Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện Tình Tết Mậu Thân Quảng Ngãi

04/11/201121:11(Xem: 4075)
Chuyện Tình Tết Mậu Thân Quảng Ngãi
thienkhongthachtu2


Chuyện Tình Tết Mậu Thân Quảng Ngãi
Trần Thị Nhật Hưng





 

   Tiếng súng nổ từ xa, dù lớn dù nhỏ, vẫn là chuyện thông thường không thắc mắc đối với dân Quảng Ngãi trong thời chiến tranh. Nhưng đêm nay, đêm mồng một Tết, tiếng súng nổ bên tai làm cả nhà tôi bàng hoàng. Không ai bảo ai đều giật mình thức giấc rồi chạy ào xuống nhà núp dưới chân cầu thang. Tiếng súng nổ gần quá, tôi nghe cả tiếng hô hoán: “Tiến lên!” giọng Bắc rặc của một người chỉ huy nào đó. Trời! Không lẽ mặt trận đang diễn ra trong thành phố? Tim tôi đập loạn xạ, dù mồ hôi vã ra, răng tôi vẫn đánh bò cạp. Tôi rúc vào lòng năm chị em gái và ba má của tôi. Tiếng khóc thút thít vì sợ hãi muốn oà ra nhưng tôi cố dằn lòng sợ địch quân nghe thấy. Ầm! Một trái pháo kích rớt trúng nhà phía sau của tôi. Ngói bể rơi loảng xoảng, khói đạn bay mịt mù. Tôi chỉ kịp thét lên, ôm cứng lấy má tôi, hồn như bay khỏi xác. Đó là năm Mậu Thân 1968, lúc tôi 14 tuổi.

    Sáng hôm sau, trời tỏ dần. Tiếng súng lớn đã vơi đi, nhưng tiếng trực thăng lại vần vũ trên bầu trời như ráo riết rót từng tràng đại liên vào mục tiêu nào đó. Dường như mặt trận đang dồn về một góc thành phố? Khu Cống Kiểu? Sông Trà Khúc? Hay toà  Hành Chánh tỉnh? Không ai đoán được chính xác, nhưng chắc chắn một điều là cộng quân đã rút lui và quân đội quốc gia đang làm chủ tình hình.

   Cả nhà tôi hoàn hồn, cùng lên lầu xem căn phòng bị trúng đạn tối qua.

   Đó là căn phòng sau, cách phòng khách phía trước một khoảng sân thượng, dành cho anh trai và chị đâu của tôi. Cũng may đêm đó anh đưa chị về thăm nhà, đi vắng, nên tránh được điều đáng tiếc có thể xảy ra. Đồ đạc trong phòng không hư hại bao nhiêu. Trái đạn đã xuyên thủng mái ngói, để lại một khoảng trống lớn và những vết lỗ chỗ trên trần nhà. Nắng buổi sáng xuyên qua chiếu những tia thẳng tắp trông như hào quang.

   Sáng đó, cả nhà tôi chả ai thiết điểm tâm. Chồng bánh chưng, thẩu dưa hành củ kiệu vẫn im lìm nằm trên kệ tủ. Hộp bánh mứt mớ hạt dưa chị em tôi cũng không màng để ý. Cả nhà dồn hết về phía trước, lấp ló nơi cửa sắt lao xao nhìn thiên hạ tản cư. Người tay bế tay bồng, kẻ tay xách nách mang. Nét mặt ai nấy hằn nỗi kinh hoàng, mệt mỏi. Họ từ đâu tới vậy? Tại sao phải bỏ nhà đi? Đó là những câu hỏi tới tấp, dồn dập của đồng bào hai bên đường. Đang đánh lớn ở khu Võ Tánh? Dãy công chức gần trường Kim Thông? Có người còn quả quyết trường Kim Thông là nơi ẩn nấu của cộng quân khiến mọi người cùng túa ra bao con mắt đổ dồn về hướng đó.

   Trường Kim Thông không xa lạ gì với những người trong tỉnh. Trường toạ lạc gần trung tâm thành phố, cách nhà tôi 15 phút đi bộ. Ngôi trường hai tầng lầu, kiến trúc vững chắc bằng xi măng cốt sắt, đã là nơi bị cộng quân chiếu cố làm bàn đạp tấn công toà Hành Chánh tỉnh. Nhưng sự việc đã không thành. Chúng rút về cố thủ chờ tiếp viện. Cuối cùng vẫn thất bại, bị kẹt khoảng mười lăm hai mươi tên trong đó.

   Trực thăng của quân đội quốc gia liên tục hoạt động trên bầu trời trừng trị kẻ phá hoại sự an lành của đồng bào trong những ngày Tết. Đại liên, lựu đạn thi nhau nổ liên hồi. Nếu không có đoàn người tản cư, người ta có thể tưởng đó là tiếng pháo Xuân rộn ràng mừng năm mới.

   Đoàn người càng lúc càng đông. Họ dắt dìu nhau đi tìm nơi ẩn trú. Có những người thân và ngay cả những người chưa quen, ba má tôi mời một số vào nhà. Chả mấy chốc nhà tôi đông nghẹt. Vừa người lớn cả trẻ em kể tới gần một trăm. Có hai em bé sinh đôi mới chào đời trong ngày giáp Tết cũng được mẹ bế chạy tản cư, ba má tôi ưu tiên dành căn phòng nhỏ ngay kế chân cầu thang cho gia đình của bé.

   Buổi trưa, chảo lớn thường để nấu đường làm bánh mì được bắc xuống, ba má tôi đặt một chảo cơm. Chảo cơm dã chiến, nấu vội vàng, thiếu kinh nghiệm, lại dùng hai bao tải làm nắp nồi nên dở sống dở khê, nhưng cũng nói lên được tấm lòng mộc mạc của ba má tôi:

 

"Thương người như thể thương thân.

Người ta gặp lúc khó khăn đến nhà.

Đồng tiền bát gạo đem ra.

Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên”.

 

(Cũng chính ngay ngày này, lần đầu tiên tôi gặp một người về sau này trở thành đấng        lang quân của tôi. Tôi sẽ kể ở phần sau).

 

   Buổi chiều, tình hình lắng dịu. Tiếng trực thăng, tiếng súng nổ đã ngưng bặt. Thỉnh thoảng lắm mới có vài tiếng lẻ tẻ thị oai. Lệnh giới nghiêm được ban hành nhưng vẫn không cản được một số người hiếu kỳ tò mò kéo nhau về trường Kim Thông xem xác cộng quân nằm xếp lớp dọc đường Võ Tánh. Những xác chết hầu hết còn non choẹt, mới mười sáu, mười bảy tuổi đầu đã bị đẩy vào miền Nam làm vật tế thần cho chủ nghĩa Cộng Sản. Bốn chữ: "Sinh Bắc Tử Nam” xăm lên những cánh tay quân cộng phải chăng là tự nguyện, hay đó chính là bảng án tử hình chụp lên những nạn nhân của chế độ? Ta hãy nghe những tiếng rên la đau đớn của những bộ đội bị thương cùng lời phân trần của tù binh xin tha sự chết. Tự nguyện ư? Chắc chắn là không! Chúng ta không lạ gì những danh từ hoa mỹ mà cộng sản thường dùng để che đậy dã tâm của họ. Mặt nạ cộng sản đã rớt xuống rồi sau biến cố 30.4.1975. "Tình nguyện thanh niên xung phong”, “Tình nguyện đi vùng kinh tế mới”, “Tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự”,…v.v. và v.v....Còn bao thứ tình nguyện nữa, nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ thấy một sự “tình nguyện” duy nhất là liều chết xông pha ra biển khơi, rừng sâu để thoát vòng kèm kẹp bạo tàn của cộng sản.

   Buổi tối, mới chạng vạng, phố xá đã vắng hoe. Cuộc tấn công của cộng quân kể như hoàn toàn thất bại. Những mũi dùi đánh chiếm phi trường, sông Trà Khúc, đài phát thanh, toà Hành Chánh tỉnh cũng bị thua. Cộng quân bỏ lại hằng trăm xác chết. Giao tranh tạm kết thúc nhưng tình hình không bớt khẩn trương. Tất cả cùng đề cao cảnh giác, lo sợ một sự trả thù tối nay. Nhà tôi nhốn nháo đầy người nằm la liệt từ lầu trên cho đến nhà dưới. Tuy nhà chưa có hầm vững chắc, nhưng thấy đông người và vị trí nhà an ninh, không ảnh hưởng nhiều với chiến tranh, lòng tôi cũng an tâm.

   Sáng ra, cái không khí nhộn nhịp của thành phố lại trở về. Nhưng không còn là sự rộn ràng hân hoan của những ngày Xuân. Mùi chiến tranh đã tràn ngập trong thành phố thể hiện rõ ràng qua những bao cát đen, đống cát cao ngất ngưỡng, những thanh gỗ và khung sắt trước sân nhà. Mọi người đang thi đua xây hầm chống đạn. Những căn hầm kiên cố, đen xì nằm vô duyên trong buồng ngủ, trong phòng khách, bên những cành mai vàng rực rỡ trổ hoa. Năm đó, mùa Xuân đã thực sự không đến với mọi nhà. Có người bực tức nói: "Trời đánh còn tránh bữa ăn. Sao ông Hồ nỡ đánh dân miền  Nam trong ngày trọng đại?!” Và có lẽ vì vậy ông bị trời phạt nên ông đã bị thua, rồi sau đó đau buồn và chết năm 1969.

   Riêng nhà tôi, ba má tôi sống bằng nghề sản xuất bánh mì, bánh ngọt nên trong nhà luôn có sẵn hằng tấn bột. Những bao bột đó đã là cái bia chống đạn vững vàng kiên cố nhất. Ba má tôi chỉ mua gỗ, sắt kê trên những thùng phi làm sườn rồi chất bột lên trên. Nửa cửa tiệm nhà trước làm thành hai cái hầm rộng lớn. Xây hầm như vậy, mùa Đông, ba má tôi tránh được cơn lụt hằng năm làm ướt bột, và trước mắt là nơi trú ẩn an toàn nếu giao tranh tái diễn.

   Nhưng cuối cùng mọi sự đã chẳng xảy ra như mọi người lo ngại. Thiên hạ chỉ thấp thỏm chờ đợi điều không bao giờ đến nữa. Mãi tới mùng 5, những khách tản cư tá túc trong nhà tôi đều lần lượt trở về. Một vài gia đình lo xa và mến cái không khí vui vẻ cởi mở của nhà tôi, ban ngày đi về, tối xin trở lại.

   Trong số những người còn lưu luyến đó, dù không chú ý, tôi vẫn bị lôi cuốn bởi cái vẻ là lạ khác người của bà Liên và hai bố con ông cựu quận trưởng.

   Bà Liên béo và tròn. Tuy không đẹp lắm nhưng tướng bà rất sang. Bà có nước da trắng ngần, đôi mắt sáng và làn môi mọng đỏ. Có lẽ nhờ cái miệng tươi nên bà ăn nói gây chú ý người xung quanh. Buổi tối, sau hôm thứ hai bà đến nhà tôi, bà tỏ ra thân tình với mọi người như quen từ lâu lắm. Bà đang cùng với các bà khác ngồi cạnh cửa hầm để bàn về bí quyết hạ những con tình địch. Bí quyết xỏ mũi các ông chồng. Câu chuyện dường như hào hứng lắm, nên lâu lâu tôi lại nghe các bà cười rủ ra. Tôi mon men lại gần rồi lắng nghe bà nói:

- Này, các chị biết không, tục ngữ Việt Nam có câu: "Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy vợ từ lúc ban sơ mới về”. Câu tục ngữ này lời lẽ tuy hàm ý nhắc nhở các đấng mày râu, nhưng chúng ta là đàn bà, nếu biết khôn ngoan, tại sao không lợi dụng tục ngữ đó để áp dụng với chồng ta chứ?!

Mọi người nhao nhao cười:

- Áp dụng cách nào hở bà?

Bà Liên lấy giọng tiếp:

- Mới về nhà chồng, cùng lúc chồng muốn dạy dỗ ta, thì ta cũng khéo léo nên ra tay trước, áp đảo tinh thần chồng, “dạy” cho chồng phải răm rắp tuân theo ý ta.

Nhiều bà tặc lưỡi:

- Eo ơi cái đó mới khó đa!

Bà Liên trợn mắt:

- Khó gì mà khó. Tôi đã áp dụng rồi và tôi đã thành công.

Rồi và hạ giọng:

- Chị em có biết vũ khí sắc bén vô cùng lợi hại của người đàn bà là ở chỗ nào không?
- Là nấu ăn giỏi?
- Không đúng lắm.
- Là sắc đẹp?
- Cũng không hẳn vậy.
- Là ăn nói dịu dàng mềm mỏng?
- Cũng không phải thế.
- Là đức hạnh đoan trang?

Bà Liên vẫn lắc đầu. Đợi mọi người im hơi lặng tiếng, có vẻ sốt ruột, trông ngóng, bà mới phán một câu:

- Đó là nước mắt!

Mọi người “à” một tiếng ngạc nhiên. Bà Liên giải thích:

- Xưa nay đàn ông con trai ai cũng sợ nước mắt đàn bà. Tục ngữ có câu:”Một trăm roi của người bố, không bằng một giọt nước mắt của người mẹ”, như thế đủ biết sức mạnh của nước mắt vô cùng. Ngay khi về nhà chồng, bí quyết chinh phục chồng chỉ nên bằng nước mắt. Gặp chuyện bất bình, đừng nói nhiều, đừng la lối, chỉ ứa hai giọt nước mắt thôi là chồng mềm lòng ngay. Muốn gì chả được!

Có người phản đối:

- Thôi bà ơi, “nước mắt giai nhân mới mềm lòng khanh tướng”, chứ nước mắt…”gia nhân” xấu xí như con ở của tôi đây, chỉ làm ổng bực mình thêm.

Mọi người cùng biểu đồng tình:

- Chị Hai nói có lý, có lý.

Bà Liên vẫn cương quyết:

- Nước mắt nào cũng giá trị tương xứng với đối tượng của nó. Giai nhân lẽ dĩ nhiên phải đi liền với khanh tướng. Còn gia nhân thì tương xứng với… với… gia nhân! Xin lỗi chị nhá, tôi không ám chỉ chị, nhưng tôi nói nước mắt người xấu thì mềm lòng chồng xấu. Có điều chị em mình có khóc, nên khóc cho đúng lúc đúng chỗ, chứ cứ...mè nheo khóc hoài thành nước mắt cá sấu cũng nhàm lắm, chồng chả sợ đâu.

Có người thắc mắc:

- Khóc thế nào gọi là đúng lúc đúng chỗ hở bà?
- Lúc là lúc chỉ có hai người với nhau. Còn chỗ thì không chỗ nào tác động mạnh bằng nơi buồng riêng của hai người.

Có tiếng thở dài:

- Cái kiểu nhõng nhẽo, quyến rũ này tui thấy xí xọn quá!

Bà Liên trợn mắt:

- Quyến rũ nhõng nhẽo gì! Đây là bí quyết để chồng chiều, chồng cưng mà.

Rồi lặng im một lúc, bà tiếp:

- Nhưng sau khi khóc xong, tức tốc phải nở ngay nụ cười. Chớ để cái mặt chằm dằm hãm tài trong nhà, không người chồng nào chịu nổi đâu.

Một người nhún vai:

- Bà làm như chúng tôi là kịch sĩ Kim Cương không bằng!

Bà Liên nhăn nhó:

- Việc đơn giản dễ dàng như thế, có gì phải nhờ tài Kim Cương?!

   Nói xong, mặt mày bà đỏ hoe, rồi từ hai khoé mắt ứa ra hai giọt lệ lăn dài xuống má. Mọi người trố mắt ngạc nhiên, chưa rõ chuyện gì xảy ra, bà liền nhoẻn miệng cười, làm ai nấy cười lăn cười lóc…

   Rồi câu chuyện chuyển sang đề tài mới: Chuyện những con tình địch! 

Bà Liên tóm tắt: 

- Nói chung, đối với chồng, mình phải là nàng tiên hiền dịu. Chỉ với con tình địch mình mới là ác quỷ.

Mọi người lại nhao nhao:

- Phải trị nó bằng cách nào hỡ bà?

Bà Liên từ tốn:

- Vào trận tình cũng như vào trận giặc. Trước tiên, mình phải tìm hiểu đối phương. Tri kỷ tri bỉ, biết mình biết người, trăm trận trăm thắng…

Mọi người sốt ruột, chăm chú đợi bà nói tiếp.

- Nếu nó là loại nai vàng ngơ ngác, con nhà tử tế bị chồng mình gạt, mình phải kín đáo cho nó biết để tự nó rút lui.
- Nếu nó không tự rút lui? Một người hỏi.
- Nếu nó không tự rút lui, tức là nó đang tuổi khát tình, phải nhờ anh hoặc em trai mình nhảy vô cua nó. Nhớ bố trí cho chồng mình thấy nó lăng nhăng để ổng chán mà bỏ nó.
- Nếu ổng không chịu bỏ nó?
- Ổng không chịu bỏ nó, nó cũng không chịu rút lui, thì mình thẳng tay tàn phá nhan sắc nó!

Nói đến đây, mặt bà Liên đằng đằng sát khí. Mắt bà mở to, môi bà mím lại, bà nghiến răng trèo trẹo:

- Phải xăng, nhớt, dầu hôi trộn với tiêu, tỏi, ớt, pha với chút a-xit thôi, tạt thẳng vào mặt nó. Sau một ngày, cái mặt rỗ chằng rỗ chịt như ác quỷ của nó có húc vào chồng mình, thì ổng cũng chạy thôi. Nhưng phải nhớ một điều, là mọi hành động của mình đều thuê du đãng hay người khác làm, tuyệt đối đừng để cho chồng biết. Với chồng, mình phải luôn là nàng tiên mới được.

Một người tặc lưỡi:

                - Làm vậy ác quá, tui không làm được!

Kẻ khác:

- Bà bình tĩnh sử dụng kế tài tình còn hơn cả Hoạn Thư. Chứ tui chỉ nghe ổng có mèo là xỉu rồi!

Bà Liên như vậy đó. Tuổi sồn sồn trên dưới 50 nhưng cách nói chuyện ồn ào vui nhộn như trẻ con, vô tình làm nổi bật ông Long, cựu quận trưởng, tuy mới 28, 29 tuổi lại đi đứng ăn nói đĩnh đạc như ông già. Ông tản cư đến nhà tôi cùng lúc với cụ Điển, thân phụ ông. Cả hai đều có chiều cao khá đặc biệt, luôn đập vào mắt tôi. Thật ra, cái chiều cao 1 mét 73 đối với người đàn ông không lấy gì là cao lắm, nhưng chính cái độ quá ốm của hai bố con làm chiều cao của họ tăng lên. Nhất là cụ Điển, chân tay cụ lều khều. Nếu có dịp để ý lúc cụ vén quần lội nước lụt, hai ống chân cụ ốm nhách như hai ống tre. Tuy nhiên, nhờ có hàm râu bạc dài, sắc diện hồng hào tươi nhuận, nên trông cụ quắc thước như một tiên ông. Phong độ cụ thư thái nhàn hạ, khác hẳn với “ông con” lại có nét phong trần gian khổ. Quanh năm suốt tháng ông con luôn mặt bộ bà ba đen bạc màu, đôi giày nhựa và cây súng rouleau luôn máng ở bên hông. Tuy tuổi chỉ hơn tôi trên một con giáp, nhưng cử chỉ điệu bộ của ông trang nghiêm chững chạc quá, nên chị em tôi coi ông như bậc cha chú, chẳng ai muốn gọi ông bằng “anh”, kể cả chị Thanh, chị lớn nhất của tôi, chỉ thua ông chừng dăm bảy tuổi.

   Thực ra, cụ Điển không xa lạ gì với gia đình tôi. Cụ là hội trưởng Hiếu Hữu Hội những người Bắc di cư. Còn ba tôi làm thủ quỹ. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy cụ đến nhà tôi họp hành, bàn với ba tôi những điều của hội. Ngoài ra, cụ còn là thầy thuốc Đông Y từng bắt mạch kê đơn chữa trị những chứng bệnh phụ nữ cho chị em tôi. Sự đi lại khá thường xuyên đó khiến cụ để ý chị Thanh, rồi đánh tiếng với ba má tôi nhắm chị Thanh cho ông con của cụ, mặc dù chị em tôi chưa hề biết mặt Long bao giờ. Vào dịp Tết Mậu Thân tản cư đến nhà tôi là cơ hội thuận tiện nhất để cụ và chàng Long “nằm vùng” theo dõi tính nết chị Thanh.

   Chị Thanh vốn ít nói. Tuy dung nhan không thuộc loại sắc nước hương trời, nhưng nhờ cặp mắt đẹp, tròn to, đen láy, và làn da trắng mịn màng, nên chị trông dễ thương. Chị Thanh nấu ăn giỏi. Tính tình đoan trang hiền hậu. Nếu cần một người vợ hết lòng hy sinh phục vụ chồng con, thì chị Thanh là số một. Oái oăm thay, cũng bởi chị hiền quá, lại hay rụt rè e lệ nên khi nghe có người để ý mình, chị mắc cỡ tránh né và không chịu tiếp xúc với “chú" Long. Còn chú Long cũng không phải là kẻ nói nhiều. Mỗi lần chú đến nhà tôi, trong khi cụ Điển cùng ba má tôi hàn huyên trò chuyện, chú chỉ mở sách ra đọc rồi lẳng lặng bỏ đi. Chú Long rất mê đọc sách.

   Sau cuộc tổng tấn công của cộng quân, chú Long bị gọi tái ngũ. Chú phục vụ cho nhân dân tự vệ một thời gian rồi biệt phái làm Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán bộ Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi. Cứ mỗi tối, sau khi cơm nước xong, khoảng 8 giờ tối, chú hay đưa cụ Điển đến ngủ nhà tôi. Chú ngồi chơi một lát rồi lại lên cơ quan.

Hồi đó tôi chỉ mới 14 tuổi, còn quá nhỏ để hiểu chuyện giữa chị Thanh và chú. Nhưng một lần má tôi vô tình hỏi tôi:

- Cậu Long có ý hỏi chị Thanh làm vợ. Con nhận thấy cậu Long thế nào?

Tôi lè lưỡi, đáp không cần suy nghĩ:

- Thôi má ơi, đừng gả chị Thanh cho ông đó. Quanh năm suốt tháng ổng chỉ mặc một bộ bà ba đen dơ hầy!

Má tôi chỉ mỉm cười:

- Mầy biết gì mà nói!

Tôi phụng phịu:

- Con không biết sao má lại hỏi con?

   Tuy ngoài miệng tôi phản đối, nhưng thâm tâm tôi vẫn thích bất cứ người nào khả dĩ trông đàng hoàng theo đuổi các chị tôi. Cái tính ranh mãnh của tôi đủ cho tôi…khôn ngoan không bỏ lỡ cơ hội vòi vĩnh các ông anh rễ tương lai chiều chuộng những điều tôi thích. Đó là lý do tôi ở bên cạnh chú Long nhiều và hết sức tự nhiên hơn chị Thanh. Ai cấm tôi đu cổ chú? Chú “dám” la rầy hoặc lớn tiếng với tôi không khi tôi trèo lên phá xe chú? Tất cả… tất cả… tôi được chú chiều chuộng. Còn gì thích bằng những ngày cuối tuần, dù thỉnh thoảng, được chú làm “tài xế” chở tôi, em tôi (tôi còn rủ thêm vài cô bạn hàng xóm đi chơi. Đi chơi mà được sự chấp thuận một cách vui vẻ của gia đình, được ăn mì Sông Vệ, được ngắm núi Cống Ông Nghè, được xa lánh thành phố đầy bụi bặm, được hít thở không khí trong lành từ những đồng ruộng bát ngát ở miền quê… Ừ, mà sao tôi không thấy chị Thanh đi chơi với chú Long? Tại chị mắc cỡ? Hay tại tôi đã đi giùm? Tôi cũng không biết nữa. Lắm lúc tôi thấy tình của chị và chú Long cứ như làm sao ấy, lạt hơn ao nước lã.

   Rồi tôi lớn lên, tới cái tuổi dậy thì của người con gái, là lúc chị Thanh cất bước lên xe hoa về nhà chồng, nhưng không phải về nhà chú Long. Tôi không thắc mắc, cũng không tìm hiểu tại sao.

   Chị Thanh đi rồi, chú Long vẫn cứ thường xuyên lui tới nhà tôi như thuở nào. Nhưng từ đó, tôi cũng bớt đi chơi với chú Long. Tôi e dè từng cái đụng chạm, ý tứ từng lời nói đến cái nhìn. Khoảng cách của tôi và chú như xa hơn, nhưng tư tưởng và cách suy nghĩ lại gần hơn. Tôi đương nhiên trở thành...người lớn để nói chuyện “người lớn" với chú. Cái khoảng cách trên một con giáp lần lần như xích lại, để một hôm trời thật đẹp, nắng rực sáng tràn ngập khắp vạn vật,  tôi còn nhớ rõ là buổi trưa hè. Cả nhà tôi đang say giấc ngủ, còn tôi đang cặm cụi bên chiếc bàn ngoài sân thượng giải quyết những bài tập toán cho kỳ thi Tú Tài phần một sắp đến. Chú Long xuất hiện, ngồi nhìn tôi thật lâu, rồi bạo dạn nắm tay tôi, nói nhỏ:

- Từ nay “em” đừng gọi “anh” bằng...chú nhé!

Tôi cười, đưa mắt nhìn vạt nắng đang trải dài trên sân thượng, vờ lắng nghe tiếng chim sẻ ríu rít trên mái nhà hàng xóm, hỏi lại:

- Ơ… Không gọi bằng... chú thì gọi bằng… bác nhé?

Chú Long lắc đầu cười ý nhị:

- Sau này em sẽ là…vợ anh, xưng hô như thế đâu có được!

. . . . .

Và bây giờ tôi đã là vợ chàng, chia sẻ cùng chàng bao đắng cay ngọt bùi trong cuộc sống. Thời gian xa cách hơn mười ba năm sau biến cố đau thương 30.4.75 của đất nước, ngày đoàn tụ lại tại Thuỵ Sĩ, những lúc nhàn rỗi ngồi nghĩ lại chuyện đã qua, tôi hay đùa với chàng, nói một câu hết sức cải lương:

- Tình của mình rõ như là tình trong khói lửa. Phải không… ch…à…a…ng ? 
 
Trần thị Nhật Hưng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/06/2020(Xem: 10324)
Sau 26 năm lưu đày biệt xứ với 2 bản án Chung thân của người tù trải qua hơn một phần tư thế kỷ, tôi trở về từ cõi chết được bình an, trong sự chào đón hân hoan vui mừng của mọi người thân ruột thịt cốt nhục gia đình của quý chư Tôn Đức Pháp quyến. Đặc biệt các Tổ chức Nhân quyền LHQ, Hội Ân xá Quốc tế, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tại Hải ngoại, Phòng Thông tin Phật Giáo Quốc tế tại Paris, các Đài Truyền thông Quốc tế loan tải phổ biến tin vui. Nhiều đồng bào Phật Tử xa gần trong và ngoài nước, đã gửi điện thư, điện thoại, đến đất Bạc nơi mái tranh nghèo tôi đang tạm trú,
02/06/2020(Xem: 10247)
THƯ TÒA SOẠN, trang 2 ¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 4 ¨ BIỆN TRUNG BIÊN LUẬN TỤNG THÍCH, t.t. (HT. Thích Thắng Hoan), trang 9 ¨ THÔNG ĐIỆP CỦA SỰ HẠNH PHÚC (ĐNT Tín Nghĩa), trang 12 ¨ TỬ SINH, TỰ TÌNH KHÚC (thơ Ns. Hạnh Đạt), trang 13 ¨ TÀI SẢN SẼ MẤT, TẠO PHƯỚC THÌ CÒN (Quảng Tánh), trang 14 ¨ TÂM THƯ CẦU NGUYỆN BỆNH DỊCH CORONA VŨ HÁN CHẤM DỨT (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 15 ¨ CHÚC NGUYỆN THƯ PHẬT ĐẢN 2564 (TK. Thích Tuệ Sỹ), trang 16 ¨ THỌ GIỚI (HT. Thích Huệ Hưng), trang 18 ¨ SAU MÙA GIÓ LOẠN (thơ Mặc Phương Tử), trang 23 ¨ CHÙA CỔ THIÊN TỨ... (Tâm Không Vĩnh Hữu), trang 24
31/05/2020(Xem: 4527)
-Các con biết đây là gì không? Đây là chiếc Gối Gỗ của Sư Ông. Bốn huynh đệ chúng tôi trố mắt nhìn nhau, lần đầu tiên trong đời mới thấy chiếc gối gỗ. Thì ra, món đồ Sư Phụ để trên bàn thờ mấy năm qua được bọc vải vàng là cái Gối Gỗ của Sư Ông, chúng tôi nhiều lần thắc mắc nhưng không ai biết được đấy là gì, cũng không dám hỏi Sư Phụ. Tôi còn nhớ như in buổi chiều khi hay tin Sư Ông viên tịch, Thầy trò đang ngoài ruộng lúa chuẩn bị cho vụ mùa. Thầy vội vã về chùa để ra quê cho kịp chuyến xe tối. Hạnh Trí nhanh nhẹn chuẩn bị cho Thầy bộ Y, mấy bộ quần áo và vài gói mì lá Bồ Đề bỏ vào trong cái túi đãi đã bạc màu. Hạnh Tú thì tranh thủ dắt chiếc xe đạp ra ngoài trong tư thế đưa Thầy ra quốc lộ. Hạnh Lưu nhanh tay lo cho Thầy mấy trái bắp luộc để lót dạ trên đường. Thầy đi chỉ dặn dò mấy con ở chùa nhớ công phu bái sám đều đặn, công việc nặng thì nhờ quý bác Phật tử giúp giùm.
29/05/2020(Xem: 3681)
Hôm nay ngày Đại Tường Sư Ông, Sau thời công phu sáng, trước Giác Linh đài, chí thành đảnh lễ, không gian như lắng yên, tĩnh lặng…tất cả nhìn tôn ảnh của Sư Ông với tất cả niềm kính cẩn thiêng liêng, trên bàn thờ những đóa sen hồng đang nở, hòa với những ngọn nến thật huyền diệu lung linh… - Tâm hả con, vào nhanh đi. Tiểu Tâm bối rối cả người té ra là …, Chú sợ quá, quỳ xuống lạy Hòa thượng trong tiếng khóc nức nở trong nỗi niềm vừa lo âu và hối hận. Hòa Thượng lấy tay xoa lên đầu chú, vuốt cái chõm tóc dài đang ướt và nắm tay chú nhẹ nhàng từ tốn bảo: - Con thay quần áo nhanh đi, ước hết rồi, hơ ấm, lạy Phật, rồi ngủ đi con!
27/05/2020(Xem: 5370)
Hoa Lan vốn là loài hoa đẹp vừa kiêu sa thanh thoát, tuổi thọ cao (thường trụ trong chậu những sáu tháng), hương thơm nhẹ nhàng được bao người trân quí dùng làm quà tặng nhau hay chưng tại các đại sảnh, trang thờ, phòng khách... Nhưng Hoa Lan ở đây, tôi muốn viết về là bút hiệu của cô bạn văn tên thật là Lan Hương ( hương của hoa lan), cái tên đúng là có sự an bài của định mệnh.
10/05/2020(Xem: 4182)
Cả tuần lễ nay Chùa Linh Thứu như có sức sống của một cành cây đang đâm chồi nẩy lộc, khác hẳn với những tháng ngày cửa đóng then cài vì dịch Corona. Thí chủ nào muốn cúng dường gạo sữa, hoa quả chỉ dám nhấn chuông rồi lặng lẽ để phẩm vật trước cửa Chùa. Không thể nào thực hiện được hạnh nguyện cúng dường ba nghiệp thanh tịnh của Bồ Tát Phổ Hiền, nhưng tấm lòng nhớ đến Tam Bảo như thế cũng đáng được tán thán! Chùa trở nên sống động nhờ ý tưởng độc đáo của Sư Bà Linh Thứu, phải làm một cái gì hữu ích cho xứ sở mình đang sống để trả ơn cho họ trong cơn đại dịch. Sư Bà huy động tất cả các Phật tử có tay nghề may vá, kêu gọi họ may khẩu trang đem đến Chùa quyên tặng và các Sư Cô của Chùa cũng phải ngày đêm may cắt làm sao cho đủ số. Ít nhất phải đến con số 3000 chiếc khẩu trang ân tình Sư Bà mới dám triệu Ngoại Vụ của Chùa đi làm việc. Sư Bà muốn mời một vị khách quý của Chùa đến nhận món quà ấy, ông Thị Trưởng của quận Spandau nơi chùa Linh Thứu sinh hoạt.
01/05/2020(Xem: 12456)
Ngày 25 tháng 10 âm lịch năm 1967, Ngài ngồi thiền trong động Di Lặc, núi Củu Tiên, dãy Quế Lạc, Công xá Thượng Đông, Huyện Đức Hóa, Tỉnh Phước Kiến, đột nhiên được Bồ Tát QUÁN-THẾ-ÂM tiếp dẫn đi khiến mất cả tông tích. Lúc ấy, Pháp Sư được dẫn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, tham quan các cảnh giới 9 phẩm hoa sen. Thời gian dường như chừng 1 ngày 1 đêm, nhưng khi về đến nhân gian đã là ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch năm 1973 (đi từ 25/10 âm lịch 1967) chạy ra đã trên 6 năm 5 tháng trôi qua. Thoạt nghe thì như là vượt ra tri thức thường tình, khó mà lý giải được. Có câu nói "trên trời 1 ngày, dưới này vài năm" là vậy, cũng bởi không gian của vũ trụ không giống nhau, khái niệm thời gian cũng khác, người có chút ít hiểu biết về Phật học, tất lý nhận ra được.
30/04/2020(Xem: 4885)
Hãy mau mau buông bỏ mọi mê lầm ngay tại đây và ngay bây giờ. Xin giới thiệu với độc giả hoàn cảnh ra đời của bài này. Tác giả là nhân viên làm việc trong một nhà tù thuộc tiểu bang Victoria. Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, mọi người dân đều phải chấp hành lệnh của chính phủ tiểu bang và liên bang để giữ gìn an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Không được tụ tập trên mười người và phải giữ giản cách xã hội (cách nhau hơn một sải tay). Vì phải làm lễ cầu siêu cho một tù nhân vừa qua đời sau hơn hai năm mang nhiều thứ bệnh trong hoàn cảnh đặc biệt này cho nên chúng tôi chọn cái đề tựa như trên.
27/04/2020(Xem: 3336)
Ra khỏi bến xe Vinh, xe rẽ về ngả Thanh Chương. Hàng cây hai bên đường như lui dần, biến vào trong đám bụi đất đỏ phía sau xe. Sáng sớm trời còn mờ sương. Hơi lạnh từ các hốc núi tỏa ra lãng đãng tan vào không khí. Gió mát dịu, tôi khoan khoái ngả người vào thành ghế phía sau lơ đãng nhìn những đám mây xám lơ lửng trong bầu trời âm u. Dường như có một chút ánh sáng ửng hồng ở phương xa, bên kia ngọn đồi trước mặt. Xe tiến tới. Ánh sáng như thật gần rồi sáng bẵng. Mặt trời đã bắt đầu ló dạng. Người trong xe như trở mình sau một cơn ngáy ngủ. Họ lấm lét nhìn tôi soi mói như nhìn một quái vật từ cung trăng rớt xuống. Chắc là tôi lạ lắm. Tôi nghĩ vậy. Mái tóc ngắn, chiếc áo bà ba bó sát thân hình, chiếc quần đen hàng vải ú, nhưng dáng người ốm ốm, cao cao, tôi không giấu được tôi là người miền Nam vừa đến. - Chị ra Bắc thăm bà con đấy hẳn? Người đàn bà ngồi bên cạnh hỏi tôi. Tôi quay lại mỉm cười rồi gật đầu dạ nhỏ.
27/04/2020(Xem: 2872)
Năm tôi mười hai tuổi, tôi đã biết mộng mơ. Nhưng tôi không mơ công tử đẹp trai con nhà giàu học giỏi hay các chàng bạch diện thư sinh mặt hoa da phấn mà tôi mơ hình ảnh thiếu nữ áo dài xanh (màu xanh nước biển), có đôi găng tay trắng, ở cổ áo gắn hai đầu rồng nho nhỏ, xinh xinh, huy hiệu của tiếp viên phi hành hàng không Air Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]