Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Lời đáp từ buổi lễ quy y

03/05/201311:18(Xem: 9242)
10. Lời đáp từ buổi lễ quy y
Bằng Tất Cả Tấm Lòng


10. Lời Đáp Từ Buổi Lễ Quy Y

Thích Chân Tính
Nguồn: Thích Chân Tính

Sau khi các giới tử làm lễ thỉnh Sư truyền pháp Tam quy, một thiện nam bưng khay lễ đi trước, tiếp theo là thầy trụ trì chùa Thiện Phước. Từ Tổ đường lên chính điện, giới tử đứng hai bên chắp tay cung nghinh thầy thật trang nghiêm. Tiếng chuông trống Bát Nhã trỗi lên rền vang trong không gian. Thùy Trang cảm thấy náo nức sung sướng đón chờ giờ phút thiêng liêng của người sắp được thọ pháp.

Đã từ mấy năm nay, Thùy Trang và một số bạn trẻ của chùa mong được thầy quy y để có pháp danh, để chính thức là người đệ tử Phật, nhưng mỗi lần cầu thỉnh thầy lập đàn quy đều bị từ chối với lý do: Thầy còn trẻ, chưa đủ đức độ thâu nhận đệ tử. Họ đều không hài lòng cho lắm về lời từ chối khéo léo đầy khiêm nhường ấy. Đôi lần họ cũng bàn tán với nhau: Có lẽ mình chưa xứng đáng làm đệ tử thầy hoặc đây là sự thử thách chăng? Rồi họ bảo nhau siêng năng đến chùa tụng kinh, lễ bái hằng đêm và công quả vào những ngày rảnh rỗi. Cứ sau vài tháng, mỗi lần vào dịp lễ lớn họ lại thỉnh cầu thầy làm lễ quy y, nhưng rồi cũng vẫn bị từ chối với lý do y hệt như trước. Họ ức lắm. Trong khi chính mắt họ thấy vào những dịp lễ như rằm tháng Giêng, Tư, bảy và Mười ở một số chùa có bảng thông báo lập đàn quy để mọi người có thể tham dự. Đôi lúc Thùy Trang muốn xin ghi tên quy y ở những ngôi chùa này phức cho rồi. Khốn nỗi vì cái tình thầy trò bấy này đã không cho phép nàng đến với những đàn quy ấy. Thế rồi, niềm mong ước đã được toại nguyện. Thầy quyết định chọn ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo 8 tháng 12 làm lễ quy y, thời gian mà mọi người trong nước đang chuẩn bị đón mừng năm mới. Do có khát khao chờ đợi nàng mới thấy buổi lễ hôm nay thật quan trọng vô cùng. Tuy sung sướng, nhưng Thùy Trang vẫn còn nuối tiếc một điều gì đó. Nàng than thở với Diệu Hoa đang đứng bên cạnh mình:

- Thật tiếc quá!

Hiểu ý bạn, Diệu Hoa đáp:

- Bình tĩnh chờ đợi. Buổi lễ sẽ trả lời cho bạn rõ.

Thùy Trang có một người chị tên là Mai Lan. Hai chị em đều mộ đạo và thường đến chùa công quả. Vì hoàn cảnh phải đoàn tụ gia đình, hơn tháng nay Mai Lan đi Canada do sự bảo lãnh của chồng. Biết chị mình cũng quý kính thầy nên nhân dịp có đàn quy, Thùy Trang xin cho Mai Lan được quy y khiếm diện, nhưng thầy từ chối. Cuối cùng nàng chỉ xin thầy đặt cho chị mình một pháp danh và cũng bị từ chối nốt. Thùy Trang đem chuyện này than thở với Diệu Hoa. Kinh nghiệm bản thân, Diệu Hoa phân giải cho bạn rõ về tầm quan trọng của buổi lễ quy y. Hồi nhỏ vào cái tuổi lên sáu, vì muốn con mình có tên đạo, Diệu Hoa được mẹ dắt qua chùa Giác Ngộ để quy y. Từ đó đến nay đã gần hai mươi năm rồi mà nàng cứ tưởng như mình chưa một lần dự lễ thọ pháp. Bởi lẽ ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ấy, nàng có biết tí gì về mục đích quy y đâu. Do vậy theo nàng, người quy y trước hết phải có ý thức tự giác, tự nguyện và không được vắng mặt trong buổi lễ đầy ý nghĩa đó, càng không thể có chuyện người này quy y thay cho kẻ khác, hoặc quy y với mục đích để được pháp danh. Tuy Diệu Hoa đã giải thích cặn kẽ vấn đề này cho Thùy Trang nghe, nhưng nàng nhất định không đồng ý. Diệu Hoa chỉ còn biết trông chờ vào buổi lễ hôm nay sẽ giúp bạn mình hiểu rõ mọi điều.

Thầy trụ trì đang tiến dần vào chính điện, đi ngang qua chỗ Thùy Trang và Diệu Hoa. Họ cùng nhau lần lượt xếp hai hàng bước theo sau thầy. Nơi bảo điện không ai bảo ai, mọi người đều tự động đứng theo thứ tự và giữ im lặng tuyệt đối. Quang cảnh vốn đã trang nghiêm lại thêm nghiêm trang hơn. Tất cả giới tử vừa ngơ ngác vừa hồi hộp đón nhận những điều mới lạ nhất trong đời nhập đạo của mình. Lúc ấy tiếng niệm hương của thầy ngân vang trầm ấm, quyện với hương trầm ngào ngạt như đưa giới tử vào cảnh giới an lạc kỳ diệu.

Sau khóa lễ Phật, thầy trụ trì đi qua bên trái chính điện, an tọa trên chiếc ghế dựa đặt cạnh chiếc bàn đã bài trí sẵn với một lọ hoa sen trên tấm khăn vải trắng. Nơi nền gạch hoa tất cả giới tử cùng ngồi chắp tay im lặng. Trước khi chính thức cử hành lễ quy y, thầy nói về tính chất vô thường, vô ngã của nhân loại và chỉ ra con đường dẫn đến giải thoát giác ngộ. Phật pháp được coi như bè báu đưa người qua bể khổ, là cửa ngõ vào cảnh Niết Bàn. Người học Phật muốn dứt trừ khổ não, hưởng sự an vui vô thượng thì không gì hơn là thọ trì giới pháp của Phật. Thùy Trang chăm chú lắng nghe và đón nhận pháp nhũ như nắng hạn gặp mưa sa.

Hiểu rõ sự lợi ích của Phật pháp rồi, người muốn quy y Tam Bảo trước hết phải sám hối để tẩy trừ phiền não, giúp cho thân tâm thanh tịnh. Cũng như muốn chứa nước trong sạch cần phải súc bình cho thật sạch trong. Thầy giảng xong, bảo mọi người đứng dậy chuẩn bị làm lễ sám hối. Thầy đọc trước, giới tử đọc sau:

- “Đệ tử chúng con tên là... xưa kia gây tạo các điều lầm lỗi, ngày nay thành tâm sám hối, thề tránh các điều ác, nguyện làm các việc lành...”

Tất cả giới tử đồng thanh lập lại theo thầy ba lần như vậy. Những câu, những lời sám rất đơn giản, bình thường, thế mà không hiểu sao khi ứng dụng vào buổi lễ nó lại có tác động sâu sắc đến tâm tư Thùy Trang một cách lạ kỳ. Cứ mỗi lần đọc Thùy Trang lại có một cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng như đang trút dần các phiền não còn đang tồn đọng trong mình bấy nay. Nàng sung sướng nhắm mắt lại để tận hưởng những giây phút an lạc của tâm hồn. Lúc ấy, vài giọt nước từ trên không rơi xuống đầu tỏa mùi thơm dịu, Thùy Trang vội mở mắt ra xem và thấy thầy đang cầm nhánh bông rải nước hoa lên đầu các giới tử. Mỗi phần của buổi lễ đã làm cho nàng từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tới bây giờ Thùy Trang mới hiểu lý do tại sao thầy không cho chị mình quy y khiếm diện và sự ân hận cũng bắt đầu nhen nhóm trong lòng nàng.

Sau phần sám hối, thầy lại tiếp tục giảng cho giới tử hiểu về ý nghĩa Tam Bảo. Lời giảng của thầy thật rành rõ. Người quy y Tam Bảo là trở về nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng. Chúng ta như khách lữ hành lạc lối giữa vạn nẻo đường, phải nương nhờ vào hướng đạo viên tài ba lỗi lạc. Ngồi nghe thầy giảng, Thùy Trang càng hiểu rõ thêm: Quy y Tam Bảo không phải để cầu tha lực phò trợ mà Tam Bảo được xem như chiếc thuyền từ, như kim chỉ nam hướng dẫn chúng sinh từ bến mê sang bờ giác. Mỗi lời giảng của thầy làm cho nàng thêm sáng mắt, sáng lòng.

Giảng xong, thầy bảo giới tử quỳ lên, chấp tay ngay ngắn, một lòng thành kính để chuẩn bị lãnh thọ Tam quy. Trước khi truyền pháp, thầy nhắc lại cho giới tử biết, đây là giờ phút quan trọng nhất mà người quy y không được vắng mặt. Câu nói ấy, Thùy Trang có cảm tưởng như thầy đang hướng về mình mà bảo. Nàng hổ thẹn quá không dám ngước mặt lên nhìn thầy nữa.

Giờ truyền Tam quy đã đến. Thầy nhắc các giới tử hãy chú tâm lắng nghe và lặp lại theo thầy mỗi câu ba lần:

“Đệ tử chúng con tên là... xin suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”.

Truyền Tam quy xong thầy tiếp túc trao Tam kết. Trọng tâm buổi lễ quy y chứa đựng bấy nhiêu đó chữ, vậy mà đã làm thay đổi cả cuộc đời người thọ pháp.

Từ nay họ sẽ không còn lo sợ phải lạc lõng bơ vơ giữa muôn nẻo đường nữa vì đã có vị Đạo sư sáng suốt chỉ đường dẫn lối. Và để xứng đáng là người Phật tử, họ phải cố gắng tu tập hơn nữa, giữ gìn giới hạnh hơn nữa. Thùy Trang quá sung sướng vì từ giờ nàng đã có pháp danh, đã có thầy. Trước đây, cứ mỗi lần đi đến chùa khác nàng không biết phải trả lời thế nào khi quý thầy hỏi: Con pháp danh chi và là đệ tử ai? Bây giờ thì nàng không còn phải lẩn tránh câu hỏi ấy nữa.

Phần truyền Tam quy và ngũ giới đã xong. Trước khi hồi hướng, thầy bảo giới tử ngồi xuống và dặn dò thêm về bổn phận người Phật tử. Một khi đã quy y rồi, người Phật tử không được quy y với ngoại đạo tà giáo, phải chăm đến chùa tụng kinh, nghe giảng để thúc liễm thân tâm, mở mang trí tuệ. Đối với Tam Bảo, người Phật tử phải hết lòng hộ trì để góp phần hoằng dương chính pháp làm lợi lạc quần sinh. Thầy cũng không quên hướng dẫn cặn kẽ về mọi lễ nghi phép tắc căn bản nhất của người Phật tử khi đến chùa. Lắng nghe thầy dạy, Thùy Trang càng thêm nuối tiếc. Cái nuối tiếc bây giờ không phải vì thầy không cho chị mình quy y khiếm diện, mà nuối tiếc là Mai Lan đã không có mặt để cùng dự buổi lễ quy y hôm nay.

Tiếng chuông trống Bát Nhã lại ngân vang. Nơi chính điện, các giới tử đứng đối diện hai bên chắp tay cung tiễn thầy hồi quy phương trượng. Lúc này, những nét thỏa mãn hiện rõ nơi gương mặt mọi người. Thùy Trang đến nắm tay Diệu Hoa mỉm cười. Diệu Hoa cũng nở nụ cười đáp lại. Những nụ cười của họ chứa đựng biết bao nhiêu điều trong đó. Hai người cùng nhau im lặng bước từng bước rời khỏi đàn quy. Bên ngoài gió Đông đang thổi về.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/07/2010(Xem: 10609)
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, tất cả mọi hành động bằng thân, lời và ý đều xuất phát từ hai tiêu chuẩn đó nhằm đem lại lợi lạc cho mình và tha nhân. Đây là những đức tính rất cơ bản để phát triển về Giới-Định-Tuệ mà một người muốn thăng tiến về mặt tâm linh thì cần phải quan tâm và thực hiện một cách triệt để.
17/07/2010(Xem: 4769)
Đêm qua con nghe bài pháp “Vượt qua oan gia trái chủ”của thầy Thích Tâm Đại, cảm thấy bàng hoàng, sửng sốt, mồ hôi ướt lạnh. Hóa ra, trong quá khứ, con đã tạo vô lượng tội, gieo vô lượng oán thù, oan gia trái chủ.
25/06/2010(Xem: 5090)
Vì không biết sự vận hành nội tại nên hầu hết mọi người trên thế gian không ai nhận ra chính mình và cũng không đồng ý với chính mình. Có người nương vào thể chất như thân thể cao lớn, mạnh khỏe, sắc diện đẹp đẻ, sáng sủa thù thắng …và cho đó là ta. Có vị lấy tri thức như bằng cấp học vị là mình như tiến sĩ, bác sĩ hay kỹ sư v.v. Có vị lấy danh vọng chức tước như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng v.v.làm ta.
25/06/2010(Xem: 9645)
Cô Sue Dixon, một Phật tử người Úc, vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, ung thư ngực, trong lúc dường như phải bó tay và hoàn toàn tuyệt vọng thì các Tăng sĩ Tây Tạng đã hướng dẫn phương pháp Thiền quán. Tuyệt vời thay, không lâu sau đó, cô bình phục và khỏe mạnh như xưa. Bài viết dưới đây, cô sẽ kể cho đọc giả biết quá trình loại bỏ bệnh ung thư như thế nào
02/06/2010(Xem: 3798)
Đó là ngày 26 Tháng 10 năm 1967. Tôi đang bay ngay trên bầu trời trung tâm Hà Nội đan chéo đầy hỏa tiễn trong phi vụ thứ 23 của mình, thì bị một hỏa tiễn Nga kích thước cỡ cột điện thoại bắn tung cánh phải chiếc Skyhawk ném bom tôi bay. Phi cơ bổ nhào từ cao độ khoảng 4,500 feet xuống đất, bị đảo ngược lại, gần như chúi thẳng đầu xuống đất. Tôi kéo cần bung dù thoát hiểm. Lực phóng làm tôi bị bất tỉnh vì tốc độ gió đâu khoảng 500 knot (chú thích người dịch: 926 km/giờ). Lúc đó tôi không nhận thức được, nhưng chân phải ngay quanh đầu gối và ba nơi trên cánh tay phải cùng cánh tay trái của tôi đã bị gãy. Tôi tỉnh lại ngay trước khi cánh dù của tôi rơi xuống một hồ nước ngay một góc của Hà Nội, một trong những hồ họ gọi là Hồ Tây. Mũ phi công và mặt nạ dưỡng khí của tôi đã bị thổi bay đâu mất. Tôi chạm mặt nước và bị chìm xuống đáy. Tôi nghĩ rằng hồ sâu khoảng 15 feet, cũng có thể 20. Tôi chòi chân phía dưới để nổi lên mặt nước. Lúc đó tôi không cảm thấy bất kỳ đau đớn nào. Tôi hít một
03/04/2010(Xem: 3974)
Đạo vốn vô ngôn; do ngôn mà hiển đạo, thế nên có mạn lục, có bảo huấn, có bút ngữ, có võ khố. Nay đây, có Hòa thượng Văn Thủ, tự Nhất Ty (1607 – 1648) người nước Nhật Bản, lúc đầu ở ẩn nơi Tây Cương thuộc đất Lạc Tây, về sau Ngài về núi Đan mai danh ẩn tích. Nhưng các hàng xuất gia khắp chốn hải hồ tìm đến bên Ngài kết am tranh tu học số đông không kể xiết. Rốt cuộc, danh Ngài thấu đến cửu trùng, vua thỉnh Ngài trụ trì hai chùa Pháp Thường và Linh Nguyên, ban hiệu là Định Huệ Minh Quang Phật ĐảnhQuốc Sư. Những khi nhàn rỗi, Ngài xem lại gương xưa góp nhặt những di ngôn, vãng hạnh của Phật Tổ và thêm vào đó lời phẩm bình biên tập lại thành bộ Truy Môn Bảo Tạng Tập (trong bản dịch nầy tạm lấy nhan đề là Kho Báu Nhà Thiền). Bộ sách nầy thật là cây đuốc huệ trong đường tăm tối, là thuốc hay cho người bệnh, chẳng những lợi cho người đương thời mà cũng là tiếp độ kẻ hậu côn, thật không có gì hơn vậy. Than ôi! Vào niên hiệu Bảo Vĩnh vì ảnh hưởng thời cuộc nên đâu có khắc bản và muốn lưu hàn
21/02/2010(Xem: 6096)
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]