Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 13. Đêm vui trăng tròn ở bãi Anjuna

11/06/201316:58(Xem: 3554)
Chương 13. Đêm vui trăng tròn ở bãi Anjuna

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn Quán dịch Việt

Chương 13

ĐÊM VUI TRĂNG TRÒN Ở BÃI ANJUNA

Tôi đến bãi Anjuna để xem trại khỏa thân lớn nhứt thế giới mà tôi có ý mong đợi lâu nay. Bãi biển thênh thang với nhiều ngọn dừa đu đưa trong gió. Hằng trăm thân hình trần trụi sạm nắng đang nằm, ngồi, đi, đứng khắp nơi. Để khỏi 'dị', tôi cởi chiếc quần đùi vắt vai rồi thơ thẩn dọc theo bãi. Đó đây, có nhiều nhóm nhỏ đang chụm nhum hút cần sa chillum. Có luôn một cặp đang làm tình giữa thanh thiên bạch nhựt. Nhiều chòi lá bán thức ăn nằm rải rác giống như ở Hồ Arambol. Tôi đến đầu dưới chỗ dốc đá cao ngồi nghỉ mệt sau ngày đi dài. Tôi chợt chú ý tới một người có dáng quen quen đang nằm sấp gần bên. Anh vừa ngồi dậy đưa mắt nhìn chung quanh. Như bị nam châm hút, hai chúng tôi ngó nhau và nhận ra nhau cùng một lúc. Thì ra đó là Martin, người bạn Mỹ mà tôi có dịp gặp trong một tiệc vui ở Ma Rốc cách nay hơn một năm. Tôi nhận ra anh ngay vì mớ tóc hung dài bồng bềnh và bộ râu rậm ri của anh. Còn anh nhận ra tôi sau vài giây lưỡng lự bởi nay tôi không còn mái tóc vàng dài dưới vai, tôi đã thay đổi rồi nên không còn d­ễ coi mặt đặt tên nữa. Chúng tôi ráp vô liền, kể cho nhau nghe chuyện của mình hồi năm qua và hỏi thăm tin tức của các bạn cũ. Martin và người bạn tên Bill của anh cũng có đi Ấn Độ bằng ngả Afghanistan, đến Manali và nhiều nơi khác trước khi tới bãi Anjuna hai tháng nay. Trên đường đi họ 'cáp độ' với hai cô bạn rất xinh. Tất cả đang sống trong cái chòi nhỏ sau bụi rậm lớn gần đây. Tôi kể anh nghe tôi đã đổi lối sống, thiên về thiền và đã gần như bỏ hút hẳn. Tôi cho anh biết thiền có thể giúp người ta lâng lâng tự nhiên và lâu bền chớ không như ma túy làm người ta phê vì nghiện, dẫu rằng tôi chưa đạt đến trạng thái tuyệt mỹ đó. Martin nói anh rất tin lời tôi nhưng trong hiện tại anh chưa thể theo được vì anh còn đang vui cái thú phê thuốc. Anh cho biết thêm anh đã dự hai cuộc liên hoan trên bãi Anjuna rồi và từng chứng kiến nhiều cảnh hoang dại với mọi người say thuốc kích động và lắc lư theo nhạc rock inh ỏi của các loa cực mạnh. Tôi nói với anh tôi đến đây là vì muốn mắt thấy tai nghe các thứ đó, những thứ mà tôi đã đuợc nghe kể hồi trước.

Martin mời tôi ở lại nhưng tôi xin phép từ chối. Tôi không muốn làm cuộc vui của anh và bạn anh bớt hứng thú. Vả lại, tôi muốn ngủ ngoài trời dưới bãi để ngắm sao. Tuy nhiên, tôi có tới lều để chào Bill và gặp hai cô bạn của anh. Bill ngạc nhiên khi thấy tôi; hai đứa có nói chuyện một lúc. Anh có đề nghị tôi hút mừng tái ngộ nhưng tôi hẹn khi khác. Vì không có ăn từ sáng nên tôi đói và muốn kiếm gì lót lòng. Tôi để xách lại lều và đi ra dò xem chung quanh. Tôi thấy có nhiều lều bán trà, nước ngọt, khoai tây chiên, sà lách, sà lách trái cây và sữa chua. Tôi vô quán gần bên ăn sà lách và sà lách trái cây trộn sữa chua. Khá ngon miệng. Theo lối cát mòn đi vô phía trong, tôi gặp nhiều nhà và lều quán ẩn mình dưới rạng dừa cao, những hình thức kinh doanh nhằm phục vụ nhóm híp pi thường tới lui khá đông trong vùng này. Nhiều người ngoại quốc đến đây mướn nhà ở qua mùa Đông từ tháng 10 tới tháng 4. Phía trong xa hơn là làng Anjuna. Làng nhỏ nhưng có trạm bưu điện, bến xe buýt, nhiều chỗ cho mướn xe đạp, và một ít tiệm bán đồ dùng hằng ngày. Nếu cần mua sắm nhiều cho cả tuần, các nhà nội trợ híp pi đi chợ Mapusa cách đây hai dặm. Làng Mapusa lớn hơn và có đường xe đò đi đến hầu hết các địa điểm chánh ở Goa. Tôi đự định sẽ lên đây trong vài ngày tới để lấy xe buýt xuống miền Nam.

Chiều tối, tôi nhận lời Martin và Bill hút điếu cần sa. Tôi hút nhưng không thấy có gì tội lỗi vì tôi hút để kỷ niệm thời xưa và nhớ lại bạn cũ như Barry, Larry và Fred. Cần sa Afghan làm tôi phê ngon lành. Lát sau, nghe có nhạc tây ban cầm và tiếng hát vọng lại từ quán trà gần. Tôi thấy bà con bắt đầu kéo về phía quán, nơi có tiếng kèn túi. Martin cho tôi biết đó là tín hiệu mời cơm miễn phí và mời cùng hát do đám Con Chúa Ngông tổ chức mỗi chiều tối. Họ gồm mười người, tất cả đều là Tây, sống trong căn nhà nằm dưới phía Nam của bờ đá, cách đây chừng hai mươi phút đi bộ. Nhà họ là cứ địa của 'cuộc thập tự chinh ồ ạt' vào 'ổ tội lỗi' trong vùng (bãi biển Anjuna). Mỗi đêm nhóm nấu một nồi thức ăn lớn, thường là súp hay hầm, ăn với cơm và chapatti để phát không cho ai tham gia. Trong lúc soạn bữa ăn, một người trong bọn họ chơi tây ban cầm và hướng dẫn cùng-hát để cổ động. Thấy vui vui, tôi đến xem. Tôi ngồi xếp bằng chừng như đang ngồi thiền. Vì còn say cần sa, tôi chỉ ngồi nhắm mắt, nghe hát dân ca trong lúc theo dõi phản ứng của thân mình và hơi thở.

Tôi đặc biệt thích bài hát có câu 'You must be like a tiny baby to get into the kingdom of heaven--Bạn phải giống như một em bé nho nhỏ để bước lên chốn thiên đàng.' Chợt nghe câu hát ấy tôi liền mở mắt và thấy em bé đang được một người đàn bà trong nhóm đu đưa trên tay. Em trông ngây thơ và trong trắng với nụ cười rạng rỡ trên môi. Tôi hiểu câu hát này theo quan niệm Phật giáo của tôi. Trong năm đầu sơ sanh, bé chưa bị hoen ố bởi ích kỷ, thù hằn, thành kiến và những quy định thuờng thấy ở đời. Do đó, chúng ta cần quay lui về thời ấu thơ; tâm ta cần được tịnh hóa khỏi cái bản ngã yêu quý và các độc tố tâm linh hầu đạt sự tự do thật sự hay Niết Bàn. Đó là "Niết Bàn trong ta". Tôi lắng nghe hết tất cả các bài hát trong tâm trạng phóng khoáng đó và không quan tâm đến những từ như Chúa, Thượng Đế, tội, thiên đường, cứu rỗi, vân vân, theo nghĩa của kinh thánh; tôi hiểu ý bóng của lời hát. Tôi không cần hát theo nhưng hiểu ý nghĩa thâm sâu; đó mới là điều quan trọng. Tôi thấy tâm hồn mình dâng trào niềm vui lớn và tôi ngồi trong lặng yên gần nửa tiếng đồng hồ. Thật buồn cười khi thấy hầu hết bọn hâm mộ ăn mặc hở hang chỉ xuất hiện trước khi cơm dọn ra và chuồn lẹ ngay khi vừa ăn xong để khỏi nghe những lời phúc giảng phục sinh hùng hồn. Mặc dầu tôi mới ăn vài giờ trước đó, tôi không thể bỏ qua món rau hầm với cơm, bữa ăn mà tôi nghĩ rất tốt cho tấm thân sụt ký của tôi. Sau đó mỗi người trong nhóm chia đi nói chuyện với từng khách một. Tôi biết truớc họ sẽ nói gì bởi tôi có chút kinh nghiệm với đám Jesus Freaks ở Palm Spring rồi. Để tỏ ra lịch sự đối với sự chu đáo mà họ đã dành cho và cũng vì tin tưởng nơi căn bản Phật pháp mới học, tôi ngồi lại trong lúc các híp pi khác tan hàng sớm. Một anh ngồi xuống và hỏi tôi có tin Chúa không? Tôi trả lời: "Tôi tin vì Ngài là một vị Bồ Tát lớn và là người đã ngộ." Anh nhìn tôi hoang mang và nói "Mà anh có nhận Ngài là con của Thượng Đế và là vị cứu rỗi của anh không?" Tôi trả lời rằng nếu ai theo gương và lời chỉ giáo của Ngài, ví như quên mình, hy sinh và thương yêu mọi người, người ấy tự cứu rỗi bằng hành động và ý niệm, và như thế là nhận Ngài như đấng cứu rỗi vậy. Anh kinh ngạc và lật đật rút Thánh kinh ra chỉ cho tôi đoạn nói: "Tôi là Sự Thật, Ánh Sáng và Con Đường; không ai có thể đến với Thượng Đế trên Thiên Đàng mà không qua Tôi; Tôi và Đức Thánh Cha là Một." Anh nhấn mạnh điểm không ai có thể tự cứu rỗi chỉ bằng sự cố gắng của mình, dẫu có nghĩ rằng mình trong trắng thế mấy đi nữa. Tôi cố thuyết để anh hiểu Đức Chúa đã nói rằng: "Thiên Đàng ở trong anh", do đó anh có thể tự tìm thấy bằng cách thiền. Tôi nói thêm Đức Phật cũng từng nói như thế nhưng bằng lời lẽ khác mà thôi. Trước khi tôi nói hết câu, anh cướp lời và biện bác thêm bằng nhiều đoạn Thánh Kinh dí dỏm. Anh vặn lại bằng cách nói rằng người vô luân không thể thấy và đạt được Thiên Đàng bằng công sức riêng và thiền không thể giúp tự cứu rỗi.

Tôi có thể tranh luận với anh tiếp, nhưng kinh nghiệm cho biết tôi chỉ phí sức nên lặng thinh. Sau thêm vài phút giảng Thánh kinh bằng lời lẽ 'đao to búa lớn', anh kết luận tôi chưa thể cải hóa được trong lúc này. Anh cố khuyên tôi nên suy nghĩ lại kỹ càng và nhận Chúa trước khi quá trễ. Tôi cám ơn anh và nói tôi sẽ suy nghĩ. Anh đứng lên từ giã tôi để đi tìm một 'linh hồn lạc lõng' khác.

Sau khi ghé Martin lấy xách, tôi xuống biển tránh đám đông. Tôi ngồi 'thiền quét' một đỗi để thể nghiệm sự vô thường trong và quanh tôi và kết thúc bằng cách rải tâm Từ. Sau đó, tôi nằm dài trên cát ấm dưới bầu trời vô tận. Tôi thức dậy lúc chạng vạng, ngồi thiền một giờ rồi tập du già Vừa lúc tôi kết thúc và định xuống biển tắm có đôi nam nữ đến. Cả hai đều trần trụi trừ mảnh khăn vắt trên vai và xâu chuỗi mala quấn quanh cổ. Người đàn ông xách cái trống thon thon bịt da hai đầu. Họ đi thẳng tới trong lúc tôi còn ngồi trên bồ đoàn. Họ hỏi tôi có thể giúp họ không. Tôi chợt nhận ra hình của Bagwan Sree Rajneesh trên xâu chuỗi của họ, hình ảnh mà tôi có dịp thấy Grita và các bạn của cô đeo lúc ở đằng Hồ Arambol. Đôi nam nữ này là người Đức và cũng là đồ đệ của Guru Rajneesh. Họ giải thích họ sẽ hành một lối 'thiền hỗn loạn' theo tiếng trống. Họ chỉ cần tôi giúp đánh trống theo nhịp điệu của họ, trước chậm sau nhanh. Họ sẽ đứng múa trước và khi họ sà xuống cát ngưng tác động thì tôi ngưng trống. Tôi nói tôi chưa biết nhưng tôi sẵn lòng giúp. Người đàn ông trao cho tôi chiếc trống dài và nói tôi cứ đánh tùy hứng hay tự nhiên theo động tác của họ. Tôi ngồi vào thế hoa sen, để trống ngang trên chân trong lúc họ gỡ chuỗi thảy lên trên hai thẻo vải để dưới cát.

Tôi bắt đầu đánh trống chầm chậm như đã chỉ còn hai anh chị bắt đầu hít thở sâu. Chẳng bao lâu họ xoay thân hình trần truồng của họ qua trái qua phải, mỗi người theo điệu riêng của mình và theo tiếng trống của tôi. Khi nhịp trống lên nhanh, họ nhảy múa, quơ tay, lắc đầu, rơi ngồi trên gối, cung tay đập xuống cát, gào thét, và để mọi thứ bốc ra như người ta thường nói. Tôi không biết tại sao các động tác 'ngây ngất' ấy phát sanh và tôi cũng 'bị lây' trong lúc đánh trống. Ba chúng tôi dường như vô tình hòa quện vào nhau và tôi không biết họ theo tiếng trống của tôi hay tôi theo nhịp điệu của họ. Tôi không còn điều khiển được tay tôi nữa. Tôi tưởng chừng cả ba bị dẫn dắt bởi một lực siêu nhiên đi lần lên cực điểm.

Chừng mươi lăm phút sau chúng tôi bất thần dừng lại cùng một lúc. Tôi vỗ nốt chót và hai anh chị ngưng hẳn mọi động tác rồi từ từ quỵ xuống cát nằm bất động. Tôi cũng mệt lả, để trống lăn khỏi chân, nằm chuồi ra cát. Ánh nắng nhẹ của ban mai dịu hiền chiếu xuống ba tấm thân kiệt lực. Tâm tôi yên tĩnh, ngập tràn an lạc. Thân tâm tôi như được trẻ lại từ trong ra ngoài. Một cảm giác hòa điệu hoàn toàn với thiên nhiên lan tỏa khắp người tôi. Cả ba nằm mơ màng trong khoảng mươi lăm phút mới thức tỉnh. Hai anh chị cám ơn tôi đã tham gia và họ cho biết họ đã cảm nhận luồng nhân điện của tôi. Tôi trả lời: "Tôi rất hân hạnh." Đoạn, ba chúng tôi xuống biển bơi tuốt ra khơi, khỏi vùng sóng đỗ.

Đôi bạn người Đức này đã có lần sống trong ashram ở Anjuna đây, nơi mà Grita và hai bạn của cô đã ở. Dĩ nhiên họ biết nhau. Họ giải thích cho tôi biết rằng lối 'thiền hỗn độn' là một liệu pháp gào thét căn bản dùng để trút mọi cảm xúc bị dồn nén hay mọi đau buồn của thời thơ ấu. Theo Guru Rajneesh của họ, thực hành lối thiền này để làm vơi mọi căng thẳng tinh thần hay thể chất trước khi hành các môn thiền thông thuờng. Mọi người sống trong ashram của ông đều hành 'thiền hỗn độn' mỗi sáng. Họ có lập lại những điều mà Grita đã có lần nói với tôi về triết lý Tantric và "phòng Tantric' ở ashram. Họ còn cho biết thêm ashram địa phương đang bán hạ giá một số sách cũ và mời tôi tới xem. Sau đó, họ cáo biệt ra về theo hướng lúc họ đến.

Tôi xách đồ trở lại lều của Martin. Martin mời tôi ở lại ăn cháo trái cây mà hai cô bạn anh vừa nấu. Tôi thuật lại câu chuyện 'thiền hỗn độn.' Martin cười và nói đồ đệ trời ơi của Rajneesh thường tới rẻo bờ biển yên tĩnh này, theo lời anh, để 'nhảy ngựa'. Anh nói đây là nơi lý tưởng để họ hành 'thiền hỗn độn', thỏa mãn tình dục và hút cần sa thả giàn. Anh cho biết thêm rằng đám con gái neo-sannyassins nổi tiếng là d­ễ chung chạ và là mồi ngon của bọn con trai kể cả những đứa không phải là sannyassin muốn 'chơi không'. Martin từng sống nơi đây ba tháng nay nên biết rành các trò của họ. Anh không tán đồng và nghĩ họ rất dị cũng như các Jesus Freaks.

Sau bữa ăn sáng, tôi thả lên bãi Bắc, thân trần truồng như nhộng. Trên đường đi tôi thỉnh thoảng xuống nước ngâm mình. Tôi cảm thấy tuyệt diệu khi sống tự nhiên--không cần dấu diếm mà cũng chẳng phải hổ thẹn nhận những gì thiên nhiên đã dành cho. Thật đẹp đẽ biết bao khi nhìn thấy mọi người đến từ mọi nẻo cùng gặp và cùng chung sống với nhau, dẹp bỏ mọi phiền toái của xã hội để trở về cội nguồn. Trên đường trở lại lều tôi gặp một người quen: Antonio, anh bạn Tây Ban Nha có mớ tóc dài mà tôi biết hồi ở Gomera và Kabul. Anh đi cùng nguời bạn tên Pablo. Pablo mời tôi đến căn lều nhỏ của anh ở gần đây để hút điếu chillum với các bạn. Tôi không muốn vì đang lâng lâng tự nhiên, nhưng tôi nhận lời vì bản tính xã giao cũ. Tôi theo về. Pablo vấn một điếu lớn dùng cần sa Manali và nhiều thuốc lá, thứ thuốc lá mà tôi rất sợ. Sau hai hơi tôi buồn nôn và có cảm tưởng như bị bịnh tới nơi. Nhưng không muốn mang tiếng 'hút rồi chạy', tôi ráng ngồi lại một thời gian cho đến khi hết chịu nổi. Tôi bèn cám ơn cáo từ rồi rút lui ngay để kịp hít không khí trong lành bên ngoài; tôi qua mắt được họ. Đi một chút tôi thấy khỏe lại dầu đầu còn nặng và tôi chưa thật thoải mái như trước. Tôi trách tôi sao quá điên rồ đã cưỡng lại nhận xét chính đáng của mình. Tôi sực nhận ra rằng có một xu lực khá mạnh ẩn náu trong tiềm thức luôn luôn đấu tranh với những thiện ý để dành phần thắng. Tôi cũng nghĩ tôi đã học được một bài học là phải quyết tâm từ bỏ hẳn cái tật xấu kia đi. Tôi chợt nhớ lại lời của Guru Rajneesh khuyên nên chìu tham dục cho đến khi nó nhàm hay chán để không còn đòi hỏi nữa.

Tôi đi vô làng nhỏ Anjuna, đến thăm trung tâm của Guru Rajneesh. Tôi được anh chàng người Đức gặp hồi sáng đưa đi xem. Phòng tiếp tân có treo rất nhiều hình của Guru Rajneesh chụp trong nhiều dịp khác nhau. Tôi đứng lại xem một hồi. Ông có dáng dấp của một guru Ấn Độ, ngoại trừ cái trán sói. Áo dài trắng, tóc râu hoa râm, gương mặt trong lành, và đôi mắt có thần của ông làm ông trông rất kỳ bí, một sự kỳ bí tiềm tàng sự ngộ đạo của ông. Trên bàn để trong góc thấy có nhiều sách cũ được bày bán. Tôi lựa ba cuốn, hai cuốn do ông viết là From Sex to Super Consciousness--Từ Tình Dục đến Siêu Ý Thức và The Book of Secrets--Sách về những Bí Mật' và cuốn thứ ba tựa đề "The Way of Zen--Thiền Zen' của Alan Watts, một người trước theo Chúa sau trở thành đồ đệ Zen. Sách bị rách nhiều chứng tỏ đã qua tay nhiều người đọc rồi. Rất rẻ. Tôi mua hai cuốn và bỏ lại 'The Book of Secrets' vì cuốn này dày và nặng không tiện mang theo. Như vậy, tôi có sách hay để đọc trên đường xuống phương Nam sắp tới. Anh người Đức có chỉ tôi xem 'phòng Tantra' nơi dành cho những ai có đòi hỏi sinh dục mạnh mà theo Guru cần phải được xả bớt. Đồng sự để giúp những người có nhu cầu đó có thể không khó tìm.

Đặt nặng vấn đề sinh dục như nói trên đối với tôi có vẻ quá đáng. Tôi chưa bao giờ bị ám ảnh bởi thứ sinh dục công khai mà Guru Rajneesh cũng như các 'thầy áo vàng' của ông và nhiều người khác từng quan tâm. Dĩ nhiên, tôi có nhu cầu nên đã giao du với Gail trước đây hay với Linda ở Skyros và Grita hồi gần đây. Thật tình, tôi có nghĩ phớt qua thỉnh thoảng khi thấy một cô gái Âu Mỹ khêu gợi hay một bà Ấn Độ đẹp và tôi có bị mộng tinh đôi lần. Tuy nhiên tôi không có nghĩ tới ái ân hay bị dục tình ám ảnh triền miên. Trong giờ thiền, nếu có niệm ấy dấy lên tôi xem nó, Anicca, như một phản xạ tập quán, đến rồi đi. Ai cũng biết đó là những biể­u hiện của dục vọng tiềm tàng và bản năng thâm căn mà nam nữ đang tuổi thanh xuân không sao không có. Trong trường hợp của tôi, tôi thật tình không biết đó là bi­ểu hiện của sự tự chế hay đàn áp của tiềm thức. Mà tôi không muốn đặt thành vấn đề làm gì. Có thể sách 'From Sex to Super Consciousness' giúp tôi hiểu rõ hơn. Giờ đây, tôi cần sẵn sàng cho l­ễ hội trăng tròn sắp đến. Bà con đang lo đặt máy phát âm và loa lớn trên bục cây dựng trên bãi cát cách chỗ của Martin không quá hai trăm mét.

Sập tối, tôi ngồi vào thế hoa sen, thở sâu và nhịp nhàng để vận chuyển năng lực. Tôi quán chiếu mình như một nhà du già đang cảm thọ khí lực prana mà hơi thở mang vô toàn thân. Phương cách này làm con người tôi thoải mái nhờ máu được tiếp tế nhiều oxy và não bộ được kích thích. Khi tôi xong đâu vào đấy rồi nhạc rock cũng vừa trổi lên. Vài phút sau có anh chàng Ngông tóc dài tới nhoẻn cười qua hàm râu rậm ri và đưa cho tôi một ô giấy nhỏ với lời chúc 'happy trails--lên đường cực lạc'. Trên người anh chỉ vỏn vẹn có cái xi-líp cột dây chữ G và cái đãy đeo vai. Anh xuất hiện bất thần làm tôi mất hồn nên không kịp có lời cám ơn; mà cũng không cần. Tôi mất định hướng và không rõ thời gian một chập. Khi hoàn hồn tôi đã nuốt tọt ô giấy a cít rồi, còn anh thì đã biến mất.

Tôi không thể tưởng tượng việc gì đã xảy ra và cũng không thử tìm hiểu. Chẳng bao lâu, tôi lâng lâng và không còn cảm giác mình gắn liền với thân nữa; hình như tôi chỉ còn là một cái túi không khí. Nhạc trở nên huyền diệu chừng như đang nhảy múa trong không trung và bầu trời trở thành một bức tranh phấn màu làm tôi mê say. Hơi thở sâu mà tôi bắt đầu lúc nãy bây giờ cứ tự nhiên tiếp tục. Toàn thân tôi ngứa rang và rộn ràng với một nguồn khí lực vi tế, dầu rằng hình dạng nó không rõ ràng. Tôi không thể nghĩ suy và 'cái tôi' của tôi đã tạm vắng mặt. Tôi cũng không thể tự cử động. Xác thân tôi trở thành mỏng manh và kỳ lạ nhưng đồng thời rất tươi đẹp.

Hình như lối ba mươi phút sau, nhạc Led Zepplin trổi lên, tôi sực tỉnh. Nhóm acid rock độc đáo và quen thuộc mà tôi rất yêu thích này tác động ký ức tôi khiến tôi say sưa mãnh liệt. Tuy nhiên tôi cố kiểm soát mình để có thể tự đứng lên và đi tới phía phát ra âm thanh cám dỗ ấy. Túi đeo vai đựng đồ cần thiết và chiếc khăn màu cam thắt ngang lưng giờ thành thừa thãi, nếu không muốn nói kỳ dị. Tôi không biết làm sao và muốn liệng chúng đi cho rảnh nợ. Nhưng một thoáng lý lẽ nhắc tôi trở về thực tại. Tôi nhét khăn vô xách và xách xách theo. Tôi đi mà có cảm tưởng như mình lướt chầm chậm và nhẹ nhàng trên cát.

Trời tối nhưng khu vui chơi rực sáng đền và lửa trại. Bà con đã xuôi ngược và tụ năm tụ bảy trong khu vực. Nhạc nghe càng lúc càng lớn khi tôi xích tới gần nhưng không quấy rầy tôi chút nào hết. Tôi dừng lại chỗ đèn không chói lắm, sát khán đài, rồi ngồi bệt xuống cát; thân tôi không muốn đứng. Tôi ngồi tréo chưn và cứ ngồi như vậy, không còn để ý tới nữa. Cái ngã của tôi đã chìm khuất, chỉ còn có không trạng tỉnh thức, tình trạng không gian không thuộc về ai, trong ấy dấu vết lơt lạt của 'cái tôi' chỉ lơ lửng ở phía sau xa xôi. Khá đông trai gái Ngông nhảy múa man dại, uốn éo thân trần truồng theo nhịp trống phát ra từ các loa điện tử.

Thâu đêm tôi được nghe nhiều khúc nhạc của thời vàng son xưa như The Doors--'Light My Fire'; Jefferson Arplane--The Moody Blues--'InSearch of the Lost Chord'; The Beatles--'Magical Mystery Tour'; Jimi Hendrix--"Are You Experienced'; và Led Zepplin--'Stairway to Heaven'. Chắc là ai đó có nhiều kinh nghiệm lắm trong việc lựa chọn và điều hành việc chơi nhạc đêm nay. Tôi cảm động khi được nghe lại các điệu cổ điển xưa nhờ sự hiểu biết rộng rãi của người điều khiển đó. Tôi có thể khám phá, thâm nhập và thưởng thức ý nghĩa bí truyền của các lời nhạc một cách sâu xa và thắm thiết mà trước đây tôi chưa nghe biết. Tôi từng nghe các bản này nhiều lần rồi trong lúc phê, nhưng ít khi được nghe trong tình trạng tâm an định khả dĩ phân biệt từng câu từng chữ và hiểu hết ý nghĩa duy linh. Và ví dầu tôi có hiểu đi nữa thì chỉ hiểu lờ mờ, vì lúc bấy giờ tôi đâu có thiêng về siêu hình hay thật sự tin vào tâm linh. Chung chung, tôi biết rằng các âm điệu đó nói lên những gì cao xa ngoài trí thông thường, nhưng cũng chỉ là những khúc hát phóng đại tiêu biểu cho giới híp pi đương thời.

Ngoài đám nhảy múa, có nhiều nhóm nhỏ ngồi hút cần sa, và 'Bom Shiva, Bom Shankar' được nghe xướng lên đó đây từng chập. Nhóm gần tôi nhứt cách tôi chừng vài thước. Một người trong nhóm vói đưa tôi điếu thuốc, nghĩ rằng tôi đang cô đơn vì ngồi có một mình. Thiệt tình không phải vậy, tôi biết tôi: tôi không cần gì hết trong lúc này. Tôi có cảm tưởng lực sống/tỉnh thức của tôi không khác cái lực điều động các người đang nhảy múa; lực này do khói cần sa kích thích bầu không khí lễ­ hội. Tỉnh thức mà tôi đang vui hưởng là một phần hòa nhập hay là phần căn bản của quang cảnh chung, 'quang cảnh khiêu vũ vũ trụ của cuộc sống[27]'. Đó là cảnh mộng lành và là trạng thái tỉnh thức cao nhứt, bao la nhứt mà tôi chưa hề cảm thọ.

Cảm thọ ấy dâng cao một lúc. Khi tôi có thể suy tư trở lại, tôi không biết trạng thái giác ngộ có giống vậy chăng. Tôi không nghĩ Niết Bàn có thể bao la và đẹp đẽ hơn, ngoại trừ tính thường hằng. Vì mục tiêu đó, tôi hành thiền, luyện du già và hút cần sa ma túy; cần sa ma túy, tôi nghĩ, có thể giúp tôi một cách tuyệt diệu. Tôi biết tôi sẽ trở lại thực tại, nhưng nếu còn hưởng được lúc nào tôi tận hưởng lúc đó, chỉ tận hưởng mà không tham lam vướng mắc. Kinh nghiệm huyền diệu ấy làm tôi tin nơi công phu tập luyện tâm linh hay hành trì Phật pháp; nó 'put the icing on the cake--phết kem lên bánh', như người ta thường nói; nó giúp hiểu rằng không còn gì phải nghi ngờ kết quả thu đạt được do công phu nói trên. Con đường tôi đang đi được xác quyết rõ ràng và tôi nhứt định đi tới để đạt sự tỉnh thức hay trạng thái tương tợ. Và từ hôm nay tôi tin tôi không cần tới ma túy nữa.

Trở lại bình thường vào lúc nửa đêm, tôi chợt nghĩ nên ra bãi ngắm trăng. Nước biển long lanh như mời gọi, tôi bèn xuống nhúng mình để hưởng lấy cái long lanh ấy. Tôi có cảm giác kỳ lạ tưởng chừng như mình với nước cùng là một thể. Nước dường như thấm thấu qua màn trong suốt và phi vật thể của thân tôi. Tôi tự cảnh giác không để bị cuốn trôi và mất liên lạc với thế giới hiện hữu. Tôi bèn lên bờ chỉ sau vài phút xuống nước để tránh có thể bị đắm.

Có tiếng gọi to "Joseph, Joseph[28]". Tôi quay lại và thấy hai bạn người Áo. Họ cũng đã nuốt acít và cũng đã phê. Họ tìm tôi để hỏi về những cảm giác kỳ lạ mà họ vừa chứng nghiệm; họ dùng thuốc gây ảo giác lần đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm. Một trong hai anh thuật lại cảm giác thân anh như tan biến và anh không còn nhận ra thời gian và không gian được nữa. Anh sợ anh không thể trở về với xác thân mình và có thể chết hay mất trí. Anh kia không có cảm giác mạnh đó nhưng lây sợ vì thấy bạn anh quá sợ. Hiện giờ họ tỉnh vì thuốc đã tan. Họ nghĩ tôi biết tại sao và nhờ tôi cắt nghĩa dùm. Tôi còn đang lơ mơ theo mây theo gió nên chưa thể suy tư chính chắn được. Tôi chỉ có thể nói rằng: "Tất cả đều là trống không, là ảo giác; và tất cả do tâm mình mà ra." Tôi lập đi lập lại hai ba lần trong sự kinh ngạc của riêng tôi.

Trăng đang chìm sâu dần và nhạc đang trên đà kết thúc. Lối hai mươi người còn đang thức qua đêm; họ ra bãi đi dạo, tắm biển, làm tình (những người có cặp), hay chỉ nằm nhoài xuống cát vì chưa tỉnh. Còn tôi thì lúc ngồi, lúc nằm, lúc đi dọc mé nước; tôi chiêm nghiệm quá khứ, hiện tại và vị lai theo nhân quả; tôi chiêm nghiệm lý do mà mỗi người tiến hay thối trên bước đường sanh tử theo nghiệp của mình. Khi trăng khuất dưới chân trời, tôi xuống biển tắm sáng. Mặt trời lên tôi tắm nắng mai. Sau đó tôi ngủ một giấc say. Tôi không luyện du già hay ngồi thiền sáng nay vì tôi chưa thật là mình trong lúc bấy giờ. Vả lại, trọn đêm hôm qua là thời thiền của tôi đó.

Hôm sau tôi giã từ không khí híp pi trên bãi Anjuna và tiếp tục xuôi Nam về vùng đất mũi. Tôi lấy xe đò địa phương chạy đường dọc duyên qua Kerala. Tôi nghỉ lại mỗi chiều để xuống biển. Làm vậy, tôi có thể tiếp tục thiền và tập du già mỗi sáng và tối, và khỏi tốn tiền phòng ngủ.

Một chiều nọ, tôi gặp một chuyện thật dị kỳ khi lửng thửng vô làng nhỏ dưới biển. Có nhiều người đằng trước đứng ngó tôi chòng chọc. Khi đến gần, tôi thấy họ xầm xì với nhau và ánh mắt họ không mấy thiện cảm. Rồi, họ kêu thêm dân làng ra. Không biết làm sao, tôi cứ lầm lủi đi tới. Họ chận tôi lại. Họ nhắm tôi hét lớn nhưng tôi nào đâu hiểu được tiếng địa phương của họ. Họ chỉ vô xách và như đòi tôi mở ra cho họ xem. Bị động nhưng cố làm tỉnh, tôi tìm lối đi quanh. Họ hè nhau vây tôi; vài người xô tôi, vài người khác tìm cách giựt xách đeo vai của tôi. Tôi rất sợ vì không biết tại sao họ có thái độ dọa nạt như vậy. Đúng là họ quan tâm tới những gì tôi mang trong xách nên không ngớt chỉ vô đó. Tôi đành mở xách cho họ xem để họ hết tò mò--sự tò mò rất ầm ĩ. Người chủ chốt trong đám lục xách nhưng không tìm thấy gì họ muốn tìm nên đám đông lần lần dịu xuống.

Lúc bấy giờ có một thanh niên đến giải cứu. Anh ăn mặc khá tươm tất và nói được tiếng Anh. Tôi hỏi anh chuyện gì vậy. Anh hỏi lại đám đông và được biết họ tưởng tôi là tên thầy ác ôn vì thấy tôi để râu xồm và mặc áo màu cam. Họ nói bọn giả dạng thầy tu đi rong để rình bắt cóc con nít thường xảy ra ở đây lắm. Họ nghi tôi có giấu một em bé trong xách. Thật là chuyện hoang đường! Tôi không ngờ đám dân quê chất phác này thật sự nghĩ tôi có thể nhét một đứa bé trong xách nhỏ của tôi rồi dám ngang nhiên đi ngang qua họ giữa thanh thiên bạch nhựt. Hết sức phi lý. Tôi không biết làm gì hơn là thương họ phải sống trong sự sợ hãi như vậy.

Anh bạn trẻ mời tôi về nhà không xa đó. Anh tiếc tôi đã bị đám đồng bào khiếm nhã của anh làm phiền và tha thiết mời tôi về đằng anh nghỉ ngơi sau câu chuyện rởn tóc gáy đó. Đã bốn giờ rồi, tôi thấy cần có chỗ qua đêm nên vui vẻ nhận lời và thành thật cám ơn anh. Anh tên Dinesh, sống với mẹ già, một em trai và hai em gái, trong căn nhà đơn sơ theo tiêu chuẩn Ấn Độ. Dinesh là ca sĩ có dĩa thu thanh, thường ca hát trong các hàng quán hay đình đám ở Kerala. Anh rất mừng nghe nói tôi thiền và biết du già bởi ba anh từng là một đồ đệ du già cho tới khi mất vài năm trước đây. Ở Ấn người ta thường nghe nói tới bạn bè hay thân thuộc luyện môn này chớ ít khi gặp người thật sự luyện. Dinesh đưa tôi khăn và xà bông rồi chỉ tôi ra tắm ngoài giếng sau nhà. Tôi không được tắm nước ngọt với xà bông lúc gần đây nên chụp ngay cơ hội ra dội nước giếng và kỳ cọ toàn thân.

Tối đó tôi được mẹ và hai em gái của anh dọn cho bữa ăn linh đình với cơm, dhal, chapattis với tàu hủ, hai ba món cà ri chay, và chuối tráng miệng. Sau đó anh đưa tôi vô làng xem liên hoan và lễ­ hội tôn giáo hằng năm đang di­ễn ra trọn tuần này. Có voi với thảm phủ đầu, đèn màu, nhạc ầm ĩ, trò chơi, quầy thức ăn, và đám người đông đến từ các làng kế cận. Dinesh giới thiệu tôi với một số bạn của anh và gọi tôi là 'nhà du già người Mỹ'. Sau nửa giờ rảo quanh tôi đâm chán và xin về; anh cũng về theo. Được thấy cách vui chơi của dân quê Ấn cũng là điều hay hay, tôi nghĩ. Rồi tôi nghĩ thêm không biết các người nhà quê thiếu thốn này phản ứng thế nào nếu được xem xiệc của The Ringling Bros hoặc những pha xiệc ngoạn mục khác.

Tôi đến Mũi Comorin vào lúc xế hôm sau. Người Ấn gọi mũi đất này là Kanyakumari, có nghĩa Nữ Thần Đồng Trinh. Ở đây có đền Hindu lớn thờ Bà, người mà thần thoại Hindu gọi là Parvati, phu nhân của Thần Shiva. Đền thờ là một điểm du lịch thu hút rất đông khách. Khách đến đây còn được ngắm trời lặng và trăng lên cùng một lúc. Kanyakumari cũng là nơi trăng mật lý tưởng của các cô dâu chú rể Ấn.

Mũi Comorin là giao điểm của ba biển: Ấn Độ Dương, Biển Á Rạp và Vịnh Bengal. Ngoài khơi chừng vài trăm thước có một đảo nhỏ với đền kỷ niệm Swami Vivekananda, người con nổi danh của xứ Ấn có công đầu phổ biến tư tưởng Đông phương sang Tây phương hồi gần đây. Ngài đại diện cho Ấn Độ và Ấn giáo trong Đại Hội Tôn Giáo Hoàn Cầu tổ chức tại Chicago năm 1893, Ngài mạnh dạn đề cập đến sự tương quan và hài hòa giữa các đạo giáo trên thế giới. Chính tại mỏm đá giữa ba biển này Ngài thọ nhận linh cảm tham dự Đại Hội Lành ở Chicago và quyết tâm đưa Phật Pháp sang phương Tây. Ngài là đồ đệ bậc nhứt của Thánh Paramahansa Ramakrishna, Người đạt giác ngộ khi quán chiếu bản thể của các đạo giáo. Thông điệp hiệp nhứt tôn giáo và tâm linh của sư phụ được Ngài truyền bá qua sự hình thành các Hội Truyền Giáo Ramakrishna mà hiện nay có rất nhiều trụ sở trên toàn thế giới.

Tôi chọn ở trong một khách sạn gần bến xe buýt. Tôi vô khách sạn để có chỗ cất giữ đồ đạc an toàn trong lúc đi chơi. Vả lại không có chỗ nào dưới hay gần biển có thể ngũ nghỉ được bởi dọc biển, ngoài bờ đá, tất cả các bãi được dùng để xây đền rất to, tượng đài ông Mahatma Gandhi, và bến tàu. Xế, tôi ra xem toàn khu và viếng đền. Trong đền có quầy sách lớn của Hội Truyền Giáo Ramakrishna với nhiều sách do Swami Vivekananda viết. Tôi dành khá nhiều thì giờ lục lạo và mua được hai quyển nhỏ có vẻ hay hay. Một trong hai cuốn đó là 'Raja Yoga' của Swami mà khi lật sơ qua tôi thấy sâu sắc và đáng đọc. Sách sẽ giúp tôi hiểu du già trọn vẹn và sâu xa hơn nhờ làm sáng tỏ các bước dẫn tới Moksha.

Chiều lại tôi lấy tàu ra đài kỷ niệm nơi có đền thờ và tượng của Ngài Swami Vivekananda. Đền được chăm sóc tươm tất còn tượng trông rất uy nghi. Tôi vào phòng thiền trong đền ngồi vào thế hoa sen thiền một đỗi. Trong lúc đang cảm thọ các vi ba thiêng liêng, tôi bỗng giựt mình vì có cái chi đó đụng vào đầu gối tôi. Hé mắt, tôi thấy một bà cụ lết tới và dùng hai tay xoa đầu gối tôi. Bà tưởng tôi là đạo sư nên làm vậy để tỏ lòng tôn kính theo truyền thống của đạo Hồi. Bà cụ sùng đạo cũng có lẩm nhẩm vài tiếng mà tôi nghĩ chắc là sadhu (đạo sư). Tôi giữ thế hoa sen và không động đậy vì không muốn làm cụ mất đi hình ảnh đẹp của tôi đang tĩnh tọa. Lát sau tôi ra ngoài đứng nhìn khối nước xanh thẳm mênh mông của Ấn Độ Dương; về hướng Nam bên kia đại dương là Nam Cực. Biển y có sức thu hút đặc biệt, thảo nào Ngài Swami Vivekananda đã bất kể gian nguy lội ra hòn đá nhỏ này ngồi quán chiếu thực tại.

Sáng sớm hôm sau, tôi sang nhiều chuyến xe đò để tới Rameswaram, một thành phố nằm trên hòn đảo cách chừng một dặm dãy đất hình ngón tay cong nhô ra từ lục địa Ấn Độ. Ngoài khơi là Eo Palk rộng lối ba mươi dặm phân chia Ấn Độ với Sri Lanka. Muốn qua hòn đảo hình giọt nước mắt của Sri Lanka, ngoài cách bay chỉ có đường phà từ Rameswaram. Chiếc phà cũ S.S. Ramanujan đi về mỗi tuần ba lần, lượt nào cũng nghẹt khách. Thoạt tiên, đường này được dùng để hồi cư hàng ngàn dân Tamil đi làm cho các vườn trà ở miền Bắc đảo. Đó cũng là con đường tiện lợi mà nhiều Phật tử Tích Lan dùng để sang Bắc Ấn hành hương và nhiều du khách tiện tặn như tôi dùng để tới lui giữa Ấn Độ và Tích Lan.

Tôi xuống bến phà sáng hôm có chuyến đi. Vé đã bán hết rồi và bà con đang xếp hàng dài xọc chờ qua cổng di trú/hải quan. Tôi phải mua vé--vé hạng ba--cho chuyến sau sẽ ra khơi vào hai ngày tới và đành nằm chờ nơi giống-như-ốc đảo này trong lúc chiếu khán của tôi chỉ còn đúng hai ngày. Tôi đi trở lại xóm ga và vô Dhammasala (nhà nghỉ của khách hành hương) gởi xách đeo vai. Đoạn tôi đi xem phố phường, chùa chiền và vùng lân cận trọn ngày hôm đó.

Về phía Nam của thành phố có nhiều đồi cát vươn cao khắp vùng, nơi lý tưởng cho tôi luyện du già, ngồi thiền và cả ngủ đêm. Trước khi chiều xuống, tôi trở về Dhammasala--đầy nghẹt khách--lấy xách rồi ra nhắm làng chài dưới chân núi cát to đi tới. Trên đường tôi ghé mua ít chuối, nước, đậu phọng, và bánh mì ngọt cho buổi ngủ ngoài trời đêm nay. Tôi lội qua nhiều đồi cát để đến ngọn cao nhứt và cũng là ngọn gần biển nhứt. Từ đây tôi nhìn thấy trọn thành phố và khu bến tàu với vô số thuyền câu giăng khắp nơi. Quang cảnh thật tuyệt vời. Thêm vào, gió biển nhè nhẹ thổi làm dịu mát cái nóng ẩm địa phương. Chỉ có một bất tiện duy nhứt là những đồi cát vắng vẻ quanh xóm chài thường là nơi phóng uế của dân chúng và là chỗ kiếm ăn của bầy heo đi lục lạo dọn dẹp dùm một cách bất đắc dĩ. Sau một lúc tìm kiếm tôi thấy một chỗ tương đối sạch trên đỉnh đồi; tôi trải nóp ra.

Cảnh hoàng hôn nơi đây thật ngoạn mục vì chân trời nhìn được trọn vẹn, 360 độ. Trong lúc tập du già và thiền tôi có cảm tưởng mình trơ trọi, biệt lập và quá nhỏ nhoi giữa biển cát ngút ngàn. Tôi tưởng tượng tôi chỉ là một hột cát trong tỷ tỷ hột, như là một kiếp người trong đại dương vô lượng của luân hồi. Cảm nhận đó làm tôi hân hoan khôn tả và tạo cho tôi một nội lực, vì tôi biết rằng trong những giới hạn và tiêu cực của cuộc sống hiện tại có con đường siêu việt.

Cảnh rạng đông cũng cực kỳ đẹp mắt với mặt trời tỏ dần lên từ chân trời Đông. Tôi ngồi thiền và tập du già thật lâu, từ lúc hừng đông cho tới lúc mặt trời lên khỏi chân trời-nước. Tôi thở sâu và hít vào buồng phổi không khí trong lành của buổi ban mai. Nhiều dân chài đi vệ sinh sáng cùng đám heo đi theo đem đến cho tôi những bạn đồng hành đầu tiên trong ngày. Họ lấy làm lạ thấy người như tôi lên đây một mình; họ tò mò đến gần trố mắt nhìn. Khoảng 8:30 giờ sáng, lúc bắt đầu nóng, tôi cuốn nóp leo xuống đồi, vô thành phố ăn sáng và ở lại trong đó.

Trong quán trà, tôi gặp một người Anh vừa từ Madurai tới hồi sớm bằng xe lửa để đi Tích Lan. Anh cao lỏng thỏng với râu tóc hớt cạo tươm tất. Chúng tôi vừa ăn sáng, vừa uống trà, vừa nói chuyện một đỗi lâu. Anh tên Chris, đi một mình, chỉ mang có cái xách đeo vai. Anh xuống từ phương Bắc và đã tới những nơi mà tôi từng đi qua. Anh rất thích thiền và du già nhưng chưa có học mà cũng chưa có tập. Tôi thuật anh nghe kinh nghiệm thiền tôi thọ giáo với Thầy Goenka ở Kopan và trong khóa tự học tại Goa. Như thường lệ, tôi cố tránh phóng đại vì sợ rơi vào cao ngạo. Chris rất thích nghe chuyện tôi kể và nói sẽ bắt chước.

Tôi cho Chris biết tôi qua Tích Lan để học Phật và tôi định sẽ tìm vô một trung tâm thiền có thầy giảng bằng tiếng Anh. Anh rất nhiệt tình và xin theo. Anh nghĩ nếu đi riêng một mình anh sẽ bị xao lãng và có thể sẽ đổi ý trước khi tới thiền viện. Anh gặp trường hợp này rồi khi anh định tới học với Thầy Goenka vài tháng trước đây. Lúc bấy giờ anh không có ai nâng đỡ tinh thần nên bỏ cuộc và đi tìm thú vui khác. Anh tin rằng anh sẽ không bị lạc hướng nếu được theo tôi. Tôi thích anh cao lêu nghêu với giọng Đông Luân Đôn này, nên nếu có thể giúp tôi chẳng những sẽ sẵn lòng mà còn khuyến khích anh theo tôi qua Colombo. Chris đã có khách sạn rồi, còn tôi sẽ ra đồi cát để thưởng ngoạn cảnh đẹp và có nơi thiền tĩnh mịch.

Sáng ra, tôi đi ăn sáng với Chris trong cái quán đã chọn trước khi ra bến tàu. Đúng như dự đoán, quang cảnh của trạm quan thuế rất hỗn tạp. Các ông bà Ấn Độ và Tích Lan trở về xứ hay la lối, chen lấn và thiếu kiên nhẫn nhứt. Họ tay xách nách mang nhiều hành lý cồng kềnh. Họ đem về đồ ngoại, tức đồ khó kiếm ở xứ họ vì lúc bấy giờ chánh quyền xã hội Sri Lanka rất giới hạn nhập cảng. Hàng hóa tôi thấy họ thích đem về nhứt là các ống nhựa màu, thùng xách nước và sà-ri dệt ở Ấn. Ngoài khách Nam Á có thêm chừng mười tới mười lăm Tây ba lô tìm đường qua nơi mà một tờ quảng cáo nọ gọi là 'Hòn Đảo Rực Rỡ[29]'. Chúng tôi lên được đò sau ba tiếng xếp hàng và làm thủ tục!

Trên chuyến đò dài gần bốn tiếng qua Sri Lanka, Chris và tôi gặp hai anh em người Tích Lan. Hai người nói thạo tiếng Anh, rất thích nói và nói chuyện với chúng tôi một hồi lâu. Khi biết tôi theo đạo Phật, họ nói họ 'sanh ra là con Phật'. Tôi không biết làm sao họ sanh ra là con Phật, nhưng tôi đoán họ cũng như nhiều người Tây phương thường tự cho mình là con Chúa từ lúc mới lọt lòng. Tôi chỉ được hiểu rõ ràng hơn lúc về sau này.

Hai anh em Fernando mời tôi và Chris cùng về Negombo, cách Colombo chừng hai mươi dặm, ở với họ để có dịp làm quen với phong tục Tích Lan. Âu là một lời mời hào phóng, nhưng tôi không dám nhận. Tôi định tới thủ đô Anuradhapura trước tiên, nơi có rất nhiều di tích Phật giáo và cội bồ đề cổ mà tôi mong được kính viếng và đảnh lễ­. Ngoài ra, tôi muốn làm một cuộc du lịch tự do trên đất Tích Lan và xuống miền Nam cho biết dân tình cùng phong cảnh ở đó. Tôi xin địa chỉ họ và hứa sẽ ghé lại thăm nếu có dịp đi ngang.

Trên chuyến đò này tôi còn gặp một người Tích Lan nữa. Ông mời tôi và Chris đến thăm một người bạn Phật tử của ông đang ở tại Colombo. Ông nói hai chúng tôi có thể ở lại nhà ông bạn đó vài hôm khỏi phải tốn kém gì cả. Tôi cũng lấy địa chỉ để nếu có dịp. Như vậy, trước khi đặt chơn lên hòn đảo nổi tiếng thân thiết Sri Lanka, chúng tôi có những hai lời mời rất hiếu khách. Một bước đầu rất may mắn.



[27] Nguyên văn của tác giả là the cosmic dance of life (nd).

[28] Tên mà tôi dùng từ khi rời Gomera. Joseph là tên đệm của tôi (tg).

[29] Resplendent Isle (tg).



---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/07/2010(Xem: 10490)
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, tất cả mọi hành động bằng thân, lời và ý đều xuất phát từ hai tiêu chuẩn đó nhằm đem lại lợi lạc cho mình và tha nhân. Đây là những đức tính rất cơ bản để phát triển về Giới-Định-Tuệ mà một người muốn thăng tiến về mặt tâm linh thì cần phải quan tâm và thực hiện một cách triệt để.
17/07/2010(Xem: 4747)
Đêm qua con nghe bài pháp “Vượt qua oan gia trái chủ”của thầy Thích Tâm Đại, cảm thấy bàng hoàng, sửng sốt, mồ hôi ướt lạnh. Hóa ra, trong quá khứ, con đã tạo vô lượng tội, gieo vô lượng oán thù, oan gia trái chủ.
25/06/2010(Xem: 5070)
Vì không biết sự vận hành nội tại nên hầu hết mọi người trên thế gian không ai nhận ra chính mình và cũng không đồng ý với chính mình. Có người nương vào thể chất như thân thể cao lớn, mạnh khỏe, sắc diện đẹp đẻ, sáng sủa thù thắng …và cho đó là ta. Có vị lấy tri thức như bằng cấp học vị là mình như tiến sĩ, bác sĩ hay kỹ sư v.v. Có vị lấy danh vọng chức tước như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng v.v.làm ta.
25/06/2010(Xem: 9616)
Cô Sue Dixon, một Phật tử người Úc, vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, ung thư ngực, trong lúc dường như phải bó tay và hoàn toàn tuyệt vọng thì các Tăng sĩ Tây Tạng đã hướng dẫn phương pháp Thiền quán. Tuyệt vời thay, không lâu sau đó, cô bình phục và khỏe mạnh như xưa. Bài viết dưới đây, cô sẽ kể cho đọc giả biết quá trình loại bỏ bệnh ung thư như thế nào
02/06/2010(Xem: 3788)
Đó là ngày 26 Tháng 10 năm 1967. Tôi đang bay ngay trên bầu trời trung tâm Hà Nội đan chéo đầy hỏa tiễn trong phi vụ thứ 23 của mình, thì bị một hỏa tiễn Nga kích thước cỡ cột điện thoại bắn tung cánh phải chiếc Skyhawk ném bom tôi bay. Phi cơ bổ nhào từ cao độ khoảng 4,500 feet xuống đất, bị đảo ngược lại, gần như chúi thẳng đầu xuống đất. Tôi kéo cần bung dù thoát hiểm. Lực phóng làm tôi bị bất tỉnh vì tốc độ gió đâu khoảng 500 knot (chú thích người dịch: 926 km/giờ). Lúc đó tôi không nhận thức được, nhưng chân phải ngay quanh đầu gối và ba nơi trên cánh tay phải cùng cánh tay trái của tôi đã bị gãy. Tôi tỉnh lại ngay trước khi cánh dù của tôi rơi xuống một hồ nước ngay một góc của Hà Nội, một trong những hồ họ gọi là Hồ Tây. Mũ phi công và mặt nạ dưỡng khí của tôi đã bị thổi bay đâu mất. Tôi chạm mặt nước và bị chìm xuống đáy. Tôi nghĩ rằng hồ sâu khoảng 15 feet, cũng có thể 20. Tôi chòi chân phía dưới để nổi lên mặt nước. Lúc đó tôi không cảm thấy bất kỳ đau đớn nào. Tôi hít một
03/04/2010(Xem: 3965)
Đạo vốn vô ngôn; do ngôn mà hiển đạo, thế nên có mạn lục, có bảo huấn, có bút ngữ, có võ khố. Nay đây, có Hòa thượng Văn Thủ, tự Nhất Ty (1607 – 1648) người nước Nhật Bản, lúc đầu ở ẩn nơi Tây Cương thuộc đất Lạc Tây, về sau Ngài về núi Đan mai danh ẩn tích. Nhưng các hàng xuất gia khắp chốn hải hồ tìm đến bên Ngài kết am tranh tu học số đông không kể xiết. Rốt cuộc, danh Ngài thấu đến cửu trùng, vua thỉnh Ngài trụ trì hai chùa Pháp Thường và Linh Nguyên, ban hiệu là Định Huệ Minh Quang Phật ĐảnhQuốc Sư. Những khi nhàn rỗi, Ngài xem lại gương xưa góp nhặt những di ngôn, vãng hạnh của Phật Tổ và thêm vào đó lời phẩm bình biên tập lại thành bộ Truy Môn Bảo Tạng Tập (trong bản dịch nầy tạm lấy nhan đề là Kho Báu Nhà Thiền). Bộ sách nầy thật là cây đuốc huệ trong đường tăm tối, là thuốc hay cho người bệnh, chẳng những lợi cho người đương thời mà cũng là tiếp độ kẻ hậu côn, thật không có gì hơn vậy. Than ôi! Vào niên hiệu Bảo Vĩnh vì ảnh hưởng thời cuộc nên đâu có khắc bản và muốn lưu hàn
21/02/2010(Xem: 6091)
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]