Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1. Ngôi chùa Trên núi

21/06/201317:43(Xem: 8734)
Chương 1. Ngôi chùa Trên núi

Hòa Thượng và giai nhân

Chương 1. Ngôi chùa Trên núi

Hòa Thượng Thích Như Điển

Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Ngôi chùa Sắc Tứ Hưng Phước Tự nằm trên một triền đồi thoai thoải, mặt chùa quay ra hướng đông nam hướng về phía biển đông. Lưng chùa tựa sát vào vách núi. Chung quanh là những điện đường ngang dọc, xây theo lối cổ tự ngày xưa. Đây là một chùa bề thế được bao đời chúa Nguyễn sắc phong cho các vị trụ trì tiền nhiệm tại đó. Nên trong lòng ai cũng cung kính nể vì. Lý do là chùa xây dựng rất đúng với thuật phong thuỷ. Do vậy mà đời đời truyền nối ngọn đèn Thiền gần mấy trăm năm mà chưa có một vấn đề gì sơ hở xảy ra.
Sở dĩ được như vậy là từ Hoà Thượng khai sơn cho đến những vị Tăng Cang qua nhiều chặng đường của lịch sử là những bậc tu hành đắc đạo và đạo đức thật trác tuyệt, cho nên trên từ Vua chúa, quan lại dưới đến thứ dân ai ai cũng đều một lòng ngưỡng mộ cung kính. Cũng có nhiều người không thích lắm về cách cư xử của triều đình là dành cho chùa quá nhiều đất đai và nhiều quyền lợi khác nữa. Do vậy mà thỉnh thoảng vẫn có những chuyện thị phi nho nhỏ.
Một hôm dân làng đi lễ và ngày ấy cũng là ngày Hoàng Thân Quốc Thích lên chùa lễ bái nguyện cầu. Trong đám người đi lễ ấy có hai nho sinh áo quần nhu nhã và họ là những người trí thức đương thời, nên cách đối đáp của họ có phần liên quan đến lịch sử. Một người bảo:
- Theo tiện sinh thì vua quan hà tất phải vào chùa lễ Phật. Hoặc giả nên làm chùa tại cung nội hay lập đền thờ riêng tại nhà có lẽ hay hơn.
Người kia đáp:
- Ngay cả chúng ta cũng phải lên đây lễ. Vì chùa đây thiêng; có Sư Cụ trụ trì đạo cao đức trọng, là một bậc tu hành chân chánh nên chúng ta mới đến lễ bái nguyện cầu. Nếu chùa mà nhiều vị trụ trì chỉ lo bái sám, nhiều khi còn bói toán, coi quẻ, xem giò nữa, thì ta đến đó để làm gì chứ đừng nói đến vua quan của triều đình!
- Đại huynh nói phải và chí lý lắm. Sở dĩ chúng ta đi chùa nầy vì cảnh trí đẹp và cũng có cảnh nam thanh nữ tú đi cùng, nên tiện sinh rất hân hoan chờ đón được những ngày như thế nầy. Nhưng tiện sinh có điều không hiểu, kính nhờ đại huynh phân giải dùm.
- Nếu là chữ của Thánh Hiền, thì chắc là đệ hơn huynh; nhưng có điều gì khác thì cứ xin tỏ bày tự sự.
- Nguyên là tiểu đệ nầy hay nhìn thấy vua chúa lễ Phật mà chư tăng ni không theo phong tục nước mình lễ Vua chúa, mà đôi khi vua chúa còn lạy cả chư tăng nữa. Ví dụ như vị Sư Cụ trụ trì chùa Hưng Phước nầy là một?
- Việc ấy đã có sự sắp xếp rõ ràng rồi, thiết nghĩ đệ quên rồi chứ. Đây là nguyên nhân của đầu đuôi câu chuyện:
Khi đức Phật thành đạo dưới cây Bồ Đề tại Ấn Độ, thì kể từ lúc đó mọi người mới biết đến danh từ Phật và vì Phật cũng là người Hoàng Tộc, do vậy các vua quan thuở bấy giờ đến đảnh lễ Phật cũng là việc tự nhiên. Vả lại ở Ấn Độ, họ chia con người trong xã hội ra làm bốn giai cấp, mà giai cấp đứng đầu vẫn là giai cấp giáo sĩ, giai cấp thứ hai mới là giai cấp vua chúa, giai cấp thứ ba là thương nhân, thứ tư là giai cấp bình dân. Lại cũng còn có thêm một giai cấp nữa, đó là giai cấp hạ tiện; chỉ chuyên đi làm đầy tớ cho người, trong khi đó Phật giáo được du nhập vào Trung Quốc và Việt Nam chúng ta đầu tiên chẳng thích hợp mấy vì lẽ đạo Phật chủ trương không bái lễ Quân Vương, khác với đạo Nho của chúng ta, xem vua chúa là cha mẹ của thần dân. Trên vua chúa không có ai nữa cả. Ngoại trừ thiên tử ở trên trời.
- Sao mà đại huynh rành quá! Và còn nữa, - Thế thì tại sao các vị sư lại không lạy vua chúa ở Trung Hoa và nước ta?
- Theo quan điểm và lập luận của Hoàng Huyền thì Sa Môn tức các vị tăng sĩ phải lễ kính Vua; ông ta xuất thân là con của quan Nam Quận Công Hoàng Ôn, thông minh có tài và rất tự hào. Tiếp nối chức tước của cha, Hoàng Huyền cũng thâm hiểu về Phật giáo và sau khi gặp gỡ tổ Huệ Viễn tại Lô Sơn, lúc đầu rất kiêu ngạo; song lúc gặp mặt Tổ đã chí tâm cung kính, sau đó chỉ một câu đối đáp thôi là hoàn toàn kính trọng Tổ. Tuy vậy, cái chất Nho Giáo ăn sâu trong dòng máu Trung Hoa; nên năm 402 sau khi nắm quyền bính trong tay, Hoàng Huyền ra lịnh sa thải Tăng Ni, cho rằng Tăng Ni hư hỏng và làm phát sinh nhiều tệ trạng cần phải thanh lọc, chỉ giữ lại ba dạng Tăng Ni như sau: Một là người có thể giảng giải về kinh điển, xướng nói lên nghĩa lý; hai là người tu hành nghiêm ngặt, giữ giới trọn đủ, thường ở nơi chùa viện; ba là người tu dưỡng trên núi; không làm các chuyện thế gian. Để trả lời cho quan điểm và lập luận của Hoàng Huyền, Ngài Huệ Viễn bảo rằng Sa Môn không cần phải lễ kính Vua như sau: “Những gì trong kinh Phật nói, thường phân làm hai khoa; một là ở trong thế tục mà hoằng pháp; hai là xuất gia tu đạo. Ở trong thế tục thì cái lễ với bề trên, cái kính với tôn thân, cái nghĩa của trung hiếu. Kinh văn đều có nói đến. Ba giáo huấn ấy Thánh Điển dạy rất rõ, sự giáo huấn ấy đồng với luật chế của Vua, là điều phải làm, dường như hoàn toàn khế hợp với nhau về phương diện nầy hoàn toàn không có gì khác, nghĩa là các Phật tử tại gia phải lễ kính Vua, song còn xuất gia vốn như người khách ngoài thế gian nầy hành tích không dính bám vào bất cứ gì. Giáo Pháp mà họ tuân theo là thấu rõ bao tai hoạ luỵ phiền cũng do nơi có thân thể nên chẳng cầu giữ thân nầy là nhằm để dứt hoạ hoạn; biết rành đời đời phải sinh sinh là do nơi thuận theo lẽ biến hoá của đất trời. Thế nên không thuận theo lẽ hoá ấy là cốt để cầu được tông yếu. Cầu tông như thế không thể do thuận hoá mà có được; người xuất gia không coi trọng sự ban ân cho được sống hanh thông khoái lạc; diệt các hoạ hoạn không do nơi bám giữ thân nầy mà thành được; thế nên người xuất gia chẳng vì các lợi lạc được sống ấm no đầy đủ. Lý nầy hoàn toàn ngược lại với thế tục. Đạo và thế tục khác nhau như thế ấy”. Tuy vậy, mặc dù đế triều của Hoàng Huyền chỉ kéo dài đến năm 404 là chấm dứt. Vì Lư Dụ khởi binh công phạt và giết chết Hoàng Huyền. Năm 403, Hoàng Huyền đã chính thức ban chiếu, chính thức chấp nhận cho Sa Môn không cần lễ kính vương giả nữa, vì biết rằng những nhà Nho sau nầy đa phần vua chúa nghe theo; nên Tổ Huệ Viễn đã cho soạn luận “Sa Môn Bất Kính Vương Giả”. Và kể từ đó về sau Trung Hoa cũng như Việt Nam chúng ta, Sa Môn không cần lễ vua chúa mà ngược lại đôi khi vua chúa phải lễ Sa Môn. Ví dụ những ông vua đó là học trò, đệ tử của các vị Tăng Cang, Hoà Thượng[1].
- Quả thật đại huynh là người tinh thông Hán Sử, nhưng còn Huệ Viễn là ai thế?
- Đó là Ngài Huệ Viễn ở chùa Đông Lâm, núi Lư Sơn bên Trung Quốc. Ngài họ Dã, người làng Nhạn Môn, thoạt đầu sư học Nho, năm 21 tuổi xuất gia, thờ Ngài Đạo An làm thầy. Sư thông hiểu giáo lý sâu sắc của Đại Thừa. Bấy giờ ở Tương Dương xảy ra giặc giã loạn lạc, Đạo An phải phân tán học trò. Sư từ biệt Thầy về Kinh Châu qua La Phù, Tầm Dương thấy đỉnh Lư Sơn, cảnh trí thanh tịnh. Sư bèn trụ trì ở mé bắc ngọn núi nầy. Sư đã cùng với Tăng Tục 123 người lập thành Bạch Liên Xã, chuyên tu Tịnh Nghiệp, trước tượng Phật Vô Lượng Thọ. Sư soạn cuốn Pháp Tín Luận, để xướng thuyết Niết Bàn thường trụ, nêu ra luận điểm Sa Môn không cần phải kính trọng hạng vương giả. Sư ở núi Lư Sơn hơn 30 năm, không hề ra khỏi núi, chỉ tiễn khách tới núi Hổ Khê thì thôi. Sư viên tịch vào tháng 8 năm Nghĩa Hy 12 đời nhà Tấn, thọ 83 tuổi.
- Xứng mặt là một đại huynh thuộc hàng Nho Gia của Việt Nam chúng ta đấy chứ! Như vậy ở đầu thế kỷ thứ 5 sau tây lịch, năm 403 cho đến nay, các vị sư đều như thế. Còn riêng Việt Nam chúng ta thì sao đại huynh?
- Như đệ biết đấy, thời ấy Việt Nam chúng ta vẫn còn bị nhà Hán, rồi nhà Tấn, rồi nhà Đường cai trị. Tất cả văn học chữ nghĩa, lễ nghi gì gì đi nữa, đều phải rập khuôn theo Trung Hoa. Do vậy, Trung Hoa sao thì Việt Nam vậy. Thời sau đó, đầu thế kỷ thứ 6, ông Lý Nam Đế khởi nghĩa chống Trung Hoa và chính ông cũng là người đã ở chùa cho nên việc không lạy Vua, ông ta chấp nhận được. Rồi đến đời Đinh, Lê, Lý, Trần v.v….những ông Vua Việt Nam của chúng ta cũng xuất thân từ cửa chùa như Lý Công Uẩn, tức là Lý Thái Tổ đấy, sáng nghiệp ra triều Lý (1010 đến 1222) và đã ăn cơm chùa mòn cả răng; không lẽ ông Vua nầy bắt Thầy mình là Vạn Hạnh Thiền Sư và Lý Khánh Vân lạy mình sao?. Điều ấy chắc hẳn không có. Vì lẽ nội cái đạo Nho cũng đã sai rồi, làm sao nói đến đạo Phật được. Đó là chưa kể những ông Vua cuối đời nhà Lý như Lý Huệ Tông đã bỏ ngôi đi tu, thành đạo hiệu là Huệ Quang. Và đã nhường ngôi cho con là Lý Chiêu Hoàng, trị vì thiên hạ. Sang đến nhà Trần, ông Vua Trần Thái Tông đã chán mùi tục luỵ, cung cấm và vị quân sư Trần Thủ Độ nên nhà Vua mới nói rằng: “Trẫm xem ngai vàng như đôi dép bỏ”. Điều ấy chắc hẳn chẳng phải vì giận hờn mà vì lẽ thấy đời là ảo mộng, cho nên mới vào núi Yên Tử để xuất gia theo Phật, nhưng Quốc Sư Phù Vân thửơ ấy đâu có chấp nhận. Vả lại Trần Thủ Độ đâu có để cho Vua yên. Thượng Hoàng không tu được thì cháu nội của Thượng Hoàng đi xuất gia đó là Vua Trần Nhân Tông. Tức là Điều Ngự Giác Hoàng đấy. Ngài đã nhường ngôi cho con là Anh Tông để đi xuất gia. Và vẫn còn làm lợi cho Tổ Quốc là đem Huyền Trân Công Chúa gả cho Chế Mân và Chế Mân đã dâng hai châu: Châu Ô và Châu Rí đó. Nếu không có Huyền Trân Công Chúa đời Trần, thì nước Việt Nam đâu có Huế và Quảng Nam của chúng ta ngày nay, để rồi mai nầy các Vua triều Lý, nhà Mạc, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, có cơ hội vùng vẫy cho đến tận mũi Cà Mau đến ngày nay. Chưa hết khi Nguyễn Ánh Gia Long thua Nguyễn Huệ Quang Trung phải chạy sang Xiêm La tức Thái Lan ngày nay cầu viện. Nếu không nhờ chư Tăng và Vua Chúa Thái Lan cho ẩn náu vào cuối thế kỷ thứ 18, thì làm sao trở về khôi phục lại quê hương, mà lên ngôi năm 1802 để dựng nghiệp đế. Vì vậy cho nên sau khi lên ngôi, Vua Gia Long Hoàng Đế đã sắc phong dựng chùa Phổ Phước, chùa Khánh Vân, Chùa Cảnh Phước ở Bangkok để cảm cái ân, cái nghĩa cứu giá của Vua Chúa cũng như quân thần trong khi sống loạn ly mà vẫn còn cái hồn gửi về nơi cố quốc.
- Còn Sắc Tứ Hưng Phước Tự là sao đại huynh nhỉ?
- Cái tiểu sinh nầy, ta là Nho sinh, chứ đâu phải tiểu tăng mà cái gì cũng hỏi vậy kìa, làm như Ta là Tiểu Hoà Thượng không bằng. Nhưng thôi nể lời đệ ta trả lời luôn đây. Nhưng nhớ rằng lần sau không được hỏi thêm gì nữa đấy. Chúng ta phải lên ngoạn cảnh chùa và lễ Phật nữa chứ! Chữ Sắc có nghĩa là lệnh. Chữ Tứ có nghĩa là ân phước. Có nghĩa là có lệnh ban ân phước cho chùa nầy. Nhưng ban cho cái gì – Đó là chức Tăng Cang hay Hoà Thượng của các vị Tổ tại đây. Vì vua nể đạo cao đức trọng của chư vị, mà sắc phong như thế, đệ nên nhớ rằng thời quân chủ chỉ có vua là trên, không còn ai trên Vua nữa hết. Còn tên chùa Hưng Phước có lẽ do Hoà Thượng Khai Sơn đặt cho. Còn chùa nầy như đệ biết đấy đã tồn tại nơi nầy qua mấy trăm năm rồi đó. Thôi chúng ta hãy cùng vào chùa đi.
Chùa có năm gian, ở giữa là gian thờ Phật Tổ, A Nan, Ca Diếp đứng hầu hai bên. Phía bên trên cùng thờ tam thế Phật, gồm A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc, và tầng dưới thờ Hoa Nghiêm Tam Thánh Thích Ca Văn Thù và Phổ Hiền. Gian bên mặt từ ngoài nhìn vào thờ Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, và kế bên thờ Hộ Pháp Vi Đà. Gian bên trái đối diện thờ Thế Chí, gian kế tiếp thờ Địa Tạng. Chung quanh tường thờ các vị Bồ Tát và các vị A La Hán. Phía sau thờ Tổ và chư vị Thánh Tăng. Phía trước cửa chánh điện thờ Tiêu Diện Đại Sĩ và Quan Thánh Đế Quân.
- Cả chừng đó Phật và Bồ Tát, đệ muốn cầu gì thì cứ cầu, muốn xin gì cứ xin.
- Nhưng ai nấy cũng đều trầm ngâm cả làm sao biết ai gật đầu chấp nhận mà xin?
- Thì đệ cứ khấn đi, thế nào cũng có sự linh hiển nếu đệ nhất tâm. Nhưng đệ muốn xin gì?
- Làm sao mà đại huynh hỏi điều thầm kín ấy được. Chỉ có Phật Bồ Tát mới biết được lòng của Tiểu Đệ nầy thôi
- Chẳng có gì bí mật cả. Thôi đệ hãy khấn đi
- Nam mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam mô Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam mô Tồi Tà Phụ Chánh Quan Thế Âm Bồ Tát.
- Cái gì mà nhiều Bồ Tát thế! Chẳng thấy khấn nội dung gì cả?
- Từ từ đã đại huynh. Nhưng điều nầy bí mật
- Đoạn khấn thầm Nam mô ….cho con…., như vậy …. Kính mong Ngài…Nếu thành tựu….con sẽ không bao giờ quên.
- Nghe chẳng rõ gì hết
- Thôi thì cứ cho là bí mật đi. Nhưng đại huynh muốn hiểu làm gì. Đây là chuyện riêng của tiểu đệ mà. Thế đại huynh có cầu nguyện gì chưa?
- Sao đại huynh thấy mắc cỡ quá. Người đi lễ quá chừng mà tự nhiên mình là nho sinh cứ vái lạy như thế này xem ra các ả tín nữ phía sau họ cười cho.
- Nếu thế thì đừng đi chùa vẫn hơn.
- Nhưng chùa là chỗ Thiện của làng mà, tại sao mà không đi?
- Thôi chúng ta ra bên ngoài để xem phong cảnh một tý đã
- Người xưa thật có mắt. Vì lẽ gì chùa được gọi là “Tự”? Vì sao có chữ nầy đệ có biết không?
- Đến đây thì đệ cũng bí lối. Kính nhờ đại huynh đã thương thì thương cho trót xin giải nghĩa dùm
- Thôi được nghe đây! Ngày xưa Vua Trung Hoa tiếp các vị sứ thần và các nước chư hầu ở một nơi gọi là “Tự”. Sau nầy cơ ngơi đồ sộ, mới tiếp nơi những dinh cơ khác, chứ ngày xưa tiếp ở chỗ nhỏ thôi, chữ Tự nầy viết gồm hai bộ. Đó là bộ Thổ và bộ Thốn. Bộ Thổ là tượng trưng cho đất, mà đất thì trong nhà Phật cho là vô thường, vì cái gì có hình tướng đều hư vọng cả. Ngay cả thân tứ đại nầy của chúng ta, cũng được cấu tạo bằng bốn chất lớn ấy, theo như lời Phật dạy; đó là: Đất, Nước, Gió và Lửa. Còn một bộ nữa gọi là bộ Thốn mới thành chữ Tự được. Bộ thốn ngoài nghĩa là một tất gồm 10 phân, hoặc sự nhỏ bé; nhưng cũng còn một nghĩa nữa là tất bóng quang âm khá tiếc. Cả hai chữ nầy diễn tả sự vô thường hết; mà ngôi Vua ai chẳng muốn bền vững lâu dài; Nếu dùng mãi chữ Tự thì không lâu phải thay đổi triều đại. Do đó từ đời Nhà Hán trở đi ở bên Trung Hoa, chữ Tự chỉ để cho chùa dùng và còn thêm vào bên sau chữ Miếu nữa, để trở thành một danh từ mà nơi đó chỉ thờ Phật chứ không phải của Vua.
- Còn Việt Nam thì sao?
- Các đời Vua hậu Lê của chúng ta cũng tiếp các sứ thần ngoại quốc tại chùa. Vì lẽ chư Tăng là những người hay chữ, có thể giúp cho Vua Chúa và các quan, bút đàm bằng chữ Hán dễ dàng hơn. Do vậy mà tiếp ở chùa. Nhưng chùa ở đây là chùa Quán Sứ. Chữ Quán Sứ nghĩa là nơi các sứ thần ở lại. Chữ quán được viết chung hai bộ là bộ quan và chữ xá. Như vậy đúng ý của các Vua hơn; nên chữ Quán dùng từ ấy đến nay. Sau nầy khi kinh đô triều Nguyễn dời vào Thuận Hoá, rồi thì chùa Quán Sứ tại Hà Nội do chư Tăng ở, chứ Sứ của các nước khác, không còn đến để trú tại đó, để được Vua tiếp nữa.
- Quả thật Việt Nam cũng hay đấy chứ đại huynh nhỉ!
- Coi chừng cái đuôi của Nho sĩ bị loài ra, và người đời xem thấy chướng lắm đấy! Làm sao cho bằng Phật giáo thuở bấy giờ. Đệ thấy không! Chùa nào cũng lầu ngang dãy dọc, điện trước, đền sau còn hơn cung Vua nữa. Còn Vua chúa gì mà cho phải đạo chứ. Có ông như Vua Thành Thái, còn phải vượt thành vào chùa để hỏi ý Hoà Thượng Hải Thiệu nữa đấy. Tuy rằng các vua ấy đều học Nho Học để tiến thân, giữ nghiệp đế cũng như chăn dân trị nước, chứ có ai nhờ Phật học mà thành đâu?.
- Sao mà đệ ganh tỵ với những bậc xuất thế làm gì. Họ suốt đời chỉ tu theo hai chữ “không tướng” trong kinh Kim Cang mà thôi. Có gì đâu mà phải tiếng to tiếng nhỏ. Vả lại từ xưa đến nay trong lịch sử nước nhà, cũng như của Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn và Ấn Độ, đã có rất nhiều ông Vua bỏ ngai vàng điện ngọc để đi tu, chứ chưa thấy một ông Vua nào từ nhà tu, bỏ sự tu hành để đi làm Vua cả.
- Nếu đại huynh nói vậy thì Chu Nguyên Chương triều nhà Minh bên Trung Hoa và Vua Lý Công Uẩn của Việt Nam ta, không phải là những ông Vua xuất thân từ cửa chùa sao?
- Đúng là vậy! Nhưng trường hợp của Vua Lý Công Uẩn là vì triều đình Lê Long Đĩnh quá tồi bại. Nào hoang dâm vô đạo, nào chẻ mía trên đầu sư. Đâu có ai nở lòng nào, nhất là thiền sư Vạn Hạnh “chấn tích trụ vương kỳ”. Nghĩa là chống gậy giữ nghiệp đế cho Vua. Vì lòng dân, vì thời thế, vì vận nước v.v…Vả lại Lý Công Uẩn ở chùa lúc ấy là một việc chẳng đặng đừng. Thế ấy chẳng phải Công Uẩn tự chủ, là vì con rơi nơi cửa Phật, còn ông đâu phải là người có ý xuất gia rồi bỏ việc tu hành để đi làm Vua đâu. Còn Chu Nguyên Chương sáng Tổ của nhà Minh bên Trung Hoa vào thế kỷ thứ 13 cũng thế. Những người bình nam dẹp bắc xưa nay đâu phải lúc nào cũng thắng, mà lúc nguy khốn đâu có ai phò. Chỉ có cửa chùa là nơi che chở. Cho nên người xưa nói rằng: Người ta phù thạnh, chớ đâu có ai phù suy. Khi ân Vua lộc nước tròn đầy, thì kẻ hầu người hạ, nhưng lúc quốc sự nhiễu nhương, lúc ấy mới biết ai trung ai nịnh. Huống nữa là quê ta cũng như Trung Hoa hoặc Tây Tạng, có những người đáng lãnh đạo đất nước, thì việc ấy há có hại gì đâu. Triều Minh bên Trung Hoa, cũng đã 300 năm lịch sử từ thế kỷ thứ 13 đến đầu thế kỷ 17 (1640) chứ đâu có ít và triều Lý Việt Nam của ta cũng vậy thôi. Tuy là ông Vua xuất thân từ cửa chùa, nhưng hết lòng chăn dân trị nước, xây chùa, dựng tháp khắp nơi, từ Hoa Lư đến Thăng Long, đâu đâu cũng thể hiện lòng từ bi cao độ ấy. Vậy thì đạo Phật có hại gì cho nước nhà. Còn đạo Nho của chúng ta thì sao, đệ hãy giở sử lại xem?
- Quả thật là đệ nầy chẳng địch nổi lại đại huynh. Chắc là sau lần nầy đệ phải vào chùa để tương chao kinh kệ, mới có thể hiểu được những điều của đại huynh nói và từ đó cái nhìn của đệ mới có thể khác với ngày hôm nay chăng?
Thế rồi, cả hai đều ra vườn chùa để ngoạn cảnh. Đây là hoa Hải Đường; nọ là Bạch Liên; Hồng Liên đang nở nhụy. Ở bên đồi kia là hoa Thung và hoa Huyên. Đây là hoa Vạn Thọ, hoa Thược Dược. Lại có cả hoa Lan và hoa Điệp. Bấy giờ họ mới thảo luận cùng nhau.
- Hoa Vạn Thọ và Hoa Sen đệ đã biết rồi, còn hoa Thung và hoa Huyên, nghe nói hai hoa nầy tượng trưng cho cha và mẹ; nhưng Nho sinh như tụi nầy chưa hiểu rõ nghĩa lắm. Kính xin đại huynh vì tiểu đệ mà giải bày.
- Chữ Thung viết bằng Hán Văn gồm hai chữ ghép lại. Một bên là bộ Mộc, tức thuộc về cây cối, một bên là chữ Xuân tức là mùa xuân. Ý nói mùa Xuân thì hoa nầy nở.
- Hoa nào chẳng nở vào mùa Xuân?
- Đệ nói như thế là sai rồi. Hoa Cúc nở vào mùa Thu, hoa Mai nở vào mùa Đông.
- Xin đại huynh tiếp đi.
- Chữ Thung cũng có nghĩa là đánh đập nữa. Ý nói người cha còn mạnh khoẻ hay dạy dỗ con bằng roi cây. Do vậy mà chữ Thung dùng để chỉ cho người cha là vậy. Ở Việt Nam mình, tại chùa Hưng Phước nầy như đệ thấy đó có hai loại hoa Thung màu trắng và màu đỏ, đệ thấy đẹp không?
- Đẹp thì có đẹp; nhưng sao nghe đến đánh đập đệ ớn quá! Còn hoa Huyên thì sao?
- Chữ Huyên viết bên trên có bộ Thảo; tức thuộc về cỏ, mà cỏ thì mềm mại phải không đệ? cỏ cũng nở hoa phải không đệ? Bên dưới viết chữ Tuyên có nhiều nghĩa. Nhưng ở đây phải hiểu là bao la to lớn. Vì sao vậy? Vì lòng của mẹ bao giờ cũng bao la như biển cả. Cây nầy tuy là cỏ; nhưng như đệ thấy đó, Hoa lá đều ăn được cả. Trong kinh thi đệ không nhớ rằng, “Uyên đắc Huyên thảo, ngôn thụ chi bối” sao? Nghĩa là sao được cỏ Huyên, tức cây nầy vậy. Cây mọc ở sau nhà phía bắc, tức dùng để chỉ hoa nầy. Nhà phía bắc là chỗ để cho đàn bà ở. Vì thế nên gọi mẹ là Huyên Đường.
- Nhưng ở đây là chùa Hưng Phước chứ đâu phải nhà?
- Đúng là vậy. Ngày xưa ý nói tượng trưng như thế thôi chứ ai mà biết hết được chữ nghĩa của Thánh Hiền. Tuy nhiên, sau khi giải thích rồi, đệ thấy hữu lý không?
- Đúng là đại huynh trí óc thông minh trác tuyệt, mà còn đẹp trai như vậy. Biết đâu hôm nay đi lễ chùa nầy lại chẳng gặp được ý trung nhân!
- Ấy, ấy, đệ đừng nói thế, ta đâu có đi cầu duyên. Trước tiên ta phải cầu cho con đường công danh thông suốt đã, sau đó mới đại đăng khoa chứ.
- Thế còn hoa Lan và hoa Điệp?
- Chữ Lan thuộc bộ Mộc thuộc về cỏ cây, bộ Môn thuộc về nhà cửa và chữ Đông nằm bên trong cánh cửa. Nghĩa là hoa ấy nở ở hướng đông trước cửa nhà. Hoa nầy có nhiều loại. Vì hoa lan thơm lắm, nên dầu thơm gọi là “Lan Du”; còn thứ gọi là Chạch Lan, tức cây nầy trừ được mọt sách. Cho nên nhà để sách gọi là “Lan Tĩnh Vân Các”. Ngoài ra, mùi thơm của Lan, sực nức nên lại dùng để ví dụ với các chỗ tình ý hợp nhau như Lan Giao, ý nói tình bè bạn chơi với nhau rất quý mến cũng có nghĩa là Lan Ngọc, dùng để khen ngợi các con em nhà của bạn. Cũng có cây mộc Lan cao lớn người ta có thể làm nhà nữa.
- Đúng là đại huynh không khác gì quyển tự điển, nhưng chùa tại sao trồng Lan làm gì nhỉ?
- Ở đâu lại chẳng trồng được. Thấy sắc không tham, thấy hương không đắm ấy mới là kẻ tu hành chứ!
- Vậy còn đại huynh thì sao?
- Ta là người trần mắt thịt, chứ đâu phải kẻ xuất thế tìm phương giải thoát cho đời đâu?
- Còn Điệp là thế nào. Theo đệ nghĩ không phải là một loài hoa, nhưng sao người ta vẫn gọi là hoa Điệp.
- Đúng đó! Đệ cũng giỏi chữ nghĩa. Thế mà khiêm nhường. Chữ Điệp gồm có ba chữ ghép lại. Đó là bộ trùng. thuộc loại động vật. Bên trên là chữ Thế, tức ở giữa cuộc đời nầy; Phía dưới là chữ Mộc, tức thuộc về cây cối, ba chữ nầy ghép lại thành chữ điệp nghĩa là con bướm.
- Mà con bướm và hoa khác nhau chứ bộ
- Thì bướm ấy vờn hút nhuỵ, nên mới có bộ Mộc bên cạnh đó, đúng chữ nghĩa phải nói là Hồ Điệp, tên thật hay, nhưng cũng để chỉ cho loài bướm mà thôi. Ở Việt Nam mình từ xưa đến nay, người ta dùng chữ Điệp nầy để gọi bông hoa phượng loại nhỏ hay nở vào mùa hè. Nhất là mùa có ve sầu kêu inh tai nhứt óc đó.
- Nhưng đệ cũng lạ, chùa nầy cũng trồng hoa trà mi nữa. Đệ có nghe người xưa nói rằng:
“Tiếc thay một đoá trà mi,
Con ong con bướm tiếc gì cái hương...”
- Là ý gì vậy, đại huynh?
- À chuyện ấy là chuyện Kiều, nguyên tác được viết tại Trung Hoa, lấy tên là Thanh Tâm Tài Tử truyện, hay Đoạn Trường Tân Thanh, tức là tiếng kêu xé lòng đấy. Truyện nầy được viết vào thời nhà Minh, thế kỷ thứ 14 -15 bên Trung Hoa. Sau nầy cụ Nguyễn Du là một đại văn hào ở nước ta đã làm quan trong ba triều gồm Lê Mạc, Nguyễn Tây Sơn, Gia Long Nguyễn Ánh vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Tiếp đó cụ đi sứ sang Trung Hoa và đọc được chuyện nầy bằng Hán Văn, đoạn đem về Việt Nam và cải biên lại bằng văn vần, dễ thuộc lắm. Truyện Kim Vân Kiều và hai câu thơ ấy ý nói rằng: thân phận nàng Kiều cũng giống như một đoá hoa thơm. Hoa đẹp, hoa trà mi, nhưng con ong con bướm khi hút nhuỵ hoa đâu để ý đến hoa làm gì. Quả thật cuộc đời của người con gái “hồng nhan đa truân” “hồng nhan bạc mệnh” là thế ấy.
- Xin cảm ơn đại huynh và bây giờ chúng ta nên đi qua bên kia để hứng gió. Hình như xa xa có một dòng suối! Nào chúng ta cùng đi.
Cả hai người như là bạn tri âm, tri kỷ. Họ đã tung tăng hết nơi nầy đến chốn nọ trong vườn chùa Hưng Phước hôm nay, vì là ngày lễ nên ít có người để ý đến. Tuy nhiên, những hành tung của họ cũng chẳng ai để ý đến làm gì. Trong chùa ai cũng nghĩ họ là những Nho sinh, đi vãn cảnh chùa thế thôi. Và họ là những người đang say cảnh đẹp của chùa. Biết đâu cảnh thiền môn yên tịnh nơi núi đồi hoang dã nầy sẽ gây cho họ có nhiều ấn tượng tốt về đạo Phật và biết đâu sau nầy họ thi cử đỗ đạt ra làm quan, họ sẽ là những ông quan thanh liêm và nếu chùa chiền có cần gì, thì các ông cũng có một chút cảm tình, chứ không phải đợi đến chết mới hồi đầu quy Phật. Dĩ nhiên tuy họ học Nho; nhưng Phật học họ cũng có nghiên tầm đấy chứ. Nhưng vì lẽ họ chưa nhập thế vào đời, trên con đường công danh thì họ làm sao tu xuất thế được.
- Cảnh ở đây đẹp quá phải không đệ?
- Vậy là đại huynh đã mến cảnh chùa rồi!
- Dĩ nhiên, chùa là cái Thiện của làng ta mà, nhưng kìa đệ xem, nước kia trong quá.
- Không phải đâu đại huynh, vì nước chảy trên đá, và ở đây không có bùn, chỉ toàn là cát nên đại huynh gọi nước trong. Thế khi nước chảy đến bùn thì gọi là nước gì?
- Dĩ nhiên là nước đục.
- Thật ra bản thể của nước, nó không trong mà cũng chẳng đục, vì nó chảy qua chỗ sạch ta gọi nó là trong, khi chảy qua chỗ bùn ta gọi là đục. Nhưng bản thể của nước vốn không đục mà cũng chẳng trong. Đại huynh chắc rõ điều đó?
- Cha chả! Ta không ngờ tiểu đệ thâm hậu! bỏ xa ta rồi đấy.
- Đại huynh quá khen, thật ra tiểu đệ nầy chỉ học lóm trong sách vở và thỉnh thoảng có đi chùa nghe Sư Cụ ở đây giảng như vậy. Nên mới dám lạm bàn với đại huynh như thế. Thật ra bản thể của nước chỉ có một. Đó là tánh ướt, tánh lạnh, tánh dịu dàng dễ nhập thế mà cũng dễ xuất thế, tuỳ theo hoàn cảnh nước sẽ xuôi dòng. Khi nước ở trên núi đồi nầy đại huynh gọi trong, khi giao thoa giữa ao hồ và biển cả, chắc rằng đại huynh nói đục, nhưng nước nào cuối cùng rồi cũng xuôi về biển cả, để hoà nhập với đại dương. Lúc ấy biển cả mênh mông, bầu trời lai láng. Đâu có còn gì là trong đục nữa đại huynh?.
- Sao mà hôm nay, tiểu đệ của ta giỏi quá, hiểu lẽ vô thường và sắc không bất nhị. Thì quả là đáng làm anh ta, chứ không phải ta là anh ngươi
- Xin đại huynh chớ quá lời vì lẽ tiểu đệ xúc động mà nói thế thôi. Chứ thật ra tuổi đời cũng như học vấn của đệ còn thua xa đại huynh. Xin đại huynh nhận cho một lạy để tạ tội.
- Tiểu đệ không nên làm thế, chúng ta chỉ là bạn bè mà thôi. Thôi chúng ta hãy đứng lên mà đi tiếp đi.
Họ đi sâu vào rừng thiền chung quanh chùa Hưng Phước. Đến đâu họ cũng trầm trồ khen ngợi về cảnh trí thiên nhiên nơi ngôi chùa trên núi nầy và lại hỏi nhau.
- Đại huynh có biết tại sao chùa lại xây trên núi không?
- Cái nầy khó đấy, theo đệ thì sao?
- Đây là chỗ hiểu của đệ nhé. Ngày xưa khi Phật còn tại thế, Ngài cho chư tăng ni xuất gia, hay ở nơi rừng núi chứ không phải ở chốn thị thành. Vì đời sống xuất gia là đời sống độc cư ở nơi A Lan Nhã tức là sống một mình trong núi đồi hiu quạnh để thúc liễm thân tâm mình. Khi nào gạn lọc tâm cho thanh tịnh. Nghĩa là ngộ được ý đạo rồi, lúc ấy mới xuống núi. Do vậy, mà chùa đa phần xây trên núi vậy. Có lẽ ý nầy đúng nhất, nên chúng ta thấy đời sống của những nhà tu, thật là ung dung tự tại.
- Cây kia là cây gì và đại huynh hãy xem bầy kiến đó!
- À cây cối vốn vô tình, nhưng hay lắm đấy đệ ạ. Cây từ lòng đất mọc lên, cung cấp cho đời biết bao nhiêu là dưỡng khí, chúng ta nhờ đó mà sống được trong đời nầy. Khi thân cây lớn, người ta có thể chặt đốn đem về làm nhà, làm bàn ghế. Tuỳ theo loại tốt xấu mà tạo thành những sản phẩm khác nhau, để làm đẹp cho người và cuộc đời. Chẳng có cây nào vô dụng cả. Dỡ lắm, xấu lắm cũng làm củi để nấu cơm và cuối cùng cũng làm phân để bón lại cho đất. Chứ còn như chúng ta, thật ra, nếu chẳng làm lợi gì cho đời, người ta thường quở là “Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm” Đúng là khi còn nhỏ chỉ bố khổ cha mẹ, còn khi lớn lên đi vào đời chỉ làm nhọc vợ, nhọc con chứ có ích gì đâu. Cây đây là cây bạch đàn, cây kia gọi là cây dương liễu. Cây nọ là cây sầu đông và đây là cây trắc bá diệp…Cây nào cũng có tên riêng của nó và cây nào cũng hữu ích cho đời. Có cây dùng cả thân lẫn lá và rễ, như cây bạch đàn, nghe đâu người ta nấu làm dầu để trị bệnh khi đau đầu nóng lạnh đó. Còn đàn kiến kia đệ có biết không, chúng họp đoàn lắm đó! Kìa hãy xem chúng đang tụ họp lại để khiêng một vật gì to lắm về tổ. Nếu là con người chắc chẳng được vậy. Khi có miếng mồi lớn hay bả công danh to nơi chốn quan trường thì mạnh được yếu thua phải không đệ. Lúc ấy chẳng ai nể ai cả và chốn quan trường trở thành chốn đấu đá nhau. Cho nên nhiều người đã chán cảnh ấy nên từ quan về vườn. Kẻ làm nghề gõ đầu trẻ. Người đi xuất gia đầu Phật; người thì hưởng nhàn với túi thơ bầu rượu như nhiều nhà Nho đi trước chúng mình đó. Đệ có biết không, tuy là kiến thuộc về loại động vật nhiều chân, nhưng chúng tinh khôn lắm đấy, nhất là khi trời mưa hay lụt, chúng biết trước cả loài người. Tuy là loài người tinh khôn, nhưng những thính giác và cảm giác thiên nhiên không bằng loài kiến đâu. Đệ thử tưởng tượng rằng mỗi khi có gió lớn, thì ta mới biết sắp có mưa bão, nhưng chúng thì biết từ lâu cho nên chúng xây miệng tổ lên thật cao để ngăn mưa và đôi khi còn che tổ lại bằng cây lá nữa, để gió khỏi lay; khi mưa đến chúng ở sâu vào lòng đất không bị nước chảy vào. Đó là ở trên núi nầy; chứ ở đồng bằng chúng sợ ngập lụt thì chúng dời tổ lên vùng cao trên trần nhà. Nếu không vậy thì chúng sẽ bị chết ngập mất như đệ thấy đó. Từ cây cỏ cho đến các động vật, chúng ta cho là loài vô tình; nhưng rất hữu dụng trong cuộc sống nầy. Chúng nó sống hay chết tất cả đều làm lợi cho đời. Còn con người chắc chưa hẳn thế. Con người được xem là một động vật tinh khôn nhất, lo đi chinh phục hết nơi nầy đến chốn nọ. Nhưng ít ai tự chinh phục trong một hoàn cảnh như thế nầy đây. Quả thật con người còn phải chịu ơn và học hỏi thêm ở những loài vô tình nữa. Chứ đừng có ỷ thế làm người mà đi chinh phục thiên nhiên. Rồi một ngày nào đó thiên nhiên sẽ phẩn nộ khiến cho con người sẽ bị hoạ diệt vong mà ngày ấy chắc chẳng xa đâu! Từ lòng đất thiên nhiên đã cho ta đủ loại hoa màu cây cỏ, rau trái, côn trùng, sâu bọ v.v…Loài nào cũng có ích và nhiều loài tuy vô ích; nhưng không có chúng thì thế giới nầy sẽ sớm bị huỷ diệt. Ví dụ như hổ báo, hùm beo, sư tử. Tuy dữ với loài người, mà thiên nhiên cần phải có chúng để cân bằng lực lượng.
- Chắc là cũng giống như ông Thiện và ông Ác đang thờ trong chùa nầy chăng thưa đại huynh?
- Đúng vậy! Ở đâu có thiện thì ở đó có ác, nhất là thế giới chúng ta đang ở, thiện và ác lẫn lộn nhau. Cho nên những thế giới ở cõi trên chỉ toàn là thiện, và những thế giới ở cõi dưới chỉ toàn là ác. Kẻ ác thì có người ác trị, kẻ Thiện thì có người Thiện hộ trì. Quả thật nhân nào quả nấy là như thế đó. Vì vậy cho nên chúng ta gọi là đời. Tại sao gọi là đời, vì lẽ nó vừa có cái nầy, mà cũng vừa lại có cái kia. Ông ác ấy không phải để hù doạ con người, mà ông ác ấy phát nguyện sanh ra làm ông hộ pháp tướng ác để độ cho người ác. Còn ông Thiện kia với dáng điệu hiền lành ai cũng muốn gần, do vậy ở trong chùa có thờ cả ông Thiện lẫn ông Ác là thế.
Từ sáng đến giờ cả hai người sau khi lễ Phật cầu nguyện, họ đã dong dũi khắp cả vườn chùa và bây giờ mặt trời đã gần đứng ngọ, họ chuẩn bị ra về, và dời bước đến cổng Tam Quan thì gặp ngay Hoà Thượng Trụ Trì, họ tự giới thiệu:
- Nam mô A Di Đà Phật, bẩm Ngài tiểu sinh đây là Ngọc Minh và tiểu đệ đây là Vạn Tâm. Cả hai đều là nho sinh của bản làng nầy và hôm nay nhân trước kỳ thi cùng lên đây lễ Phật và cầu nguyện, kính mong Ngài đại xá cho sự đường đột và quấy rầy nơi an tịnh của chốn thiền môn, nơi sơn tự từ sáng đến giờ
- Mô Phật, cửa Phật là cửa từ bi, vốn sẵn sàng mở rộng cho bao nhiêu khách trần ai lạc bước hoặc kẻ hữu duyên với đạo, không nệ hà gì mà khách sáo như thế, xin cứ tự nhiên, và đã đến giờ ngọ trai rồi, xin mời nhị vị vào trong dùng trà và có thể cùng dùng trai cho tiện.
- Xin cảm tạ tấm lòng tốt của Ngài, đã mở lượng từ bi cho sự đường đột dại khờ, đã không bắt lỗi mà còn không khách sáo cho tiểu sinh có cơ hội làm quen với cửa chùa, nhưng xin khất cho lần khác, vì lần nầy đã không dự định, phải rời khỏi gia trang và học đường một thời gian quá lâu như thế, khiến cho phụ mẫu và thầy dạy ngồi chờ tại nhà, ngưỡng mong Hoà Thượng hoan hỷ.
- A Di Đà Phật cửa Phật từ bi không chấp trước không tạo khó khăn cho khách thập phương mà cũng chẳng phải khách sáo. Xin quý khách cứ tùy tiện!
Thế rồi cả hai cùng xuống núi và mỗi người đi vào một ngã rẽ của đường làng cũng là ngã rẽ của cuộc đời. Đường đời vạn nẻo đạo lý chỉ có một chứ không hai. Do vậy mà sau khi gặp được Hoà Thượng Trụ Trì Hưng Phước Tự họ thấy Ngài đạo mạo, ngoại tướng trang nghiêm, khiến ai mới gặp cũng sanh tâm kính ngưỡng. Đó là kết quả của bao tháng ngày ngồi Thiền, trì chú, niệm Phật nơi chùa nầy. Vì thế trên từ vua quan, dưới đến thứ dân ai ai cũng một lòng cung kính trọng vọng. Thế mới biết phép Phật nhiệm mầu.
Trên đường về mỗi người mang một tâm sự khác nhau. Kẻ thì khen chùa đẹp trang nghiêm, người thì cảm được mùi Thiền, nên có nhiều tính toán cho tương lai. Mà tương lai thì còn xa thẳm; cho nên chẳng ai thổ lộ cho ai điều gì. Chỉ có một điều chắc chắn là họ đã là bạn thân và bây giờ lại thân nhau hơn. Những gì khó khăn họ trao đổi học hỏi luận bàn với nhau, những gì cao siêu quá họ hỏi thầy dạy của họ và những gì mà sách Thánh Hiền không đề cập đến thì cả hai đều lên chùa Hưng Phước để gặp Hoà Thượng Trụ Trì và mong Ngài giảng cho đạo lý nhiệm mầu của đạo Phật, trong cuộc sống vốn thanh bình nhưng đều có những cam go thử thách của cuộc đời nầy.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/04/2016(Xem: 3681)
Một đại văn hào người Pháp đã viết câu “Con người không bao giờ tắm hai lần trên một dòng sông“, nhưng Dòng sông Tịnh Độ của tôi không phải là “Dòng sông định mệnh“ của Quỳnh Dao, nên đã chan hòa đến lần thứ 11 tại chùa Linh Thứu rồi mà vị giải thoát vẫn ngời ngợi tỏa sáng. Vâng, khóa Huân Tu Tịnh Độ kỳ 11 từ ngày 14 đến 20 tháng 3 năm 2016 đã có khoảng 180 Phật Tử đa số từ phương xa và 20 Chư Tăng Ni đến tham dự. Đặc biệt vẫn là HT Phương Trượng chùa Viên Giác Thích Như Điển đến khai mạc và giảng Pháp, để phần hướng dẫn khóa tu cho Thầy Hạnh Giới một chuyên gia hay nói đúng hơn là một Hành Giả chỉ dẫn chúng ta con đường ngắn nhất và nhanh nhất đến gặp Đức Phật A Di Đà.
10/03/2016(Xem: 10068)
“This is SBS Radio The many voices of one Australia Broadcasting in Vietnamese Đây là SBS Radio Và sau đây là chương trình phát thanh Việt Ngữ”... Đó là nhạc hiệu mở đầu của Ban Việt Ngữ SBS Radio vào thập niên 1990 - mười lăm năm sau ngày đàn chim Việt tan tác lìa bỏ bầu trời quê hương. Mới đó mà đoàn lưu dân lê bước chân mục tử đã 40 năm rồi! Với hành trang tị nạn trên vai khi đến với SBS Radio, trong tôi vẫn còn đọng lại những thanh âm thảng thốt, kinh hoàng, van xin cầu khẩn của các thuyền nhân đồng hành khi gặp hải tặc Thái Lan, chuyến vượt biên bất thành đưa những con người sắp đến bờ tự do quay trở về quê cũ để rồi tất cả đều bị bắt vào tù, dù là trẻ con còn bồng ẳm trên tay. Đất nước tôi như thế đó, những con người còn lại trên quê hương sống vất vưởng đọa đày, những con người bỏ nước ra đi không nhìn được trời cao mà lại chìm mình dưới lòng biển lạnh
10/03/2016(Xem: 10108)
Năm 1979 thường được coi là điểm khởi đầu của nền báo chí Việt ngữ tại Úc khi số đầu tiên của tờ Chuông Sài Gòn được phát hành tại Sydney. Tờ báo này xuất bản 2 tuần một lần và sau đó đã trở thành một tuần báo. Trong vòng bốn thập niên qua, truyền thông tiếng Việt đã trải qua thời kỳ phát triển không khác chi truyền thông của các cộng đồng văn hóa đa nguyên khác, theo nghĩa là ngành này đã phát triển về số lượng cũng như sức mạnh theo đà phát triển của cộng đồng nói tiếng Việt.
01/02/2016(Xem: 15155)
“Đế Minh” là cháu ba đời Vua“Thần Nông”tuần thú, chuyển dời phương nam Đến núi Ngũ Lĩnh, (Hồ Nam) (1) Gặp nàng “Tiêngiới” lấy làm hân hoan Kết duyên chồng vợ vẹn toàn Sinh con: “Lộc Tục” hiền ngoan nhất đời “Đế Minh” quyết định truyền ngôi
31/01/2016(Xem: 3408)
Dì Trang là em của má tôi. Nếu không kể bên phía má, tôi có thể gọi dì bằng vai thấp hơn. Đơn giản, ba tôi là chú của chồng dì Trang. Khi ba tôi rời Hà Tĩnh để vào Nam, vào một thời xưa lắm, nghĩa là nói kiểu dân gian là năm một ngàn chín trăm gì đó, có dẫn theo một người cháu.
31/01/2016(Xem: 2878)
Tôi trở về Huế với một tâm trạng nôn nao bồi hồi! Hơn 30 năm sau mới nhìn lại Huế thân yêu, nơi đã cho tôi mật ngọt của thời mới lớn! Phi trường Phú Bài vẫn vậy, vẫn u buồn ảm đạm vào mùa mưa lụt, dù đã mấy mươi năm qua cũng chẳng rộng lớn, sửa sang gì hơn. Đã thế, tôi đặt chân xuống phi trường khi trời đã về chiều nên càng hiu hắt buồn. Niềm vui rộn ràng chỉ bừng lên khi thấy một số bạn cũ đã đứng chờ sẵn bên ngoài. Chúng tôi chỉ biết ôm nhau trong tay với bao niềm cảm xúc, nhìn nhau miệng cười mà nước mắt rưng rưng!
30/01/2016(Xem: 6085)
Có một y viện huyện thuộc vùng cao nguyên Thái Lan, do giao thông bất tiện nên bệnh nhân phải đi từ sáng sớm đến bệnh viện để khám và kịp quay về nhà trước khi trời tối.
20/01/2016(Xem: 4483)
Xin có vài dòng tâm tư nơi đây. Truyện này có một tựa đề rát là phim bộ Hàn Quốc. Tác giả đã nghĩ tới các tựa đề khác cho nhẹ nghiệp tình -- thí dụ như “Tay Ai Chưa Nắm Một Lần” hay “Dây Chuông Ai Níu Bên Trời” – thì lại rất là cải lương, và chẳng hấp dẫn tí nào. Truyện này có thể có vài dị bản khác nhau. Nguyên khởi là viết cho Báo Xuân Việt Báo theo nhu cầu phải có chất lãng mạn thế gian. Cùng lúc, gửi cho nhà thơ Kinh Bắc để đăng trên ấn bản xuân tạp chí Suối Nguồn (của Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang), với lời dặn dò rằng xin nhà chùa tùy nghi sửa đổi, cắt bớt, hay thêm vào sao cho phù hợp với chánh pháp.
15/01/2016(Xem: 12009)
Ngày xưa ở tại ven sông Có chàng khỉ sống ung dung một mình Mạnh sức lực, lớn thân hình Thêm tài nhảy nhót tài tình kể chi. Giữa sông có đảo đẹp kia Bao nhiêu cây cối rậm rì xanh tươi Trái cây ngon ngọt khắp nơi Nào hồng, nào chuối chào mời khỉ ta. Từ bờ tới đảo khá xa May thay có đá nhô ra giữa dòng
13/01/2016(Xem: 13871)
Việt nam nước tôi có chiều dài lịch sử thăng trầm trãi qua nhiều thời kỳ chống giặc ngoại xâm để giữ vững và mở rộng biên cương tổ quốc. Rồi qua hơn ba thập niên kể từ năm 1945 đến năm 1975 của thời hiện đại lại thêm một lần nữa Tổ quốc ngập chìm trong khói lửa chiến tranh tương tàn mà cho đến tận ngày nay vết thương vẫn chưa chữa lành bởi vì người ta nhân danh chủ nghĩa này lý thuyết nọ là những ý thức hệ ngoại lai.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]