Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 09: Một Chuyến Du Lịch Không Tốn Tiền

27/06/201311:29(Xem: 3492)
Chương 09: Một Chuyến Du Lịch Không Tốn Tiền


CÁC BẬC CHÂN SƯ YOGI ẤN ĐỘ

Nguyễn Hữu Kiệt dịch thuật

--- o0o ---

Một Chuyến Du Lịch Không Tốn Tiền

“Em sẽ làm gì, Mukunda, nếu cha không chia phần gia tài cho em. Em đã lãng phí cuộc đời một cách vô lý!” anh cả tôi rầy tôi một ngày nọ.

Sau cuộc hành hương tại Banaras vừa rồi, Jitendra và tôi liền đến nhà Ananta, anh tôi vừa được thuyên chuyển từ Calcutta đến thành phố cổ kính Agra. Banh tôi làm chuyên viên kế toán cho Công Ty Hỏa Xa Bengale Nagpur.

-Ananta, anh biết rằng em không trông mong gia tài nào khác hơn là của Thượng Đế!

-Tiền bạc trước đã, rồi sau mới tới Thượng Đế! Biết đâu cuộc đời còn dài!

-Thượng Đế trên hết! Tiền bạc là do Ngài mà có. Biết đâu cuộc đời rất ngắn ngủi!

Câu trả lời của tôi chỉ là ứng khẩu trong một lúc và không có ngụ ý một sự tiên tri nào. Tuy nhiên cuộc đời của Ananta đã sắp kết liễu vì anh ta từ trần sau đó có vài năm, để bước vào một cõi giới mà tiền bạc không còn giá trị gì nữa.

-Cái triết lý đó chắc hẵn là em mới học được ở đạo viện, phải chăng? À, tuy vậy em lại rời bỏ Banaras.

Một sự khoái trá chiếu sáng trong đôi mắt của Ananta; anh ta vẫn nuôi hy vọng đem tôi trở về với gia đình.

-Không phải là vô ích mà em sống tại Banaras! Em đã tìm thấy tại thành phố đó tất cả những gì mà lòng em ngưỡng mộ. Tuy vậy, đó không phải là nhà học giả có thần nhãn, hay con trai ông ta!

Ananta, cười lớn về câu chuyện kỷ niệm đó; anh ta phải nhìn nhận rằng nhà học giả nọ chỉ là một kẻ có nhãn quang tầm thường!

-Chương trình em hiện giờ như thế nào, hỡi nhà tu sĩ đi ta bà?

-Jitendra đang rủ em đi Agra để viếng thăm lăng tẩm Taj Mahal. Sau đó chúng em sẽ đến viếng một vị tôn sư mà em vừa mới gặp, vị này có một đạo việng ở Serampore.

Ananta lo sắp đặt mọi thứ tiện nghi cho chúng tôi tạm trú trong nhà. Tối hôm đó, tôi nhiều lần bắt chợt anh ta ngắm nhìn tôi một cách nghĩ ngợi suy tư. Tôi thầm nghĩ rằng cái nhìn đó hẳn là có ngụ ý gì, chắc là anh ta đang mưu toan một việc gì đây.

Lời giải đáp đã đến ngay sáng ngày hôm sau, vào giờ ăn điểm tâm.

-Như vậy là em không thèm hưởng phần gia tài của cha?

Ananta giả vờ lấy một điệu bộ vô tư để nối lại câu chuyện ngày hôm trước. Tôi đáp với một giọng cương quyết:

-Em ý thức rằng em chỉ trông cậy nơi một mình Thượng Đế mà thôi.

- Nói thì dễ! Cuộc đời sẽ chứng minh cho em biết trái ngược lại. Nếu em bị dồn vào một tình thế nguy cấp không ai giúp đỡ mà chỉ trông cậy vào Thượng Đế thì em sẽ phải đi ăn mày!

-Không khi nào! Không bao giờ em ngửa tay đi xin, khi mà Thượng Đế có hàng nghìn cách để bảo dưỡng cho những đứa con của Ngài, để cho họ không cần phải ngữa tay xin ăn!

-Điều đó chỉ là lý thuyết. Nếu anh thách đố em đem những lý thuyết đó ra thực hành, em có dám không?

-Em nhận cuộc thách đố! Quyền năng của Thượng Đế vốn vô biên.

-Để rồi xem. Ngày hôm nay, em sẽ có dịp xác nhận hay bác bỏ điều anh vừa nói.

Ananta ngừng một lúc rồi nói tiếp với một giọng trầm và gằng từng tiếng:

-Anh định gửi em và bạn em Jitendra đi đến Brindaban, thành phố ở gần đây. Hai em sẽ lên đường mà không có một đồng rupee nào, không được xin ăn hoặc xin tiền ở dọc đường hoặc tiết lộ việc thách đố này cho một người nào biết. Các em cũng không được nhịn đói hay thất cơ lỡ vận ở Bridaban. Nếu sau khi đã thực hiện tất cả những điều kiện đó mà các em trở về nhà anh trước nửa đêm, thì chừng đó anh sẽ là người ngạc nhiên nhất của thành phố Agra này!

-Em nhận cuộc thử thách! Tôi nói không chút do dự.

Như một tia chớp, hiện ra trong trí tôi tất cả những ân huệ tốt lành mà tôi đã được hưởng qua sự can thiệp của Thiêng Liêng; một lần được chữa khỏi bệnh thời khí một cách mầu nhiệm do bức chân dung của đức Lahiri Mahasaya; hai con diều giấy bắt được ngay tại trước mắt Uma do sự cầu nguyện Phật Mẫu tại Lahore; món linh vật an ủi lọt vào tay tôi những giờ tuyệt vọng; thông điệp quyết định của vị tu sĩ lạ mặt ở Banaras, gần nhà của vị học giả Phạn ngữ; cái linh ảnh đức Phật Mẫu, những lời nói từ bi của ngài, sự cầu nguyện đức Phật Mẫu giùm cho tôi qua sự trung gian của đức Mahasaya; sự trợ giúp vào giờ chót trong cuộc thi tú tài; và sau cùng, sự gặp gỡ đức Sư Phụ mà tôi thường thấy trong giấc mộng... Bởi đó, tôi sẽ không bao giờ nhìn nhận rằng những lý thuyết của tôi sẽ tiêu tan khi bị đụng chạm với sự thật phủ phàng!

-Thiện chí của em thật đáng khen!

Anh cả tôi quay lại phía Jitendra, lúc ấy đang trố mắt nhìn chúng tôi, miệng há hốc:

-Còn em nữa, em sẽ đi theo làm chứng và cũng làm nạn nhân luôn thể!

Nửa giờ sau, Jitendra và tôi mua vé xe lửa đi Brindaban. Trong một góc hẻo lánh của nhà ga, Ananta lục soát mình chúng tôi rất tỉ mỉ và lấy làm hài lòng mà thấy chúng tôi không có đem theo tiền bạc, ngoài một cái chăn vận ngang lưng!

Jitendra nhận thấy rằng vấn đề đức tin lấn lướt quá nhiều trên lãnh vực tài chánh, bèn nói:

-Ananta, ít nhất anh hãy đưa cho tôi vài rupees để tôi có thể gọi điện thoại về nhà khi có việc cấp bách.

- Jitendra! Tôi kêu lên vói một giọng trách móc. Tôi sẽ từ chối không chịu nhận cuộc thử thách này nếu anh đem theo dẫu rằng chỉ có một xu!

-Tiền bạc kêu rổn rảng trong túi sẽ có tác dụng chấn an tinh thần!

Bạn tôi nói xong liền im bặt khi thấy tôi nhìn y với một vẻ mặt nghiêm khắc.

-Mukunda, em đừng cho rằng anh quá tàn nhẫn trong cơn thử thách này.

Ananta hơi dịu giọng. Có lẽ anh ta cảm thấy hối hận, hoặc vì chuyện gửi hai thanh niên không tiền bạc đi đến một thành phố xa lạ, hoặc vì anh ta thiếu hẳn đức tin. Anh ta nói:

-Nếu do sự may mắn, hoặc do ân huệ thiêng liêng là em thắng cuộc thách đố ở Brindaban, thì anh hứa sẽ tôn em làm thầy.

Đề nghị lạ thường này cũng tương xứng với tình trạng hi hữu lúc ấy. Trong một gia đình Ấn Độ, người anh cả không bao giờ chịu khuất phục trước một người em; y được các em tôn trọng và vân lời tuyết đối theo tục lệ quyền huynh thế phụ. Nhưng lúc ấy không phải là lúc nói nhiều, vì chuyến xe lửa đã lăn bánh và bắt đầu chạy.

Jitendra giữ một im lặng nặng nề trong khi chuyến xe lửa nuối cây số trenn đoạn đường dài. Sau cùng, y tự chủ được mình, nghiêng về phía tôi và véo tôi một cái rất đau trên bắp đùi:

-Hình như Thượng Đế có vẻ không nghĩ đến bữa cơm chìêi của chúng ta!

-

Anh hãy an tâm. Thượng Đế luôn luôn che chở chúng ta.

-

Anh có ý định nhắc nhở cho Ngài mau lên một chút chăng: Tôi cảm thấy đói lắm khi nghĩ đến việc gì sẽ xảy ra. Tôi rời khỏi Banaras để viếng lăng tẩm Taj Mahal chứ không phải để xây mả của tôi tại đó!

-Hãy can đảm lên, Jitendra! Lát nữa chúng ta sẽ đến viếng thành phố Brindaban từng nổi tiếng vì nhiều phép lạ đã xảy ra tại đó. Tôi cảm thấy không còn gì sung sướng hơn là bước chân lên mảnh đất đã được thánh hóa bởi đức Lord Krishna.

Xe ngừng tại một nhà ga, toa xe của chúng tôi mở cửa, có hai người hành khách mới bước vào. Trạm sắp tới đây cũng sẽ là trạm cuối cùng.

-Này các bạn, các bạn có bạn bè quen thuộc ở Brindaban không?

Người hành khách ngồi trước mặt có vẻ rất chú ý đếng chúng tôi. Tôi quay mặt đi chỗ khác:

-Xin lỗi, ông hơi tò mò nhưng việc ấy không can dự gì đến ông!

-Chắc là các bạn rời bỏ gia đình để đi tầm đạo? Tôi cũng vậy, tôi là người rất mộ đạo. Tôi thấy có bổn phận lo lắng cho các bạn không thiếu thốn thứ gì, và tìm cho các bạn một nơi trú ngụ dưới ánh mặt trời nóng gắt.

-Thưa ông, ông không cần phải lo cho chúng tôi, ông rất tốt bụng, nhưng ông đã lầm mà tưởng chúng tôi là những kẻ trốn gia đình.

Đến đây, câu chuyện đứt ngang. Đoàn xe lửa ngừng tại nhà ga. Khi Jitendra và tôi vừa bước chân lên bến, hai người hành khách mới quen trên toa xe cùng nắm tay chúng tôi và gọi một cỗ xe ngựa.

Chúng tôi ngừng trước một đạo viện rất đẹp giữa một vườn cây xinh tươi và vun quét sạch sẽ tươm tất, những cây to lớn sầm uất tỏa bóng mát rợp trời. Hai người đồng hành với chúng tôi hẳn là những khách hàng quen thuộc: một người gia bộc tươi cười lễ phép đưa chúng tôi vào phòng khách. Một bà mệnh phụ đứng tuổi, cốt cách trang trọng cùng bước vào ngay khi đó.

-Thưa ni trưởng, hai vị hoàng thân không thể đến được. Một người đồng hành của chúng tôi thưa với bà ni trưởng của đạo viện. Chương trình của hai vịđã bị thay đổi vào giờ chót; hai vị có nhờ chúng tôi chuyển đạt tất cả sự hối tiếc của các ngài. Nhưng hôm nay chúng tôi có dắt đến hai người khách. Khi chúng tôi nhìn thấy họ trên xe lửa, tôi cảm thấy ngay rằng họ là những người mộ đạo hành hương.

Nói xong, hai người bạn mới vừa đi ra cửa quay lại phía chúng tôi:

-

Thôi chào các bạn! Chúng ta sẽ gặp lại nhau, do ý muốn của Thượng Đế!

Bà ni trưởng nói với chúng tôi với một nụ cười của bậc hiền mẫu:

-

Chào hai vị tân khách, hai vịđến thật đúng lúc, tôi cũng đang chờ đợi hai vị hoàng thân là những ân nhân của đạo viện. Thật bẽ bàng đến bực nào, nếu phải ra công làm bếp mà lại không có khách đến chiếu cố!

Những lời nói đầy hứa hẹn này có tác dụng gây xúc động manh đối với Jitendra, y bèn khóc sướt mướt. Thay vì chết đói, y lại gặp tại Brindaban một bữa tiệc sang trọng! Việc ấy thật quá sức trông đợi của y. Bà ni trưởng nhìn y với cặp mắt ngạc nhiên nhưng không nói gì. Có lẽ bà ấy đã từng quen thuộc với những cơn “dở chứng” của bọn thanh niên?

Bữa ăn đã sẵn sàng. Bà ni trưởng đưa chúng tôi vào một phòng ăn phảng phất mùi vị ngon lành thơm phức và lui vào nhà bếp ở gần bên.

Tôi đợi đến lúc ấy mới véo một cái thật đau vào bắp đùi non của Jitendra như y đã véo tôi trên xe lửa:

-Thế nào, ông bạn vô tín ngưỡng? Thượng Đế quả thật có nghĩ đến chúng ta, và lại không trễ giờ tí nào đấy chứ?

Bà ni trưởng bước vào với một cái quạt tay bằng tre đan. Bà quạt mát cho chúng tôi theo kiểu Đông Phương trong khi chúng tôi ngồi trên những tấm nệm thêu màu rực rỡ. Những đệ tử trong đạo viện lo dọn ăn và đi lại lăng xăng không ngớt. Từ thuở bé đến giờ, Jitendra và tôi chưa từng ăn bữa nào ngon như thế!

-Thưa ni trưởng, đó thật là những món ăn xứng đáng với bậc đế vương. Tôi tự hỏi khong biết công việc gì cấp bách hơn là bữa tiệc hôm nay đã cầm chân hai vị hoàng thân, quí khách của ni trưởng! Chúng tôi sẽ không bao giờ quên bữa tiệc này suốt cuộc đời chúng tôi!

Lời hứa của chúng tôi với Ananta bắt buộc chúng tôi phải im lặng, nên chúng tôi không thể giải thích cho ni trưởng biết rằng chúng tôi còn biết ơn ni trưởng gấp đôi. Nhưng sự thành thật của chúng tôi đã quá rõ rệt. Khi chúng tôi kiếu từ ra về, ni trưởng bèn ban ân huệ và mời chúng tôi khi nào có dịp sẽ trở lại viếng thăm đạo viện.

Bên ngoài, ánh nắng mặt trời nóng như thêu đốt. Chúng tôi đến ẩn núp dưới bóng mát của cây cổ thụ cadamba ở trước cửa đạo viện. Chúng tôi trao đổi những lời gay gắt, vì Jitendra lại cảm thấy lạc lỏng bơ vơ:

-Anh đã gạt tôi! Bữa tiệc chỉ là một sự may mắn tình cờ mà thôi! Làm sao đi viếng thành phố mà không có một xu trong túi và anh làm cách nào để đưa tôi về nhà?

- Anh quên Thượng Đế chóng thật, sau khi anh đã ăn no đầy bao tử!

Những lời nói của tôi trở nên một sự tố giác: -Con người rất chóng quên những ân huệ thiêng liêng; tuy vậy cuộc đời không phải là không có ít nhất một vài lần mà những lời cầu nguyện của ta được chấp thuận.

-Dầu sao, tôi cũng không quên sự lầm lạc mà tôi đã làm khi tôi chịu đi theo anh!

-Anh hãy im đi, Jitendra! Nếu Thượng Đế đã cho chúng ta ăn no, ắt là Ngài cũng có thể cho chúng ta phương tiện đi viếng Brindaban và trở về Agra!

Đến đây, bỗng có một thanh niên mặt mũi khôi ngô từ đâu rảo bước đi thật nhanh đến gần chúng tôi. Y ngừng bước dưới bóng cây và day về phía chúng tôi:

-Nếu tôi không lầm thì các bạn chắc là những du khách mới đến thành phố này. Các bạn hãy để tôi dẫn đường cho các bạn đi ngắm cảnh.

Một người Ấn Độ không hề tái mặt một cách dễ dàng, tuy vậy, đó chính là trường hợp của Jitendra. Tôi lễ phép từ chối.

-Các bạn hẳn là không có ý muốn đuổi tôi đi chứ?

Người lạ mặt nói với vẻ mặt lo ngại, nó có thể làm buồn cười ở vào trường hợp khác.

-Tại sao không?

-Bạn chính là thầy tôi! Y giải thích với một giọng khẩn thiết:

- Trong lúc tôi ngồi thiền trưa nay, đức Lord Krishna đã xuất hiện đến với tôi trong một cơn linh ảnh. Ngài chỉ cho tôi hai nhân vật đứng dưới gốc cây này mà một người chính là bạn, là Thầy tôi! Tôi đã nhiều lần nhìn thấy bạn như thế trong cơn tham thiền. Thật là một điều rất hân hạnh nếu các bạn chấp nhận sự giúp đỡ khiêm tốn của tôi!

-Tôi rất sung sướng về cuộc hội ngộ giữa ông bạn với chúng tôi hôm nay. Thật là Trời Phật và người đều không bỏ chúng tôi.

Tôi mỉm cười với người bạn và thầm tạ ơn đấng Thiêng Liêng với sự kính dâng hết tất cả tấm lòng thành dưới chân Ngài.

-Các bạn hỡi, xin mời các bạn chiếu cố đến nhà tôi.

-Ông bạn thật quá tốt bụng, nhưng việc ấy không thể thực hiện được vì chúng tôi hiện là khách của anh tôi tại Agra.

-Ít nhất các bạn cũng cho tôi cái hân hạnh được hướng dẫn các bạn đi chơi Brindaban chứ.

Tôi vui vẻ nhận lời. Người thanh niên tên là Prâtp Chatterji, gọi một cỗ xe ngựa. Chúng tôi đến viếng ngôi đền Madanamohana Temple và những nơi thánh điện khác thờ thần Krishna. Trong khi chúng tôi cúng lễ xong ở các đền thờ thì trời đã tối.

-

Các bạn hãy đợi tôi đi mua ít bánh kẹo.

Pratap bước vào một tiệm gần bên nhà ga. Jitendra và tôi đi dạo chơi giữa đám đông người; không khí lúc chiều tối đã mát lạnh. Người bạn mới phút chốc đã trở lại với bánh kẹo và thức ăn.

-

Các bạn hãy hạ cố mà nhận cho món quà mọn này.

Pratap vừa tươi cười vừa cầm đưa cho chúng tôi một cuộn giấy và hai vé xe lửa đi Agra! Tôi âm thầm thành kính cảm tạ Thượng Đế đã ban cho chúng tôi quá nhiều ân huệ thiêng liêng.

Chúng tôi đi đến một chỗ hẻo lánh gần nhà ga.

- Pratap, tôi sẽ chỉ dẫn cho anh pháp môn Kriya Yoga của đức Lahiri Mahasaya, vị Yogi lớn nhất của thời đại hiện kim. Bạn sẽ không cần có thầy vì từ nay pháp môn này sẽ là thầy của bạn.

Lễ nhập môn được hoàn tất trong vòng nửa giờ.

-Pháp môn Kriya Yoga sẽ là món bửu bối của bạn, tôi nói với người học trò mới. Pháp môn rất giản dị này, như bạn đã thấy, có cái quyền năng hối thúc sự tiến hóa tâm linh hồn người chuyển kiếp xuống trần phải trải qua một khoảng thời gian một triệu năm mới có thể thoát khỏi sự trói buộc của ảo giác (maya). Pháp môn Kriya Yoga có thể thu ngắn kỳ hạn đó lại rất nhiều. Cũng như nhà bác học Jagadis Chandra Bóe đã chứng minh rằng sự tăng trưởng của một cái cây có thể được thúc hối mau lẹ vô cùng dưới một tỷ lệ không thể tưởng tượng, thì sự tiến hóa của linh hồn người cũng được thúc hối mau gấp bội phần do khoa học tâm linh. Bạn hãy trung kiên tập luyện pháp môn ấy rồi bạn sẽ đến gần vị Tôn Sư của các Tôn Sư.

Tôi rất sung sướng mà được truyền thụ cái bí quyết của pháp môn Yoga này, mà tôi đã ra công tìm kiếm từ lâu! Prâtp nói với một vẻ mặt im lặng. Sự tác động của nó, vốn có hiệu năng cát đứt mọi sợi dây trói buộc con người với giác quan, sẽ có thể giải thoát cho tôi bước vào những trạng thái sinh hoạt tâm linh cao siêu hơn. Sự xuất hiện của đức Lord Krisna trong cơn linh ảnh thật đã báo hiệu nhiều việc tốt lành.

Chúng tôi đồng ý tịnh tâm trong giây lát, rồi từ từ đi chậm từng bước về phía nhà ga. Tôi sung sớng bước lên toa xe lửa nhưng Jitendra lại khóc sướt mướt. Những lời từ giã đầy ưu ái của tôi và Pratap lại xen lẫn với những tiếng khóc của người bạn trẻ. Một lần nữa, Jitendra lại nổi khùng, nhưng lần này thì lại là với chính mình:

-Tôi còn thiếu đức tin, tim tôi thật sắt đá! Tôi sẽ không bao giờ còn nghi ngờ sự che chở của Thiêng Liêng!

Lúc ấy đã gần nửa đêm. Chúng tôi bước vào phòng ngủ của Ananta. Nhìn thấy chúng tôi, trên mặt y lộ một vẻ kinh hoàng. Lẳng lặng không nói gì, tôi ném cuộn giấy bạc lên bàn.

-Jitendra, hãy nói thật! Các em đã âm mưu những chuyện gì rồi?

Những câu chuyện tường thuật kéo dài, nét mặt Ananta mỗi lúc càng có vẻ nghiêm trọng.

-Định luật cung cầu lại còn có một khía cạnh hành động khác hẳn và tế nhị hơn là anh vẫn tưởng, Ananta nói với một đức tin nhiệt thành mà anh ta chưa từng biểu lộ bao giờ. Lần đầu tiên anh mới hiểu sự thản nhiên của em đối với những của cải vật chất trần gian.

Một lát sau đó, anh tôi khẩn khoảng yêu cầu tôi truyền dạy pháp môn Kriya Yoga cho anh. Thế là chỉ trong vòng một ngày, tiểu sư Mukunda đã phải dảm nhiệm việc nhập môn của hai người đệ tử bất ngờ.

Sáng ngày hôm sau, một bầu không khí hòa hợp chưa từng thấy đã có giữa chúng tôi trong bữa ăn điểm tâm.

Sau khi đã viếng lăng tẩm Tạ Mahal, tôi chỉ còn một điều ước mong duy nhất là đến gặp Sư Phụ tôi. Jitendra và tôi liền đón chuyến xe lửa đi về phía tỉnh Bengale.

-Mukunda, đã từ lâu tôi không về thăm gia đình; bây giờ tôi phải về nhà trước đã, rồi có lẽ sau này tôi sẽ đến viếng đạo viện ở Serampore.

Bạn tôi bản tính vốn do dự không nhất quyết định điều gì, như chúng ta đã thấy, bèn từ giã tôi ở Calcutta. Chuyến xe lửa địa phương sau đó đã đưa tôi đến Serampore, cách mười hai dặm về phía bắc Calcutta, tôi lấy làm ngạc nhiên mà nhận thấy rằng vừa đúng hai mươi tám ngày đã trôi qua từ khi tôi gặp Sư Phụ tôi ở Bnaras. Chính người đã nói trước với tôi rằng: “Con sẽ đến với ta trong bốn tuần lễ!” Tôi hồi hộp đứng chờ ngoài sân tịnh thất của người ở đường Rai Ghat Lane. Lần đầu tiên tôi sắp sửa bước vào cửa đạo viện, tại đây tôi sẽ trải qua mười hai năm tốt đẹp nhất của đời tôi bên cạnh một vị tôn sư minh triết của Ấn Độ.

--- o0o ---


Source: www.tamlinh.net

Trình bày: Nhị Tường

</>
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/11/2010(Xem: 9104)
Thúy Kiều, con của viên ngoại họ Vương, người ở Bắc Kinh. Nàng yêu kiều diễm lệ, có một thái độ phong lưu, tính thích hào hoa, thích âm luật...
13/11/2010(Xem: 3065)
Lam Kiều là một cái cầu bắc trên sông Lam, thuộc tỉnh Thiểm Tây bên Tàu, tương truyền là nơi tiên ở.
11/11/2010(Xem: 3943)
Ngày xưa có một vị lái buôn tên là Kappata. Ông có một con lừa chuyên chở hàng gốm, mỗi ngày ông thường đi một cuộc hành trình dài bảy lý...
10/11/2010(Xem: 3655)
Tôi thăm lại chùa Viên Giác sau nhiều năm xa cách. Lần này không như vài lần về dự lễ Phật Đản, tôi đến với một tâm trạng khác. Đã hơn ba tuần trước đó, kể từ khi gần ngày công bố kết quả cuộc thi Giải Thưởng Viên Giác "Viết Về Âu Châu",
09/11/2010(Xem: 3267)
Núi Na ở thôn Quần Ngọc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Trên đỉnh núi có chùa xưa, tục danh là Tiên am. Phía tả có động thâm u.
09/11/2010(Xem: 2713)
"Giảo thố tam quật" nghĩa là "con thỏ khôn có ba ngách hang". Ý nói: thỏ có ba ngách hang để tránh cho khỏi bị chết...
05/11/2010(Xem: 2518)
Ở xã Trị Nội, huyện Nga Sơn, phía hữu núi Thần Phù có "Bích Đào động" cũng gọi là "Từ Thức động", trong trải rộng rãi mà lại thanh hư, cây cối xinh tốt.
03/11/2010(Xem: 2629)
Nhà Tần (306-209 trước D.L.), đời vua Tần Thủy Hoàng (221-209 trước D.L.) có người con gái họ Hứa tên Mạnh Khương. Chồng của nàng họ Phạm tên Thực, người ở miền Quan Trung nước Sở.
31/10/2010(Xem: 2885)
Đời vua Hán cảnh Đế có người bán dầu tên Bùi Độ nghèo khổ lang thang, được thầy tướng số cho biết sẽ chết đói vì coi tướng mặt có hai đường chỉ...
30/10/2010(Xem: 2848)
Triều vua Lý Thái Tông (1028-1054) nước Đại Việt, Xạ Đẩu không theo lệ cống, thất lễ phiên thần, vua tự đem binh Nam chinh. Xạ Đẩu bày trận ở sông Bồ Chính...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]