Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2

02/05/201311:39(Xem: 11034)
Phần 2
Ánh Đạo Vàng


Phần 2

Võ Đình Cường
Nguồn: Võ Đình Cường


Sáng hôm nay, khắp các đường trong thành Ca-tỳ-la-vệ và các thành lân cận, lính nhà vua mỗi người mang một cái trống, vừa đánh vừa rao:

– Mời các công nương, mỹ nữ! Tối nay tại cung, Hoàng thượng có mở cuộc thi sắc đẹp. Mời các cô các bà hãy đến dự cho đông. Thái tử sẽ chấm cuộc thi. Mỗi người sẽ được một giải thưởng. Và giải thưởng quý nhất sẽ tặng người đẹp nhất! Mời các công nương, mỹ nữ ! Tối nay tại cung...

Tiếng rao lanh lảnh lách qua rèm, tim các cô thiếu nữ đập mạnh trong lồng ngực theo với tiếng trống thúc giục ngoài đường. Những làn da tuyết ửng hồng, những làn da nâu ửng đỏ, vì máu chạy mau thêm trong huyết quản. Mắt các cô đang xa xăm bỗng bừng sáng lên vì một ý nghĩ: “Ồ được Thái tử chấm thi!” Thế là ngày ấy họ lăng xăng trang điểm để kịp tối vào cung.

Nhà vua mở ra cuộc thi không phải không duyên cớ. Thái tử Tất-đạt-đa đã 19 tuổi rồi. Trên nét mặt ngây thơ trong sáng như gương nước mùa xuân thường lộng thoáng một áng mây buồn. Mỗi lúc gặp con, vua cha liếc thấy không khỏi không liên tưởng đến lời thầy đoán xưa.

Một hôm, Tịnh-phạn vương hội triều thần lại rồi phán bảo:

– Các khanh còn nhớ lời đạo sĩ A-tư-đa nói về Thái tử Tất-đạt-đa chứ? Lòng trẫm mong rằng lời đoán thứ nhất thực hiện, nghĩa là Thái tử sẽ làm một vị Đại vương; nhưng để ý mà xem, thì chừng như Thái tử sẽ bỏ ngôi báu mà ra đi, bỏ lại bao nhiêu công trình quý giá mà mấy mươi tiền triều đã ra công xây dựng. Trẫm hội các khanh lại đây là cốt nhờ các khanh tìm cho trẫm một cách gì để giữ Thái tử lại và đưa về con đường của tiên tổ.

Một lão thần đứng dậy tâu:

– Tâu Hoàng thượng, chỉ có lưới tình là vây được Thái tử. Ngàn vạn sợi dây đồng không buộc nổi những ý tưởng phiêu lưu mà một sợi tóc của mỹ nhân cũng đủ giữ lại dễ như bỡn.

Bá quan đều tán thành lời tâu của lão thần. Nhưng Tịnh-phạn vương lại phán:

– Đàn bà thì chẳng thiếu gì, nhưng sắc đẹp tùy theo mắt mỗi người. Trẫm biết con trẫm thích ai mà lựa?

– Như thế, tâu Hoàng thượng, thì nên bày ra cuộc thi sắc đẹp cho toàn thể tiểu thư trong nước, Thái tử sẽ chấm lấy hoa khôi. Và hoa khôi ấy sẽ là vợ Thái tử.

Thế là theo lời tâu, vua mở cuộc thi sắc đẹp. Trời chưa tối hẳn, đèn trong hoàng thành đã nối ánh sáng của mặt trời. Qua vòm cửa hoàng thành cao vòi vọi, nhẹ trôi một dòng muôn sắc. Đây là tất cả những công nương, mỹ nữ của một nước hiệp lại để làm vui lòng một người. Đây là nơi tụ hội của nhiều lối trang sức khác nhau nhắm một mục đích chung là làm đẹp lòng người vương giả. Trên những làn tóc óng ả đã chải chuốt công phu, họ phủ lên một mảnh lưới dịu và mỏng như tơ trời; và trên những áng da ngời, những khổ lụa mịn như phấn quấn quanh vài vòng, làm nổi bật những tấm thân cân đối như những tượng thần Hy Lạp, và chạy xuống tận đôi gót chân để mỗi nhịp đi là gợn lên những làn sóng cong và mềm như những lưỡi nước liếm bờ...

Họ lần lượt đi ngang trước mặt Thái tử, hai mắt to và đen nhìn xuống mũi giày; những ngón tay bóng loáng–vì mới nhuộm dầu–và suôn sắn như những đọt hải đường kéo lên một chéo áo để khỏi vướng bước chân đi. Nhưng sao những cổ chân tròn trĩnh có đeo vòng kia lại cứ ngập ngừng như sợ đạp phải một cái gì tôn nghiêm thế? Khi họ đến trước mặt Thái tử để nhận một giải thưởng trao từ tay Ngài, họ hạ đầu xuống thấp một chút nữa, để lộ nốt ruồi (Tilka) bóng loáng giữa hai hàng mi cong. Sau khi đã nhận lãnh một món đồ, họ rảo bước mau ra: một oai linh gì làm cho họ ngợp ngợp, khi đi ngang trước Thái tử. Hễ nàng nào được hoan hô đẹp hơn những kẻ trước, nàng ấy bỡ ngỡ đứng lại nhìn quanh, không biết đấy là những tiếng khen tặng mình hay một kẻ sau vừa đến; dưới sự cao cả, điềm đạm và oai nghi của Thái tử, các nàng mất hết tự hào, thấy mình nhỏ nhoi và thấp hèn quá. Họ cảm nghe như đi lạc vào một thế giới không phải để đón tiếp mình. Và cứ như thế, một nàng qua, tiếp theo một nàng đến, một vẻ đẹp theo sau một vẻ đẹp. Và cứ như thế họ đi qua... với nhan sắc của họ, may ra còn thoáng chói vọng lại vài ánh kim khí của đôi hoa tai tròn, trước khi lẩn vào bóng tối.

Không nàng nào có thể làm gợn dậy một lượn sóng tình trong lòng Người rất tinh khiết đang ước vọng tuyệt đích ấy. Không một sợi tơ luyến ái có thể vướng víu Ngài với những con bướm vừa mới lướt qua. Nhưng khi giải thưởng cuối cùng đã trao xong thì nàng Da-du-đà-la tiến đến. Thái tử giật mình: chưa bao giờ Ngài thấy một người đẹp đến thế. Nàng đi đến, vây bọc giữa một khung huyền ảo và linh động, thân hình nàng đều đặn và thanh cao lạ lùng: hình như bao nhiêu vẻ đẹp của đất trời đều hiệp vào đây để tạo nên một tuyệt tác giai nhân. Làn da hồng mịn thế kia có thể ví được với màu hồng mịn của da trời một buổi bình minh. Hai mắt xanh ướt và thăm thẳm sâu kia là hai hồ nước ngọc. Và tóc nàng dưới làn lưới mỏng, gợn lên từng lượn sóng nhung đen. Nàng khoan thai bước từng bước vương giả như đi vào chỗ quen thân. Nàng đến trước mặt Thái tử, hai tay chắp tréo trước ngực, đầu cúi xuống trong một dáng điệu thanh cao để chào Ngài. Rồi đài các nàng ngước đầu lên, đứng thẳng lại–cổ cao ba ngấn, lộ màu da hồng trên tấm áo trắng tinh. Hoa môi bừng nở nhụy răng ngà, ở đấy cất lên một giọng trong thanh như tiếng bát sứ cổ:

– Thái tử còn một vật gì để dành cho em?

– Hỡi người đẹp nhất trong những người đẹp, bao nhiêu bảo vật đã hết rồi. Nhưng nàng hãy nhận vật này thế lại.
Nói xong, Thái tử mở chuỗi ngọc ở cổ Ngài, nắm vào hai đầu mối dây. Chuỗi ngọc xanh ngời, long lanh muôn ánh nến, như một chuỗi hạt nước biếc rung rinh, sắp nhỏ dưới tay ngà. Ngài đeo chuỗi ngọc vào cổ nàng tiên ấy.

Nàng sung sướng nhìn Thái tử, cảm ơn. Thái tử nhìn lại sung sướng được ban ơn.

Ngày hôm sau, trong buổi chầu, các quan tường thuật lại với vua cuộc thi sắc đẹp và những dáng điệu của Thái tử khi nàng Da-du-đà-la, con gái của tiểu vương Thiện-giác đến. Nhà vua cười, phán bảo:

– Thế là ta đã bắt được mồi. Bây giờ phải kiếm cách gì để nhử cho con phượng hoàng ấy ra khỏi mấy từng mây xanh.

Thế là ngài truyền cho các quan đến cung vua Thiện-giác hỏi vợ cho Thái tử. Nhưng các quan buồn bã trỡ về đem theo một lời gần như thách đố của vua Thiện-giác: “Theo tục lệ nhà tôi, mỗi khi ai muốn đến hỏi con gái, phải thi võ nghệ. Trong những người đến dự thi, ai có tài hơn cả sẽ được vợ. Tục ấy không thể miễn cho một ai, dù đấy là Hoàng tử Tất-đạt-đa.”

Vua Tịnh-phạn nghe xong, lòng buồn rười rượi Ngài biết con ngài về văn chương, triết học thì không một ai sánh kịp, nhưng còn võ nghệ thì làm sao thắng nổi những tay vô địch về tài bắn eung như Đề-bà-đạt-đa, về tài cưỡi ngựa như A-nậu-đà-la và về tài múa kiếm như Nan-đà. Nhưng Thái tử vẫn thản nhiên quỳ xuống tâu vua:

– Xin phụ hoàng đừng lo ngại. Những môn võ nghệ cung tên, con đều có học cả. Phụ vương cứ truyền rao cho mọi người ai muốn thi tài võ nghệ với con hãy đến vũ trường dự thí.

Bảy ngày sau, trên vũ trường, có cuộc thi tàí rất sôi nổi. Ở đấy, từ sáng sớm đã tề tựu đủ cả các hạng người trong thành, từ những bậc vương tước cho đến cùng dân. Công chúa Da-du cũng có dự. Nàng đi đến trong đám rước cô dâu. Âm nhạc nâng từng bước chân ngựa; những rèm kiệu hoa hoè phơi phới tung bay; và đàn bò kéo xe, bệ vệ đi từng bước một vì sợ làm rơi mất những vòng hoa rực rỡ móc trên những cặp sừng vàng.

Các tay dự thi đều là dòng dõi đế vương, thân thích với Thái tử: Đề-bà-đạt-đa, A-nậu-dà-la, Nan-đà. Thái tử Tất-đạt-đa đến trên mình con ngựa Kiền-trắc. Kiền-trắc đưa ra những tiếng hí dài, vì nó chưa bao giờ quen với một đám đông như thế, và Thái tử nhìn đám đông ngạc nhiên thấy rằng tuy khác địa vị, khác cách ăn mặc, họ vẫn giống nhau trong những nét vui mừng.

Thái tử nghĩ đến đấy, bỗng có tiếng hô bắt đầu cuộc thi bắn. Nan-đà nắm một chiếe cung và sai người đem một eái trống đồng để cách xa 400 thước. A-nậu-đà-la cũng làm thế. Trống của Đề-bà-đạt-đa để xa hơn, nhưng Tất-đạt-đa chấp hết: Ngài bảo đem để trống của mình rất xa, xa cho đến lúc nào mặt nó chỉ còn thấy nhỏ lại bằng con nghêu. Mỗi người lần lượt bắn: Ba cái trống trước bị xuyên ba mũi tên, tiếng hoan hô nổi dậy một góc trời. Đến lượt Tất-đạt-đa nhắm bắn. Công chúa Da-du hồi hộp, kéo tấm lưới xuống quá mắt: nàng e sợ mũi tên không trúng đích. Hoàng tử rút mạnh sợi dây, thanh cung uốn cong như một nhành trúc yếu, hai đầu cung chúm lại và gãy ngang trong tay Thái tử. Ngài vứt cung xuống và bảo: “Thứ cung này chỉ để cho con nít chơi. Ở đây ai có chiếc cung nào tốt hơn thế nữa?” Một người trong đám mách rằng ở đền Simbahanou có một cái cung bằng đồng đen nặng lắm, chưa ai có thể trương lên nổi. Ngài sai người đến mượn. Một chốc, hai tên lính hì hục mang cung về. Ngài nắm lên, rồi trao cho mọi người dự thi thử trước. Nhưng họ chỉ trương ra nhiều nhất là được một gang tay rồi phải thả xuống. Thái tử một tay đỡ lấy thanh cung, đưa thẳng ra đằng trước và tay kia kéo mạnh dây đồng. Ngài thả dây: một tiếng ngân dài làm chuyển động cả không gian như một tiếng chuông đồng. Những kẻ tàn tật không đi xem được cuộc thi, ở nhà nhìn nhau hỏi: “Tiếng gì lạ thế?” Và có người biết chuyện trả lời: “Đấy là tiếng dây cung mà Thái tử Tất-đạt-đa đang thử”. Sau khi thử cung, Thái tử nắm một chiếc tên lắp vào dây, nhắm đích. Một tiếng ngân, một tia sáng như sao băng xuyên qua hai mặt trống đồng!

Đến cuộc thi kiếm, Đề-bà-đạt-đa trổ tài trước. Chàng cầm một thanh kiếm, tìm một gốc cây to bằng một ôm người lớn, phát ngang một lát, thân cây đứt thành hai đoạn. A-nậu-đà-la lựa một cây to lớn hơn và Nan-đà một cây lớn hơn nữa. Nhưng hai cây rất lớn mọc song nhau. Tất-đạt-đa nhẹ đưa một lát kiếm, nhanh như phóng một làn chớp, và lạ thay, hai cây vẫn đứng sững? Nan-đà mừng rỡ reo lên : “A ha! Không đứt!” Công chúa Da-du chỉ kịp tựa vào vai con thị tỳ cho khỏi gục ngã. Nhưng một cơn gió thoảng qua, hai cây cùng ngã lăn ào xuống một lượt. Thì ra lát kiếm của Thái tử quá bén và quá phẳng, nên hai thân cây tuy đã đứt ngang, vẫn còn giữ được thăng bằng trên đôi gốc phẳng.

Cuộc đua ngựa tiếp theo. Ngựa phải chạy ba vòng quanh vũ trường. Khi Nan-đà, Đề-bà-đạt-đa, A-nậu-đà-la về tới mức vòng đầu thì ngựa của Tất- đạt-da còn một khoảng nữa mới hết vòng... thứ ba. Con ngựa Kiền-trắc chạy nhanh quá, người ta không nhìn rõ nó chạy hay bay, chỉ biết mỗi giọt nước miếng của nó từ mép rơi xuống đất là nó chạy được một trăm sải. Nan-đà vội kêu lên : “Không, với con ngựa Kiền-trắc thì không ai địch nổi. Phải đem một con ngựa hết sức hung hăng ra đây thử xem ai cưỡi được”.

Quân giữ ngựa đem ra một con ngựa đen như mực, hai mắt đỏ ngầu, mũi phồng bọt mép trắng cả hàm. Nó cố trườn tới như chực bứt ba sợi dây buộc ở cổ mà chạy. Nan-đà rồi Đề-bà-đạt-đa thay nhau mỗi người cưỡi thử một lượt. Nhưng chưa ngồi yên được trên mình ngựa, đã bị nó hất xuống đất, mình mẩy lấm một lớp đất bụi và một lớp thẹn thùng. A-nậu-đà-la ngồi được trên mình ngựa một hồi. Chàng mở dây xích ở cổ nó, vói tay bịt lấy hàm ngựa, hai chân thủc mạnh vào hông, con vật bực tức nhảy lồng lên như một luồng gió bão. Nhưng bỗng nó đứng lại, hạ cổ xuống, bốn chân xiêu hẳn về đằng sau, và A-nậu-đà-la chúi nhào về phía trước đầu ngựa. Bọn kỵ mã hốt hoảng chạy ra giữ con quái vật lại, và mọi người đồng thanh kêu : “Hãy đem nó vào chuồng, đừng để Thái tử Tất-đạt-đa cỡi nữa!Nguy hiểm lắm!” Nhưng Thái tử truyền giữ nó lại. Ngài ung dung bước ra, nắm vào bờm nó, miệng lẩm bẩm vài lời dịu ngọt, tay phải vuốt ve từ đầu đến cổ, đến hông ngựa, và mọi người ngạc nhiên thấy nó đứng yên, hiền từ như đã quen với Thái tử lắm. Ngài nhảy lên mình ngựa, ngựa khoan thai đi giữa tiếng hoan hô của khán giả. Vua Thiện-giác hấp tấp chạy đến bên Thái tử, nói với một giọng đứt quãng vì sung sướng:

– Chừng ấy cũng đủ thấy tài vô địch của Thái tử rồi! Thôi, người hãy nhận lấy viên ngọc quý của nhà ta đi.

Trong lúc ấy, nàng Da-du-đà-la đứng dậy nắm lấy một vành hoa sứ, vén mảnh lưới đen viền vàng lên quá trán, rồi đi đến phía Thái tử. Tất-đạt-đa nhảy xuống ngựa, oai phong như một pho thần tượng, bộ áo vũ trắng nổi bật cạnh sắc đen nháy của lông ngựa. Nàng Da-du cúi mình rất thấp trước Thái tử, rồi nâng vòng hoa lên trong đôi tay rung rung vì cảm động, nàng quỳ xuống bên chân Ngài, mắt ngước lên, cổ vươn cao trong một niềm khát vọng tôn thờ, những tia hạnh phúc bừng sáng trong đôi mắt xanh ngời.

Thái tử đỡ nàng dậy, và tay trong tay, hai người tài sắc nhất của thành Ca-tỳ-la-vệ , bước song song đi giữa tiếng hoan hô của muôn vạn lòng sung sướng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 5881)
Tôi gọi điện cho Hâysen Kinchơ xem ông ta có phải định đi vào thành phố không. - Có, sẽ đi! – Ông ta trả lời tôi với một giọng khô khan, lạnh lùng.
10/04/2013(Xem: 14629)
Mấy tháng lại đây, thỉnh thoảng tôi có nhận những đóa hoa hồng do Phật Tử gởi tặng. Những đóa hoa hồng đó được bọc bởi bông gòn ẩm nước...
10/04/2013(Xem: 5109)
Bốn giờ sáng…đòan khảo sát xuất phát từ Chùa Đông Lai tiến dần về vùng núi Cấm. Đòan đi hai xe khoảng hơn sáu mươi vị. Gồm có thầy Chủ nhiệm...
10/04/2013(Xem: 4569)
Kinh thành Kosambi đang trải qua những ngày chấn động kinh hoàng. Hoàng hậu của nhà vua vừa bị ám hại, còn bà thứ phi xinh đẹp sắp lên giàn hoả. Dân chúng sống trong nỗi khoắc khoải lo âu. Họ sợ cả tiếng trống sang canh giữa đêm khuya im vắng, tưởng chừng như đó là hồi chuông báo tử đang giáng xuống đất nước lâu nay vốn rất yên bình hoà nhã.
10/04/2013(Xem: 4434)
Đầu tháng tư đã có những cơn mưa nặng hạt kéo dài. Bầu trời khi trong veo, lúc lại thăm thẳm mù mây. Hai bên bờ nước thường dâng cao, cây cỏ ...
10/04/2013(Xem: 4266)
Hạnh đi thơ thẫn quanh sân chùa suốt một buổi sáng nhưng không hề bước vào bên trong chánh điện. Suốt ba ngày tết cô cứ nằm lỳ trong phòng, chỉ ra ngoài khi đói bụng hoặc tắm giặt. Từ chối hết mọi lời mời mọc đi chơi của đám em và bạn bè, Ba mẹ có hỏi thì Hạnh bảo thích yên tĩnh nghĩ ngơi mấy ngày … rồi thôi. Mọi người cũng bận lo vui chơi đi đây đó chúc tết bạn bè thân tộc. Chẳng ai buồn chú ý đến đứa con gái ương ngạnh này đâu. Cô đã quen sống như vậy lâu rồi, cũng như quen với công việc mình làm đã bao năm. Vậy mà công việc ấy bây giờ lại bấp bênh như cánh bèo dạt mây trôi.
10/04/2013(Xem: 4336)
- Nào nhanh lên mấy đứa. Chúng ta phải đi sớm cho kịp khóa lễ. Hiền vừa dắt xe ra sân, vừa không ngừng hối thúc các em.
10/04/2013(Xem: 4692)
Tôi chưa từng gia nhập một đòan thể xã hội nào, cũng không hề có ý định trở thành một nhà từ thiện chuyên nghiệp. Nhưng tôi vẫn thường tham gia vào các hiệp hội cứu trợ. Tôi đi chủ yếu vì ham vui, vì tò mò, hơn là vì lòng nhiệt thành của tuổi trẻ. Và trong các chuyến đi ấy, tôi đã gặp chị.
10/04/2013(Xem: 4472)
Mỗi sáng khi cầm chổi quét sạch những chiếc lá rụng đầy trước sân chùa, Tôi cứ tự hỏi:_ “ Người ta nếu không vì mục đích nào đó mà phấn đấu, để tin yêu ...
10/04/2013(Xem: 4209)
Tôi ra đi rồi lại trở về. Hay nói khác đi là vừa trở về, tôi lại vội vã ra đi. Những chuyện đến đi như thế thường chưa bao giờ được tính toán trước. Về ý nghĩa ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]