Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Tiếng vỗ một bàn tay

11/06/201319:51(Xem: 8203)
10. Tiếng vỗ một bàn tay

Tu bụi

Trần Kiêm Đoàn

CHƯƠNG MƯỜI

Tiếng Vỗ Một Bàn Tay

- Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, vậy mà biết bao nhiêu người đã xài cuộc sống nầy một cách phí phạm như thể là họ còn có một cuộc đời khác đang cất để dành trong tủ không bằng…

Trí Hải và Phạm Xảo đến thăm thầy Tiều gặp khi thầy đang cười khúc khích nghe lời nhận xét về cuộc đời của một người khách lạ. Thầy Tiều có vẻ vô tâm và cười đùa một cách dễ dàng làm những người vốn quen với vẻ nghiêm cẩn và quan trọng bên ngoài lắm lúc lấy làm khó chịu. Cái vô tâm của thầy Tiều là thầy cảm ứng mọi sự việc xảy ra trong đời sống xung quanh rất nhanh. Nhưng rồi thầy cũng quên rất nhanh và dường như chẳng còn dấu vết gì lưu lại trong lòng thầy cả.

Thầy Tiều quay qua hỏi hai người khách mới bước chân vào nhà một cách bất chợt:

- Hai vị đây có vị nào đang cất riêng một cuộc sống khác ở nhà hay ở đâu đó không?

Hỏi xong thầy lại cười khúc khích có vẻ như không chờ đợi câu trả lời. Người khách đến trước cau mày. Hai người khách mới đến thoáng vẻ bỡ ngỡ. Phạm Xảo không nói gì. Trí Hải trả lời với giọng nửa đùa nửa thật:

- Có. Nhiều lắm. Nhưng không biết là những cuộc sống khác sẽ vui hơn hay buồn hơn cuộc đời này. Bách thiên vạn kiếp nan tạo ngộ... mà.

- Tốt! Tốt lắm. Dễ thôi. Nhìn đời đang có thì biết rõ đời trước, đời sau thôi.

Rồi thầy lại day qua phía người khác đến trước hỏi tiếp:

- Còn quý hữu sao lại nghèo thế?! Bộ chỉ có một cuộc đời hiện tại nầy thôi nên phải hà tiện, không dám xài nó à?

Người được hỏi miễn cưỡng trả lời:

- Theo thuyết nhà Phật thì có vô số kiếp tức là có hằng hà sa số cuộc đời. Nhưng đó là những số kiếp quá khứ và vị lai làm sao nhớ được hay biết được mà tính! Đấy là chưa nói đến trường hợp có khi kiếp sau không sinh được làm người trở lại mà thành một loài hạ đẳng nào đó thì biết làm sao đây?!

Thầy Tiều bỗng bật cười thành tiếng. Thầy nói trong tiếng cười chưa dứt:

- Tốt! Tốt lắm. Thế quý hữu có dự định kiếp sau làm gì không?

Người khách giơ hay tay lên trời:

- Trời đất! Nếu như tôi dự định được cho kiếp sau giống như mình dự định vẽ họa đồ cho một căn nhà tương lai thì tôi đến đây làm gì?

Điệu bộ và tiếng than "Trời đất" của người khách làm Trí Hải nhớ lại người bộ hành cùng đi lạc với mình trong đêm.

Thầy Tiều hỏi một cách thẳng thắn:

- Vậy quý hữu có dự định đến đây để làm gì?

Người khách có vẻ bực bội, cao giọng:

- Trời đất! Sao thầy lại hỏi thế. Tôi tìm chùa, tìm cao tăng để học đạo, tu hành cho giải thoát chứ chả lẽ đến đây để buôn bán vịt trời à?

Thầy Tiều lại cười khúc khích. Nhưng chỉ trong một thoáng, thầy lại đắm mình tư lự và hỏi như hỏi chính mình:

- Buôn bán vịt trời! Ý thật hay. Mà có cần vốn liếng nhiều không và lời lãi như thế nào?

Phạm Xảo góp ý:

- Không cần vốn mà chỉ có lời. Khi nhỏ khi to tùy theo lúc. Càng lừa được nhiều người nhẹ dạ và bán được càng nhiều bầy vịt thì càng lời to.

Thầy Tiều dang cả hai tay ra đón lấy ý kiến Phạm Xảo, rồi hỏi một cách nhiệt tình:

- Thực tế là phải làm sao?

- Dễ lắm thầy à. Thì cứ nhận bừa một bầy vịt trời nào đó đang hạ cánh tìm mồi trên đồng và nhận đó là vịt của nhà mình, rồi gạ gẫm người qua kẻ lại để bán vịt. Ai ham mua được vịt giá rẻ mạt thì mua. Mua xong thì người bán lỉnh mất và vịt thì bay bổng lên trời mất dạng là xong chuyện.

Ra vẻ tán thưởng, thầy Tiều gợi ý:

- Hay lắm. Hay lắm! Kiếm ăn dễ vậy sao chúng ta không hè nhau đi buôn vịt trời kia?

Vẻ năng nổ của thầy dịu lại khi Phạm Xảo giải thích:

- Đó là nói đại thể, chứ đi vào ngõ ngách thì muôn phần rắc rối. Người lái vịt trời đã gian thì phải ngoan. Phải biết lộng giả thành chân, đóng trò khéo léo, khi muốn biến cái giả thành cái thật. Bợm lái có thể chỉ chỏ, gọi tên, mô tả, tô vẽ từng con vịt trời trong bầy vịt trời mà hắn ta chẳng biết gì cả khi chúng đang rỉa nước trên đồng sâu, làm cho người mua mê mẩn. Cái giả cố làm cho thật nên nước sơn bên ngoài bao giờ cũng đẹp hơn cả cái thật.

Thầy Tiều lại tiếp tục hỏi Phạm Xảo:

- Thế thì bầy vịt trời có thật hay giả?

Phạm Xảo không lưỡng lự suy nghĩ mà trả lời ngay:

- Hoàn toàn có thật. Nhưng thật mà giả. Nhìn thì thấy mà không bao giờ bắt được trên tay.

Thầy Tiều tỏ vẻ quan tâm hơn:

- Vậy phải làm sao để có được trong tay?

- Phải nuôi từ trứng bé thầy ạ.

- Nuôi cho đến khi khôn lớn thì thuộc về người nuôi phải không?

- Giống vịt đồng đủ lông đủ cánh thì bay đi. Chúng nó thuộc về cảnh thiên nhiên trời cao đất rộng, chẳng chịu thuộc về ai cả.

Chân dợm bước, tay nắm con vịt đồng tưởng tượng đưa lên trong khoảng không, thầy Tiều lại hỏi Phạm Xảo:

- Thế thì con vịt sinh ra để làm gì?

Vuốt má mình bằng cả hai tay, với một chút lúng túng, Phạm Xảo hỏi lại:

- Thế thì con người sinh ra để làm gì?

Thầy Tiều cười hì hì, trả lời dễ dàng:

- Để làm người!

Phạm Xảo mặt hớn hở, tiếp lời:

- Thì con vịt sinh ra để làm vịt!

Cách trả lời chắp đuôi, huề vốn của Phạm Xảo lại được thầy Tiều vỗ tay tỏ vẻ tán thưởng như trẻ thơ vừa khám phá ra món đồ chơi mới. Thầy bày tỏ ý mình một cách hồn nhiên:

- Quả thật không khác! Không khác! Tìm về đạo Phật cũng như nuôi vịt trời. Nuôi là một cách gieo mầm, chăm chút ươm bón, không chụp giật được. Đạo nằm trước mắt mà không thể mua bán. Ham mua giá rẻ thì chỉ mua được cái bóng. Săn đuổi bằng sức mạnh hay lưới bẫy thì chỉ tóm được một mớ thịt vô hồn. Muốn đưa đạo vào đời phải có công phu, phải ươm nhân, tạo mầm và chăm nuôi từ trứng bé. Dẫu biết giống vịt trời nuôi lớn sẽ bay đi, nhưng vẫn còn cái bóng... và rồi cái bóng cũng không còn mà chỉ còn cái bóng trong tâm. Đạo Phật là cái đọng lại trong hồn khi không còn cái bóng... Hì, hì! Ngộ thật!

Người khách lạ lầm lũi bước ra cửa chẳng chào ai. Nhưng bất ngờ ông ta quay phắt lại nhăn mặt nhìn nhà sư, nói giọng chua chát:

- Thưa sư ông, tôi mất công đội đàng than dạ đi tìm thầy học Đạo mà công uổng danh hư. Gặp thầy không nghe nói chuyện từ bi trí tuệ gì cả mà toàn là những chuyện nhảm nhí chả đâu vào đâu. Thử hỏi thầy, thầy để Đạo của thầy ở đâu mà không nói cho ai biết vậy?

Thầy Tiều lại cười rung cả đôi vai. Thầy làm bộ tìm quanh không thấy rồi lắc đầu hỏi lại người khách:

- Không thấy. Không thấy Đạo đâu cả. Cái Đạo mà quý hữu đang tìm nó giống cái gì mà lại lôi kéo quý hữu mạnh đến như thế? Quý hữu có thể cho tôi biết rõ Đạo như thế nào, rồi biết đâu tôi cũng có thể giúp quý hữu một tay để tìm ra nó?

Người khách vẫn còn cái giọng giận dữ, nói gằn từng tiếng lúc đầu, rồi thao thao về sau. Ông ta nói như đọc thuộc lòng Tam quy, Ngũ giới, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo... rồi Tánh không, Duyên khởi mỗi lúc một hăng. Cuối cùng, có lẽ vì sợ hụt hơi, ông ta tạm ngưng lại, rồi thở phào và kết luận một cách đầy kiêu hãnh:

- Đó, thầy nghe không? Đấy mới đúng là Chánh Đạo!

Thầy Tiều vỗ tay:

- Hay lắm. Hay lắm! Nhưng quý hữu vừa đọc cái gì mà nhiều thế?!

Người khách nói như gắt:

- Thì kinh chứ gì nữa. Tôi vừa nói về Đạo mà. Ối thiên địa quỷ thần ơi, tôi nói Đạo đến dàng trời như thế mà thầy còn hỏi là tôi nói gì thì không biết thầy còn tỉnh táo hay không? Bây giờ đến lượt thầy nói về Đạo đi nha!

- Đạo gì?

- Thì đạo Phật của thầy chứ có đạo gì vào đây nữa.

- Hình như quý hữu đã nói hết rồi. Mà thật tình thì tôi có đạo gì đâu để mà kể!

Người khách cười mũi, vẻ bực bội:

- Thầy nói như chuyện đùa. Đầu tròn áo vuông thế kia mà lại nói không theo đạo nào là nghĩa làm sao?

Thầy Tiều vẫn không dứt cái giọng vui đùa:

- Ý tôi nói là cái đạo Phật theo cách suy nghĩ của quý hữu đó mà.

- Đạo Phật trong tôi không giống đạo Phật của thầy. Cũng được. Nhưng người đi tu như thầy mà nói về Đạo sẽ hay ho và cao siêu hơn kẻ phàm phu như tôi nhiều. Sao thầy không thuyết pháp cho người ta nghe với?

Trầm giọng, thầy Tiều nói với người khách:

- Đạo là con đường để đi, không phải là chuyện trầu cau, trà nước để nói cho nhiều quý hữu ạ.

Người khách tỏ vẻ không bằng lòng:

- Đạo Phật nằm trong tam tạng kinh điển, đạo Chúa nằm trong Kinh Thánh, đạo Nho nằm trong Tứ Thư Ngũ Kinh... chứ có đạo nào nằm giữa đường, giữa sá đâu mà thầy nói vậy. Muốn hiểu đạo hay muốn biết lối nào mà đi thì phải có người giảng đạo hay chỉ đường vạch lối chứ đâu có vớ vẩn kiếm đạo ngoài đường được, thưa thầy.

Thầy Tiều vẫn vui vẻ:

- Nói đạo, cầu đạo mà không hành đạo thì chẳng bao giờ thấy đạo.

Khách đắn đo một chút rồi hỏi:

- Xin mạo muội hỏi thầy là thầy đang tu với ước mong sẽ đạt thành quả vị gì sau nầy?

Thầy Tiều cười:

- Thành gì cũng được! Miễn là cầm chắc mình đang làm việc tốt. Gieo nhân lành thì gặt quả tốt thôi.

- Vậy thì đi tu để làm gì?

- Để tìm cách giải phóng cho mình khỏi bị sự cột trói của chính mình và của người khác.

- Thầy nói nghe thật lạ tai. Tu theo Phật là phải buộc mình trong giới luật của nhà Phật chứ làm gì có chuyện "giải phóng" tự do theo ý mình muốn?

- Đạo của Phật và giới luật của nhà Phật là cái phao để mình nương theo đó cho khỏi chìm trong khi ráng sức bơi qua bờ bên kia. Đến bờ mình mong muốn rồi thì nghiêng mình cảm tạ và buông phao để đi tự do trên bờ bến mới chứ chẳng lẽ cứ ôm phao hoài như thế!

- Nói thì dễ nhưng biết bao giờ mới bơi được qua sông?

- Càng buông hết càng nhẹ, càng thảnh thơi thì càng bơi nhanh hơn. Vừa bơi vừa bị vướng, vừa cố quay lại níu kéo vô số vật trên bờ bến cũ thì có khi hết một đời chưa rời bến được, nói chi đến việc qua được bờ bên kia.

- Bờ bên kia có phải là cõi Phật không?

- Tôi thấy bờ bên kia nhưng chưa qua thì làm sao tôi biết được.

Ông khách lắc đầu:

- Đang mang kiếp làm người mà cất công đi tu để mong "thành gì cũng được" là tu lỗ vốn. Tôi tình thật hỏi thầy là quả thật thầy không muốn thành Phật hay sao?

- Tại sao tôi đang là tôi như thế nầy lại phải tìm mọi cách để biến mình thành một người khác. Tôi là tôi, Phật là Phật. Vì cớ gì tôi phải xóa bỏ chính tôi để lo tu cho thành Phật?

- Vì Phật là đấng giác ngộ.

- Giác ngộ là gì?

- Là thành Phật.

- Bằng cách nào?

- Tu.

- Làm sao tu?

- Đến chùa và ăn chay niệm Phật để cầu Phật.

- Đức Phật trong ý nghĩ của quý hữu đã nhập Niết bàn cách đây hơn hai nghìn mấy trăm năm rồi. Đi tìm Phật ở chùa sẽ không bao giờ gặp đâu. Chùa không có Phật.

Cao giọng bất bình, ông khách hỏi lại:

- Chùa là nơi để thờ Phật mà sao lại không có Phật?

Vẫn thản nhiên, nhà sư trả lời:

- Đúng. Chùa chỉ là một ngôi nhà để thờ tượng Phật. Thờ có nghĩa là vọng Phật hay hướng Phật chứ không phải là nuôi Phật. Nên đó chẳng phải là nơi có Phật.

- Vậy Phật ở đâu?

- Phật không phải là ông thần ban phước hay giáng họa từ trên trời hiện xuống. Phật không phải là một đấng thần linh dắt ta đến chốn Niết bàn. Ta ở trong Phật. Phật ở trong ta. Mỗi ta đều có Phật và mỗi Phật đều có ta. Câu nói khẳng định đầu tiên của đức Phật tương lai với cuộc đời là: “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn!”Trên trời, dưới đất chỉ có ta làm chủ chính ta. Khi tự mình tìm thấy được tính Phật trong chính mình là thành Phật.

- Thế còn pháp khí và chư tăng ni thì sao?

- Tất cả đều là những phương tiện tốt hơn để đi tìm tính Phật.

- Thầy nói vậy thì chả lẽ chẳng có ai dắt dẫn mình đến cõi Phật hay sao?

- Cõi Phật ở ngay trong lòng quý hữu. Vậy nên ngoài quý hữu ra, không ai đủ sức làm cho cái tính Phật trong quý hữu hiển lộ. Ai cũng có thể thành Phật trong chính mình, chứ không ai thành Phật trong người khác hay phải biến thành người khác mới thành Phật cả.

- Phải bắt đầu từ đâu để có thể làm cho tánh Phật trong ta hiển lộ?

- Quét những lớp bụi mờ mỗi ngày trong kiếp sống hiện tiền và tích lũy từ bao kiếp trước. Quét mỗi khắc, quét mỗi canh, quét mỗi ngày không bao giờ ngưng nghỉ. Coi chừng lá rụng nhiều hơn lá quét và bụi bám dày hơn bụi lau. Quét dọn siêng năng không bằng ngưng xả rác.

- Phủi bụi hay tu?

- Tu là phủi bụi!

- Tu bụi?

- Vâng, có lẽ phải thế thôi. Tu bụi trước đã, tu đạo sau. Không tu bụi thì làm sao lau sạch được bụi để sáng mắt, thấy đường mà đi.

- Làm sao để lau bụi bên trong, bụi trong định kiến và tâm hồn?

- Là im lặng, định tâm để nhìn sâu, nhìn thẳng vào trong chính mình. Chỉ có ánh sáng mới xua được bóng tối. Chỉ có trí tuệ mới xua được vô minh. Vô minh chính là lớp bụi trong ta. Càng nói, càng phân tích lý luận, càng không hiểu. Bụi trần gian khó chùi sạch nhất là bụi đóng trong đầu mình.

Sau câu nói đó, thầy Tiều im lặng trong khi ông khách vẫn nhấp nhổm ngồi không yên.

Ông khách vẫn còn ấm ức và muốn thách thức với thầy Tiều và tất cả các người đang lui tới trong chùa. Ông khách xuất thân là một nhà tu cởi áo hoàn tục. Với kiến thức sẵn có mà ông ta được học bao năm ở nhà chùa, cộng thêm với nỗ lực dùi mài đọc sách, ông hết sức tự hào với cái kho kinh điển trong đầu mình. Không ai xua đuổi ông ta ra khỏi chùa. Chính sự mê mờ không muốn tu để giải thoát mà chỉ muốn tu như một lối đầu tư lời nhiều lỗ ít đã làm ông ta mất kiên nhẫn, sớm chán nản với nếp sống tu hành kham nhẫn đã đưa ông khách xa dần với đời tu sĩ. Thêm vào đó, lòng kiêu căng, ngã mạn không muốn thua ai, đã lôi kéo ông khách ra nhảy múa giữa đời nên chiếc chìa khóa tâm linh của ông để mở cổng chùa cũng mất. Không vào lại được cửa nhà chùa, ông ta đâm ra hận đời, hận mình, hận người. Ông ta quyết trả thù đời bằng cách chu du đến nhiều nơi có chùa chiền, tu viện để thách đố, đấu lý với các nhà sư. Ông ta muốn xem vì cớ gì mà ông ta không ở lại chùa được, trong khi những người cùng tuổi với ông vẫn còn đang tu học thuần thành và nghiêm cẩn. Sự cố chấp và lòng ganh tỵ đã làm cho ông khách xem chốn chùa chiền là một đấu trường của hý luận hơn là một môi trường tu hành.

Quay về phía người khách và những người đang im lặng chăm chú theo dõi cuộc đối thọai, thầy Tiều mời mọi người tham gia ngồi tĩnh tâm như thường lệ.

Thầy Tiều sửa lại chiếc áo nhà sư mầu vàng đất cho ngay ngắn, thắp nhang lên lư hương. Thầy nhẹ nhàng ngồi xuống xếp bàn ngay ngắn đối diện với khách rồi đưa tay đĩnh đạc đánh ba tiếng chuông. Ba tiếng chuông nối nhau ngân dài. Dư âm rung động nhỏ dần và ngấm vào không gian, vào vật thể và vào lòng người một cách rất nhẹ mà sâu. Khuôn mặt thanh thản của nhà sư như tắm trong nguồn an lạc. Miệng cười và đôi mắt sáng ngước nhìn tất cả mọi người rồi từ từ khép nhỏ lại nhưng không nhắm hẳn. Người khách nhổm người trong tư thế sẵn sàng lắng nghe lời nói của nhà sư nhưng trên nét môi cười của nhà sư chỉ còn sự im lặng.

Những người khác dường như đã quen thuộc với bầu không khí tĩnh tâm lắng đọng nầy nên họ từ từ lẳng lặng ngồi xếp bàn, mắt nhắm lại, hay nhìn về vẻ mặt và dáng ngồi an nhiên tự tại của thầy Tiều. Người khách lên tiếng đằng hắng giọng mấy lần như để nhắc nhà sư phải nói lên điều gì nhưng tiếng động chẳng làm ai chú ý và gây ra một cảm giác so le, thô thiển. Ông khách chỉ muốn bật ra lời thách thức để xem nhà sư có thuộc nhiều lý thuyết và kinh kệ nhà Phật như ông ta không.

Đợi mãi. Chỉ có sự im lặng kéo dài mà tiếng muỗi bay vo ve cũng rõ ràng nghe được. Một sự chấn động gần như bùng vỡ và một cảm giác sôi bỏng lôi ông khách đứng dậy và tiến về phía nhà sư.

Ông khách nghiến răng và chỉ muốn buông lời thoá mạ nhà sư sao lại "hèn nhát" không dám công nhiên lớn lối đấu lý, thi tài với ông ta. Đúng khi ông khách lên đến đỉnh điểm của sự đôi co đang nung nấu lòng ông ta thì nhà sư mở mắt và mỉm cười. Đôi mắt đầy thiện cảm và nhân ái đi theo nụ cười mát rượi của thầy Tiều làm cho ông khách bối rối. Ông cố bặm miệng, thở dốc và đóng kín cửa giao tình để chống lại sự cám dỗ chinh phục, nhưng toàn thân nhà sư như toát ra một hơi ấm vô hình mà chan hoà hiền dịu làm cho ông khách bỗng đâm ra sợ hãi chính mình. Sợ hãi gã "tôi" hung hãn đang run rẩy trên đà tung mình vào cuộc chiến đấu. Lực đối cản với "gã tôi" lúc nầy lại là một khoảng không im lìm và xa vắng. Những mũi tên hằn học không hình tướng của người khách bắn ra bay vút vào một nơi nào không có điểm tựa nên trôi đi và mất dạng. Nụ cười của nhà sư như đóa hoa đã nở, không hề biết khép lại trước luồng giông bão làm cho mũi tên của người khách mất tiêu điểm. Thù hận bắn vào thương yêu cũng như người xạ thủ đứng bắn mặt trời. Tên lạc phương nào nhưng ánh nắng vẫn chan hòa không cạn bớt. Cái tôi nhỏ bé đầy thù hận của ông khách như tảng băng tan từng miếng dưới hơi ấm mặt trời. Trong một thoáng bất ngờ nhất, ông khách cảm thấy như có một vật rơi nặng nề đang vật vã nằm xuống trong mình. Ông cảm thấy nổi tức giận dịu lại. Ngọn núi thách đố thấp dần cho đến khi trải ra trên cánh đồng xanh mướt êm ả như nhung. Cánh đồng tâm thức mở ra đón luồng gió mới. Sự an hoà trở lại. Người khách từ từ ngồi xuống. Có một nụ cười về muộn trên môi...

Giờ khắc trôi qua với từng đợt cảm xúc dồn dập, chậm dần rồi ngưng tụ. Cảm giác bứt rứt như đám cỏ tranh khô nằm rạp xuống cho ngọn gió chiều thổi êm nhẹ như nhung. Sự im lặng là một giấc ngủ ngày êm ả. Cho đến khi ba tiếng chuông thong thả gióng lên báo hiệu giờ tĩnh tâm đã hết. Sự lắng đọng kéo dài không muốn động. Người khách có cảm tưởng như chưa bao giờ có ai đó đã từng nói với mình nhiều bằng sự im lặng vừa qua. Ông khách cười vu vơ với đám lá bên ngoài khung cửa sổ. Đã lâu lắm mới có được một nụ cười trên môi người đầy sân hận.

Sáng hôm sau như thường lệ, khi tiếng gà gáy sáng đầu tiên vừa cất lên, thầy Tiều đã thức dậy mở cửa ra sân để luyện nội nhiệt.

Thầy Tiều đã trải qua một thời kỳ khá dài tu học trong các vùng giá lạnh nhất của xứ Tây Tạng. Cái lạnh miền băng tuyết đủ làm cho luồng hơi nước vừa thở ra khỏi miệng đông thành bụi đá thế mà các đại lão thiền sư Tây Tạng vẫn quanh năm thay đổi trên mình lớp y vàng mỏng manh. Nội nhiệt hay nội hỏa (Tumo) là một trong sáu phép tu Na-rô-pa (nãropa) được gọi là Na-rô Lục Pháp tại Tây Tạng. Đây là phép tu căn bản nhập môn để các hành giả có thể tự nâng thân nhiệt cao tới mức sôi bỏng, chống lại cái lạnh ghê người của vùng núi xứ tuyết. Nhưng riêng với thiền sư Đạt Lai Đề Văn, là bổn sư của thầy Tiều, thì cái nóng, cái lạnh là bản chất tự nhiên của thiên nhiên. Con người cũng chỉ là một sinh vật thiên nhiên nên muốn sống còn phải tự luyện mình để có thể quen với cái lạnh, sống cùng với cái lạnh chứ không phải đương đầu chống với cái lạnh, vì sức chống càng mạnh thì lực trả càng cao. Phép Quán Thiên Thiền Định là ngắm nhìn vận trình thiên nhiên và trật tự của thiên nhiên để trầm tư luyện hơi thở, quan sát các trung khu và nội huyệt của chính thân tâm mình và tập trung vào linh ảnh của các âm ngữ như “Om”, “Hum”, “Ram” để cho cái Tôi của mình nương theo cái Chúng; cho cái Tiểu Ngã hòa vào Đại Ngã mà hành trì tu chứng.

Cửa vừa hé mở đã thấy một bóng người lù lù ngồi ngay trước hiên nhà. Nhìn kỹ, hóa ra là người khách hôm qua. Thầy Tiều lên tiếng hỏi trước:

- Ủa! Quý hữu chưa về? Sao quý hữu không vào trong mà ngồi ngoài nầy cho lạnh?

Với giọng chậm rãi còn ngái ngủ, người khách trả lời:

- Tôi đã lên đò dọc đi được hai bến sông rồi, nhưng phải quyết định quay về vì một chuyện mà có lẽ nói ra thầy sẽ cười vì cho là quá nhỏ. Thế nhưng đối với tôi lại quá lớn.

Thầy Tiều lại cười, tiếng cười buổi sáng thật trong:

- Quý hữu tóm được con voi mà tôi lại biến voi thành chuột sao?

- Có lẽ gần gần như vậy thầy ạ.

Thầy Tiều không vội trả lời khách mà hít một hơi thật sâu rồi thở ra nhè nhẹ và mời khách:

- Mời quý hữu vào trong uống trà cho ấm đã.

Bên khay trà phảng phất hương sen, trong không khí ấm áp, hai người cảm thấy gần nhau hơn. Thầy Tiều nhìn dáng vẻ mệt mỏi của người khách lạ và đưa tay mời:

- Mời quý hữu dùng trà!

Người khách nắm hai tay để lên ngực:

- Thưa thầy, xin thầy gọi tôi là Tâm An. Đây là pháp danh mà vị bổn sư đầu tiên của tôi đã đặt năm tôi mười tuổi, ngày mới phát tâm xuất gia.

Thầy Tiều nhắc lại câu chuyện đang còn bỏ lửng:

- Hồi nãy, đạo hữu Tâm An đề cập đến chuyện to to, nhỏ nhỏ gì đó. Có phải ý đạo hữu muốn nói về tướng voi to hơn chuột, nhưng tánh chuột cũng như voi, phải không?

Người khách lộ vẻ cảm động khi được người đối diện thay đổi cách xưng hô từ "quý hữu" đầy vẻ lễ nghi sang cách xưng hô "đạo hữu" và gọi tên thân mật. Ông ta tiếp lời:

- Tánh và tướng, thật tình tôi chưa nghĩ xa đến vậy. Thế mà suốt đêm qua đã không ngủ được rồi chỉ vì tôi cứ trằn trọc hoài về ý nghĩa chữ "Tu Bụi" mà thầy dùng. Nó mang một vẻ gì đó vừa bình dân, vừa sù sì, vừa sắc nhọn; nhưng cũng rất gợi hình, thực tế và đầy cảm khái khi tôi hỏi "phủi bụi hay tu?", thầy đã đáp lại "tu là phủi bụi hay tu bụi cũng thế thôi!" Trong đời, tôi chỉ thấy người ta dán màu, tô vẽ, sơn son thếp vàng cho cái tu. Cái tu được đánh bóng đến mức trơn lu, mòn nhẵn các góc cạnh làm cho cái tu cũng chìm lĩm và mù mờ bên cạnh cái làm, cái ăn, cái ngủ, cái chơi. Nào là tu hành, tu dưỡng, tu đạo, tu trì, tu thân, tu tâm, tu nhân, tu tiên, tu thánh... nhưng chưa hề nghe ai nói đến "tu bụi" bao giờ!

- Hì, hì! Con voi của đạo hữu ỷ lớn ăn hiếp con chuột nhỏ nhoi của tôi sao. Cái tướng to dềnh dàng bên ngoài của con voi đang che khuất cái tánh nằm sâu trong con chuột rồi đó. Đạo hữu có tên là Tâm An, nhưng tâm đạo hữu có an hay loạn lại là chuyện khác. Tên gọi chưa phải là cái được gọi nên chấp nhặt cái tên làm gì. Như khi người ta dùng danh xưng: Cha, bố, bọ, tía, thầy... để chỉ một người đàn ông sinh thành ra đứa con thì tên gọi chỉ là quy ước tạm thời trong một khung cảnh tùy duyên nào đó mà thôi.

- Thế thì người ta đành phải im lặng thôi sao. Tên gọi chẳng phải là vật được gọi thì dùng chữ nghĩa và lời nói làm gì cho phiền hà đã chứ?!

- Bởi vậy mà ông thầy Bồ Đề Đạt Ma từ xứ Ấn Độ xa xôi, mới chân ướt chân ráo qua Tàu thời Lương Vũ Đế, đi đâu cũng thấy kinh sách, chùa chiền, cờ quạt nói chuyện Phật thánh tràn ngập. Thế mà nói chuyện đạo với vua thì vua thiếu căn cơ; nói với tăng thì tăng quá câu chấp. Nên kinh quá, ngài Đạt Ma mới về Thiếu Lâm Tự, chẳng nói chẳng rằng ngồi nhìn bức tường đá vô tri tới chín năm. Chín năm thiền định mà vẫn sợ lời nói, chữ nghĩa chạy theo thêm rối trí nên thầy Đạt Ma phải dặn dò rằng: "Nè, khỏi viết lách ghi chép thư từ sách vở lôi thôi. Hãy nói chuyện Đạo bằng tấm lòng riêng chân thật của mình. Hễ khi nào thấy được con người thật đang ẩn mặt nằm sâu trong chính mình, ấy là lúc thành Phật đó nhé!" Hi, hi!

Tiếng cười vô tư của thầy Tiều khỏe khoắn như trẻ thơ.

Tâm An tiếp lời:

- Có phải thầy đang nói tới tâm ấn của đức Phật trên cánh hoa sen với nụ cười Ca Diếp trong Hội Liên Hoa hay thầy nhắc tới lời Đạt Ma Tổ Sư khi ngài nói: "Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật"không?

Thầy Tiều nhắm mắt cười khúc khích:

- Đạo hữu ơi là đạo hữu. Ngài sính sách vở chữ nghĩa tới nước nầy thì làm sao mà qua được bến đò!

Tâm An ngạc nhiên, hỏi:

- Bến đò nào?

- Bến đò tới xứ chân tâm không cần lời, cần chữ đó mà.

- Thế thì phải làm gì?

- Làm gì cũng được miễn là làm bằng một tấm lòng.

- Tu chăng?

- Cũng hay thôi. Nếu tu là sửa. Sửa tâm cho bình thản, sửa trí cho sáng suốt, sửa thân cho an lành. Chẳng có gì xa vời hay bí hiểm cả.

Người khách có tên Tâm An ngồi tư lự rất lâu bên tách trà đã nguội, trong khi thầy Tiều luôn tay làm những công việc hàng ngày. Tâm An lên tiếng:

- Thú thật với thầy, xin thầy bỏ lỗi nếu tôi nói điều nầy có hơi quá đáng. Tôi có cảm tưởng như thầy mang một tâm tính đơn giản và nhẹ nhàng của trẻ thơ. Thầy rất nhạy cảm nhưng mọi việc trôi qua trước mắt thầy đều tan đi rất mau và chẳng còn lại dấu vết gì trong lòng thầy cả.

- Nếu vậy thì theo đạo hữu Tâm An, tôi là người khổ sở hay sung sướng?

- Dĩ nhiên là sung sướng.

- Sao đạo hữu không phải là tôi mà lại biết tôi sung sướng?

- Thắc mắc kiểu Trang Tử và tâm trạng sung sướng của bầy cá ngày xưa là chỉ bằng nhắm mắt lý luận mà thiếu quan sát. Thân và tâm là dòng suối phản chiếu lẫn nhau.

- Chỉ mong như thế.

Trong một phút không ai chờ đợi, kể cả thầy Tiều, lời thỉnh cầu của người khách tên Tâm An bày tỏ thật đột ngột:

- Xin thầy cho tôi ở lại đây để làm thị giả cho thầy được không?

Sự quyết định của Thầy Tiều cũng đột ngột không kém:

- Được. Nhưng tôi không cần thị giả. Tôi tự lo cho tôi mọi việc được rồi. Đạo hữu muốn ở lại đây bao lâu hay muốn đi lúc nào cũng được. Chỉ xin nói thẳng một điều là nơi đây "bất tác, bất thực" – không làm, không ăn. Tôi cũng như đạo hữu, đều phải tự mình canh tác, lo lấy miếng ăn.

- Vậy thầy không nhận sự cúng dường nào từ phía thiện nam tín nữ cả hay sao?

- Không. Tôi đang tu cho tôi, tại sao lại còn phải đi vay nợ của người khác. Càng vay càng khó trả. Tu là cầu thoát nợ mà còn vay nợ thì làm sao tu?

- Nếu thầy cho tôi ở lại đây tôi sẽ xin cúng dường một khoản kim ngân rất lớn. Tùy thầy muốn tùy nghi sử dụng vào việc xây chùa, đúc chuông, dựng tượng hay tổ chức thành lập và nuôi dưỡng tăng đoàn càng tốt.

Thầy Tiều quyết định đơn giản:

- Đạo hữu về đây, chỉ xin nhớ cho một một điều rằng, hôm qua là quá khứ, ngày mai là tương lai. Những gì "đã" và "sẽ" ở xa, nhớ để mà quên đi cho nhẹ người. Hiện tại chúng ta đang sống. Cuộc sống vốn vô thường, nhưng phải xem cái vô thường là cái bình thường. Như chết là hình ảnh của vô thường nhưng lại là sự bình thường vì ai cũng phải chết. Hiện tại chính là gương soi của quá khứ và viễn cảnh của tương lai. Xin đừng lấy gì từ quá khứ làm khuấy động hiện tại và cũng đừng chỉ biết dán mắt vào ngày mai mà quên mất hôm nay. Tu là sống đời ngay thẳng trong tỉnh thức. Sống ngay thẳng trong tỉnh thức, ấy là tu. Tu trong giây phút hiện tiền này đây hay sẽ chẳng bao giờ...

Tâm An đăm đăm nhìn ánh sáng ban mai vừa lên nắng hàng tre phương Đông, rồi lầm thầm tự hỏi: "Tuổi nhỏ xuất gia bất thành. Vào đời làm đại thương gia đã thành công rực rỡ. Tay chân và tâm hồn đã ngập tràn trong bạc tiền vật chất. Tuổi già phủi tay xuất gia lần nữa, tự tay cuốc đất tạo lấy miếng ăn, không biết có thành hay không?!"

Tiếng thầy Tiều càng vui như nắng:

- Lại đang bỏ phí nắng vàng của hiện tại để đi lan man vào quá khứ hay tương lai đó phải không? Nói mau!

Tâm An bỗng cảm thấy mình nhỏ lại với cảm giác đứa bé ăn vụng bị bắt gặp, liền thú thật trong nỗi vui của một ngày mới:

- Cả hai thầy ạ.

Đưa một bàn tay lên, thầy Tiều nhịp đều như đang vỗ với một bàn tay khác trong tưởng tượng:

- Vỗ với quá khứ nghe buồn vì ngày qua đã mất; vỗ với tương lai bỗng nhạt vì hoài niệm trống không; vỗ với hiện tại nghe tiếng vọng của trái tim mình và tiếng đập của đôi cánh bướm.

- Thầy đang làm thơ?

- Không! Đang nghe tiếng vỗ của một bàn tay đó chứ!

 

----o0o---

Nguồn: Phương trời cao rộng 19
Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4797)
Vào mùa xuân năm 1993, một bà mẹ người Anh 40 tuổi đang sinh sống với chồng và hai con ở thành phố Northamptonshire Anh quốc đã đoàn tụ ...
10/04/2013(Xem: 5473)
Thượng tọa Thubten Zopa Rinpoche, sáng lập viên Hội Bảo vệ Truyền thống Phật giáo Đại thừa (năm 1975, văn phòng trung ương đặt tại bang ...
10/04/2013(Xem: 4769)
Mỗi lần Tết đến, tôi lại ngồi bần thần nhớ mạ. Tuổi thơ tôi nơi làng cát nghèo khuất lấp góc biển xưa, một năm ròng bao giờ cũng đau đáu mong ...
10/04/2013(Xem: 4107)
Linh mục Phero Chấn ra biển rất sớm, thói quen từ ngày cha về dưỡng lão tại trại của dòng Ða Minh, tuy nhiên,nơi đây, các LM triều vẫn được an ...
10/04/2013(Xem: 4884)
Nhà tôi cố bốn anh em. Trong bốn anh em, cái Giang được bố mẹ tôi cưng chiều nhất. Mà chả cứ bố mẹ, cả ba anh em tôi đều quí và chiều nó. Như ...
10/04/2013(Xem: 4906)
Ngày xưa ở thành Xá Vệ nước Ấn Độ, đức Phật đến hóa độ cho một gia đình kia, hai vợ chồng đều có tánh tham lam độc ác, không biết tôn trọng đạo đức....
10/04/2013(Xem: 4524)
Mẹ nhìn đồng hồ mãi. Mẹ mong con từ chiều mà bây giờ đã hơn 10 giờ khuya. Mỗi phút trôi qua, mẹ càng thấy thỏm lo âu, đầu nặng như treo đá...
10/04/2013(Xem: 4834)
Đang đọc báo ông Hải chợt thấy bóng mấy đứa trẻ lấp ló ngoài cửa phòng, ông đằng hắng giọng và hỏi : Ai đó có chuyện gì không, mấy đứa nhỏ thì thào rồi im lặng, thấy vậy ông độ chừng chắc tụi nó sợ nên ông bước ra hỏi chuyện gì đó mấy cháu, nào các cháu cần ông giúp việc gì đây? Bé Lan lại đây với ông nào, còn An, Mai,Hùng và Tâm cùng lại đây các cháu đã vào trung học rồi, làm sao hôm nay lại rụt rè thế, bộ các cháu không ngoan bị cô giáo rầy phải không?An vội lên tiếng không phải vậy đâu ông ơi, cô giáo khen chúng cháu học tốt và hạnh kiểm tốt nữa đó.
10/04/2013(Xem: 4205)
Cách thị trấn năm dặm về hướng tây là một cánh rừng rậm bọc quanh một ngọn núi cao ngất. Ngọn núi sừng sững trấn ngự một phương trời như một ...
10/04/2013(Xem: 4678)
Người tài xế bặm môi nhíu sát hai lông mày vào nhau. Những nếp nhăn hằn lên, khổ sở. Tôi chong mắt nhìn ra trước xe. Những cánh đồng trải ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]