xuống núi. Một túi vải đơn sơ với y áo và dăm cuốn kinh đã lật nhăn cả giấy. Từ đỉnh đồi cao, quay nhìn ngôi chùa đồ sộ nguy nga lồng lộng dưới ánh triêu dương; ngước nhìn tượng Phật kỳ vĩ vàng chóa, vươn lên giữa bầu trời mây trắng; rồi nhìn về dãy núi xa, xanh thẫm, nổi bật ở phương tây.

Nhóm người của hội đang trên xe, chờ đợi dưới chân đồi.

Thiền sư nhìn hai bàn tay trắng của mình, tự hỏi: đâu là chỗ diệu dụng của bồ tát hạnh? Rồi nhìn xuống hai chân với đôi giầy mới sư phụ vừa trao đêm trước: đâu là khởi điểm của bồ-tát đạo?

Rời khỏi ngôi đại tự, từ cao xuống thấp, lững thững bước từng bậc cấp đi vào cuộc đời.

Những người hành khất ăn mặc rách nát, ngồi dọc hai bên đường, ngửa tay xin. Những người tàn tật nằm lết trên đất. Những đứa trẻ mặt mày nhem nhuốc, tay chân dơ bẩn, níu lấy vạt áo thiền sư:

“Thầy ơi, chúng con đói lắm, thầy cho chúng con tiền mua cơm…”

“Ơ… thầy không có tiền,” thiền sư lúng túng, “các con vô trong chùa, nhà bếp sẽ cho cơm ăn nhé!”

“Không có đâu thầy ơi,” lũ trẻ nhao nhao lên, “chúng con chưa bao giờ vào được cổng thì làm sao đến được nhà bếp!”

Thiền sư đứng lại, sững sờ, nhìn bầy trẻ, nhìn những hành khất cha mẹ chúng, rồi quay nhìn về cổng tam quan đồ sộ kiên cố. Thực vậy sao? Những người đói khổ này chưa bao giờ bước vào được cánh cổng kia, chưa bao giờ đặt chân lên thềm ngôi chánh điện nổi tiếng rộng lớn nhất nước? Phải rồi, ăn mặc rách rưới, đầu tóc rối bù, chân không giầy giép… thì làm sao mấy người gác cổng cho phép họ vào bên trong ngôi chùa lộng lẫy nguy nga, vườn hoa muôn sắc đẹp đẽ, sân trước sân sau lát đá hoa bóng loáng…

“Đi, mọi người đi theo thầy, thầy dắt vào trong bếp kiếm cơm,” thiền sư vừa nói, vừa đưa tay mời gọi.

“Không dám thầy ơi, chúng con không vào đâu, đến cổng cũng bị chặn lại, mà thầy có dẫn vô được bên trong chúng con cũng bị mấy bác ở bếp đuổi ra thôi… chúng con sợ lắm, không dám đâu,” đứa trẻ lớn nhất nói; rồi một đứa khác tiếp lời, “nhà bếp đã dặn không được vào đó, nếu không nghe lời sẽ vĩnh viễn không cho ăn nữa.”

Đưa họ vào bếp xin cơm không xong, mà cho họ tiền thì không có. Thiền sư bao năm ẩn tích trong thiền phòng, mọi việc trong chùa đều có sư phụ và các tín chủ lo, nên không có nhu cầu mua sắm vật dụng, chưa bao giờ giữ tiền trong túi. Thiền sư biết ở trong các xe đậu dưới chân núi, những người trong hội đang giữ một số vàng kếch xù, để thực hiện một dự án rất lớn, nhưng một ít đồng bạc lẻ để chia sẻ cho những người đói khổ thì không có.

Thiền sư chẳng biết nói gì, làm gì, cứ đứng sững nơi đó. Đoàn tùy tùng dưới chân đồi ngóng cổ chờ đợi. Những kẻ đói nghèo ngước mắt trông mong. Mặt trời lên cao, trồi khỏi mái chùa và nằm ngay sau tâm điểm của hình tượng pháp luân trên nóc chánh điện, khiến biểu tượng này như tự tỏa chiếu vầng hào quang sáng ngời. Nắng mai cũng rực rỡ trải ánh vàng trên khắp ngọn đồi và làng mạc gần xa; lấp lánh trên mặt sông tĩnh lặng, và soi rọi những nét mặt sầu não của những người hành khất nằm ngồi la liệt hai bên đường.

 

Con người dễ khiếp sợ và trở nên nhỏ nhoi, co rúm trước những hình tượng vĩ đại. Sự hân thưởng cái vĩ đại có khi chỉ là mặt trái của lòng tự ti, yếu đuối và tùng phục, chưa hẳn là niềm tin hay ngưỡng vọng đối với điều toàn thiện, toàn mỹ.

Những kiến trúc hoành tráng cao sang, thường khi không dính nhập gì đến nỗi thống khổ của con người, mà còn là sự trêu ngươi, dìm đẩy những kẻ khốn cùng xuống tận đáy vực của niềm tuyệt vọng.

Kẻ giàu có thường thích làm những gì to lớn, để lại danh thơm, không quan tâm những điều nhỏ nhặt; trong khi những điều nhỏ nhặt ấy, lại thường là ước vọng to lớn một đời của những người nghèo thiếu.

Một kẻ đói khổ thiếu thốn thì chỉ nghĩ đến miếng cơm, manh áo, không dám vọng cầu những điều xa hoa, cao viễn; trong khi những đền đài tráng lệ nguy nga thì không thích hợp cho những đôi chân lấm bụi chạm đến.

Cái vô tận thì không có hình tướng; cái có hình tướng thì không thể vô biên.

Cái vô hạn thì không đếm được bằng năm tháng; còn tính đếm được bằng dấu mốc thời gian—dù là hàng nghìn năm—vẫn chỉ là những chớp mắt của cơn đại mộng phù hư.

 

 

*

 

Mười năm sau, sư phụ ra thất; ngày ngày ngồi lặng nơi Không Phong Các, dõi mắt nhìn về dãy núi xa. Mắt đã mờ thêm hay sương mù phủ kín không thấy dáng người nằm? Đệ tử xuống núi mười năm chưa thấy quay đầu. Chung trà lạnh hơi chờ người đối ẩm, kể chuyện đội đá vá trời giữa nghìn trùng gió bụi…

Rồi một ngày, đang trưa đứng bóng, ve sầu râm ran đầu hạ, hiu hắt gió lùa cửa không, người đâu từ xa về tới. Sư phụ nhướng mắt, cố nhìn, cố nhớ; không biết là vui hay buồn.

“Con đó sao, Tuệ Không?”

“Thưa không phải, con là kiến trúc sư Tuệ Minh năm xưa, thầy còn nhớ không?”

“Ồ, Tuệ Minh, con thí phát xuất gia rồi sao? Thế còn Tuệ Không, đệ tử của ta đâu rồi? Thế còn kỷ lục Phật Nhập Diệt… đã tiến hành đến đâu, hoàn tất chưa?”

Tuệ Minh lạy sư phụ, dâng một tấm bản đồ thật lớn, trải ra chiếm hết mặt bàn. Bản đồ địa lý của một nước mang hình dáng người nằm; chi chít dọc theo địa danh các tỉnh, huyện, xã… là tên và địa điểm của những ngôi chùa, nối nhau từ cực nam đến cực bắc, từ đông qua tây, tạo nên hình dáng Phật nhập niết-bàn. Tuệ Minh nói, đó là một nghìn ngôi chùa nhỏ được thầy Tuệ Không xây dựng suốt mười năm qua. Thay vì 80 nghìn lượng vàng để thực hiện công trình Phật nằm vĩ đại nhất thế giới, một nghìn ngôi chùa nhỏ đã được dựng lên khắp nước. Từ những vùng quê nghèo khó, cho đến những thôn ấp, buôn làng hẻo lánh, xa xôi; từ thành thị lên non cao, từ ven sông ra vùng biển, nơi nào cần chùa, cần tiếng chuông hôm sớm, đều đã được xây một cảnh chùa nho nhỏ, nhưng ấm cúng, gần gũi với dân tình địa phương.

Đoàn tùy tùng 37 người năm ấy theo thiền sư thực hiện công trình, sau mười năm vừa tu học vừa cất một nghìn ngôi chùa, đều đã thí phát xuất gia, phân bố đi hoằng pháp khắp nước.

Sư phụ im lặng, trầm ngâm, nhìn chăm chăm vào tấm bản đồ. Từ bức vẽ vô tri, từ dáng Phật nằm mơ hồ với những tên chùa chằng chịt đan xen, sư phụ có thể mường tượng ra những đạo tràng trang nghiêm, tiếp nhận tất cả mọi người không phân biệt thành phần xã hội, kẻ trí thức hay người bình dân, kẻ giàu sang hay người nghèo khó… Một nghìn ngôi chùa nhỏ, trung bình mỗi ngôi chùa phí tổn tám mươi lượng vàng, hẳn không thể nào là những ngôi danh lam hay thắng cảnh gì đặc biệt; cũng không ngôi chùa nào trong số đó lập được kỷ lục Phật giáo hay thành tích văn hóa gì của quốc gia. Nhưng nơi đó, nơi thềm hiên và nền chánh điện, những bàn chân lấm lem sình lầy bụi đất, đều có thể hồn nhiên, không ngần ngại dẫm lên…

 

“Vậy bây giờ Tuệ Không ở đâu, sao không về thăm thầy?” sư phụ hỏi.

“Thưa, từ ngày xây ngôi chùa cuối cùng, đặt tên là Vô Tướng, chúng con không thấy thầy Tuệ Không đâu nữa. Bặt vô tung tích.”

Sư phụ gật gù, nhìn xa xăm. Tuệ Minh đã cáo biệt từ lâu mà sư phụ hầu như không biết. Nơi Không Phong Các, sư phụ châm trà dưới trăng, uống một mình. Cạn cữ trà thì trăng đã chếch qua hướng tây, vằng vặc một phương trời. Dãy núi Người Nằm ngời lên dưới ánh trăng vàng sáng. Sư phụ bỗng bật cười lên sảng khoái, rồi buột miệng nói:

“Tuyệt vời thay học trò của ta! Kỷ lục vô danh vô tướng của con mới đúng thực là vô tiền khoáng hậu!”

 

 

California, ngày 01 tháng 8 năm 2015

Vĩnh Hảo

Ý kiến bạn đọc
05/08/201504:12
Khách
Bài viết rất hay và sâu sắc!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/12/2014(Xem: 13207)
Nguyên gốc tác phẩm này là của Genro, một Thiền sư thuộc tông Tào động Nhật Bản, viết và xuất bản năm 1783. Mỗi câu chuyện là một công án mà tác giả đã có lời bình và kệ đi kèm. Fugai, người thừa kế Genro, thêm nhận xét của sư, câu đối câu, vào sách của thầy. Tôi sẽ dịch các câu chyện hay tắc, gồm cả lời bình của Genro và nhận xét của Fugai trong hầu hết các câu chuyện để tham khảo. Có khi gặp bài kệ cũng dịch để khuyến khích học tập.
28/11/2014(Xem: 4337)
Tôi và cả vợ tôi nữa, hình như mấy ngày hôm nay, lòng lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, hạnh phúc vô cùng! Chuyện chẳng có gì to tát lắm đâu mà sao chúng tôi vui mừng đến vậy. Tối thứ bảy vừa qua, sau khi tắt đèn, mở cửa phòng đi tìm nước uống chuẩn bị đi ngủ, tôi phát hiện ngay trước cửa phòng một túi quà nhỏ, món quà nhỏ bé của các con tôi, với một tờ giấy võn vẹn sáu chữ "Happy 40th year from your children". Chỉ với sáu chữ võn vẹn đó...đã khiến vợ chồng tôi ngẩn ngơ, quên đi hai chiếc đồng hồ tuyệt đẹp trên tay vợ tôi! Vợ tôi thì xúc động lắm, còn tôi, miệng thì luôn hỏi sao tụi nó lại nhớ đến ngày cưới của mình, nhưng lòng lại mơ màng nghĩ về những ngày này của 40 năm trước...Tôi cưới vợ!
16/11/2014(Xem: 5074)
Sau khi kết hôn hai năm, chồng tôi bàn với tôi đón mẹ lên ở chung để chăm sóc bà những năm tuổi già.Chồng tôi mất cha từ ngày anh còn nhỏ, mẹ chồng tôi là chỗ dựa duy nhất, mẹ nuôi anh khôn lớn, cho anh học hết đại học. “Khổ đau cay đắng” bốn chữ ấy vận đúng vào số phận mẹ chồng tôi! Tôi nhanh chóng gật đầu, liền đi thu dọn căn phòng có ban công hướng Nam, phòng có thể đón nắng, trồng chút hoa cỏ gì đó.Chồng tôi đứng giữa căn phòng ngập tràn nắng, không nói câu nào, chỉ đột ngột bế bổng tôi lên quay khắp phòng, khi tôi giãy giụa cào cấu đòi xuống, anh nói: “Đi đón mẹ chúng ta thôi!”.
15/11/2014(Xem: 10548)
Không và Có tương quan mật thiết với nhau như bóng với hình. Có bao nhiêu cái có thì cũng có bấy nhiêu cái không. Nếu cái có vô cùng vô tận, thì ...
14/11/2014(Xem: 4799)
Tại một ngôi trường tiểu học trong một thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ hôm nay là ngày đầu tiên khai giảng cho năm học mới. Cô Thompson là giáo viên phụ trách dạy lớp Năm. Cô giáo đứng trước các học sinh trong lớp học của mình và tương tự như các giáo viên khác, cô cũng nhìn khắp lượt vào các em học sinh và nói là cô sẽ thương yêu tất cả các học trò của cô như nhau, không có sự phân biệt nào cả. Cô đã nói với các đứa trẻ này điều đó, một điều mà cô tự biết là không thật lòng và cô biết là mình sẽ không thực hiện được.
08/11/2014(Xem: 6150)
Người đàn bà ngồi tựa vào tường trên lối mòn của một con hẻm. Mệt mỏi và thiếp đi cạnh quang gánh của mình. Hai đầu gánh là đủ thứ quà vặt như bánh tráng, kẹo, đến chanh, ớt… rồi có cả đồ chơi trẻ con chằng cột. Chị như muốn kéo cả thế giới chung quanh đi theo mình trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn không có ngày tháng cuối.
07/11/2014(Xem: 7574)
Tại sao lại là những bài học bình dị? Vì những câu truyện ở đây sẽ chỉ ra cho các em thấy được những bài học đạo đức rất gần gũi trong cuộc sống...
07/11/2014(Xem: 32174)
Nói "Chùa Khánh Anh sau 30 năm" có nghĩa là đã bắt đầu bước sang năm thứ 30+1... Thật vậy, chùa Khánh Anh bắt đầu sinh hoạt từ Lễ Phật Đản 1974, tức 1 năm trước biến cố lịch sử 30/4/1975. Tại sao lại không phải là sau ngày 30/4/75 như nhiều nơi khác, và nhiều chùa khác ở hải ngoại? Thưa quý vị và bà con cô bác, đó mới là có chuyện để kể lại. Và cái đoạn này có nhiều chuyện để kể lắm. Nghĩa là nguyên nhân do đâu, và từ bao giờ đưa đến việc thành lập chùa Khánh Anh trước năm 75 và sinh hoạt cho đến ngày hôm nay?
01/11/2014(Xem: 5483)
Trước 1975, tôi là một phi công Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Tôi qua Mỹ từ ngày mất nước, khi tuổi đời vừa mới 25. Mang tiếng pilot bay bướm nhưng tôi không có lấy một mảnh tình, bởi vì tôi không có tài tán gái. Thời đó mặc dù phụ nữ Việt nam cao giá, mấy thằng bạn không quân lanh lẹ vẫn vớt được một cô vợ Việt. Tôi khù khờ, vài năm sau đành yên bề gia thất với một thiếu nữ Mỹ tuổi đôi mươi. Hồi mới cưới, cuối tuần tôi thường dẫn Carrol hội họp bạn bè, nhưng nàng cảm thấy lạc lõng giữa đám người Việt bất đồng ngôn ngữ và từ chối những buổi họp mặt. Xuất giá tòng thê, mất liên lạc với đám bạn cũ, tôi hoàn toàn hội nhập vào đời sống Mỹ. Khi đứa con gái lên 5, chẳng may Carrol bị bịnh thận. Căn bịnh quái ác kéo dài hành hạ nàng hơn 20 năm và nàng qua đời vào thời gian đứa cháu ngoại vừa tròn 3 tuổi. Gần 2 năm qua, nỗi buồn mất người vợ Mỹ tuy đã nguôi ngoai nhưng tôi vẫn giữ thói quen sống không bè bạn, vẫn âm thầm cô đơn chiếc bóng.
22/10/2014(Xem: 4773)
Hai kẻ thù đã lâu đời, hai chàng trai trẻ nhất thuộc hai dòng tộc võ sĩ đạo lâm chiến, đang rình rập nhau trong vùng hẻm núi dưới mé sông trong lúc bà con dòng họ đôi bên đang chém giết lẫn nhau trên phía đồng bằng. Mối hận thù nẩy sinh giữa hai chàng sâu đậm đến độ như muốn lộn mửa, và khi trông thấy nhau, mỗi chàng đều nguyện cầu: “Lạy Trời nếu con phải chết, xin cho con gây ra tử thương cho kẻ oán thù trước khi con lìa đời.”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]