Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Ngài đã đến, mang lại một nụ cười.

02/04/201321:13(Xem: 10784)
Chương 1: Ngài đã đến, mang lại một nụ cười.
Vụ Án Một Người Tu

Phần 1
Chương 1: Ngài Đã Đến, Mang Lại Một Nụ Cười.

Hòa Thượng Thích Như Điển
Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Viết về Ngài đã có nhiều sách vở đã viết, bằng đủ mọi thứ tiếng, kể cả ngôn ngữ tiếng Việt. Trong đó nhà văn Nguyên Phong ở Canada chuyển ngữ hai quyển bằng tiếng Anh "my land and my People", Nước Tôi và Dân Tôi. Cũng như quyển "Freedom in Exil", Tự Do Trong Lưu Đày. Nguyên Phong đã dịch xuất thần và mọi người đọc những quyển sách nầy, ai cũng muốn tìm hiểu sâu hơn nữa về bậc Thánh Tăng ấy.

Cách đây khoảng 7 năm, Ngài đã đến Hamburg, một thành phố lớn thuộc miền Bắc xứ Đức, có hơn 3 triệu dân cư ngụ. Nơi đó người Việt Nam mình sinh sống cũng đông và nơi đó có một Trung Tâm Phât Giáo Tây Tạng, do vị Đại Sư Geshe Thuben Ngawang hướng dẫn tinh thần. Đa số là những người Đức theo học Phật và cũng đã có nhiều người xuất gia mặc áo hoại sắc theo Tây Tạng.

Cũng vì nơi đây có Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng nên họ đã tổ chức buổi giảng công cộng cho Ngài và chúng tôi, Tăng Ni Việt Nam tại Đức đã được mời đến dự. Lúc ấy Ngài giảng ở một Hội Trường lớn của Đại Học Hamburg. Hội Trường chứa chừng 4 đến 5 ngàn người. Đầu tiên Ngài làm lễ theo truyền thống Tây Tạng, sau đó thuyết pháp. Sau 2 giờ, nghỉ giải lao để dùng trưa. Buổi chiều tiếp tục thuyết giảng. Trong suốt 5 giờ đồng hồ nghe giảng, cả Hội Trường 4-5 ngàn người đã chú tâm thành kính, không có một tiếng động, làm cho tôi có một suy nghĩ, một ấn tượng sâu đậm về bậc giác ngộ nầy.

Hôm ấy, vào lúc nghỉ trưa chúng tôi chỉ được phép chào Ngài và Ngài đưa tay cho bắt thế thôi. Khi xong buổi thuyết pháp, về lại chùa, tôi đã kể lại chuyện nầy cho bao nhiêu Phật Tử nghe và có người bảo tại sao Thầy không mời Ngài về Chùa mình giảng.

Lúc ấy nghe để mà nghe bậy thôi, chứ làm sao trả lời được câu hỏi ấy. Vì lẽ Chùa Viên Giác còn bé nhỏ quá, và vị trí của tôi lúc bấy giờ chưa xứng đáng để cung thỉnh Ngài về Hannover, nên tôi đã nói rằng: "chắc chắn một ngày nào đó Ngài sẽ đến Hannover, nhất là lúc mà chùa mới của mình đã được xây xong". Mà quả thật như thế, Chùa Viên Giác thật sự hoàn thành vào cuối năm 1994, thì năm nay 1995 chúng ta, Phật Tư Việt Nam tại Đức lại có duyên may để đón Ngài. Đây là câu chuyện.

Vào giữa tháng 3 năm 1995, ông Helmut Hanefeld người Phật Tử Đức đã ở Chùa Viên Giác hơn 2 năm, có thưa với tôi rằng:

- Bà Iris HeiB, đại diện tổ chức thân hữu Đức � Tây Tạng muốn gặp tôi để bàn về việc Đức Đạt Lai Lạt Ma nhân chuyến công du tại Koeln vào ngày 8 tháng 5 năm 1995 sắp tới, có ý tới thăm Chùa Việt Nam tại Hannover và Thầy nên cố gắng dàn xếp một cuộc họp nhỏ với ông Galtag, đại diện ngoại giao của Tây Tạng tại Thụy Sĩ, cũng sẽ đến Hannover để bàn về việc ấy" Đó là khởi đầu của công việc nầy.

Sau khi đi Indonésia về vào ngày 31 tháng 3 năm 1995 (xin đọc thêm bài "Một Chuyến Đi Vội" đăng trong Viên Giác số 87 xuất bản tháng 6 năm 1995 để hiểu thêm). Ngay trưa hôm đó tôi đã tiếp ông Galtag, bà Iris HeiB và có cả ông Helmut Hanefeld tại phòng họp của Chùa Viên Giác. Trên nguyên tắc, chúng tôi đã đồng ý việc cung đón Ngài đến Chùa Viên Giác tại Hannover, sau những nguyên tắc nghi lễ và ngoại giao đã được thông qua.

Trong dãy nhà Tây của Chùa Viên Giác, tôi có cho một Hội Phật Giáo Đức theo Tây Tạng có tên là "Choeling" một phòng lớn để làm chỗ lễ bái và tọa thiền. Hội "Choeling" cũng nhân cơ hội đó có ngỏ ý rằng sẽ hợp tác chung trong việc tổ chức đón rước ấy. Thế là chúng tôi đã đi đến một điểm chung là phải họp nhau lại để bàn bạc các chi tiết.

Một ngày giữa tháng 4 năm 1995, ba tổ chức đã họp lại để bàn bạc về việc đón tiếp Ngài. Đó là Chùa Viên Giác, Hội Phật Giáo Tây Tạng "Choeling" và Hội thân hữu Đức � Tây Tạng.

Chúng tôi ban đầu bàn và đã thống nhất với nhau là Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ tiếp các chính trị gia và đại diện 2 Tôn Giáo lớn Tin Lành và Thiên Chúa Giáo tại Chùa Viên Giác. Sau đó Ngài sẽ giảng pháp cho các Phật Tử nghe và về lại Koeln.

Hội Phật Giáo thân hữu Đức � Tây Tạng sẽ lo liên lạc với các chính trị gia của Đức. Phần mời đại diện các Tôn Giáo do Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam tại Đức và Hội "Choeling" đảm nhận. Về vấn đề hình thức tiếp đón như thế nào, sẽ họp thêm một phiên họp chi tiết nữa.

Sau khi đi họp tại Chùa Viên Giác về, bà Iris HeiB vui mừng quá nên loan báo liền với các báo chí tại Hannover về tin tức trên. Do đó vào sáng ngày hôm sau 17.4.1995 đã thấy báo Hannoversche Allgemeine Zeitung loan tin ở trang đầu là; "Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đến Chùa Viên Giác vào ngày 7 tháng 5 năm 1995". Sau đó có không biết bao nhiêu cú điện thoại hỏi về việc đến của Ngài. Chúng tôi lo lắng và phải tiên liệu cho những vấn đề khác nữa, nên cũng chưa giải thích được gì.

Đùng một cái, được điện thoại từ Thụy Sĩ của ông Galtag gọi sang là máy bay của Ngài đã đổi lộ trình, nên không còn đến Hannover được nữa. Tôi nghe như sét đánh vào đầu mình và có một cảm tưởng chán chường lại đến trong một trạng thái chẳng vui vẻ tí nào cả. Tất cả đều buông xả.

Xem như việc đã định vào ngày 7 tháng 5 năm 1995 Ngài không đến được nữa thì phải nhờ báo chí loan tin là Ngài không đến! Chuyện ấy cũng không sao; nhưng thấy như có cái gì không ổn. Chúng tôi yên chí làm việc ấy. Cách đó một ngày sau, chúng tôi lại nhận được điện thoại của ông Galtag báo tin rằng Ngài có thể đến như dự định vào ngày 7.5.95. Tôi lại càng uể oải hơn nữa để phải trả lời cho ông rằng: Tại sao nói đến rồi không đến, không đến rồi đến? Chúng tôi chẳng biết phải làm sao cả.

Sau đó tôi có hỏi ý kiến của 2 tổ chức kia, họ đều đồng ý rằng: Thôi để lúc khác tiếp đón cũng không sao.
Sau khi Ngài ở Koeln về Ấn Độ, chúng tôi được biết là Quốc Hội Đức đã đồng ý tiếp kiến Ngài tại Bonn vào ngày 19.6.1995 để Ngài điều trần về vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Cộng tại Tây Tạng và lần nầy chắc chắn Ngài sẽ đến Hannover.

Khi nghe được tin ấy tôi vẫn vui; nhưng cũng phải họp hết lại 3 tổ chức một lần nữa vào ngày 20.5.1995 để quyết định có nên tổ chức hay không? Tất cả đều lệ thuộc vào tôi. Riêng ông Helmut Hanefeld thì từ chối không thể tiếp tục làm việc nầy trong trạng thái căng thẳng nữa. Nghĩa là giờ giấc quy định quá cận, ông ta không thể làm tiếp được. Và sau nầy việc ấy giao lại cho bà Iris HeiB và Frank Salzubecker lo liệu.

Sau đó tôi liên lạc với ông Galtag xác nhận là chúng tôi sẽ tổ chức cho Ngài thăm viếng Hannover và nói chuyện tại đây vào ngày 18 tháng 6 năm 1995.

Mọi hình thức giống như trước, không có gì thay đổi. Nhưng bây giờ, lần nầy Ngài có nhiều thì giờ hơn, Ngài có thể ghé Tòa Thị Sảnh Hannover để trị gia tại đó; nên khỏi phải mời họ về Chùa.

Tôi đã phải hỏi đi hỏi lại ông Galtag nhiều lần là việc ấy đã chính xác chưa? Nếu lần nầy mà thất hứa với bà con Phật tử Việt Nam cũng như Đức nữa, quả là điều khó ăn nói vô cùng. Người lớn, dầu bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng có quyền thay đổi; nhưng đám bàng dân thiên hạ ở dưới thì cực khổ trăm điều. Chúng tôi cũng mong rằng việc nầy sẽ xong suốt và lần nầy chắc chắn phải tổ chức. Nếu không, cơ hội thứ hai sẽ khó đến một lần nữa. Mặc dầu thời gian đã quá cận kề.

Theo ý kiến của bà Iris HeiB thì nên tổ chức tại một rạp lớn để đón nhận nhiều người Đức đến nghe thuyết giảng hơn. Tôi có đưa ra 2 lý do để bác bỏ việc ấy:

- Một là � với tôi, một Tăng sĩ, đi đến bất cứ một nơi nào đó trên thế giới nầy. Nếu chỗ nào chưa có chùa tôi đồng ý sẽ ra rạp tụng kinh, làm lễ và giảng pháp. Ngược lại, nơi đó đã có chùa chiền và nhất là khang trang như chùa mình thì tôi thích giảng ở chùa hơn.

- Hai là � lần trước chúng ta cũng chỉ có ý định tổ chức ở chùa chứ không tổ chức ở rạp hát.
Qua 2 lý do đã nêu ra, mọi người đã thuận và sau đó những vấn đề như an ninh, nghi lễ tiếp rước v.v đã được đặt ra.

Nhân ngày lễ Phật Đản từ 18 đến 20 tháng 5 năm 1995 do Chùa Viên Giác tổ chức để mừng Đản Sinh lần thứ 2539 của Đức Phật, tôi đã thông báo bằng miệng cho mọi người tham dự lễ hôm đó về tin trên rằng:

-Chắc chắn lần nầy Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đến thăm Chùa Viên Giác chúng ta vào ngày 18.6.1995.
Sau đó tôi phải dời chuyến bay đi Canada thay vì 12.6 như đã định, mà đến ngày 19.6.95 tôi mới đến được Montréal.

Nhận bữa dùng sáng, tôi có đưa ra ý kiến nầy với quý Thầy quý Cô trong Chi Bộ về việc thăm viếng của Ngài và nhờ mỗi Chùa nấu 2 món để cúng dường Ngài cũng như phái đoàn và đại diện các Tôn Giáo.

"Cái gì đến, nó sẽ đến". Đó là câu nói tự ngàn xưa và bây giờ vẫn còn có giá trị thực tiễn lắm.

Và đây là chương trình của Ngài khi đến Hannover:
- 7 giờ 10 phút, Ngài đến phi trường Frankfurt. Ngài nghỉ ở phòng VIP (Very Important Person) tại phi trường.
- Đến 9 giờ 10 phút, Ngài và phái đoàn lấy phi cơ Lufthansa đi Hannover.
- Đến Hannover vào lúc 10 giờ 15 phút ngày 18 tháng 6 năm 1995. Ngài sẽ được bà Bộ Trưởng Tư Pháp của Tiểu Bang Niedersachsen đón về Tòa Thị Chính để ký vào sổ vàng lưu niệm và gặp gỡ các chính trị gia của Đức tại đó.
- Đến 11 giờ 45, Ngài rời Tòa Thị Chính về Chùa Viên Giác.
-Đúng 12 giờ trưa, chính tôi và chư Tăng Ni cùng Phật Tử thân hành đón tiếp Ngài tại cổng chùa, đưa Ngài vào Chánh điện, sau đó đến phòng Tổ và về phòng VIP của chùa để Ngài nghỉ ngơi. Sau đó dùng cơm trưa với đại diện của các Tôn Giáo tại phòng hội họp.
- 13 giờ 30, Ngài về phòng nghỉ.
- 13 giờ 45, Ngài làm lễ quán đảnh cho Hội Phật Giáo Tây Tạng "Choeling" trên lầu 3 của Tây Đường.
- Đúng 14 giờ, Ngài sẽ xuống Chánh điện Chùa Viên Giác. Nơi đó Ngài sẽ giảng về Tứ Diệu Đế, Quy y Tam Bảo và phát bồ đề tâm.
- Đến 16 giờ, Ngài sẽ rời Chùa và đi Bonn bằng xe hơi.

Đó là chương trình tổng quát. Sau đó, chúng tôi in ra 604 vé vào cửa nơi Chánh điện để có thể vào nghe Ngài thuyết giảng. Vì Chánh điện chỉ có thể dung chứa với số người tối đa như thế mà thôi. Trong 604 vé ấy phải chia cho 2 Hội Phật Giáo Đức 120 vé. Số còn lại, Bác Thị Tâm Ngô Văn Phát, Hội Trưởng Hội Phật Tử Việt Nam tại Đức gởi về các Chi Hội và các chùa tại các địa phương, mỗi nơi từ 10 đến 20 vé, tùy theo nhu cầu từng nơi.
Có nơi về 50 người nhưng chỉ có 20 vé. Vì ai cũng muốn vào Chánh điện để diện kiến Ngài. Nhưng rồi chuyện đâu cũng vào đấy. Người nào không có vé vẫn được xem trực tiếp truyền hình dưới Hội Trường của Chùa cũng như tại nhà Tổ.

Tôi lo liên lạc với bãi đậu xe của Messagelaende.

Frank lo liên lạc với Cảnh sát địa phương về vấn đề an ninh và trật tự.

Bà Iris HeiB lo liên lạc với chính quyền.

Peter Hollig lo nội bộ của tổ chức v.v và v.v

Từ chiều thứ sáu ngày 16 tháng 6 năm 1995 và ngay cả trước đó một tuần đã có nhiều Phật Tử về chùa làm công quả. Kẻ nấu bánh, người lau chùi, kẻ dọn dẹp, người trang hoàng. Một khung cảnh của ngày hội đã tưng bừng khai mở.

Hiền, một Phật Tử đã tận tụy lau những bộ ghế cẩn xa cừ và những bộ ghế cẩm lai một cách kỹ lưỡng, láng bóng để cung đón Ngài. Các anh em công quả khác trong chùa cũng đã làm hết phận sự của mình.

Theo chương trình đã định sẵn, Hạnh Tấn, Peter, bà Iris HeiB, ông Phunksok, Hội Trưởng Hội Phật Giáo Choeling đã đi tới phi trường Hannover để cung đón Đức Đạt Lai Lạt Ma vào lúc 10 giờ 15 phút.

Ở chùa vào lúc 10 giờ sáng, mọi người đã phải ra hết bên ngoài, để cho Cảnh sát an ninh đem chó vào tất cả mọi phòng ốc để cho Cảnh sát an ninh đem chó vào tất cả mọi phòng ốc để kiểm tra có an toàn không. Cổng chùa cũng được đóng lại tất cả và mọi người đi vào chùa đều được kiểm soát bằng "máy rà" tự động để kiếm soát chặt chẽ về vấn đề an ninh.

Trứơc đó 2 tuần, tôi có gặp Thượng Tọa Thích Minh Tâm tại Na Uy nhân lễ an vị Phật chùa Khuông Việt, có ý mượn mấy cái "máy raޠđể làm việc kiểm tra ấy. Vì trước đây chừng 5 tháng, Thượng Tọa cũng đã tổ chức một buổi nói chuyện cho Đức Đạt Lai Lạt Ma với Hội Phật Giáo Tây Tạng tại rạp Maubert ở Paris. Vé vào cửa 70FF cho một người. Lúc ấy có nhiều người Phật Tử Việt Nam bảo rằng: "Đi nghe thuyết pháp tại sao phải mua vé?". Cho đến khi vé phòng A bán đã hết, qua đến phòng B bán gần hết khoảng 4.000 chỗ ngồi, thì người Việt Nam mình mới hỏi mua. Lúc ấy chỗ tốt không còn nữa, họ cũng than phiền. Đến khi vào cửa. Vì vấn đề an ninh, bị soát vé và qua hệ thóng máy rà, mấy người Việt Nam mình lại than phiền lần nữa. Tại sao đi nghe thuyết pháp phải bị rà?
Ai cũng phải tự biết rằng Ngài là cái gai nhức nhối trong vết thương của Trung Cộng khi chiếm Tây Tạng, nên Trung Cộng tìm đủ mọi cách để hạ uy tín của Ngài, nên bằng mọi thủ đoạn, Trung Cộng có thể làm được. Còn chúng ta, bằng mọi giá chúng ta phải bảo vệ Ngài. Ngài không những chỉ là một Thánh Tăng, mà Ngài còn là một bậc Quốc Vương của quốc gia Tây Tạng nữa. Tuy dân số chỉ có 6 triệu người; nhưng diện tích của Tây Tạng bị Trung Cộng chiếm đóng lớn gấp mấy chục lần nước Việt Nam của chúng ta. Nên việc bảo vệ Ngài là điều hiển nhiên.

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 18.6.95, tôi cũng phải ra khỏi cổng chùa để cho nhân viên an ninh kiểm soát. Sau đó tôi có gặp Ngài Geshe Thuben Ngawang đến từ Hamburg với 1 Ngài Geshe nữa người Tây Tạng và 4 Tu sĩ Đức tu theo Tây Tạng đang ở chung với Ngài. Chúng tôi chào hỏi và chờ đợi. Có người ra báo cho tôi biết là an ninh bảo phải dọn cái ghế trong phòng hội họp của Ngài ngay vào giữa bức tường, không nên để ghế ngay giữa cửa sổ. Tuy có sáng sủa đó; nhưng thiếu an toàn. Đúng là chuyên môn. Nếu không làm an ninh, làm sao hiểu được điều đó. Những vị lớn của các quốc gia, đều có những an ninh nghiên cứu về vấn đề đó cả.

Khoảng 11 giờ 30 mọi hàng ngũ đã được chuẩn bị chỉnh tề như sau:

Từ ngoài ngỏ đi vào hai bên có Tăng Ni đứng nghinh đón, sau đó là các thiếu nữ trong Gia Đình Phật Tử mặc đồng phục áo dài màu lam, trên tay mang đĩa đựng hoa để rải cúng dường Ngài, đứng dọc lên tới tượng Đức A Di Đà, nơi đó Hòa Thượng Thích Thiền Định, Viện chủ chùa Pháp Hoa tại Marseille và Cố vấn Tối cao của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất AⵠChâu chờ đón Ngài. Bên cạnh đó một thiếu nữ mang bó hoa đứng chờ. Trong khi tôi đứng sát cổng trước để cung đón Ngài.

Gia Đình Phật Tử lo vấn đề bê và tích trượng, chuông trống bát nhã cũng như làm hàng rào danh dự thẳng tắp từ ngỏ vào Chánh điện, từ Chánh điện vào hậu Tổ và từ hậu Tổ vào Tăng phòng VIP của chùa. Kế đó mỗi một cửa ra vào của chùa đều có hai em trong Gia Đình Phật Tử đứng lo vấn đề an ninh. Ngoài ra an ninh chìm nổi của Đức và Tây Tạng đều có mặt mọi nơi tại chùa. Phải thành thật mà nói rằng, lần nầy các anh chị em trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Đức đã làm việc hết mình, có tinh thần trách nhiệm rất cao độ, tuyệt đối, rất đáng tán dương và khích lệ.

Đúng 12 giờ trưa, các chiếc xe Cảnh sát mở đường, với đèn chớp đi trước, sau đó chiếc xe Audi màu xám đã trờ tới trước đường Karlsruher. Tôi trong trạng thái cung kính chắp hai tay lại và chuẩn bị trao hoa cho Ngài. Một vài người Đức đứng bên cạnh chuẩn bị cung đón Ngài với hai hàng nước mắt rưng rưng vì cảm động. Có người đã trao cho tôi một dải lụa trắng, mà theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, nếu được Ngài choàng lên cổ cho, là một dấu hiệu an lành. Tôi quay nhìn lại thấy Hòa Thượng Thích Minh Lễ đến từ Paris trong tay cũng có dải lụa trắng ấy và quý Thầy, quý Cô, quý chú, ngay cả quý vị sư Tây Tạng và Đức đến từ Hamburg cũng đã chuẩn bị những dải lụa trắng sẵn sàng rồi. Tôi đỡ lấy một khăn trắng từ tay một người Đức và để chồng lên trên bó hoa, khi một thiếu nữ Gia Đình Phật Tử đã quỳ xuống và tôi đã dâng bó hoa lên Ngài cùng dải lụa trắng, sau khi ông Galtag đại diện Bộ Ngoại Giao của Tây Tạng ở Thụy Sĩ giới thiệu tôi cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi cứ ngỡ rằng dải khăn trắng tôi vừa trao lên tay Ngài, Ngài sẽ choàng lên cổ tôi như tục lệ Tây Tạng; nhưng ở đây thì không, Ngài đã tự lấy dải lụa trắng ấy choàng lên cổ Ngài. Sau nầy tôi mới phát hiện ra trên một hình màu của tờ báo Neue Presse đã đi tin vào ngày 19.6.95 như vậy. Ngay lúc đó tôi lại không để ý đến điều đó. Tôi cúi đầu thật sát và Ngài đã đem đầu Ngài cụng vào đầu tôi, đưa tay cho tôi bắt và một điều ngạc nhiên vô cùng, khi tôi muốn thi lễ càng sâu chừng nào để tỏ ra sự kính trọng của mình, thì Ngài càng cúi sâu xuống chừng đó. Quả thật thế gian nầy hiếm có những con người thật người như thế.

Ngài vẫy tay chào mọi người, Ngài cười, Ngài dang tay rộng ra và áp sát vào đầu vào cổ, vào tay mọi người thân hình của Ngài để cho mọi người được hưởng phước lây. Trong khi mặt mày của mấy ông giữ an ninh thì xám ngắt. Vì quần chúng bao vây đông nghẹt. Nhưng Ngài vẫn cười, vẫn bắt tay và vẫn tiến tới. Khi đến cầu thang, chuông trống bát nhã đã vang lên để cung đón Ngài, trong khi đó các nhiếp ảnh gia, phóng viên truyền thanh, truyền hình làm việc không ngớt tay.

Thầy Từ Trí đi sau mang lọng che Ngài. Đi phía trước có 3 chú Hạnh An, Hạnh Từ và Hạnh Vân, đánh khánh, mang mâm hương đèn cũng như mâm trầm đi trước cùng với 6 em bảnh trai trong các Gia Đình Phật Tử tay mang găng màu trắng với các bê, tích trượng nặng trĩu cả tấm lòng để cung đón Ngài.

Ngài lên tới sân thượng, thay vì đi thẳng để gặp Hòa Thượng Thích Thiền Định, Ngài lại đi qua phía bên trái "balkon" để vẫy tay chào các Phật Tử ở phía dưới, mọi người quá cảm động, có người đã khóc nức nở vì quá sung sướng đã gặp được một vị Phật sống rồi.

Khi Ngài đến tam cấp lên Chánh điện, Hòa Thượng Thích Thiền Định đã trao cho Ngài một bó hoa, đoạn Ngài tiến sát đến Hòa Thượng và cụng đầu vào nhau. Một cử chỉ rất thân mật, như đã gặp nhau từ mấy độ luân hồi.
Đoạn Ngài ngẩng mặt lên nhìn tôn dung của Đức Phật A Di Đà và Ngài đã cụng đầu mình xuống tòa sen nơi Đức Phật A Di Đà đang đứng đó. Tâm tôi xao xuyến lạ lùng. Hành động của một vị Thánh Tăng làm cho mình phải cảm động. Ngài từ tốn quá, Ngài cao siêu quá; nhưng Ngài cũng rất bình thường quá. Bàn chân của Ngài khi chạm vào thảm, Ngài đã lo cởi bỏ giày lại liền. Có một người hộ vệ lo cho Ngài việc nầy.

Chuông trống vẫn vang rền nơi Chánh điện, các đèn pha quay phim của anh Phạm Cường, anh Bính, anh Chinh đã rọi thẳng vào mọi người, nóng bỏng. Ngài và Hòa Thượng Thiền Định tiến vào Đại điện, trong khi quan khách hai Tôn Giáo đã đứng chờ sẵn hai bên hông của Chánh điện. Ngài nhìn lên cao thấy chiếc Ngai vàng và chư Phật, đoạn Ngài đảnh lễ 3 lạy. Hòa Thượng Thiền Định cũng thi lễ với Ngài.

Chiếc Ngai nầy do anh Dũng, thợ mộc, ở Hildesheim đóng một bệ lớn và 1 tam cấp. Trên bệ đó Sư cô Thích Nữ Diệu Ân đã bỏ rất nhiều công sức để kết các hạt cườm màu trắng, may thành nhiều nếp trên vải nỉ màu nâu, rất trang trọng và đẹp đẽ. Phía trước Sư cô cho cắm những bông hoa cúc hoa hồng, hòa lẫn với các cây thông và bạch dương, trông như một vườn hoa nho nhỏ xinh xinh, nhiều màu, nhiều sắc. Trên bệ ấy đặt một chiếc Ngai chạm trổ tinh vi gồm "Ngũ Long Tranh Châu". Ghế này phải 4 người khiêng mới nổi. Trên Ngai ấy có để hai gối nệm và một tấm cửu phẩm liên hoa trải dài suốt từ thành ghế bên trên, xuống dưới chân ghế, dài độ chừng 2 thước. Hoa sen màu hồng, lá màu xanh, thêu nổi trên nền vàng và 4 phía được kết chung với màu vải nâu, rất hợp mắt. Trông như Ngai vàng của các Chúa Thượng ngày xưa cũng chưa chắc bằng và ngày nay, hôm nay đây đã ngự trị nơi Chùa Viên Giác để một bậc Quốc Vương vừa là một Thánh Tăng an tọa trong chốc lát nữa đây.

Ngài và chư Tăng Ni đứng xoay mặt về hướng trước, sau đó Đại diện các Tôn Giáo bạn đến bắt tay chào Ngài và chụp hình lưu niệm chung. Đây cũng là cơ hội cho các phóng viên làm việc. Vì họ không được phép đi sâu vào bên trong Đại điện nhiều hơn nữa.

Sau đó bê tích, khánh được hướng dẫn Ngài tiếp tục đến Tổ Sư đường. Ngài hỏi tôi phòng nầy là phòng gì? và long vị ở giữa thờ ai vậy?

Tôi trả lời rằng:
- Đó là long vị của Tổ Lâm Tế và Ngài không nhất thiết phải thi lễ nơi đây.

Tôi nói lời ấy trong khi Ngài chuẩn bị thi lễ. Bởi lẽ một bạc Thánh Tăng không nhất thiết phải làm điều đó. Vì Ngài là hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, và bên trên bàn thờ Tổ đó vẫn hình ảnh những vị phàm Tăng.

Tôi tiếp tục hướng dẫn Ngài về Tăng phòng VIP của chùa. Lúc nầy chỉ còn Ngài, một Thị giả của Ngài, Hòa Thượng Thiền Định, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, tôi và một vài cận sự của Ngài vào đây.

Tôi đưa tay mời Ngài ngồi vào ghế bành thật lớn cho xứng đáng với vị trí của Ngài; nhưng Ngài chỉ về 1 trong 4 ghế nhỏ hơn kê đối diện và Ngài đòi ngồi vào đó. Tôi và Hòa Thượng có ý khẩn khoản mời Ngài ngồi ghế lớn bên nầy. Đoạn Ngài cười và tôi hỏi:

- Xin lỗi Ngài có muốn dùng nước gì không?
Ngài trả lời:
"No"
Nhưng Hòa Thượng Thiền Định một mặt sai người đi lấy nước, mặt khác Hòa Thượng tự tay lấy chai nước suối gần đó để rót một ly và mời Ngài.
Ngài đã ngụm hai ngụm, rồi cười. Tiếp theo đó Ngài hỏi rằng:
Trong tu viện nầy có bao nhiêu Tu sĩ?
Tôi trả lời:
- Có 10 người Tăng và Ni.
Ngài cười
Tôi hỏi Ngài có phải đi rửa mặt không?
Ngài bảo không cần thiết. Chỉ có vị Thị giả của Ngài vào phòng rửa mặt mà thôi.

Trong khi chúng tôi hầu chuyện Ngài, nhân viên an ninh vẫn đứng đó và ngoài cửa các anh em Gia Đình Phật Tử canh gác thật chu đáo, không cho một ai vào hết, chỉ có máy quay phim anh Phạm Cường quay cho Chùa Viên Giác và máy của Chùa Thiện Hòa là được phép vào đây mà thôi.

Tôi và Hòa Thượng Thiền Định, Hòa Thượng Minh Lễ hướng dẫn Ngài vào ghế ngồi, trong khi đó mọi vị khách quý đã đứng dậy để cung đón Ngài. Bàn tiệc hôm nay có 33 vị. Mỗi vị Đại diện một Tổ chức quan trọng của mình trong 3 Tôn Giáo có mặt tại Hannover. Thêm sự có mặt của ông Dr. Meihorst, người Cố vấn cho Chùa Viên Giác và là Chủ Tịch của các Kỹ Sư tại Tiểu Bang Niedersachsen.

Đồng thời bà vợ ông Thị Trưởng thành phố Hannover, Schmalstieg cũng có mặt tại đây, trong buổi tiệc nầy. Trong một bài báo ngày hôm sau 19.6.95, bà đã tuyên bố với phóng viên báo chí Neue Presse rằng:

"Bà đã gặp một con người trọn vẹn như chưa bao giờ bà gặp được một con người như thế. Ngài là người tượng trưng cho cởi mở, vị tha và từ bi vô lượng".

Bên Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Đức có tôi, Thượng Tọa Thích Minh Phú, Ni Sư Thích Nữ Diệu Tâm và Sư Cô Thích Nữ Diệu Ân. Thầy Từ Trí, Thầy Hạnh Tấn, Sư Cô Thích Nữ Như Viên và Sư Cô Thích Nữ Diệu Hạnh lo điều khiển cho 12 em thiếu nữ Chùa Phật Bảo mặc áo dài màu vàng dâng vật thực để cúng dường. Chị Mỹ Anh một thông dịch viên dũng đã nói tiếng Anh giới thiệu các món ăn cho quan khách.

Sau khi tôi giới thiệu với Ngài về Đại diện của các Tôn Giáo và các Tổ chức, thì các thiếu nữ Phật Tử mang món tráng miệng vào. Theo thực đơn hôm đó có 4 món khai vị (thông thường chỉ 1 hay 2 món là đủ); nhưng hôm đó quý chùa và quý Sư cô đã trổ tài nên màu mè hoa lá đã được phô trương một cách hoan hỷ lạ thường.

Theo dự định chỉ có 8 món thôi; nhưng qua thực đơn cho thấy hơn 15 món. Chùa Phật Bảo 5 món. Chùa Quan Âm 3 món, Chùa Bảo Quang 3 món, Chùa Viên Giác 3 món, Chùa Thiện Hòa 1 món và cuối cùng là món trái cây của nhà hàng Jasmin Carten của Thị Chơn cúng dường.

Món khai vị thứ hai có 4 con rồng làm bằng củ cải trắng. Rồng phun lửa thật sống động, sau khi lửa cháy hết, các cô thiếu nữ lại mang vào bàn tiệc. Ai cũng hoan hô về mặt tổ chức lịch duyệt nầy.

Đến món "Én liệng quả địa cầu" của Sư cô Diệu Ân cũng được mọi người trầm trồ và nói với nhau rằng: Họ chưa bao giờ dùng được những món chay ý vị như thế. Trong khi đó một ông cận vệ sơ ý như thế nào đó đã đụng phải một bình bông, vỡ tan, nghe giòn tai như tiếng pháo. Một người Đức bên cạnh thốt lên "sehr gut" (rất tốt) là ý nghĩa của người Tây phương khi đám cưới tiệc tùng, chén dĩa không bể, họ phải tự đập cho bể để thấy điềm hên. Trong khi đó, người Á Châu mình thì kiêng cữ điều nầy nhiều lắm.

Cứ thế tiếp tục món nầy lên, món khác xuống, thoăn thoắt như thoi đưa. Một số vị trong Bộ Ngoại Giao Tây Tạng ở Thụy Sĩ và vị Thị giả ngồi một bàn bên cạnh để dùng trưa, chứ không ngồi chung bàn với Đức Đạt Lai Lạt Ma và quan khách.

Tôi có nói với Thầy Từ Trí là tối đa đến 1 giờ 25 phút mọi món phải được mang lên để cho Ngài và khách dùng. Vì Ngài còn phải về phòng ngơi nghỉ nữa.

Trước khi dùng đến phần tráng miệng, tôi có đứng lên thưa rằng:

Hôm nay quả là một nhân duyên chúng con mới cung đón được Ngài và xin Ngài cũng như những vị khách quý xin ghi vài lời vào Sổ Vàng Lưu Niệm nầy để kỷ niệm.

Ngài hoan hỷ để viết ngay vào sổ bằng tiếng Tây Tạng. Tôi chẳng biết Ngài đã viết những gì. Vì sau khi tiễn đưa Ngài đi, tôi không có thì giờ để hỏi những người Tây Tạng khác về nội dung của những chữ ấy. Vì ngày hôm sau 19.6.95 tôi đã phải đi Canada rồi. Hy vọng khi về lại Đức tôi sẽ hỏi anh Phunksok, Hội Trưởng Hội Phật Giáo Choeling về ý nghĩa của những dòng nầy.

Tiếp đó là Hòa Thượng Thích Thiền Định, Hòa Thượng Thích Minh Lễ và những vị khách quý đã ký tên vào Sổ Lưu Niệm nầy. Đây là một bảo vật của Chùa Viên Giác lưu niệm về sau, để cho biết rằng dấu chân của vị Thánh Tăng đã có mặt tại chùa nầy vào ngày tháng ấy.

Đoạn, Ngài đứng dậy để chuẩn bị rời khỏi phòng, Sư cô Diệu Hạnh hướng dẫn các em quỳ xuống thi lễ Ngài, trên tay mỗi người có một khăn choàng trắng. Ngài đã ân cần cúi sát người xuống lấy tay xoa đầu, hoặc nắm tay của các Phật Tử để ban cho một hồng ân từ ái.

Tôi đưa Ngài ra ngoài cửa phòng, bên hành lang có một số anh em Phật Tử đứng canh gác. Một số khác đang cúi đầu xuống dể chờ Ngài đi qua. Đến chỗ bàn vong, Ngài hỏi hình ai mà nhiều quá vậy? Và vị nào đứng đó.

Tôi trả lời Ngài:
- Bạch Thánh Tăng (His Holiness). Đó là những người đã quá vãng và hình Bồ Tát Địa Tạng ở dưới địa ngục để cứu khổ độ sanh.

Trở lại căn phòng VIP, tôi mời Ngài ngồi và thưa hỏi Ngài một vài việc cần thiết. Sau đó tôi nhờ Ngài ký cho một số sách bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đức đã viết về Ngài mà trước đó mấy ngày họ đã nhờ tôi làm việc ấy. Trong ấy có một quyển của một người Đức viết về nước Tây Tạng năm 1959 với nhan đề là: "Tôi đã ở Tây Tạng 7 năm". Tôi lật một số trang và nói rằng: những hình ảnh nầy đây xưa lắm Ngài có nhớ chăng?

Ngài nói:
- Đây là anh của tôi. Đây là mẹ của tôi và đây là em gái của tôi.

Sau đó tôi nhờ Ngài chú nguyện vào 2 khăn lau mặt để gởi về Việt Nam cho các Phật Tử họ thờ. Có lúc tôi điện thoại về Việt Nam để thăm, tiện thể báo tin việc Ngài sẽ viếng Chùa Viên Giác. Có người nhờ các Phật Tử khác mang các khăn nầy tới để Đức Đạt Lai Lạt Ma chú nguyện để họ thờ. Quả thật tiếng tăm của Ngài và lòng từ bi của Ngài đã bay xa quá, hơn mấy từng mây và mấy từng không gian cách trở; nhưng nó không dừng lại ở đó. Đúng là phép Phật nhiệm mầu. Mặc dầu quê hương Ngài đã bị mất; nhưng trong hiện tại Ngài đã có tất cả. Ngược lại, Trung cộng đã có được đất đai; nhưng đã làm mất hết lòng dân. Vì thế, sớm muộn gì rồi Ngài cũng sẽ trở về quê hương xứ sở của Ngài, như người Việt, một ngày không xa, họ sẽ đoàn tụ trong tình tự quê hương của họ.

Tôi qùi xuống trứơc mặt Ngài để thưa về chương trình chiều nay:
"13 giờ 45 phút Ngài sẽ đi làm lễ trên phòng Phật Giáo Tây Tạng.
Đúng 14 giờ con sẽ đón Ngài ra Đại điện để thăng tòa thuyết pháp.

Cuối giờ kính mong Ngài làm lễ chú nguyện vào 2 đĩa gạo để phía trước dùm. Vì bao nhiêu người Phật Tử muốn có được ơn pháp nhủ ấy. Nếu còn thì giờ xin Ngài cho chúng con xin đặt một số câu hỏi và cuối cùng con sẽ dâng quà kỷ niệm và cúng dường Ngài".
Tôi thưa Ngài, Ngài sẽ nói bằng tiếng gì?
Ngài bảo: Tiếng Tây Tạng.
Tôi tiếp, vậy sẽ được dịch sang Đức ngữ và Việt ngữ.
Ngài trầm ngâm một chút rồi nói: Vậy là 3 ngôn ngữ, rồi cười.

Trong khi tôi lay hoay xếp đặt mấy quyển sách mà Ngài đã ký, thì những vệ sĩ mang thêm một số sách và sổ lưu niệm khác vào để cho Ngài ký nữa. Ngài dở sổ lưu niệm trong ấy óc viết chữ Tây Tạng, Ngài đọc và nói gì đó với mấy người Tây Tạng, nhưng rồi cũng nắn nót viết từng chữ vào.

Tôi mời Ngài lên long sàn nghỉ 10 phút, nhưng Ngài bảo: Thôi, được rồi. Đoạn, Ngài vào phòng tắm để rửa mặt và chuẩn bị đi làm lễ trên phòng Tây Tạng. Khi Ngài bước ra, các người cận vệ đưa Ngài lên lầu ngã sau để đi đến Tây Đường. Vì ngã trước đã chật. Có hơn 45 người Đức đã ngồi chờ sẵn trên đó rất thành kính. Tôi không biết 15 phút trên ấy Ngài đã làm gì, nhưng chắc chắn là có chú nguyện vầ thiền định. Vì lúc ấy tôi phải ở dưới để chuẩn bị đón Ngài lên Đại điện.

Chiều hôm trước tôi đã lên phòng nầy để thăm, thấy mấy Phật Tử người Đức nầy đã tụ họp lại để chưng dọn bàn thờ và dọn dẹp sạch sẽ. Họ cũng đã làm cho Ngài một cái Ngai theo lối Tây Tạng truyền thống.

15 phút trôi qua, Ngài đã trở xuống, tôi đón Ngài lên Đại điện. Trên đường đến bàn thờ vong, có Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm và Sư cô Thích Nữ Diệu Ân đang đứng đó, gặp Ngài, nhị vị nầy quì xuống chắp tay thi lễ. Ngài đã lấy tay xoa lên đỉnh đầu hai vị, ôm sát họ vào lòng như tình mẹ thương con. Đúng là Quan Âm tái thế. Ngài hỏi Bishuni? Tôi "Yes! his Holiness". Các vị nầy chắc cảm động lắm và biết đâu nhờ định lực của Ngài mà họ sẽ đắc quả trong tương lai.

Tôi hướng dẫn Ngài lên Phật điện, tất cả chư Tặng Ni đồng loạt đứng lên, toàn thể đồng bào Phật Tử Việt cũng như Đức đã đông nghẹt cả Chánh điện, trang nghiêm thành kính đứng lên. Tôi đưa Ngài đi đến Ngai vàng, hướng dẫn ngài lên tam cấp; nhưng Ngài đi trệt qua phía trước, đỡ một Phật Tử đang thi lễ nằm sát đất tại đó. Đoạn Ngài bước ra ngay trước giữa Ngai vàng và Chánh điện lạy 3 lạy, sau đó Ngài mới thăng tòa, ngồi bán già và bắt đầu cười với mọi người. Một không khí trang nghiêm kính cẩn hướng về Ngài. Còn nơi Ngài tỏa ra một tình thương vô biên rộng lớn cũng như một trí tuệ sâu thẳm của một bậc Đại Giác Ngộ, đã chinh phục hầu hết tất cả mọi người Việt cũng như Đức tham dự buổi thuyết giảng hôm đó.

Tôi đứng ngay ngắn trước mặt Ngài và cúi mình xuống thật sâu, quì xuống thật vững và nắm mọp người xuống để đảnh lễ Ngài 3 lần và trở về vị trí bên cạnh.

Trong khi đó Hòa Thượng Thích Thiền Định đứng lên đọc lời tán dương Ngài bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, còn bản tiếng Anh, Hòa Thượng bảo tôi đọc. Nội dung của bài tán dương nói lên việc thế giới ngày nay đang băng hoại về mọi lãnh vực của tinh thần. Còn ngài là hiện thân của từ bi và chân lý. Mong rằng Ngài sẽ luôn luôn tiếp tục tranh đấu cho đường hướng bất bạo động ấy. Mọi người đã vỗ tay tán thưởng.

Tôi trở về lại chỗ ngồi của mình, ngồi gần với Thượng Tọa Thích Minh Phú. Nơi đó đã để sẵn một bức tranh sơn mài Chùa Một Cột để kính tặng Ngài và trước mặt tôi có để một khay cẩn xà cừ, trên ấy có để một cái đĩa.

Trên đĩa ấy có để một bì thư trắng, trong đó có 10.000 Đức Mã để cúng dường Ngài. Ngồi từ đây tôi có thể quan sát được hết mọi người, từ trên hàng ghế cạnh tường có các vị Giám mục, Tu sĩ, cho đến ông Dr. Meihorst. Phía bên kia tường óc ghế ngồi của phu nhân ông Thị trưởng Thành phố Hannover và những khách quý.

Câu nói đầu tiên Ngài bảo rằng:
"Hôm nay tôi đến đây không phải với tư cách của một Đạt Lai Lạt Ma, mà là với tư cách một người tạn như những người Việt Nam hiện ở nơi đây".

Thế là một tràng pháo tay vang dội cả Đại điện chứa 604 người có giấy mời, 30 quan khách, hơn 100 đoàn sinh Gia Đình Phật Tử và hơn 30 Tăng Ni.

Ngài nói rằng:
Những người Phật Tử truyền thống, có nghĩa là khi sinh ra đã là Phật Tử, xin cố gắng gìn giữ nề nếp tôn giáo của mình. Vì đây chính là sợi dây vô hình gắn chặt mình với quê hương và nguồn cội.

Rồi Ngài chuyển qua đề tài "Tứ Diệu Đế" một cách linh hoạt. Ngài nói về Khổ Đế, về Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.
Về Khổ Đế, Ngài nói nếu cứ đóng cửa hoài như vậy thì cũng khổ lắm. Sao hôm nay nóng thế?

Thế là một tràng pháo tay lại vang lên, hai cánh cửa giữa nơi Đại điện được mở ra, ngồi bên trên nầy nhìn ra thấy Đức Phật A Di Đà đang ngự trị trên một tòa sen tại đó.

Không biết có phải đèn quay phim chiếu dọi nhiều quá, hay lại vì người đông mà hôm đó nóng thế, trong khi đó bên ngoài nhiệt độ chỉ 10 độ C mà thôi. Theo tôi, có lẽ nhờ thần lực gia trì của Ngài mà Đại điện nơi đây đã nóng hẵn lên. Vì trước đó đèn pha cũng chiếu như thế nhưng Đại điện vẫn lạnh như thường. Phải chăng một vị Thánh có đủ quyền uy như thế?

Ngài nói về thánh thiện và tội lỗi và Ngài nói:
Muốn chứng được quả vị giác ngộ giải thoát chỉ cần giữ giới cho thanh tịnh và thực tập thiền định, hướng về nội tâm thì sự an lạc mới vĩnh cửu.

Ngài đã nhấn mạnh rất nhiều lần về điều nầy. Và đây cũng chính là đường về nội tâm của Đạo Phật vậy.

Ngài đã kêu gọi Đại diện các Tôn giáo khác hãy có trách nhiệm trong vấn đề hòa bình của nhân loại và cũng đừng nên nhân danh Tôn giáo nầy hay Tôn giáo nọ để chinh phục kẻ khác, mà hãy tự mình nêu cao giá trị nội tâm của mình. Đó mới là con đường hòa bình vĩnh cửu của nhân loại.

Đoạn nầy được vỗ tay lâu nhất, cả phần tiếng Đức và tiếng Việt. Hôm đó ông Christof dịch tiếng Tây Tạng ra tiếng Đức rất hay và Hạnh Tấn dịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt cũng rất trôi chảy, nhuần nhuyễn.

Phần phát bồ đề tâm, Ngài không đề cập đến nhiều có lẽ vì ít thì giờ và Ngài dừng bài thuyết pháp lại vào lúc 15 giờ 40 phút.

Tôi có trờ tới để thưa Ngài là cho phép Phật Tử hỏi chừng 10 phút. Ngài đồng ý và các câu hỏi được bắt đầu.
Có một người Đức xin được đặt câu hỏi. Nhưng Ngài bảo hôm nay đặc biệt cho người Việt Nam, nên người Đức ấy lại thôi. Đây là lần thứ 3 Ngài đã lưu tâm về vấn đề ấy. Lần thứ nhất khi ở phi trường, phóng viên đài truyền hình NDR hỏi Ngài tại sao Ngài đến Hannover?

Ngài bảo rằng: Tôi đến đây vì những người Việt Nam.

Cả 3 lần như chúng ta thấy, quả Ngài đã rất quan tâm đến vấn đề của Việt Nam chúng ta rất nhiều. Chúng ta không may mắn được như nhân dân Tây Tạng, có một bậc chân tu thực chứng như Ngài, nên vấn đề hòa hợp, thống nhất vẫn còn triền miên khổ hải. Còn Ngài, là hiện thân của chân lý, nên người Âu Mỹ đã xem Ngài là một sứ giả của hòa bình, nên năm 1989 Ngài đã được lãnh Giải thưởng Nobel Hòa Bình cũng nằm trong ý nghĩa đó.
Trước đây Ngài đến Đức, các chính trị gia ít lưu tâm; nhưng sau bao nhiêu tháng ngày hoạt động kiên trì, mềm dẻo của Ngài đã làm mềm lòng những người cầm quyền tại Âu Mỹ. Bằng chứng là ngày mai 19.6.95, Ngài điều trần trước Quốc Hội Đức về vấn đề Trung Cộng vi phạm nhân quyền tại Tây Tạng một cách trầm trọng.

Nghe qua bài pháp có người rất thấm thía. Ngồi bên trên nhìn xuống, tôi thấy có người đang ngử gục và sau nầy nghe kể lại rằng dưới Hội Trường với hệ thống trực tiếp truyền hình, ban đầu đã đầy người, cũng rất trang nghiêm thành kính; nhưng vào cuối giờ chỉ còn lại những người Đức đang thành kính lắng nghe. Còn người Việt thì hầu hết đi ra ngoài và hay thích nói chuyện riêng. Đó có lẽ là dân tộc tính của người Việt Nam mình chăng?! Nhưng phải thành thật mà nói, trên Đại điện chùa Viên Giác hôm đó gần 800 con người với 800 quả tim, 800 khối óc, ai ai cũng đều cùng một nhịp thở và thấm sâu từng lời nói, từng động tác của Ngài trong khi thuyết giảng. Nhìn xuống xa hơn, tôi thấy Chánh điện bên trái và bên phải vẫn còn trống, như thế, ít nhất Đại điện chùa Viên Giác phải chứa đến 900 người mới chật hoàn toàn.

Ngài đã nói một dung bài pháp như Đức Phật đã nói tự mấy ngàn năm nay; nhưng điều căn bản ở đây, nếu có thật tu mới thực chứng được. Cũng như có ăn mới có no. Nếu không tu cũng như không ăn thì sẽ không bao giờ chứng và no được. Đó là một chân lý cần phải hiểu rõ.

Trước và sau đó có nhiều người đem con của mình tới cho Ngài xoa đầu cho bớt bệnh, hoặc muốn gần Ngài để được thần lực chở che v.v Tôi có nói rằng: Ngày xưa Phật đã bảo � ai tu cũng thành Phật cả, tự mình chẳng lo tu, khi thấy người ta thành Phật rồi, mình lại đến ké nhờ ơn đức ấy, quả thật là khó nói. Mọi người đều hiểu ý tôi, cười � nhưng rồi việc đâu cũng vào đó. Vì họ thấy tu hành sao khó khăn quá, thôi cứ chờ cho ai đó tu có kết quả thì mình cậy nhờ vậy. Đó là một cái bệnh lười của chúng sanh. Chúng sanh lúc nào cũng sợ đọa vào trong 3 đường dữ; nhưng việc ác không chừa và việc thiện chẳng làm dữ; nhưng việc ác không chừa và việc thiện chẳng làm, thì làm sao tránh được lao đao trong đường sinh tử?

Khi Ngài chuẩn bị chấm dứt câu trả lời cuối, tôi và Thầy Minh Phú đại diện cho Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Đức mang tấm tranh và khay tịnh tài cúng dường ra phía trước, để dưới chân Ngài.

Khi Đức Thụ vừa địch xong những câu trả lời ra tiếng Việt cuối cùng, chúng tôi lại thi lễ tạ ơn Ngài 3 lễ, đoạn trao bức tranh sơn mài và khay lễ 10.000 Đức Mã để cúng dường và làm lộ phí cho Ngài cũng như phái đoàn. Ngài đưa tay ra đỡ lấy rồi trao qua cho những nhân viên ngoại giao tháp tùng với Ngài.

Ngài đã trao tặng Chùa Viên Giác một tượng Phật bằng đồng, thếp vàng, trên ấy có bọc một dải lụa trắng và tôi đã để tượng Phật ấy lên đầu thật lâu, trong bao nhiêu tiếng vỗ tay vang dội ở phía dưới. Đây là một pháp bảo vô giá mà Chùa Viên Giác đã có được.

Ngài xuống tòa trong khi bao nhiêu tiếng vỗ tay vang dội cả Đại điện ngày hôm ấy. Suốt cả 2 tiếng đồng hồ tôi không nghe một tiếng động nào cả. Quả thật, thần lực của Ngài đã chinh phục tất cả mọi người.

Gia Đình Phật Tử đã ngồi chận lối giữa mục đích để làm hàng rào danh dự, nên khi Ngài chuẩn bị đi ra, 2 bên nơi nầy đã dạt ra một lối trống ở giữa, Ngài đã bước ra trong nụ cười từ ái, với những cái vẫy tay và cái chào thân thiện.

Hòa Thượng Thích Thiền Định tiễn Ngài ra đến chỗ tượng Đức Phật A Di Đà; còn tôi và Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Sư cô Diệu Hạnh và Tăng Ni cũng như Phật Tử tiễn Ngài ra đến đường Karlsruher bằng chân trần không mang giày, chỉ có vớ mà thôi.

Khi Ngài ra đến nơi tượng A Di Đà, Ngài đã mang giày vào để đi tiếp con đường mà Ngài còn cần phải đi nữa để mang lại hòa bình, lợi tha cho nhân dân Tây Tạng cũng như thế giới.

Khi xuống đến những bậc thang cấp cuối cùng Ngài đã vẫy tay chào. Mọi người vỗ tay tiễn đưa Ngài một cách rất thành kính. Khi chuẩn bị lên xe có một người Đức thuộc đài truyền hình nào đó muốn đặt một câu hỏi. Ngài hoan hỷ trả lời bằng tiếng Anh và bên cạnh đó có ai đưa một bảng hiệu bằng tiếng Anh "Nhân quyền cho Việt Nam và Tây Tạng". Bảng bên kia bằng tiếng Đức cũng nội dung đó. Khi trả lời phỏng vấn xong, một số người đã đưa tay qua từ bên kia chiếc xe Audi cho Ngài bắt, Ngài đã trườn qua xe để vỗ mạnh vào bàn tay đối diện bên kia, đoạn Ngài làm lễ chú nguyện vào một đĩa gạo, rồi Ngài vào xe với 2 nhân viên ngoại giao.

Xe ngài đã đi, nhưng lòng người còn ở lại đầy ắp yêu thương của một bậc Thánh nhân đã trang trải trong suốt 4 tiếng đồng hồ qua tại Chùa Viên Giác. Một số khác lên nhặt những hạt gạo rơi nơi Chánh điện, gạo mà Ngài đã chú nguyện và chắc chắn nay mai sẽ gởi về các địa phương để biếu các Chi Hội Phật Tử những hạt gạo nhiệm mầu nầy. Một số khác nhặt những cành hoa dưới chân Ngài và như còn luyến tiếc đây đây những gì mà họ muốn nắm giữ.

Tối hôm ấy tôi đã không ngủ được, vì quá vui mừng xúc động. Còn trước đó một đêm cũng không ngủ được, vì lo lắng cho ngày mai khi Ngài tới. Lúc Ngài đến trời mưa hoa cúng dường, lúc Ngài đi ánh sáng thái dương rọi chiếu, như mang trí tuệ đến cho tất cả mọi người.

Sáng hôm sau 19.6.95 khi lên Đại điện giờ thiền và tụng kinh Lăng Nghiêm, tôi cảm nghe như sức gia trì vẫn còn mãnh liệt đâu đây. Thế rồi tôi cũng lạy Phật, lạy Tổ để ra đi vào ngày hôm ấy.

Viết đến đây tôi lại quên một vấn đề quan trọng nữa là, hôm qua 18.6.95 sau khi Ngài đã giảng pháp xong, Ngài có tụng kinh gia trì về trí tuệ. Sau đó Hòa Thượng Thích Thiền Định bắt Bát Nhã cho đại chúng tụng và hồi hướng. Không khí thật thành kính trang nghiêm. Tại sao cũng một bài kinh Bát Nhã đó, mà hôm nay trang nghiêm thánh thiện quá vậy?

Nhìn người Việt Nam rồi nhìn người Đức khắp hết Đại điện, tôi thấy ai cũng rạng rỡ tấm lòng.

Sau khi mọi người nghe pháp, tôi có hỏi cảm tưởng của một số vị; họ bảo rằng hoan hỷ quá. Trong đời họ chưa bao giờ cảm nhận được một sự an lạc như vậy. Sự an lạc ấy do từ tha lực của Đức Đạt Lai Lạt Ma và cũng chính phần lớn đều do tự lực của chính mỗi người đã trân trọng với một thời pháp trang nghiêm như thế.

Trong quyển "Tự Do Trong Lưu Đày" (Freedom In Exil) Ngài có khẳng định lại một điều mà các Phật Tử Việt Nam của chúng ta cũng cần nên lưu ý. Ngài bảo: Chữ Đạt Lai Lạt Ma người Trung Quốc dịch là Hoạt Phật hay Phật Sống là sai; mà Đạt Lai có nghĩa là Trí Tuệ hay Biển Trí Tuệ hay Hoa Sen Trắng. Lạt Ma có nghĩa là một vị Thầy. Nếu dịch nghĩa chung của 2 chữ nầy, có nghĩa là: Một vị Thầy có đầy đủ trí tuệ. Chẳng qua đó chỉ là hóa thân của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Có nhiều người chưa chứng đạo, tự khoe mình đã chứng. Ngược lại, những người đã chứng đắc như Ngài, Ngài ít khi nào nói về cái sở chứng của mình. Điều ấy cũng giống như Đức Phật còn tại thế vậy. Mặc dầu Ngài có thần thông rất đa dạng; nhưng khi Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông để thi triển thần lực với ngoại đạo, vẫn thường hay bị Đức Phật quở trách.

Có nhiều người hỏi Ngài bao nhiêu tuổi?
- Ngài cười.
Nhưng cũng có nhiều người trả lời thế cho Ngài rằng:
- Ngài chừng 700 tuổi.

Nếu tính trung bình cho mỗi vị Đạt Lai Lạt Ma là 50 tuổi thọ, thì qua 14 đời Đạt Lai, đều ấy quả là số tuổi hiển nhiên của Ngài.

Có nhiều người Âu Châu đặt nhiều câu hỏi thẳng thắn với Ngài rằng:
- Theo họ biết, cũng như theo truyền thuyết của Phật Giáo Tây Tạng là không có đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 nữa. Điều ấy có đúng không?
Ngài bảo với các phóng viên rằng:
- "Bây giờ tôi chưa chết, làm sao biết được".
Đó chỉ là một cách trả lời khéo mà thôi.
Có lúc, một số nữ tín đồ Phật Giáo người Âu Châu hỏi Ngài rằng:
- Tại sao cho đến bây giờ đã 14 đời Đạt Lai Lạt Ma rồi mà chưa có vị nào người nữ?
Ngài trả lời rằng:
- "Tại sao không?"
Những câu trả lời của Ngài rất vi diệu và đã làm hài lòng với tất cả những ai tò mò muốn hiểu biết về Tây Tạng, về tái sinh, dầu cho đó là một Học giả, một Giáo sư Đại học, một Thư ký, một Tu sĩ, một Chính trị gia, một Thương gia v.v và v.v

Càng ngày người Âu Châu và Mỹ Châu càng theo Phật Giáo Tây Tạng càng nhiều hơn nữa, mà ngay cả người Việt Nam mình cũng thế. Mới đầy theo, có lẽ vì tính cách huyền bí; nhưng khi đi sâu vào nội tâm, tu theo Phật Giáo Tây Tạng có sở chứng rất nhiều. Dĩ nhiên, các trường phái Phật Giáo khác, nếu chúng ta đi sâu vào thiền định hoặc nghiêm trì giới luật, chúng ta vẫn có thể chứng đắc như thường. Nhưng đa số nghiêng về phía Tây Tạng, vì Tây Tạng có được một nhà lãnh đạo cả giáo quyền lẫn thế quyền lỗi lạc như Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Trong 2 quyển sách vừa nêu trên, Đức Đạt Lai Lạt Ma có nhận định rằng: Mặc dầu số người Tây Tạng tu hành đông; nhưng thật ra sở tu và sở chứng của họ cũng ít lắm. Điều ấy cho ta thấy rằng bất cứ trong một tổ chức quần chúng nào cũng thế, nó phức tạp và ô hợp lắm. Ngay cả cộng đồng Tăng lữ của Việt Nam cũng vậy, dĩ nhiên cũng có một số vị xuất sắc, nhưng không nổi bật về việc ấn chứng cũng như việc tu trì; nên khi ra làm việc đạo tại ngﯦ#7841;i quốc nầy, chỉ có được bề nổi bên ngoài, phần nội tâm thì còn phải tu trì nhiều hơn nữa.

Ngài cũng đã đề cập trong sách trên rằng: Những nghi lễ tôn giáo của Tây Tạng quá rườm rà, cần phải bỏ bớt, và chính Ngài cũng có ý thay đổi về địa vị của Đạt Lai lạt Ma, cốt làm sao cho dân tộc Tây Tạng tiến bộ nhiều hơn nữa.

Trong một quyển sách khác, nhan đề là "Khi chim Sắt Bay", do Vũ Nguyen Khang ở Đan Mạch dịch, có đăng trong Viên Giác lâu nay và trong Viên Giác số 88 xuất bản vào tháng 8 năm 1995 cũng có đề cập chi tiết về cuộc sống của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài có nói rằng: Tôi nói tiếng Anh được; nhưng lười học lắm, vì vậy những ngữ vựng ít ỏi lắm. Tuy Ngài nói vậy thôi vậy, nhưng Ngài rất vững vàng về ngôn ngữ nầy. Tôi đã có nhiều lần nghe Ngài giảng về Phật Pháp bằng tiếng Anh tại Hamburg, cũng như nghe các câu phỏng vấn trên đài truyền hình Đức và Pháp cũng như Mỹ khi Ngài trả lời.

Tháng 3 năm 1995 vừa rồi, tôi và một phái đoàn 13 người Phật Tử Việt Nam từ Đức sang Ấn Độ để chiêm bái các Phật tích. Trong 13 người ấy chỉ có 6 Phật Tử mà đến 7 Tu sĩ. Dĩ nhiên chuyến đi gặt hái được rất nhiều thành quả tốt đẹp về nội tâm; nhưng cũng đã có nhiều người muốn tìm hiểu sâu hơn về Phật Giáo Tây Tạng.

Khi đến chiêm bái Bồ Đề Tràng vào một buổi chiều, tôi tình cờ gặp một vị Lạt Ma tái sanh mà nhiều người rất ngưỡng mộ. Đó là Ngài Lin Rimpouchie. Theo ấn chứng của tái sanh cho biết rằng: Ngài là vị Thầy cũ của Đức Đạt Lai Lạt Ma tái sanh. Đức Đạt Lai Lạt Ma có hai vị Thầy, nay đều đã viên tịch và nay cũng đã tái sanh. Một vị hiền từ như người mẹ, đó là vị Lin Rimpouchie nầy và một vị khác khắc khe như một người cha cũng đã tái sanh và tìm lại được rồi. Cả hai vị đều có ảnh thờ chung với Đức Đạt Lai Lạt Ma, hai vị nầy ngồi hai bên Ngài.

Tôi, một Tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam, dĩ nhiên là tin vào luân hồi rồi và tôi cũng đã đọc rất nhiều về sách tái sanh của Tây Tạng, nhưng tôi muốn biết chắc thực hiện tượng tái sanh ấy như thế nào, nên cũng phải tìm hiểu thêm.
Vị Lin Rimpouchie hôm đó đi nhiễu tháp, tình cờ khi đến gần chỗ tôi ngồi lại bước qua và hỏi tôi bằng tiếng Anh:
- What are you doing here?
Tôi trả lời:
- I�m waiting anny Vietnamese here.
Vị ấy mới 10 tuổi thôi. Nghe đâu đi Mỹ chỉ có 3 tháng, sau khi về nói tiếng Anh rất lưu loát. Tôi hỏi tiếp:
- Have you been in Europe?
Vị ấy trả lời rằng:
- May be!
Đoạn tôi hỏi:
May I take one picture (Photo) together With you? Vị Lin Rmpouchie trả lời rằng:
- No probleme.
Rồi vị ấy chạy đi,trông rất hồn nhiên, dễ thương như những đứa trẻ 10 tuổi khác.

Sau khi đi về Đức, tôi đưa tấm hình ấy cho mọi người xem, ai cũng vui và nói rằng tôi rất có phước nên mới được gặp vị thầy của Đức Đạt Lai Lạt Ma mhư thế. Tấm hình ấy Thầy Từ Trí chụp dùm rất tự nhiên. Vị Lin Rimpouchie ấy ngoẹo cổ vào mình tôi và mĩm cười rất duyên dáng trong tư thế đứng. Nơi đó là nơi mà
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4289)
Sau một buổi cày vất vả, Trâu được tháo ách cho đứng gặm cỏ. Nhưng mệt quá, nhai nuốt không vô, bèn cất tiếng than : - Mẹ sinh chi tuổi Sửu, làm ...
10/04/2013(Xem: 4178)
Trắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh ...
10/04/2013(Xem: 6019)
Tất cả các món quà quý nhất trong đời, món quà Pháp là món quà quý nhất trong các món quà. Bần sư xin tặng đến những người thân món quà Pháp này với tâm từ của bần sư.
10/04/2013(Xem: 4175)
Nhà tù tối tăm. Giống như một cái hang trừ việc không có một bức tường nào. Im lặng tràn ngập không gian. Một bóng trắng dật dờ trôi như ánh sáng.
10/04/2013(Xem: 6554)
Ở đời, người ta thường hay nói "ngu si hưởng thái bình” hay ”khôn quá hoá dại” là hai câu đối chọi hẳn nhau về nhân quả. Ngu đây không có nghĩa là ...
10/04/2013(Xem: 5666)
“Ðợi gió!” - Tôi suýt trả lời như thế với câu hỏi bất ngờ cất lên phía sau: - Con đang đợi ai à?”
10/04/2013(Xem: 5896)
Trong những bức tranh và tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, chúng ta thường thấy dưới chân ngài phủ phục một con linh khuyển. Con vật này có ...
10/04/2013(Xem: 4131)
Hồi ấy, khi tuổi tráng niên của tôi còn đủ sức dặm ngàn mây gió, một buổi dừng chân là một kỷ niệm đáng nhớ. Lần này, một ngôi chùa ni ven tỉnh lộ...
10/04/2013(Xem: 4505)
Tôi yêu cầu thầy mãi mà thầy không nghe, cứ duy trì đường lối sinh hoạt thanh thiếu niên như hiện giờ thì có ngày thầy cũng sẽ gặp rắc rối to...
10/04/2013(Xem: 7546)
Trong thời hồng hoang của lịch sử, con người chỉ biết có mẹ. Khỏi cần tìm hiểu đâu xa, cứ nhìn các con vật thì biết: gần gủi và hiền lành là con chó, con gà, xa xôi và hung bạo như con beo, con cọp. Sinh ra và lớn lên chỉ biết có mẹ, lúc thúc quanh mẹ. Bởi một lẽ đơn giản: khi biết mình mang thai, con cái thường sống cách ly con đực, thậm chí còn cắn đuổi con đực không cho lại gần.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]