Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nợ Tình Chưa Dứt

15/04/201100:21(Xem: 5010)
Nợ Tình Chưa Dứt
Sau khi viết xong đoạn cuối Truyện Hoa Lan với một kết thúc thật tốt đẹp, nàng tươi sáng trong chiếc áo tràng nhuộm màu Ánh Đạo Vàng, tự hứa với lòng sẽ mãi mãi là Đóa Sen bất diệt không để cho chàng có cơ hội chà đạp lên Đóa Lan xưa nữa. Bạn bè tôi ở khắp nơi trên thế giới viết thơ về chúc mừng tới tấp, mừng cho tôi sắp được an hưởng tuổi vàng. Tuổi vàng phải hưởng sớm hơn chứ để đến lúc già lụ khụ thì còn hưởng gì được nữa.



Tôi đón nhận những lời hay ý đẹp ấy một cách thiết tha, tưởng chừng mình sắp được thoát vòng tục lụy. Từ đây ta chỉ sống riêng cho ta, có cả một trời thong dong, quấn trong một miền an lạc. Ôi! Cuộc đời sao đẹp thế! Nhưng, vẫn chữ nhưng tai ác. Chàng của tôi vì lỡ mang một cái tên định mệnh gắn liền với hai câu thơ:

Giấc Nam Kha khéo bất bình.

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Hay những ai ghiền cải lương chắc phải biết ca câu:

Tỉnh giấc Nam Kha bàng hoàng chợt hỏi? Sống để làm gì và Chết sẽ đi về đâu?

Thieu_Nu_Di_ChuaLúc còn trẻ, khi Chàng ở đâu lù lù đến chiếm mất hồn tôi, làm sao tôi chịu tin mấy chuyện dị đoan ngớ ngẩn này. Sau này phải chịu đựng biết bao giông tố của giấc mộng Nam Kha, tôi đành tự an ủi cho mình bằng các câu ca dao như:

Thế gian được vợ hỏng chồng.

Như Tiên non bồng thì được cả đôi.

Được cả hai Thiên Lôi đánh một.

Tôi bằng lòng cho giấc mộng Nam Kha lôi cuốn, ráng tu tập thêm nhiều Pháp Phật nhiệm mầu, để mau ra khỏi luân hồi như bài Sám nguyện nào đó. Đòi hỏi nhiều quá nhỡ Chàng hoàn hảo quá, Thiên Lôi sẽ ghen tức.

Đến đây có bạn sẽ hỏi, bằng này tuổi đầu rồi bao nhiêu sóng gió cuộc đời đã vượt qua. Bây giờ cứ việc dung dăng dung dẻ dắt tay người vợ thâm niên chính ngạch đi hưởng cuộc đời sẽ hạnh phúc biết là bao.

Không! Cuộc đời không đơn giản như ta tưởng, nếu chỉ dừng ở cảnh hai ông bà trống vắng trong ngôi nhà rộng thênh thang khi các con đã lập nghiệp mỗi người một phương. Ông sẽ khe khẽ nhờ vả bà:

- Em ơi ! Lấy dùm cho anh ly nước để uống thuốc.

Bà nhẹ nhàng khều ông:

- Anh ơi! Với tay đưa em chai dầu nóng, sao dạo này đau lưng thế!

Chuyện nhạt như thế, tôi không dám bắt các bạn đọc đâu.

Này nhé! Cả hai chúng tôi đang ở vào giai đoạn gay cấn nhất của một đời người. Khi các tuyến hạch trong cơ thể sắp sửa đình công, đòi nghỉ chơi một cách ngang xương. Bên phái nữ phát sinh hiện tượng ghen tương một cách lạ lùng, sợ già, sợ làm bạn với nàng Chung Vô Diệm. Thảo nào các phòng giải phẫu thẩm mỹ lúc nào cũng chật cứng không chỗ chen chân. Các nàng ban đêm không ngủ được, người nóng ran toát mồ hôi như tắm. Sáng ra thấy chồng cười với cô nào là nổi sóng ba đào, phát ngôn bừa bãi, quên hết các bài học về hạnh phúc gia đình, nói lời ái ngữ.



Phần các chàng cũng chẳng khá gì hơn, tùy theo thể chất từng người mà sinh “Chứng”. Đa số mắc chứng trầm cảm, người lúc nào cũng muốn chết, nhưng không biết chết bằng cách nào. Thôi đành đem bà vợ ra làm cái bung xung để xả cho bõ ghét. Một cách trả thù đời rất đáng thương.

Có người lại hay ghen, thấy vợ tươi trẻ mỹ miều đâm nghi bậy. Hễ nàng đi đâu lâu lâu mới về bèn nghĩ ngay đến cảnh hẹn hò với ai, rồi buông lời thiếu nho nhã khiến nàng phiền lòng. Gia đình cứ thế mà xào xáo đến tan vỡ lúc nào không hay.

Còn một Chứng thứ ba cũng dở hơi không kém, các chàng đổ xô đi tìm của lạ của tươi. Hy vọng sẽ mang về những cảm giác mạnh, những luồng gió mát cho những tâm hồn đang từ từ khô héo theo định luật Sinh Lão Bệnh Tử của thời gian. Nghĩa là sắp nhận Vô Thường Gia Gia làm người nhà mà không biết.

Nói tóm lại Chứng nào cũng thuộc loại mắc dịch hết! Chỉ thua dịch cúm gà một tí mà thôi.

Chàng của tôi khi sinh ra trong người đã chứa ẩn ít nhiều hạt giống của khổ đau, cộng thêm hạt giống lãng tử, nên Chứng nào cũng có sự hiện diện của chàng. Khi ẩn khi hiện chập chờn như ma chơi làm nát bét cả đời tôi.



Các bạn nghĩ xem! Chàng đang đi làm ngon lành bỗng dở chứng đòi thôi việc. Tôi cảm thông cho nỗi khổ tâm của chàng, từ sáu năm nay phải xa gia đình đi tha phương cầu thực. Bây giờ con cái đã thành danh, muốn nghỉ cứ việc nghỉ.



Kể từ đây cả nhà phải áp dụng câu Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc tạm dịch là biết đủ thời đủ, nói dễ hiểu hơn Có rau ăn rau có cháo ăn cháo. Tuy nhiên nếu có cháo Bào ngư lại càng tốt.

Hãng của chàng vẫn còn ưu ái với chàng nên không cho nghỉ ngang xương. Chàng phải đóng một vở kịch bi thảm với căn bệnh trầm cảm một cách trầm kha. Tôi không dám phán xét căn bệnh của chàng là thật hay giả, chỉ biết mỗi lần đi bác sĩ lấy giấy nghỉ là chàng để râu tóc dựng ngược, mặt mũi bi thảm đến độ bà bác sĩ thần kinh phải khuyên tôi nên canh chừng chàng uống thuốc đều đặn.

Thuốc đem về chàng cất xó tủ, chẳng chút đoái hoài. Có thể chàng bệnh thật vì lộng giả thành chân, tôi thấy chàng tối ngày chỉ chúi mũi vào máy vi tính và đóng cửa trong phòng nhập thất không tiếp xúc với một ai. Chàng chỉ ra ngoài khi nhu cầu ăn uống đòi hỏi cấp bách.

Tình trạng này kéo dài đến gần ba tháng, hãng xưởng của chàng đành bó tay ký giấy cho chàng giải thoát. Thế là chàng được toại nguyện những gì mình mong muốn, ba tháng sau cùng của hợp đồng nghỉ việc chàng được trả lương bay về Việt Nam hưởng đời cho thỏa chí bình sinh. Thời gian ấy tôi được tháp tùng cậu con thứ hai do hãng xưởng bên Đức gửi về Sài Gòn làm việc hai năm.

Nhờ hưởng lộc con nên bố mẹ đã tận hưởng những hai tuần dập mật bên nhau trong chương trình dối già, níu kéo tuổi xuân thật tuyệt vời.

Tôi phải về trước để trông coi nhà cửa và cậu út, để lại chàng ở Việt Nam với bao nỗi lo âu. Sợ là phải, vì chung quanh chàng đã được bao vây bởi một hàng rào Ma Nữ đáng yêu.

Thỉnh thoảng chàng vẫn meo về cho tôi vài lá kể chuyện đi chơi, hết Hà Tiên đến Thái Lan. Tôi cũng vui lây cùng cái vui của chàng theo đúng tinh thần hạnh phúc của anh là của em, đôi ta tuy hai nhưng là một.

Bất chợt một meo có chủ đề Diễm xưa nằm chễm chệ trong hộp meo của tôi, kèm theo vài bức hình chàng chụp chân dung một cô gái trẻ tên Diễm có vẻ đẹp liêu trai. Chàng viết: “Anh vừa làm quen với Diễm, cô gái có nét đẹp liêu trai như Diễm xưa của nhạc sĩ họ Trịnh…”.



Tôi biết tỏng chàng định giở trò gì đây, muốn cho tôi được lưu thông máu huyết hay sao. Vắng vợ cứ việc mọc đuôi tôm đi, mọc đuôi tôm hùm cũng chẳng sao nữa là. Bình thường tôi thuộc loại gan lỳ tướng quân, thấy chuyện vớ vẩn như thế chẳng bận tâm. Nhưng hôm nay cảm thấy nóng nảy trong người, bèn hạ bút tống một chưởng dằn mặt cho biết tay. Chàng chỉ chờ có thế để phản công. Chàng viết:

“Em hai ơi, anh là người chồng nhân đạo nhất thế giới so với bọn đàn ông ở Việt Nam này. Chúng đi nhậu nhẹt tối ngày rồi về còn đánh vợ nữa. Mười con vợ đã bị bầm đít hết cả mười”.

Tôi nghĩ bụng, chàng không cho tôi bầm đít nhưng bóp nát trái tim tôi, đằng nào đau hơn.

Trước lễ giáng sinh chàng phải qua lại xứ Đức để thu xếp một số công việc, chứ tận thâm tâm chàng chán cái mùa đông lạnh lẽo của xứ này đến tận cổ. Chán cũng phải vì chàng sống rất cô lập, chẳng chịu giao thiệp với ai, tối ngày chỉ ru rú trong nhà. Căn phòng của chàng được trang bị với đầy đủ máy móc hiện đại, tivi máy tính, năm ống loa để năm góc. Nghe nhạc phải chọn đĩa có năm chấm một trở lên mới chịu nghe.

Tôi có phòng riêng ở trên lầu rất rộng rãi và thoáng mát, nhưng hay xuống phòng chàng ở lậu nên phải chịu một số thiệt thòi. Chẳng hạn cơ thể tôi thiếu máu nên cần nhiều dưỡng khí, thỉnh thoảng phải mở cửa sổ cho thoáng. Chàng than lạnh, đóng kín như bưng, nhập gia phải tùy tục tôi đành tập môn võ công nín thở để được gần chàng.

Giờ giấc ngủ nghê của chàng mới kinh dị, sau buổi cơm tối chàng thường leo lên giường đắp chăn xem tivi. Chỉ sau phần tin tức, đến đoạn tiên đoán thời tiết chàng đã kéo đờn cò một cách say mê. Khi tôi leo lên giường chưa chợp mắt được bao lâu, chàng đã ngủ đẫy giấc. Giờ này là giờ hoàng đạo của chàng để vào internet, lắm hôm đang mơ màng giấc điệp bỗng giật nẩy người vì tiếng cãi nhau của các cụ chính khách sa-lông bàn chuyện đất nước trong diễn đàn quốc tế.

Tôi vội vã ra đi như nhạc sĩ Phú Quang giã từ Hà Nội, xách chăn gối lên lầu để tỵ nạn chính trị.



Có một hôm cũng đang say sưa giấc điệp, tôi nghe tiếng súng, tiếng dội bom ầm ầm bên tai. Tưởng chừng như cảnh Việt Cộng pháo kích thuở còn bé xa xưa, hóa ra chàng xem phim thế chiến thứ hai, quân đội Đồng Minh đổ bộ lên xứ Đức. Một trong năm cái loa để trên đầu giường cạnh gối tôi nằm.

Đã bị nhiều vố mất ngủ như thế nhưng tôi vẫn tạm trú tại cái phòng thánh địa của chàng. Với mục đích gì? Chắc các bạn đã hiểu.

Còn nhiều chi tiết thầm kín khác tôi không tiện kể ra trong khuôn viên căn phòng thánh địa không quá mười hai mét vuông của chàng. Nhiều hôm đang tâm tình với nhau, tôi lỡ lời nhắc đến một đề tài làm chạm đến tim đen của chàng. Thế là chàng thẳng tay đuổi tôi lên lầu không cho tá túc nữa.

Chàng ít khi nào leo lên lầu thăm tôi vì hai lý do, một là chàng làm cao thuộc tuýp tự cao tự đại cho mình số một, đàn bà phải quỵ lụy mình chứ mình chẳng cầu cạnh ai, hai là lười vận động leo cầu thang mỏi chân.

Các bạn ạ! Một khúc quanh lớn trong cuộc đời làm vợ của tôi đã bắt đầu. Chàng đang đem bản thảo về phần cuối cuộc đời mình, do chính chàng tự biên tự diễn ra bắt tôi nhập cuộc. Chàng nằm bên tôi tâm sự: “Em à! Số anh chỉ còn sống đến năm năm nữa thôi”. Chàng đưa bàn tay nóng bỏng cho tôi xem chỉ tay, đường nhân thọ bị cắt ngang một cái cụp.

Tôi cười mũi bảo: “Sống chết có số, muốn cũng chẳng được. Nhỡ năm năm sau anh không chết thì sao”.

Chàng đáp tỉnh bơ: “Anh sẽ làm cho chết. Còn chết cách nào anh sẽ nghĩ sau”.

Câu mào đầu để sửa soạn tinh thần cho tôi có vẻ trơn tru, chàng bồi tiếp: “Anh sẽ về Việt Nam để sống những giây phút cuối, ít ra trong cuộc đời này còn có những thời gian đáng sống khỏi uổng một kiếp người tài hoa và lãng mạn như anh”.



Nếu tôi vẫn yêu chàng say đắm như thuở nào, nghe đến đây chắc tôi phải ngã lăn ra bất tỉnh ngay tại chỗ mất thôi. Đằng này tim tôi chỉ nhói lên một chút rồi cơn giận từ đâu bỗng kéo lên ầm ầm làm choáng váng hồn tôi. Giận cũng phải, cả cuộc đời hy sinh chịu đựng như thế, chỉ cầu mong phút cuối của cuộc đời được uống chung với chàng cốc cà phê sữa đá. Đằng này đòi xé lẻ đi chơi một mình, bắt mình làm người cô phụ ngồi chờ thư của bộ Lao Động kêu lên trình diện.



Chàng biết giây thần kinh của tôi rất cứng nên tiếp tục khủng bố với bài bản thật tinh vi. Về phần Tâm Lý Chiến, chàng đánh mạnh vào lòng từ bi hay chiều chồng của tôi. Nào là: “Em được hạnh phúc bên anh hơn ba mươi hai năm chưa đủ sao. Còn năm năm cuối còn lại hãy để anh tự do bay nhẩy, sáu tháng mùa đông anh về Việt Nam, sáu tháng mùa hè anh sang lại với em”.



Về phần trình diễn chàng đóng vai một anh chàng thật đáng thương, người lúc nào cũng co ro trước cái lạnh tê tái của xứ sở đã cưu mang chàng đến ba mươi ba năm. Cuối cùng chàng đã thắng, tôi quá ngứa mắt trước thái độ của chàng nên đã để chàng mua vé máy bay về Việt Nam gấp, trước khi tôi nổi cơn điên.



Từ ngày được nghỉ dài hạn bỏ kiếp kéo cày trên xứ người, cơn bệnh trầm cảm của chàng đã rũ áo ra đi. Chàng như người lột xác, thấy mình như trẻ lại ít nhất cũng gần ba mươi mùa lá rụng. Chàng ca hát tối ngày, thỉnh thoảng lại mang cây đàn ghi-ta đóng bụi ra gẩy tưng tưng vài bản. Nhất là cái bài tủ Buồn Tàn Thu cố hữu của chàng, nghe sao mà buồn nẫu ruột mỗi khi chàng rên rỉ: Ai…lướt đi ngoài sương gió…

Lúc đầu đối với tôi, tình trạng này có vẻ dễ thở hơn là cơn bệnh trầm cảm, tôi đã lôi chàng ra khỏi Cổ Mộ của chàng Dương Quá trong Thần Điêu Đại Hiệp. Nhưng tôi đã lầm các bạn ạ! Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, chàng hiên ngang bước vào Cổ Mộ cửa đóng then cài, chat với các Em gái Hậu Giang. Chàng lấy tên Phan Khôi, nhà thơ tài danh với bài Tình Già bất hủ, cái gì mà ba mươi năm sau gặp lại em, đôi mắt nhìn vẫn có đuôi.

Cứ cơm trưa xong khoảng hai giờ chiều, chàng bám máy gõ đều theo từng tiếng keng của ám hiệu yahoo. Giờ này bên sông Sài Gòn, phố đã lên đèn, các em gái đã cơm nước xong vào ngồi gõ máy. Cuộc vui Tình trong ảo ảnh kéo dài tối đa khoảng bốn tiếng, vì đã mười hai giờ khuya, các em phải đi ngủ để mai còn dậy sớm đi làm. Các bạn thấy thế nào? Có chướng mắt không? Chắc các bạn muốn biết ý kiến của người vợ yêu quí của chàng lắm phải không?



Thoạt đầu tôi làm thợ gồng, chứng tỏ mình độ lượng thương chồng thương cả đường đi lối về, không chấp chi những con Ma Chơi trong thế giới ảo đó. Nhưng sau chàng lấn tới đi quá đà, vượt giới hạn chịu đựng của tôi.

Chẳng là một buổi chiều mưa tuyết bão bùng, tôi đem xe ra đi chợ, hỡi ôi bánh xe sau bị tụt van không còn một chút hơi để chạy. Tôi vội vã xâm nhập vào Cổ Mộ của chàng để cầu cứu. Chàng đang ngơ ngáo trong thế giới Ảo, bị tôi lôi ra thế giới Thật mới phũ phàng làm sao. Chàng hứa cứ lội bộ đi chợ đi lúc về bánh xe sẽ hoàn chỉnh ngay. Tôi ra đi với tâm trạng canh chừng, về mà bánh xe vẫn như xưa là cho nổ tan xác ngay. Khi tôi về với hai tay xách nặng, nghẹn ngào trong bóng tối của buổi chiều mùa đông. Xe vẫn nằm chết giấc ngoài sân, còn chàng đang cầm đàn ghi-ta lướt đi ngoài sương gió với một em trong dàn máy.

May là tôi đã tu tập khá nhiều, nội công rất thâm hậu nhờ sống với chàng hơn ba mươi hai năm nay. Nên dàn máy vi tính không bị vỡ toang, cây đàn muôn điệu không bị hư hao. Chỉ có chàng sẽ đón nhận những trận cuồng phong bão tố cỡ sóng thần Tsunami mà thôi.

Tối hôm đó sau khi cơm nước xong xuôi, tôi đã soạn sẵn trong đầu một bài văn tế cho mối tình của chúng tôi. Gõ cửa bước vào thánh địa của chàng, tôi kéo ghế ngồi đối diện với chàng đang trùm chăn kín mít trên giường. Tôi khoan thai trình bày nguyện vọng:

Anh à ! Em thấy mình nên chia tay nhau thì hơn, mỗi người sẽ có tự do riêng. Kể từ đây mình sẽ xem nhau như những người bạn tốt, một người hàng xóm tốt, giúp đỡ lẫn nhau khi cần.Cám ơn tất cả những gì anh đã cho em trong ba mươi hai năm, nhất là ba đứa con anh đã nuôi nấng cho nên người.



Chàng nhẹ nhàng đón nhận những lời vàng ngọc của tôi một cách chân thành, làm tôi có cảm tưởng như mình đang đóng kịch với chàng. Khác hẳn với mọi lần, mỗi khi tôi mở miệng đòi chia tay là chàng lồng lộn như con thú dữ. Tối hôm ấy nằm một mình trong phòng, tôi đã nhỏ vài giọt nước mắt khóc thương cho mối tình đang giẫy chết của tôi. Chàng bây giờ không còn là viên kim cương cho tôi nâng niu cất vào trong tủ nữa, mà từ từ biến thành viên đá cuội cho tôi đợi dịp sẽ quẳng ra sau vườn. Chàng nằm dưới nhà, không biết có hối tiếc cho mối tình hay không, sao cũng lục đục mở cửa đóng cửa cái rầm làm bà hàng xóm trên lầu cũng mất ngủ theo.

Sáng dậy gặp ông hàng xóm tôi có than phiền, chàng nhỏ nhẹ xin lỗi và hỏi có được ăn cơm của bà hàng xóm nấu không? Tôi trả lời, dĩ nhiên là được vì anh có trả tiền, tôi sẽ nấu cơm tháng cho ăn. Chúng tôi đối xử với nhau kiểu Kính nhi viễn chi được ba hôm, tình cờ cô bạn tôi ở München gọi lên hỏi thăm chúc tết. Cô nàng cho biết chồng nàng những năm về trước cũng bị những chứng trầm cảm quái đản như thế, phải uống thuốc bổ cho dịu thần kinh. Chịu đựng một thời gian là qua ngay cái giai đoạn níu kéo tuổi xuân này. Nghe xong tôi cảm thấy áy náy, liền vào thăm ông hàng xóm của tôi, chàng nằm cô đơn như con mèo ướt. Rất vui mừng khi được bà hàng xóm vào thăm. Chàng nhất định không chịu uống thuốc, viện cớ thể xác mình vẫn khoẻ, chỉ cần bà hàng xóm nằm bên cạnh là vui ngay. Vì lòng nhân đạo tôi đã ngoại tình với ông hàng xóm dưới nhà của tôi.

Chàng rất thích bà hàng xóm vì bà ta không được quyền ghen tuông hay xâm phạm vào cuộc đời tình ái riêng tư của chàng. Khi nào không thích có thể đuổi thẳng cẳng cho bà cuốn gói leo lên lầu mà lòng không vướng bận. Phía bà hàng xóm cũng khoẻ, khi quán người đàn ông này không phải là chồng của mình tự nhiên thấy nhẹ, không còn cảm giác chiếm hữu nhất định chỉ dành riêng cho mình mà thôi.

Cái khổ ở đây là làm sao cắt được cái khóa Tình, khi cái khoen Ái trong mười hai khoen của Thập Nhị Nhân Duyên bị tháo gỡ, tự nhiên các dây xích khác sẽ tan rã theo không cần phải dụng công.

Cậu con trai thứ hai của tôi gọi điện thoại từ Việt Nam về hỏi thăm sức khỏe bố mẹ. Khi biết bố tối ngày chỉ nhốt mình trong Cổ Mộ để luyện chưởng với Ma Chơi, bèn khuyên mẹ:

- Mẹ đã chịu được bố 32 năm rồi, thôi cứ chịu tiếp đi.

Cám ơn những lời vàng ngọc của cậu con quí tử. Cách đây tám năm, khi cậu mới mười lăm tuổi đã nói với mẹ những câu bất hủ như sau:

- Mẹ đã chịu được bố 24 năm rồi, thôi cứ chịu tiếp đi. Chứ riêng con đã bỏ bố đi từ lâu rồi.

Làm sao con hiểu được Nghiệp quả luân hồi, mẹ làm sao dám trốn Nợ Tình, người ta sẽ đi theo đòi muôn kiếp. Tôi cam tâm trả nợ cho hết kiếp này. Lúc trước quá khổ đau, tôi thường hay lạy Mười hai lời nguyện của Đức Quán Âm, trước tượng ngài tôi khấn nguyện:

Xin Ngài cho con học được hạnh Từ Bi và Nhẫn Nhục của ngài, để con thương được người đàn ông này đến trọn kiếp. Cho dù người ta có hành hạ con gấp mười lần như thế, con vẫn không bỏ.

Các bạn đừng cho tôi thuộc loại yêu quá hóa mờ mắt. Không, tôi đang dùng người đàn ông này để thử cho câu tâm nguyện của tôi: Kiếp sau tôi không muốn mình xinh đẹp hay giàu sang, chỉ mong gặp được Chánh Pháp. Nếu tôi biết dùng Chánh Pháp để đưa vào những trường hợp nan giải như hiện nay, tôi sẽ tìm ra lối thoát, tôi sẽ sống an lạc.

Khi cơn ghen của tôi trồi lên, tôi sẽ nhớ đến các bài giảng về Duy Thức Học, nhận định khổ đau rồi hoá giải, không tìm cách trốn tránh hay lãng quên bằng những hình thức sa đọa khác. Một hình thức Tu Trong Nghiệp Quả, Nghiệp trổ ra đến đâu, ta dùng trí tuệ hứng lấy, cần nhất là không bao giờ được khổ đau. Trong tận cùng của khổ đau là niềm hoan lạc. Thôi! Tôi phải đổi đề tài khác, không các bạn lại bị tôi dẫn dắt vào hỏa trận đồ của hạnh phúc và khổ đau, một đề tài muôn thuở của thế gian.

Tôi còn phải chống cự với những tư tưởng quái đản có một không hai của chàng. Chỉ còn vài tuần nữa tôi với chàng sắp ly biệt, chàng về bên ấy nắng ấm trời trong, để lại tôi với bao mối tơ vò. Tùy theo từng cái nhìn, đứng theo mọi khía cạnh, tôi có thể diễn tả nỗi lòng của mình theo kiểu nào cũng được. Nói cho dễ hiểu hơn là muốn lên thiên đường giải thoát cũng được, mà buồn tình muốn chui vào địa ngục cũng chẳng ai cản ngăn. Này nhé! Muốn lên thiên đường chỉ cần quán, người đàn ông này không phải là chồng của ta. Ông ấy chỉ là người bạn đời của ta thôi, ta với ông ấy đã đi cùng với nhau một quãng đường dài đến hơn ba mươi hai năm. Nếu còn duyên sẽ đi tiếp, còn không hãy thả tự do cho nhau, có phải tốt đẹp cho cả hai hay không? Có bạn sẽ chất vấn, thế nhỡ mình còn yêu ông ấy say đắm thì sao? Đang lovely như thế, bắt bỏ ngang xương làm sao chịu nổi. Không nổi cũng phải chịu mà thôi. Ta giữ kẻ ở chứ ai giữ được người đi. Cho dù ta có dùng nước mắt Điêu Thuyền cũng không thể lay chuyển được lòng dạ của Bạc Tình Lang.

Các cụ vẫn thường bảo, đàn ông như cái gậy của thằng ăn mày, gặp đâu cũng chọc đó, chỉ có đàn bà ngu mới ghen cho hao mòn thân xác. Cứ để hắn đi cho thỏa chí tang bồng, khi nào mỏi gối chồn chân sẽ quay về nối lại câu hò ngày xưa. Hay nói nặng nề hơn là Cóc chết ba năm cũng quay đầu về núi mà thôi.

Có bạn thận trọng hơn hỏi nhỏ, thế lỡ hắn trở về mang tặng ta vài con ếch để xào lăn thì sao. Ấy! Đừng nói lớn hắn sẽ cho bạn là người kém hiểu biết đấy. Người nào đi phiêu bạt giang hồ đều có mang áo mưa để phòng thân, hắn đã đọc bao nhiêu tài liệu y khoa về cách loại trừ ếch nhái, hắn còn ham sống hơn ta nhiều. Lấy đâu ra ếch để tặng ta. Nhưng có người vẫn ngoan cố vặn tiếp, nhỡ hắn sơ xẩy để ếch xâm nhập vào thì sao? Đường cùng phải đánh bài liều, nếu đã đến nước ấy rồi ta sẵn sàng chịu chết dưới chân chàng. Chỉ xin một điều ước cuối là trên tấm mộ bia được khắc hàng chữ: Đây là nơi yên nghỉ của một người đã chết vì tình.

Nếu tôi còn tả chân thêm nữa dám các hội phụ nữ đòi quyền sống sẽ nhao nhao lên án tôi, làm mất mặt phái nữ khả ái của chúng ta.

Ngoài ra ta vẫn còn một phương pháp để chữa trị căn bệnh khổ đau này. Đó là quán Vô thường, cuộc tình nào cũng lâm vào cảnh, có hợp ắt có tan, như trăng tròn rồi lại khuyết. Đoạn cuối một cuộc tình bao giờ cũng là một cuộc chia ly, không chia trước cũng chia sau. Tuy nhiên để Diêm vương chia cắt chắc đỡ tức nghẹn họng hơn là bị phụ tình các bạn nhỉ!

Bây giờ tôi xin chuyển sang con đường thứ hai, chịu khổ đau của địa ngục trần gian vì bị bỏ rơi một cách lãng xẹt. Các bạn cứ thử nghĩ xem, cả một đời ta hy sinh cho gia đình, không nghĩ gì đến bản thân mình, làm thân cò lặn lội bao nhiêu năm chỉ mong ngày con cái thành danh, vợ chồng già nắm tay nhau đi ngao du sơn thủy. Thế mà! Cái tên Bạc Tình Lang ấy lại xé lẻ đi chơi riêng, để ta một mình vò võ ngày đêm trông đợi, làm quản gia giữ nhà trông con cho hắn. Chỉ nghĩ thế thôi cũng đủ thổ huyết như Chu Du trong Tam Quốc Chí thời xưa rồi, nói theo tiếng bình dân là tức muốn ói máu luôn.

Chưa kể đến cảnh tưởng tượng hắn đang lả lướt với các Em gái Hậu Giang hay Người đẹp sông Hồng nào đó. Ôi chao ơi! Làm sao dỗ được giấc ngủ phũ phàng như thế. Mất ngủ nhiều đêm dung nhan sẽ tiều tụy, lục phủ ngũ tạng sẽ tàn suy. Một viễn ảnh thật đen tối như đêm ba mươi. Có người tức quá muốn áp dụng câu: Ông ăn chả thì bà ăn nem cho bõ ghét, nhưng riêng tôi phải đổi lại là Ông ăn chả bà phải ăn chay, vì ngửi mùi nem đã thấy sợ tới già rồi. Nghiệp cũ chưa trả xong, đã tính đường gây thêm nghiệp mới. Sau này có khổ đau đến tận cùng chớ có than van.



Hai con đường đã vạch sẵn, ta chọn con đường nào để đi cho hết một kiếp người. Dĩ nhiên không cần phải đổ xí ngầu để lựa chọn, tôi nhắm mắt cũng biết mình phải làm gì để thoát ra khỏi cảnh khổ hôm nay và ngày mai. Cái hay của Phật Pháp là ở chỗ đó, nếu ta biết quán về thuyết Nhân duyên, về tính Vô thường ta sẽ không bị yêu ma đẩy ta vào địa ngục. Các bạn có tin rằng tôi vẫn ngủ ngon lành đẫy giấc trong tình huống bi đát như vậy không? Nửa đêm khát nước có tỉnh dậy, chưa dỗ được giấc ngủ, tạp niệm đã trồi lên. Tôi chỉ cần vài câu niệm Phật là ngủ lại lúc nào không biết.

Tuy nhiên cũng có lúc trong lòng thấy nổi sóng ba đào, khi chàng cố tình chọc cho tôi ghen. Chẳng hạn hôm ấy chúng tôi đang nghe mẫu đọc truyện dài Quay Trong Cơn Lốc của một nhà văn nổi tiếng tại hải ngoại. Chàng quay sang tôi nói tỉnh bơ: “Chuyến này anh về Việt Nam sẽ kiếm một em Lựu hiền lành chất phát để hầu hạ”.



Tôi đã chán cái lối nói chuyện lộng ngôn của chàng, nhưng vẫn đáp lễ cho chàng vui, không lại bảo nói chuyện với vợ cứ như nói với bước tường: “Em cũng cầu cho anh gặp được cô Lựu tử tế không biết vòi tiền. Nhỡ trúng cô Lựu Đạn có ngày sẽ mất mạng đấy”.

Tuy biết rằng Chó sủa là chó không cắn, nhưng tôi vẫn vẩn vơ nghĩ rằng chuyện đó có thể thành sự thật lắm. Đời này mấy ai học được chữ ngờ, thôi cứ quán trước cho chắc ăn, nhỡ trường hợp đó xảy ra ta phải làm gì? Sau nhiều đêm suy nghĩ tôi thấy chuyện tình của mình nên sửa soạn kéo màn đi là vừa, bao nhiêu tươi đẹp của tuổi thanh xuân ta đã hưởng trọn, còn lại chút hương thừa ta xin nhường cho em Lựu. Biết đâu sau này ta còn phải cám ơn và tặng thêm tiền cho em Lựu để săn sóc chàng dùm ta.

Đấy cũng là một môn Thiền quán kiểu Trôi Theo Dòng Đời, nghiệp đổ ra cỡ nào ta cũng hứng được hết, tấm thân tứ đại lúc nào cũng an vui. Lúc ấy ta cứ việc đi hành hương thoải mái, hết Ấn Độ đến Trung Quốc rồi Thái Lan. Việc gia đình đã có em Lựu lo toan, không ai chê trách ta bỏ bê gia đạo mà còn khen là gái đoan trang, chiều chồng hết mực.



Chị bạn Đạo của tôi phải thốt câu:

- Ổng tu mấy kiếp mới gặp được người vợ như bà.

Tôi trả lời:

- Còn tôi phải tu đến bảy mươi kiếp mới gặp được người chồng như ổng.

Cả hai cùng đắc ý cười to.

Về tựa đề của câu chuyện này tôi đã nghĩ nát óc, cuối cùng phải lấy bốn chữ Nợ Tình Chưa Dứt nghe như tựa đề của một vở cải lương chi bảo nào đó. Riêng tôi rất đắc ý, chưa thấy cái tựa nào đúng ý đến như vậy. Chẳng là hôm tôi quyết định dứt tình với chàng cho rảnh nợ, sau khi đọc xong bài văn tế chôn sống mối tình. Chàng vui vẻ chấp nhận, cho tôi là kẻ thức thời, biết lúc nào phải bám, lúc nào phải thả.

Tôi đã nhỏ vài giọt nước mắt tiễn đưa mối tình khi ở một mình trong phòng vắng. Ai dè! Sáng hôm sau, vừa mắt nhắm mắt mở đi xuống bếp làm điểm tâm. Chàng gọi giật lại đòi nói chút chuyện riêng, tôi hẹn chàng sau khi ăn sáng no nê xong sẽ vào phòng nói chuyện.

Các bạn ơi! Chàng lên cơn đòi rút lại giấy thả tự do cho tôi. Chàng trợn trắng mắt lên hăm dọa, nếu tôi còn có ý định bỏ chàng hay chống đối lại. Chàng sẽ phá tan tành những gì tôi đang hiện hữu. Tôi thấy hơi lạnh chuyền nhanh qua xương sống, trong lúc thập tử nhất sinh lời chị bạn văng vẳng bên tai:

Nếu một bên phá và một bên bồi, tình sẽ còn nguyên vẹn.

Hay bài pháp thoại của một vị Thiền sư nào đó, thí dụ chiếc đũa trên tay chỉ bị gẫy khi ta dùng cả hai tay để bẻ, chứ chỉ tay trái hay tay phải thôi chiếc đũa cũng chẳng hề hấn gì.



Từ đấy tôi cảm nghiệm rằng bốn chữ Nợ Tình Chưa Dứt đã gắn liền với đời tôi trong giai đoạn này. Tôi đã dặn chàng khi nào muốn cho dứt nhớ báo cho tôi gấp, để kịp đổi tựa đề lại là Nợ Tình Đã Dứt cho hợp thời.

Chàng là tay văn chương thứ thiệt, ngày xưa những bài luận văn triết học của chàng đều trên 16 ( điểm của hạng Ưu ). Tôi chỉ lẩn quẩn ngang điểm trung bình là may lắm rồi. Làm sao dám sánh vai bình thơ với tri kỷ lẫn tri âm. Tôi đã khuyến khích động viên chàng viết truyện, chàng mà viết thì lãng mạn và bay bướm bằng thích. Nhưng hiện tại tâm chàng chưa an làm sao viết nổi. Chàng dọa sẽ viết một tác phẩm về tôi dày khoảng ba trăm trang, lấy tên như nhà văn Duyên Anh đã tả về Hiền thê của ông ngày nào. Tôi nghĩ bụng, mình có gì làm chất xúc tác để ông ấy viết đến những ba trăm trang được kìa. Chắc than mây khóc gió về cái ngu của vợ cũng kéo được một trăm trang. Thôi cứ chờ đi, chờ cho dài cổ để được đọc tác phẩm Nhà Tôi của chàng. Miễn sao chàng đừng làm Con ma dòng họ Hứa là được.



Hôm giao thừa đón tết con chó bông, chàng vẫn không rời Cổ Mộ để đón xuân. Tôi mặc kệ cho chàng nằm gậm nhấm nỗi buồn của người viễn xứ. Dẫn hai cậu con lên Thiền đường ăn tết, sau khi đã để lại cho chàng một nồi phở gà thơm nghi ngút.

Tối hôm đó tôi làm Táo Bà của Thiền Đường Suối Thương. Táo Bà thật lộng lẫy trong chiếc áo dài gấm rộng thùng thình mượn của cậu con cả, trên mão cài một cái trâm thật lớn, làm bằng chiếc đũa nấu, một đầu treo củ hành và đầu kia củ tỏi. Khi Ngọc Hoàng hỏi, sao năm nay Táo sang trọng thế lụa là gấm vóc, lược dắt trâm cài. Tôi còn cương nổi được một câu:

Bệ Hạ ơi! Trâm này là quà tặng của Lão Táo nhà thần để kỷ niệm cho 32 năm Tình Trong Xó Bếp.

Vừa diễn xong màn kịch, chưa kịp chào khán giả đã có người xin ngay chiếc trâm kỷ vật về mai nấu cà-ri.



Ăn tết xong, giờ chia tay của chúng tôi đã điểm. Tôi bị dằng co giữa hai tư tưởng, có muốn giúp chàng sửa soạn cho chuyến đi được toàn vẹn không, đóng vai người vợ cao thượng cho đến lúc đưa chàng lên máy bay. Hay mặc kệ cha nội kêu taxi ra phi trường, tội vạ gì phải tử tế. Tâm trạng của tôi cứ bữa đực bữa cái, chẳng ra cái thể thống gì. Thỉnh thoảng lại quên hết lời mẹ dặn, đừng nghe lời đường mật của đàn ông. Khi tâm tôi đã an, tôi có thể vui vẻ bên chàng, xem những chuyện chàng làm là lẽ tự nhiên, cái áo rõ ràng màu đen chàng nói trắng tôi cũng gật đầu. Nếu lòng vẫn ấm ức cứ đọc kinh Bát Nhã, đến đoạn ngũ uẩn giai không, sắc tức thị không, không tức thị sắc, mọi việc sẽ tốt đẹp ngay.

Chỉ còn ba đêm nữa thôi là xa nhau rồi, chàng với tôi hay leo lên giường nằm hát karaoke, hễ chàng hát chán lại giao cho nàng hát tiếp, hết bài này qua bài khác. Tôi đòi hát bài Đêm Cuối Cùng, chàng không cho, bảo tại sao lại cuối cùng, chàng đi rồi chàng lại về chứ. Tôi nghĩ bụng, về sao được nữa vì nàng sẽ thay ổ khóa khác chàng ơi.



Nếu tôi cứ gán cho chàng cái tên Bạc Tình Lang, quả thật oan uổng cho chàng. Cách đây hơn ba chục năm, ngày mới gặp nhau, chàng đã giao hẹn với tôi là khi già chàng sẽ về sống tại Việt Nam và tôi phải chấp nhận câu Vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả. Hay nhất là tôi phải tự chính tay chọn vợ bé cho chàng. Ở lâu ắt biết khẩu vị của chàng mà chọn, hai chị em về ở chung cho vui cửa vui nhà, đỡ đần công việc cho tôi đỡ mệt. Lúc ấy vì nghĩ mình đang ở xứ Cộng hòa liên bang Đức, luật pháp cấm đa thê. Ai mở miệng nói giọng điệu đó thiên hạ sẽ cho là gàn dở hoặc đùa dai, tôi đâu thèm bận tâm chi cho sứt mẻ mối tình. Bây giờ chàng nhắc lại lời giao hẹn xưa, tự cho mình là nguyễn như vân đọc ngược lại là vẫn như nguyên, người chẳng bao giờ thay đổi với thời gian, một nỗi niềm tự hào to lớn.

Đọc đến đây có bạn sẽ đặt câu hỏi, không biết tôi có bị “mát giây” không, thời buổi ấy con gái được xem như bảo vật, còn các chàng thì rẻ như bèo kiểu Ba đồng một mớ đàn ông. Tôi đã bảo là duyên nợ kia mà, đến ngày đến tháng họ vác xác đến đòi nợ tình, làm sao một người con gái ngây thơ vô số tội như tôi thoát nổi.

Ngày tiễn chàng lên đường về bên ấy, tôi vẫn đóng vai người vợ hiền ngoan ngoãn, chở chồng ra phi trường, phụ chồng khiêng cái va-li nặng trĩu chất đầy những tặng phẩm cho người bên ấy. Tình cảm giữa hai bên vẫn đong đầy như thuở nào, không biết phe kia nghĩ gì trong đầu, chứ riêng tôi không buồn cũng không vui, chỉ mong sao chàng lên máy bay sớm cho tôi rảnh nợ.

Tình cờ trong chuyến máy bay của AirFrance đến từ Paris, có mang theo một hành khách tài danh, nữ văn sĩ Charlotte tác giả quyển tiểu thuyết Swimmingpool. Sách này đã được quay thành phim và đoạt giải điện ảnh Cây Dừa Vàng tại Cannes. Tuy chưa biết nữ sĩ là ai, nhưng thấy nhà báo, đài truyền hình, người ái mộ mang dàn máy rầm rộ ra chào đón, chúng tôi cũng thấy nôn nao. Chàng bắt tôi ngồi trông hành lý xách tay cho chàng, vội vã vác máy hình ra chụp ké. Chàng bảo biết chừng nào nữ sĩ Hoa Lan nhà tôi mới được đón tiếp như thế. Tôi thở dài ngao ngán, văn của nữ sĩ Hoa Lan viết ra bị vất vào gầm tủ cho chuột gậm, dán bò. Đợi đến khi lâm chung sẽ in thành sách tặng cho những ai đến phúng điếu làm quà.

Khi bóng chàng đã xa dần trong khung cửa, tôi vội vã ra xe xem có bị giấy phạt hay không? May quá chẳng hề hấn gì vì xe đậu sau lưng chiếc xe đón nữ sĩ Charlotte, máy quay phim chĩa vào nầm nập, các nàng tiên áo xanh không dám bén mảng đến biên phạt. Tôi khoan khoái phóng xe lên Chùa làm công quả, sắp rằm tháng giêng bánh trái phát hành rất cần nhân công. Tôi được giao nhiệm vụ cán bột làm bánh bao, cơm chùa sẵn có cứ việc ăn no. Buổi chiều được giao cho nhiệm vụ mới, làm trang web cho các chương trình từ thiện của chùa. Muốn làm sao tùy ý, miễn thiên hạ xem xong động tâm chuyển tiền vào trương mục của chùa rầm rầm là được.

Sau một ngày rong ruổi mệt nhoài tôi trở về với hiện thực, phải dọn dẹp cái Cổ Mộ của chàng cho hết các tàn dư vết tích. Nếu vị vua trẻ đa tình triều đại Huế có ai oán nhớ người yêu kiểu:



Đập gương xưa để tìm lấy bóng.

Xếp tàn y để tưởng nhớ mùi hương.



Tôi cũng phải xếp tàn y và chăn màn của chàng đưa hết vào máy giặt để khỏi phải tưởng nhớ mùi hương. Các chai lọ ngổn ngang cho vào trong tủ đậy kín chờ ngày chàng trở về xài tiếp.

Câu chuyện Nợ Tình Chưa Dứt rất khó chia bố cục để viết cho mạch lạc. Muốn vào đề lúc nào cũng được và chẳng bao giờ có kết thúc, chỉ khi nào trời gọi thì tác giả mới cho kéo màn mà thôi. Diễn biến thay đổi tùy theo sự diễn xuất của chàng. Lúc cương lúc nhu, như trăng tỏ trăng mờ. Các bạn sẽ bảo, thế thì lúc này Hoa Lan phải gác bút mất thôi, làm gì có chất xám để viết nữa. Đâu phải vậy, thỉnh thoảng vẫn có những tin tức ngầm theo dõi bước chân đi của chàng, lọt vào lỗ tai tôi. Không phải tôi gài thám tử hay đặt đường giây ngầm làm chi cho mệt óc. Thiên hạ thấy chướng mắt nên than phiền với tôi đấy thôi. Những lúc ấy, tôi nghĩ đến cô bạn thời trung học của tôi. Cái người ngồi bàn đầu bên tay trái của tôi, người mà thầy dạy Pháp văn chỉ mặt hỏi có biết bơi không. Cả lớp nhao nhao trả lời hộ là bơi giỏi lắm thầy ơi, ba ngày nổi lên.

Nàng cũng có ba đứa con như tôi, cũng bị chồng bỏ rơi từ lâu, nhưng vướng thêm căn bệnh thấp khớp ngặt nghèo. Khi nghĩ đến nàng, tôi vẫn thấy mình hạnh phúc quá nhiều, tôi còn có sức khỏe và chỉ bị chồng bỏ có năm mươi phần trăm thôi. Giống như ly nước vơi một nửa, nếu ta nghĩ đến ly nước đầy ta sẽ đau khổ. Nhưng nghĩ được rằng, ta còn hạnh phúc hơn những người chỉ đang cầm cái ly trống trơn không còn một giọt nước. Thật là một cái nhìn sáng suốt!



Nếu xét về thân phận người đàn bà, trong sách vở hay kinh điển đều cho rằng. Phải mang nghiệp nặng lắm mới sinh ra kiếp đàn bà. Ôi thôi! Kể sao cho thấu với nỗi thống khổ của các nàng. Đã thế cụ Khổng ngày xưa lại còn chế luật ra để vùi dập các nàng, nào là Tam Tòng Tứ Đức, xuất giá tòng phu, lúc nào cũng chỉ là cái bóng mờ nấp sau lưng chàng. Đợi khi chàng về chầu tổ, lại bám theo các nhi đồng cứu quốc của chàng. Suốt đời chỉ đi hầu hạ cho cái bọn đàn ông, đoạn cuối của cuộc đời đạt được những gì? May lắm thì được tặng cho bốn chữ Tiết hạnh khả phong, đem về treo trên tường để hù thiên hạ. Nhưng thời buổi yêu cuồng sống vội này, bốn chữ ấy không còn được ưa chuộng nữa. Lúc túng quẫn đem ra chợ trời phát mại cũng chẳng ai chịu mua.

Thực tế các nàng đến tuổi thu vàng, đa số đều lâm vào cảnh bóng lẻ phòng không. Áp dụng câu Chán phu tòng tử, về nấu cơm ẵm cháu, chờ cuối tuần rủ bạn Đạo đi chùa hay đi lễ nhà thờ. Thôi thế cũng xong một kiếp người đạo hạnh. Tương lai của tôi từ từ cũng mang hình ảnh ấy. Những cuối tuần các chị em thường họp nhau lại lập Đạo tràng tụng kinh niệm Phật.

Xét các bộ mặt tuổi tác chỉ hơn kém nhau vài tuổi, nghĩa là có đầy đủ mười hai con giáp. Có chị nhận mình tuổi Thìn cao số, chị kia lại bảo tuổi Thân của em mới khổ mà thôi. Cuối cùng mọi người đều thống nhất là tuổi nào cũng khổ. Bằng chứng là trong nhóm không thiếu một con giáp nào.

Khi tụng kinh xong, ăn uống no nê với những món chay tịnh, các chị em sẽ kể về nỗi khổ đời mình. Nhân vật chính vẫn là cái tên chồng mất nết dám theo gái trẻ bỏ bầy con thơ. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi nhà mỗi cảnh không biết ai khổ hơn ai, nhưng có nơi nương tựa để than thở cũng thấy vơi bớt cơn sầu. Phật pháp quả nhiệm màu, khi đọc qua các bài Sám nguyện nói về công năng của sự Niệm Phật. Ta cảm thấy như có một luồng gió mát thổi tan các đám mây mù bám đằng sau gáy.

Lúc ấy hình ảnh gã đàn ông bội phản đã bị làn gió chánh pháp đánh bật ra khỏi tim ta. Cái tư tưởng cố chấp, nếu không có chàng chắc ta sẽ không tài nào sống nổi hết chỗ dung thân. Cảm giác nếu không có anh em sẽ chết làm gì có thật. Nếu thật tại sao khi ta ngồi trong đạo tràng niệm Phật, tâm ta thấy an bình, tim ta đập đều có thấy triệu chứng đau đớn gì của tim vỡ đâu. Ngoài ra thời gian sẽ là liều thuốc tiên, sẽ hàn gắn mọi vết thương cho ta. Bảo đảm sau vài lần họp mặt tụng kinh, mắt ta sẽ không còn ngấn lệ, tim ta sẽ không còn rỉ máu nữa.

Tuy ngoài mặt nói thế nhưng trong lòng tôi vẫn còn bị xao động. Chả thế sao khi thiên hạ bắt lựa bài hát karaoke, tôi đã cố tình chọn bài Nhạc sầu tương tư. Để rồi hiểu rằng, bài hát định mệnh này chỉ có thể hát một lần cho chàng và chẳng bao giờ nên hát lại một lần thứ hai. Hay hình ảnh của củ su hào, vắng chàng tôi sẽ không bao giờ đi ngang qua hàng bán su hào và chẳng bao giờ nấu canh su hào nữa. Chỉ trừ khi được mời đi ăn cơm khách, họ đãi canh su hào thì đành phải ăn mà thôi. Nhưng đừng lo, canh su hào rẻ tiền, chẳng ai đem ra đãi khách quí cả.



Tôi nghĩ nợ tình của tôi với chàng đã từ từ tháo gỡ. Chàng không muốn ở bên tôi để đòi nợ nữa, về Việt Nam hưởng phước báu thích hơn. Vì thế khi nghe tin chàng về Việt Nam, các bạn bè tôi khuyên tôi không nên chiều chồng quá, phải giữ ông ấy lại, kẻo thế nọ kẻo thế kia …



Tôi không trả lời, chỉ khuyến khích chàng đi thêm nhiều nữa để cuộc tình của tôi mau kết thúc. Tôi không còn say mê cái túi da chứa thịt của chàng nữa. Nên chuyện chàng về Việt Nam quậy phá như thế nào tôi không bận tâm. Tôi nhất định không ngỏ lời chia tay với chàng trước, thách thức chàng cứ việc đòi nợ tiếp đi, đến khi nào chán quá sẽ tự ý xé giấy nợ mà thôi. Đến lúc ấy, tôi sẽ có nỗi niềm tự hào, với chánh pháp tôi đã thắng mọi khổ đau, không một áp lực bạo tàn nào làm tâm tôi khiếp sợ. Chỉ có thế thôi, tôi đã mãn nguyện cho kiếp làm vợ trong một kiếp tái sanh nào đó của tôi.

Thiên hạ bên ngoài chỉ nhìn thấy hình tướng, nên phản đối ghê lắm. Chẳng ai chịu nổi cảnh để chồng đi tắt về ngang một cách ngang xương như vậy. Nếu để họ quyết định thì ông chồng loại này đã bị tống ra khỏi cửa từ lâu rồi. Đây là một cơ hội tốt để cắt đứt giây chuông, xí xóa nợ tình, không làm ngay bỏ qua rất uổng. Nhưng thiên hạ không hiểu được tính tôi, không biết tim tôi muốn gì.

Thôi đành dùng hai câu thơ cải biên để diễn tả:

Đi khắp thế gian không ai thương ta bằng chàng.

Gian khổ cuộc đời ai gánh nặng hơn chàng.

Tuy vần điệu không được trôi chảy cho lắm, nhưng cũng nói lên cái ân sâu đậm của chàng đối với tôi. Nếu tôi nghĩ xa thêm tí nữa, ngày tôi khăn gói sang Đức, hành trang chỉ có một mảnh bằng Tú tài đôi và vài ba bộ quần áo. Ngày hôm nay con cái thành tài, cuộc sống ấm no. Chẳng phải bon chen kiếm miếng cơm manh áo, có đủ duyên lành tu tập Phật pháp. Tại sao lại hắt hủi chàng, để đi tìm một sự tự do phi lý, một giải thoát chỉ có trong ảo ảnh. Vì với trình độ tu tập non nớt của ta, cộng thêm căn cơ còn đầy giẫy những nghiệp chướng nặng nề, làm sao ta thoát ra khỏi vòng luân hồi cho được.

Tôi nhớ lời một vị Thiền sư, người hay có những phương pháp tu tập dạy ta hóa giải những nội kết giữa vợ chồng cha mẹ anh em. Cái hay nhất là ngồi xuống cầm giấy bút ra, viết lại tất cả các tính tốt và xấu của người đã làm cho mình bị nội thương. Kết quả nhiều khi bị lâm vào cảnh ngựa về ngược, cái người ta tưởng đâu chỉ có đem đi vất bỏ lại viết được rất nhiều trang. Các tính tốt đếm không muốn xuể. Thói đời này thiên hạ hay mau quên, hoặc không để ý đến những tính tốt của người khác. Nhưng tính xấu hay lỗi lầm của họ lại đòi phải Sống để dạ, chết mang theo mới chịu cơ.



Các bạn nào đã theo dõi câu chuyện của tôi từ đầu đến đuôi, từ Truyện Hoa Lan đến Nợ Tình Chưa Đứt hay Đã Dứt gì đó. Không biết có còn đứng về phe tôi để lên án chàng không?

Tôi biết yêu là khổ, sẽ được nếm viên thuốc đắng bọc đường. Khi lớp đường bên ngoài tan biến, ta thấm ngay vị đắng của bảy chất thất tình lục dục. Chính vì hiểu rõ điều này, nên từ tám năm nay, nghĩa là từ lúc gặp được Phật pháp. Tôi ngày đêm tu tập tìm ra phương pháp để dứt cho được cái ái với chàng. Những lúc hạnh phúc nằm bên chàng, tôi quán ngay đến cảnh chia ly, xem mình có đủ sức chịu được hay không. Tôi dốc hết thì giờ và công sức vào công việc nghe băng giảng, học hỏi kinh điển. Mong sao cho trí tuệ phát sinh để đủ sức trả nợ đời, nợ tình cho chàng. Món nợ quá sâu.

Có bạn cho rằng, tôi hơi lo hão huyền, tại sao đang hạnh phúc bên chồng lại nghĩ đến chuyện chia ly, không sợ xúi quẩy hay sao. Không, tôi suy nghĩ có cơ sở lắm. Tôi biết chàng có gen lãng tử trong người, về già nhất định sẽ về Việt Nam sống. Chỉ nghĩ đến hai điều đó thôi đã làm tim tôi đau thắt từ lâu. Vì thế tôi đã lén chàng học môn võ công Dứt Ái Thập Bát Chưởng của ngài Cù Đàm. Hôm nay đem ra thi đấu nhân chuyến về Việt Nam liên tu bất tận của chàng.

Tôi không ngờ mình đã thành công, xa chàng tổng cộng trong thời gian ngắn đã gần bốn tháng, cũng chẳng thấy hề hấn gì. Tôi chỉ sợ khi chàng về lại, môn võ công kia sẽ bị mai một. Rồi một sớm mai nào đó chàng lại rũ áo ra đi, sẽ chát với tôi là có hai cô dễ thương nào đó yêu chàng lắm. Lúc ấy tôi lại phải luyện tập lại môn võ công bí truyền ấy. Nhưng với tuổi già sức yếu, liệu tôi tập có thành công hay không.



Có bạn hỏi tôi trong chuyện có bao nhiêu phần hư cấu, chẳng lẽ lại thật cả hết sao. Dĩ nhiên ai dại gì tin nhà văn nhà báo nói láo ăn tiền. Phải viết thật giật gân mới ăn khách, nên đoạn nào không thích các bạn cứ cho là ba xạo hết cả đi cho xong chuyện.

Chính bản thân tôi cũng muốn kéo màn chôn sống mối tình cho xong chuyện, đời còn thiếu gì đề tài khác để viết cứ lẩn quẩn mãi trong cuộc tình không lối thoát này có ngày phát điên.

Các bạn đọc xong Truyện Hoa Lan đã phải thốt câu, mừng cho Hoa Lan đã tìm ra lối thoát, câu truyện có chiều hướng đi lên chứ không bi thảm như mọi người tự nghĩ. Vì thế tôi không muốn để các bạn thất vọng cho đoạn hai của Truyện Hoa Lan, cô Hoa Lan kiên cường không thể nào gục ngã trên tình trường. Nếu cô không cứu được người thương của mình Qua Cơn Mê thì ít nhất cô cũng tự cứu lấy bản thân mình trước đã. Nhất định không chịu đâm đầu vào địa ngục do ai đấy mở sẵn mời vào.

Từ đây Hoa Lan chỉ sống mãi với câu

Nam Mô A Di Đà Phật



Hoa Lan.

Mùa xuân 2006.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/01/2025(Xem: 293)
Chiều ngày 25/12/24 Anh Chị Em Huynh Trưởng khắp liên bang hội tụ về tu viện Quảng Đức với tư thế sẵn sàng cho buổi họp tổng kết một năm hành hoạt và kế hoạch năm mới của Ban Hướng Dẫn Úc Đại Lợi. Trại sinh Huyền Trang bắt đầu giai đoạn 2 với đề thi nhập trại (Trại Huyền Trang kéo dài 3 năm/3 giai đoạn: giai đoạn 1 học hàm thụ trực tuyến, giai đoạn 2 thụ huấn 5 ngày tại trại, giai đoạn 3 hội thảo kết khoá vào cuối năm 2026) Lễ Khai Mạc Liên Trại Sáng ngày 26/12/24, tại Chánh điện chùa Quang Minh, Melbourne, lễ khai mạc liên trại đã diễn ra trong không khí trang nghiêm mở đầu hành trình 5 ngày tu học và rèn luyện dành cho các Huynh Trưởng từ khắp nơi. Sau lễ khai mạc, trại sinh cùng Ban Quản Trại di chuyển đến Alexander Resort, nơi chương trình trại chính thức triển khai theo đúng đề án đã định.
20/12/2024(Xem: 254)
Sáng hôm nay Hiền vẫn về Tu Viện như thường lệ, trời mùa đông Melbourne từng làn gió hắc hiu mang theo hơi lạnh rít từng hồi thấm sâu vào da thịt, trên thềm cỏ vẫn còn giọt nước sương đêm chưa tan dù mặt trời đã tỏa nắng, Gió thổi nhẹ khiến cho nhành liễu trước tượng đài Bồ Tát Quan Âm đu đưa như bàn tay đang vẫy gọi. Xoa mạnh hai lòng bàn tay nóng lên rồi đưa lên má vài lần cho ấm, Hiền bước vào Tu Viện. - Dạ bạch Thầy! Vị Sư phụ tháo cặp kiếng dày cộm đưa tay dụi mắt nở nụ cười hiền từ. - Hiền đấy con? Hôm nay con không đi làm sao? - Dạ hôm nay hãng con đóng nên con về Tu Viện làm công quả - Vậy à! Con giúp thầy nhỏ cỏ trong những chậu hoa xung quanh Tượng Đài - Dạ mô Phật !
23/09/2024(Xem: 2068)
Chuyến đi về Việt Nam lần này có thể nói ngoài sự dự tính của chúng tôi. Mặc dù, tôi cũng có ý muốn đến viếng thăm Hà Nội một lần nữa. Vì năm 2003, tôi có dịp đến trung tâm thành Phố Hà Nội và viếng thăm một vài nơi khác chung quanh Hà thành. Nhưng lần này, là do các Phật tử Bảo Khánh, Hiếu Hoa, Từ Nhẫn và Liên Thu có nhã ý mời chúng tôi về Hà Nội và rồi cùng đoàn đi hành hương Trung Quốc, đặc biệt là chỉ hành hương tham quan trong phạm vi tỉnh Vân Nam thôi. Nói đúng
29/06/2024(Xem: 2633)
Những tháng đầu năm 2021, Út Bình bên Mỹ vẫn thường âm thầm theo dõi Facebook của tôi, thấy biết tôi đang tích cực phụng sự Đạo pháp, theo chư Tăng lên các chùa ở sâu vùng xa để chụp ảnh, viết bài, đưa tin đến các trang Phật giáo trong và ngoài nước, liền nhắn tin tặng tôi chiếc laptop của Út còn cất trong tủ ở nhà từ đường. Ý của em là tiếp sức cho tôi có phương tiện hiện đại hơn để truyền tin tại chỗ, chứ đi dự lễ các chùa trên vùng núi cả buổi, chiều về mới ngồi vào máy tính viết tin bài, chọn ảnh để gửi đi thì chậm quá
22/06/2024(Xem: 2203)
Có nhiều người khi sinh con ra, bên cạnh tên thật hay, thường có một tên khác gọi ở nhà dí dỏm dễ thương, hay tên thật dở để khỏi bị “bà” bắt. Bà ở đây là bà nào không ai biết được, thế nhưng nhiều người vẫn sợ rồi kiêng. Riêng đối với bà Thịnh, bà không tin như thế, ngược lại, bà cần con cháu bà tên thật hay, phải có ý nghĩa nữa để đem may mắn vận vào cuộc đời nó.
12/05/2024(Xem: 8325)
Thời gian gần đây hiện tượng sư Thích Minh Tuệ tu theo hạnh Đầu Đà đi bộ từ Nam chí Bắc đã được quần chúng đủ mọi thành phần ngưỡng mộ. Họ chờ đón sư ở dọc đường, cúi đầu hoặc quỳ xuống lòng đường để đảnh lễ, tặng đồ ăn thức uống, có khi tháp tùng sư một đoạn đường dài. Có khi họ tụ tập quanh sư tại nơi nghỉ chân, có khi là nghĩa địa, một ngôi nhà hoang, hoặc dưới tàng cây, ngồi quanh sư để nghe sư thuyết pháp hoặc vấn hỏi một số vấn đề. Đặc biệt tại Thanh Hóa có cả xe chở mấy chục học sinh Tiểu Học, tung tăng chạy tới để chiêm ngưỡng và vái lạy sư. Và lần đầu tiên một vị sư thuyết pháp tại một nghĩa địa.
02/05/2024(Xem: 2755)
Biến cố 30 tháng 4 năm 75 không những làm đảo lộn cuộc sống của người dân miền Nam, làm xóa tan một chính thể Cộng Hòa nhân bản mà từ Đệ Nhất tới Đệ Nhị Cộng Hòa đều mang đến tự do, hạnh phúc cho người dân. Không như sáo ngữ "Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa - Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc", nghe như một liều thuốc tê làm mất hết cảm giác và trở thành con người vô cảm lúc nào không hay!
03/04/2024(Xem: 3303)
Có thể do một sự thần khải, thiên khải, mặc khải hoặc một phép mầu nhiệm, phép linh thiêng, phép huyền bí nào đó, hoặc do đại giác ngộ, đại ân sủng mà toàn thể loài người bỗng dưng trở thành tu sĩ! Thật đại phúc! Vui mừng khôn xiết! Mấy ngàn năm qua với bao lời rao giảng, truyền đạo, răn dạy mà con người vẫn cứ mê luyến vào cuộc sống phàm tục, sinh con đẻ cái, làm giàu, hưởng lạc thú trong cái cõi đời ô trọc này. Nay thì - đúng là ước mơ đã thành hiện thực của các giáo hội. Trong nỗi vui mừng khôn tả đó, việc đầu tiên là phải giải tán ngay phái bộ truyền giáo bởi vì mọi người đã trở thành tu sĩ rồi thì cần gì phải truyền đạo nữa? Tuyên truyền cho ai bây giờ? Còn đất đâu? Còn dân ngoại đạo nữa đâu mà tuyên truyền? Thôi thì cả triệu tấn giấy, hình ảnh, tài liệu, phim ảnh, CD, DVD, Video được đem ra đốt, bao nhiêu đài phát thanh, chương trình truyền hình, website truyền đạo cũng đều dẹp bỏ. Tuy nhiên trong nỗi hân hoan ấy việc chuyển hóa cả một cấu trúc xã hội thế tục vô cùng phức tạp qua
01/04/2024(Xem: 1950)
Sáng thứ Bảy cuối tuần rảnh rang, tôi rong xe về phố, qua bên kia đầu cầu Hà Ra ghé thăm đạo huynh Duy Pháp-Đinh Hoà ở dốc Đoàn Kết. Ngồi ngoài ban-công sân thượng, huynh đệ vừa uống trà, nhâm nhi tách cà phê nóng bên mấy chậu kiểng hoa hồng, vừa trò chuyện đổi trao chuyện Đạo trong Đời, Đời có Đạo, thật thân tình và đầy hứng khởi... Đây là lần thứ ba tôi có mặt trên "tịnh thất sân thượng" của huynh Duy Pháp. Lần trước là vào dịp Tết mới rồi, khi tôi đứng phóng mắt ngắm cảnh xa gần chung quanh, thấy được bóng dáng của chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa trên núi Sinh Trung hiện ra xa xa ở góc nhìn lạ, nên lần này tôi không quên mang theo máy ảnh gắn ống kính tele để "săn cảnh già lam"...
30/10/2023(Xem: 3335)
🐄Bò làm mệt, than với chó: " Tao mệt quá ". 🐶 Chó gặp mèo tâm sự: " Bò nó kêu mệt, chắc làm quá sức, chắc nó đòi nghỉ một chút". 🐱 Mèo gặp dê tám chuyện: " Bò nó muốn nghỉ một ngày vì công việc làm nó mệt quá, có lẽ ông chủ bắt nó làm quá sức". 🐐 Dê gặp gà: " Bò nó đòi nghỉ làm, ông chủ bắt nó làm đến kiệt sức thì phải". 🐔 Gà gặp heo nói: " Biết chuyện gì chưa, bò nó định đổi chủ và bỏ việc đấy".
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]