Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cõi Bụi Hồng Có Một Ước Mơ

15/01/201112:29(Xem: 3349)
Cõi Bụi Hồng Có Một Ước Mơ
red_rose_45

CÕI BỤI HỒNG CÓ MỘT ƯỚC MƠ

Tâm Không - Vĩnh Hữu

Mất cũng phải hết một ngày đêm suy nghĩ đến nhức đầu mệt óc, cắn trụi móng của ngón tay cái, thằng Thạch mới tìm ra được cách giải cho bài toán hóc búa đã làm cho nó mất ăn mất ngủ suốt một tuần qua. Tìm ra được là một chuyện, còn giải được hay không là chuyện khác, phải tùy thuộc vào… ông nội. Thằng Thạch quyết định về quê gặp ông nội. Chỉ cần ông nội gật đầu là mọi chuyện thông suốt trơn tru, là ước mơ cháy bỏng của nó sẽ trở thành hiện thực, không còn là huyễn hoặc mơ hồ nữa. Cha đã đi công tác xa ở tít tận Daklak rồi, phải cận Tết mới trở về nhà. Còn mẹ thì cứ tất bật bù đầu với chuyện bán buôn đang thời điểm xuân sang chộn rộn. Chị Hai còn đang ở trong thành phố Hồ Chí Minh xa xôi, chắc là đang cắm đầu học, chưa được về quê ăn Tết. Chị Ba là người gần gũi nhất, nhưng chẳng hề quan tâm gì đến thằng em út trong nhà, suốt ngày cứ rong chơi, chạy theo thời trang "mốt miết" cùng bè bạn trưởng giả học làm sang…

Không còn ai đủ điều kiện và thời giờ để lo lắng, giúp đỡ cho nó có được những thứ mà nó đang cần có đến thèm thuồng. Chỉ còn hi vọng vào ông nội. Nhưng mà khổ nỗi ông nội ở xa quá, tuốt ở vùng ngoại ô quạnh quẽ, cách thành phố phải hơn hai mươi cây số đường đi lại khó khăn. Nó phải đi xe lam một chặng, lội bộ một quãng khá dài, rồi phải qua đò để đến bên kia sông, sau đó còn phải lết trên con lộ ngoằn ngoèo đầy bụi và ổ gà lởm chởm, leo lên hai con dốc nữa mới đến được nhà ông nội. Nghĩ đến đường đi mà rùng mình, thằng Thạch chán nản, muốn bỏ cuộc ngay từ điểm khởi hành. Nhưng không, nó không thể hèn nhát chùn chân để rồi cúi gầm mặt xuống mỗi khi đụng đầu giáp mặt với thằng Hớn, thằng Kỳ, nghiễm nhiên công nhận mình là người thua kém, là kẻ bại trận trong cuộc đọ sức mà chưa chắc mèo nào cắn mĩu nào. Nó không thể thua một cách dễ dàng như vậy được. Muốn giành chiến thắng, hoặc muốn ngang sức ngang tài với đối thủ, thì nó phải chịu khó vượt đường dài đầy gian truân để gặp ông nội thôi. Chắc chắn ông nội sẽ ôm nó vào lòng, vuốt ve, rồi hoan hỷ trao cho nó thứ mà nó muốn cần có ngay. Ông nội cưng thương nó lắm, ø cháu nội đích tôn mà, xin gì đòi gì mà chẳng được? Về cầu cứu, nhõng nhẽo với ông nội trong thời điểm này mới thật là đúng lúc, và thật là mưu kế cao thâm.

Thằng Thạch nghĩ vậy mà cười một mình, cười khen ngợi mình, không ngờ mình lại giỏi đến cỡ đó. Không khen sao được khi nó tìm về quê nội ngay sau khi ông nội bội thu mùa màng. Vụ hè thu vừa rồi, nó nghe chú Tư khoe với mẹ nó trong chuyến chú thiếm về thành phố sắm sửa máy móc, rằng thì là ông nội trúng đậm, lúa thu hoạch bán mấy tấn rồi, vẫn còn mấy chục bồ trong kho. Rằng thì là vườn chuối rẫy thơm của ông nội cũng trúng, còn trúng dài dài trong những ngày cuối năm. Chưa kể đến lợn nung núc béo tốt mấy chục con, cùng cả trăm con gà mập mạp sẽ được ông nội tung ra bán trong dịp xuân về… Ông nội trúng đậm như vậy, tiền tài lợi lộc chất chứa đâu cho hết, thì tiếc gì vài triệu bạc bỏ ra ban tặng cho thằng cháu đích tôn phải lặn lội đường xa bầm trầy về kề cận một bên nủng nịu xin xỏ? Thằng Thạch đã tính trước mọi chuyện trong đầu, nếu ông nội ừ một tiếng, nó sẽ nhảy cẫng lên reo vui, ở lại chơi với ông nội chừng vài tiếng đồng hồ, rồi ẵm tiền về ngay thành phố để bay ra phố, tạt vào chợ sắm ngay một chiếc xe đạp sườn ngang có "đề", khoảng bốn bộ quần tây - áo sơ mi hàng hiệu đàng hoàng, hai đôi giày: một Adidas, một săn-đan, mũ Nike phải hai cái khác màu nhau, dây nịt da thứ thiệt "mác ngoại", một cặp da đắt tiền, hai cây bút máy hiệu Paker và Pilot chính gốc có mạ vàng 18 cara, không quên lắm một máy tính bỏ túi, một cái ví da tuyệt đẹp để lúc nào cũng đựng cồm cộm xấp tiền mới keng, và những thứ linh tinh khác mà hai cái thằng đối thủ kình địch Hớn và Kỳ đã có, cũng như chưa có. Sắm được những thứ ấy rồi, hai thằng kênh kiệu xưa nay chắc sẽ lé mắt ra, tức anh ách, ngọng ngịu và cà lăm, hết còn mở miệng mở mồm chê bai thách thức cứ gọi nó là "đồ nhà quê lạc hậu", "đồ khố rách áo ôm", hay "đồ không đáng đánh giày cho tao" như mọi lần. Nếu cần, nếu tụi nó vẫn còn lì lợm thách thức tiếp tục, thằng Thạch sẽ về quê réo đòi ông nội vài lần nữa để sắm cho được dàn vi tính đời mới nhất chứ ngán ai?! Nghĩ lại mà tức, thằng Hớn ỷ con cưng của chủ tiệm vàng lớn nhất thành phố, thứ gì cũng có, đi học mà trang bị tận răng, bản mặt cứ vênh váo như dưới mắt không người, học thì chẳng bằng ai, không ai dốt lười bằng mình vậy cứ cứ trêu tức: "Mày có học giỏi cỡ nào rồi sau này cũng đi làm thuê làm mướn, làm cu li cho… nhà tao à!", có lần lại dám khẳng định: "Cái thứ quê mùa hủ lậu, bủn xỉn hà tiện, có của có tiền mà chẳng dám xài dám sắm như nhà mày thì… sau này dù có trở thành bác sĩ cũng chỉ ra ngồi bên vệ đường vá ruột xe cho những người sành điệu như tao thôi!". Còn thằng Kỳ thách thức mới ác ôn độc địa: "Con trai gì mà tuềnh toàng cục mịch quá, đám con gái chẳng có đứa nào thèm liếc nhìn, càng không muốn kết bạn!", và lần khác lại thách:"Mày có học xuất sắc đến mấy đi nữa, suốt đời vẫn không được đầy đủ như tao đâu!". Ban đầu, thằng Thạch nghĩ nếu mình mà đi tranh đua với một đứa con chủ tiệm vàng, một đứa con nhà doanh nghiệp lớn, chỉ chuốc lấy thua thiệt mà thôi. Nhưng hai cái thằng đáng ghét ấy cứ nhè những lúc có mặt mấy đứa bạn gái trong lớp mà trêu tức dè bĩu nó, làm nó "quê xệ" tủi thân quá xá, nên quyết tâm đấu một trận cho tới cùng để rõ đâu là đá, đâu là vàng. Chuyện đấu đá so bì này không thể cho cha mẹ biết, vì chắc chắn sẽ bị mắng cho một trận. Chỉ còn nước nhờ ông nội ra tay cứu giúp, ông nội sẽ nói với cha mẹ nó rằng thì là "ông nội tự nguyện tặng cho cháu đích tôn những thứ mà nó mơ ước". Mọi chuyện sẽ ổn. Và, hai thằng bạn cùng lớp xấc láo kia sẽ được nó cho "biết mặt anh hùng" sau khi nó từ quê nội trở lại thành phố. Quyết như vậy rồi, thằng Thạch chọn vào buổi sáng thứ bảy, xin mẹ ít tiền, rồi nhảy phóc lên xe lam chuyến đầu tiên, bắt đầu cuộc hành trình xít lại với ước mơ, bắt cho được mơ ước ấy trong tay…

Ngồi trên xe lam chạy kêu toành toạch ầm ỉ, phun khói đen mù mịt suốt chặng đường hơn mười cây số, thằng Thạch không hề thấy khổ sở, nó mãi bận tâm suy nghĩ, tưởng tượng ra cảnh hai thằng xấc láo kiêu ngạo kia trợn trừng hai con mắt lên, miệng mồm há hốc khi thấy một chàng Thạch phong nhã sành điệu, thong dong tự tại ra vào trường lớp với một bề ngoài được đánh bóng, trang điểm tỉ mỉ công phu. Nó tưởng tượng ra được những gương mặt kinh ngạc, thán phục và thèm thuồng của mấy đứa bạn cùng lớp cùng trường, nhất là đám con gái kẹp tóc, nhìn ngắm nó như chiêm ngưỡng một thần tượng cỡ David Beckham, Ronaldo hay Zidane trở lên… Xuống bến xe, nó lội bộ trên một con đường vắng vẻ chạy giữa hai bên là vườn tược xum xuê xanh tươi cây lá, dẫn xuống một bên sông có làn nước đùng đục chạy xiết liên hồi bất tận… Ngồi đợi đò dưới cái hanh hanh nắng nóng, nó quên đi mệt nhọc để mải mê mường tượng tiếp những chi tiết dễ thương, dễ cảm, trong giấc mơ mà nó sắp sửa nhờ ông nội ra tay thần thông biến hóa thành "chuyện khó tin nhưng có thật". Đến khi lên đò ngồi rồi, bềnh bồng lênh đênh trên mặt nước, nó càng cảm thấy mình nhẹ tênh bay bổng, lòng rộn lên niềm vui hể hả và nỗi háo hức nóng nôn… Đặt chân lên bờ, đôi chân thằng Thạch tung tăng nhảy nhót, những bước chân sáo của nó như muốn gõ lên mặt đường đất đỏ đầy bụi cho vang lên những nốt nhạc réo rắt vui tai. Nhưng mặt đường không phải là phiếm đàn, nhạc không nghe trổi, chỉ thấy bụi hồng tung lên dưới nắng ùn ùn bám chạy theo gót của thằng nhỏ đang chạy tìm mơ ước… Đường còn xa, còn ngoằn nghoèo đón đợi, thằng Thạch đã thấm mệt nhưng ráng bấm bụng mà bước đi thoăn thoắt bằng đôi chân non đã mỏi nhừ. Con dốc cao đầu tiên đã hiện ra phía trước mắt nó, cách khoảng hai mươi bước chân dài, nó thở phào đứng lại, rồi ghé vào ngồi dưới bóng mát của một cây bông gòn bên đường mà thở hỗn hễn như vừa vượt qua một cuộc chạy đua Olympic vậy. Đường vắng hoe. Chẳng thấy ai qua lại. Chỉ thấy những con bướm vàng bay lả lơi, thi thoảng có một con ong bay vù qua như dọa dẫm, và tiếng chó sủa vang vang đâu đó sau những vườn cây rậm rạp. Thằng Thạch khát nước, bụng muốn vào nhà người ta xin uống vài ngụm, nhưng rồi làm biếng, ngài ngại nên thôi. Nó cần nghỉ mệt năm, hoặc mười phút rồi tiếp tục lên đường, qua hai con dốc, đi một đoạn nữa là đến nhà ông nội. Ngay khi ấy, trên con dốc xuất hiện bóng người. Thằng Thạch nhướng mắt lên nhìn kỹ, thấy là đến hai người. Hai người nhưng chỉ chung một bóng dưới chân, vì người nọ đang cõng người kia trên lưng. Nó ngạc nhiên khi nhận ra đó là hai thằng con trai cùng trang lứa với mình. Cái thằng cõng mặt mày đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, vậy mà vẫn tươi tắn nét mặt, nói cười chuyện gì đó với cái thằng trên lưng mình, cứ y như đang cõng một cục bông gòn nhẹ hều vậy. Hai thằng nhìn thấy thằng Thạch, vội im tiếng. Thằng Thạch đứng lên, tò mò hỏi:"Đang chơi trò gì vậy?". Thằng cõng dừng chân, hỏi lại:"Chơi trò gì đâu?", rồi không đợi thằng Thạch nói gì, cõng thằng trên lưng bước vào chỗ bóng mát dưới cây gòn, nơi thằng Thạch vừa rời khỏi chỉ ba bước, nói:"Nghỉ mệt chút đã rồi đi tiếp!". Thằng Thạch trố mắt nhìn lại, kêu trời trong bụng khi biết mình tưởng lầm, nó cứ tưởng hai thằng chơi cá độ nhau gì đó, rồi thằng thua phải cõng thằng thắng, không ngờ… nó" sai lầm nghiêm trọng". Thằng được cõng bị bại liệt cả hai chân, vừa được thằng cõng đặt nhẹ xuống đất. Thằng Thạch thấy trên lưng thằng được cõng có mang một chiếc cặp to đùng, căng phồng, chứng tỏ hai thằng này đang đi học chứ không phải đi chơi vào ngày thứ bảy như mình. Định đi, nhưng động lòng trắc ẩn, biết mình khi nãy hỏi một câu thật sơ suất, nên thằng Thạch bước lại nhìn hai đứa đang ngồi nghỉ mệt dưới đất, nói rất chân tình:"Cho mình xin lỗi hai bạn nhé!". Thằng cõng bạn cười thật vô tư:"Lỗi gì đâu mà xin?". Thằng Thạch bước đến gần hơn, từ từ ngồi xuống, ngắm cho kỹ lại cả hai đứa kia, rồi mới hỏi:"Bạn cõng bạn kia đi đâu vậy?". Thằng cõng bạn tỉnh bơ:"Đi học. Học thêm ở nhà cô!". Thằng Thạch bị lôi cuốn, hỏi tới:"Học thêm à? Nghĩa là hằng ngày vẫn đi học bình thường?". Thằng bị liệt hai chân nói:"Chớ sao. Hằng ngày đi học, từ nhà đến trường gần ba cây số, nhờ bạn Ngọc này cõng suốt từ năm lớp 1 đến bây giờ đó!". Rúng động trong lòng đến lạnh mình, thằng Thạch trợn mắt lên:"Hai bạn bây giờ đang học lớp mấy?". Thằng Ngọc tự hào:"Lớp 8!". Nhẫm tính trong đầu, thằng Thạch rợn da gà, hỏi:"Vậy… chẳng bạn đã cõng bạn mình đi học suốt 8 năm qua sao? ". Thằng bị liệt gật đầu:"Đúng rồi. Tám năm rồi, nếu không có bạn Ngọc này thì… tui đã mù chữ, không biết trường lớp là gì, và ở nhà quanh năm vô tích sự…". Thằng Thạch bị cuốn hút, ngồi bệt xuống, ngắm nhìn đôi bạn trước mắt đăm đăm không chớp để tin rằng nó không phải nằm mơ, không phải đang đọc truyện hay xem phim, mà là chuyện có thật bằng xương bằng thịt có thể rờ rẫm được. Nó ngồi đó, hỏi han, lắng nghe đôi bạn thân thiết hiếm hoi trên thế gian này kể cho nghe những tình tiết vô cùng xúc động, vô cùng cảm kích đến rơm rớm nước mắt. Toàn, tên thằng bị tàn tật, bị liệt hai chân sau cơn sốt hiểm nghèo từ lúc mới 18 tháng tuổi, nhà quá nghèo nên cha mẹ không chạy chữa nổi cho con. Lớn lên, Toàn mơ ước được đến trường học hành như bao đứa trẻ cùng thôn cùng xóm, nhưng gia cảnh nghèo hèn và đôi chân tật nguyền đã không cho phép Toàn thực hiện ước mơ ấy. May nhờ có Ngọc, người bạn trong xóm, biết bạn mình ham học bèn tự nguyện cõng bạn đến trường hằng ngày, hai lượt đi về đều đặn, dù nắng cháy hay mưa dầm cũng không bỏ một tiết học nào, cứ vậy suốt tám năm qua. Ngọc là học sinh giỏi, Toàn thì tiên tiến suốt từng ấy năm học, khiến cho bạn bè phải kính nể sát đất, thầy cô ngợi khen hết lời, và thiên hạ phải nghiêng mình khâm phục. Thằng Thạch không kềm được nước mắt, cổ họng nó dường như bị ai bóp nghẹt, không còn muốn đứng lên để đi tiếp chặng đường còn lại đang chờ nó, cứ muốn ngồi bên đôi bạn tuyệt vời đang hiển hiện ngay trước mắt mũi mình để hàn huyên tâm sự. Nhưng đã hết giờ nghỉ ngơi, Ngọc quay sang nói với thằng Toàn: "Đi thôi, kẻo cô chờ lâu, cô la!". Thằng Thạch tiếc nuối, nắm lấy bàn tay của thằng Ngọc, run run giọng:"Cảm ơn hai bạn về cuộc chuyện trò vừa qua, mình mong rằng sẽ có ngày gặp lại được hai bạn…". Thằng Toàn cười:"Tụi mình cũng rất vui khi kết bạn với một người bạn ở thị thành. Hẹn ngày tái ngộ!". Thằng Ngọc xốc bạn lên lưng. Không hiểu sao, thằng Thạch lại chặn đôi bạn lại, hỏi: "Ước mơ của bạn ngay bây giờ là gì?". Thằng Ngọc cười, đáp ngay không lưỡng lự:"Ước gì có chiếc xe đạp để chở Toàn đi học cho mau, và đỡ vất vã hơn!". Nhìn thằng Toàn, thằng Thạch lập lại câu hỏi:"Bạn ước mơ gì trong lúc này?". Cũng chẳng chút đắn đo nghĩ ngợi, thằng Toàn nói ngay: "Ước gì mình có được đôi chân mạnh khỏe, còn không thì có chiếc xe lăn để đi học, không bắt bạn Ngọc phải chịu khổ nhọc như bao năm qua, và như bây giờ nữa". Đứng nhìn theo đôi bạn bước xa dần, khuất sau vườn cây xa xa, thằng Thạch bần thần, vò đầu bứt tóc mình cho thật đau rát, tự mắng chửi bản thân những lời nặng nề độc địa, rồi vừa kéo lê đôi chân nặng trình trịch vừa đi vừa khóc rưng rức…

… Sà ngay vào lòng ông nội, thằng Thạch không nói nên lời. Ông nội nó lo lắng:"Có chuyện gì? Cháu về đây làm gì?". Thằng Thạch nói:"Cháu về thăm nội, vậy thôi!". Vậy thôi, nó ở lại chơi ba buổi với ông nội, rồi mang một ít trái cây về làm quà cho mẹ. Về đến thành phố, nó yên tâm, chắc chắn ông nội sẽ làm theo lời yêu cầu tha thiết của nó trước lúc nó chia tay: tặng cho thằng Ngọc một chiếc xe đạp, và thằng Toàn một chiếc xe lăn dịp Tết…
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/01/2013(Xem: 10743)
Cận cảnh tượng cụ Nguyễn Du bằng gỗ gù hương khủng ở Việt Nam
01/01/2013(Xem: 5604)
Ngày tôi còn học Y Khoa, ở khu Sản khoa thời đó ở miền Nam Việt Nam chỉ cho phép làm “abortion therapeutique”, với chữ ký cuả 3 vị Thầy đồng ý phải bỏ thai nhi để cứu mạng sản phụ. Và đây là chuyện rắc rối mà tôi đã gặp phải sau 1975 Anh chị M., đối với tôi là một cặp vợ chồng có tư cách rất đáng qúy, tôi luôn xem hai người như anh chị ruột của mình. Anh M., một Phật tử thuần thành, lớn hơn tôi 10 tuổi, tốt nghiệp đại học bên Pháp, là một người sống nhiệt thành vì lý tưởng, lập gia đình trễ, từng giữ chức vụ khá lớn thời Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1980, khi mới ở tù cộng sản ra, tôi là người đưa chị M. đến nhà thương sanh con gái đầu lòng – cháu Phương Thanh (tên đã được thay đổi, không phải tên thật)
28/11/2012(Xem: 6968)
Nam Tuyền chém mèo (Nam Tuyền trảm miêu)[1]. 南泉斬猫 Bản tắc: Hòa thượng Nam Tuyền[2] nhân việc các học tăng ở đông đường và tây đường cứ tranh cãi nhau vì một con mèo, mới nắm ngay nó tại chỗ và giơ lên, nói: -Nếu có ai trong các ngươi nói được một câu nào, ta sẽ tha mạng con mèo. Bằng không, ta sẽ chém nó cho coi. Chư tăng không ai đáp lại được. Rốt cục, không còn cách nào, Nam Tuyền chém con mèo. Tôi hôm đó, đại đệ tử của ông là Triệu Châu ở ngoài về. Nam Tuyền đem chuyện vừa xãy ra kể lại. Lúc đó, Triệu Châu mới tháo đôi dép cỏ mang dưới chân đội lên đầu và ra khỏi phòng. Nam Tuyền thấy thế mới bảo: -Nếu ngươi lúc đó có mặt thì nhất định con mèo không đến nổi chết.
23/11/2012(Xem: 3301)
Tôi đang loay hoay quét mạng nhện trên trần nhà, chuẩn bị một cuộc tổng vệ sinh nhà cửa để đón cái Tết cổ truyền, chào mừng năm mới theo lệnh của cha. Út Huy đi học về lúc ấy, mặt chằm quằm một đống, liệng chiếc cặp lên chiếc ghế salon... rồi ngồi phịch xuống kế bên, thở dài nghe não ruột. Tôi ngưng tay chổi ngó nó từ đầu tới chân. Nó lấm la lấm lét nhìn tôi, lúng búng: “Anh Ba... anh Ba...” Đưa mắt nhìn nghi ngại, tôi bắt gặp ngay chuyện không vui. Hơi lo, tôi làm bộ hỏi: "Thì tao là anh Ba đây, có gì là lạ đâu? Mày sao vậy? Sao mà... như bị mất hồn vậy?” Chừng như thằng nhóc chỉ chờ tôi hỏi vậy, nói ngay: “Lão thầy đánh em, anh Ba à!” Tay nó xoa lấy mông, nước mắt lưng tròng.
09/11/2012(Xem: 6106)
Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng. Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không.
01/11/2012(Xem: 14553)
Tu sĩ vẫn không quay lại, đôi bàn tay với những ngón tay kỳ diệu bật lên dây đàn, mắt nhìn ra khung cửa tối - biển âm thanh xao động rồi ngưng lắng một lúc...
01/11/2012(Xem: 13764)
Khi Phật đã thành đạo và thành lập giáo đoàn với năm vị đệ tử tì kheo đầu tiên tại vườn Nai, mọi người dân Ấn vẫn chưa biết gì về Phật. Đến lúc giáo đoàn đông dần, và các vị đệ tử đầu tiên đã có đầy đủ khả năng và đạo hạnh để tự mình đi hành hóa các nơi, thì người ta mới bắt đầu nghe nói đến “Phật"! Cho đến gần một năm sau, khi Phật thu phục được ba anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, tiếp đến là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, và sau đó không lâu là Đại Ca Diếp, thì tiếng tăm của Phật mới thực sự vang khắp bốn phương, trong triều ngoài nội ai ai cũng biết!
17/10/2012(Xem: 17263)
Đa Văn từ lâu được nổi tiếng là nghe nhiều, nhớ giỏi. Hôm kia, chẳng biết suy nghĩ được điều gì mà chú hăm hở chạy vào gặp nhà sư, lễ phép và khách sáo nói...
10/10/2012(Xem: 11049)
Không hiểu tại sao người ta gọi con vật ấy là chó. Cái tên này không gây nên một ấn tượng đẹp theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhất là đối với tôi, một người không mấy ưa loài động vật này. Lý do, có lẻ từ một kỷ niệm thuở mới lớn.
21/09/2012(Xem: 4193)
Vừa rẽ vào đường hẻm nhỏ, chỉ một đoạn ngắn, chiếc xe Honda ngừng lại, tắt máy. - Đây rồi. Lữ khách ngồi sau xe bước xuống, lập lại lời người lái xe: - Đây rồi! Có phải đây là nơi chốn đã đến, đã biết đâu, mà sao xác nhận như đã từng!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]