Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Đoàn Sa Môn

13/05/201311:45(Xem: 9445)
Chương 2: Đoàn Sa Môn
Câu Chuyện Của Dòng Sông


Chương 2: Đoàn Sa Môn

Phùng Khánh & Phùng Thăng
Nguồn: Nguyên tác: Hermann Hesse Việt dịch: Phùng Khánh & Phùng Thăng


Chiều hôm đó gặp các vị Sa Môn và xin gia nhập đoàn thể. Các vị Sa Môn chấp nhận. Tất Đạt cho một người Bà La Môn nghèo khổ gặp trên đường quần áo của mình và chỉ giữ lại chiếc áo cừu và chiếc áo khoác rách vai màu đất. Chàng chỉ ăn mỗi ngày một bữa và không bao giờ nấu đồ ăn. Chàng nhịn mười bốn ngày - Rồi hai mươi tám ngày. Trên bắp chân và trên má, thịt biến đi đâu mất. Những giấc mơ lạ phản chiếu trên đôi mắt lớn của chàng. Móng tay chàng mọc dài trên đầu những ngón gầy, và một chòm râu khô cứng xuất hiện dưới cằm. Cái nhìn của chàng trở nên lạnh giá khi tiếp xúc với đàn bà, đôi môi mím lại một vẻ khinh thường khi chàng đi qua phố thị có đông người ăn mặc xa hoa. Chàng nhìn những thương gia buôn bán, các ông hoàng đi săn, những người tang chế khóc người chết, những người kỹ nữ bán thân, các bác sĩ săn sóc bệnh, những tình nhân đang tình tự, những người mẹ đang vỗ về con. Và tất cả không đáng một cái nhìn thoáng qua, tất cả đều lừa dối: hạnh phúc và sắc đẹp đều là ảo ảnh của giác quan - tất cả đều đưa về huỷ diệt. Thế gian đượm vị đắng cay. Cuộc đời là nỗi đau khổ.

Tất Đạt chỉ có một mục đích duy nhất là trở thành trầm tĩnh. Không khao khát, không ham muốn, không mộng mị, không vui và không buồn. Để cho cái ngã tiêu diệt – không còn ngã nữa, chứng nghiệm được sự bình an của một tâm hồn tịch mịch, chứng nghiệm tâm linh thuần tuý. Đó là mục đích của chàng. Khi cái ngã bị nhiếp phục và huỷ diệt, khi mọi đam mê và dục vọng bị lắng xuống, thì thực thể thâm cùng phải biểu lộ - không còn ngã nữa, nhưng là một cái gì huyền nhiệm cao vời. Tất Đạt đứng lặng im trong ánh nắng dữ dội, vừa đau rát vừa khát cháy, và đứng cho đến khi không còn cảm thấy đau, khát nữa. Chàng đứng lặng im trong mưa, nước từ mái tuôn xuống đôi vai cóng lạnh, xuống bắp vế và hai ống chân. Và người khổ hạnh đứng cho đến khi đôi vai và hai chân hết giá buốt, cho đến khi chúng hết cảm giác, bất động. Chàng lặng lẽ ngồi trên gai nhọn. Máu nhỏ giọt từ làn da quằn quại của chàng, ung nhọt thành hình, và Tất Đạt vẫn bất động, kiên cố, cho đến khi máu ngừng chảy, cho đến khi hết nghe châm chích, hết nghe đau đớn.

Tất Đạt ngồi thẳng và tập tiết kiệm hơi thở, cố thở ít lại, nhịn thở. Chàng tập lắng nhịp của tim khi thở vào, tập làm tim đập ít lại – cho đến khi rất ít, rồi không còn nữa. Nhờ vị Sa Môn trọng tuổi nhất dạy bảo, Tất Đạt tập sự quên mình và trầm tư theo những quy luật của Sa Môn. Một con hạc bay qua rừng trúc và Tất Đạt thu nhiếp nó vào tâm, bay qua rừng núi, trở thành con hạc, ăn cá, đói cái đói của hạc, dùng ngôn ngữ hạc và chết cái chết của một con hạc. Một con chồn chết nằm trên bờ cát và hồn của Tất Đạt nhập vào xác nó; chàng trở thành một con chồn chết, nằm trên bãi, bị sình trương, hôi thối, bị báo ăn hết bốn chân, diều hâu rỉa thịt, trở thành một bộ xương, trở thành cát bụi hoà với không khí. Và hồn Tất Đạt trở lại chết, huỷ hoại, thành cát bụi, thực nghiệm vòng khổ đau của một chu kỳ sống. Chàng đợi chờ với một niềm khát khao mới như một người đi săn đứng trên vực thẳm, nơi mà chu trình sống kết liễu, ở đó không cần nguyên nhân và ở đó sự thường tại không đau khổ bắt đầu. Chàng tiêu diệt mọi cảm giác, tiêu diệt ký ức, đi ra khỏi cái ngã của mình dưới trăm nghìn hình hài khác nhau. Chàng quán mình là đá, gỗ, nước. Và sau mỗi lần chàng lại tỉnh dậy, mặt trời hay mặt trăng vẫn chiếu, chàng lại là chính chàng, đi vào chu kỳ sống, khát khao, chiến thắng khát khao, rồi lại có những khát khao mới.

Tất Đạt học hỏi rất nhiều từ các vị Sa Môn, chàng học được nhiều cách thức để diệt ngã. Chàng phiêu du qua các đoạn đường diệt ngã bằng khổ đau, qua đói khát và mệt nhọc. Chàng phiêu lưu qua những con đường diệt ngã bằng trầm tư, bằng gạn lọc khỏi tư tưởng hết mọi hình ảnh. Chàng đã học trải qua những con đường này và những con đường khác. Chàng diệt ngã được một nghìn lần và có những ngày chàng đã sống trong phi ngã. Nhưng mặc dầu những con đường đưa chàng ra khỏi ngã, cuối cùng chúng luôn luôn đưa chàng trở lại ngã. Mặc dầu Tất Đạt rời bỏ ngã một ngàn lần, sống bằng phi ngã trong con vật hay đá, đất, sự trở lại vẫn không thể tránh. Không thể tránh lúc chàng trở lại chính chàng, trong ánh mặt trời hay trong ánh trăng, trong nắng hay dưới mưa, và trở lại Ngã hay Tất Đạt, trở về niềm khắc khoải, về kiếp luân hồi nặng nề.

Cạnh chàng Thiện Hữu sống như cái bóng của chàng; Thiện Hữu cùng phiêu lưu qua con đường của chàng, và cùng làm những cố gắng của chàng. Họ ít trò chuyện riêng với nhau trừ những điều cần thiết về công việc hay thực tập. Một đôi khi họ cùng đi qua các làng khất thực. Một lần Tất Đạt hỏi Thiện Hữu:

- Này Thiện Hữu, anh nghĩ sao? Anh có nghĩ rằng chúng ta đã tiến thêm bước nào chưa? Đã đạt được mục đích của chúng ta chưa?

- Chúng ta đã và đang học tập. Rồi anh sẽ trở thành một Sa Môn cao cả, Tất Đạt. Anh đã học thật là nhanh các bài tập, vị Sa Môn trưởng thường khen anh. Một ngày kia anh sẽ là một bậc thánh, Tất Đạt.

- Không có việc ấy đâu bạn ơi, những điều tôi đã học với các vị Sa Môn cho đến nay, đáng lẽ tôi cũng có thể học mau hơn và dễ dàng hơn trong bất cứ tửu quán nào, trong xóm điếm, với những phu khuân vác và những người cờ bạc.

- Nói đùa chứ. Làm sao anh có thể tập thiền quán, nín thở và thản nhiên trước đói khát, đớn đau với những người vô phúc đó?

Tất Đạt trả lời nhỏ, như nói với chính mình:

- Thiền quán là gì? Bỏ quên tự thân là gì? Nhịn đói là gì? Điều hoà hơi thở là gì? Đó là sự vượt ra ngoài Tự ngã, đó là sự vượt ra ngoài dày vò của Tự ngã trong nhất thời, những viên thuốc tạm bợ chống lại đau khổ và điên đảo cuộc đời: người đánh xe bò cũng dùng lối thoát đó, phương thuốc nhất thời đó khi ông ta uống chén rượu nếp trong quán; ông ta không còn cảm thấy có mình nữa, không còn cảm thấy khổ đau của cuộc đời, và như thế, ông chứng nghiệm sự thoát ly trong chốc lát. Gục trên chén rượu nếp, ông ta biết được cái mà Tất Đạt và Thiện Hữu tìm thấy khi chúng ta thoát khỏi tự thân bằng những tập luyện và sống trong vô ngã.

- Anh nói vậy nhưng anh cũng biết là Tất Đạt không phải là người đánh xe bò và một Sa Môn thì không uống rượu – người uống rượu tất nhiên cũng tìm được thoát ly và an nghỉ, nhưng nó sẽ thức tỉnh trước ảo tưởng và tìm thấy mọi vật như cũ. Nó không thể khôn ngoan, nó không tăng thêm trí thức, nó không trèo cao hơn chút nào.

Tất Đạt trả lời với nụ cười trên nét mặt:

- Tôi không biết – Tôi chưa bao giờ uống rượu. Nhưng tôi chỉ tìm thấy một an ủi ngắn ngủi trong những thực tập về thiền quán của tôi, và tôi thật còn xa vời trí tuệ, giải thoát, như một đứa trẻ còn trong lòng mẹ, và điều này thì Thiện Hữu ơi, tôi biết rõ lắm.

Một dịp khác khi Tất Đạt rời khỏi cánh rừng cùng Thiện Hữu đi khất thực, Tất Đạt bắt đầu trò chuyện và hỏi:

- Này Thiện Hữu. Chúng ta đã đi đúng đường chưa? Chúng ta có tăng thêm tri thức không? Chúng ta đã gần đạt đến giải thoát? Hay chúng ta chỉ đang đi trong những vòng luân hồi – trong lúc chúng ta đang nghĩ cách thoát khỏi?

Thiện Hữu nói:

- Chúng ta đã học nhiều Tất Đạt ạ. Chúng ta không ở mãi trong vòng luân hồi đó, chúng ta đang đi ra ngoài. Con đường là một đường xoáy ốc. Chúng ta vừa trèo xong nhiều bậc rồi.

- Bạn nghĩ vị thầy khả kính của chúng ta chừng bao nhiêu tuổi.

- Tôi nghĩ nhiều nhất là vào khoảng sáu mươi.

- Người đã sáu mươi tuổi và chưa đạt đến Niết Bàn. Người sẽ già bảy mươi, tám mươi và anh với tôi sẽ lớn lên và già như người, tập được nhịn đói và thiền quán, nhưng chúng ta sẽ không đạt đến Niết Bàn, người cũng như chúng ta. Thiện Hữu ơi, tôi tin rằng giữa các Sa Môn, có thể không được ai vào Niết Bàn cả. Chúng ta tìm thấy an ủi, chúng ta học những mánh lới tự lừa dối chúng ta, nhưng điều cốt yếu - Chính Đạo – ta không tìm thấy.

- Đừng nói gở như thế Tất Đạt ơi! Làm sao có thể tin rằng giữa bao nhiêu người học thức, giữa bao nhiêu người Bà La Môn, bao nhiêu Sa Môn xứng đáng và khắc khổ, giữa bao nhiêu người đi tìm, bao nhiêu người hy sinh cho đời sống nội tâm, bao nhiêu người thánh thiện ấy, lại chẳng có ai sẽ tìm ra Chính Đạo?

Tất Đạt vẫn nói bằng một giọng chua chát pha lẫn chút phiền muộn. Có một vẻ gì buồn bã, một vẻ gì dí dỏm trong giọng nói của chàng:

- Thiện Hữu, rồi bạn anh sẽ rời con đường của các Sa Môn mà trên đó nó đã du ngoạn với anh rất lâu. Tôi đau niềm khao khát và trên bước đường Sa Môn dài, niềm khao khát của tôi không hề thuyên giảm. Tôi luôn khao khát hiểu biết và luôn luôn tràn đầy những nghi vấn. Năm này qua năm khác tôi đã đi hỏi các vị Bà La Môn, hỏi những pho kinh thánh. Thiện Hữu ạ, có lẽ đi hỏi một chú lợn rừng hay một chị vượn cũng đáng và cũng thiêng liêng bằng. Tôi đã phí rất nhiều năm tháng nhưng vẫn chưa xong, để học được một điều này là: người ta không học được gì cả. Tôi tin rằng trong bản chất mỗi sự vật, có một cái gì mà chúng ta không thể học được. Thiện Hữu ơi, chỉ có một tri thức ở khắp nơi, là Đại ngã, trong tôi, trong anh và trong mọi sinh vật, và tôi bắt đầu tin rằng tri thức ấy không có một kẻ thù nào nghịch hơn là con người tri thức, hơn sự học.

Đến đây Thiện Hữu dừng lại trên đường, đưa hai tay lên và nói:

- Tất Đạt, đừng làm bạn anh phiền muộn với những câu chuyện như vậy. Thật thế, những lời của anh làm tôi xao động. Hãy suy nghĩ lại, những bài cầu nguyện của chúng ta, sự khả kính của các vị Bà La Môn, sự thiêng liêng của các Sa Môn sẽ có nghĩa gì nếu không có học thức như lời anh nói? Tất Đạt, mọi sự sẽ trở thành gì trên trái đất này, còn cái gì thánh thiện nữa, còn cái gì thiêng liêng và quý giá nữa?

Thiện Hữu lẩm nhẩm một câu thơ, một câu kinh từ Áo Nghĩa Thư, “Kẻ mà linh hồn trong sạch thấm nhuần Đại ngã sẽ hiểu thánh ân không thể diễn tả bằng ngôn từ”. Tất Đạt im lặng. Chàng đắm chìm trong lời thơ mà Thiện Hữu vừa thốt ra.

Phải – chàng đứng cúi đầu suy nghĩ – cái gì còn lại từ tất cả những gì mà chúng ta cho là thiêng liêng? Cái gì còn lại? Cái gì được bảo tồn? Và chàng lắc đầu.

Lúc hai người sống chung với các vị Sa Môn được chừng ba năm và cùng nhau tham dự những buổi thực tập, một hôm, họ bỗng nghe một tiếng đồn từ nhiều nguồn.

Có một người đã xuất hiện, tên là Cồ Đàm, đức Như Lai, đức Phật. Người đã nhiếp phục được nỗi khổ của đời và làm ngưng được con đường sinh tử. Người lang thang khắp xứ để giảng đạo, các đồ đệ vây quanh. Không của cải, nhà cửa, vợ con. Người mặc một cái áo khoác màu vàng của nhà khổ hạnh, vừng trán cao và thánh thiện. Những người Bà La Môn và các hoàng tử nghiêng mình trước Người và trở thành học trò của Người. Tin ấy được đồn đãi ra xa và lan khắp.

Những người Bà La Môn bàn về tin ấy trong thành thị, những Sa Môn bàn trong núi rừng, dần dần đến tai đôi bạn trẻ, có khi nghe hoan nghênh, có khi nghe phỉ báng. Cũng như khi một miền bị bệnh dịch hoành hành, và có một tin đồn rằng có một hiền nhân, một nhà thức giả, có thể dùng lời nói và hơi thở để chữa lành bệnh, khi tin ấy được bàn tán khắp nơi, sẽ có nhiều người ngờ vực, nhiều người đến tìm vị thánh nhân ấy tức khắc, cũng như thế, lời đồn đãi về đấng Cồ Đàm, đức Phật, dòng họ Thích Ca lan khắp xứ. Người có trí tuệ cao vời – người ta bảo: Người nhớ được tiền kiếp, đã đạt đến Niết Bàn và không còn luân hồi sinh tử, không chìm đắm trong dòng hình hài vẩn đục. Nhiều điều kỳ diệu và khó tin được đồn về Người rằng, Người đã làm phép thần thông, đã nhiếp phục được ma quỷ, đã chuyện trò với thần linh. Những đối thủ và những người hoài nghi thì bảo rằng Cồ Đàm ấy chỉ là một người lừa bịp biếng nhác, ông sống xa hoa, khinh thường tế tự, không có học thức và cũng không biết gì về sự tu hành ép xác khổ hạnh.

Tin đồn về đức Phật có mãnh lực gây chú ý, hình như có phép lạ gì trong những lời đồn ấy. Thế giới đang bệnh hoạn, sự sống đầy khổ đau nên đâu đâu dường như cũng loé sáng một niềm hy vọng mới, một sứ giả đem lại vỗ về an lạc, đầy hứa hẹn. Khắp nơi đều có tin đồn về đức Phật. Các thanh niên khắp xứ Ấn Độ lắng nghe, cảm thấy một niềm khát khao hy vọng và trong làng mạc thành thị những người con của các vị Bà La Môn đón tiếp nồng hậu mỗi khi có người lạ mặt mang đến hoặc kẻ hành hương mang tin về đấng Giác Ngộ, đức Thích Ca Mâu Ni.

Tiếng đồn đến tai các vị Sa Môn trong rừng và Tất Đạt, Thiện Hữu nghe mỗi mẩu tin với niềm hy vọng, với nỗi hoài nghi. Họ ít bàn đến tin đồn ấy, vì vị Sa Môn trưởng không tán thành tin kia. Ông đã nghe rằng đức Phật người ta nói đến, ngày xưa đã từng khổ hạnh và sống trong rừng sâu nhưng sau đó trở lại sống xa hoa với lạc thú thế tục và vì thế ông không tin Cồ Đàm.

- Tất Đạt ơi, Thiện Hữu một hôm bảo bạn, sáng nay khi tôi vào làng, một người Bà La Môn đã mời tôi vào nhà, và trong nhà có một người con trai Bà La Môn đã đến từ thành Thất La. Anh ta đã thấy tận mắt đức Phật và nghe Ngài thuyết pháp. Thật tôi đã tràn đầy khát vọng và tôi nghĩ: “Tôi mong sao cả Tất Đạt và tôi được sống đến ngày chúng ta có thể nghe lời dạy từ kim khẩu của đấng Vô Thượng Giác”. Bạn ơi, chúng ta lại không đến đấy hay sao, để nghe chính Ngài chỉ giáo?

Tất Đạt bảo:

- Tôi vẫn tưởng rằng Thiện Hữu sẽ ở lại với những vị Sa Môn. Tôi luôn luôn tin rằng bạn tôi sẽ sống sáu mươi, bảy mươi tuổi mà vẫn còn thực hành những bí quyết của các Sa Môn dạy. Nhưng tôi đã hiểu bạn ít làm sao! Tôi đã chẳng hiểu gì trong thâm tâm bạn cả! Bây giờ, bạn ơi, bạn đã mong mỏi vạch một con đường mới và đi nghe lời Người dạy.

Thiện Hữu nói:

- Anh vẫn thích thú để chế nhạo tôi. Không sao đâu, Tất Đạt. Nhưng chính anh, anh không cảm thấy mong muốn khát khao được nghe lời dạy ấy hay sao? Và chính anh đã không có lần nói với tôi rằng anh không đi theo con đường của những Sa Môn nữa đó sao?

Tất Đạt cười lớn và trong giọng chàng có lẫn vị nửa buồn rầu nửa châm biếm. Chàng bảo:

- Đúng đấy, Thiện Hữu, bạn đã nhớ rất giỏi. Nhưng bạn cũng nên nhớ những điều khác tôi đã nói cùng bạn - rằng tôi trở nên nghi ngờ sự dạy dỗ cũng như học hành và tôi không tin mấy về những lời mà những vị thầy nói ra. Nhưng tốt lắm bạn ơi: tôi cũng sẵn sàng để nghe những lời chỉ giáo mới mẻ mặc dù trong thâm tâm tôi vẫn tin rằng chúng ta đã nếm những quả tốt đẹp nhất của những lời giảng dạy ấy.

Thiện Hữu trả lời:

- Tôi rất sung sướng vì Tất Đạt đã bằng lòng. Nhưng hãy nói cho tôi nghe, làm sao những lời chỉ giáo của Cồ Đàm đã cho ta thấy những quả quí báu nhất khi mà ta chưa nghe lời Người nói.

Tất Đạt bảo Thiện Hữu:

- Hãy thưởng thức trái ngon này và chờ đợi những trái sau. Trái ngon mà ta đã thừa hưởng của Cồ Đàm là sự kiện Ngài đã lôi kéo chúng ta ra khỏi những thầy Sa Môn. Còn có quả nào khác hơn và tốt lành hơn nữa, chúng ta hãy kiên tâm chờ xem.

Cùng hôm đó, Tất Đạt báo tin cho vị Sa Môn trưởng rằng chàng quyết định rời bỏ Người. Chàng nói với vẻ khiêm tốn của một môn đệ trẻ tuổi. Nhưng vị Sa Môn già tức giận khi thấy rằng cả hai người học trò trẻ tuổi muốn bỏ mình, và ông cao giọng rầy mắng họ kịch liệt.

Thiện Hữu ngạc nhiên cực độ nhưng Tất Đạt rỉ tai bạn: “Bây giờ tôi sẽ làm cho ông già thấy rõ rằng tôi đã học được ít nhiều với ông ta”.

Chàng đứng gần vị Sa Môn, tập trung thần trí; chàng nhìn vào đôi mắt của ông lão và dùng nhãn lực xâm chiếm ông ta, thôi miên ông, làm ông câm nín, thu phục ý chí ông và lặng lẽ sai bảo ông ta làm theo ý chàng. Ông già trở nên im lặng, đôi mắt long lên, ý chí kiệt quệ hẳn, cánh tay buông thõng. Ông ta bất lực dưới bùa chú của Tất Đạt. Ý tưởng Tất Đạt nhiếp phục hết ý tưởng của thầy Sa Môn già, ông ta phải làm những gì chàng sai khiến và cứ thế ông cúi đầu nhiều bận, ban phép lành và lẩm bẩm những lời chúc tụng chàng một cuộc hành trình tốt đẹp. Đôi bạn trẻ cám ơn ông ta, đáp lễ và ra đi. Trên đường Thiện Hữu bảo:

- Tất Đạt, anh đã học của những thầy Sa Môn nhiều hơn là tôi tưởng. Thôi miên được một vị Sa Môn già rất khó khăn. Quả thật nếu anh ở lại, nhất định anh sẽ học được cách đi trên nước.

- Tôi không muốn được đi trên nước, Tất Đạt bảo – hãy để cho những Sa Môn tự mãn với những bí thuật như vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/05/2011(Xem: 2344)
Ngày xưa có một ông vua và một bà hoàng hậu ngày nào cũng nói: "Ước gì mình có đứa con!" mà mãi vẫn không có.
05/05/2011(Xem: 2430)
Một người có ba con trai, cả cơ nghiệp có một cái nhà. Người con nào cũng muốn sau này, khi bố mất, nhà sẽ về mình.
26/04/2011(Xem: 10495)
Mỹ Uyên tần ngần đứng trước cổng Tam quan chùa, lâu lắm rồi vì nhiều lý do nàng đã không đến đây dù rằng mỗi kỳ lễ Tết nàng đều từ thành phố về nhà thăm cha mẹ và nhà nàng cách chùa không xa lắm. Dù sao, ngôi chùa này với nàng cũng có biết bao kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu.
26/04/2011(Xem: 4221)
Ai đã từng đọc tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh“ tức “Truyện Kiều“ của đại thi hào Nguyễn Du mà chẳng biết Hoạn Thư, người đàn bà “biết ghen“ thông minh vào bậc nhất nhì trên đời. Hoạn Thư thì quá nổi tiếng rồi (nhưng chẳng biết trên đời có thật hay không?), bây giờ thì tôi xin được kể về một Hoạn Thư khác hoàn toàn có thật, thật như mặt trời mọc ở đằng đông và lặn ở đằng tây vậy.
26/04/2011(Xem: 2354)
Một buổi tối, chàng đánh trống trẻ tuổi đi một mình giữa cánh đồng. Tới bên một cái hồ, anh thấy trên bờ ba chiếc áo trắng của ai vứt đó.
26/04/2011(Xem: 2056)
Xưa có một người trước khi đi xa từ biệt ba con gái, hỏi các con muốn lấy quà gì. Cô cả muốn lấy ngọc, cô thứ hai xin kim cương, cô út nói...
26/04/2011(Xem: 2967)
Xưa có một người lính như vậy bị thải hồi. Bác ta không học được nghề gì nên không kiếm tiền được, đành đi lang thang ăn xin thiên hạ.
26/04/2011(Xem: 2636)
Ngày xưa có một người đàn bà góa sống cô quạnh trong một túp lều gianh. Trước cửa là một cái vườn có hai cây hoa hồng, một cây ra hoa đỏ, một cây ra hoa trắng.
26/04/2011(Xem: 2439)
Ngày xưa có một ông vua trị vì vào thời nào, tên là gì, tôi không nhớ rõ nữa. Vua không có con trai, chỉ có độc một cô con gái, luôn luôn đau ốm...
25/04/2011(Xem: 3549)
Ông Tư bị ung thư và biết chắc không thể sống lâu hơn sáu tháng. Ông bình tỉnh chờ cái chết, và vui vẻ sống những ngày ngắn ngủi còn lại, mà không bi ai, không sợ hãi. Ông muốn sau khi chết, gia đình làm đám tang theo ý riêng của ông. Bà vợ nghe dặn dò cách thức làm đám tang kỳ dị, thì nói giọng buồn, với đôi mắt cầu khẩn: - Em nghe nói ngày xưa ở Huế, người đàn bà đầu tiên đi xe đạp, bị cả thành phố phỉ nhổ, xem như là Me Tây, như kẽ phá hoại phong hóa nơi đất thần kinh. Cho đến khi chiếc xe gắn máy hiệu “Velo solex” ra đời, người đàn bà đầu tiên xữ dụng, cũng bị xem như là thứ côn đồ, cao bồi du đảng, chẵng ai dám giao du thân mật. Đến như bà Thu, vốn là một công chúa, dù là con của vị phế đế, là người đàn bà có xe hơi, và lái xe hơi dầu tiên ở Huế, cũng bị thiên hạ nghi ngờ oan ức đến cái đức hạnh của bà, mà suốt đời không kiếm được một tấm chồng. Thế mà bây giờ, anh bảo em làm đám tang khác thiên hạ, không giống ai, thì chịu sao nỗi lời tiếu đàm của bà con, họ hàng! Ông Tư cười,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]