Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thách thức lần cuối

28/05/201319:17(Xem: 10480)
Thách thức lần cuối
Con Đường Mây Trắng


Thách Thức Lần Cuối

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Sau bao nhiêu tuần gian khổ vượt qua lũng sâu và hẽm núi, qua những đỉnh cao phủ đầy mây, khách hành hương như được giải thoát khi thấy mặt nước trải dài, xung quanh là đồng cỏ xanh rì và đồi con bao bọc, xa xa là các đỉnh núi tuyết sáng rực trong bầu trời xanh. Khách tràn đầy một cảm giác an lạc không nói nên lời và sau khi nghỉ, lại lên đường đi tiếp. Khi thấy khát thì nước hồ thiêng liêng của Manasarovar sẵn sàng phục hồi lại tinh thần và thể xác cho khách.

Nhờ các đồi che gió nên mặt trời chiếu rọi với một sức nóng mùa hạ mà người ta không ngờ nó có trên một độ cao 5000 met. Chỉ trong bóng mát, khí trời mát lạnh mới làm ta để ý và cảnh cáo về khả năng xảy ra bão tuyết hay mưa đá, chúng có thể bất ngờ kéo qua từ các đỉnh tuyết của Himalaya.

Một cơn bão tiến đến dần cũng là một cảnh tượng vĩ đại, mà ngay của khách hành hương dù có bị phiền toái nhưng không thể không kinh khiếp trước vẻ đẹp uy nghi của sức mạnh thiên nhiên đang vùng dậy. Khoảng cách không gian như mất đi để những vật xa nhất cũng tưởng chừng như sờ nắm được, mặt khác cảm giác bao la vô tận vẫn cứ hiển hiện.

Một dãy núi cách xa 20 dặm bỗng biến thành sắc xanh và hiện ra trước mặt người như một làn sóng lớn đen ngòm cách xa quá năm dặm. Màu xanh đậm của nước hồ Manasarovar bỗng có sắc đỏ, tiến gần bờ mới có màu lục. Mây kéo nhau lướt trên mặt nước nổi sóng và chẳng bao lâu sau cả mặt hồ như một viên ngọc opal, trong đó các sắc màu giành nhau ngự trị. Mây tràn lên núi, bây giờ núi ẩn trong mây; hình dáng của núi đã tan trong bóng tối, còn mây hiện hình sắc nét và mang hình dáng siêu thực trong bầu trời.

Thế nhưng khách vẫn tiếp tục đi theo hướng đích của mình; hướng Ngân Sơn giờ thì đã khuất mắt một cách bí ẩn. Chỉ trong những giờ sáng và tối, đỉnh của nó mới thấy được, mới không bị mây che, và cứ mỗi sáng mỗi tối, khách hành hương lại cúi đầu trước đỉnh núi thiêng, miệng đọc chân ngôn, hô triệu ánh sáng tự thân nằm trong chân ngôn này.

Khi đi qua thỏm đất giữa hai hồ, khách nhìn lại lần cuối hồ Manasarovar đầy nắng và sau đó là đến bờ bắc của hồ Rakastal. Môt không khí kỳ lạ, bí ẩn hầu như đè nặng trên sóng nước màu xanh của hồ dài và hẹp, một không khí của sự cô đơn và buồn bã vô tận, điều mà ta không hề thấy có ở bờ Manasarovar.

Thật khó có lời giải thích về chuyện này vì cảnh vật xung quanh Rakastal cũng không kém xinh đẹp: những ngọn đồi con thoai thoải màu đỏ nâu hai bên và đỉnh tuyết trắng đầy uy lực của Gurla-Mandhata cho cái hồ xanh đậm một khung cảnh đầy màu sắc và ấn tượng. Thế nhưng có một điều gì u ám đè nặng lên nét xinh đẹp này và chính sự không giải thích được hiện tượng này mới đáng sợ. Những người khác chắc hẳn cũng thấy thế nên không ai xây tu viện, thất độc cư bên bờ hồ, như trường hợp của Manasarovar. Có những điều bí ẩn mà con người cần khám phá và có những điều khác con người cần tôn trọng để yên. Rakastal thuộc về loại sau.

Về Manasarovar thì người ta đã nói nhiều nhưng hầu như không ai nói gì về Rakastal. Thế nhưng cũng chính Rakastal là hồ nhận nước trực tiếp từ Ngân Sơn; ngoài ra, hồ này cũng thông với nhau bởi một con kênh, nước của hồ Manasarovar nằm cao hơn khoảng 17m, khi dư, nước chảy qua Rakatal. Người ta xem đó như một điềm tốt báo hiệu những điều lành cho thế giới; thế nhưng điều này đã không xảy ra từ nhiều năm nay. Con kênh đã hầu như khô cạn, khách hành hương có thể băng qua được. Điều này làm cho người Tây Tạng lo ngại mấy năm nay và những biến cố xảy ra trong thời gian qua đã minh chứng sự lo ngại đó.

Bây giờ khách đã đi qua khoảng bình nguyên rộng nằm giữa bờ bắc của Rakastal và dễ mến như một thảo nguyên mùahè, là nơi gặp gỡ của các con đường lữ hành, từ đông sang tây, từ bắc xuống nam và vì thế là chỗ làm ăn quen thuộc của giặc cướp và chỗ đánh nhau của các bộ tộc người Nomade từ miền Tschang-Thang phía bắc. Vùng thảo nguyênnày cũng bị cắt bởi hàng chục con suối lớn, giữa những con suối đó là các vùng đầm lầy nguy hiểm, nơi mà khách có thể sa lầy nếu vội đi tắt, để hy vọng tránh các con đường bị cướp rình rập.

Khách hành hương tập trung tâm trí và mắt nhìn lên “bảo ngọc của tuyết” mà đỉnh tuyết của nó giờ đây nằm ngay trước mặt, ngự trị một vùng cảnh vật. Sau khi vượt qua con suối cạn cuối cùng, khách bắt đầu leo dần lên cao nguyên Ngân Sơn, đỉnh núi tạm biến mất và những chấm trắng của những lều trại.

Trạm nghỉ của khách hành hương, thương nhân, hành khất và người Nomade đón chào khách lữ hành tại một nơi bình an. Thật là lạ khi thình lình thấy lại xã hội con người và dễ chịu thay được chất thức ăn vào túi thực phẩm đang ít ỏi. Thế nhưng lòng của khách vẫn còn ở lại với sự cô tịch yên tĩnh của thiên đàng vừa rời xa bến bờ Manasarovar, còn đầu thì hướng về cái sắp đến, được tham dự vào chốn ẩn mật của Ngân Sơn.

Khách sống lại sự chờ đợi đầy căng thẳng của đêm mà ngày hôm sau mình được bước qua ngưỡng cửa của xứ sở thánh thần tại đèo Gurla. Đồng thời kách cũng biết những ngày tới đây là lúc thử thách dữ dội sức mạnh và lòng kiên trì của mình, thể chất cũng như tinh thần.

Không ai có thể đến gần ngai vàng của thánh thần, hay man-đa-la hay trú xứ của Shiva hay Demtschog - dù tên gọi là gì của chốn ẩn mật của thực tại cuối cùng này - mà không đem đời mình ra để đánh đổi, thậm chí phải chấp nhận đầu óc mình liệu sẽ còn bình thường hay không. Ai đã thực hiện nghi thức đi vòng quanh ngọn núi thiêng với lòng tin tưởng hoàn toàn và tâm thức tập trung, người đó đã đi trọn một vòng sống chết.

Khách tiến gần ngọn núi đầy những đụn cát vàng rực ở phía nam, đó là màu của đoạn đời trung niên, của sự tận hưởng và ý thức hoàn toàn rõ về sự sống. khách bước qua hướng tây màu đỏ, đến thung lũng A-Di-Đà trong ánh sáng dịu của mặt trời sắp lặn, đi qua cánh cửa của thần chết giữa lũng phía bắc tối đen và phía đông nhiều màu, tức là ngọn đèo của nữ thần Dolma, “nữ thần từ bi cứu độ”. Và như người mới lần đầu mở mắt, khách đến thung lung màu lục của Bất động Như Lai, phía đông của Ngân Sơn, nơi mà nhà thơ và bậc thánh nổi tiếng Milarepa hát những bài ca của mình và cũng từ đó mà khách hành hương đến tại thảo nguyên bát ngát, vùng đất đầy mặt trời của phía nam, thuộc về Thiền Phật Bảo Sinh mà màu của Ngài là một sắc vàng chói.

Khách hành hương, phát xuất từ những đụn cát vàng ở phía nam bây giờ đã ý thức rằng mình đã đi suốt qua một man-đa-la vĩ đại, nó được thiên nhiên xây dựng nên như nhờ một phép lạ một man-đa-la nói với khách bằng hình ảnh và màu sắc trong ngôn ngữ biểu tượng của thiền định, thứ ngôn ngữ mà từ xưa con người đã truyền từ đời này qua đời khác.

Khi qua thung lũng hẹp phía tây của Ngân Sơn, phía của A-Di-Đà màu đỏ, khách thấy mình nằm giữa vách đá đỏ rực mà cấu trúc của nó làm khách tưởng mình như đi giữa những đền đài khổng lồ, với màng trướng, vách cột. Trên những cấu trúc đó đỉnh Ngân Sơn trắng xóa bỗng hiện rõ.

Dạng hình của đỉnh thật hết sức đều đặn, hầu như nó được đẽo ra từ một tảng băng vĩ đại. Phía tây của đỉnh là hai hố lõm vào như hai mắt của một chiếc đầu lâu trắng, nhìn kẻ hành hương phía dưới một cách bí ẩn và nhắc nhở họ nghĩ đến khía cạnh dữ tợn của Shiva và Demtschog, cả hai vị đều vốn được trang hoàng bằng đầu lâu và biểu thị cho trí huệ của tính Không và tính vô thường của mọi sự.

Tu sĩ Phật giáo và các vị ẩn cư thiền quán đã xây một tu viện nhở giữa những vách đá của ngọn núi thiêng này. Nó trông như một tổ chim treo giữa triền núi. Về hướng đông bắc, trước lũng là một vách đá cao cả ngàn mét. Dạng hình của nó giống như một con bò đực, linh vật của Shiva, đầu của nó hướng về đỉnh Ngân Sơn, dường như nhìn lại chủ mình một cách tha thiết.

Khi khách hành hương đến mặt bắc của núi, sắc màu của đá cũng như cấu trúc địa hình bỗng nhiên thay đổi. Vùng cao nguyên nơi đây không còn có vẻ kiến tạo rõ nét nữa, thay vào đó khách sẽ được cái bất ngờ khác; các đồi đá con thường làm nền cho núi bỗng dạt qua một bên và khách hành hương đứng ngay sát trước đỉnh Ngân Sơn. Nhìn lên núi lúc này thật ghê gớm. Theo kinh sách thì đây là nơi cử hành nghi lễ và các phép thiền quán của những người đã được ấn khả nhập dòng Mật tông để tán thán “man-đa-la của an lạc cao quí nhất”.

Ai đã từng thực hành lễ nghi đó thì không những hưởng phước lành được đối diện với núi thiêng trong sự uy nghi và vẻ đẹp của một ngôi đền thiên tạo của sự đối xứng toàn diện mà còn nhận được linh ảnh và biểu tượng của vị hộ thần, dù có dạng Shiva và Parvaty hay Demtschog và Dorje-Phagmo, hay mọi hiện thân của Phật hay Bồ-tát khác, các vị được xem là liên hệ với cõi xứ và khí lực của vùng này.

Mây đen và bão tuyết thường che phủ ngọn núi thiêng và khách hành hương phải đợi cả ngày thiên nhiên phẫn nộ mới nguôi giận và bức màn của mây mù mới kéo nhau đi. Rồi ngọn núi bỗng hiện hình trong một sự sáng rõ và thanh tịnh siêu nhiên, với đỉnh núi trắng xóa, với những tảng băng loáng màu xanh lục, những hình bóng màu xanh và vách đá đậm màu đỏ tím, ở những nơi mà băng tuyết không bám giữ được: một cảnh quan làm mọi ngôn từ đều im bặt.

Ngọn núi hiện ra gần tới mức mà khách tưởng có thể vươn tay tới được - đồng thời khách lại có cảm giác đứng trước một hiện tượng thiện mỹ không thể với tơi, không sờ mó được, hầu như nó nằm bên kia của thế gian, bên kia của thực tại vật chất: mỗi ngôi đền thiên giới với đỉnh vòm bằng pha lê hay kim cương. Và thực tế, cõi xứ tôn giáo này là một ngôi đền thiên giới, là trú xứ của thánh thần, là chỗ ngự trị và trung tâm của năng lực vũ trụ, là chỗ liên hệ ưu việt với chỗ ra vào của năng lực tâm linh của hành tinh chúng ta.

Những gì mà khách hành hương thấy bằng mắt trần chỉ là phần dưới hay một mặt của một cái gì to lớn vĩ đại hơn. Đối với người Tây Tạng thì ngọn núi này là trú xứ của hàng ngàn vị Phật Bồ-tát, các vị tỏa ra phước lành và niềm an lạc và gieo rắc ánh sáng vào tim cho những ai ước ao được giải thoát khỏi bóng tối vô minh, của thù hận và tham ái.

Hai hòn núi nhỏ mà ở giữa là viên ngọc trong tuyết được xem là trú xứ của Bồ-tát Kim Cương thủ(46) và Văn Thù Sư Lợi(47). Vị trước là người cầm Kim Cương chử, thần của Mật tông, người chống lại lực lượng của hắc đạo và của sự hủy diệt (Kim cương chử là biểu hiện của sự bất hoại), vị sau là Bồ-tát của trí huệ siêu việt, người cầm bảo kiếm trí huệ cắt màn vô minh và thành kiến.

Bên cạnh đỉnh Văn Thù là trú xứ của Quán Thế Âm(48), vị thần bảo hộ Tây Tạng, còn bên cạnh là Kim cương thủ, phía đông bắc của Ngân Sơn là trú xứ của Dolma (vị được sinh ra từ nước mắt của Quán Thế Âm). Các đỉnh này đứng như hộ thần bảo vệ hai cạnh ngân sơn.

Khi khách hành hương, với cảm giác của sự hiện diện các sức mạnh giác ngộ đó, chuẩn bị rời đất thiêng thì toàn bộ thân tâm mình dường như nằm trong một trạng thái xuất thần và chuyển biến nội tại. Thế nhưng sự chuyển biến này không thể toàn triệt được, nếu bao lâu khách còn kéo lê cái ngã cố hữu của mình. Khách phải đi xuyên qua cổng của thần chết, trước khi đến lũng của Bất động Như Lai ở phía đông và phải được tái sinh trong một đời sống mới, có nghĩa hơn. Đó là thử thách cuối cùng.

Lúc khách leo lên đỉnh đèo Dolma, đó là nơi tách lũng bắc và đông, khách đến một nơi treo tấm gương của thần chết, trong đó mọi hành động trong quá khứ của khách sẽ hiện lên lại. Tại nơi này khách nằm giữa hai phiến đá như một người chết. Khách nhắm mắt và chịu nghe phán quyết của Yanma, đó chính là phán quyết của chính lương tâm mình dang giữ tấm gương trước mặt. Và trong ý thức đó, khách nhớ lại tát cả những ai đã chết trước mình và tình thương của họ đã dành cho mình mà chưa đền đáp được; khách cầu nguyện cho họ được an lạc, dù nay họ đã được tái sinh trong dạng hình nào. Thể hiện lòng mong ước, khách để lại nơi đây biểu tượng hay di vật của cuộc đời thế gian của họ tại chốn linh thiêng này: một miếng vải, một nắm tóc, một ít tro thiêu xác hay bất cứ cái gì mà khách còn giữ lại được để đền đáp lòng yêu thương đó.

Sau khi đền ơn đáp nghĩa lại quá khứ của mình như thế và bước qua cổng của thần chết, khách đến ngưỡng cửa của hai đời sống mới, trên đèo phủ tuyết của vị Dolma) ngay giữa vách đá và băng tuyết. Người Tây Tạng gọi hồ này là “hồ đại từ bi”, trong lúc người Ấn Độ giáo gọi là Gaurikund. Nơi đây khách hành hương được thừa nhận là sinh vật mới.

Giờ đây khách đã trải qua thử thách cuối cùng, tất cả gian khổ và nhọc nhằn đã nằm lại đằng sau. Thế nhưng cũng có lắm khách bỏ mạng trên đường lên đèo Dolma, trên độ cao 6000m, một trận bão tuyết trong vài phút có thể hủy một mạng người, nơi mà mỗi hơi thở được quí trọng như một giọt nước cam lồ. Dù thế cái chết lúc đó cũng hết đau xót đối với người hành hương sùng tín nếu có chết trên đất thiêng, trước mặt thánh thần; vì cái chết sẽ trùng với giây phút cao trọng nhất của đời khách và sẽ trở thành chứng thực niềm mơ ước lớn nhất.

Bình nguyên hiền lành của vị Thiền Phật phía đông của Bất động Như Lai đón chào người hành hương với thảm cỏ xanh và suối nước lóng lánh bạc. Như nhắc nhở khách về cuộc thử thách vừa qua, một tảng đá đứng bên đường xuống núi, có dạng như một cái rìu. Đó là dấu hiệu của thần chết, cái rìu của nghiệp lực. Đối với người sùng tín thì rìu đã mất sự đáng sợ trước lòng từ bi của vị cứu độ Dolma, vì từ bi mạnh hơn nghiệp chướng; nó rửa sạch những hành động cũ của chúng ta bằng nước mắt của lòng từ bi biết thương xót mọi loài hữu tình đang đau khổ. Khi tham dự vào đau khổ của kẻ khác thì lúc đó không còn chỗ để đau khổ cho riêng mình và cuối cùng nó dẫn đến chỗ là ta vượt cái bản ngã nhỏ bé của mình.

Đó là điều mà Phật cũng như những vị kế thừa, nhất là vị thánh nhân và nhà thơ Tây Tạng Milarepa đã dạy, mà tại lũng phía tây này còn nhiều điều sống động về ông, nhất là trong động Dzundulphug. Trong động này ông đã ca và đã thiền định và người ta còn chỉ cho khách hành hương dấu tay trên nóc động, động này đã thành chỗ thiêng liêng bên cạnh một cái thất nhỏ.

Một chuyện khác kể về cuộc đọ sức giữa Milarepa và một giáo sĩ đạo Bưn, đó là một người theo hắc đạo trước khi Phật giáo du nhập Tây Tạng. Ông thách Milarepa bằng cách nói rằng mình dùng thần thông mà leo lên đến đỉnh Ngân Sơn được. Milarepa trả lời mình cũng làm được thế..

“Ta hãy xem”, nhà huyễn thuật chế nhạo, “ai lên đến đỉnh trước”, nói xong ông bắt đầu leo.

Khi đó mặt trời chưa mọc và Milarepa nói muốn ngủ thêm. Nhiều người ngả về phía Milarepa, chứng kiến cuộc đọ sức, sợ cho tiếng tăm của Milarepa và khuyên ông hãy chạy theo. Thế nhưng Milarepa không để ai hăm dọa, ông vẫn ngồi yên tại chỗ.

Nhà huyễn thuật đã leo gần tới đỉnh và chế nhạo Milarepa, vì nghĩ rằng mình đã thắng. Khi đó thì những tia nắng đầu tiên vừa chiếu đến đỉnh núi. Đây là lúc mà Milarepa chờ đợi. Nhờ sức mạnh của thiền định, ông trở thành một với ánh sáng, hình của công xuất hiện trên đỉnh Ngân Sơn.

“Ông kìa”, ông gọi nhà huyễn thuật đang leo lên, “đừng cố gắng mất công”. Nhà huyễn thuật sợ mất hồn đánh rơi chiếc trống phép.

Chiếc trống lăn xuống núi và cứ mỗi lần và vào vòm băng của Ngân Sơn, nó lại vang lên một tiếng và để lại vết cắt trên sườn núi. “Bum, bum, bum” trống vang lên trong tiếng cười của khán giả. Và đến ngày hôm nay các vết cắt có hình như bậc cầu thang đó vẫn còn. Chúng nằm trong trục thẳng đứng của chữ vạn trên sườn phía nam của Ngân Sơn.

Những câu chuyện đầy hài hước và mang ý nghĩa tâm linh đó đã vây quanh con người của Milarepa. Thế nhưng ông là một nhân vật lịch sử với sự duyên dáng hiếm có và thành tựu phi thường, người đã để lại kho tàng thơ phú lớn nhất Tây Tạng với “Mười vạn bài ca”. Cuộc đời của ông phải là cuộc đời kỳ lạ nhất trong số các thánh nhân. Ông là người đã trải hết những thăng trầm cuộc đời làm người và sau những cuộc chiến đấu bi thương và đau khổ không kể xiết, ông đã đạt thành tựu viên mãn. Ông không những chỉ là người theo Phật, bản thân ông đã chứng Phật quả. Điều này thật là hệ trọng và phấn khởi vì đời ông được minh chứng là có thật, dù xung quanh con người ông đầy những huyền thoại.

Ông may mắn có một học trò giỏi và thông thái, người đã chép lại những bài ca và viết tiểu sử của ông. Người đó tên là Ratschung. Do đó mà gia tài tâm linh của ông được gìn gữ một cách sinh động và thông qua các vị tổ sư của phái Kargyutpa (phái chủ trương truyền trực tiếp từ thầy qua trò) mà truyền cho đời sau. Hai tu viện ở phía đông và tây của Ngân Sơn thuộc về phái này và là nơi chính thức giữ kỷ niệm cuộc đời của Milarepa.

Thế nên mới có chuyện lạ là tín đồ Ấn Độ giáo xem Milarepa là Shiva; có lẽ do hai vị bên ngoài có vẻ giống nhau vì cả hai đều được trình bày như người tu khổ hạnh: tóc dài, thân trắng và gầy còm. Màu thân của Milarepa có khi có nét xanh vì trong suốt thời gian độc cư ông chỉ ăn một loại rau gai(49), vì thế da ông mang màu xanh lục. Ông thường nấu rau trong một nồi đất, nồi này là tài sản duy nhất của ông. Ngày nọ nồi bị vỡ, thay vì ngồi tiếc cái nồi, ông hát bài ca;

Chiếc nồi cũng là thầy,
dạy qui luậtvô thường.
Nhờ nó mà ta thoát,
dây liên hệ cuối cùng.

Ngày nay điều thú vị là loại rau có gai này được nhiều người nghèo ưa chuộng, nó mọc khá nhiều trong các lũng quanh Ngân Sơn.

Thế nên khách hành hương trên đường đi quanh núi cứ nhớ mãi Milarepa, nhất là chỗ có rau gai mọc cao, đó là thứ thảo mộc được trong những vùng đầy đá. Và cũng có nhiều khách ca lại những bài ca quen thuộc của Milarepa; chúng ca ngợi sự cô tịch và cuộc đời ẩn, giáo pháp của Đức Phật và của nhà đại dịch thuật Marpa, người đã đưa Milarepa vào chốn ẩn mật nhất của Mật tông.

Người hành hương đến đoạn cuối của lũng phía đông, một vùng đất huyền thoại của sắc màu. Vài phiến đá đỏ như lửa, số khác xanh và lục đậm và lại số khác nữa nằm ngay bên cạnh mang màu da cam hay vàng sáng rực rỡ. Hầu như trước khi rời Ngân Sơn, khách được các loại đá đủ màu sắc mê hoặc chào giã từ lần cuối.

Giờ đây về lại bình nguyên và sau một thời gian ngắn, khách đến lại điểm xuất phát của chuyến đi vòng quanh núi là tu viện Tartschen. Khi đi dọc các bức tường đá được xây bởi hàng ngàn phiến đá theo câu OM MAI PADME HUM - để ca ngợi Quán Thế Âm, người thể hiện thành viên ngọc sáng trong tâm mỗi người sùng tín - người hành hương lại cho vào thêm một viên đá, để cảm tạ tất cả những gì đã gặt được trong chuyến chiêm bái và để chúc lành cho những ai sau này sẽ đi bước đường đó:

Sukkhe bhavatu!

(Cầu cho tất cả đều an lạc)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/06/2013(Xem: 11055)
Tôi về chùa Viên Giác tham dự lễ Phật Đản lần này không rõ là lần thứ mấy. Mặc dù nhằm cơn sốt bóng đá tổ chức ngay tại Đức, số lượng Phật tử về chùa vẫn không thay đổi. Vẫn người qua lại tấp nập. Vẫn khói hương nghi ngút trong lẫn ngoài sân chùa. Vẫn các hàng quán bốc lên mùi thơm của bún „bò“ Huế chay, bắp luộc, bún riêu, phở, chè, cháo v.v.
06/06/2013(Xem: 14781)
Đại ý bài kinh đại khái nói về việc ngài Anan thưa hỏi đức Thế Tôn về việc phụng sự Phật pháp là kiết tường hay hung tai? HT Thích Minh Thông
05/06/2013(Xem: 10249)
Một bữa nọ, Hòa Thượng và chú Tiểu cùng đi hóa duyên. Hai thầy trò đi, đi mãi như thế mà không biết đã vượt qua bao nhiêu núi non trùng điệp, những rừng cây bạt ngàn hun hút. Hòa Thượng ung dung tự tại đi trước, chú Tiểu vai mang tay nãi lẽo đẽo theo sau, hai người cùng săn sóc bầu bạn lẫn nhau.
23/05/2013(Xem: 3724)
Hồi ấy có một người gánh nước, mang hai chiếc bình ở hai đầu một cái đòn gánh trên vai. Một trong hai bình ấy bị vết nứt, còn bình kia thì tuyệt hảo, luôn mang về đầy một bình nước. Cuối đoạn đường dài, từ con suối về nhà, chiếc bình nứt lúc nào cũng chỉ còn một nửa bình nước. Suốt hai năm tròn, ngày nào cũng vậy, người gánh nước chỉ mang về có một bình rưỡi nước.
11/04/2013(Xem: 11488)
Căn nhà lá xiêu vẹo mục nát bên bờ ao, ra vào chỉ có hai mẹ con. Mẹ buôn gánh bán bưng, tảo tần hôm sớm; đứa con trai còn nhỏ dại, đỡ đần mẹ những việc lặt vặt hàng ngày.
11/04/2013(Xem: 8208)
Trong xã hội loài người, không có mối quan hệ nào thiêng liêng hơn mối quan hệ giữa Mẹ và con. Tuy nhiên, có những trường hợp cá biệt mà mối liên hệ thiêng liêng này đã bị phá vỡ một cách đau đớn, man rợ và tàn nhẫn bởi những đứa con ngu muội và ác độc. Câu chuyện Trái Tim Của Mẹ, được trích dẫn từ truyện cổ Ý (Italia) sau đây kể về một đứa con đã cố tình dẫm nát mối thâm tình khiến cho bao nhiêu người, kể cả những kẻ thô bạo và cứng rắn nhất đều phải rơi lệ.
11/04/2013(Xem: 20144)
Bao giờ chúng sanh còn đau khổ còn sanh tử luân hồi, thì lòng từ ứng hiện của Bồ Tát Quán Âm vẫn biến hiện mãi mãi để cứu độ dẫn dắt chúng sanh ra khỏi luân hồi đau khổ.
11/04/2013(Xem: 5391)
Có một số trẻ em được sinh ra nhưng chẳng may bị khuyết tật hoặc bạo bệnh. Những em may mắn hơn thì vẫn được cha, mẹ nuôi nấng. Những em còn lại thì bị bỏ rơi... Nếu chúng ta là những đứa trẻ bị bỏ rơi thì chúng ta hẳn sẽ rất buồn và đành chấp nhận vì chúng ta không có sự lựa chọn khác. Ngược lại, thì chúng ta sẽ là những đứa trẻ hạnh phúc nhất.
10/04/2013(Xem: 7804)
Có một vị bồ-tát rất tầm thường ở trong nhà của tôi, nhà của các bạn, nhà của mọi gia đình ở xứ này. Vị bồ-tát ấy cũng có mặt ở các văn phòng, hãng xưởng, bệnh viện, trường học, v.v… từ tư nhân đến công quyền. Ở nơi sang trọng thì ăn mặc gọn ghẽ, hình dáng thon thả, nhẹ nhàng; ở nơi xập xệ thì hơi cồng kềnh, luộm thuộm một chút. Nhưng vẫn cái dáng đó, ai nhìn vào cũng nhận ra.
10/04/2013(Xem: 7373)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Đức Phật lịch sử, Ngài sinh ra tại Ấn Độ; cho nên cách phục sức cũng giống như người Ấn Độ thuở bấy giờ cách đây hơn 2.500 n ăm về trước.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]