Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngày tháng xót xa

05/03/201508:45(Xem: 3194)
Ngày tháng xót xa
 
hoa cuc 3a

   Ngày tháng xót xa!
 
 
Nguyên Hạnh HTD


 

 

      Có những kỷ niệm tưởng rằng sẽ mờ nhạt theo tháng ngày tất tả, trôi xuôi đến tận cùng triền dốc của cơm áo xứ người. Nhưng không, mỗi khi trời đất đổi mùa thì lòng người lại bâng khuâng, ký ức lại hiện về rõ nét, dù đó là một khoảng thời gian đã qua, một ký ức đã xa... Chỉ còn lại trong tim nhưng cũng đủ xót xa lòng khi nhớ đến!

      Hình ảnh bà cụ già nua ốm yếu, ngồi cô đơn trong căn chòi tranh rách nát, vào một buổi chiều âm u buồn thảm vẫn còn đậm nét trong lòng tôi, nhớ đến là bồi hồi xao xuyến cả tâm can. Buổi chiều ở Đồng tháp Mười buồn quá sức, buồn đến não nuột xót xa, một chòi tranh nằm chơ vơ bên con lạch nước đục ngầu, không người qua lại, xung quanh chỉ có tiếng ếch nhái than van!

      ...

      Ngày đó, thăm con trong trại giam, ra về đã hết đò. Gọi là đò nhưng đó chỉ là những chiếc "tắc ráng" rất hẹp, lót ngang bằng những thanh gỗ nhỏ, phải ngồi co chân lại mới đủ chỗ. Đã vậy những khi tắc ráng chạy trong các kinh lạch nhỏ, gặp lúc nước rút xuống lại càng khổ thân hơn, hành khách phải trụt xuống lội sình từng bước; còn tắc ráng phải neo lại chờ con nước lên mới tiếp tục chạy được. Tắc ráng thì nhỏ mà lại chuyên chở quá nhiều, có lúc phải ra sông lớn thật nguy hiểm, do đó cứ mỗi chuyến đi tôi hay

dặn dò đứa con trai còn lại ở nhà: " Lỡ me đi không về thì sao!? ".

 

      Ngồi bó gối hơn nửa ngày trời, tứ chi ê ẩm quá chừng! Con đường vào Đồng tháp Mười gian truân vô cùng! Thăm xong thời mới thấy lo, đò đâu mà trở về, đường bộ không có; xin ngủ lại nhà khách vãng lai trong trại, họ không cho làm con tôi trở về trại giam, chân đi không đành, ánh mắt nhìn tôi lo lắng xót xa đến não lòng!

      Tôi lại lang thang, thất tha thất thểu, chân bước vô hồn, chưa biết sẽ qua đêm ở đâu khi chiều tối đang xuống dần. Quanh tôi không một bóng người! Đến khi đi ngang qua một chòi tranh xác xơ, chỉ có một bà cụ già ngồi trên một cái chỏng tre, không mùng mền; tôi đánh liều xin vào tá túc qua đêm, không ngờ bà cụ gật đầu ưng thuận ngay. Chòi tối om, chẳng thấy đèn đuốc gì cả, hỏi thăm tình hình mới biết cụ đang sống với con dâu, đi mót lúa chưa về.

      Khi hỏi mua lại một ít gạo để nấu cơm tối, than ôi! Nhà chỉ có một chum muối hột mà thôi; thì ra ngày nào con dâu ra đồng kiếm được cá mới có gạo mà ăn, còn không thì đành nhịn đói. Tôi đã đi khắp xóm tìm mua một ít gạo hoặc nếp cũng được nhưng họ chỉ có toàn khoai sắn. Dân làng nghèo quá, không làm sao tả xiết được, từng chòi tranh xơ xác nằm hai bên con kinh nước đục ngầu nhưng là nguồn nước mạch sống của họ.

      Những tưởng sẽ nhịn đói qua đêm, may sao có một chiếc đò dọc bán hàng rong đi ngang qua, tôi mua được một ít nếp đậu, nấu một nồi xôi thật lớn để dành cho bà cụ được no trong vài ngày.

      Trời càng về chiều quang cảnh càng thê lương ảm đạm, tiếng ếch nhái than van nghe càng não nuột, lại thêm mỗi nhà chỉ thắp một ngọn đèn leo lét trông như ánh ma trơi giữa đồng không mông quạnh. Chao ôi! đến thế kỷ 20 rồi mà ánh sáng văn minh chưa hề len lỏi về đây. Cuộc sống

của người dân quá tăm tối lầm than, họ nghèo quá rách tươm như những tàu lá chuối tả tơi trong gió.

     Đêm đến chỉ biết đập muỗi liên hồi, ngủ không được tôi lại ra sau chòi ngó vọng vào trại giam. Tôi đứng nơi này lòng nát tan từng mảnh, con tôi trong đó phải chịu đựng bao cực hình; biết bao nỗi buồn phiền cứ gặm nhấm tâm hồn tôi đến mõi mòn!

      Giã từ bà cụ ra về, tôi nhét vội vào tay bà cụ một ít tiền mà nước mắt cứ muốn ứa ra. Tôi quá xót xa cho hoàn cảnh nghiệt ngã của cụ và cũng không biết đến bao giờ tôi mới trở lại nơi đây để nói thêm một lời cám ơn cụ đã cho tôi tá túc dù chỉ một đêm thôi! Và thời gian vẫn không làm xóa nhòa được hình ảnh bà cụ đứng tựa cửa trông theo bước chân tôi cứ xa dần...

      Con ở tù, mẹ làm sao an tâm được. Rồi tôi lại tiếp tục lặn lội đi thăm con. Mỗi lần đi là một lần ê chề cay đắng, chen chúc giành giựt rồi cũng chỉ mua được vé xe đò với giá chợ đen, dù rằng đã đi từ lúc 3 giờ sáng mà nhiều lúc chỉ bám vào hông xe, hai vai mang nặng, sinh mạng con người rẻ như bèo!

      Có một lần cứ yên chí sẽ đi và về trong một ngày nên tôi không dự trữ thức ăn cho các con ở nhà. Không ngờ khi đến nơi, chỉ đọc được một tờ thông báo là đã đưa tù nhân về một trại giam khác ở vùng Đồng tháp Mười sau khi đã kêu án 3 năm tù về tội vượt biên. Tôi dò hỏi dân chúng ở vùng đó, họ cho hay cứ hai người còng chung tay lại và đưa đi hồi 2 giờ sáng. Tôi nhất quyết đi tìm con vì nếu phải đợi đến nửa tháng sau mới đến kỳ thăm nuôi, con tôi sẽ lấy gì mà ăn? Vậy là tiếp tục cuộc hành trình, lần mò qua đò qua sông, họ chỉ cho tôi hãy tìm cách về đến Cao Lãnh rồi sau đó sẽ có "tắc ráng" là phương tiện duy nhất để đi vào trại

 

giam. Lặn lội ngược xuôi, khi đến nơi thì đã hết đò vì mỗi ngày chỉ có một chuyến mà thôi. 

      Cho đến bây giờ mỗi lần nghe tiếng lá cây xào xạc trong gió là tôi lại nhớ đến bến đò hiu hắt năm xưa với hình ảnh một ông già mù ngồi kéo cây đàn cò não nuột dưới gốc cây bàng xơ xác lá.

      Dân hàng quán ở hai bên cũng xót xa cho hoàn cảnh của tôi nên đã chỉ dẫn cho tôi đến trình diện phường công an gần đó rồi nhờ họ giới thiệu cho phòng trọ để ngủ qua đêm chứ không được ở khách sạn hạng sang vì chỉ dành cho cán bộ cao cấp mà thôi.

      Gọi là phòng trọ nhưng trời ơi! Khi bước vào mới thấy xây xẩm cả mặt mày. Họ chỉ cho tôi một tầng trệt nhỏ xíu, dơ dáy không thể tưởng tượng được; mùng thì cũ rích với một cái giường tre ọp ẹp! Tôi không dám đặt lưng xuống, chỉ lấy cái áo mưa lót mà ngồi, đến khi buông mùng xuống, tôi muốn chết khiếp luôn, rệp bu đen cả cái mùng! Thế là tôi đành ngồi bó gối suốt đêm, không dám nhúc nhích vì sợ chạm vào cái mùng là rệp bu tới ngay. Lâu nay chúng thiếu hơi người mà! Đã thế, chuột lại chạy rần rần, chúng cứ muốn chui vào lục lọi các giỏ thức ăn.

      Thật chưa bao giờ tôi mong cho trời mau sáng từng giây từng phút như cái đêm hãi hùng đó!

      Trời chưa sáng tỏ, sương đêm còn phủ ướt cỏ cây, hơi lạnh còn bàng bạc trong không gian, tôi lại thất thểu ra đi, bước thấp bước cao trên những nẻo đường lầy lội!

      Chính trong cái im vắng của đất trời mới cảm thấy lòng mình chùng xuống và cô đơn đến tận cùng!

      Những ngày vui bao giờ cũng qua mau còn những ngày buồn cứ kéo dài dai dẳng theo tháng năm!

      Làm sao quên được hình ảnh gầy gò, ốm yếu, ghẻ lở của con tôi nắm chặt tay mẹ không muốn rời xa khi tôi phải ra về! Lặn lội mong cho đến nơi để được gặp con, khi thấy con bằng xương bằng thịt, núm ruột mà tôi banh da xẻ thịt sinh ra, nước mắt tôi đã trào ra như nước vỡ bờ! Còn con tôi nhìn lại mẹ mặt mày bơ phờ, hốc hác quần áo lấm tấm vấy sình bùn biết mẹ phải lặn lội cực khổ; qua đò qua sông, lội mương lội sình, nhịn đói nhịn khát không dám rớ đến giỏ đồ ăn mang cho con mới đến được trại giam nên càng xót xa đến sa nước mắt!

      Lòng tôi lại càng nặng trĩu u hoài vì hình ảnh cô đơn của bà cụ trong nhà tranh, đúng là một mảnh đời rách nát tả tơi. Không làm sao trở về thăm bà cụ dù chỉ một lần và cũng không biết nhờ ai trở về nơi đèo heo hút gió đó để thăm bà cụ giùm tôi!

 

      Tháng ngày xa xưa ấy mỗi khi chợt trở về trong ký ức là mỗi lần tôi lại suy ngẫm để xót xa cho thân phận những bà  mẹ Việt Nam trong bối cảnh tang thương của đất nước; không phải chỉ riêng bà mẹ như tôi mà còn biết bao hoàn cảnh những bà mẹ khác phải bôn ba lặn lội gian nan vì con; kẻ xách mang thăm con tù tội nơi heo hút hoang vu vì vượt biên tìm Tự do, người gồng gánh thăm nuôi con trong lao tù Học tập chốn rừng thiêng nước độc và trên bước đường phiêu bạt ấy đôi khi bắt gặp những ân tình tuy nhỏ nhoi như hình ảnh bà cụ già nua ốm yếu trong mái tranh nghèo xơ xác bên dòng kinh ngầu đục, nhưng nó thể hiện được tình người còn sót lại trong cái xã hội biến chất tưởng rằng đã đảo điên!

 

 Nguyên Hạnh HTD

  ( 2015)   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4172)
Vinh bực mình về ông già "chùa" hết sức, lúc không cần ý kiến ổng thì ở đâu ổng nhẩy vô, lúc cần ý kiến ổng thì ổng lại thối thác: "chuyện này tôi vô ý ...
10/04/2013(Xem: 4340)
(Lời giới thiệu : Thượng tọa Tuệ Sỹ còn là một thi sĩ, một học giả, một nhà văn. Trước 1975, ông là Khoa trưởng Phật học Viện Đại Học Vạn Hạnh, tác giả nhiều cuốn sách biên thảo đặc sắc về Văn học và Triết học Trung Hoa; thơ Tô Đông Pha, một số thơ, truyện và thơ dịch đã đăng liên tiếp trên nhiều Tạp chí Văn học tại Sài Gòn, trong đó đa số đăng trên tờ Thời Tập
10/04/2013(Xem: 3701)
Ngày xửa ngày xưa, có một người trải đã nhiều kiếp, kiếp nào từ bé đến lớn cũng giữ mình đức hạnh và thành bậc chân tụ Cứ luân hồi chuyển kiếp như vậy liên tiếp đến 9 lần, nhưng chưa kiếp nào được thành Phật. Đến kiếp thứ 10, Đức Thích Ca muốn thử lòng, bắt vào đầu thai làm con gái một nhà họ Mãng ở nước Cao Lỵ
10/04/2013(Xem: 4680)
Pháp Sư Tự Lập, người huyện Thái, tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Phật học viện Thượng Hải, từng gần gũi với Pháp sư Từ Hàng, được pháp sư nhận làm ...
10/04/2013(Xem: 5623)
Vở kịch Dạ cổ hoài lang đã làm rung động trái tim cũng như bài hát Dạ cổ hoài lang đã làm “rụng rún” biết bao người! Tim và rún không nằm xa nhau ...
10/04/2013(Xem: 4497)
Vào khoảng trước hay sau năm 1945 gì đó, nay không nhớ rõ; phải nói thực rằng đấy là thời gian đánh dấu một chuyển hướng quan trọng trong ...
10/04/2013(Xem: 5467)
Ma Ca là bút danh của Pháp Sư Tinh Vân. Sư người Giang Đô, Tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Phật Học Viện Tiêu Sơn, học viện Luật Thê Hà, từng trụ trì ...
10/04/2013(Xem: 4429)
Hôm nay Chủ nhật, ngày 14 tháng 10 năm 1990 tức là ngày 26 tháng tám năm Canh ngọ; tôi trang hoàng một bàn thờ đơn giản trước chánh điện để ...
10/04/2013(Xem: 9320)
Trong các buổi lễ tụng kinh cầu an, chư Tăng cũng như những người cận sự nam - nữ không thể thiếu bài kệ "Jayamangalagàthà - Bài kệ Hạnh phúc thù thắng". Bởi vì bài kệ này tán dương, ca tụng oai lực của Ðức Phật đã cảm thắng tám trường hợp xảy ra vô cùng khó khăn. Mỗi trường hợp Ðức Phật vận dụng mỗi pháp, không những để đối trị mà còn làm cho đối phương cảm phục phát sanh đức tin xin quy y nơi Tam bảo.
10/04/2013(Xem: 4457)
Sừng sững trên cánh đồng lúa chiêm vùng bắc ngạn sông Đuống, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, tụ hội năm ngọn núi khôi vĩ Ma Khám...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]