Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 14. Sri Lanka

11/06/201317:04(Xem: 3387)
Chương 14. Sri Lanka

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn Quán dịch Việt

Chương 14

SRI LANKA

Lịch sử của Sri Lanka khá lạ lùng và ngộ nghĩnh. Theo truyền thuyết, Đức Phật trước khi nhập diệt có tiên đoán rằng Phật pháp sẽ được thừa truyền trọn vẹn qua Lanka và Lanka sẽ là nơi chu toàn. Ngài có nguyện cầu Thần Hindu Vishnu gia hộ cho xứ sở này. Ngày Đức Thế Tôn nhập diệt có hoàng tử Ấn Độ tên Vijaya đổ bộ lên Lanka cùng sáu trăm thuộc hạ với sứ mạng đem văn minh đến các bộ lạc sống trong rừng và đem đàn bà sang để gầy dựng một dân tộc. Hai trăm năm sau, một đệ tử trung thành của Đức Phật, Hoàng Đế Asoka của miền Bắc Ấn gởi sang đây Hoàng Tử Bồ Tát Mahinda để truyền bá Phật pháp và ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Phật.

Từ đó Phật giáo trở thành tôn giáo chính và là lực lượng đoàn kết của dân tộc Tích Lan mà họ rất hãnh diện. Trong nhiều thế kỷ qua, họ thỉnh thoảng có bị Nam Ấn đô hộ nhưng luôn luôn được giải thoát nhờ biết tập trung sau lưng vua mình. Dân viễ­n chinh Tamil có đem sang Tích Lan Ấn giáo nhưng đạo này chỉ phát triển giới hạn. Vào đầu thế kỷ thứ 16, Bồ Đào Nha thôn tính Tích Lan để độc chiếm thị truờng gia vị và vơ vét tài nguyên. Họ là người phương Tây đầu tiên tới đây và gọi hải đảo này là Ceilao, có thể là tên đọc trại của Sri Lanka. Hòa Lan đánh đuổi Bồ Đào Nha vào giữa thế kỷ 17 và đặt lại tên Ceylan cho d­ễ gọi. Vào đầu thế kỷ 19, Anh Quốc đuổi Hòa Lan và đổi ra tên Ceylon.

Trong suốt thời gian Tích Lan bị Tây Âu xâm chiếm, Phật giáo bị các nhà truyền giáo Thiên Chúa tị hiềm và phá hoại nhưng vẫn tồn tại. Đạo Phật phát triển mạnh trở lại vào đầu thế kỷ 20 và xứng danh là đại đạo của đa số người Tích Lan. Các đạo khác như Hindu (Tamil), Muslim, và Chúa còn tự do hoạt động nhưng thuộc thiểu số. Các đạo chung sống tương hòa và tương kính. Những xung đột nội bộ đôi khi xảy ra, nhứt là trong lúc gần đây, không phải vì tôn giáo mà vì những yếu tố kinh tế và chánh trị.

Tàu SS Ramanujan cập đầu dưới của cầu Talimannar lúc xế chiều và chỉ có một nhúm nhỏ người ra đón. Hành khách hạng nhứt và nhì xuống trước, kế tới khách ngoại quốc hạng ba và sau cùng là khách hạng ba Ấn và Tích Lan. Trật tự phân hạng như vậy giúp chúng tôi có dịp đến quầy di trú/hải quan trước khi 'đám dân đi buôn' với núi hành lý ùa vô.

Viên sĩ quan di trú hỏi có phải tôi qua Tích Lan học Phật? Tôi nghĩ có lẽ ông thấy tôi cắt tóc ngắn, choàng khăn Benares và đeo chuỗi Tây Tạng nên mới có câu hỏi đó. Nghe tôi trả lời đúng vậy, ông rất vui và chúc tôi mọi điều tốt đẹp. Ông cấp tôi chiếu khán một tháng, tiêu chuẩn dành cho du khách ngoại quốc, và cho biết tôi có thể gia hạn dễ­ dàng ở Colombo.

Sau giờ tàu đò đến, có chuyến xe lửa đêm đi xuống nhiều nơi dưới miền Nam tới thủ phủ Colombo. Rất tiện lợi. Vừa xong mọi thủ tục nhập cảnh, Chris và tôi ra đổi tiền rúp Tích Lan rồi mua vé đi Anuradhapura. Xe sẽ chạy lúc 10:00 giờ đêm, tức còn tới bốn tiếng nữa. Chúng tôi qua bên kia đường rầy, vô các hàng quán bán thức ăn thử món egg hoppers and string hoppers của Tích Lan.

Cội bồ đề ở Anuradhapura là một nhánh của cây mẹ ở Bodhgaya được Công Chúa Sanghamitta thuộc triều đại Asoka đưa sang hồi thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Công chúa tu Phật và đạt quả vị A La Hán. Người được phái đến Tích Lan với báu vật để thực hiện chương trình hoằng dương Phật pháp ở lân bang. Như đã kể trên, Hoàng Đế Asoka cũng đã gởi Hoàng Tử A La Hán Mahinda đến đảo này trước đó để xây dựng đạo pháp cho các sắc dân bản xứ.

Lúc trời hừng sáng, Chris và tôi bách bộ tới khu thiêng liêng xưa và ở lại đây trọn ngày vãng cảnh như du khách. Tôi cảm thọ niềm vui vô biên khi biết được lòng mộ đạo tuyệt vời từng thúc đẩy vua chúa và thứ dân Tích Lan tôn tạo trung tâm Phật giáo đầu tiên to lớn này. Tôi l­ễ bái cổ thụ Sri Maha Bodhi ba lạy rồi ngồi xuống gần đó thiền định ba mươi phút trong lúc Chris đi xem xung quanh một mình.

Trong vườn thiêng còn có tháp Ruvanveliseya vĩ đại, một nguồn cảm hứng khác. Tháp do vua Dutugemunu dựng cách nay hai ngàn năm để thờ xá lợi Phật như hầu hết các tháp đươc xây lúc bấy giờ. Cũng có người nói rằng tháp này thờ thánh tích của hằng trăm vị A La Hán. Dầu thờ ai, tháp vẫn đứng sừng sững trên một trăm năm chục bộ cao và được bao bọc bởi một tường đá chạm voi đứng sát nhau quanh một khuông viên lớn. Trong hai ngàn năm qua tháp nhiều lần bị dày xéo bởi quân xâm lược, nhưng rồi lại được trùng tu và nay trở lại rạng ngời qua lớp vôi sáng phản chiếu ánh nắng mai. Tôi kính cẩn đi ba vòng nhiễu thường lệ rồi ngồi xuống một góc thành quán chiếu luật vô thường.

Trọn khu linh thiêng của thủ đô xưa khá rộng, phải cần hai ngày mới mong đi giáp hết. Mặc dầu Sri Lanka hôm nay theo tôn phái Theravada, vào thuở xa xưa đảo Phật giáo này có cả Mahayana và Hinayana với nhiều tu viện và đông đệ tử. Di tích tháp cũng như chùa chiền của hai phái còn nhan nhản khắp mọi nơi. Chánh quyền Sri Lanka và nhiều tổ chức văn hóa thế giới đang khai quật một số điểm để thâu thập thêm chứng tích của một thời vàng son; kết quả rất ư ngoạn mục.

Bây giờ là cuối tháng Ba không phải thời điểm du lịch nên ở đây có vẻ hoang vắng. Đi bộ dưới cây cao bóng mát trong hoa viên được chăm sóc tươm tất và qua ngôi bảo tàng lộ thiên thiên nhiên đây thật là an lành và thư giãn. Do đó, tôi và Chris quyết định lưu lại nơi này thêm một ngày nữa mong được tận hưởng an lạc. Chúng tôi trải nóp xuống thảm cỏ êm dưới một tàn cây to để ngủ qua đêm. Nhơn dịp, tôi dạy Chris ngồi thiền, bắt đầu bằng thuật quán hơi thở đơn giản. Thật là đúng nơi và đúng lúc. Hôm sau, tiếp tục dạo trong công viên, chúng tôi gặp một hồ sen và có xuống ngâm đôi chân mỏi của mình. Nắng xế nóng ran.

Chung chung, chúng tôi được làm quen với một nền văn hóa và lịch sử rất kỳ thú. Và hai ngày đầu tiên ở nơi đây làm tôi hứng khởi và rất thỏa mãn với Sri Lanka, đất nước mà tôi sẽ chọn làm nhà trong lúc xa quê hương trong nhiều năm tới.

Lật bản đồ ra xem, Chris và tôi chọn theo con đường dọc biển đi về hướng Nam, xuống Negombo để ghé thăm anh em của Fernando. Hai anh em này rất mừng. Tưởng rằng chúng tôi sẽ ở lại chơi nhiều ngày, họ lo dời hai em trai của họ để phòng cho chúng tôi nghỉ. Nhà rất khiêm tốn, gồm một ít phòng chưng dọn sơ sài, một nhà ngoài và cái giếng ở đằng sau. Ông thân họ đã qua đời, chỉ còn bà mẹ với hai em gái và hai em trai nói trên. Theo truyền thống Á Châu, hai anh trai lớn có nhiệm vụ lo cho nhà cửa và gia đình.

Sau khi cất đồ đạc xong, Chris và tôi thay phiên ra giếng tắm. Bà con chung quanh, nhứt là con nít, xúm xít đằng xa đứng dòm và cười hai thằng "sudik", cái tên mà dân địa phương gọi khách da trắng. Họ hỏi nhà chớ chúng tôi là ai, ở xứ nào, vân vân. Tôi hơi khó chịu vì bị dòm ngó trong lúc tắm nên phải lấy chiếc khố màu cam quấn che. Bên châu Á, các giếng đều được xây lộ thiên trong khu đông dân cư nên có chút bực mình là tắm giếng phải bận đồ. Như vậy, không thể nào kỳ cọ khắp châu thân được và phải phơi đồ sau khi tắm. Nhưng tắm giếng cũng có cái thú của nó, nhứt là trong vùng nhiệt đới. Hai anh em nói là hàng xóm muốn nhìn vì ít khi được thấy người ngoại quốc. Dầu bị quấy rầy, tôi không sao giận hay nỡ khoác tay cho họ đi được, vì sắc mặt của họ rất ngây thơ và nụ cười của họ rất hồn nhiên.

Đêm ấy chúng tôi được đãi một bữa ăn thịnh soạn gồm cơm, mấy thứ cà ri rau đậu, và cà ri cá nấu kiểu Tích Lan có nước cốt dừa và nhiều ớt đỏ. Hơi cay đối với tôi, nhưng rất ngon và khác với cơm cà ri thường ngày của Ấn Độ. Tối lại, hai anh em nói hai em gái của họ, 19 và 20, muốn học du già nhưng mắc cỡ không dám hỏi tôi dầu rằng họ biết chút đỉnh tiếng Anh. Hai cô hơi có da có thịt nên nghĩ rằng du già có thể giúp họ sụt ký. Theo cử chỉ của họ tôi có cảm tưởng hai cô muốn xem tôi biểu diển hơn là muốn học cho họ. Tuy nhiên tôi nghĩ đó là việc tối thiểu tôi cần làm để cám ơn lòng tốt của gia đình họ. Tôi nói sáng mai trước giờ điểm tâm tôi sẽ dạy vì đó là lúc tôi tập luyện hằng ngày.

Sáng dậy, tôi trình diễ­n một số thế du già. Gia đình tò mò theo dõi còn Chris thừa cơ học. Tôi không có cắt nghĩa khía cạnh tâm linh của du già biết rằng họ không thể hiểu nổi mà chắc họ cũng không thiết tha tìm hiểu. Tôi bắt hai cô tập xong bài trước rồi mới qua bài kế. Họ mắc cỡ và cứ cười khúc khích trong lúc tập lấy lệ các thế thông thường. Nếu tôi không buộc như vậy chắc hai cô chỉ lấy mắt ngó và cười chớ không ra sức đâu. Tôi tin rằng sau hôm nay họ sẽ quên hết. Để biể­u di­ễn chút chơi, tôi làm một số thế khó cho họ vui mắt. Sau màn du già, tôi và Chris được đãi một bữa ăn sáng gồm hai món truyền thống là hoppers và string hoppers trong nước dừa sambal rắc ớt bột; nước chấm làm bằng nước cốt dừa. Rất ngon miệng. Xế chiều, Chris và tôi xin phép tạm biệt đi Colombo, để tránh lạm dụng lòng tốt của gia đình.

Sau bữa cơm trưa cà ri cũng rất ngon, chủ nhà nói chúng tôi nên ngủ trưa một giấc đã. Ngủ trưa là lệ thường trong vùng nhiệt đới, nhứt là sau bữa cơm có cà ri cay thường làm thân tâm uể oải. Sau lối một giờ nghỉ ngơi, hai anh em cùng đi với hai chúng tôi ra bến xe đò trong trung tâm thành phố và cẩn thận đưa chúng tôi lên đúng xe đi Colombo. Chris và tôi cám ơn sự tiếp đón nồng hậu của họ. Họ mời chúng tôi ghé lại nữa nếu có dịp đi ngang qua đây.

Chúng tôi không biết tại sao phải đi Colombo sớm như vậy. Lúc ở Anuradhpura tôi có ý định đến thủ phủ của Kandy để viếng Đền Răng mà tôi từng nghe nói trước đây; thủ phủ nằm trên vùng đồi núi ở giữa đảo. Không biết vì lý do gì tôi đổi ý lấy đường dọc biển. Tất nhiên tôi có một vài vấn đề cần giải quyết ở Colombo nhưng không phải gấp lắm. Tôi xài gần hết năm trăm đô la nhận được hồi ở Athens rồi; tôi đang cần nhà gởi dùm thêm để đủ xài cho các tháng tới. Tôi có ý sẽ ở lại ít lắm là sáu tháng cho lần đầu tiên này, mà chánh phủ Tích Lan thời bấy giờ buộc mỗi du khách phải tiêu và có biên lai của nhà băng chứng nhận đã đổi tối thiểu sáu mươi đô mỗi tháng. Một lý do nữa để tôi đi Colombo là đăng ký với Aliens Registration Bureau của Criminal Investigation Department (CID), thủ tục mà mọi người không có quốc tịch Liên Hiệp Anh đều phải làm. Thủ tục này dùng để quản lý người ngoại quốc và xác định chổ ở của những thành phần bất hảo. Sau khi làm xong hai thủ tục thế sự đó, mà tôi đoán chắc chỉ cần một hai ngày, Chris và tôi dự tính đến trung tâm thiền minh sát Kanduboda và xin ở lại đó tu học. Tôi không biết khóa học sẽ kéo dài bao lâu.

Không biết làm gì và đi đâu trong Colombo, tôi nghĩ nên ghé qua địa chỉ mà anh bạn gặp trên đò cho hôm trước. Người mà tôi sắp viếng là anh Samararatna, gọi tắt là ông Sam. Anh ở ngoại ô Bambalapitya. Bằng cách hỏi thăm và lấy chuyến xe buýt đông dưới phố, chúng tôi tìm ra d­ễ dàng con đường tẽ từ lộ chánh Galle. Địa chỉ mà chúng tôi đến nằm trong cuối một ngõ hẹp đầy lỗ hang và chen chúc nhà. Nhà nhỏ, khiêm tốn, cất cách ngõ chừng sáu thước, có một ít cây ăn trái như chuối, đu đủ và một sân đất nhỏ với bờ viền trồng bông. Nghe tiếng gõ cửa, một người đàn bà ôm ốm đi ra; cô ngạc nhiên thấy hai người ngoại quốc chúng tôi. Cô liền trở vô rồi trở ra với một người đàn bà lớn tuổi hơn, mẹ của cô. Người mẹ nói được chút ít tiếng Anh. Tôi thưa là muốn gặp anh Samararatna. Đúng rồi. Bà mời Chris và tôi vào. Hai người tưởng chúng tôi có biết anh Sam trước nên lo đi pha trà đãi khách theo thông lệ. Anh Sam đi làm sắp về.

Anh Sam vô cửa, Chris và tôi đứng dậy chào. Anh hơi ngạc nhiên thấy chúng tôi trong nhà nhưng tươi cười chào hỏi và mời chúng tôi ngồi lại xuống ghế. Tôi liền tự giới thiệu và kể chuyện gặp bạn anh là Tissera trên tàu đi từ Rameswaram và được cho tên cùng địa chỉ của anh. Tôi nói tôi đến Sri Lanka để học thiền Phật giáo và hy vọng sẽ lên Trung Tâm Thiền Kanduboda trong vài ngày tới. Anh Sam không có dịp gặp lại Tissera từ lúc đi Ấn về nên không hay chuyện chúng tôi sẽ ghé thăm. Tuy nhiên anh rất vui được gặp chúng tôi và mừng nghe tôi nói muốn tập thiền. Dầu chúng tôi không nói ra và cũng chẳng mở hơi, nhưng anh sẵn sàng giúp chúng tôi trong khả năng của mình. Anh mời hai chúng tôi ở lại nhà anh bao lâu cũng được trong lúc viếng Colombo. Chúng tôi rất cảm kích và tôi có lời cám ơn anh đã đối đãi quá tốt với chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi không dám làm phiền anh. Anh khẳng định rằng không có gì phiền toái cả, trái lại anh rất hân hạnh được đón tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ này và được giúp chúng tôi trong lúc chúng tôi tìm học đạo. Anh và con anh bèn đi dọn chỗ chứa đồ ngoài nhà hiên. Ông trải tấm nệm lớn xuống sàn; nệm trông đủ rộng cho hai chúng tôi nằm thoải mái. Chừng ấy đủ cho chúng tôi rồi. Kinh nghiệm tôi mới học hồi gần đây cho thấy người Đông Nam Á rất thân mật và hậu hỷ với khách lạ, cái thân mật và hậu hỷ mà người phương Tây chỉ dành cho người thân. Tôi khâm phục ảnh hưởng lâu đời của truyền thống đạo giáo Đông phương.

Tối hôm đó, chúng tôi dùng bữa cơm cà ri do chị Sam và mẹ của chị nấu. Như lúc ở nhà Fernando, anh Sam mời chúng tôi ăn trước. Tình cờ có Tissera đến và anh mời anh ấy ăn với anh sau khi chúng tôi xong bữa. Sau đó, chúng tôi ngồi chuyện trò trong phòng khách, phòng chưng dọn đơn sơ. Có thêm anh Tilak, bạn học cũ của anh Sam đang ở trọ trong phòng nhỏ ở đằng sau. Anh Tissera vui mừng thấy Chris và tôi đến tìm Sam, bạn của anh. Cũng như anh Sam, anh hiếu kỳ muốn biết tại sao chúng tôi quan tâm đến Phật pháp. Ba anh, như hầu hết người Sinhalese, được 'sanh lại là con Phât', rất thích luận bàn Phật giáo. Tuy nhiên, kiến thức của họ chỉ giới hạn trong sách vở và gia tài văn hóa của họ. Họ không có chánh thức tu tập thiền. Họ theo đạo như là người biết lễ­, làm điều lành, sống trong khuôn mẫu của năm giới cấm, đi chùa thỉnh thoảng, tụng vài câu kinh mộ Phật truyền thống, và đọc một ít sách dư về thiền hay triết lý Phật giáo. Họ nói rằng tu như vậy giúp họ tạo phước để rồi lần hồi giải khỏi cái chấp vật chất và giải nghiệp. Họ mong trong kiếp sau họ sẽ được thành tu sĩ và đạt đến niết bàn. Anh Tilak giải thích rằng hầu hết người thường không thể thoát nghiệp để lên niết bàn trong kiếp này. May ra họ chỉ có thể được tái sanh trong thời kỳ của Đức Di Lặc, vị Phật tương lai sẽ xuất thế trong vòng hai ngàn năm trăm năm tới. Đó cũng là niềm tin của đa số Phật tử Tích Lan, kể cả nhiều tu sĩ.

Thái độ tu hành thư thái và không câu nệ vừa nói làm tôi rất ngạc nhiên. So sánh, tôi thấy tôi có khuynh hướng xem Tứ Diệu Đế quan trọng quá và tôi luôn quan tâm mong muốn chấm dứt khổ đau càng sớm càng tốt. Thì ra vì tôi chịu nhiều ảnh hưởng của Lạt Ma Zopa và Thầy Goenkaji trong các khóa tu học trước đây. Có thể tôi đã nghĩ sai rằng tất cả Phật tử, nhứt là người theo Theravada, đều ngồi thiền hai ba giờ liên tiếp mỗi ngày. Tôi tưởng như là họ đã ngồi lủng nhiều gối thiền lắm rồi; họ cố ngồi hầu đạt giác ngộ trước khi cuộc sống của họ trên cõi Ta Bà này chấm hết.

Sáng hôm sau, tôi lấy buýt xuống phố Fort, nơi có tất cả các nhà băng và công sở. Thoạt tiên tôi tới bưu điện mua bưu tín viết về cho ba má tôi. Tôi mô tả tỉ mỉ lộ trình và những điều tai nghe mắt thấy từ sau thư chót và nói tôi đang ở Sri Lanka và sẽ ở lại đây một thời gian để học thiền. Tôi nhờ mẹ tôi rút năm trăm đô trong số một ngàn đô còn nơi mục tiết kiệm và chuyển dùm qua tôi bằng thư tín. Tôi cho bà địa chỉ của sở kiều hối trong Bank of Ceylon. Tôi nói thêm rằng tôi có thể sẽ ở lại Sri Lanka ít nhứt là sáu tháng nếu đổi được chiếu khán; sau đó thì chưa biết thế nào. Từ bưu điện tôi đi vòng qua tòa nhà CID để lên lầu tư làm thủ tục đăng ký cho du khách không phải là công dân Liên Hiệp Anh. Khách phải điền đúng theo chi tiết ghi trong hộ chiếu, chỗ tạm trú tại Sri Lanka và mục đích đến đây. Vì định sẽ tham dự khóa tu học ở Kandubola, tôi ghi địa chỉ này và mục đích là học thiền. Khách còn phải nộp một hình hộ chiếu, nếu có sẵn. Tôi còn dư vài tấm nên đưa ra liền cho ông nhân viên phụ trách vui lòng. Trên đường đi dạo phố, tôi có ghé Văn Phòng Du Lịch lấy tập san du khách mỏng tựa đề 'Những gì xảy ra ở Colombo trong tháng này' để có gì đọc cho tối nay.

Nhìn qua lịch trình tối hôm đó, tôi thấy có lớp huấn luyện yoga 1-tháng của Tiến sĩ Swami Gitananda ở Pondicherry, Nam Ấn Độ. Khóa bắt đầu hôm qua ở chỗ cách nhà anh Sam chừng một dặm. Tôi liền có ý tương tự như hồi tôi nghe nói tới khóa thiền Tây Tạng. Mắt tôi sáng ra. Không ngờ tôi lại có dịp mong đợi--là được học du già với một bậc thầy kinh nghiệm. Thật là cái duyên may. Tôi liền đưa tin cho Chris coi, anh mừng lắm. Chúng tôi chưa có bị kẹt với Kanduboda chuyện gì hết, trừ đã khai báo là đến đó nhưng chắc không có gì hệ trọng lắm. Tôi nghĩ chắc cảnh sát không kiểm tra đâu. Khóa do một thầy du già Ấn Độ chính thống giảng dạy; ông còn là một tiến sĩ nữa. Dẫu khóa đã bắt đầu nhưng tôi hy vọng chúng tôi có thể được nhận bởi trễ chỉ mới có hai ngày. Chris và tôi quyết định sẽ đến hỏi ngay vào sáng sớm mai.

Tối đó tôi không thể ngờ mình có duyên số tốt như vậy. Tôi cứ nghĩ phải chăng nhờ tôi đã vô tình đến Colombo sớm và như có sao chiếu mạng mách bảo. Khi anh Sam đi làm về, tôi vui mừng đưa tin và nói ý muốn theo học. Anh đồng ý đây là một cơ hội rất tốt. Anh có nghe một người bạn nói về thầy Swami. Hình như Tiến sĩ Swami Gitananda có viết một bài gây nhiều tranh luận về sự từ bỏ các lý tưởng và thực hành tâm linh xưa để ôm lấy những suy đồi của nền văn minh Âu Tây. Bài ấy đăng trong bản tiếng Anh của tờ nhựt báo Ceylon Daily News.

Chúng tôi đến Ashram Yoga Ananda ở thành phố Havelock lúc 9:00 giờ sáng, trong lúc khóa đang nghỉ giải lao. Một phụ nữ người Mỹ tên Meenakshi tiếp chúng tôi. Bà là vợ của Tiến Sĩ Swami. Sau khi nghe chúng tôi phân trần, Bà cho biết khóa học đã đầy. Thường thì Thầy Swami không nhận học viên đi tr­ễ, tuy nhiên để bà vô hỏi thử thầy xem sao. Vài phút sau bà trở ra và bảo chúng tôi vô thưa thẳng với Thầy Swamiji. Tôi hơi lo khi phải đối diện với Thầy và đang nghĩ tới phép xã giao đúng mức để lễ­ một Guru Ấn Độ. Tôi không có hoa quả để kính dâng như thông lệ và không biết l­ễ bái có được hay không. Tôi nghĩ sẽ thi lễ­ bằng cách chấp tay cúi đầu rất kính cẩn. Tôi đến gõ cửa và được mời vào. Chúng tôi đẩy cửa bước vô và kính cẩn chấp tay cúi đầu lễ Thầy. Ông đáp lại bằng nụ cười thân mật và chỉ tấm thảm dưới sàn mời chúng tôi ngồi. Thầy Swami ngồi ch­ễm chệ trên ghế xem như một nhà du già Ấn Độ mà tôi đã hình dung. Ông có mái tóc bạc bồng bềnh ngang vai rất hợp với bộ râu rậm và mặc chiếc áo màu cam của sannyassin. Thân to lớn và vạm vở chiếm trọn chiếc ghế trông ông như ông già Noel trong y phục màu cam. Da ông mịn và trắng hồng, có một hình xâm trên một tay. Ông nói tiếng Anh không pha chút giọng Ấn Độ nào hết. Tôi hết sức ngạc nhiên nhưng tôi liền biết mình còn óc so sánh và phê phán.

Chris theo dõi mọi cử động của tôi trong lúc tôi nói, nói hầu hết mọi chuyện lúc đàm thoại với ông. Mặc đầu biết rằng bà Meenakshi đã trình bày rồi, tôi lập lại ý định xin theo học. Ông thật tình cho biết nguyên tắc của ông là không nhận người đến trễ­ sợ làm đảo lộn hiện trạng và vì chúng tôi đã mất một số chỉ dẫn quan trọng lúc ban đầu. Tuy nhiên, ông đồng ý thâu nhận chúng tôi nếu chúng tôi hứa sẽ học đến ngày cuối và đi đứng đúng giờ kể từ buổi học tới sắp bắt đầu trong chốc lát đây. Tôi thưa là chúng tôi xin tuân theo các điều lệ rất dễ­ hiểu vừa nêu. Ông hỏi chúng tôi có biết gì về du già chưa. Tôi thưa là có biết chút ít qua sách vở. Ông xem ra không để ý tới lắm và nói rằng du già chính thống cần phải được dạy bởi một thầy có kinh nghiệm, mà thầy bà như vậy thời này hiếm lắm. Tôi đồng ý với ông ngay và thưa vì vậy nên chúng tôi mới đến tìm ông. Sau đó, ông gọi bảo bà Meenakshi giải thích cho chúng tôi biết thời khóa biểu và nhiều chi tiết khác và thâu học phí.

Học phí là ba mươi đô la mà Chris cũng như tôi không có sẵn trong túi nên chúng tôi xin đem tới vào xế nay. Thật tình, chúng tôi phải chạy ra nhà băng đổi chi phiếu du khách mới có đủ. Bà Meenakshi giải thích rằng học phí không bao gồm tiền ăn vì khóa học không có ở lại. Chúng tôi ăn uống ở ngoài và phải thu xếp để tới đây đúng giờ học lúc sáng cũng như chiều đến tối. Lớp đầu tiên trong ngày học hatha yoga và điều tức bắt đầu từ 6:00 đến 7:45 giờ sáng. Sau đó là ăn sáng. Lớp kế tiếp học từ 10:00 đến 12:00 giờ trưa; lúc bấy giờ Thầy Swami nói về sức khỏe theo du già và dạy cách thư giãn theo du già. Từ ngọ tới 3:30 xế là cơm trưa. Lớp chiều học về thuật chữa trị tư thế và cách thở. Lúc 5:00 giờ chiều có nửa tiếng tụng kinh. Sau đó là cơm chiều. Tối, từ 7:00 giờ học viên tham gia buổi satsangha. Satsangha có nguyên nghĩa là 'cộng đồng của hành giả tìm sự Thật' và được hiểu như buổi tham vấn với Thầy Swamiji hay là một buổi luận đàm về một đề tài tâm linh liên hệ nào đó. Bà Meenakshi cho biết chúng tôi có thể đến sớm hơn lúc 5:00 giờ để thiền hay ngồi không cũng được. Chúng tôi có thể ở lại viện trong những giờ cơm nếu chúng tôi không muốn đi ăn hay ra ngoài. Thứ Hai không có lớp để học viên có thì giờ lo việc riêng hoặc muốn đi đâu tùy ý, như đi biển chẳng hạn.

Lối mười lăm phút trước khi lớp 10:00 giờ bắt đầu, học viên đi ăn sáng về lục tục kéo vô. Có nhiều người Mỹ, một ít người Âu, số còn lại là người Tích Lan. Khi mọi người vào ngồi hết trên tọa cụ mình, Thầy Swamiji đi ra từ cửa sau và lên ngồi trên thảm riêng trải dưới sàn. Ông bắt đầu giảng về bản tính của thư giãn thân và tâm, mô tả sự liên hệ giữa chúng và giải thích rằng cả hai phải được xem như một nếu muốn thư giãn có kết quả. Tiếp theo, tất cả chúng tôi nằm ngửa xuống sàn trong lúc Thầy hướng dẫn phương pháp thư giãn tỉnh giác. Chúng tôi được dạy phải dùng tỉnh thức để biết nơi nào trên thân thể bị căng thẳng hầu chỉ thị tâm tỉnh thức đến giải tỏa. Bà Meenakshi tới từng học viên, nắm tay họ lên thả xuống, quan sát cánh tay rơi để xem họ có thật sự thư giãn chưa hay còn cần được chỉ vẽ thêm. Sự giải thích và thực tập có vẻ rất khoa học và hợp lý. Tôi có thể thư giãn hoàn toàn. Phải công nhận thiền minh sát giúp tôi rất nhiều.

Bài giảng buổi chiều nói về sức khỏe tổng hợp theo quan niệm du già. Thầy Swamiji giải thích rằng con người, nhứt là người phương Tây, 'tự hành xác mình' vì ăn uống không đúng phép dinh dưỡng, thở không khí bị ô nhiễm, sinh hoạt trong tư thế không tự nhiên, vân vân. Những sai trái ấy làm sức khỏe suy giảm và gây nên nhiều chứng bịnh kinh niên--bệnh do lối sống cá nhân và cộng đồng. Thầy nói thân thể con người là một sinh vật phức tạp nhưng tuyệt vời có thể sống khỏe mạnh một thời gian dài nếu được chăm sóc đúng mức theo phương pháp thực tiễn của du già. Thầy kể ví dụ của một số nhà du già Ấn Độ sống trên trăm tuổi, sự việc mà sách báo Phật giáo cũng từng đề cập. Thầy Swamiji không nói suông mà luôn luôn dẫn chứng và đặt câu hỏi nên bài giảng của Thầy có tánh cách khoa học và cập nhựt. Trước đây Thầy học y bên Anh và làm bác sĩ giải phẫu trong Hải Quân Hoàng Gia, nên những hiểu biết sâu về y và khoa học phối hợp với những hiểu biết rộng về du già làm các bài giảng của Thầy trong sáng, chân thực và hấp dẫn.

Trong thời kinh 5:00 giờ chiều, Thầy giảng nghĩa chữ ÁN (OM hay AUM) và chỉ cách tụng lời chú này trong bảy luân xa[1] từ gốc của sống lưng (xương cụt) lên đỉnh đầu. Theo kinh Vệ Đà cổ, ÁN là âm ba của lực sáng tạo không hiển thị của vũ trụ mà Du Già gọi nôm na là Tỉnh Thức Vũ Trụ[2] và truyền thống thần bí của Thiên Chúa Giáo gọi là Thiên Chúa[3]. Trong Phật học, ÁN có thể hiểu là Thiền na (Jhanas) vô sắc hay Niết Bàn trong nghĩa được giải thoát khỏi mọi ràng buộc và giới hạn của cái ngã, tương đương với sự tinh khiết hoàn toàn của tâm. Trì tụng chữ ÁN một cách đặc biệt qua mỗi huyệt được xem như giúp tịnh hóa các trung tâm năng lực tâm linh đó. Tôi phải lập lại nhiều lần mới định đuợc vị trí của các huyệt và trì tụng qua đó. Tuy nhiên tôi nhận thấy chỉ trì tụng không cũng đã rất lý thú rồi. Sau mười lăm phút tôi đi vào trạng thái tập trung và cảm thấy vô cùng hoan hỷ. Tôi có cảm giác mình đang cảm thọ một thứ từ tính giữa hai mi và một ánh sáng lợt lạt trong đầu. Tụng xong tôi tiếp tục ngồi kiết già, mong kéo dài cảm giác mô tả rồi vào thiền minh sát, trong lúc các bạn đồng khóa ra đi ăn cơm chiều. Tôi không ăn chiều nên có thì giờ thiền, như tôi từng làm trước đây.

Tới giờ tọa đàm Satsangha chúng tôi ngồi xuống sàn quanh ghế của Thầy Swamiji. Mớ tóc dài, bạc, và mới gội nổi bềnh bồng ngang vai Thầy. Bộ râu rậm che hết thân ngực của Thầy. Thầy mặc chiếc áo swami màu cam (áo dài tay kiểu Ấn Độ) và ngồi trong tư thế tham thiền. Sau khi các học viên tụng xong Bhajans (kinh hiến dâng--devotional songs) bằng tiếng Tamil, Thầy bắt đầu trả lời các câu hỏi về những gì vừa học hay về du già và tâm linh nói chung. Một bà Tích Lan, mặc sa ri trông rất chững chạc, hỏi về cách thở khí lực Thầy dạy hồi sáng (bài mà Chris và tôi không có dự). Thầy không chỉ trả lời mà còn giải thích cặn kẽ về thể chất và phạm vi của sinh lực prana. Thầy nói dưới nhiều góc độ và như thế trả lời câu hỏi bằng nhiều cách. Thầy giảng cả tiếng đồng hồ; đó là cái tật rất dễ­ nhận của Thầy. Thầy không có sắp xếp trước mà chỉ ứng khẩu. Tuy nhiên các dữ kiện, hình ảnh và sự hiểu biết du già thâm sâu của Thầy biến lời giải của Thầy rất d­ễ hiểu.

Sau ngày học kết thúc tôi biết tôi đã gặp đúng Thầy Du Già và tôi tin đó không phải là sự ngẫu nhiên. Chris rất khâm phục Thầy vì sự hiểu biết sâu rộng và lối dạy năng động của Thầy. Hai chúng tôi về đến nhà lúc 9:30 giờ tối. Anh Sam đang chờ và nóng lòng muốn biết. Chris và tôi thay phiên kể lại những gì xảy ra trong ngày rồi tôi xin anh cho chúng tôi được trọ lại đây một tháng, thời gian của khóa học, và chúng tôi xin được gởi tiền ăn ở để tránh tốn kém cho gia đình anh. Không cần suy nghĩ, anh thuận ngay và không nhận tiền bạc gì cả. Anh nói có giúp gì được trong phạm vi hạn hẹp của anh thì anh sẵn lòng vì đó là nhiệm vụ của người Phật tử. Anh còn nói thêm chúng tôi cứ xem đây như nhà của mình và tự do đi về sao cho hợp với thời khóa biểu thì thôi. Chúng tôi làm đúng y như vậy trong suốt bốn tuần.

Chris và tôi dậy lúc 5:00 giờ sáng, ngồi thiền tại phòng rồi lên ashram lúc 6:00 giờ. Trong hai giờ nghỉ điểm tâm chúng tôi cùng vài bạn Tây kéo nhau ra quán gần đó ăn sáng--tôi thích ăn chuối, đu đủ và sữa chua với hoppers hay string hoppers. Sau đó, chúng tôi theo đại lộ Galle, ra con đường tẽ đi qua rầy xe lửa, xuống biển ngồi chơi trên những tảng đá làm bờ chắn sóng, chờ vô lớp thứ hai trong ngày bắt đầu lúc 10:00 giờ. Trưa, chúng tôi về nhà. Trên đường chúng tôi hay mua trái cây và sữa chua cho 'bữa ăn trưa du già'. Chiều, vào giờ cơm, tôi ở lại viện ngồi thiền còn Chris đi ăn với các bạn. Chúng tôi về nhà sau khi xong phần tọa đàm. Thời khóa biểu này rất thuận, chỉ có điều là không tiện cho anh Sam, Chris và tôi gặp nhau. Đêm nào hai chúng tôi về tới nhà trước 9:30 hay 10:00 giờ thì mới có dịp chuyện trò với anh. Anh lên giường ngủ lúc 10:00 giờ tối và ra đi làm lúc 5:40 sáng. Giờ làm việc của anh là từ 8:00 giờ sáng đến 5:00 giờ chiều. Anh làm thư ký cho Bộ Tư Lịnh SLAF của Không Quân dưới phố.

Trong tuần l­ễ đầu chúng tôi học được rất nhiều phương cách tẩy độc kiểu du già, kể cả sự xổ toàn bộ hệ thống tiêu hóa bằng nước muối. Đó là 'sự tẩy độc mùa Xuân'. Tiếp theo là thời gian nhịn ăn. Theo Thầy Swamiji, sự tẩy độc và nhịn ăn định kỳ là sự tịnh hóa căn bản mà người luyện du già phải làm để thân trong sạch hầu tâm thiền hiệu quả. Phân nửa số bịnh tật là do đường tiêu hóa gây ra và ăn nhiều quà tạp là bệnh của người phương Tây. Thầy còn nói thêm rằng không ai có thể đạt đến trí tuệ thiền quán (thiền tuệ) cao còn gọi là Tỉnh Thức Vũ Trụ nếu ruột gan bị bào bọt. Lối giải thích của Thầy làm tôi buồn cười, nhưng nhìn chung thì rất khoa học và có lý. Tôi biết hệ tiêu hóa của tôi không ổn nên tôi muốn thử phương thức này. Trong vài ngày đầu, tất cả học viên phải theo một số thủ tục do bà Meenakshi và phụ tá Tây phương của bà chỉ dẫn.

Thử phương pháp mới học, tôi có cảm tưởng 'cái bẩn' trong tôi bị tống ra làm tôi thanh khiết và nhẹ nhàng hơn. Tôi hy vọng từ đây tôi sẽ không còn bị những bất ổn tiêu hóa như từng bị trong những năm vừa qua. Tôi không còn thèm những thức ăn như thịt, đồ hộp và quà vặt nữa. Dĩ nhiên tôi không nghĩ là tôi sẽ kiêng cữ tuyệt đối mà tôi chỉ hy vọng được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Có điều tôi được cái nhìn mới về mối liên hệ giữa thân và tâm. Tôi tẩy độc rồi nhịn ăn, chỉ uống nước. Do đó bộ tiêu hóa của tôi có dịp nghỉ ngơi và các tế bào có dịp thủ tiêu những thứ ngoại lai cùng mớ mỡ thừa.

Nhịn ăn là một cách tốt giúp thân thể tẩy các vật gây hại và thêm sức khỏe nếu được làm đúng mức. Thời gian nhịn ăn tùy theo nhu cầu của thân thể mỗi người mà Thầy Swami gọi là chu kỳ nhịp sinh học cá nhân. Chris phải nhịn ăn ba hôm theo chu kỳ 3 của anh. Còn tôi, bốn hôm. Tôi chưa lần nào tự mình nhịn đói (tôi có bỏ bữa một hai ngày vì bịnh), nên nhịn ăn bốn ngày liền là một vấn đề. Lúc ở Goa, tôi có ăn chỉ một bữa trong ngày với rau trái và có thấy nhẹ người, nhưng tôi không biết nhịn cả ngày có tốt hơn không--người ta thường nói 'càng nhiều càng vui càng thích' kia mà. Lời dạy của Thầy đến bất ngờ, phải thực hiện ngay trong ngày, nên tôi không có dịp tính toán hơn thiệt mà cũng không kịp lo mình sẽ không được ăn trong suốt bốn ngày. Khi nghĩ ra thì tôi đã làm xong thủ tục lạ kỳ kia và đã vào thời kỳ nhịn ăn rồi.

Ngày đầu tiên khổ sở nhứt vì tâm luôn nghĩ tới cơm và bụng bị đói cào, nhưng qua ngày thứ hai những khổ ấy không còn nữa. Tôi chỉ cảm thấy hơi yếu nên nằm nhà nghỉ một hai tiếng trong giờ cơm trưa là mọi việc đều ổn. Đến sáng ngày thứ tư khi thời gian nhịn ăn chấm dứt, tôi không thấy đói bụng và cũng không muốn ăn. Tôi có cảm tưởng mình có thể nhịn ăn lâu hơn.

Lúc ăn trở lại, chúng tôi được dạy nên ăn từ từ, bằng cách trong ngày đầu chỉ nên uống nước trái cây loãng hay ăn trái cây mềm tùy theo thời gian nhịn lâu hay mau. Sang ngày thứ hai, tôi bắt đầu ăn như thường lệ: sữa chua và rau trái--nhẹ theo lối du-già. Tôi thấy sự thèm khát có trở lại, nhưng tôi tự chế không ăn đồ ngọt cũng như quà vặt và không ăn tối. Tuy nhiên tâm có lý do chính đáng của nó: tôi phải ăn nhiều hơn để bù đắp cho thân thể đang thiếu thốn. Tôi chịu thua thành thử có lúc ăn thêm một hai miếng trái cây vào buổi tối, sau thời kinh và thiền.

Thầy Swamiji dạy thêm cách xổ mũi và các xoan mũi. Có thể hít nước muối rồi khạc ra đằng miệng hay hít không khí vô đầy phổi rồi khịt mạnh ra bằng một lỗ mũi theo cách chỉ dẫn. Thầy là người chuộng toàn hảo nên dẫn giải rất tỉ mỉ và muốn mỗi học viên phải làm đúng y các chi tiết Thầy dạy. Thầy nhấn mạnh điểm Du Già là một khoa học chính xác và là một tiến hóa tri thức. Thầy chỉ trích các sư du già rởm bên Âu Mỹ đã tự động đơn giản hóa du già để thích nghi rồi nói 'Chúng ta cần môn Du Già Tây phương'. Thầy gọi lối luyện tập bừa bãi đó là 'bhoga yoga' hay 'du già trên ghế bành'.

Vào tiết du già hatha và điều tức[4], chúng tôi học nhiều cách thở và thế mới. Theo giải thích khoa học của Thầy Swami thì nền tảng của mọi phép tu tập du già đều có nền tảng của khí lực prana. Thầy nói khí lực là sinh lực vô hình ở mọi nơi có khả năng duy trì mọi sinh thể--người, động vật, cây cỏ, và cả đất đá. Thầy gọi đó là 'plasma vũ trụ' hay là một thứ điện lực loãng kết dính tất cả các nguyên tố sáng tạo và cho chúng sự sống. Khí lực cần thiết cho thân thể được cung cấp hầu hết qua hơi thở và một ít qua sự ăn uống, nhứt là ăn thức ăn sống và uống nước lạnh. Khí lực di chuyển khắp châu thân trong một hệ thống khí lực lớn trong ấy có nhiều kênh siêu trần và vô hình gọi là huyệt[5]. Bình thường khí lực chảy trong huyệt theo mô hình định sẵn để thực hiện nhiều chức năng sinh học khác nhau, nhưng không như máu trong hệ tuần hoàn, khí lực có thể được hướng dẫn bởi tâm. Một sự tập trung lớn khí lực ở một nơi đau bịnh nào đó có thể chữa trị bịnh ở nơi đó. Do đó, điều tức là cách điều động khí lực có ý thức và được kiểm soát để làm thân tâm khỏe mạnh. Điều tức không chỉ đơn thuần là hô hấp sâu mặc dầu khí lực thâm nhập theo hơi thở, mà còn là sự nhận thức khí lực lúc năng lương ấy được hướng dẫn qua huyệt. Tôi say mê nghe Thầy Swami giảng mục điều tức này.

Theo Tiến sĩ Swami Gitananda, điều quan yếu của du già là phải biết rõ cách thở bằng ba buồng phổi. Có nghĩa là phải biết thở theo nhịp điệu và qua ba buồng chính của mỗi lá phổi, tức dưới, giữa và trên. Thầy cắt nghĩa sinh lý của cách thở ấy dựa trên dòng chảy của khí lực và của máu trong hai hệ thống tuần hoàn và hô hấp. Mỗi buồng phổi điều hành sự luân lưu của khí lực và máu của một khu vực trong thân thể. Nếu chúng ta không thở vào một buồng phổi nào đó thì khu vực tương ứng kia sẽ không có đủ khí lực, oxy, và máu để sanh sống bình thường. Thầy nhấn mạnh rằng nguyên nhân chính của bệnh tật và sự trục trặc của cơ quan có thể do sự điều phối không hữu hiệu của khí lực, máu và oxy bởi vì thở không đúng cách. Các tật bịnh này có thể chửa được bằng cách thở theo phép điều tức song song với sự tập luyện một số động tác du già và cách ăn uống.

Trong những ngày đầu khóa lúc tôi đang nhịn ăn, Thầy dạy cách thở và một số thế du già nhằm giúp đem không khí vô sâu tới ba buồng phổi. Thật tình, lâu nay tôi đâu có biết thế nào là thở sâu và phổi có tới ba buồng. Tôi nghĩ phổi chỉ là cái bị đàn hồi dùng để thở vô thở ra mà thôi. Âu là một khám phá mới của tôi, và tôi thấy khác biệt khi thực tập và thực chứng.

Thầy Swami cũng có nói nhiều về tầm quan trọng của cách thở nhịp nhàng theo các thế đứng ngồi và dạy chúng tôi một lô động tác liên hệ. Tôi có đọc qua một ít trong sách rồi nhưng chẳng có nghĩa lý gì so với những lời Thầy dạy hôm nay. Lúc ban đầu chúng tôi học những động tác dễ như đưa một chân rồi hai chân lên trong lúc nằm ngửa, nằm nghiêng và nằm sấp. Chúng tôi thực tập các thế cổ điển-- như thuyền, rắn, chào, cày, kiều, mộc và nhiều thế khác. Chúng tôi học thêm hai ba thế mới mỗi ngày. Thầy Swami cũng có dạy một ít cách thở phức tạp như mudras, bandhas và kriyas, cạnh các phương pháp điều tức thông thường. Nhưng rất tiếc chúng tôi không đủ thì giờ để tập hết hầu thu đạt nhiều lợi lạc hơn.

Thời kinh chiều là thời gian tôi thích nhứt trong ngày. Thầy Swami dạy chúng tôi nhiều bài chú và cách trì. Mỗi ngày có một bài chú riêng ứng với một linh thần Ấn Độ. Tôi đắc ý nhứt với bài OM NAMA SHIVAYA. Theo Thầy, Shiva mà người ta thờ như một vị thần, chính ra có nghĩa là 'Tốt Lành' hiểu như sự trong trắng của tâm. Khi trì OM NAMA SHIVAYA chúng ta tỏ lòng kính trọng và làm phát khởi tính tốt lành ấy trong tâm ta. Như thế Shiva không khác Phật Tánh của Thiền Zen và Niết Bàn là mấy, theo tôi nghĩ. Tôi rất hoan lạc trong lúc trì chú và có thể ngồi lâu hơn trong thế kiết già để thiền định hầu hợp nhứt tâm với nội quang và cảm thọ bản chất vô biên hay tự tại.

Trong các bài giảng, Thầy Swami có nói phớt qua về sáu hay tám nhánh của khoa Du Già. Cách Thầy giải thích và kết hợp các khía cạnh của sự tịnh hóa thân tâm làm tôi nghĩ Thầy là một bậc sư rất am tường khoa học. Qua đó, tôi bắt đầu thấy sâu mối liên quan cơ bản giữa thân và tâm; chúng chỉ là hai mặt của một sự việc và cần phải được đề cập như vậy trong quá trình phát triển tâm linh và chứng ngộ. Tôi thử tìm hiểu các điểm dị đồng của Du Già và Phật giáo khi luận giải sự Giác Ngộ và sự Giải Thoát khỏi Luân Hồi. Không như Du Già, Phật giáo không quan tâm đến sự tịnh hóa trực tiếp và trước tiên của thân. Phật giáo đặc biệt chú trọng trước hết đến sự tận diệt trực tiếp các độc hại trong tâm bằng pháp hành thiền để diệt khổ và đạt Niết Bàn. Phật giáo không đề cập đến thần linh hay siêu nhân nào trong tiến trình diệt khổ. Du Già, trái lại, nhận Ngã Vô Thượng là nền tảng chính của Chơn Tánh và gọi Thương Đế dưới nhiều danh từ khác nhau như Brahma, Vishnu, Shiva, vân vân. Trên bề mặt, hình như có sự tương phản giữa thuyết Vô Ngã hay thuyết Không của Phật giáo và Giải Thoát của Du Già và Hồi giáo, nhưng thật ra cả hai đều hướng đến giải thoát khỏi nhục thể và đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Tôi không biết giữa hai thuyết ấy có khác biệt nào quan trọng không. Làm thế nào có thể có hai Chơn Tánh hay hai Thực Tế Tối Hậu khác nhau? Hiểu biết của tôi lúc bấy giờ còn nông cạn lắm. Tôi không có tư cách để phê phán và tôi cũng không cần phải phê phán. Trong trường hợp nào tôi cũng còn phải đi một đoạn đường dài nữa mới mong thấu hiểu. Dầu có hay không những dị biệt quan trọng, thời gian và sự học tập chuyên cần của tôi sẽ giúp trả lời sau này. Trong hiện tại, tôi rất thỏa mãn với việc luyện du già để tịnh hóa và tăng cường thân tâm tôi và hành thiền để diệt trừ tâm độc, giải bớt chấp trước và phát sanh trí tuệ.

Vào tuần chót, tôi rất thích thú với nhiều thế du già mới, nhưng rất tiếc khóa học sắp mãn. Thời giờ quá ít trong lúc có nhiều thứ cần học quá. Do đó, tôi không tài nào nhớ hết các chi tiết của các phương pháp và của khối dữ kiện và kiến thức được dẫn giải hối hả vừa qua. Thầy Swami nói rằng khóa học chỉ là phần nhập môn cấp thời nói về sự đa dạng, phạm vi và áp dụng thực tiễn của các khía cạnh khác nhau của Du Già. Những tài liệu giảng dạy trong tháng qua được cô đọng từ một khóa thông thường dài sáu tháng mà Thầy dạy ở ashram Pondicherry mỗi năm. Cũng các tài liệu này cộng với một số nữa được giảng dạy chẫm rãi và chi tiết hơn để học viên có đủ thì giờ vừa học vừa tập các phương thế mới. Thầy Swami nói sáu tháng mới đủ cho học viên có căn bản vững chắc khả dĩ dạy lại được nếu muốn và nếu học tập chuyên cần. Và ai theo học hết khóa 6-tháng mới được Thầy cấp giấy chứng nhận dạy Du Già. Thầy khuyến khích chúng tôi lên Pondicherry theo học và khóa mới được tổ chức mỗi năm vào ngày 1 tháng Mười.

Cuối khóa, tôi quyết định đi Pondicherry theo học khóa 6-tháng vào ngày 1 tháng Mười. Tôi thưa với Thầy và Thầy vui vẻ tiếp nhận tôi. Chris rất phục Thầy Swami và cũng muốn theo học khóa 6-tháng. Hai người Âu mới biết Thầy Swami Gitananda cũng định đi. Còn tới năm tháng nữa, tôi ở lại Sri Lanka học thiền minh sát mà tôi vẫn còn thích, và tập du già cho khỏe để theo khóa 6-tháng sắp tới. Đó là dự tính của tôi cho trọn năm tới. Tôi thích thú biết tâm trí mình sẽ bận rộn trong thời gian tôi ở bên phương Đông này.

Đêm sau cùng được dành cho l­ễ Guru Dakshima còn gọi là 'l­ễ dâng Guru', một tập tục cổ truyền của du già. Trong buổi l­ễ học viên trình diện và dâng lên thầy một lễ­ vật để­ tỏ lòng biết ơn dạy dỗ. Thầy Swami thích hoa trái nhưng dĩ nhiên Thầy không thể dùng hết ba bốn mươi vật l­ễ chỉ toàn là hoa trái. Bà Meenakshi đề nghị dâng một ít tiền để Thầy có phương tiện chi tiêu đi về Ấn Độ. Bà cho biết học phí thu được chỉ đủ để mướn chỗ, mua thức ăn, trả tiền điện nước, vân vân. Thầy cần có một số tiền cho những chi tiêu cá nhân.

Đề nghị của Bà Meenakshi rất thực tế và hữu lý, nhưng hiện giờ tôi chỉ còn có mười đô la vì tiền bên nhà gởi qua chưa tới. Tôi mang ơn Thầy rất nhiều vì đã được Thầy truyền cho nhiều kiến thức mới và động viên tinh thần, nên tôi muốn dâng Thầy trọn mười đô la rồi sẽ mượn Chris cho chi tiêu của tôi sau. Cái tánh ích kỹ dùng lý lẽ cạn tiền của tôi đang giằn co trong tâm tôi. Tôi phân vân không biết nên dâng bao nhiêu hay tôi chỉ cần mua một ít trái cây và vòng hoa dâng Thầy. Tôi rùng mình vì tính nhỏ nhen đó nhưng tôi không làm sao cản nó được. Sau cùng, tôi nhận thấy nên dâng hết mười đô; tôi nhẹ nhõm. Tình cờ, tiền gởi qua vừa tới ngày hôm sau.

Đêm đó, tôi theo dõi mỗi người khi lên trước Thầy Swami và quan sát sự cung kính của họ đối với Thầy. Một số, nhứt là người Tamil, chân thành tin tưởng và tùng phục bằng cách choàng vòng hoa lên Thầy rồi lạy xuống để tay đụng chân Thầy. Một số khác dè dặt hơn, có lẽ vì cái tôi, chỉ làm bộ chấp tay cúi đầu xá Thầy trong lúc đặt bao thư lên dĩa để gần đó. Một ít không cúi đầu, rõ ràng vì bị cái tôi kiềm hãm. Tôi thì đã quen rồi và vì luôn khiêm nhường trước guru nên tôi lạy Thầy theo lối Theravada canh cải[6] và đụng tay vào chân trần của Thầy. Nhưng dầu thành thật hay vô ngã như tôi nghĩ, tôi vẫn còn thấy một chút trình diễ­n khi cúi lạy. Lậu hoặc hãy còn núp bóng trong vùng sâu thẳm của tâm chưa giải thoát của tôi.



[1] Nguyên văn là chakra được tác giả giải thích là "trung tâm năng lực của thân siêu trần (etheric). Xem thêm mục VIII, Phụ Bản I (nd).

[2] Nguyên văn của tác giả là Cosmic Consciousness (tg).

[3] Nguyên văn của tác giả là Godhead (tg).

[4] Pranayama (tg). Prana là nguồn sinh lực thấm đượm cả vũ trụ và con người ở mọi cấp độ. Ayana là sự tích trữ và phân phối prana. (Người dịch ghi chú theo Kỹ Thuật và Thực Hành Yoga Toàn Tập của B.K.S. Iyengar, tổng hợp và biên dịch bởi Nguyễ­n Thị Hồng Vân, NXB Phụ Nữ, 2004)

[5] nadi (tg).

[6] Bằng cách quỳ gối, chấp hai tay, cúi xuống để đầu và các chót tay chân chấm đất, rồi ngưỡng lên lập lại ba lần (tg)..


---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/06/2019(Xem: 5389)
Cụ Rùa 100 tuổi ăn chay và nghe kinh Phật trong chùa ở miền Tây, Việt Nam Chùa Phước Kiển tọa lạc ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp nổi tiếng với chuyện ly kỳ về các cụ rùa hơn 100 tuổi thích ngủ mùng, ăn chay và nghe kinh Phật. Phước Kiển Tự (chùa Phước Kiển, hay còn gọi là chùa Lá Sen) tọa lạc ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp có lối kiến trúc đơn giản. Chùa khá nhỏ bé nhưng có lịch sử lâu đời.
08/06/2019(Xem: 5526)
HC Andersen Truyện Kể - Tâm Trí Lê Hữu Khải
25/05/2019(Xem: 9658)
Nhân ngày giỗ Tổ năm nay, tôi được Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì Tùng lâm Hương Tích cho biết rằng, mùa an cư năm nay, Kỷ hợi, 2019, Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội đã quyết định giảng bộ sách TRUY MÔN CẢNH HUẤNtại các trường Hạ trên toàn thành phố. Với túc duyên này, chư Tăng Tùng lâm Hương tích và Phật tử Đạo tràng Chân Tịnh chùa Hương đã biên tập và ấn tống tái bản lần thứ hai sách Truy Môn Cảnh Huấn để cúng dàng Chư tôn đức Tăng Ni trong 18 Hạ trường của Phật giáo Thủ đô.
20/05/2019(Xem: 4180)
Truyện Thạch Sanh Lý Thông có liên hệ gì với tư tưởng Phật giáo? Nơi đây, chúng ta thử suy nghĩ về chủ đề này, trong dịp Giáo sư Nguyễn Văn Sâm biên dịch, chú giải và ấn hành Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông. Truyện cổ tích Thạch Sanh Lý Thông được kể qua văn học truyền khẩu nhiều thế kỷ trước khi xuất hiện truyện thơ cùng tên. Thường được gọi tắt là truyện Thạch Sanh. Do vì xuất sinh từ văn học truyền khẩu, nên có nhiều phiên bản khác nhau.
15/05/2019(Xem: 4372)
Những tiếng gọi chậm rãi, ân cần, chợt vọng lên từ đáy lòng sâu thẳm khi thời công phu khuya vừa dứt. Những tiếng gọi hòa quyện vào nhau, nhịp nhàng đồng điệu như một bản hòa tấu. Tiếng gọi của Hồn Thiêng Sông Núi, của Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, của những vị ân sư đã đến rồi đi, đang còn rồi sẽ mất, của những ngôi chùa làng quê, của giòng sông, của vách núi …. Tất cả, như những âm thanh vọng từ cõi tâm hương nào, tuy nghìn trùng mà như gang tấc, tưởng chiêm bao mà như hiện thực đâu đây … Những âm thanh đó đã khiến thời công phu khuya dường như bất tận, để khi ánh dương lên, tôi biết, tôi sẽ phải làm gì. Đứng lên.
03/05/2019(Xem: 5159)
Thuở xưa nước Tỳ-xá-ly, Đất thơm in dấu từ bi Phật-đà. Có rừng cổ thụ ta-la, Một chiều chim rộn trong hoa hát mừng. Tay Phật cầm nhánh lan rừng Quay sang phía hữu bảo rằng “A-nan! Đạo ta như khói chiên đàn, Mười phương pháp giới tỉnh hàng nhân thiên.
01/05/2019(Xem: 3893)
Hôm nay là ngày 30.04.2019, ai trong chúng ta không nhớ đến ngày 30.04.75 cái ngày đen tối nhất trong lịch sử đất nước, ngày mà mọi người hoảng loạn vì tỵ nạn cộng sản, ai cũng tìm đường ra đi bằng mọi cách nhất là những người đã sống với cộng sản sau ngày Cộng sản tràn về Hà Nội, tuyên bố Độc Lập, thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa, cái mỹ từ đó nghe quá đẹp đẽ nhưng đằng sau đó lại là những áp bức bất công đầy dẫy, để san bằng giai cấp cộng sản đã không từ cái gì cả, mọi người tố cáo nhau để dành quyền lợi, cả xã hội đảo lộn vì họ chỉ tin vào lý thuyết duy vật, vô thần và trong đầu mọi người Đáng Cộng sản chỉ nhồi sọ một thứ ảo tưởng xa vời là tiến lên một xã hội công bằng, đẹp đẽ, mọi người đều có quyền lợi ngang nhau, không ai được phép giàu hơn ai cả nên họ tẩy não mọi người nhất là tầng lớp tiểu tư sản mà họ cho là luôn ăn trên ngồi trước mọi người, cũng vì vậy mà có cuộc di tản 1954 từ Bắc vào Nam của những người dân Miền Bắc.
15/04/2019(Xem: 4306)
Gần đây khi tiếp xúc với một số bạn đồng cảnh ngộ , bạn tôi thường cười đùa với nhau và đôi khi ôm chầm lấy tôi và nói thì thầm vào tai tôi " đời người chính là sự cô đơn, khi mình càng hiểu ra được điều này sớm bao nhiêu thì càng dễ tìm được hạnh phúc bấy nhiêu." . Một đôi khi cô bạn còn cười khúc khích đánh mạnh vào vai tôi rồi nói " hơn thế nữa, bạn thân tôi ơi , bạn có biết không cô đơn thực ra là một trạng thái cuộc sống cao cấp hơn thôi, bởi nó dạy bạn cách quan tâm, chăm sóc hơn đến nội tâm của mình một cách chu đáo và cẩn thận hơn "
14/04/2019(Xem: 6209)
Hòa Thượng THÍCH NHƯ ĐIỂN Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công Chúa (Phóng tác lịch sử tiểu thuyết vào cuối đời Lý đầu đời Trần) Phật lịch 2.562 – Mậu Tuất 2018 Xuất bản năm 2018 - Xin vô vàn niệm ân tất cả những ai đã quan tâm đến tác phẩm nầy trong nhiều năm tháng qua, khi tôi có dịp giới thiệu với quý vị ở đâu đó qua những buổi giảng, hay những câu chuyện bên lề của một cuộc hội thoại nào đó. Tuy nhiên vẫn có một số vị vẫn muốn biết vì sao tôi viết tác phẩm phóng tác lịch sử tiểu thuyết nầy. Dĩ nhiên là không nói ra, khi xem sách hay xem tuồng cải lương nầy do soạn giả Giác Đạo Dương Kinh Thành ở Việt Nam biên soạn thì độc giả sẽ hiểu nhiều hơn, nhưng có nhiều vị xem dùm tôi trước khi in ấn đều mong rằng nên có lời dẫn nhập để tác phẩm nầy hoàn chỉnh hơn. Đây là lý do để tôi viết những dòng chữ nầy.
14/04/2019(Xem: 7915)
Một chàng vượt biển đi xa Thuyền qua ngọn sóng bất ngờ đánh rơi Chén bằng bạc quý sáng ngời Chén rơi xuống biển và rồi chìm sâu Chàng bèn làm dấu thật mau Hông thuyền ghi lại để sau dễ tìm Rồi chàng tiếp tục chèo thuyền Trong tâm tự nghĩ: “Nào quên dễ gì
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]