Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những ngày Mậu Thân

28/08/201016:48(Xem: 4361)
Những ngày Mậu Thân
mau than
(Dân chúng chạy loạn trong Tết Mậu Thân)


Tết Mậu Thân 1968, một cái Tết mà Việt Cộng tràn về quá bất ngờ, tôi không thể tin rằng đó là sự thật.
Mồng Một Tết vẫn ăn Tết sắm sửa bình thường. Nhà tôi ở lầu 2 trường Đồng Khánh vì tôi làm Giám Học tại trường này, bên hông là Tòa Hành Chánh và Lao xá Thừa Thiên - nơi giam giữ nhiều tù binh Việt Cộng. Cả ngày vẫn tấp nập bà con tới lui thắm viếng, chiều lại còn có con của các nhân viên trong trường đến thăm chuyện trò hàn huyên vui như ngày hội. Tối đến cả nhà còn bàn nhau nên đi ngủ sớm để ngày mai xuống phi trường đón gia đình người anh chồng về Huế ăn Tết.
Trong sân trường có một nhà chơi (préau) rất rộng, đêm đó tôi nghe vang cả tiếng hát hò, cứ nghĩ rằng năm nào cũng vậy, lính đóng quân ở đây để bảo vệ an ninh cho thành phố trong dịp Tết, có ngờ đâu Việt Cộng đã tràn về chiếm đóng đầy cả ngôi trường rồi.
Sáng mồng 2, riêng mình tôi dậy sớm lo nấu nước pha trà để cúng Ông Bà. Vừa xuống bếp mở một cánh cửa sổ thì một viên đạn bay vèo xuyên thủng cánh cửa còn lại – giàn bếp này đối diện với Lao xá Thừa Thiên, khiếp đảm quá, tôi chạy vào lùa 3 đứa con cùng bà Vú vào trốn hết trong phòng ngủ của chúng tôi. Tiếng súng đã bắt đầu nổ dồn, đằng sau các dãy nhà phía tầng trệt nổi lên những tiếng khóc càng ngày càng lớn dần, thì ra đó là nhà của chị Bạch Mai, một nhân viên của trường. Một viên đạn khác xuyên thủng cánh cửa lớn phòng ngủ rơi ngay trên nóc mùng, vậy là cả nhà đành chun vào cái giá gỗ dài treo quần áo rồi lấy nệm phủ lên làm hầm trú ẩn. Nghe tiếng súng nhưng lòng vẫn còn hoang mang, chưa biết sự thể như thế nào, tôi bèn hé mở cánh cửa sổ nhìn xuống sân trường, trời ơi! tưởng chừng như đất trời sụp đổ, ước gì đất dưới chân tôi cũng sụp luôn có lẽ còn đỡ khổ tâm hơn khi nhìn thấy lính đi toàn dép râu, mang băng tay đỏ với mũ tai bèo! Quá khiếp đảm, không bao giờ tôi có thể nghĩ rằng Việt Cộng đã ở sát ngay bên lưng mình! Thế là từ đó, chúng tôi trốn kín ở trong phòng, không dám cử động mạnh, cứ sợ bên ngoài Việt Cộng nhận biết chúng tôi đang ở trong này thì nguy.
Súng vẫn nổ ran, tôi nghe có tiếng sột soạt ở dưới bếp và ngoài hành lang, rón rén bò ra nhìn qua ổ khóa, trời ơi! chúng đang chiên bánh phồng tôm và vì không biết cách chiên nên bánh bị cháy đen cả. Còn ngoài hành lang, một số khác đang ngồi trên cái đu mà ăn mía. Nhà nào Tết cũng dự trữ quá đầy đủ thức ăn nên tha hồ cho chúng vơ vét. Không thể tưởng tượng được chúng tôi đang ở cách Việt Cộng có một bức tường lâu lâu phải rón rén bò ra tủ lạnh lấy thức ăn vào vì 3 đứa con tôi còn nhỏ quá (8 tuổi, 5 tuổi và đứa bé gái mới 3 tháng). Hai đứa lớn lại bị lên ban đỏ, sốt hừng hực, đứa bé gái đói qua khóc vang lên, đành phải bò ra phòng khách lấy nước trong hồ cá để pha sữa. Chúng tôi sống cách biệt với bên ngoài như vậy cho đến ngày thứ tư, ba ngày dài đằng đẳng trôi qua trong kinh hoàng trong khi đạn vẫn nổ đều.
Sáng ngày thứ tư, chúng phá cửa, chĩa súng vào phòng khách sau khi vượt qua được phòng ngủ của các con tôi. Chúng la lớn „Ai còn ở trong nhà phải ra trình diện, nếu không sẽ ném lựu đạn vào“. Nghe vậy, tôi sợ quá vội bế đứa bé gái chạy ra. Nhìn qua khe cửa, thấy cả một họng súng đen ngòm, tôi lật đật rút chốt cửa, chúng hỏi to lên: còn ai ở trong nhà nữa không? Tôi phải khai còn chồng con tôi nữa, nghĩ rằng lúc đó nếu chồng tôi chui xuống gầm giường để trốn thì phiền. Chúng quát tháo nạt nộ om sòm, tôi phải giải thích rằng đạn bắn dữ quá không dám ra vì sợ lạc đạn, mà thật thế hai bên đang bắn nhau không ngừng nghỉ. Việt Cộng đóng quân bên này, bên kia Tòa Hành Chánh và Lao xá Thừa Thiên vẫn còn quân đội của chúng ta trú đóng. Chúng lao vào, các con tôi sợ quá khóc vang lên. Chúng tôi bị đuổi ra khỏi nhà còn chồng tôi bị giữ lại. Tôi viện cớ đạn bắn rát quá chưa dám xuống sân vì chúng đuổi chúng tôi qua dãy nhà trệt phía gần trường Quốc Học. Tôi muốn xem thử chúng đối xử với chồng tôi như thế nào? Về phần chồng tôi thì nghĩ rằng sẽ bị chúng bắt đi nên đã ăn mặc đầy đủ với áo lạnh, nón, áo mưa, thẻ căn cước và một ít thuốc trụ sinh. Tôi chỉ kịp xin cho tôi được mang theo một bình sữa và một cái bình thủy (thermos). Cả mấy mẹ con cùng bà Vú len theo dãy hành lang mà đi xuống lầu, băng qua cả cái sân trường rất rộng trong khi đạn vẫn bay vèo vèo trên đầu, chỉ biết cúi khom người mà chạy. Qua đến nơi đã thấy đầy đủ các gia đình Hiệu Trưởng và nhân viên cùng lao công, chúng tôi đã ôm nhau khóc nức nở và lo cho số phận các ông bị chúng giữ lại. Chúng tôi rủ nhau vào chung một phòng, không ngờ ở đó đã có sẵn một số nhân viên của Tòa Hành Chánh bị chúng bắt, nhìn mặt nhau mà đâu có nói được lời nào! Có một nữ Cảnh Sát mới sinh xong đã dầm mình dưới nước trốn từ hôm qua cũng bị chúng trói cả hai tay, thấy mà đau lòng quá.
Sau đó các ông được thả về, ai nấy đều mừng rỡ đến chảy nước mắt; thì ra chúng bắt các ông đi trước dẫn đường, đến tất cả các phòng học còn lại để kêu gọi mọi người phải ra trình diện hết. Cũng may nhà bác Tỵ lao công ở gần đó nên bác đã nấu cơm cho chúng tôi ăn; không điện, không nước, bác phải xuống sông lấy nước thật là nguy hiểm, chúng tôi mang ơn bác vô cùng.
Đêm đến chúng tôi bị cô lập, một tên Việt Cộng mang súng và lưu đạn ngủ trên một cái bàn chắn ngang cửa ra vào. Tôi sợ quá, suốt đêm không chợp mắt được, một phần hoang mang cho số phận, không biết rồi đây chúng sẽ đối xử với chúng tôi như thế nào, một phần cứ sợ lỡ nó ngủ quên rớt lăn xuống đất rồi trái lựu đạn phát nổ thì sao?! Đã vậy, một anh nhân viên Tòa Hành Chánh kêu than đói quá, không đành lòng, tôi bò rón rén đem đến cho anh một ít cơm, vậy mà sáng ra tôi bị nó phê bình và dọa nạt om sòm. Đến chiều tất cả các nhân viên đó đều bị dẫn đi hết mà không biết chúng đem đi đâu?
Chúng tôi bèn kê các bàn học sinh lại làm hầm trú ẩn, chờ khi bớt tiếng súng chạy về nhà lấy mấy tấm nệm phủ lên. Mới ra khỏi nhà có một ngày mà nhà tôi bị lục lọi tan hoang, một quang cảnh điêu tàn quá đau lòng! Tôi ra đi không lấy được một đồng xu, khi chúng vào chỉ biết chĩa súng la hét, đuổi ra ngay; sau đó chúng đã lục soát và lấy sạch hết. Thế là tôi đã trắng tay khi 32 tuổi với 3 đứa con còn quá nhỏ dại.
Chiều lại, nhìn ra sân lại thấy các nữ tù nhân Việt Cộng bị giam giữ ở Lao xá Thừa Thiên được giải thoát ra, mặc áo quần và mang giày dép của chúng tôi, đùa giỡn như ngày hội.
Trời xứ Huế vào dịp Tết lạnh cắt da, vừa lạnh vừa đói, cả một bầu trời âm u buồn thảm không thể tưởng được! Súng vẫn nổ liên hồi, quân đội Mỹ đóng ở căn cứ Phú Bài lại bắn Canon lên nữa, do đó càng ngày Việt Cộng càng đào nhiều hầm để cố thủ ngay trong sân trường, thấy vậy chúng tôi càng khiếp sợ hơn. Máy bay thám thính của Mỹ lại thả bom Sulfure xuống các hầm này, mỗi lần như vậy hơi S bay vào phòng, khói mù mịt. Chúng tôi bị ngạt thở tưởng chừng như chết đi được, phải lấy khăn tay nhúng vào nước bịt ngay vào mũi mới thở được thôi, có lần tôi tưởng đứa con gái nằm trong tay tôi chết lịm đi vì ngộp. Đêm đến thật khủng khiếp, điện bị cắt đứt hết, nhìn ra ngoài sân tối đen như mực; chúng tôi bị mất hẳn liên lạc với thế giới bên ngoài. Có một điều là ban ngày Việt Cộng làm bộ can đảm, cứ đưa súng lên trời bắn lại máy bay nhưng đêm đến chúng tải thương rần rần ngoài hành lang, vừa hối thúc nhau vừa chửi thề luôn miệng. Xác chết của đồng đội đã đem chôn vội vã sau sân vận động của trường, có xác còn đưa chân ra ngoài mặt đất.
Chúng tôi cứ phải sống dưới làn bom đạn như vậy, suốt ngày đêm tiếng súng không ngừng nghỉ, phần thì đạn pháo từ Phú Bài đưa lên, phần thì tàu chiến của quân đội tiến dần lên từ ngoài sông bắn vào, tâm tư chúng tôi rối bời! Đã vậy chiếc nệm nhỏ phủ quanh đứa con gái 3 tháng bị bốc cháy vì mảnh bom S, may mà tôi kịp thấy nếu không thì tình trạng càng bi thảm đến chừng nào!
Phải nhìn nhận và ghi ơn bác Tỵ, nếu không có bác thì cả 3 gia đình chúng tôi (gia đình bà Hiệu Trưởng và bà Bửu Tiếp – giáo sư nữ công của trường) đành chịu đói khát. Bác đã không quản ngại gian nguy, cứ lặn lội xuống sông mà lấy nước. Bà Vú nhà tôi vừa mới xuống sông rửa chén bát đã bị một viên đạn không biết từ đâu bay vào đến đâm thủng cái soong luôn, từ đó không dám bén mảng xuống sông nữa.
Chúng tôi sống trong trận địa như vậy cho đến ngày thứ 7, đến chiều đạn nổ càng ác liệt hơn nữa. Suốt 7 ngày tôi chỉ biết cầu nguyện đức Quan Thế Âm, bám víu vào đức tin để tự an ủi mình và tôi tin tưởng rằng Ngài Quan Âm lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng tiếng gọi lời xin. Ai đã ở vào tình trạng chờ chết như chúng tôi mới thông cảm được nỗi lo sợ khiếp đảm của chúng tôi như thế nào?
Đạn Canon từ Phú Bài bắn lên như mưa, Việt Cộng không chịu nổi hỏa lực này nên phải làm kế nghi binh cho đồng bọn rút lui. Bọn lính Việt Cộng phần đông mặt mày non choẹt, ốm o xanh xao trông thảm hại quá, đã vậy chúng mặc toàn những bộ đồ lính rộng thùng thình. Họ để một tên lính hy sinh ở lại đứng ở góc trường cứ bắn chỉ thiên lên trên, gần chỗ ẩn núp của chúng tôi mới khiếp chứ! Nó cứ bắn từng loạt như vậy để quân đội mình trên trực thăng chỉ nhắm hướng này mà bắn trả trong khi đồng bọn chúng rút dần qua trường Quốc Học bên cạnh.
5 giờ chiều ngưng hẳn tiếng súng, một sự im lặng quá bất ngờ và rùng rợn; tuy nhiên chúng tôi đã vui mừng không thể tưởng được vì biết mình đã thoát chết! Chúng tôi ùa ra khỏi hầm, nhìn ra sân trường thật là một cảnh đìu hiu chưa từng thấy, bầu trời âm u không một bóng người, cây cối bị gãy nằm ngổn ngang. Tên lính Việt Cộng ban nãy không thấy nữa, chỉ còn cái túi xách vứt giữa sân thôi. Phòng bên cạnh cũng đã nghe tiếng nói xôn xao, sau đó họ mừng rỡ chạy sang phòng chúng tôi, tay bắt mặt mừng. Đó là gia đình các nhân viên Tòa Hành Chánh, gặp nhau mừng đến chảy nước mắt, lục cơm nguội cho nhau ăn. Tội nghiệp cho bác gác-dan của Tòa Hành Chánh, gặp chúng tôi bác vừa mừng vừa cho hay là muốn chạy sang đây ở gần chúng tôi để khi quân đội Mỹ đến, có chúng tôi làm thông dịch giùm, chứ không sẽ bị hiểu lầm là Việt Cộng thì nguy. Ăn qua loa một ít cơm nguội rồi mọi người đều lo trở về dọn dẹp vệ sinh hầm trú ẩn của mình; ai ngờ một tiếng nổ long trời lở đất ngay trên đầu chúng tôi, cây đèn néon trên trần nhà và vôi đổ sạt xuống từng mảng lớn tối tăm mù mịt! Chúng tôi chỉ kịp gọi tên nhau xem thử ai còn ai mất, khiếp đảm quá, thì ra một quả đạn Canon từ Phú Bài bắn đuổi theo tụi Việt Cộng đã bay vào cửa sổ trên lầu và nổ ngay trên đầu chúng tôi; may mà có trần nhà chống đỡ, nếu không thì tất cả đã tan xác hết rồi. Đồng thời một tiếng nổ kinh hồn cũng đã nổ ngay ở phòng bên cạnh, một lát sau khi ngưng tiếng súng, tôi bò sang xem thử sự tình ra sao. Trời ơi! một cảnh tượng hãi hùng mà mới nhìn thấy tôi đã oà ra khóc nức nở: cả gia đình bác gác-dan chết hết, đứa con nhỏ đang còn bú bên mẹ, những người còn lại quá kinh hoàng nên sau đó đã kéo nhau ra đi mà không biết đi đâu?
Thấy tình hình như vậy, cả 3 gia đình chúng tôi hoang mang đến tột độ, không biết bây giờ mình phải làm gì? đi hay ở? mà đi thì đi đâu? Có người sợ quá đòi rút về nhà cũ, tức là dãy lầu phía bên kia nhưng tôi đã không đồng ý, thà ở lại đây với hy vọng chờ Mỹ và quân đội đến giải cứu chứ biết lối nào an toàn hơn nữa mà đi, mìn đã giăng đầy khắp lối! Cuối cùng mọi người đều đồng ý chui vào hầm trở lại, thắp đèn cầy lên ngồi chờ và cầu nguyện. Xung quanh vắng lặng im phăng phắc đến rợn người, khi súng nổ liên hồi cũng quá khiếp đảm vì thấy cái chết đã gần kề nhưng khi im tiếng súng rồi cả một sự im lặng bao trùm đến ngạt thở, không một bóng người qua lại ngoài sân. Chúng tôi không khác gì khi lạc tới một hoang đảo, đứt hẳn liên lạc với mọi người, không biết bà con thân thiết của mình giờ ra sao? tâm tư rối bời! Tưởng rằng bấy giờ đã tạm yên thân, đầu óc bớt căng thẳng, không ngờ đúng một giờ sau Canon từ Phú Bài bắn lên tiếp tục, cứ cách 5 phút nghe một tiếng nổ. Nguy quá rồi, Mỹ đang bắn đuổi theo Việt Cộng qua ngả trường Quốc Học mà phòng chúng tôi đang ở chỉ cách một con đường nhỏ nên tiếng nổ nghe càng kinh hồn, tưởng chừng như lồng ngực muốn vỡ tung ra! Cứ mỗi lần nổ, đèn cầy lại phụt tắt, tiếng dội điếng cả tai, đau nhói cả tim! Cứ vậy mà chúng tôi phải chịu đựng suốt đêm, nỗi khiếp đảm không làm sao diễn tả hết được; lúc đó tôi chỉ còn một ước nguyện rằng nếu có chết thì xin cho chết hết cả nhà, chứ đừng để kẻ sống người chết đau lòng lắm! Suốt đêm chúng tôi chỉ biết cầu nguyện cho đỡ sợ, thời gian nặng nề trôi qua quá chậm chạp, không lẽ chúng tôi đã bị bỏ quên ở đây rồi hay sao ?
Khoảng 5 giờ sáng bỗng im bặt tiếng súng, thật như trút được gánh nặng ngàn cân đã đè lên tim, tự nhiên tôi lại mang một niềm hy vọng rằng xe tăng của Quân đội và của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ sẽ đến. Thoát chết, mọi người mừng quá, chuyện trò huyên thuyên, tôi yêu cầu tất cả nên im lặng để lắng nghe, hy vọng sẽ tìm được một lối thoát chứ không lẽ cứ ngồi đây mà chịu đói khát hay sao? Đúng như tôi tiên đoán, một lát sau có tiếng xe đang di chuyển thật; lúc đầu cứ ngỡ rằng mình quá mong ước nên đâm ra giàu tưởng tượng như vậy, không ngờ tiếng động cơ càng rõ dần. Tất cả đều ngồi im phăng phắc mà đợi chờ, bỗng dưng tôi nghe có tiếng gọi: „Cô ơi! Cô đâu rồi ?“. Trời ơi! Tôi lên tiếng trả lời, tất cả chạy ùa ra, một đoàn người đang đi tới, dẫn đầu là con của một nhân viên trong trường, đi sau là Thiếu tá Tố, Chỉ huy trưởng Tiểu Khu Thừa Thiên, và Thủy Quân Lục Chiến US; họ đã vào trường để giải thoát chúng tôi. Cả tôi và Thiếu tá Tố (hiện ở Nam Cali) đã ôm chầm lấy nhau mà khóc, tôi khóc như nước vỡ bờ, còn Thiếu tá Tố cũng vừa khóc vừa kể là đã đứt liên lạc với gia đình cả tuần nay. Thiếu tá còn cho hay khi thấy Việt Cộng đào quá nhiều hầm ở trong trường – do máy bay thám thính của Mỹ mà biết được - Mỹ đòi phải dội bom san bằng luôn nhưng Thiếu Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Vùng, đã khuyên nên cố gắng đánh chiếm lần lần, chứ nỡ lòng nào hy sinh hết chúng tôi hay sao? Thật là số mạng của chúng tôi còn lớn lắm, cái chết kề bên mà vẫn còn tránh được !


dong khanh
 
(Cổng Trường Trung Học Đồng Khánh Huế xưa)

     Thật cảm động khi vào đến trường, gặp ngay gia đình một nhân viên, Thiếu tá đã hỏi thăm và đi tìm tôi ngay. Sau đó chúng tôi đã chạy khắp trường, kêu gọi nhau ra tập trung lại; theo lời chỉ dẫn của Thiếu tá, tất cả đi lần xuống Trung tâm tạm cư là trường Trung Học Kiểu Mẫu ở gần cầu Trường Tiền. Thời gian đó coi như phía bên này cầu đã tạm yêu, Việt Cộng rút lần về trên núi nhưng bên kia sông hai bên vẫn còn đánh nhau nên dễ bị lạc đạn lắm! Đau đớn nhất là có người đã được giải thoát như chúng tôi nhưng chỉ vì đứng chờ tập trung mà cũng bị trúng đạn chết.
Trời mưa và lạnh như cắt vào dịp Tết, chúng tôi như một đoàn tàn binh thất thểu ra đi, trong tay không có gì! Dọc đường tôi phải lượm hai cái nón cối của hai tên Việt Cộng đã chết mà đội cho hai đứa con trai, chúng bị lên sởi mà chưa khỏi, còn đứa bé gái tôi bế trên tay với một cái chăn mỏng ủ lên mình. Xuống đến trường Kiểu Mẫu một quang cảnh điêu tàn của chiến tranh hiện ra trước mắt, trông ai cũng tang thương rách nát tả tơi! Tôi chỉ thường đọc trong sách báo, cũng chỉ mường tượng thế nào là hậu quả của chiến tranh nhưng giờ đây đúng là một bức tranh sống động của địa ngục trần gian, người nào cũng hốc hác xanh xao, thấy nhau chỉ biết khóc vì mừng là đã còn sống sót !
Chúng tôi đến chậm hơn nên các tầng dưới đã hết chỗ, chỉ còn lại trên tầng 3 mà càng lên cao càng sợ bị pháo kích. Bảy ngày đêm đã ở trong bãi chiến trường không ngưng tiếng súng nên bây giờ lại càng sợ chết quá đi rồi, nhưng sợ thì sợ cũng đành chui vào thôi. Gọi là „chui“ vì vào dịp Tết trường đóng cửa hết, làm gì có chìa khóa mà mở nên đành phải phá cửa đủ một lỗ hỏng để chui vào. Nếu bị pháo kích hay trường bị cháy thì cũng đành đạp nhau mà chết vì chen nhau qua lỗ hổng này. Trời lạnh như vậy mà phải ngủ giữa nền xi-măng, mỗi người được phát đồ hộp và một tấm drap bằng giấy mỏng manh.
Mới ở được một ngày thì kho đạn bên cạnh trường bốc cháy, lại chịu đựng thêm một nỗi khiếp đảm kinh hồn, dù chui ra từng người một nhưng cũng phải chui mà chạy, chứ không có đủ can đảm ngồi chờ chết được! Thế là chúng tôi lại chạy về Đập Đá, lang thang một ngày vừa mệt vừa đói lả, cuối cùng đành ngồi dưới các gốc cây chờ ngọn lửa tắt, tiếng nổ dịu dần rồi mới lần mò về trở lại.
Suốt ngày ngồi bó gối vọng qua sông, không biết cha mẹ anh em đang ở phương nào, bây giờ ra sao, ai ngờ gia đình Ba tôi ở gần hồ Tịnh Tâm nên rất yên ổn. Đêm đến không lúc nào ngủ được, đạn trọng pháo vẫn bay vèo vèo ngang đầu, mỗi lần nghe tiếng đạn réo cứ sợ không biết sẽ rơi trúng đầu lúc nào, do đó cứ chui vào tấm drap giấy dù vừa mỏng manh vừa khôi hài như vậy nhưng lòng vẫn thấy yên ổn hơn !
Trời bắt đầu có nắng, không khí bệnh tật đã bao trùm cả khu tạm cư, xác chết chôn gần các giếng nước, chôn vội vã trong sân trường, càng ở lâu càng sợ bệnh dịch sẽ hoành hành! Cái chết đến với kiếp người sao dễ dàng quá, buồn buồn xuống sân nhìn vu vơ qua bên kia sông cũng dễ bị lạc đạn, bao nhiêu hiểm nguy như chờ chực sẵn, không biết lối nào mà tránh.
Một tuần sau có lệnh dời về trường Đồng Khánh vì trường rộng hơn nên dùng làm khu tạm cư. Khi trở về, nhà tôi bị dân chúng chiếm hết, họ chỉ nhường cho tôi một khoảnh trong phòng khách; hành lang, cầu thang đều nghẹt cả dân tản cư. Đồ đạc trong nhà bị phá tan hoang, hình ảnh báo chí sách vở bị xé vứt bừa bãi trong WC. Thế là hết! bao nhiêu vật quý giá, bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ ra nay chỉ còn hai bàn tay trắng. Tuy vậy, tình hình an ninh vẫn chưa yên, mìn vẫn còn gài đầy khắp lối trong trường, đêm đến vẫn còn có người bị trái hỏa châu rơi lủng bụng mà chết.
Ngày qua ngày không biết mình sẽ làm gì, bên kia sông hai bên vẫn còn đánh nhau, đuổi dần Việt Cộng về phía Tây Lộc, cảnh chết chóc vẫn còn tiếp diễn, thật là đau lòng!
Một hôm, xuống bến đò Thừa Phủ để lấy nước, vừa ra khỏi cổng trường tôi thấy một Thiếu tá Mỹđi ngang qua, tự nhiên tôi chợt có ý nghĩ là chạy theo ông này nhờ giúp đỡ cho thoát khỏi Huế. Sự mong ước được rời bỏ Huế đã nung nấu tôi cả tuần nay, tôi muốn thoát quá sức dù bất cứ với giá nào! Nghĩ vậy, tôi liền chạy theo ông ta, đến ngang trường Quốc Học tôi chận ông lại, tôi không dám đứng trước trường Đồng Khánh vì không muốn có người thấy. Tôi xin lỗi vì sự đường đột của mình và xin ông có cách gì giúp tôi thoát khỏi Huế vì tôi không thể sống với Việt Cộng được! Ông hỏi địa chỉ, tôi đã chỉ lối và ông hẹn trưa nay 12 giờ sẽ đến tìm tôi. Trở về nhà, tôi vừa mừng vừa lo, Việt Cộng vẫn còn trà trộn trong khu tạm cư này, nếu thấy tôi tiếp xúc với Mỹ, liệu họ có để cho tôi được yên thân không? Tôi thấp thỏm cả buổi sáng, không ngờ đúng như lời đã hứa, gần 12 giờ tôi nghe có tiếng gọi: „Cô ơi! Có một ông Mỹ đến tìm cô“. Tôi run quá, vừa hé cánh cửa ra đã nhìn thấy ông ta len lỏi từng bước một lên cầu thang, chỉ chờ ông bước sát đến gần cửa là tôi đưa tay lôi vào đóng kín cửa ngay. Bấy giờ ông mới cho tôi hay rằng ông ở Sàigòn ra công tác tại Huế và hiện đang ở tại Căn Cứ Phú Bài, sẽ tìm cách giúp tôi và hẹn hai hôm sau trở lại.
cau truong tien

(Cầu Trường Tiền bị gãy trong Tết Mậu Thân)



Trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề, tôi vẫn cố gắng chạy quanh kiếm một ít thức ăn để làm một bữa cơm mời ông sau hai ngày hẹn. Đúng hẹn ông trở lại, đã lo liệu được kế hoạch đưa gia đình tôi thoát nhưng không thể đi một lần cả 7 người được (kể cả 2 mẹ con bà Vú). Chúng tôi chỉ đáp trực thăng vào Đà Nẵng – như tôi đã yêu cầu – Ông còn muốn giúp đỡ tiền để vào Sàigòn nhưng tôi không nhận, chỉ cần giúp cho gia đình tôi vào đến Đà Nẵng là quý lắm rồi. Thế là tôi cùng 3 đứa con và bà Vú đi trước, đành để chồng tôi và con bà Vú ở lại rồi tính sau, tôi phải đóng vai vợ của Thiếu tá Hy, Chỉ huy trưởng Căn cứ Pháo Binh ở Phú Bài. Điều khó khăn nhứt là phải làm thế nào vào cho được đồn Mang Cá trong thành nội vì trực thăng đậu ở đó. Cầu Trường Tiền đã bị sập hết mấy nhịp, cầu Bạch Hổ chỉ dành cho xe quân đội qua mà thôi, tôi trả lời liều với ông rằng điều này tôi sẽ làm được mặc dầu trong lòng tôi rối như tơ! Ông đã ở lại ăn cơm, xin chúng tôi địa chỉ ở Sàigòn và còn tặng tôi một chiếc nhẫn nạm ngọc xanh rất đẹp, mua ở London. Tôi đã hỏi ông rằng: „Sao gặp tôi mới lần đầu mà ông đã nhận lời giúp ngay, lỡ tôi là Việt Cộng thì sao?“. Ông cười và lắc đầu, trả lời: „Nhìn tôi, ông biết không phải là Việt Cộng“. Ôi! Trong những ngày gian nguy như vậy, tôi đã gặp được một tấm lòng nhân hậu bao la để khi nhìn qua khung cửa sổ, tôi vẫn còn nhận thấy bầu trời xanh hơn, cao hơn và gió vẫn còn hiền hòa mơn man trên các ngọn cây.
Tôi đã chạy ngay xuống Bộ chỉ huy của Đại tá Phiên đóng gần ở Morin, tôi nhờ Đại tá giúp cho tôi một chiếc xe Jeep để vào Mang Cá. Đại tá nhận lời ngay. Thế là đúng ngày hẹn, chúng tôi ra đi vào khoảng 3 giờ chiều, có chồng tôi đi theo đưa tiễn, quang cảnh đường vào Thành Nội thật đìu hiu ảm đạm! Tôi không có thì giờ tin cho Ba tôi hay, ra đi vội vã, hành trang chẳng có gì ngoài cái valise rách nát đựng một ít áo quần vơ vét được; sau này khi hay tin Ba tôi đã khóc quá chừng! Vào đến nơi đã có người ra tiếp đón thật chu đáo và lễ độ, khoảng nửa giờ sau một sĩ quan Mỹ đưa chúng tôi ra trực thăng. Tôi đã sửng sốt đến nghẹn lời, có ngờ đâu chiếc trực thăng này chỉ dành riêng cho gia đình tôi thôi, có nghĩa là chỗ còn dư, có thể đi hết cả gia đình nhưng than ôi! Làm sao chồng tôi cùng đi được khi phải bỏ lại đứa con trai của bà Vú đang ở nhà một mình! Cũng đành cầm nước mắt mà chia tay nhau, ngày mai chưa biết sẽ ra thế nào đây ?
Vào đến sân bay Đà Nẵng, trời đã xế chiều, một chiếc xe Jeep đã đậu sẵn, bên cạnh là một ông Đại úy đứng chào tôi một cách cung kính làm tôi không khỏi cảm thấy ngượng ngùng trong lòng! Chạy được một quãng đường, tôi bèn nói thật ra là tôi không phải bà Thiếu tá Hy và bây giờ ông bỏ xuống bất cứ đâu cũng được. Ông lịch sự trả lời rằng: „dù Bà là ai, tôi vẫn đưa Bà về tận nhà“.
Thì ra, trong cuộc đời tôi vẫn còn gặp được nhiều may mắn và nhiều kẻ có lòng như vậy. Tôi về tạm trú tại nhà người em chồng, lòng vẫn lo lắng cho hai thầy trò còn lại không biết có thoát được không? Không ngờ hai ngày sau cả hai đã trốn trên một chiếc xe tải chở gạo vào được đến Đà Nẵng luôn. Sau đó chúng tôi phải lo phương tiện vào Sàigòn, cũng may ông Thị Trưởng Đà Nẵng lại bà con với người em dâu của tôi nên việc mua vé máy bay cũng không có gì khó khăn, còn tiền thì mượn.
Chúng tôi vào Sàigòn ở tạm nhà người anh chồng, sau đó tôi thuê được một căn gác gỗ nghèo nàn và làm lại cuộc đời mình với hai bàn tay trắng!
Mấy chục năm trời đã trôi qua, bên nỗi vui mừng vì gia đình đã thoát nạn nhưng tôi vẫn còn canh cánh bên lòng nỗi niềm ngậm ngùi chua xót cho những nạn nhân Mậu Thân, trong đó có hai người anh con bác ruột tôi và một ông Dượng nữa.
Hình ảnh cô đơn vò võ của bác tôi, cứ chiều chiều thất thểu ra bờ sông ngồi ngóng các con về - dù con không bao giờ trở lại nữa - vẫn còn đậm nét u hoài trong lòng tôi mãi mãi!
Và cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao vẫn còn có những người chưa chịu nhìn thấy chân diện mục của chủ thuyết Cộng Sản tàn bạo và phi nhân?
Nguyên Hạnh HTD


±±±±±±±±±±±±±±±±±±±±±±±±±±±
 
Thư gửi bạn
Riêng gửi anh N.K.Thiệu
Nha Trang
Anh T. thân mến,
Tôi có thói quen cứ những ngày cuối năm thường thích lật những chồng thư cũ của bạn bè ra đọc lại, thích tìm kiếm dư âm của những tấm chân tình mà các bạn đã ưu ái dành cho tôi. Lá thư của anh vẫn gây cho tôi nhiều bâng khuâng, xúc động và ngậm ngùi nhất!
Anh đã viết: …“Buồn chứ không vui như vóc dáng bề ngoài của Chị. Câu chuyện Chị kể về thời gian thăm nuôi chồng con, tôi xúc động quá; nghĩ đến là xót xa và bái phục! Nhớ lại Mẹ tôi ngày xưa, năm 1971 tôi có viết một bài đăng báo  Sài gòn để ca tụng đức hy sinh tần tảo của mẹ Việt Nam. Tưởng vậy là nói lên được cái phi thường và âm thầm của Mẹ. Nay những gì Chị đã trải qua, xắn cao quần lội qua ruộng lầy, vào chỗ hoang vu chưa có mấy chân người, bao nhiêu gian nan nhọc nhằn mà cũng mạo hiểm, chỉ để đem cho chồng cho con chút ít lương thực, đồ dùng lặt vặt, sức đâu mà mang nhiều cho nổi! Thế thì tại sao Chị không nản lòng quay về mà chịu đủ mọi thứ rắc rối, có khi phải xuống nước năn nỉ nhưng người không đáng cho mình phải chiều chuộng, có đôi chút nhục nhã nữa, cũng chỉ lo cho chồng cho con chút ít quà cáp. Thân gái dặm trường, chỗ sơn lâm cùng cốc, đói khát muỗi mòng, phơi nắng phơi sương, đặt lưng nằm trên đất bầm dập ê chề!
Rồi những tháng ngày bươn chải, buôn bán lăn lóc ở chợ trời, đứng dựa lưng vài hè phố, hy vọng kiếm chút hoa hồng chênh lệch. Toàn là những công việc, những đoạn đường mà từ thời thơ ấu cho tới lúc trưởng thành, Chị không nghĩ mình có thể làm. Bố Mẹ cho con đi học, cũng chưa hề dự liệu một ngày nào đó, con gái mình suốt ngày ngoài đường, ngoài phố, chỗ đứng chỗ ngồi, chỗ ăn giường ngủ đều không có gì ra cái gì. Thế mà Chị đã trải qua, đã từng làm và làm giỏi.
Nay Chị lại về quê, biết là tốn công sức, tốn kém tiền bạc, đi thăm hết bạn bè, bà con làng nước và biết thế nào bà con sẽ réo gọi mà vẫn cứ đi, vẫn cứ đến. Điều gì khiến Chị làm như thế? Phải chăng đó là cái tâm, cái lòng, nói như cụ Trần Trọng Kim là “thiên lương” của con người.
Bà mẹ Suốt chèo đò đưa người qua sông ở Quảng Bình, có đưa bộ đội cũng là khách qua đò được Tô Hữu làm thơ ca tụng. Bây giờ Quảng Bình định bỏ ra mây tỷ để dựng tượng cho Bà, nhưng so với những gì Chị đã làm, đã sống...thì có gì thua đâu?
Tôi biết Chị qua bạn bè, qua bà con bên nhà vợ, nay gặp lại Chị qua hai lần uống cà phê, một bữa cơm chung và nghe Chị nói chuyện, vậy mà Chị đã là một bức tượng trong tư tưởng, trong ý nghĩ của tôi.
Một phút hào hứng hoặc may rủi nào đó, bắn hạ một tên địch hay nhiều tên địch được phong là anh hùng. Còn những việc Chị làm không lẫy lừng nhưng âm thầm và quyết liệt, dũng khí và dũng tâm đã thay đổi biết bao số phận của người thân, của gia đình. Thế gọi Chị là gì? Tôi gọi Chị là anh hùng và trong tôi còn lưu lại hình ảnh Chị đầy vui vẻ, lạc quan, duyên dáng và quyết liệt như một anh hùng với đầy đủ ý nghĩa của từ này...”
Anh T. thân mến,
Tôi vô cùng cảm động vi những lời khen tặng quá ư nồng nhiệt của anh nhưng tôi không dám nhận mình là anh hùng đâu. Quanh tôi còn biết bao nhiêu người đã hy sinh, đã khổ cực và đau thương hơn tôi gấp ngàn lẩn, dù rằng 14 năm ở lại, đời tôi cũng đã quá lăn lóc gian truân. Tôi cũng không ngờ là đã liều lĩnh dám đứng ra đứng chợ trời sau khi làm cô giáo - cái nghề bắt buộc phải gương mẫu để có tiền nuôi chồng con, giúp con cái vượt biên lập lại cuộc đời. Tôi đã dám vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường để tìm những phương thức thành công mới trong hoàn cảnh mới để sống còn và hy vọng sẽ bước tới một tương lai sáng sủa hơn.
Có những lúc tưởng chừng phải buông xuôi ngã gục nhưng nghĩ đến gia đình, đến các con, tôi phải gượng đứng dậy để đưa các con tôi ra khỏi bờ vực thẳm đen tối đó.
Tôi còn nhớ tôi bị bắt vào đêm 30 tết trong khi đi thăm nuôi con đang bị giam giữ vì tội vượt biên. Mỗi lần muốn đi phải ra công an phường xin giấy phép nhưng tôi đâu dám nên đành phải đi chui mà thôi. Lần đó nước bị rút cạn, đò không chạy được nữa đành phải neo lại chờ con nước lên mới tiếp tục cuộc hành trình. Đêm đã khuya rồi màđường đi vào trại còn quá xa, chúng tôi đã bị du kích bắt vì hỏi giấy không ai có. Cả đò bị giam giữ, lùa vào sân cỏ trước đồn ngồi đó chờ sáng mai mới giải quyết.
Thế là trong lúc thiên hạ chuẩn bị đón giao thừa trong tiếng pháo, trong không khí rộn ràng của mái ấm gia đình, chúng tôi thì nằm la liệt giữa sân, ngắm đất trời vu vơ chứ biết làm gì hơn. Ngủ đâu có được với đàn muỗi vo ve như ong vỡ tổ. Đêm càng khuya, sương xuống càng thâm lạnh, nằm co ro úp chiếc nón lên người để tìm chút hơi ấm mong manh nhưng cũng chẳng khá gì hơn. Chính những lúc như vậy, mới thấy thấm thía chua xót cho thân phận mình. Dù không muốn khóc mà nước mắt cứ ứa ra. Cuộc đời tôi so với các bạn cùng lứa không được suông sẻ may mắn. Mẹ tôi mất khi tôi mới lên một tuổi nên tôi luôn mang cảm giác chơ vơ lạc lõng. Tôi cứ ám ảnh mãi với câu nói của ai đó: “Có buồn thì làm nũng với mẹ, chứ ai lại làm nũng với đời!”.
Cho nên bao nỗi lo toan phiền muộn tôi cứ ôm lấy một mình và vì vậy khi gặp nỗi khổ đau ngang trái, tôi chỉ biết âm thầm khóc mà thôi.
Nhưng rồi tôi cũng đã tự nhủ mình phải làm cái gì để hy vọng được thoát ra khỏi đêm ti tăm này. Tôi đã liều đứng dậy vào gặp ông trưởng đồn xin cho chúng tôi được đến trại đưa thức ăn cho thân nhân rồi bị bắt giam trở lại
cũng cam lòng. Không ngờ câu nói liều lĩnh của tôi đã có kết quả quá ư tốt đẹp. Họ tha hẳn chúng tôi tiếp tục lên đường, không gây một khó khăn trở ngại nào hết.
Vậy là đò lại tiếp tục ra đi trong đêm tối đen như mực. Lúc ra sông càng nguy hiểm bội phần. Từng vè lục bình to lớn trôi lều bều giữa sông; đò ngang đò dọc xuôi ngược lẫn nhau, khó thấy đường mà tránh, đụng nhau chìm đò là chuyện thường xảy ra. Vì vậy, mỗi lần đi thăm nuôi, tôi thường nhắn nhủ dặn dò với đứa con còn lại, lỡ tôi đi luôn không về thì sao!
Nhưng rồi, mọi gian nguy cũng đã qua. Trời Phật vẫn còn thương xót cứu vớt tôi cùng gia đình và đưa đến bến bờ Tự Do này.
Cuộc đời tưởng đã tan hoang, mênh mông bất trắc. Vào quê hương mới không biết đứng ở vị trí nào, chỉ muốn tan loãng vào cái thế giới không tên tuổi cho qua ngày tháng. Rồi dần dần mọi điều không như ý lúc ban đầu đã được cải thiện, đã hội nhập được với dòng sông chính của cộng đồng và đời tôi đã bớt lênh đênh chìm nổi.
Anh Thiệu ạ,
Ngày còn đi học, tôi đã từng viết lưu bút mơ ước sau này sẽ có một cuộc sống sôi nổi, sẽ là cây tùng cây bách đứng vững với thời gian. Bây giờ tôi chỉ mong được làm nhánh hoa chùm gởi, góp phần làm đẹp phần nào cho đời và an phận cho đến cuối cuộc đời mình. Ước mơ xưa đã thay đổi; nội tâm tôi cũng đơn giản đằm thắm hơn trước và vẫn tự nhủ lòng: chuyện xưa đã thành chuyện kể, rừng xưa đã khép, những gì không còn nghĩa là nghiệp duyên đã tận. Nếu có nhớ cũng chỉ là để vui chứ không buồn thương tiếc hận nữa. Vấn vương chỉ làm mình thêm khổ mà thôi.
Với tôi, bây giờ khi nghe được một bản nhạc hay, đọc được một cuốn sách vừa ý hay được gặp lại người bạn cũ mà mình đã xa cách hằng mấy chục năm trời cũng đã thấy sung sướng vô cùng! Đời là vô thường. Vô thường mà được như thế này là quý lắm rồi đó!
Vậy thì, xin anh hãy mừng cho tôi.
Thân ái,
Hoàng Thị Doãn München, Đức Quốc
Ý kiến bạn đọc
03/12/201720:06
Khách
Ông Trưởng lúc đó chỉ là chuẩn tướng tư lệnh sư đoàn 1 đóng trong thành mang cá. Không phải tư lệnh quân đoàn ./
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/09/2011(Xem: 11399)
Tôi cảm động, vì sống trong đạo giải thoát tôi đã tiếp nhận được một thứ tình thiêng liêng, trong sáng; một thứ tình êm nhẹ thanh thoát đượm ngát hương vị lý tưởng...
12/09/2011(Xem: 3621)
Hồ Biểu Chánh (1884–1958), tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên; là một nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20. Ông sinh năm 1885 (trong giấy khai sinh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.
11/09/2011(Xem: 12427)
Tôi thức dậy trong một sự yên tĩnh như thế ấy ở Pomona. Tiếng chim hót vang rừng những không thể nói là tiếng ồn. Nó lại càng làm cho sự yên lặng thêm sâu hơn về bề sâu là khác.
06/09/2011(Xem: 10475)
Đóa sen, nếu nhìn dưới kính hiển vi và suy luận theo thiên văn học, là nền tảng của vũ trụ và cũng là một phương tiện giúp ta khám phá vũ trụ.
05/09/2011(Xem: 7456)
Điều tôi muốn là con đường đưa đến sự chấm dứt mọi đau khổ, một con đường đã được khám phá hơn hai ngàn năm trăm năm nay nhưng mãi đến thời gian gần đây tôi mới ý thức được nó.
05/09/2011(Xem: 6206)
Tinh thần Hoa Nghiêm từng dạy một câu rất thâm sâu nhưng chỉ cần lắng tâm là có thể nắm bắt được. Đó là: “Khoảnh khắc chứa đựng thiên thu”. Mỗi phút giây là mỗi thách thức của ta qua sự hiện hữu ở cõi Ta Bà này. Ta phải nghĩ thế nào để có chánh niệm, thở thế nào để có tỉnh thức, sống thế nào để có an lạc. Bước được một bước chân vào Tịnh Độ thì cần gì trăm năm?! Khoảnh khắc đó chính là thiên thu đấy.... Đức Phật là tiêu biểu tuyệt hảo về Từ, Bi, Hỷ Xả. Đó là Tứ Vô Lượng Tâm toàn bích, không một tỳ vết, thể hiện qua suốt cuộc đời thị hiện ta-bà của Ngài.
01/09/2011(Xem: 2746)
Lữ khách một mình trên lối mòn vào thung lũng An-nhiên. Núi rừng trùng điệp miền Bản-ngã-sơn huyền bí, nhàn nhạt ánh mặt trởi trên bóng lá thâm u. Mơ hồ đâu đó phảng phất khói lam ai đốt lau làm rẫy dưới sườn non.
31/08/2011(Xem: 12974)
Cám ơn nàng. Nàng đã đem lại cho ta SỰ THẬT. Nàng đã cho ta thấy cái phi lý của tưởng tượng. Ta sẽ không còn ôm giữ một hình ảnh nào, vì Phật đã dạy: Pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp.
29/08/2011(Xem: 6955)
Cha cô vẫn nói, cô giống mẹ từ chân tơ, kẽ tóc, vừa xinh đẹp, vừa tài hoa. Cha thương nhớ mẹ bao nhiêu là yêu quí cô bấy nhiêu.
29/08/2011(Xem: 14072)
Bàng bạc khắp trong tam tạng kinh điển, hằng hà sa số mẩu truyện, đức Phật thường nhắc đến sự liên hệ giữa Ngài và các đệ tử, giữa chúng sanh và Ngài trong những kiếp quá khứ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]