Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 12. Goa

11/06/201316:52(Xem: 3396)
Chương 12. Goa

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn Quán dịch Việt

Chương 12

GOA

Theo hành trình, tôi đến thành phố náo nhiệt Bombay lúc xế trưa. Mục đích tôi tới đây để lấy tàu đò đêm xuống Panjim. Tuy nhiên tên Bombay gợi trong trí tôi nhiều hình ảnh ngoại lai, tôi muốn ghé qua để gọi là mình có đến đây. Tôi ít được nghe gì hay ở Bombay trừ một số khách sạn rẻ tiền rải rác ở Cửa Ngõ vào Ấn Độ. Việc đầu tiên tôi làm là đi thẳng xuống bến hỏi thăm chuyến tàu đi Goa. Tôi vui mừng biết chuyến tới sẽ khởi hành vào xế mai. Tôi mua được vé đi hạng nhì. Rồi tôi bách bộ xuyên thành phố đồ sộ này đến Cửa Ngõ của Ấn Độ. Tôi có thấy mấy khách sạn tôi muốn ở và tôi đã giữ được một giường chót trong một nhà nghỉ đông khách.

Sáng ra tôi đi xuống khu thương mại mới. Tôi rất đỗi ngạc nhiên vì các đường sá thênh thang, văn phòng tân kỳ và cửa tiệm đầy ấp hàng hoá. Trong một nhà sách tôi có thấy quyển Yoga Self Taught (Tự Học Yoga) của giáo sư yoga Ấn Sri Yogendra. Sau khi xem sơ tôi mua liền. Sách viết có vẻ công phu và có nhiều hình ảnh. Tôi có tập yoga rồi nhưng thấy sách này chỉ nhiều thế khó hơn và hữu dụng. Tôi muốn thử các thế ấy để cho thân thể dẻo dai thêm. Sách còn giảng ngắn gọn và rõ ràng triết lý của yoga--là công phu luyện tập tổng thể nhằm thanh tịnh hóa và hợp nhất thân với tâm để đi đến Giác Ngộ hay Moksha[21]. Các thế và cách tập được chỉ vẽ tường tận bằng hình ảnh. Hô hấp nhịp nhàng điều hòa hít thở với động tác cũng được dẫn giải. Sách xem chừng rất hay và có thể đem đến nhiều điều mới lạ mà tôi chưa biết. Thế là tôi sẽ có sách để đọc lúc dư thì giờ trong khung cảnh tuyệt hảo của bãi biển Goa. Nghĩ tới đó tôi rất hứng khởi.

Tôi đến cầu tàu hơi sớm để làm người tới trước hầu mong được chỗ tốt trên sàn tàu đặng nghỉ qua đêm. Đã có nhiều người xếp hàng rồi vì họ cũng nghĩ như tôi; một số là dân Âu Mỹ nôn nao muốn tới thiên đàng sớm. Tàu không đầy, còn trống nhiều chỗ, nên ai muốn ngồi đâu cũng được hết. Tôi chọn một góc khuất các khách Tây; họ đang vấn thuốc để mừng chuyến ra khơi đến thánh địa híp pi. Tàu nhổ neo đúng giờ, lìa cảng Bombay để lại đằng sau Cửa Ngõ của Xứ Ấn.

Tôi đứng dựa lan can tàu nhìn chân trời Bombay nhỏ dần ở phía sau. Tôi đang vào cõi mộng của chuyến xuôi Nam trên sóng nước nhiệt đới của Biển Á-Rạp để đến bãi Goa rạp bóng dừa. Tôi chợt nhớ lại những ngày ở Gomera lúc nhóm nhộn Riverside trù tính chuyến du hành hoành tráng này. Với một chút tự hào, tôi nghĩ không biết giờ này mấy thằng bạn trung học cũ của tôi đang làm gì ở cái vùng Riverside đầy khói ô nhiễ­m đó. Để không quên tụi nó, hồi sáng nay tôi vừa gởi cho Barry và Larry cái bưu thiếp vẽ Cửa Vô Ấn Độ và ghi vài lời về điểm đến mong đợi của tôi. Tôi cũng có thêm lời an ủi rằng tôi sẽ vui dùm tụi nó bằng những thú vui mà bọn tôi đã cùng nhau hoạch định trước đây. Tức là tôi sẽ vì tụi nó mà trịnh trọng hút một điếu chillum khi đến nơi và sẽ 'mây mưa' thả dàn trong bữa tiệc ngoài bãi lúc trăng tháng Ba vừa tròn.

Tàu chạy dọc bờ. Vài làng chài còn đèn sáng lấm tấm đó đây. Trong tâm trạng suy tư, tôi thức ngắm sao giăng và trăng khuyết trên tiểu châu lục đang say giấc điệp. Sau đó tôi quấn tròn trong chiếc jalaba ấm và để cho nhịp tàu đong đưa dỗ giấc. Sáng sớm tôi thức dậy ngồi thiền. Trăng còn trên chân trời ở phía Tây. Tôi kết thúc giờ thiền bằng những dòng Từ trải ra mọi phía. Vừng cầu hồng vừa lên khỏi rạng dừa dọc duyên tạo bức tranh tuyệt đẹp. Tàu gần tới bến vì mới đi qua bãi Bắc đón mời của xứ Goa để vào trong cảng nhiệt đới bình dị và cũng là thủ phủ Panjim.

Tỉnh Goa nhỏ hơn các tỉnh khác của Ấn Độ, với bờ biển dài không quá sáu mươi dặm. Tuy nhiên vùng nhỏ hẹp này có một số bãi đẹp nhứt xứ. Không biết bằng cách nào mà vào thập niên 60 bọn du thực Âu Mỹ đã khám phá ra thiên đường xa xôi này. Rồi từ dạo đó các bãi này khét tiếng là nơi có cuộc sống buông thả với nhiều khu lõa thể và cần sa. Những bãi mà dân Tây phương thường tụ tập nằm dài trên mạn Bắc của Panjim. Mùa Đông, vào những lúc trăng tròn, ở đây có lệ vui hoang dại suốt đêm. Nghe nói những đêm trăng sáng trong mùa Giáng Sinh có nhóm nhạc rock Âu châu đến và chơi miễ­n phí cho các cuộc vui. Và dĩ nhiên họ cũng đem theo bộn LSD. Họ còn để lại loa và dụng cụ âm thanh cho các cuộc vui kế tiếp trong tương lai. Vào những tháng khác không có nhạc sống thì có máy phát âm với nhiều băng nhạc rock của thời 60/70. Bãi Anjuna luôn có nhiều cuộc vui chơi. Tuy không thích tham gia tôi vẫn muốn đến cho biết, ít ra vì tò mò.

Điểm tới đầu tiên của tôi là bãi vắng trên chót Bắc của Goa gọi là Hồ Arambol mà Charles đã giới thiệu với tôi trước đây. Còn ba tuần nữa trăng mới đầy. Tôi nghĩ tôi có đủ thời giờ lên đó để tham thiền và tập yoga trước khi xuống bãi Anjuna xem dạ tiệc trăng tròn. Sau đó, chiếu khán tôi còn được hai tuần, tức đủ cho tôi đi xuống chót Nam của Ấn Độ và lộn qua bờ Đông đến Rawesmaran lấy đò sang Tích Lan. Đó là chương trình tôi tạm nghĩ ra cho những ngày sắp tới.

Trước khi lên Hồ Arambol, tôi đi mua hai thước hàng vàng mỏng làm sà rong ngắn thay thế cái quần vải của tôi. Tôi xuống xe buýt ở một làng nhỏ. Theo lời chỉ đường của Charles, tôi đi qua một dãy chòi lá cách bãi chừng nửa dặm. Tôi thấy nhiều heo Goa chạy rong lục lạo phân người hay những đồ dơ khác để ăn. Tôi thầm nhủ không biết nghiệp dữ nào đã khiến xui chúng phải tái sanh trong hoàn cảnh như vầy.

Cái nhà hàng duy nhứt mà tôi sẽ ghé ăn một bữa mỗi ngày nằm ngay bìa giữa vườn dừa và bãi biển. Nó là túp lều lá với một khu ăn và khu gọi là bếp ở phía sau. Tôi vô nghỉ, ngồi vào bàn và gọi một dĩa sà lách ăn bữa ăn cuối cùng trong ngày cho đến trưa hôm sau mới ăn lại. Quán trông rất tồi tàn và vắng hoe, với độc nhứt một cậu bé Ấn trông coi. Cậu không có gì khác hơn là trái cây và sa lách. Không có nước ngọt cũng không có trà. Charles có cho tôi biết trước, nhưng thay vì phải cộ thức ăn và bận bịu với nấu nướng, tôi quyết định đi một đoạn ngắn mỗi ngày ra đây ăn trưa, và chỉ ăn một bữa với trái cây và sa lách. Như vậy mới gọi là một lối ăn tốt của nhà yoga. Ngoài ra, sa lách chỉ tốn có một rupee.

Dĩa sa lách lớn gồm cải nồi, cà rốt, dưa leo và cà chua xắt nhỏ trộn với chút chanh và muối. Ngon! Tôi khen cậu coi quán và nói sẽ ra đây mỗi ngày khoảng trưa để ăn bữa cơm hằng ngày của tôi. Tôi hỏi cậu để châm đầy chai nước uống mỗi ngày và được cậu ưng thuận. Nước, cậu xách từ cái giếng không xa ở trong làng. Trước khi ra về, tôi hỏi cậu cho biết hiện giờ có bao nhiêu du khách ngoại quốc trong khu hồ, mong rằng chỉ một số ít thôi. Tôi yên tâm khi nghe cậu nói chưa tới mười người. Tôi cám ơn cậu bé dễ­ thương và hẹn sẽ trở lại hôm sau. Tôi tiếp tục đi hết đoạn đường còn lại vòng mỏm đá.

Theo con đường mòn ngoằn ngoèo quanh các tảng đá, tôi thấy nhiều chòi đơn sơ cất cheo leo trên dốc đứng cao. Trong một chòi tôi nhận ra hai người đang hút chillum, còn ba bốn chòi khác hình như trống. Lúc ra tới bãi tôi dừng lại tuột hết áo quần để được thoải mái. Bãi ngắn, nhỏ. Chỉ có vài ba người rải rác trên bờ cát. Phía đầu trên, chừng trăm thước xa, có một vách đá chận biến bãi biển thành nơi rất hẻo lánh. Bên mặt, có hồ nước ngọt cách bờ biển chừng ba mươi thước. Tôi dừng lại đây quan sát địa thế quyến rũ chung quanh.

Quanh hồ dưới mé nước thấy có nhiều lều và mái che đơn sơ với một ít người. Khói từ một đống củi un âm ỉ vươn lên cao và tan dần trong hư không. Hồ tròn, nhỏ, không quá ba mươi bộ đường kính. Nó nằm giữa hai dãy bờ cao có nhiều cây chạy song song từ ngoài biển vô chừng nửa dặm, tạo thành thung lũng hẹp rợp bóng. Nước ngọt chảy vô hồ bắt nguồn từ một con suối nhỏ trên đầu thung lũng. Toàn vùng có một vẻ đẹp thiên nhiên trong lành, nhưng không mấy ai biết tới để thưởng thức. Thật lạ kỳ nếu so với hằng trăm người chen chúc ở Anjuna cách đây không xa. Tôi không biết tại sao nhưng tôi mừng. Có thể đây là chỗ đặc biệt trời dành cho những ai có số tốt mới được hưởng.

Cho tới lúc niềm thích thú ban đầu của tôi lắng xuống, tôi mới đi vòng quanh hồ tìm chỗ cắm trại để cất giữ đồ đạc. Tôi dừng lại ở một điểm mà chưa ai đụng tới ở bên kia bờ, một ô trống nhỏ gần mé nước có lùm bụi che khuất với bên ngoài. Tôi nằm nghỉ lưng một đỗi rồi ra bãi biển lúc trời lặn để ngồi thiền. Năm sáu người ở đằng xa đang phi chillum. Nghe hai tiếng "Bom Shiva" quen thuộc, tôi chợt mỉm cười nghĩ rằng mình đã qua thời kỳ ấy rồi. Và với hình ảnh mình là nhà 'Yogi[22] thật sự', tôi ngồi vào thế thiền định và lắng nhìn vừng thái dương đỏ ối chìm dần xuống Biển Á Rạp. Lúc sập tối tôi trở về trại lấy áo jalaba, mền và nước đem ra ngủ ngoài bãi. Tôi thấm mệt nên chỉ thiền về Từ một thời gian ngắn trước khi nằm soài ra nhìn sao sáng long lanh trên trời.

Tôi thức dậy lúc rạng đông vừa ló dạng. Tôi ngồi 'thiền quét' lối một tiếng rồi tập yoga. Không khí ban mai rất ấm áp. Bên bờ Tây Ấn Độ mặt trời lên trên tiểu lục nên chỉ thấy được vào lúc 7:30 hay 8:00 giờ sáng khi nó qua khỏi các bờ vực cao. Tập xong, tôi nằm nghỉ đợi những tia nắng sớm đến sưởi ấm toàn thân trần truồng mình. Thoải mái. Tôi ngủ lại cho tới lúc thấy nóng. Tôi chạy u lao mình xuống biển tắm mát.

Để rửa lớp muối khô trên da, tôi qua hồ kế bên ngâm mình trong nước ngọt. Một cảm giác tương phản ngồ ngộ. Hồ cạn và có nhiều rong nên tôi không bơi được. Tôi bèn ngồi xếp bằng xuống đáy cát, chỗ nước sâu vừa và cách bờ chừng vài bộ để được sự mát lạnh của lớp nước đáy trong lúc nắng phản chiếu gương hồ hắt lên mặt tôi. Tôi được hai khoái cảm cùng một lúc và thử hòa chúng thành một kinh nghiệm duy nhứt. Có một cô gái đi xuống hồ tới chỗ đám lau cao. Cô thả tấm nệm hơi lên nằm sắp tắm nắng. Quang cảnh thật tĩnh mịch.

Trở lên ngồi trên chiếc khăn đi biển, tôi bắt đầu đọc chương một của quyển sách yoga. Sách hay. Tôi lật coi hình và miệt mài cả tiếng. Tác giả đề cập đến sự phối hợp giữa hai khía cạnh của con người, thân và tâm, thành một chủ thể sinh học đáp ứng mọi mặt. Khi chúng đồng điệu, sức khỏe tuyệt hảo và tinh thần khoan khoái sẽ là kết quả đương nhiên. Nói cao hơn, chúng sẽ dẫn đến Giải Thoát--cá nhân con người không còn khác biệt với tổng thể mà chính là tổng thể, theo quan niệm của ý thức vũ trụ chung[23]. Hô hấp sâu và nhịp nhàng giúp thanh lọc hệ thần kinh và tạo nền tảng cho nhiều động tác cũng như cử chỉ của thân thể. Tác giả giới thiệu một hệ thống hô hấp điều hợp với động tác của thân. Các động tác khác nhau làm cơ thể co giãn nhiều cách. Bài viết có giá trị khoa học và nhiều hình ảnh kèm theo nên rất rõ ràng và hấp dẫn. Tôi định sẽ bắt đầu áp dụng một ít vào chiều tối hôm nay.

Ăn trưa xong, tôi về lều để tránh cái nắng nóng ban trưa. Xế chiều, tôi tập một số thế yoga mới học bằng cách phối hợp với nhịp thở như đã được chỉ dẫn. Thế đứng giúp làm giãn cột sống và các khớp xương khác một cách khác thường mà tôi chưa từng biết trước đây. Những động tác này rất thông thường--cũng là khom tới, ngửa lui, nghiêng trái, nghiêng phải--nhưng được hòa nhịp với hơi thở sâu và nhịp nhàng nên tạo ra nhiều kết quả thêm sức rất lợi lạc. Tôi có thể nghe thấy nhiều luồng cảm giác mà tôi gọi là khí lực prana lan tỏa khắp châu thân. Tôi tập nửa giờ rồi nghỉ thư giãn năm phút như sách đã dạy. Lần đầu tiên này tôi không nghĩ tôi tập đúng một trăm phần trăm nhưng tôi tin sẽ làm được trong tương lai khi tôi chú ý phối hợp tất cả để tâm không còn cơ hội giao động. Tôi cảm thấy mình đang thực sống trong hiện tại, trong tâm trạng nửa thực nửa thiền nhưng hoàn toàn tỉnh thức. Tôi rất phấn khởi. Sau lúc nghỉ thư giãn, tôi ngồi vào thế hoa sen và d­ễ dàng đi thẳng vô 'thiền quét' cũng như chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn.

Trong suốt ba tuần lễ­ kế tiếp tôi giữ nguyên thời khóa biểu cũ. Tôi ngủ ngoài bãi dưới bầu trời đầy sao và thức dậy lúc rạng đông để ngồi thiền một tiếng đồng hồ. Tiếp theo, tôi dành lối một tiếng nữa để tập yoga theo sự chỉ vẽ của sách; mỗi bữa tôi thêm hai ba thế mới cho tới lúc đủ hết mười hai thế mà sách đã dạy. Sau đó tôi nằm nghỉ tắm nắng mai--những tia nắng mới chan hòa chiếu thẳng từ các ngọn cây xuống mình nhộng của tôi. Rồi tôi xuống biển bơi hay thả nổi ngoài các làn sóng vỗ. Thì giờ của buổi sáng còn lại tôi dùng để đọc sách, tắm nắng hay đôi khi đi quan sát chung quanh.

Sau bữa ăn trưa tôi về lều nghỉ trong bóng mát. Lúc bấy giờ tôi hay ngồi thiền. Nhưng tôi không khỏi hoang mang ghi nhận rằng tâm mình thường tìm cớ để rút ngắn giờ ngồi. Cớ thông thường nhứt là mệt mỏi mà tôi ít khi cố gắng vượt qua. Tôi nằm xuống với ý định tiếp tục 'quét' nhưng thuờng ngáp dài và ngủ tuốt. Thức dậy, tôi cảm thấy mình có chút tội, nhưng tự an ủi rằng vì cách ăn uống nhẹ làm tôi yếu sức và mau mệt vào lúc xế trưa; thương thân mình tôi cần nghỉ ngơi vậy. Đó chắc không sai lắm. Nhưng mẹ nó! tại sao mỗi lần tôi muốn thiền thì buồn ngủ lại kéo tới?

Tôi nhớ bài giảng của Thầy Goenkaji trong tập sách tôi vớ được ở Sarnath nói về năm chướng ngại của thiền. Lười biếng hay hôn trầm là một trong những chướng ngại lớn nhứt. Nó được biểu thị bằng hôn mê và trì độn nhứt là trong lúc thiền, nó làm ngưng hẳn sự tỉnh thức. Nó như đám mây đen che phủ tâm thân. Nhiệm vụ của nhà thiền là phải nhận diện nó và loại nó ra khỏi tâm hay dập tắt nó bằng sự tỉnh thức can cường để vượt qua bờ bên kia. Nếu thành công, tâm sẽ minh mẫn, nhẹ nhàng và sáng suốt. Tôi thử thực hành như lời dạy nhưng không thành công mấy. Trong nhiều trường hợp khác, vì bồn chồn hay không thể kiềm chế những mơ mộng viễ­n vong, tôi cắt bớt giờ thiền, viện cớ cần đọc sách, ra suối giặt đồ, hay đặt nhiều điều khác. Bồn chồn cũng là một trở ngại nữa. Tôi biết tất cả các lý do giả tạo kia là dấu hiệu của sự thối thoát ngồi lâu bởi vì tôi đã từng ngồi được lâu, thật lâu trong các giờ giảng xế chiều của Thầy Goenka mà.

Các kinh nghiện ấy cho thấy ích lợi của thiền tập thể và giúp nhìn thấy rõ một khía cạnh khác nữa của tâm. Trong thiền tập thể, ai cũng phải ngồi hết giờ quy định, do đó tâm cam chịu thử thách. Còn thiền một mình không có thầy bạn dòm ngó, rất d­ễ chìu những thói quen thâm căn cố đế do các chướng ngại tạo nên trước đây. Đại để, thiền giả luôn muốn thoát hay trốn những khó chịu, bất an, hoặc khổ não của một tình huống đặc biệt. Và đó là những gì mà tâm, ý thức hay thường là không ý thức, muốn làm trong hầu hết mọi cấp độ từ vi đến thô. Cái nhìn sâu vào hội chứng tìm khoái lạc/tránh khổ đau--khổ đế rao giảng bởi Đức Phật--sẽ đến với tôi rõ ràng hơn về sau, khi tôi có thêm kinh nghiệm. Còn hiện giờ tôi đang tìm cách giải quyết các trở ngại được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Cuối ngày, tôi thường cởi bỏ hết áo quần xuống biển ngồi hay nằm để sóng nhồi. Tôi để sóng đu đưa lên xuống, không mảy may cưỡng lại, như tôi để cho tất cả đi qua và không thèm bám víu vào đâu hết. Như thế, tôi thư giãn và nhận thức nội tâm cho đến lúc có ngọn sóng to chụp lên, tung cát nước lên đầu, mắt, mũi, tôi mới choàng dậy để tránh sặc và phủi cát. Bù mắt và mồng cũng thường theo thử tánh kiên nhẫn của tôi và giúp tôi nhận thức cảm nhận cũng như cảm xúc của mình.

Một ngày nọ tôi gặp ba người Đức trẻ, hai cô và một cậu. Họ mặc toàn đỏ hoặc cam và mỗi người mang một tràng hạt gỗ với hình một vị yogi râu ria xồm xoàm. Tôi bắt chuyện và được biết họ là đệ tử của Guru Ấn nổi tiếng Rajneesh. Trước đây tôi có thấy vài tân sannyassins đắp y màu cam nhưng không biết gì nhiều hơn. Họ rao giảng cho tôi nghe chủ thuyết Tantra[24] cấp tiến của thầy họ. Guru Rajneesh thuyết rằng tình dục là ức chế lớn nhứt của chúng ta và đau khổ sở dĩ xảy ra là vì xã hội và các đạo giáo lớn đã đặt ra cho chúng ta nhiều điều kiện quá. Hầu hết các điều kiện này trấn áp hay gạt bỏ bản tính tự nhiên căn bản của con người, nghĩ rằng tình dục là tội lỗi hay tồi tệ dưới mắt Thượng Đế hoặc một thần quyền nào đó. Ý tưởng ấy dẫn đến chứng loạn thần kinh thường thấy ở Âu Mỹ và cả bên Á châu nữa. Do đó, để tránh tình huống ức chế tình dục, ông có lý giải riêng về Tantra, lý giải bao gồm tình dục công khai và thỏa mãn.

Guru Rajneesh có ashram chính tại Poona, nằm về phía Đông Bombay. Ba người Đức này sống ở đó một thời gian trước khi tới Goa. Ông còn có một chi nhánh nữa ở bãi biển Anjuna. Khách đến ashram của ông thường được khuyến khích đến phòng Tantric trước; phòng chỉ có nệm dưới sàn và là nơi mà nam nữ sống lõa thân chung đụng với nhiều phối ngẫu khác nhau. Mục đích là để làm nhàm chán khát vọng dâm dục hay ít ra là để vượt mọi dè dặt hoặc ngại ngùng. Do đó, Đạo sư Rajneesh nổi tiếng là "Guru Tình Dục" tiếng phong bởi nhiều tác giả. Ngoài ra ông còn dạy tai chi, vũ Sufi, karate, yoga, Zen và cả thiền định, cộng với trị bịnh tập thể, mà mục đích là để tinh hóa định lực và tỉnh thức.

Ba cô cậu 'tân sannyassins' định lưu lại hồ Arambol nhiều ngày để tránh đám đông ở bãi Anjuna. Chiều hôm đó, một trong hai cô gái nhìn thấy tôi luyện yoga, việc mà tôi ít khi dấu diếm. Chờ tôi tập và tắm biển xong, cô hớn hở nhảy chân sáo đến trong lúc trên thân chỉ vỏn vẹn có tràng chuỗi với hình Guru chồng chềnh giữa đôi vú nhỏ sạm nắng. Cô rất tự nhiên tưởng chừng như trên đời không có gì có thể quấy rầy hay cản ngăn cô. Cô mở lời "Chào" rồi ngồi bệt xuống cát bên cạnh tôi. Cô nói thấy tôi luyện yoga cô muốn nhờ tôi dạy dùm vì cô mới vừa bắt đầu học môn này. Cô nhờ tôi chỉ cô những gì tôi biết. Hóm hỉnh, tôi không biết cô muốn luyện thứ yoga[25] nào? Tôi trả lời tôi cũng mới học nhưng sẵn sàng chỉ cô. Tôi biểu diễn một ít động tác làm giãn chân và xương sống và uốn cột sống sang trái sang phải trong lúc giải thích sự nhịp nhàng của hơi thở đi theo động tác. Tôi nói những động tác này giúp chuyển dòng năng lượng hoan lạc đến toàn thân nhằm gây cảm giác sảng khoái nhứt thời. Cô tập thử vài động tác theo sự chỉ dẫn của tôi. Cô thich thú. Cô cám ơn tôi và cho biết tập như thế sẽ làm tăng kundalini[26] của cô.

Cô bạn người Đức ở lại chơi với tôi khá lâu. Cô thích trò chuyện và hỏi tôi theo đạo nào. Tôi nói rõ rằng tôi là Phật tử. Nghe tới đây cô liền tung chủ thuyết tantric của thầy Rajneesh của cô: chúng ta cần để sở thích mình tự nhiên phát triển dưới bất cứ dạng thức nào cũng được và phải sống đời sống hưởng thụ lạc thú. Cô nói Guru Bagwan của cô coi nhẹ sư ni Phật giáo vì họ đã từ bỏ bản tánh thọ hưởng thế gian (đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh tình dục và nếp sống độc thân mà họ đã khấn hứa). Cô nói tiếp rằng tình dục rất đẹp đẻ mà thế gian phải được biết qua và nên thọ hưởng, đừng mặc cảm tội lỗi. Trong lúc nói chuyện tôi cảm thấy tình mình đang dâng trào, trong đầu cũng như trên cơ thể, và tôi phải kín đáo chuyển thế ngồi để dấu con chim đang dậy, nhưng chắc tôi không qua được mắt cô. Tôi trả lời với cô rằng cách trì giới vô chấp trước và không đam mê của Phật giáo hữu ích đối với một số người vào một số thời điểm nào đó của đời họ. Và tôi đang phải kiếm cách giải quyết vấn đề 'đứng lên' của chính mình.

Cô tha thiết mời tôi đêm nay đến chòi cô dưới bờ hồ để cùng nhau hút điếu cần sa mừng lạc thú của cuộc đời. Bộ ba của cô rõ ràng là không cân bằng và cô bé này là người đơn côi nhứt. Tôi nhận ra rằng những thèm khát tình dục vẫn còn tiềm tàng nơi tôi. Chúng đang lẩn quất trong đầu tôi cũng như đang âm ỉ đun nóng hạ bộ tôi. Không muốn tỏ ra mình ham hố, tôi lơ lửng trả lời rằng tôi có thể sẽ đến sau khi thiền xong. Cô vui ra mặt và nói: "OK, sẽ gặp lại anh." Khỏi cần nói, buổi thiền đêm đó của tôi bị ngắt quãng và làm hỏng bởi các ý tưởng hồi chiều, những ý tưởng ấy trở tới trở lui liên tục.

Tôi biết tôi đang bị dục vọng lôi kéo nên bối rối không biết phải làm sao. Tôi đã quy y Phật và Chánh Pháp của Ngài, bây giờ lại nghe các lời tantric của Guru Rajneesh. Hai lối đi đều có lập luận căn bản hấp dẫn, còn tôi chỉ là một tay mơ trên khía cạnh diệt tham ái cũ. Nhưng thôi, tôi muốn mở rộng tầm nhìn để học hỏi những điều mới lạ; đó là một cách mà tôi thấy tôi cần làm để tôi học cho tôi. Do đó, tôi định bụng rằng nếu có cơ hội làm tình với một trong hai cô tân synnyassins kia, tôi có thể sẽ không bỏ qua, nhưng tôi không nhứt thiết phải tốn thì giờ và công sức mưu tìm.

Khi trời vừa tối, bộ ba nhóm lửa trại trước lều họ. Phút sau, tôi vận tấm vải vàng lửng thửng qua. Anh chàng đang bận vấn điếu thuốc Tây bự gồm cần sa pha với thuốc lá, còn hai cô nàng đang pha cà phê sữa chế vô bình thủy để dùng về sau; hai cô chỉ vấn có chút xíu vải bó sát người. Sau khi chào hỏi nhau tôi ngồi cạnh bên bếp lửa chờ họ xong việc. Tôi định bụng trước là sẽ hút với họ nếu họ mời, sẽ thả nổi theo họ, sẽ không có ý nghĩ gì khác hơn, và cũng sẽ không cảm thấy tội lỗi gì cả. Khi họ ngồi vào, họ đưa cho tôi điếu thuốc để tôi mồi đúng điệu chủ khách. Tôi nhận nhưng hơi do dự. Để nhập bọn, tôi trịnh trọng bật lửa và hô to 'Bom Shiva, Bom Shankar' theo nghi thức gần như thiêng liêng của dân híp pi. Tôi ngạc nhiên thấy mình phê ngay sau vài hít và cũng không bị thuốc lá hành như trước đây.

Bốn chúng tôi ngồi quanh lửa vừa uống cà phê vừa nói chuyện cho tới tối mịt. Khi lửa gần tàn, ý nghĩ làm tình với Grita, cô nàng trẻ nhứt trong đám và cũng là người tôi dạy yoga, chợt đến với tôi. Rồi như cô hiểu ý tôi, cô đề nghị tôi với cô xuống bãi biển đi dạo mát. Tôi đồng ý ngay vì tôi đã biết ý cô và cũng đang cần không khí mới. Hai người kia, hình như là bồ bịch với nhau, cũng đi nhưng đi đường riêng của hai người.

Hai chúng tôi lên đầu bãi đằng xa rồi ngồi bệt xuống cát nhìn sao đêm trên vòm trời nhiệt đới. Không để mất thì giờ, Grita tiến ngay bước đầu. Tôi quy phục. Rồi tôi đáp lại. Chúng tôi măn mê nhau mê man và sau cùng đi tới giai đoạn hoàn thành. Một luồng khoái lạc bộc khởi làm đê mê cả người tôi, tôi biết và cố để nó dâng trào, dâng càng cao càng tốt. Nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi không thật sự tận hưởng mà lại để xuất tinh. Tôi thử nhìn vấn đề bằng con mắt khách quan và thật tình vô chấp nhưng tôi chẳng mấy thành công. Grita không phải là người d­ễ thỏa mãn vì cô từng có hai tháng kinh nghiệm sống ở ashram rồi. Tôi hơi mệt và chán chường sau hiệp đầu nên không hứng thú tiếp tục. Tôi chào thua dục tình chưa thỏa mãn của Grita. Làm tình với cô tôi có ý muốn biết xem nỗi khát khao tình dục tiềm tàng sâu trong tôi ở mức độ nào và tôi hy vọng tận diệt chúng.

Nghỉ ngơi lấy sức, tôi cố chơi thêm hai hiệp nữa. Sau đó tôi đo ván và chán ngán cuộc truy hoan. Tôi tự hỏi phải chăng tôi muốn giải quyết vấn đề một lần cho xong. Ít ra tôi đã biết rằng ngần ấy thừa đủ cho tôi trong một thời gian dài và rằng thiền minh sát Nam Tông có thể giúp tôi giải quyết những vấn đề còn lại. Hai ngày sau đó cho đến khi Grita và hai bạn của cô rời đi, tôi không dám bén mảng đến họ bởi sợ bị lôi cuốn lần nữa.

Vào tuần thứ ba, tôi có vẻ thành thạo các thế yoga mới học mà kết quả rất khả quan bởi tôi cảm thấy mình nhẹ nhàng, giàu sinh lực và an sinh hơn. Lối ăn uống theo yoga, nhẹ và giới hạn bằng sa lách với trái cây tươi mà tôi chú tâm đeo đuổi hồi gần đây, cũng đã đóng góp phần nào vào những lợi lạc này. Hai yếu tố nói trên giúp tôi nhiếp tâm khi thiền và vượt qua nhiều trở ngại cũng như phiền não. Tôi có thể đạt và giữ tâm mình vững vàng, giống như hồi những ngày chót tôi theo học với Thầy Goenka.

Vào tuần chót có hai anh người Úc đến trú ở một trong các lều bên kia hồ. Họ cũng muốn học yoga và tìm hiểu những vấn đề tâm linh nên đến gặp tôi. Chúng tôi kết bạn. Họ có mời tôi qua lều họ dùng cơm tối vài lần--ăn chapattis và rau mà họ nấu nóng trên lửa trại. Vào những lần này tôi bỏ lệ ăn một bữa mỗi ngày, nghĩ mình nên thông cảm xã giao và có thể cũng vì món chapattis mới làm ngon quá. Họ chỉ mới biết sơ kinh phương Đông thành thử tôn tôi làm thầy. Chắc tôi có dáng dấp của ông thầy thiệt bởi tôi mặc áo vàng, sống một mình, luyện yoga và thiền, và chỉ ăn một bữa nhẹ mỗi ngày.

Tôi giới thiệu họ những gì tôi biết về Phật pháp và dạy họ yoga và thiền. Mỗi ngày, sáng và chiều, tôi chỉ họ một ít thế yoga và những điều căn bản của quán sổ tức để giúp họ đi bước đầu. Họ học rất chăm chỉ và tôi cảm thấy vui vui đã có dịp chia sớt với họ những gì mình biết. Tình anh cả/bạn tinh thần nảy nở làm đôi bên đều được lợi lạc. Tuy nhiên tôi cần phải hết sức thận trọng để đừng nghĩ sai rằng mình biết nhiều và xem mình là kẻ cả thật sự, mà có thể bị rơi vào cạm bẫy của cái ngã tự phong mình làm guru, "Ông Thầy Tinh Thần."

Hai anh người Úc cũng định sẽ dự dạ tiệc trăng tròn ở bãi Anjuna. Họ trở về đó hai ngày trước còn tôi chỉ sẽ đến một ngày trước khi dạ hội bắt đầu; chúng tôi hẹn sẽ gặp lại. Thật sự tôi không có mục đích và cũng không có ý muốn tham gia vào cuộc truy hoan nên định sẽ đứng bên lề để quan sát. Làm vậy tôi hy vọng sẽ thỏa mãn và dập tắt mong ước ngông cuồng tuy yếu ớt song vẫn tiềm tàng nơi tôi bấy lâu nay, mãi từ lúc tôi rời Amsterdam. Tôi cũng nghĩ rằng làm vậy để giữ đúng triết lý của Guru Rajneesh. Tôi cũng còn chút ý định sẽ hút tối hôm ấy nếu có cơ hội. Tôi nghe nói bằng cách này hay cách khác sẽ có rất nhiều LSD trong cuộc vui ở đó; thuốc sẽ đến tìm mình nếu mình không đi tìm nó. Tôi không biết nó có giúp hiểu tâm tôi thêm sâu sắc hay làm tâm tôi trải rộng ra hơn không, cái tâm đang hướng tới chân trời tâm linh.

Ngày trước khi trăng tròn, tôi sửa soạn ra đi sau khi xong các sinh hoạt thường nhựt. Tôi do dự không muốn rời và để lại cho người khác hưởng cái thiên đường vô cùng duyên dáng và đẹp đẽ đã thích nghi tôi tuyệt hảo. Mang xách lên vai ra bãi, tôi dừng lại, lưu luyến nhìn hồ và thung lũng kỳ diệu lần chót trước khi đi khuất sau mỏm đá. Tôi quyết định đi bộ tới Anjuna nên phải đi dọc theo bờ biển xuống phía Nam chừng mười dặm rồi lội băng lạch lấy đò chèo qua sông cái Chapora. Tới bên kia sông tôi vô quán nghỉ chân và ăn bánh ngọt uống nước, bánh Ấn Độ ngon và nước ngọt mát. Thật thích thú vì tôi kiêng cữ đã lâu ngày. Thế mới biết thèm muốn cũ vẫn còn, và tôi tạm thời đứng phía Thầy Bhagwan tức không dẹp bỏ mà thỏa mãn chúng.

Anjuna còn lối hai dặm nữa mới tới, đi bằng con đường mòn qua ngọn đồi ngang vài xóm nhà và tiệm ăn cho Tây ba lô. Tại đây tôi chạm một mặt quen--Ronald. Chúng tôi ngạc nhiên gặp lại nhau và dừng lại nói chuyện. Tay anh còn băng bột; anh kể tôi nghe chuyện không hay xảy ra. Lúc say thuốc--mà anh đang bị vướng vô--anh té xuống đá, chống tay nên bị gãy. Anh đi với một nường nghiện người Pháp từ Nepal xuống Calcutta và theo bờ biển Đông tới Puri. Cô nàng là người tập anh có thói quen tai hại này. Tại Puri cô ăn cắp hộ chiếu, tiền bạc và cả túi thuốc của anh trốn đi, bỏ anh thất tha thất thểu giữa đường. Từ đó anh đi lần tới Goa bằng cách ăn xin du khách. Trường hợp anh cũng là cảnh ngộ của nhiều con nghiện Tây Mỹ ở Ấn Độ. Tiều tụy, hốc hác và mất hết tư cách, Ron biến thể thành một nạn nhơn nữa của bi kịch á phiện Á châu.

Ron sỗ sàng xin tôi một ít tiền làm như tôi thiếu nợ anh không bằng. Tôi cho anh năm mươi rúp vì thương hại anh mà cũng vì chút tội lỗi còn sót lại trong tôi. Đây cũng là dịp tôi thực hành bác ái, một khía cạnh của sự hành trì Phập pháp. Tôi hầu như không có xài gì trong ba tuần rồi nên có phương tiện chia sớt. Tôi không buồn kể chuyến đi của tôi từ Nepal khi anh không hỏi. Tôi có nói tôi đang trên đường đi Tích Lan nhưng hình như anh không để ý tới. Ngay sau khi được tiền anh lật đật đi như đã trúng tủ mong muốn. Một lần nữa, tôi ngẫm nghĩ thấy rằng mỗi người có mỗi nghiệp dẫn dắt họ đi mỗi ngả khác nhau. Tôi suy tưởng lại sự sanh tuyệt hảo của con người và tôi mừng cho ơn phước mình có được.



[21] Niết Bàn của Ấn Giáo. Sự thoát vòng sanh tử. Còn gọi là Brahma Nirvana (nd).

[22] Yogi là người luyện yoga (nd).

[23] Nguyên văn của tác giả là pervading Cosmic-Consciousness.

[24] Mật Tông. Chúng tôi giữ nguyên văn Tantra để đưọc sát nghĩa hơn (nd).

[25] Yoga có nghĩa đen là sự kết hợp hay cái ách. Dầu tôi nghĩ tới Tantric yoga (tg).

[26] Trong khoa Yoga, tiềm lực tinh thần nằm ở chót cột sống được khai triển bởi một số động tác yoga. Sẽ được giảng giải thêm về sau (tg).


---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/05/2015(Xem: 5674)
Em đừng hỏi vì sao tôi cưới em Chỉ đơn giản bên em tôi thở được Đó là hai câu thơ của thầy tôi làm tặng người vợ thân yêu của mình khi thầy bị bệnh phải nhập viện.
07/05/2015(Xem: 5700)
Ngày còn đi làm, cứ mỗi lần đến ngày 13 thứ sáu, các bạn đồng nghiệp trong sở tôi kiêng cử dữ lắm, ai cũng cho đó là ngày xấu nhất trong năm. Tôi thì không tin, chỉ cười, cũng không phản đối lòng tin của bạn bè nhưng bây giờ tôi cũng đâm ra sợ ngày này vô cùng: 13 Thứ sáu - ngày Anh tôi ra đi thật quá bất ngờ và quá đau đớn!
02/05/2015(Xem: 3809)
Khi tôi gặp Thầy lần đầu tiên, tôi thật sự là một kẻ phàm phu tục tử có đầy đủ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, đã chẳng tu mà chỉ biết hú là giỏi. Mặc dù tôi được sinh ra từ một gia đình có tiếng là theo đạo Phật lâu đời, nhưng từ khi có sự hiểu biết, tôi thấy bà và mẹ chỉ đi chùa mỗi năm vài lần vào dịp lễ lớn, cũng lạy Phật, thắp hương, khấn vái sì sụp gì đó rồi… hết. Còn tôi thì sao, tôi bị sinh ra vào những năm sau cuộc chiến, tưởng là hòa bình lập lại thì dân giàu nước mạnh, tôn giáo được tự do phát triển không ngờ mọi việc hoàn toàn ngược lại, ăn còn không đủ no nói gì đến việc đi chùa nghe Pháp, đọc kinh. Tóm lại tôi hoàn toàn mù tịt về Phật Pháp.
02/05/2015(Xem: 4669)
Tôi gặp nàng tại Đại nhạc hội Việt Nam tổ chức tại Düsseldorf vào một mùa Giáng Sinh xa xưa nhưng không bao giờ quên được dù nàng lúc đó lẫn lộn giữa rừng người đông đảo. Nàng không xinh đẹp tuyệt trần, không ăn mặt lòe loẹt nổi bật, cũng không hoạt bát ồn ào gây sự chú ý của mọi người. Nhưng đối với tôi thì nàng thật đặc biệt với dáng vẻ đoan trang thùy mỵ, với đôi mắt dịu dàng và với sự im lặng của nàng trong một góc vắng của hội trường. Nàng đứng đó, tay cầm một cuốn sách nhỏ, vừa đọc vừa... gặm bánh mì, thỉnh thoảng lại ngước mắt lên nhìn xung quanh coi có gì “lạ” không rồi lại cắm đầu vào cuốn sách, cứ y như trong đó có chỉ chỗ giấu kho vàng vậy!
01/05/2015(Xem: 15102)
Được làm con Phật là điều vừa đơn giản, vừa hy hữu. Đơn giản, vì sinh ra trong một gia đình Phật giáo thì tự động theo cha mẹ đi chùa, lễ Phật, tin Phật ngay từ bé. Hy hữu, vì biết lấy Phật giáo làm lý tưởng đời mình và chọn sự thực hành Phật Pháp như là sinh hoạt nền tảng hàng ngày—không phải ai sinh ra trong gia đình đó cũng đều tin Phật từ nhỏ đến lớn, và nếu tin Phật, cũng không gì bảo đảm là hiểu Phật, thực hành đúng đắn con đường của Phật để gọi là con Phật chân chính.
23/04/2015(Xem: 3145)
Năm nay 2015 tôi có đến ba mùa Xuân. Đó là mùa Xuân của nước Đức, mùa Xuân của nước Nhật và mùa Xuân của Hoa Kỳ. Thông thường mùa Xuân bắt đầu vào cuối tháng 3 dương lịch và kéo dài ba tháng như vậy, để thuận với lẽ tuần hoàn của vạn hữu là Xuân, Hạ, Thu, Đông; nhưng cũng có nhiều nơi mỗi năm chỉ có hai mùa như quê tôi Việt Nam, là mùa mưa và mùa nắng. Trong khi đó Âu Châu, nhất là vùng Bắc Âu, mỗi năm cũng chỉ có hai mùa. Đó là mùa lạnh kéo dài nhiều khi đến 6 hay 7 tháng và mùa ấm chỉ có chừng 3 đến 4 tháng là cùng. Dĩ nhiên là sẽ không có mùa Hè và trời vào Thu lại nhanh lắm, để đón tiếp một mùa Đông băng giá lạnh lùng.
15/04/2015(Xem: 11334)
Một sớm mai nọ, tôi không nhớ ngày ta, ngày tây, chỉ nhớ đầu năm 1984. Buổi sáng hôm ấy đầy dáng Xuân cả đất trời Nam Hà, khi tôi và hằng trăm tù nhân chính trị trên đường đến hiện trường lao động ở dải đất dài, mà hai bên toàn là núi đá vôi cao, thấp trùng trùng, điệp điệp. Người địa phương Ba Sao gọi là THUNG.
31/03/2015(Xem: 18314)
Dianne Perry, (sau này được biết đến qua pháp danh Tây Tạng của cô là Tenzin Palmo) là một vị ni cô người Anh đầu tiên, đã ẩn cư thiền định suốt 12 năm trong một hang động cao 12.300 bộ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, cách ngăn khỏi thế giới trần tục bởi những rặng núi phủ đầy tuyết trắng quanh năm. Tenzin Palmo đã sống một mình và tu tập trong động tuyết này. Cô đã chạm trán với những thú rừng hoang dã, đã vượt qua những cơn lạnh khủng khiếp, những cái đói giết người, và những trận bão tuyết kinh hồn; cô tự trồng lấy thực phẩm và ngủ ngồi trong cái hộp gỗ rộng cỡ 3 bộ vuông (theo truyền thống Tây Tạng, các vị tu sĩ đều tọa thiền trong một cái hộp gỗ như vậy). Cô không bao giò ngủ nằm. Mục đích của Tenzin Palmo là chứng đạo trong hình tướng một người nữ.
18/03/2015(Xem: 6305)
Tôi sinh ra ở miền sông nước Nam Bộ của xứ Việt. Nhưng thật lạ, phải gần nửa đời tôi mới bắt đầu nhận ra mình vốn yêu sông nước. Tôi yêu quê từ những miền đất lạ mà mình đi qua, và tệ nhất khi đôi lúc chỉ là những nơi chốn xa ngái mịt mù chỉ nhìn thấy trong sách vở, phim ảnh. Và kỳ chưa, đó cũng là cách tôi yêu đạo Phật. Ăn cơm chùa từ bé, nhưng phải đợi đến những giây khắc nghiệt ngã, khốc liệt nhất bình sinh, tôi mới nhìn thấy được rõ ràng nụ cười vô lượng của đức Phật bất chợt hiện lên đâu đó cuối trời thống lụy.
05/03/2015(Xem: 3213)
Có những kỷ niệm tưởng rằng sẽ mờ nhạt theo tháng ngày tất tả, trôi xuôi đến tận cùng triền dốc của cơm áo xứ người. Nhưng không, mỗi khi trời đất đổi mùa thì lòng người lại bâng khuâng, ký ức lại hiện về rõ nét, dù đó là một khoảng thời gian đã qua, một ký ức đã xa... Chỉ còn lại trong tim nhưng cũng đủ xót xa lòng khi nhớ đến! Hình ảnh bà cụ già nua ốm yếu, ngồi cô đơn trong căn chòi tranh rách nát, vào một buổi chiều âm u buồn thảm vẫn còn đậm nét trong lòng tôi, nhớ đến là bồi hồi xao xuyến cả tâm can. Buổi chiều ở Đồng tháp Mười buồn quá sức, buồn đến não nuột xót xa, một chòi tranh nằm chơ vơ bên con lạch nước đục ngầu, không người qua lại, xung quanh chỉ có tiếng ếch nhái than van!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]