Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chó Phương Tây, Chó Phương Đông

06/01/201111:17(Xem: 7180)
Chó Phương Tây, Chó Phương Đông

Dog

Chó Phương Tây, Chó Phương Đông

Trần Thị Nhật Hưng

Sau kỳ nghỉ hè, trở vào hãng làm việc, không thấy Goga mang theo chó, tôi hỏi :

- Ủa , chó của bạn đâu ?

Goga, con nhỏ bạn người Nam Tư trả lời :

- Chó của tôi còn bé quá, phải một tháng sau, tôi mới mang qua được.

- Bạn gởi nó bằng bưu điện ?

-Không, tôi sẽ trở về rước.

Đúng một tháng sau, nhằm ngày cuối tuần, từ Thụy Sĩ, Goga cùng chồng lái xe hơi về Nam tư, vừa đi vừa về mất 16 tiếng để chỉ đónChếch Tê, con chó con của họ.

Goga muốn nuôi chó kể từ khi nàng thấy Chi Cô, tên con chó của ông Hubmann làm việc phòng bên cạnh. Hằng ngày, mỗi khi đi làm, ông đều dắt Chi Cô theo. Con chó thường nằm ngay cửa ra vào phòng ông. Thỉnh thoảng nó đi rong qua phòng làm việc của chúng tôi.

Chi Cô không mấy đẹp mặc dù lông nó đen, rất mướt và cái đuôi dài pha màu nâu nhạt xuắn lại rồi xèo ra như cánh hoa. Ở khuôn mặt nó có những đường chỉ trắng chạy viền theo mép tai, mắt mũi. Tựu trung Chi cô không có nét đặc biệt, cái nhan sắc được xếp loại thường thường bậc trungkhông gì quyến rũ, không mấy ưa nhìn.Có lẽ một phần tại nó to xác.

Chi Cô cao lớn, đứng tới ngang đùi của tôi.Chó lớn thường chẳng mấy dễ thương, nhưng tôi xem ra người trong hãng ai cũng thích Chi Cô, một điều đơn giản, tôi nghĩ, vì nó là chó, thứ súc vật mà người phương Tây rất ưa chuộng.

Riêng tôi, đối với Chi Cô, ban đầu tôi thấy sợ, cái cảm giác tự nhiên thường có của Phụ nữ Việt Nam khi gặp một con chó lớn.Nhưng dần dà với thời gian, sự lui tới thường xuyên của Chi Cô, trông nó hiền lành, không sủa, không cắn, thích gần gũi với người khiến tôi cũng đâm ra mến nó.Hằng ngày mỗi khi đi làm mang bánh mì ăn sáng, tôi thường dành một phần nhỏ cho Chi Cô. Riết rồi thành thói quen ; hễ thấy tôi, Chi Cô đứng dậy reo mừng, nét mặt nó hân hoan, quơ đuôi ve vẫy. Mỗi lần như vậy, tôi lại mở xắc tay cho nó một mẩu bánh mì. Đôi khi nó còn dúi đầu vào người tôi, đợi tôi ve vuốt, hỏi han :“ Chào Chi Cô, Chi Cô có khỏe không ?“Nó không ...trả lời, chỉ đưa mắt nhìn lại tôi trìu mến - tôi cảm nhận như vậy -.

Tình cảm thân thương nhẹ nhàng giữa tôi với Chi Cô những tưởng sẽ bền lâu, ai ngờ sóng gióbỗng đâu lại ùn ùn đến. Thời gian chỉ mới có hai tháng, một hôm, Goga đến gần tôi nói nhỏ :

-Trang, bạn không nên cho Chi Cô ăn nữa !

Tôi giương mắt ngạc nhiên :

- Tại sao?

Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, Goga nắm tay tôi dẫn đến cửa cầu thang :

- Xem nè !

Rồi nó chỉ lên một tấm giấy màu hồng, lớn bằng cỡ tập vở, vẽ sơ sài hình đầu chó với hàng chữ : “Vì sức khỏe của Chi Cô, vui lòng đừng cho nó ăn. Cám ơn !”. Bên dưới không ký tên nhưng tôi cũng đoán ra, tờ giấy của ông Hubmannn. Điều ông yêu cầu đối với tôi cũng dễ thôi, không phiền hà, không thắc mắc. Chỉ tội nghiệp cho Chi Cô. Những ngày sau đó, vẫn như thói quen, hễ thấy tôi, nó lại chạy đến quấn quít, chờ tôi cho ăn. Tôi xoa đầu nó vỗ về, xòe mười ngón tay xoay xoay ra dấu không có gì cho nó cả : “Chi Cô thân mến của tôi ơi, tôi thương Chi Cô lắm, nhưng tôi không được phép cho Chi Cô ăn nữa !”.Nhiều lần như vậy, Chi Cô hiểu ra, nên tình của nó đối với tôi theo thời gian cũng dần dần phai lạt.Thậm chí về sau thấy tôi, nó đang nằm ngay cửa, cũng không buồn đứng dậy ve vẫy đuôi chào như hồi xưa, ngay cả cái liếc mắt nhìn tôi nó cũng không buồn nhấp nháy, mặc dù đối với nó, tình cảm của tôi dành cho nó vẫn như thuở nào, không cho ăn, nhưng tôi vẫn vui vẻ chào nó, hỏi han sức khỏe nó.

Vào mùa Đông, Thụy Sĩ thường rất lạnh, bên ngoài như cái tủ đông đá.Trong nhà đều phải dùng lò sưởi. Phòng làm việc của tôi và của ông Hubmannn đóng kín cửa để ủ hơi ấm. Chi Cô không ra được bên ngoài, tôi ít thấy nó nữa. Và… xa mặt cách lòngChi Cô quên hẳn tôi là điều hiển nhiên, mà chính tôi cũng không còn nhớ nó, quan tâm đến nó. Sự liên hệ của chúng tôi kể như chấm dứt.Từ đó, chuyện chó mèo đã không là vấn đề để tôi quan tâm nữa. Bẵng một thời gian, cũng gần một năm sau, vào giờ giải lao, hay tin Goga sắp nuôi chó và đem chó hằng ngày đến chỗ làm việc, tôi hết sức ngạc nhiên, đề nghị nó nuôi chó phóc, loại chó nhỏ, thân thể gọn gàng nhanh nhẹn, lông vàng xậm, ngắn sát da trông như vải nỉ; hoặc chó Nhật

cũng chỉ nhỏ hơn một trái banh, lông lướt thướt óng ả sợi vắn sợi dài, thường màu trắng, hay xám mà có lần tôi vẫn gặp ở cầu thang của bà hàng xóm. Bà nuôi một lúc hai con. Mỗi lần ra ngoài, bà nâng niu bế chúng như bế con mọn. Hễ thấy tôi, chúng sủa om xòm, rồi nhảy ra khỏi lòng bà loăn xoăn đuổi theo tôi, vừa đuổi vừa sủa vừa ngoái cổ dòm chừng chủ chúng. Cái cảnh” chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, nhát, mà lại sủa ẩu thị oai khiến tôi buồn cười, tôi thấy chúng thật dễ thương.

Goga nói với tôi :

-Tôi nuôi chó cho tôi chứ đâu phải nuôi cho bạn.

Tôi cười :

-Nhưng tôi thấy chó nhỏ dễ thương hơn.

Goga gật đầu :

-Tôi cũng nghĩ như vậy.

Ngày Goga đưa Chếch Tê vào hãng, phòng làm việc của tôi bỗng rộn ràng hân hoan như cặp vợ chồng mới cưới có đứa con đầu lòng. Ai nấy đều ngừng tay làm việc, tụ lại ngắm Chếch Tê. Nó đang ngồi trên tấm nệm nhỏ hình bầu dục, dày cả gang tay đặt gần cửa ra vào.Chếch Tê cũng thuộc giống chó nhỏ nhưng không phải hai loại nhỏ tôi đề nghị.Thoạt thấy nó, tôi rất ngạc nhiên. Chếch Tê có dạng của một con cọp con hơn là chó. Nếu để nó sống lẫn lộn với cọp thật, khó ai nhận ra được. Thân Chếch Tê mập, tròn, lùn. Lông vàng, và chính vì lớp da bọc người nó đùn lại ở lưng, cổ và giữa trán, nên trông xa như những vệt rằn. Khuôn mặt Chếch Tê lại vuông, mõm đen điểm loáng thoáng vệt chấm trắng nhỏ, vài cộng ria mép lĩa chĩa hai bên hệt là mặt của một con cọp. Tôi nhìn kỹ nó hồi lâu. Bảo Chếch Tê đẹp thì không đúng vì mũi nó tẹt lét, tẹt đến nỗi phẳng lì, nhìn vào chỉ thấy hai lỗ mũi nó như hai cái giếng sâu thăm thẳm. Nhưng Chếch Tê có nét oai nhờ cằm bạnh và khoảng mõm đen rộng gần mang tai trông xa như người có bộ râu xồm xoàm kiểu quai nón. Nói chung, Chếch Tê kháu khỉnh dễ thương, có lẽ nhờ nó thuộc giống chó nhỏ và lại còn bé by. Suốt ngày, nó đi loanh quanh trong phòng, luẩn quẩn dưới chân chúng tôi. Ai thấy nó đến, nếu không bế nó lên đặt trên vai thì cũng cúi xuống âu yếm vuốt ve trò chụyện nó vài câu. Chỉ riêng tôi thì không. Không phải tôi không mến thích Chếch Tê và tôi đâu có hà tiện vài cái ve vuốt xoa đầu nó như đã từng làm với Chi Cô.Cũng tại mùa Hè vừa qua, nhân có vợ chồng người bạn từ Úc sang chơi. Anh bạn là bác sĩ giải phẫu tại bệnh viện Úc. Tình cờ trong câu chuyện nói về chó, anh kể rằng, anh đã từng chứng kiến nhiều bệnh nhân chết vì sán chó.Sán chó có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua đường máu từ các vết sứt rồi tích tụ nơi gan làm gan sưng lớn lên, không có thuốc chữa chỉ còn cách cắt bỏ phần gan sưng đó đi.Nhưng chẳng may nếu sót lại một trứng sán, sán chó lại tiếp tục hoành hành, bệnh nhân chỉ còn nước chết. Sau khi nghe như vậy, nhìn con chó nào tôi cũng có ấn tượng đầy trứng và sán trên thân thể chúng. Tôi rờn rợn rùng mình. Một lần, Chếch Tê quấn quít nơi chân tôi, dúi đầu vào ống quần tôi như nhỏng nhẻo; thấy nó dễ thương , tôi cúi xuống lấy hết can đảm… rụt rè đưa bàn tay đã xem xét kỹ không có vết sướt xoa đầu vuốt lưng nó. Chỉ duy nhất một lần rồi tôi vội ra bồn rửa tay ngay. Có lẽ tôi hơi quá đáng. Nhưng câu chuyện của người bạn bên Úc luôn lờn vờn trong trí, khiến tôi không khỏi ái ngại phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cổ nhân vẫn dạy như vậy.

Câu chuyện về sán chó, tôi không hề kể với Goga hay bất cứ người Âu Châu nào. Tôi nghĩ họ sẽ không tin, chỉ gây thêm đố kỵ. Phần khác, vì tôi biết Goga rất yêu quí Chếch Tê của cô. Goga mua Chếch Tê từ Nam Tư với giá một ngàn năm trăm quan Thụy Sĩ, tương đương trên một ngàn đô la Mỹ. Khoảng phí tổn này chưa đáng vào đâu so với món tiền hằng tháng hơn năm trăm đô cô phải trả vì Chếch Tê. Đó chưa kể đến khoản tiền thỉnh thoảng cô đưa Chếch Tê đi bác sĩ thú y để khám sức khoẻ dù Chếch Tê không bịnh !

Số là căn hộ trước của Goga có ba phòng, tọa lạc ngay trung tâm thành phố, lại gần hãng (chỉ mười phút đi bộ) rất thơ mộng và lý tưởng cho một cặp vợ chồng son như cô, nhưng lại không được phép nuôi chó. Goga đành phải tìm nhà khác ở ngọai ô với giá thuê gấp đôi chỉ vì sự hiện diện của Chếch Tê. Ngoài ra, hằng ngày trong hãng, cô cũng khá bận rộn để chăm sóc Chếch Tê. Từ miếng ăn thức uống, tuy không phải nấu nướng cầu kỳ nhưng cũng tốn bộn tiền, thời gian để mua loại thực phẩm đóng hộp dành cho chó phương Tây. Và mỗi khi nó ăn uống xong, cô còn phải dùng khăn ướt lau miệng cho nó. Vào giờ giải lao, sau khi dắt Chếch Tê ra khoảng sân cỏ giải quyết vấn đề vệ sinh - đôi khi nó đi bậy trong phòng, lẽ đương nhiên cô thu dọn lau chùi, bực mình không ít - cô lại bế nó vào nhà, đặt nó trên đùi, hai chân trước nó gác trên bàn đảo hai con mắt đỏ ngầu ngơ ngác hóng chuyện cùng chúng tôi. Đề tài về sinh hoạt của Chếch Tê vẫn là điều thích thú đối với Goga và các bạn đồng nghiệp.Thỉnh thoảng trong phòng bất chợt có tiếng động mạnh làm Chếch tê giật mình, Goga hốt hoảng ôm nó vào lòng, xiết chặt trấn an nó!

Nhìn cảnh cưng chìu chó thái quá của Goga, tôi chạnh lòng thương thân phận của những con chó ở một số nước Á Châu nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Cũng là chó, chỉ cách một khoảng không gian số phận lại khác hẳn.

Tôi còn nhớ năm nào khi tôi vừa chín tuổi, tôi đã thấy hai con chó Lu, Ky mà bố mẹ tôi đã nuôi, không rõ từ lúc nào, nhưng chúng đà lớn lắm. Con Ky đứng cao tới mông người. Con Lu thấp hơn con Ky một gang tay.

Lông con Ky màu đen , mượt mà. Chân vàng. Một vài chỗ ở bụng, ở ức và trên mặt cũng màu vàng. Tuy thân thể con Ky gồ ghề cao lớn nhưng nhờ eo thon, vai rộng nên trông nó khỏe mạnh, gọn gàng như một lực sĩ điền kinh. Đặc biệt con Ky có hai lỗ tai lớn, vểnh thẳng và cao. Khi ngủ cũng như thức hai lỗ tai luôn trong tình trạng nghe ngóng của một thám tử.

Con Lu dịu dàng mảnh mai hơn. Vì là con cái nên không có nét hùng dũng mạnh bạo như con Ky. Lông con Lu toàn vàng. Nhìn chung, nhan sắc nó bình thường, không có gì đáng nói.

Cũng như bao con chó khác, con Lu con Ky được gia đình tôi nuôi theo kiểu Việt Nam. Ngày hai bữa trong buổi ăn chính của gia đình, mỗi con được một dĩa cơm nhựa với ít thức ăn đặt dưới chân bàn hoặc vài mẩu xương đã vơi hết thịt, chúng vồ lấy gặm lấy gặm để. Những bữa ăn thêm là “sản phẩm” bài tiết của em bé, con của các anh chị tôi.

Không bao giờ tôi thấy bố mẹ tôi hay bất cứ người nào trong nhà hỏi han ve vuốt chúng. Sự hiện diện của chúng được xem bình thường như gà, vịt, heo, ngỗng, bồ câu… mà bố mẹ tôi nuôi ở nhà sau. Có khác chăng là không ai nghĩ giết thịt chúng, mặc dù bố tôi rất thích ăn thịt chó.Thỉnh thoảng đàm đạo với bạn bè, bố tôi thường nhắc lại các món nhựa mận nấu với riềng và mẻ, dồi chó với lá mơ, chả chìa , sáo chó..v.v..mà ông từng được ăn hồi còn ở miền Bắc.

Người Bắc hay ăn thịt chó.

Ăn phải chó dại bỏ bu Bắc Kỳ.

Đó là câu ca dao do người miền Nam gán cho dân miền Bắc. Trong khi người Bắc thì lại quan niệm:

Sống trên đời ăn miếng dồi chó.

Chết xuống âm phủ biết có hay không?

Và để diễn tả thịt chó rất hợp với củ riềng, ca dao còn nói :

Con chó khóc đứng khóc ngồi.

Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.

Riêng con Lu, con Ky nhà tôi, tuy không được ưu đãi, nuông chìu đi xe hơi, xe bus, ngồi ghế salon và đi dạo với chủ như chó phương Tây, nhưng kể ra đời sống chúng ổn định, không là cho ghẻ, chó hoang không nơi nương tựa và nhất là sinh mạng chúng được bảo đảm. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để chúng trung thành với gia đình tôi rồi. Hằng ngày ngoài những bữa ăn, đêm cũng như ngày, mùa Hè cũng như mùa Đông (mùa Đông ở miền Trung lạnh cóng) chúng không có ổ, có nệm thế mà chúng vẫn luẩn quẩn nơi gầm bàn nào đó gần cửa để trông nhà.

Ngay những con chó được nuôi để giết thịt, như chó của cán bộ quản giáo đội nuôi heo ở trại tù số sáu Nghệ Tĩnh, ông ta nuôi chó để bán thịt cho các tù nhân sĩ quan miền Nam. Hôm cắt tiết, ông ta sơ ý để chó xổng tay bỏ chạy. Bốn ngày sau gặp lại ông ở bìa rừng, chó thấy chủ, vẫn vẫy đuôi quấn quít vui mừng. Tưởng ông ta cảm động trước lòng trung thành, quảng đại của nó ; nào ngờ một tuần sau, khi giết thịt, để cho chắc, ông nhẫn tâm lấy búa đập đầu nó không một chút xót thương.

Thân phận chó ở Việt Nam tội nghiệp như thế, không hiểu sao đã bị bạc đãi, chúng còn bị người đời đem thân phận của chúng để mắng nhiếc, rẻ khinh :” đồ chó”,”quân chó má”, ” quân chó đẻ”…những tiếng chửi dùng ám chỉ bọn lưu manh, đốn mạt trong xã hội, trong khi bản chất thực sự của chó có là thế đâu. Không chỉ câu chửi phát xuất từ miệng nhân gian, mà ngay trong văn chương Việt Nam hồi thế kỷ 18 còn ghi chép lại qua câu chuyện của Ông Ích Khiêm. Ông dòng dõi người cao nguyên, một võ tướng dũng cảm, tính khí can trường, không luồn lụy ai, chỉ một lòng thờ vua, lo việc nước. Sau khi vua Tự Đức băng hà, trước cảnh triều chính rối loạn, gian thần lộng hành, bên ngoài thực dân Pháp lăm le đô hộ nước ta; trong triều văn thần võ tướng, toàn là lũ cầu an, ăn không ngồi rồi, chả ai màng việc nước, ông bực mình đặt ra một tiệc rượu nấu toàn món thịt chó, mâm trên cổ dưới la liệt rồi mời các đại thần sang dự. Lúc vào tiệc, nhiều người ăn không được, tò mò thắc mắc hỏi :” Thịt gì thế?”, ông thản nhiên trả lời :

-Bẩm, trên dưới toàn chó cả !

Các quan hiểu ngay, ông chửi xéo họ.

Bữa tiệc chó nấu rất mặn.Cơm xong, ai nấy đều khát nước, tôi tớ trong nhà ông không ai mang nước lên vì ông đã dặn trước. Hồi lâu sau, có người lấp ló ngay cửa, ông quát tháo ầm ầm :

-Này, chúng bay toàn là lũ ăn hại. Chỉ mỗi việc nước mà chả đứa nào lo cả!

Dường như chó ở Việt Nam cảm nhận được sự đối xử tàn tệ của loài người nên thường hung dữ hơn chó ở phương Tây. Nói vậy, điều này cũng tương đối thôi, “hiền thường cộc”, nên gần đây, chó phương Tây vài con cũng “ dở chứng” hung hăng không kém ; như ở Đức, một con chó lớn ở đâu nhảy vào cắn cổ một học sinh chết tại chỗ trong sân trường và mới đây nhất tại Thụy Sĩ, ba con chó nhỏ từ trong nhà nhảy ra đường xúm nhau xé xác ăn thịt một em bé trai sáu tuổi một mình trên đường đến trường đã gây xôn xao dư luận. Do đó, thấy chó lạ, cẩn thận vẫn hơn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Còn chó Việt Nam chưa nghe cắn chết ai bao giờ. Nhưng gặp người lạ, nhất là những người từng ăn thịt chó,chúng đánh được hơi, chúng thường sủa và chực nhảy xổ vào cắn. Bị chó cắn rất là phiền phức. Người bị cắn phải chích vào bụng nhiều mũi thuốc để ngừa chó dại.

Con Lu, con Ky của gia đình tôi không cắn ai bao giờ. Nhưng thấy người không quen, nếu có thêm bộ dạng khả nghi, kỳ quái, chúng chỉ sủa và gầm gừ vô cùng dữ tợn.

Sau năm 1975 đời sống kinh tế khó khăn, lại thêm người miền Bắc vốn ưa chuộng thịt chó vô Nam càng nhiều, đã là nguyên nhân nảy sinh ra tình trạng chó bị bắt cóc. Những vụ bắt cóc vô cùng tàn nhẫn. Người ta không chỉ đợi đêm khuya thanh vắng ném cho chó một miếng thịt tẩm thuốc mê mà người ta còn bắt chó công khai giữa ban ngày trên đường phố. Một sợi dây thòng lọng ném vào cổ chó giựt mạnh, con chó chỉ kịp kêu “ẳng” một tiếng đã bị người trên xe nhảy xuống trùm bao tải vứt lên xe.Dần dà chó trong xóm biến dần. Người nuôi chó chả biết phải đối phó làm sao.

Gần đây, bịnh cúm gia cầm đe dọa trầm trọng tại nước ta, đồng bào không dám sử dụng thịt gà, vịt… bình thường như trước đây, thiên hạ lại chiếu cố nhiều hơn vào thịt chó (lẫn cả mèo). Các tiệm, quán “Cờ Tây”(cầy tơ),”Mộc Tồn”(mộc là cây,tồn là còn.Cây còn là con cầy),”Nai Đồng Quê”, “Sống Trên Đời”, “Đây Rồi”, “Rựa Mận”, “Quán Lá Mơ”…v…v… vốn đã nhiều, giờ càng gia tăng để thay thế các quán phở gà, cháo gà, vịt…Do đó, thân phận chó càng thê thảm hơn. Người ta nuôi chó, không chỉ còn để giữ nhà, có người nuôi để bán thịt.Từ đó, lại sinh thêm nghề buôn bán chó.Những con chó bị đẩy ra khỏi nhà, theo người buôn chó, chúng còn quay đầu buồn bã nhìn lại chủ nó trước khi rời xa,vô cùng tội nghiệp!

Càng nghĩ, tôi càng thấy sự bất công của Thượng đế dành cho chó ở Việt Nam. Trong khi chó ở phương Tây, một cái chết oan uổng của con chó nào đó cũng đã là vấn đề để báo chí quan tâm, đăng tải rùm beng cảnh giác người bất cẩn. Như câu chuyện cặp vợ chồng người Anh dắt chó đi du lịch Hong Kong. Khi vào tiệm ăn, họ đưa chó xuống bếp xin thực phẩm cho chó ăn. Không biết họ diễn tả thế nào, và đầu bếp hiểu tiếng Anh ra sao mà hơn một tiếng sau đó, bồi bàn mang cho họ mấy món thịt chó nấu từ con chó của họ !

Một lần, cũng vào giờ giải lao, tôi kể cho Goga và các bạn làm việc cùng phòng về câu chuyện ba tù hình sự phụ trách nhà máy điện trại sáu Nghệ Tĩnh. Vì đói quá, họ lén cắp con chó con của một quản giáo rồi nhanh nhẹn lột da, vứt ruột, bỏ vào lon guigoz luộc ăn. Hôm sau quản giáo biết được, ông ta tức giận lôi ba người nằm ngửa giữa sân rồi đi giày nện trên bụng từng người một cho đến khi nào…lòi thịt chó ra, mới thôi. Nào ngờ ba ngày sau, có hai người vì dập gan mà chết. Câu chuyện thương tâm đau lòng như vậy, thử hỏi thế gian này mấy người biết đâu ? !

Qua những điều kể trên, tôi luôn nghĩ và hy vọng, ngày nào trên thế giới sự bất công không còn đối với muôn loài, ngày đó sẽ thanh bình thực sự vậy.

Trần Thị Nhật Hưng.

1-2006

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/10/2013(Xem: 19885)
Có những ngày trong đời, người ta thả trôi lòng mình theo dòng cuốn dập dềnh bất định của bao cảm giác. Vui thì cười nói hồn nhiên, lộ vẻ sung sướng, buồn thì mặt dàu dàu cúi xuống để nước mắt rơi thành dòng. Điều đó chẳng có gì lạ, Còn vui buồn, còn cười khóc được thì hãy còn là con người.
11/10/2013(Xem: 6187)
Em là đóa hoa đứng bên hàng giậu, có chàng trai trẻ ngắm em rồi làm thơ bảo rằng em cười với chàng, đã thấy em trong tiền kiếp. Chỉ có thế thôi mà bài thơ của chàng được một Thiền Sư viết văn trứ danh liệt vào loại thơ Thiền, nhờ đó loài hoa nhà quê như em trở thành nổi tiếng. Một đóa hoa Dâm Bụt đứng bên hàng giậu.
11/10/2013(Xem: 5425)
Em ơi, nếu mộng không thành thì sao ? Mua chai thuốc chuột, uống cho rồi đời. Ngày xưa còn bé, Hoa Lan nghịch ngợm ghê lắm cứ theo bọn con trai leo trèo, chơi đánh kiếm cho đúng câu tiên đoán thần sầu của bà nội. Bà mụ nặn lầm con bé này rồi, phải chi ra thằng cu thì đúng hơn. Do đó Hoa Lan tối ngày chỉ ở trên cây ổi nằm vắt vẻo đong đưa, hát vu vơ mấy câu cải biên bài Duyên Kiếp của chàng nhạc sĩ họ Lầm, rồi thích chí cười vang. Cười đây không có nghĩa là biểu đồng tình với nội dung câu hát ấy đâu, nếu vì một giấc mộng nào đó không thành, dám bưng chai thuốc chuột nốc ừng ực, cái đó không có Hoa Lan rồi đấy, các bạn ạ!
10/10/2013(Xem: 4419)
Để nói về một điều gì thật ồn, thiên hạ vẫn bảo “ồn như cái chợ„ .Thế nhưng với tôi, có một nơi ồn còn hơn cái chợ, đó là ngày họp mặt thầy và trò của trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi tổ chức nhằm vào 26-07-2008.
10/10/2013(Xem: 5325)
Khi tôi biết sẽ định cư tại Thụy Sĩ, cái xứ nhỏ xíu, diện tích chỉ 41.300 cây số vuông, dân số khoảng hơn 7 triệu người, trong đó đã có gần hai triệu người ngoại quốc, tôi thật nản.
25/09/2013(Xem: 8195)
Đang nằm bịnh gần...vãng sanh, có tiếng điện thoại reo, giọng của chị bạn thân: - Đi ...tu không? Tôi phều phào: - Chùa nào? - Tu viện Viên Đức. - A, Thọ Bát Quan Trai đấy hả? - Vâng, xe còn một chỗ trống, sáng mai 7 giờ xuất hành, đi không? - O.K.
25/09/2013(Xem: 11034)
Thế là, dù muốn hay không, tôi vẫn phải nhận thêm một tuổi nữa, và năm nay… Nhâm Thìn là năm tuổi của tôi. Thuở còn bé, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe… ké người lớn nói chuyện với nhau: “Năm tuổi của tôi”. Tôi không rõ năm tuổi là năm gì, ý nghĩa ra sao, nhưng qua câu nói và thái độ khi nói, tôi vẫn cảm nhận được nỗi lo lắng sợ hãi của các bậc trưởng thượng. Sợ gì nhỉ? Tai nạn? Đau ốm? Mất mát hay chết? Nhưng rồi sau đó có ai chết đâu và có xảy ra chuyện gì đâu. Còn xui xẻo trong năm, nếu có, thì tuổi nào mà tránh được, chả cứ năm tuổi. Thế nhưng, các bác vẫn sợ và e dè để rồi năm đó “án binh bất động” không cựa quậy gì ráo.
25/09/2013(Xem: 6841)
Trong nhà Phật chúng ta hay nghe đến hai chữ Nhân Duyên, hết nhân nọ đến duyên kia trùng trùng duyên khởi. Nhưng chưa ai chịu tỉ mỉ phân loại các nhân duyên kiểu “à la Hoa Lan“ như thế này. Với sư phụ Giác Duyên là duyên Phật pháp, đến chàng Nghịch Duyên nhất định phải là duyên con Tiều, tiếp đến chàng A Còng là duyên “gió cõng đò đưa“. Hôm nay với Thi Thi Hồng Ngọc một cây bút nữ của tờ báo Viên Giác, thuộc hàng con cháu sinh sau đẻ muộn, là duyên “Thiên cơ bất khả lậu“.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]