Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5. Vô tù ở Afghanistan

11/06/201316:29(Xem: 3593)
Chương 5. Vô tù ở Afghanistan

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn Quán dịch Việt

Chương 5

VÔ TÙ Ở AFGHANISTAN

Larry và tôi ở lại Herat ba hôm để làm quen với lối sống và con người rất khác biệt của Afghanistan. Chuyện đầu tiên tôi làm là mua một áo hippi Afghan, kiểu mà tôi ước mơ từ lúc thấy du khách mặc ở Athens. Theo trí tưởng tượng của tôi, tôi đi đặt may một cái quần ống chưn voi màu cam và một cái áo Afghan màu hồng. Tôi mua thêm áo vét thêu bông màu mè và khăn đóng trắng. Vét tôi mua may sẵn còn khăn đóng tôi mua của một ông đang đội. Chắc ông cho tôi là thằng khùng nên mới đòi mua khăn cũ của ông. Phần tôi, tội cho ông phải đi đầu trần. Tiền chi phối tất cả, kể luôn sự ngần ngại lột khăn bán của ông lúc ban đầu. Vậy mới biết cái tâm tham vi tế làm đủ mọi trò để đạt điều nó muốn. Tôi có thể mua mười thước vải trắng rẻ mạt làm khăn giống như khăn ông, song tôi chỉ muốn cái khăn của ông đang đội mà thôi.

Trong ba ngày ở đây Larry và tôi thường tới lui trên phố và thỉnh thoảng dừng lại nói chuyện với chủ tiệm buôn. Có lần tụi tôi được ông chủ xư·ng dệt mời ra đằng sau hút hooka (điếu nước to) với công nhân trong lúc họ nghỉ tay. Họ rất vui gặp tụi tôi nên mời luôn tuần trà. Họ cho biết họ hút cần sa để dễ tập trung vào việc, ngồi cả ngày mà không chán, và quên đi buổi làm lụng dài. Tôi đồng ý lắm vì tôi từng làm vậy trong ba năm quân ngũ. Và, tôi còn đang làm vậy để giúp che dấu sự không vừa ý của tôi với cuộc đời hay với chính tôi.

Kandahar là một thị trấn nhỏ dễ thương nằm trong sa mạc dưới miền Nam Afghanistan. Tụi tôi ở lại đây hai tuần, mướn một phòng rẻ tiền của khách sạn Paradise trên đường vô phố. Có nhiều chỗ đến chơi được, không xa lắm, chỉ trong vòng hai-ba dặm đường kính. Tôi và Larry mướn xe đạp ra khu picnic bên bờ sông chảy siết, ra chỗ con kinh và ra hồ nước trử của thành phố. Tụi tôi đi bơi, tắm nắng, ăn picnic, ngủ trưa, và dĩ nhiên phê.

Ngày nọ, tụi tôi gặp một nông dân trên đồng trồng cây thuốc phiện. Bác rủ tụi tôi về nhà coi cách bác chích mủ thuốc phiện từ các trái đúng lứa no tròn. Bác không quên cho tụi tôi thử thuốc vì nghĩ rằng hai đứa tôi là khách hàng sộp của gia đình bác. Nhưng Larry cũng như tôi không hứng mấy với thuốc phiện. Tụi tôi tìm cách nói ra và cho bác biết tụi tôi chỉ thích charees. Bác liền bảo bác có một 'ông chú' (một cách nói rất thông thưuờng ở đây) có trồng đai và xư·ng chế hash. Dầu không có ý định mua nhiều, ít ra là trong lúc này, tụi tôi vẫn lấy tên của 'ông chú';ông có tiệm may nhỏ gần khách sạn.

Sau chuyến viếng bác nông dân, Larry định trở về Mỹ vì cạn tiền và cũng vì cần về để phụ ba nó và Barry coi tiệm rượu của gia đình. Hơn thế nữa, là một tay mê gái, nó bắt đầu nhớ bồ ở Riverside rồi. Phần tôi đang nuôi ý ngông mua một kí cần sa Afghan loại tốt, đem theo qua Ấn Độ lên một chỗ cô tịch trên Hy Mã Lạp Sơn hút và phê cho đã điếu chừng nào hết mới hạ san. Tôi biết Pakistan, Ấn Độ và Nepal có nhiều cần sa giá rẻ, nhưng tôi muốn thứ thượng hảo hạng của Afghanistan, thứ mà tụi ngông bên Tây thèm chảy nước miếng. Larry cũng muốn liều mạng đem hai trăm gram qua Hy Lạp để bán phân nửa lấy tiền đi Tây Ban Nha chơi trước khi bay về Mỹ. Còn lại một trăm gram nó đem về Riverside hút và đãi bạn.

Tụi tôi định đem lậu qua Pakistan bằng ngả biên giới phía Nam dưới Kandahar sáu mươi dặm. Tụi tôi nghĩ đó là con đường dễ ăn nhứt vì hẻo lánh và ít khách du lịch . Tại Quetta, sáu mươi dặm trong nội địa Pakistan, hai đứa sẽ chia tay. Larry sẽ đi về hướng Tây, ngang miền Nam Pakistan, qua Iran khoảng Zahedan, rồi tiếp tục tới Athens. Tôi lên Lahore, qua Ấn khoảng Amristar, rồi tiếp tục lên Hy Mã Lạp Sơn theo ý ngông của tôi.

Tụi tôi bắt đầu đi lục lọi cần sa thứ tốt và dĩ nhiên không quên tiệm may được giới thiệu. Tiệm may chỉ là bề mặt của nơi buôn lậu ma túy. Tiệm chỉ có vài ba cái áo sơ mi đầy bụi treo lổng chổng trong căn phòng trống trơn. Ở phía sau thấy có bình điếu hooka với bầu nước bằng sứ to đậy bởi cái nắp cũng bằng sứ và cái cần điếu bằng tre dài cao ngang tầm ngực. Tiệm nằm trên con đường dẫn ra ngoại thành có nhiều nhà nghỉ dành cho dân hippi mà khách sạn Paradise là một. Anh chủ tiệm thường đón du khách Tây đi ngang mời vô hút điếu nước để gạ bán cần sa.

Larry và tôi vô tiệm anh hai ba lần rồi để hút thử charees của anh. Quả ngon thiệt và chỉ mười lăm đô la một ký lô. Tôi và Larry muốn mua nhưng không hình dung nổi cách đi lậu an toàn qua biên giới nên hỏi anh. Anh nói anh bảo đảm vì anh đã nhiều lần giúp du khách như tụi tôi đem cần sa qua biên giới rồi. Anh bày kế là sẽ may nửa ký vô áo vét mà hải quan không sao biết được. Kế này, anh nói, hiệu nghiệm nhiều lần lắm rồi. Nửa ký còn lại tôi sẽ may vô đít cái xách đeo vai. Còn hai trăm gram của Larry, nó sẽ dấu dưới dái nó. Bàn thảo xong, tụi tôi nói sẽ đi Kabul một tuần rồi trở về lấy hàng.

Chiếc xe buýt du lịch lớn màu cam đưa tôi và Larry lên thủ đô Kabul. Tụi tôi vô một trong vô số nhà nghỉ rẻ tiền của bọn quỷ hippi. Họ chọn ở lại đây để nghỉ ngơi sau chuyến đi Ấn xa và mệt mỏi, hay dưỡng sức vì bị viêm gan, hay sửa soạn cho chuyến tới, hay phê, hay chỉ vì không còn gì làm. Các nhà nghỉ này có bán nhiều thức ăn Tây Mỹ và chơi toàn nhạc rock xưa, hai thứ mà nhiều dân hippi cảm thấy thiếu trong các chuyến đi xa xứ. Thêm vào, khách có thể hút chillum thoải mái từ sáng tới tối.

Larry và tôi ra ngoài rất thường. Tụi tôi đi bát phố, vô chỗ bán đồ cổ, thảm, áo quần Afghan, nữ trang, và nhiều thứ khác kể cả đồ nhập cảng bên Tây và Mỹ. Tụi tôi đặt mua mỗi đứa một chiếc vòng bạc chạm, to, nạm viên lam ngọc bự (mà tụi tôi chôm ở Iran). Tôi còn mua thêm nhiều vòng ở những nơi tôi đến để khoe mình đã đi du lịch nhiều nơi và cũng để làm đẹp hình ảnh hippi của tôi. Larry may năm bộ kaftan thêu rất ngộ và cái áo vét Afghan trắng để làm quà cho gia đình và bạn bè.

Trở xuống Kandahar, hai đứa về lại khách sạn Paradise rồi tới viếng anh chàng 'bán kẹo' ngay. Cần sa đã sẵn sàng, tụi tôi chuẩn bị để lên đường.

Theo kế hoạch đã lên, cái áo vết của tôi trông rất bình thường, chỉ hơi cứng và nặng một chút; lúc mặc vào, nó có vẻ 'vô tội' lắm. Còn nữa ký tôi may dưới đáy xách cũng khó ai biết được. Larry may cái túi hình dây bằng vải dày, nhét hai trăm gram thuốc vô, rồi đeo để điều chỉnh cho khuất dưới dái; nó khoe không còn chỗ nào an toàn hơn. Trong lúc chuẩn bị tôi hơi lo nhưng rồi cố quên. Tôi tự nhủ đã trễ rồi, chỉ còn nước xấn tới mà thôi.

Tới lúc này suy lại, tôi nghĩ trí óc của hai đứa lúc bấy giờ đã bị đần bởi hút quá nhiều thuốc, nên tụi tôi thiếu sáng suốt và cẩn thận khi lao vô việc buôn bán nguy hiểm này. Tụi tôi cũng quên để ý hỏi mấy thằng quỷ kia chớ hippi có bị xét kỹ và thuốc có thể qua lọt biên giới ở Spin Buldak không. Tụi tôi ngây ngô nghĩ rằng việc tụi tôi làm 'dễ như trở bàn tay'. Và, tụi tôi cũng không có tự hỏi chớ lời của 'anh tiệm may' có tin nổi hôn.

Sáng, lúc tụi tôi rời Kandahar, trời bắt đầu nóng và khi tới biên giới lúc giữa trưa, nắng như thiêu. Larry và tôi ngồi tuốt đằng sau xe buýt bị nắng dọi nên đổ mồ hôi như tắm. Nắng sưởi cần sa làm chiếc áo vết tôi lên mùi mà Larry là người nghe trước tiên và lo lắng cho tôi biết. Tôi thử hửi và nghe đúng như vậy. Vừa lúc ấy, xe đò bắt đầu vô trạm quan thuế Afghan. Là hai người ngoại quốc, Larry và tôi phải xuống xe, xách hành lý vô làm thủ tục hải quan. Một tên Tây ba-lô[49] bên trong ra cười chào tụi tôi trước khi lên xe đi về phía Pakistan. Anh đáp chuyến xe buýt trước và vừa được khám xét xong. Larry và tôi liếc nhau rồi nhún vai thầm nhắc mùi thuốc còn phảng phất đó. Nhưng đã trễ rồi, thôi thì chỉ vái cho hai đứa đều qua trót lọt.

Hai đứa tôi được đưa vô phòng khám trong ấy có sẵn bốn nhân viên đang chờ. Câu hỏi đầu tiên, theo lệ thường và rất thành thật, là 'Ông có đem theo hashish không?' Câu hỏi bất ngờ và thẳng quá làm tụi tôi mất bình tĩnh và trong hai đứa không biết đứa nào phải trả lời. Tôi đớ lưỡi. Larry biết vậy nên vọt miệng nói với giọng điềm tĩnh và thuyết phục rằng: "Thưa ông, chúng tôi không có dùng thuốc, chúng tôi chỉ muốn qua Pakistan." Viên sếp không tin và không lòng vòng lôi thôi anh bắt đầu xét xách của Larry. Hai đứa bối rối và cảm thấy tội lỗi vì lời nói láo. Tôi đứng qua một bên nhìn họ khám với sự sợ hãi càng lúc càng lên cao.

Không thấy gì trong xách, nhân viên quan thuế bắt đầu khám người Larry. Để làm giảm sự chú ý, Larry kiếm chuyện nói huyên thuyên. Tuy nhiên ông không bị chi phối mà cứ tiếp tục khám kỹ, lần tay tới cứ địa. Rồi tay ông lướt qua tưởng chừng như bỏ sót, Larry mừng. Nhưng sau một phút ngập ngừng ông quay lại và đặt tay lên hạ bộ của Larry. Mắt sáng lên, ông la 'Hashish.' Tim tụi tôi ngừng đập!

Tôi biết sẽ tới phiên mình, bụng tôi đánh lô tô mạnh. Viên sĩ quan quay qua tôi và hỉnh mũi hữi gió. Trong chớp mắt ông tìm thấy cần sa trong áo và xách của tôi. Hết trốn rồi, hai đứa tôi bị bắt tại trận và sẽ bị tù suốt đời. Tụi tôi xoay qua hối lộ--tiếng bản xứ là baksheesh. Thoạt tiên tụi tôi xin hiến năm mươi đô la rồi lần lần lên tới một trăm. Ông nói ông rất tiếc sự việc đã xảy ra và ông chỉ biết làm phận sự của ông thôi. Ông nói thêm rằng tụi tôi chớ lo, ông sẽ cố gắng giúp đở để mọi việc được suông sẻ. Trọn ngày và đêm đó tụi tôi bị tạm giam tại trạm và qua sáng hôm sau bị giải về sở cảnh sát ở Kandahar. Tôi bắt đầu đặt nghi vấn. Nếu viên sĩ quan muốn giúp tụi tôi sao ông không nhận baksheesh thả tụi tôi đi cho rồi. Tôi cố tin ông để nghĩ mình sẽ được thả trong một hai ngày tới, nhưng thâm tâm tôi biết chuyện không đơn giản.

Tại sở cảnh sát Kandahar tụi tôi bị ông đại úy phỏng vấn. Bằng tiếng Anh thông thạo, ông từ tốn nói ông rất tiếc báo cho chúng tôi biết rằng chúng tôi phải ra tòa về tôi buôn lậu và bây giờ cho đến ngày ra tòa chúng tôi sẽ bị nhốt tại nhà lao địa phương này. Như vậy, tụi tôi hết trông mong được gặp lại viên sĩ quan hứa giúp đỡ chúng tôi rồi.

'Cái khám nhỏ' mà dân địa phương thường gọi, nằm bên kia đại lộ đối diện với bộ chỉ huy cảnh sát. Lúc bị hai cảnh sát giải tới, tụi tôi chỉ thấy có bờ tường bằng đất với hai lằn kẻm gai rỉ sét kéo bên trên. Cổng là hai cánh cửa cây mục khóa bằng sợi xích với ống khóa. Anh lính gác xúng xính trong bộ quân phục Nga Sô cũ đang ngủ gục cạnh bên cây súng trường có gắn lưỡi lê. Phía trong, sau bàn viết, có một anh lính khác ngồi kiểm tù ra vô. Nhìn chung nhà tù này trông chẳng khủng khiếp lắm.

Vừa vô trong, điều đầu tiên mà Larry và tôi thấy là một nhóm đàn ông đứng dưới gốc cây duy nhứt trong sân đang ho khan, tiếng ho quen thuộc của người hút hooka. Đám khói thuốc còn lảng vảng trên đầu trong bầu không khí nóng bức và đứng gió của xế chiều. Thấy tụi tôi, họ liền gọi đến hút với họ. Chẳng có lý gì mà không, tôi nháy mắt Larry, thầm hỏi 'Đây là khám sao? Nếu vậy được hưởng gì thì cứ hưởng.' Rồi tụi tôi đi thẳng tới nhập cuộc. Các tù nhân được một trận cười vui khi thấy hai thằng ngoại quốc đồng bịnh ghiền như họ.

Khám là một khuông viên vuông, không mái che, sàn đất, với nhiều phòng cất dọc theo chu vi tường đất. Có cái cầu tiểu khai òm ở một góc và khu tắm giặt sạch hơn với giếng nước mát nằm giữa sân. Tù nhân sống bằng cách tự đem theo chiếu mền và nồi chảo, chớ khám không cung cấp gì cả. Họ cũng phải đem thức ăn uống vô hay nhờ cai ngục ở đây mua giùm. Tù nhân không tiền phải làm tạp dịch cho đám có tiền. Họ tự chia nhóm để ăn, chơi, ngủ, nghỉ với nhau.

Tụi tôi bị giữ thông hành và tất cả chi phiếu du khách, chỉ còn một ít tiền Afghan để xài vặt. Tụi tôi cho tiền nhờ một anh chủ ngục đi chợ mua bánh mì, đậu phộng, trái cây, xà lách, và nước nho để ăn uống. Tụi tôi may gặp một 'lão làng' nói chút chút ttiếng Anh. Được biết trước đây anh ta là đại úy trong quân đội Afghan. Anh bị án khổ sai chung thân vì tội giết vợ. Anh hiện là 'đại ca' trong khám này. Anh có phòng riêng trải thảm Ba Tư đàng hoàng. Anh có cả cây đàn sitar của một tù Tây mua từ Ấn Độ cho. Larry và tôi gọi anh là Ali Baba. Ali Baba tội nghiệp tụi tôi nên thâu hai đứa tôi dưới trướng và cho ăn uống đầy đủ cũng như dạy cho quen với luật lệ sống trong khám này. Được biết Tây Mỹ vô đây khá nhiều, nhiều nhứt vì tội nhập lậu ma túy. Có hai thằng Tây vừa được thả tuần trước. Nghe nói thường thường tù ngoại quốc bị nhốt từ hai tuần tới một tháng là nhiều. Tin này của Ali Baba làm tụi tôi hy vọng vì nhà tù ở đây có lệ không cho tù nhân biết gì ráo trọi. Tụi tôi có nghe nói về nhà tù ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ: người ngoại quốc có thể bị nhốt cả năm khi phạm tội như tụi tôi và khám ở hai xứ đó kinh khủng lắm.

Là Mỹ, tụi tôi được xem như thứ lạ nên được tù nhân địa phương coi như VIP's (very important prisoners, tù nhân trọng yếu). Mỗi nhóm nhỏ thay phiên mời tụi tôi cơm tối, thường là ăn thịt trừu, rau cải, bánh mì, và trái cây. Tôi và Larry hay góp rau để nấu chung. Thật là một sự đãi đằng tiện lợi cho đến một hôm hai nhóm cãi nhau về việc tới phiên ai mời tụi tôi. Và, tuần lễ sau đó, nhãn hiệu VIP của tụi tôi không còn ăn khách nữa, tụi tôi phải tự lo liệu lấy.

Larry bực dọc nhiều và muốn được về California. Nó tự rủa nó và oán tôi đã rủ rê. Để thư giãn nó mượn sitar của Ali Baba chơi. Nó biết đánh tây ban cầm nên chỉ sau vài lần mò mẫm nó chơi được sitar. Tôi thì dễ dãi hơn vì đã chọn thái độ 'take it or leave it[50].' Tôi biết tôi tự đẩy mình vô tròng nên chuẩn bị tinh thần để nhận hết hậu quả (nghiệp). Tôi cũng biết rằng đời sống trong 'khám nhỏ' này không đến đỗi nào và có thể ra tù trong vài tuần tới.

Mỗi sáng, tôi và Larry bị đưa qua sở cảnh sát để hoặc trả lời ông đại úy hỏi cung, hoặc điền hồ sơ, hoặc lấy dấu tay, hoặc chụp hình, vân vân. Vị đại úy cho biết hồ sơ tụi tôi sẽ được chuyển về Washinghton, đúng ra là về FBI và Quan Thuế Hoa Kỳ. Dụng cụ lấy dấu tay và chụp hình cũng như các còng, tôi thấy đều có hiệu 'Made in USA[51].' Ông nói thêm hút charees trong lãnh thổ Afghanistan thì được nhưng đem lậu ra ngoài là bất hợp pháp và sẽ bị tội. Cần sa và thuốc phiện bị liệt vào danh sách hàng quốc cấm phải chăng để chứng minh chi phí viện trợ mà Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ đang nhận của Hoa Kỳ để giúp xứ này giải quyết tệ nạn ma túy. Chớ thật ra ngay trong nhà tù này tù nhân đang trồng cần sa và cây thuốc phiện, và người nhà của nhiều tên tù đem vô cho họ mủtươi để họ ép thành khối mà xài. Họ dạy hai thằng ngáo tụi tôi cách làm; tụi tôi thường giết thì giờ bằng cách chăm sóc 'vườn cần sa' và dĩ nhiên hút hash.

Điếu thuốc nước hooka bự được để thường xuyên dưới gốc cây như một dụng cụ bất di bất dịch sẵn sàng cho ai muốn xài thì xài. Điếu được một tên tù tạp dịch dọn dẹp hằng ngày như thay nước, lau chùi ống hút, vân vân. Tôi và Larry có tới hút hooka thỉnh thoảng với các nhóm nhưng tụi tôi thích hút píp Ma Rốc, hay chillum, hay thuốc lắc hơn. Tụi tôi cứ đê mê phê thuốc hoài trong suốt hai tuần bị nhốt ở đây. Phê rất đỡ, ví như nhờ phê mà tôi hết bị sôi ruột và khỏi phải chạy vô nhà xí hoài như lúc không phê; tôi bị đau bụng có lẽ vì ăn trừu hầm có nhiều mỡ quá.

Trong trại tù có một trò vui ngộ nghĩnh. Bọn tù bắt thằng tù khùng cột vô gốc cây để nó chạy quanh kêu la inh ỏi rồi ngồi chung quanh cùng nhau cười. Họ còn chọc cho nó hung lên để nó dở nhiều trò hơn để cười nhộn hơn. Một trò chơi bệnh hoạn, hành hạ, tàn bạo, nhưng tôi chẳng biết làm sao ngăn cản. Văn hóa và đạo lý mỗi nơi mỗi khác và bị ảnh hưởng nhiều bởi đạo giáo và xã hội. Con người cũng khác biệt. Tôi suy tư nhiều.

Nhiều lần trong ngày, tù Hồi giáo tụ trên bục hướng về Mecca đọc namuz (cầu nguyện của họ). Hình ảnh này cổ súy tôi nghĩ đến đạo giáo và nghi thức lễ lạc mà lâu nay tôi ít để ý. Tôi cũng có nghĩ tới ý nghĩa của cuộc sống và cái gì sẽ xảy ra sau khi chết. Lúc châm chillum tụi tôi hay đọc bốn chữ 'Bom Shiva, Bon Shankar' dùng bởi các đạo sư tu trên Hy Mã Lạp Sơn để ban hồng ân cho sự đê mê do hút cần sa ganja gây ra. Tôi nghe tụi hippi Tây đọc chú này trong công viên ở Amsterdam nên lập lại như két vậy chớ thật tình tôi không có ý niệm đạo giáo gì hết.

Hai tuần trôi qua, sáng nay Larry và tôi đi hầu tòa. Tòa án là một kiến trúc ba từng nằm bên kia thành phố trong công viên rộng có nhiều cây cao bóng mát. Tụi tôi được dẫn lên lầu hai. Vị chánh án là người đứng tuổi, có râu bạc, đẹp lão. Chiếc khăn đóng làm ông thêm thanh nhã. Ông ngồi oai nghi trong ghế bành to trên bục cao. Hai đứa tôi được lịnh ngồi xuống thảm trải trước bục. Chúng tôi nhận tội. Tôi bị phạt năm trăm đô la vì mang lậu một ký lô cần sa, còn Larry bị phạt hai trăm vì một trăm gram của nó. Chúng tôi đóng phạt ngay. Rất may chúng tôi còn tiền, nếu không chắc phải ở tù thêm cho đến khi nào đóng hết tiền phạt mới được thả.

Bấy giờ Larry chỉ còn đủ tiền đi Madrid để trở về Mỹ. Còn tôi phải quyết định ngay chương trình sắp tới. Tôi còn vừa đủ tiền đi Ấn Độ và sống như đã tính nên có nhiều cách du di hơn Larry. Tôi có thể ở lại Kabul rồi viết thư về nhờ má tôi gởi dùm qua năm trăm đô la hoặc qua New Delhi rồi nhờ má tôi gởi tiền qua đó. Tôi có nghe nói tiền gởi qua Kabul hay New Delhi có thể bị lạc hai-ba tuần hoặc hai-ba tháng hay mất luôn cũng không chừng, nên không muốn nhà chuyển tiền qua hai nơi đó.

Không muốn đợi chờ trong nghi ngờ và lo âu ở những nơi như Kabul, New Delhi, hay cả Teheran, tôi quyết định đi Athens với Larry sau khi bàn tính. Tôi tin Athens vì tôi đã có lần nhận tiền ở đó rồi. Từ Athens tôi sẽ lấy xe lửa và xe đò nhanh nhứt đi thẳng qua Ấn Độ; dĩ nhiên tôi không thèm cà rà ở Afghanistan làm gì nữa. Tôi viết thư kể rõ mọi chuyện luôn cả chuyện ở tù và xin má tôi gởi dùm qua Bank of America ở Athens năm trăm đô la rút trong chương mục tiết kiệm của tôi.

Trong hai ngày chờ đi Athens, Larry và tôi nghĩ ra kế làm tiền để kiếm thêm cho chuyến đi. Một trong những lối lường gạt thông thường trong giới chợ đen du lịch là bán nửa giá chi phiếu du khách không ký tên cho một tay buôn chợ đen nào đó, rồi báo là mất để được hoàn lại tổng số trị giá. Larry bán chi phiếu năm mươi đô của nó cho một chỗ đổi tiền trong chợ vải với giá hai mươi lăm đô. Còn tôi nghĩ một cách khác có lợi nhiều hơn. Tôi nhờ Larry ký tên tôi vô chi phiếu một trăm đô của tôi rồi đem vô nhà băng đổi. Sau đó tôi và Larry qua Teheran báo mất chi phiếu du lịch. Làm vậy, American Express Company sẽ nghĩ rằng tôi mất chi phiếu thiệt và chi phiếu mất cấp của tôi bị kẻ gian giả mạo chữ ký. Sở dĩ hai đứa tôi làm được vì khi Larry lãnh tiền, nhà băng không có kiểm thông hành của nó. Có thêm 'tiền đen' hai đứa sẽ khỏi lo thiếu lúc qua Hy Lạp.

Đến Teheran, tụi tôi đi liền tới văn phòng của American Express làm đơn đòi bồi hoàn và nhận được tiền dễ dàng trong vòng hai tiếng đồng hồ. Có tiền rồi tôi không vội đi Athens nữa. Tôi biết ba má tôi phải hai-ba tuần nữa mới được thư gởi từ Kabul, qua cơn khũng hoảng, rồi mới gởi tiền cho tôi được. Mà có thể ông bà không thèm gởi tiền qua cũng không chừng. Ông bà cũng có thể nghĩ tôi bị ma túy đầu độc quá rồi nên muốn tôi trở về. Không có tiền gởi qua chắc là tôi phải bỏ chuyến đi Ấn Độ. Tôi chẳng còn cách nào hơn là về lại Riverside, sống bình thường, và làm lại cuộc đời như hoàn tất hai năm chót đại học chẳng hạn. Chuỗi ý nghĩ ấy thoáng qua trong đầu tôi trong lúc tôi chiêm bao trên chuyến xe lửa từ Teheran qua Istanbul.

Tại Istanbul tôi và Larry chia tay. Tôi nấn ná bằng cách đi lòng vòng xem Hy Lạp trong hai tuần để đợi tiền qua, còn Larry phải đến Athens ngay cho kịp chuyến tàu nghe nói sẽ đi Barcelona trong vòng bảy ngày tới. Tôi và Larry cùng chia ngọt sớt bùi trong khoảng thời gian khá lâu, giờ đây mỗi đứa đi mỗi ngả để lo việc mình. Mọi thứ trên đời đều đổi thay theo tình huống, kể cả tình cảm cá nhân. Một mặt nào đó, tôi muốn có thay đổi vì cùng đi chung với nhau lâu ngày không sao tránh khỏi đụng chạm, bởi mỗi người có cái tôi riêng. Nói vậy chớ tôi và Larry không bao giờ để tâm tới chuyện lớn nhỏ nào, nhứt là sau khi cùng nhau hút một điếu hay cùng nhau cười đùa. Phút chia tay đến, hai đứa siết chặt nhau, rơm rớm nước mắt, và chúc nhau những điều tốt lành nhứt.

Qua câu chuyện với một khách lữ hành, tôi quyết định dừng lại trên hòn đảo nhỏ Skyros để tắm biển trước khi lên Athens. Trên tàu từ Thessalonika qua Skyros, tôi gặp một số bạn trẻ trở về từ nhiều nơi xa xôi bên Á Châu, như Sri Lanka và Bali. Họ khoe áo quần và trang sức lạ của họ mới sắm. Tôi cũng khoe bộ đồ hồng, áo vét Afghan, và chiếc nhẫn lam ngọc của tôi. Thỉnh thoảng tôi vấn thêm chiếc khăn đóng, để chót khăn phe phẩy với mớ tóc vàng của tôi trong gió chiều. Tôi khoái chí lắm. Một đêm trăng nọ, trên tàu qua Skyros, tôi bắt chuyện với một anh người Đức rồi hai đứa làm bạn đồng hành. Lên đảo tụi tôi ra chỗ cũng có cùng tên Skyros, ngoài thành phố, tương đối vắng, cách phố chính chừng một phần tư dặm. Thấy có một cặp đang trần truồng, tôi nghĩ ở đây hay ít ra trên đoạn bờ biển này khỏa thân được, nên liền tuột hết đồ ra tắm nắng rồi tắm biển--biển màu lam ngọc rất đẹp. Tôi ở lại chỗ ưng ý này trọn một tuần lễ để nghỉ ngơi.

Mỗi chiều, hai đứa đều vô phố ăn bữa tối no và mua bánh mì với trái cây cho bữa sáng mai. Một chiều nọ, trong lúc nhâm nhi rượu chát trong quán vỉa hè, tụi tôi gặp hai cô sinh viên từ New York qua. Tụi tôi mời hai cô. Hai cô cho biết qua đây nghỉ hè một tháng và đang ở với hai bà người Hy Lạp và hai con của hai bà trong một nhà nghỉ lớn dưới biển. Hai bà đi xã hơi, muốn tạm xa các ông chồng và công việc nhà một thời gian. Hai bà thấy hai cô đơn côi nơi xứ lạ nên thương tình đem về nhà ở coi như con.

Tôi làm thân với cô tên Linda có gương mặt xinh xinh, thân hình cân đối, tóc đen huyền, và giọng New York. Để tìm hiểu thêm, tôi mời hai cô xuống trại dự một tiệc vui nho nhỏ. Manfred, bạn tôi, mua một đùi cừu để nướng trong hỏa lò dã chiến đào dưới bãi biển. Tôi mua ít chai rượu chát để đãi khách và cũng để đưa mồi trừu. Tôi có đem ra chút hash tôi mua ở Istanbul để mọi người cùng hút trong dịp đặc biệt này. Tôi bắt đầu thấy tình mình đang dậy, bởi sau lần ngủ với Gail ở Gomera hơn tám tháng nay, tôi có gặp ai nữa đâu. Linda cũng lâng lâng và coi mòi khoái tôi lắm. Tiệc vui kéo dài cho đến khi thời điểm chín muồi tới. Tôi và Linda bèn đi dọc bờ biển tìm một chỗ vắng. Hai đứa 'yêu nhau' trọn một tiếng đồng hồ, giúp nhau thỏa mãn những thèm khát xác thịt bị đè nén lâu nay. Cát vẫn còn ấm vì nắng ngày nhưng nước đêm mát lạnh, và trăng tròn rất thơ mộng.

Trước khi rời Skyros, Linda và tôi thu xếp để gặp nhau lần nữa, gặp nhau nhứt thời, bất chợt chớ không gắn bó. Lần này tại nhà trọ của cô lúc bạn cô, Penny, và các người khác đi tắm biển xa. Giường êm nệm ấm đưa chúng tôi vào cuộc hoan lạc say sưa.

Tình cờ tôi gặp hai bà Hy Lạp cùng đi trên một chuyến đò; hai bà trở về nhà ở ngoại ô Athens. Một trong hai bà mời tôi đến ở với bà ít hôm nếu tôi muốn. Tôi hân hạnh nhận lời. Linda và Penny đến ở với bà kia. Đò cặp bến Kimi cách Athens vài tiếng lái xe. Chồng của một trong hai bà đón tại bến tàu. Ông lái chiếc station wagon[52] to nên đủ chỗ cho mọi người. Nhà của ông bà rất to và tráng lệ. Tôi ở đó ba hôm trong lúc Manfred ở một mình bên Skyros. Biết ông là tổng giám đốc của một công ty hàng hải Hy Lạp lớn, tôi có ý định xin làm công cho một tàu hàng đi Ấn Độ để được biết Kinh Đào Suez, Mombassa (Đông Phi) và Bombay. Tôi còn nghĩ sẽ dời chuyến đi Ấn Độ để đi vòng quanh thế giới trong một năm, đi tới chỗ nào mà tàu sẽ đến. Thơ mộng ha! Tôi xin ông giúp, ông trả lời ngay là khó lắm vì tôi không có giấy tờ thuyền viên. Tôi nghe nói có thể mua giấy tờ giả nên cố thuyết phục ông nhưng ông không sốt sắng lắm. Ông và tôi khác nhau một trời một vực nên hai tư tưởng không thể gặp nhau. Ông là một tay cự phú kẻ hầu người hạ còn tôi là một thằng hippi lang thang. Ông gình giàng to lớn rượu thịt hằng ngày còn tôi ốm tong ăn uống thất thường; dưới mắt ông tôi không thể nào đảm đang nổi công việc thuyền viên. Tôi và ông không gần nhau được nên ông không thể tin tưởng tôi để giúp tôi có việc như tôi mơ mộng. Tôi đành trở về thực tại và lo đi Ấn Độ càng sớm càng tốt.

Bấy nhiêu kinh nghiệm cho tôi thấy cái tâm có thể nhớ và xếp hạng người, việc, và nơi chốn theo một số sắc thái hay hành vi ghi nhận. Và, cái tôi rất tinh khôn trong việc lèo lái để trục lợi. Tôi cũng nhận thấy tính không hằng thường của tâm cũng như sự thay đổi thường xuyên của các ước muốn của tâm--như một niệm (đi Ấn Độ) dấy lên rồi đi qua nhường chỗ cho một niệm khác (làm thuyền viên) tiếp theo liền.

Tôi nhận được thư của ba má tôi (má tôi luôn luôn viết thế cho ba tôi) lúc đến American Express. Tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra nên mở thư đọc mà sờ sợ. Má tôi viết bà điếng hồn khi nghe tôi nói bị tù vì buôn lậu ma túy. Đồng thời bà ngạc nhiên sao tôi có thể ra tù dễ dàng và nhanh như vậy. Bà tưởng tượng tôi sẽ phải bị tù rục xương như báo chí thường tường thuật các trường hợp của đồng hương ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ tôi đợi tới lúc ra tù rồi mới viết thư về nhà, nếu không ba má tôi chắc phải chết đứng!

Ngoài ra, má tôi còn cho biết ba má tôi bị sốc lớn khi nhận được thư của American Express báo rằng tôi đã lập kế gạt lấy một trăm đô la bằng cách đổi chi phiếu du khách rồi khai là bị mất. Văn phòng chính của AMEX không tin lời khai của tôi và buộc tôi tội gian (rất đúng vậy). Tôi phải trả lại một trăm đô ngay nếu không sẽ bị đưa ra toà. Ba má tôi sợ quá nên lật đật trả AMEX một trăm đô cho yên việc dầu ông bà không biết đầu đuôi như thế nào. Hai chuyện động trời của tôi xảy ra liên tiếp làm ba má tôi rất buồn lòng. Ông bà nghĩ tôi đã mất hết lương tri, không biết phải quấy, nhục vinh, và xuống mức hạ tiện thấp nhứt. Ông bà vô cùng thất vọng và nhục nhã. Tuy nhiên, má tôi vẫn gởi tôi tiền và tiền đến vài ngày sau đó.

Bây giờ mọi việc đã qua, tôi cảm thấy nhẹ người sau bao ngày mang nặng lo âu và tội lỗi trong tâm cũng như trên người. Tôi thầm nghĩ mình phải nhứt quyết từ bỏ mọi hành vi bất chánh trong tương lai để tránh tù tội, bị dầy vò, và làm cho ba má tôi sầu lo. Tôi hy vọng ông bà sẽ quên đi mọi chuyện, quên cả buồn phiền và đau khổ, như ông bà đã quên sau khi tôi ra tòa quân sự lúc trước.

Trong vài ngày ở Athens tôi gặp một người Đức tên Stephen vừa về từ Gomera. Anh biết Gail và cho tôi hay Gail có mang với anh chàng ở Valley Gran Rey mà tôi cũng quen và làm đám cưới với anh ấy rồi. Tôi ngạc nhiên và thầm nghĩ 'nhanh quá,' chỉ mới có bảy tháng sau khi tôi xa Gail. Tôi tiếc cho cô và đoán rằng cô làm vậy vì hận và cũng vì muốn tỏ ra mình luôn luôn tự chủ. Tôi tự hỏi không biết cô có trở về với đứa con gái bốn tuổi của cô chăng, con cô chắc thế nào cũng hỏi bà ngoại nó câu 'Mẹ con ở đâu?' Một lần nữa, ý nghĩ tội lỗi đến với tôi. Gail và tôi bắt đầu rất thơ mộng (bằng cuộc làm tình hồn nhiên sau khi gặp nhau ở RCC) nhưng kết thúc thật là bất hạnh!

Một xế nọ, tôi muốn làm ra vẻ nên đóng bộ đồ hippi luôn cả khăn đóng đi ra công viên Syntagma. Đây là lần chót tôi bận bộ đồ này vì sau đó tôi đóng thùng gởi tất cả về nhà; tôi chỉ giữ lại cái áo jalaba và chiếc cà rá lam ngọc. Và trong số đồ đạc tôi đem theo từ California tôi chỉ giữ cái quần Levis, đôi giày huaraches Mễ Tây Cơ, cái quần ngắn nhà binh bằng len màu xanh lá cây, và cái poncho mà tôi nghĩ sẽ có dịp xài ở đất lạnh Hy Mã Lạp Sơn. Tôi gởi đồ về để làm kỹ niệm và cũng để khỏi mang theo nặng. Vả lại, tôi không còn ạo ực của lạ như lúc trước nữa. Tôi muốn đi du lịch nhẹ như nhiều du khách tôi thấy ở phuơng Đông về.

Con đường ngắn và nhanh nhứt để tới Afghanistan mà tôi chọn sẽ phải đi ngang Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tôi sẽ bay từ Athens qua Istanbul bằng vé rẻ của sinh viên, lấy xe lửa tốc hành Istanbul-Teheran, rồi xe đò đi Kabul. Sáng hôm đến Istanbul tôi đọc báo thấy tin dữ. Hồi tối hôm qua tại phi trường Athens, bọn khủng bố đã liệng lựu đạn vô quày vé của hảng hàng không Thổ, chuyến bay đi Tel-a-viv, làm hai người chết và bốn bị thương. Lựu đạn nổ ngay chỗ tôi đứng ghi vé hai giờ trước đó. Giai đoạn bất ổn 1972-73 này có rất nhiều vụ nổ bom và không tặc do bọn khủng bố chủ mưu; cuộc tàn sát đoàn Olympic Do Thái năm 1972 ở Munich là ví dụ điển hình. Đoc xong tin, tôi thầm nghĩ duyên nào đã giúp tôi thoát nạn trong gang tấc như vậy?

Sáng hôm sau tôi đi phà qua eo Bosphorous đến ga xe lửa. Xe dài nhưng đông nghẹt. Tôi ngồi chung phòng với năm người: hai anh người Đức, một anh người Áo và cô bạn gái người Pháp của anh, và anh người Anh. Một trong số hai người Đức tên Klaus từng buôn ma túy lớn ở Berlin, chỉ buôn hash Afghan nhưng chưa hề đến Afghanistan cho tới chuyến đi hôm nay. Anh có vẻ rất vui thích. Anh có đem theo một ít charees và vui vẻ chia cho bà con cùng xài. Khi xe ra khỏi ga chúng tôi bắt đầu hút điếu thứ nhứt để chúc mừng Klaus. Không khí hứng khởi và vô tư trong phòng làm tôi bồn chồn. Nếu ma túy trong phòng bị người soát vé, hay cảnh sát, hay lính phát giác, cả đám sẽ gặp nguy, kể cả tôi tuy tôi không có ma túy trong tay. Giờ tôi chỉ mong tới Ấn Độ an bình càng sớm càng tốt. Lần lần tôi bớt lo, vui theo, mừng gặp bạn, và thật sự phê. Ở Teheran chúng tôi đổi qua xe đò đêm tiện nghi hơn để đi Mashad rồi ra biên giới sau khi xin được chiếu khán.

Khi xe tới gần biên giới, Klauss hứng lên hơn vì thấy sắp đến 'đất của charees.' Nhưng sau khi qua khỏi rào Afghan, Klauss bỗng dưng im lặng và ngồi một chỗ. Lúc ấy là 5:00 giờ chiều. Như lần trước, tôi và năm bạn mới phải ngủ lại đêm ở đây đợi sáng mai vô 'Tâm'. Klauss vô nhà ngủ và bất tỉnh ngay trên chiếc giường đan dây. Anh xanh như tàu lá và yếu hẵn đi; anh không còn thiết tha với chillum mừng đến nơi như hôm qua nữa. Thấy anh không thèm thuốc, chúng tôi biết anh không khỏe rồi. Bạn thân anh, Hanz, lo lắng nhứt, phải thức suốt đêm canh anh. Sáng dậy, Klauss đỡ nhưng vẫn chưa muốn hút điếu chillum mừng đến đất Afghan. Sau khi đi xe đò vô 'Tâm', chúng tôi vô khách sạn ở chỗ ngả ba chính. Lúc ngồi ăn sáng, Klauss trông trắng bạch như ma trơi và lơ láo như mất vía. Thình lình anh gục và rớt xuống đất. Tất cả điếng hồn. Hanz kêu inh ỏi nhờ khách sạn tìm bác sĩ. Bác sĩ đến 20 phút sau nhưng chỉ để cho biết anh đã chết rồi. Một tai họa bi thảm!

Tôi hoang mang hơn và sợ cảnh sát đến lấy cung sẽ nhốt hết chúng tôi. Tôi vừa bị một vố mà thông hành còn ghi ràng ràng đây nên không muốn dính dấp với mã tà nữa. Tôi bèn lỏn ra đi lang thang quanh phố. Hai giờ sau tôi trở về khách sạn, tôi chỉ thấy có mình cô đầm Monique đang đợi tôi. Bằng tiếng Anh bồi và với giọng sợ hãi cô thuật tự sự cho tôi nghe. Cảnh sát đến làm tờ trình theo thủ tục, hỏi Hanz một số câu hỏi thông thường về bạn của anh.

Hanz muốn đưa xác Klauss về Đức cho cha mẹ anh bên Berlin qua ngả Kabul. Thông thường có một chuyến bay từ 'Tâm' về Kabul của hảng hàng không Ariana Airlines, nhưng vì trục trặc kỹ thuật (rất thường xảy ra) và không có máy bay thay thế nên phải lấy taxi. Chiếc hòm Hanz mua liệm Klauss dài quá khổ của ta-xi nên phải dở nệm sau và đút hòm từ sau xe vô mới lọt. Viên cảnh sát hộ tống ngồi ghế trước cạnh tài xế, còn Hanz và Ronald ngồi trên hòm. Xe đi phải mất ít lắm mười tới mười một tiếng và chạy trong nắng gắt ban trưa nên Monique không thể đi, còn Ronald không thể bỏ bạn trong giờ phút cuối nên đã đi theo. Phần tôi, thằng tồi bỏ bạn!

Hôm sau tôi chịu đi với Monique lên Kabul khi cô hỏi ý tôi. Chúng tôi đến nơi lúc chiều và gặp lại Hanz với Ronald trong nhà ngủ. Hai anh đang hút chillum. Qua câu chuyện, được biết chuyến đi Kabul của Klauss mất tới mmuời hai tiếng vì tài xế và viên cảnh sát ghé lại nhiều trạm để uống trà, ăn cơm và nói chuyện với bạn dọc đường. Trời nóng xác dễ sình, mà hòm lại mỏng, mùi bắt đầu thoát ra, Ronald và Hanz phải hút chillum liên tục. (Tôi không thể nín cười, mong bạn Klauss tha thứ). Tới Kabul lúc 10:00 giờ đêm, Ronald và Hanz ra phi trưòng liền nhưng không thể đưa hòm đi vì xác đã nặng mùi và không có máy bay nào ra khỏi Kabul cho đến ngày mai. Hanz phải lên toà Đại Sứ Đức sáng nay để báo cáo sự việc và đánh điện về ba má Klauss báo tin chẳng lành: ông bà không còn dịp thấy mặt con nữa!

Hồi trưa này, Hanz nhờ xe ngựa kéo hòm đi chôn tại nơi có biệt danh là 'Boot Hill'', một khu trong nghĩa địa Kabul dành an nghỉ du khách. Có khá nhiều du khách Tây Mỹ chôn ở đây; họ chết vì lậm thuốc, bị giết, hay bệnh hoạn bất thần như Klauss. Hanz cho chúng tôi biết Klauss có bịnh tim, di căn từ bên nội. Chắc ảnh chết vì bị nhồi máu cơ tim; trái tim suy yếu của ảnh có thể không chịu nổi những cảm xúc mạnh mà ảnh đã trải qua hôm trước. Chôn Klauss xong xuôi, Hanz và Ronald về lại phòng đây ngồi nghỉ và hút chillum để tang cho Klauss. Monique và tôi tham gia, cũng để tang cho Klauss, theo lối hippi !

Tôi đang ở chỗ mà tôi đã đến hồi ba tháng trước và rất mong được hoàn tất đoạn đường chót của chuyến đi. Hôm sau tôi lấy xe buýt màu bạc đi Peshawar; tôi được dịp đặt chân lên ngọn đèo nổi tiếng Khyber vô Pakistan. Rồi một xe buýt khác chạy đêm đưa tôi qua Lahore. Tôi phải dừng lại Lahore để xin chiếu khán 3-tháng vô Ấn Độ. Tôi ở chung phòng với hai du khách Anh trong một khách sạn hai từng lớn. Một trong hai người từng du lịch ở Ấn Độ nên rành ngõ ngách và biết cách sống rẻ bên đó. Anh đi rất nhẹ, chỉ có cái quần vải và áo anh đang mặc, chiếc mền mỏng đeo trên lưng, và cây đờn tây ban cầm. Thêm cái túi nhỏ đựng của quý, chillum và charees. Tóc anh cắt thật ngắn để đỡ nóng và chân anh đi giày vá. Tôi học nơi anh kiện tướng này rất nhiều qua một đêm ngủ chung phòng. Anh biết hết những chỗ mà dân hippi có thể đi xem, mua thuốc rẻ mhưng ngon, và sống tự do--Manali và bãi biển ở Goa là hai chỗ anh thích nhứt.

Chiều hôm sau, khi lấy xong chiếu khán, tôi lên xe đò đi một đoạn đường ngắn ra biên giới Wagah. Viên sĩ quan di trú xem thông hành tôi cho biết tôi thiếu giấy phép mà du khách nào cũng phải có để đi từ trạm Pakistan qua trạm Ấn Độ. Năm 1947 lúc India chia đôi và Pakistan lập quốc, có rất nhiều tranh chấp biên giới. Do đó dải đất rộng một phần tư dặm giữa hai quốc gia được xem như vùng đất không người mà du khách phải có giấy phép đặc biệt mới qua được. Giấy phép được cấp miễn phí tại Lahore. Tôi có nghe nói tới giấy phép này nhưng quên lửng không xin. Viên sĩ quan bảo tôi về Lahore xin hay là để ông giúp với điều kiện tôi phải giúp lại ông bằng một "bakseesh" nhỏ, hối lộ ông mười rup (chừng một đô la), cái giá chuẩn dành cho du khách. Giấy phép không bao giờ phải trình cho ai nữa nên thiệt tình tôi chẳng cần có trong tay. Tuy nhiên, ông làm ra vẻ quan trọng vì ông có quyền cấm tôi qua đoạn đường ông kiểm soát, đoạn đường cụt ngủn liệng đá cũng tới. Để tránh rắc rối và khỏi phải về Lahore, tôi làm 'thủ tục đầu tiên[53]'và buớc qua Ấn Độ.

Bước chân trên đoạn đường có hàng cây cao đến trạm kiểm soát Ấn Độ, tôi cảm thấy hân hoan. Tôi còn nhận thấy nhiều đổi thay ngay trước mắt. Mấy anh cu-li ai cũng quần khaki áo đỏ. Không khí êm ả. Nhân viên công lực cười tươi thư giãn. Viên sĩ quan kiểm giấy thông hành vui vẻ chúc tôi những ngày thoải mái ở Ấn. Tôi mường tượng mọi việc sẽ tốt lành. Và, tới nay tôi đã rời Hoa Kỳ đúng một năm hai tháng.



[49] Chỉ bọn khách đi du lịch rẻ tiền, chỉ mang theo một xách đeo lưng, thường thấy ở Việt Nam trong thập niên 90 khi Việt Nam mở cửa (nd).

[50] Dịch nôm na là: 'chơi hay không chơi' (nd).

[51] Làm tại Mỹ Quốc.

[52] Loại xe du lịch lớn có thùng dài đằng sau rất thịnh hành ở Mỹ trong những thập niên 60-80 (nd).

[53] Nói lái đầu tiên là 'tiền đâu', tức hối lộ, một câu thường nghe ở Việt Nam sau 1975 (nd.



---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/05/2016(Xem: 11996)
Phim Phật Giáo: Quan Âm Bán Cá
10/05/2016(Xem: 16073)
Hằng triệu dân Miền Nam nói chung trong các tôn giáo, nói riêng Quân, Cán Chính VNCH, (KiTô Giáo, Tam Giáo), tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương, đều thấy biết chốp bu (VIP) của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, đều là Tướng, Tá các cấp trong Tam giáo, do Đại Tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch có lời hiệu triệu kêu gọi toàn quân binh chủng tham gia Cách Mạng nhưng, những Tướng, Tá các cấp Cần Lao KiTô Giáo ngồi im và có hành động chống lại. Tức thì liền bị bắn chết ngay. Như Đại Tá Quyền (Cần Lao – Bộ Tư Lệnh Hải Quân) bị bắn chết trên xa lộ, do không tham gia, chống lại HĐQNCM. Nói rõ hơn, Tướng, Tá gốc Cần Lao Thiên Chúa không ai lên tiếng xin tham gia, đánh điện ủng hộ. Đến khi nghe ĐT Quyền bị bắn chết, liền gọi điện thoại, đánh công điện về Bộ Chỉ Huy Cách Mạng xin tham gia, nói lời ủng hộ. Nhưng, tất cả đều giả vờ, không thật lòng, là ý tưởng chung của các ông Cần Lao, họ đã hội kiến với nhau, với các giới KiTô trong nhà thờ, ngoài xóm đạo, là cứ giả theo, để rồi sau đó
05/05/2016(Xem: 5151)
Festival Huế lần 9 đã chiêu đãi khách quý và bà con mình một bữa tiệc văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, âm nhạc, ẩm thực, gồm: Lễ hội chính 13 chương trình; Hoạt động hưởng ứng 28 chương trình; Âm nhạc 27 chương trình; Nghệ thuật truyền thống 9 chương trình; Múa 9 chương trình; Triển lãm, trưng bày, sắp đặt 19 chương trình; Nghệ thuật 14 chương trình. Để thực hiện một Festival hoành tráng, kỳ công, đa dạng, đậm chất Huế như vậy, ai cũng biết là không hề đơn giản. Nó thấm đẫm trí tuệ, mồ hôi, tâm huyết của chủ (Bộ máy nhà nước và bà con Thừa Thiên Huế) và khách (các đoàn quốc tế và du khách).
05/05/2016(Xem: 6521)
Cậu bé vô gia cư thường xuyên gạt tiền cơm của chủ quán, cho đến khi hành vi đó bị con trai bà chủ phát giác ra. Câu chuyện về cậu bé ngày nào, 20 năm sau đó khiến nhiều người xúc động.
29/04/2016(Xem: 4352)
Hai đứa tôi hợp lại thật là đẹp đôi, ai cũng bảo thế. Tôi hăm tám, nàng hăm hai. Tôi cao thước bảy tám, nàng thước sáu, nếu thêm giày dép phụ trợ nàng cũng chẳng thể qua được vành tai tôi. Tôi lưng thẳng, vai rộng, mặt chữ điền, mày rậm, mũi cao, nếu không như Từ Hải cũng là một đấng nam nhi không đến nỗi bị các bà, các cô nhăn mày hỉnh mũi khi phải đối mặt, đối mày. Nàng thanh tao, cân đối với đầy đủ kích thước của một hoa khôi phối hợp với một gương mặt trong sáng như một vầng trăng, vầng trăng có những nét chấm phá tuyệt vời của đôi mày thanh tú không tỉa gọt, đôi mắt to dài sáng long lanh dưới hàng mi cong đen tuyền, chiếc mũi thẳng, và đôi môi, ôi đôi môi xinh đẹp ngọt ngào luôn mọng đỏ như trái chín đầu mùa, y như mấy ông văn sĩ vẫn thường hay diễn tả các giai nhân.
24/04/2016(Xem: 5134)
Đâu là những rủi ro khi kết hôn giả để tìm đường ở lại Úc? Chính phủ có những biện pháp nào để ngăn chặn vấn nạn này? Làm gì khi kết hôn giả nhưng lại bị đối tác xâm phạm tình dục hay bạo hành?
22/04/2016(Xem: 10821)
Jimmy Phạm thừa nhận anh từng cảm thấy xấu hổ với nguồn gốc Việt của mình, và luôn khẳng định mình là người Úc khi ai đó hỏi anh đến từ đâu. Nhưng giờ đây, mặc cảm ấy biến mất, nhường chỗ cho sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp xã hội Koto, nơi đổi thay cuộc đời hơn 1000 trẻ bụi đời Việt Nam.
18/04/2016(Xem: 6161)
Vị bác sĩ với đôi mắt thâm quầng lo lắng theo dõi tín hiệu sinh tồn của người đàn ông trên bàn mổ, đằng xa nữ y tá ngủ gục sau ca phẫu thuật ghép tim kéo dài 23 giờ. Gần 30 năm trôi qua, trái tim người thầy thuốc đã ngừng đập nhưng bệnh nhân được ông cứu sống vẫn còn sống. Không đơn thuần tái hiện nỗi vất vả của đội ngũ y tế, tác phẩm của nhiếp ảnh gia James Stansfield trên hết truyền tải mối liên kết đặc biệt giữa bác sĩ và người bệnh.
08/04/2016(Xem: 4329)
Tính từ đêm nhìn ngắm trời sao Paris qua khung cửa sổ Linh Sơn (*), hơn ba mươi năm đã qua còn nhanh hơn bóng câu qua cửa. Ánh trăng vằng vặc buổi ấy còn soi tỏ đến nay những ý nguyện phần nào được khơi dậy trong chuyến đi xa đầu tiên mà Linh Sơn là bước đầu bỡ ngỡ. Đi là mở rộng thêm được nhiều cánh cửa. Chuyến trở lại Pháp và mấy nước láng giềng lần này mới thật là chuyến rong chơi. Không chương trình và cũng chẳng vướng bận một dự tính nào cần phải hoàn tất.
07/04/2016(Xem: 4589)
Tôi có một ông bác họ, Bác Hương Thạch, thành viên Hội Đồng Hương Chính thời kỳ sau Hiệp Định Geneve năm 1954, tức là một Ủy Viên của Ủy Ban Hành Chánh Xã, lúc đó khoảng gần 60 tuổi mà tôi thì còn con nít mới 9 tuổi. Ông bác này có một chiếc nhà nhỏ bằng gỗ ván thùng cây để nuôi chim bồ-câu. Chiếc nhà gỗ nhỏ đó khoảng 50 cm x 50 cm x 40 cm có hai cửa tròn để chim bồ câu ra vào. Bác sơn chiếc nhà màu xanh da trời rất đẹp rồi đặt lên trên một cây trụ khá cao, có lẽ khoảng 5 đến 6 mét. Bác nuôi một cặp chim bồ câu gồm một trống và một mái.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]