Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

TRÚC LÂM MỘT LẦN Ở LẠI

04/04/201309:01(Xem: 1757)
TRÚC LÂM MỘT LẦN Ở LẠI
TRÚC LÂM MỘT LẦN Ở LẠI
Chơn Hiền

Rời Vũng Tàu từ sáu giờ sáng, chiếc xe khách mang tôi xa dần mùi gió biển mằn mặn và cái nóng của những ngày cuối tháng Tám. Sau hơn tám tiếng đồng hồ trên đường, khi nhận ra không khí mát lạnh và trước mắt là đoạn đường ngoằn ngoèo, một bên vách núi, một bên là vực, những ngọn thông xanh chạy theo xe bạt ngàn, tôi biết mình sắp đến nơi.

Lần nầy tôi không vào thành phố Đà Lạt mà ghé thẳng Thiền viện Trúc Lâm xin ở lại trọn mấy ngày… tự do của mình. Chiếc xe bỏ tôi dưới dốc, tôi phải đi thêm một đoạn tắc-xi mới đến cổng thiền viện. Đường lên chùa vẫn yên tĩnh, dịu mát bởi màu xanh của cây cỏ hai bên đường, thỉnh thoảng bắt gặp những nhà vườn bày dâu đỏ tươi mời chào du khách trông thật vui mắt. Trúc Lâm đây rồi. Trước cổng người xe tấp nập, tôi mang hành lý đi thẳng vào nội viện Ni thân quen. Sau hai cánh cổng sắt nhỏ, nội viện thật yên tĩnh. Khu vực này, khách tham quan không được phép vào vì là nơi tu tập, sinh hoạt của chư Ni. Bên trái là vườn cỏ xanh mát cùng các hồ nước với ngọn giả sơn nhỏ; một phiến đá lớn tạc chữ Thiền như nhắc nhở khách ghé thăm hãy chuẩn bị cho mình một tâm tĩnh lặng. Bên phải là thất của Hòa thượng Viện trưởng. Hoa cỏ ven đường xanh mướt, sỏi trắng lạo xạo dưới chân, tôi nghe lòng chùng xuống, có cảm giác thân thương như đứa con xa đang được trở về nhà. Sau khi trình Ni sư quản chúng, tôi được vị Ni tri khách đưa về nhà nghỉ của khách. Đó là một căn nhà nửa gạch, nửa gỗ nghe đâu mới được làm thêm vì Phật tử các nơi xin về tu tập ngày càng đông. Căn phòng rộng sạch sẽ, tinh tươm và ấm áp nằm dưới những tán thông xanh giữa những lối nhỏ vòng vèo bên cạnh những vườn cỏ xanh tươi, những khóm hoa đủ màu tôi chẳng biết tên gì. Chỗ ngủ của tôi nhìn xuống một vườn lan đủ loại trắng, đỏ, tím, vàng. Đâu đâu cũng thấy hoa, lá, cây cỏ mát mắt, tạo một cảm giác thanh sạch, vui tươi.

Chiều ở đây, không khí chùng xuống rất sớm. Mới khoảng bốn giờ, trời đã bắt đầu se se lạnh, màu trời xám đục, nắng tắt tự bao giờ. Khung cảnh hết sức tĩnh lặng, tâm tôi thấy yên ả lạ lùng. Tôi thả bộ ra bên ngoài, đi về phía chánh điện. Vẫn còn du khách lác đác dạo chơi, chụp ảnh. Tôi lần theo hàng rào trúc và dương liễu trồng dọc bên đường dẫn xuống hồ Tuyền Lâm. Không gian yên bình, cô tịch không làm tâm tôi dậy lên cái cảm xúc mơ mộng của thế gian mà gợi trong tôi một sự an lạc lạ kỳ. Men theo những bậc thang đi dần trở lên sân trước của thiền viện, tôi lại quay về nội viện Ni. Theo thanh qui của thiền viện, tôi và mọi người chuẩn bị giờ sám hối và tọa thiền buổi tối. Chúng tôi không ăn vào buổi chiều. Tôi cũng chỉ dùng bột hoặc sữa như chư Ni, như thế mới dễ ngồi thiền. Ngày đầu tôi cảm thấy xót ruột, nhưng cố gắng tập theo mọi người, tự nhủ thầm“ai sao mình vậy, đừng làm gì khác người”. Bảy giờ tối, mọi vật như ngủ yên trong cái lạnh của núi rừng. Khoác thêm chiếc áo len bên ngoài áo tràng, trùm chiếc nón len lên đầu, tôi theo chân mọi người lên thiền đường. Chư Ni khoác y vàng, xếp hàng im lặng, thả bước nhẹ nhàng về phía chánh điện. Chúng tôi chờ vị Ni cuối cùng đi qua mới lục tục nối gót theo sau. Chánh điện ban đêm sáng đèn ấm áp, tượng Bổn Sư trên cao oai nghiêm, hiền từ nhìn xuống đàn con, bàn thờ hoa trái trang nghiêm, thanh tịnh. Theo nghi thức, lễ lạy Tam bảo và tụng Bát-nhã xong, chúng tôi chuẩn bị bồ đoàn và tọa cụ để ngồi thiền. Còn nhớ đêm đầu tiên tôi không dám lên thiền đường, vì sợ ngồi thiền liên tiếp hai tiếng đồng hồ tôi không giữ được sẽ phiền bạn đồng tu. Nhưng tại nhà nghỉ, tôi cũng tự mình khép vào kỷ luật ngồi thiền. Từ hồi nào đến giờ, tôi chỉ ngồi được một tiếng đồng hồ mà thôi. Vậy mà, không hiểu sao hôm ấy tôi đã thực hiện thành công hai giờ công phu như mọi người. Những đêm tiếp sau, tôi đã… dũng cảm lên thiền đường an vị. Rồi hai giờ đồng hồ cũng trôi qua, tiếng khánh xả thiền vang lên, tôi cùng mọi người khoan khoái thực hiện từng động tác xả thiền theo quy định, vừa làm vừa nhìn nhau cười vui trong nỗi khinh an nhẹ nhàng. Rời thiền đường đã gần 10 giờ đêm, chúng tôi khẽ khàng về phòng nghỉ, chuẩn bị ba giờ rưỡi sáng lại thức dậy, tiếp tục buổi tọa thiền sớm, bắt đầu một ngày mới theo quy định.

Thường thường lạ chỗ tôi rất khó ngủ, thế mà ở đây giấc ngủ đến với tôi thật dễ dàng, nghĩ cũng lạ! Đang ngon giấc, tôi và mọi người giật mình thức dậy vì ba hồi kẻng báo thức xé màn đêm. Kéo vành nón len che kín hai tai, quấn lại chiếc khăn quàng cổ, tôi theo mọi người lên thiền đường, bỗng bên tai tiếng “hô thiền” lanh lảnh vang lên: “ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá thiếu nước, có gì là vui…”. Tôi thoáng rùng mình chợt nghĩ: “Ừ, hơn nửa đời rồi, mấy ai dám tự hào nói mình sẽ đi trọn ba vạn sáu ngàn ngày của một vòng sinh tử?”. Vô thường gõ cửa chẳng biết khi nào, một cái chớp mắt, hiện hữu đây bỗng chốc thành tro bụi… Chúng tôi lại đến trước tượng Bổn Sư, quỳ dưới chân người, tôi thấy lòng chùng xuống, một cảm giác thật bình an, tôi như được vỗ về, an ủi, được nâng lên bằng một sự tỉnh giác hiếm thấy. Bài Bát-nhã quen thuộc lại được cất lên, nghe mỗi ngày vậy mà… Nghi thức tụng kinh trước khi nhập thiền xong, chúng tôi ai nấy về chỗ của mình bắt đầu buổi tọa thiền sớm. Hai giờ trôi qua trong tĩnh lặng, tiếng khánh xả thiền lại vang lên, mọi người tự làm các bước xả thiền theo quy định rồi đi thiền hành. Từng bước, từng bước chúng tôi để tâm trong chánh niệm, cảm nhận từng bước chân của mình bình an, bình an… Trời cũng bắt đầu sáng dần, không gian vẫn tinh khôi trong mùi sương lạnh, hoa lá trở mình thức giấc, rùng mình rũ sương trong, cùng nhau vươn vai khoe sắc khi những tia nắng ấm ban mai dịu nhẹ bắt đầu tỏa xuống. Này mẫu đơn, này tường vi, này trà mi, này chim, này bướm rộn ràng mà vẫn từ tốn, nhẹ nhàng. Thấp thoáng những bóng áo lam thoắt ẩn, thoắt hiện, cứ ung dung tĩnh tại, mỗi người mỗi việc, bắt đầu một ngày lao tác mới. Chánh niệm, chánh niệm… gặp nhau tay búp xá chào, môi thoáng một nụ cười, bình yên, bình yên và tôi thấy hạnh phúc làm sao! Bây giờ tôi mới hiểu, tại sao người ta dễ dàng rời bỏ gia đình, người thân, bỏ lại sau lưng bao thú vui của cõi trần để vào đây. Ở đây, cái hạnh phúc tuyệt vời, đích thực mà không phải ai cũng đủ phúc duyên để nhận chân được là đây. Tôi thấm thía cái chân thật vĩnh cửu và cái vui giả tạm mình đang có trong tay. Cuộc đời sắc sắc không không, biết được lý không huyền diệu, buông tất cả chỉ trong một sát-na, ngay lúc ấy chân đã chạm bên bờ giác, ấy vậy mà… Thế nhưng, mỗi người mỗi nghiệp, mấy ai đủ dũng khí để “buông”, bởi thế mà phiền não, bởi thế mà trầm luân. Tôi chợt nhớ đến bài Cư trần lạc đạo của Sơ tổ Trúc Lâm, thấy lòng hổ thẹn, tự nhủ thầm “thôi thì tùy duyên vậy”, nghiệp trần của tôi còn nặng quá, còn bao trách nhiệm trên vai, cuộc đời là một sự trả vay mà, kiếp nầy tôi xin vui vẻ trả và quyết sẽ không… vay. Lòng mong sao sẽ được một ngày thong dong nơi chốn thiền môn để vun bồi cho cây giác của mình đơm hoa kết trái…

Một tuần sắp trôi qua, một tuần hạnh phúc của tôi sắp hết, tôi nghe lòng bùi ngùi khi nghĩ đến lúc chia tay, thôi thì cố tạo duyên lành kiếp này để dành cho kiếp sau vậy.

“Ôi! Cõi hồng trần muốn lánh,

Tạo nghiệp rồi, khách muốn tránh dễ sao?”.

Trúc Lâm ơi, mong có ngày gặp lại. Thế gian ơi, mong trả hết nợ trần.


Chơn Hiền
(Tạp chí Văn Hoá Phật Giáo số 146)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/10/2023(Xem: 2124)
Được thành lập vào thế kỷ thứ 8, việc xây dựng bắt đầu vào năm 742, Thạch Quật Am (석굴암, nghĩa là Am hang đá) là một Cổ Am và một phần của phức hợp Phật Quốc Tự. Nó nằm cách bốn km về phía đông của ngôi đại già lam cổ tự trên núi Tohamsan, ở Gyeongju, Hàn Quốc, gian chính hình tròn thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 3,5m với tư thế Xúc địa thủ ấn (Bhumistarsa Mudra),
03/05/2023(Xem: 125901)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
03/04/2023(Xem: 6353)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan được thành lập năm 1999 tại Sydney với nhiệm kỳ 4 năm sinh hoạt Phật Sự. Đến nay đã trải qua hơn 20 năm thăng trầm hành hoạt với 6 kỳ Đại Hội trước đây, lần lượt được tổ chức tại: Chùa Pháp Bảo (1999), Chùa Pháp Quang (2003), Chùa Phổ Quang (2007), Chùa Pháp Hoa (2011), Tu Viện Quảng Đức (2015 và 2019). Và mới đây, Đại Hội Khoáng Đại Kỳ 7 được tổ chức tại Chùa Thiên Ấn, vùng Canley Vale, tiểu bang New South Wales, từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 6 năm 2022.
18/02/2023(Xem: 4048)
Tôi nghĩ là người Phật tử, ai cũng muốn một lần được đến Ấn Độ để chiêm bái Phật tích, những Phật tích quan trong là nơi đức Phật Đản sinh, đức Phật Thành đạo, đức Phật chuyển Pháp luân và đức Phật nhập Niết Bàn. Bốn nơi đó thường được gọi là Tứ động tâm, nghĩa là 4 nơi thường làm cho người Phật tử xúc động, khi chiêm bái khi tưởng nhớ đến đức Thế Tôn. Chừng 10 năm trước, Đại đức Thích Minh Hiển từng du học ở Ấn Độ, tổ chức đi chiêm bái Phật tích, chúng tôi ghi danh đóng tiền tham gia, nhưng giờ chót, chúng tôi quyết định không đi, lần khác Đại đức Thích Hạnh Lý, trụ trì chùa Từ Ân, thành phố Louisville, Kentucky tổ chức đi chiêm bái Phật tích có thông báo cho chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng không tham gia được.
07/11/2022(Xem: 4664)
Tình tự quê hương như là chất liệu để nuôi sống đời mình, nên Hòa Thượng Tuệ Sỹ chỉ ở đó mà không đi đâu hết. Sinh ra giữa lòng đất Mẹ, chắc một ngày mai kia có chết, thì chết trong giữa lòng đất mẹ ấy, mà đã không ra đi như bao người đã ra đi. Có lẽ sinh ra nơi nào thì chết ở nơi đó. Đây là cái khí khái của bậc Đại Sỹ. Dù quê hương có đọa đầy mưa nắng, thì cũng nguyện là người làm mưa nắng để vun xới cho quê hương được tươi mát.
13/03/2022(Xem: 18284)
Hành hương và chiêm bái Phật tích Ấn Độ là nhân duyên hy hữu và là một ước mơ ngàn đời của người đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn bể. Nay ước mơ đó đã đến với Tăng Ni và Phật tử Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Ấn Độ gồm 51 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào ngày 7-11 năm 2006. Phái đoàn do Đại Đức Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Sư Cô Hạnh Nguyên và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (Giám đốc công ty Triumph Tour) hướng dẫn cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 6 từ Sydney, 1 từ Perth và 5 đến từ Texas, Cali, Hoa Kỳ.
13/02/2022(Xem: 4354)
Ông Holland Kotter, đồng trưởng ban phê bình nghệ thuật trên tờ New York Times, đã đưa ra một đánh giá tuyệt vời về cuộc triển lãm. Trong đó, Holland Kotter kể lại chuyến đi đến Nhật Bản vào năm 1983, nơi lần đầu tiên ông trải nghiệm khi tương tác với các Phật tử đang làm việc được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo: "Khi tôi gặp một pho tượng Phật Đương lai Hạ sinh Di Lặc được tạc bằng gỗ tuyệt xảo từ thế kỷ thứ 9, một du khách đến thăm tôi đã nhanh chóng vỗ tay hai lần, một điều gì đó (tôi sẽ tìm hiểu) mà những du khách đến các ngôi tự viện Phật giáo để tôn vinh vị Phật hay vi Bồ tát nào đó". (New York Times)
09/02/2022(Xem: 17816)
Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam Sử Lược (trọn bộ hai tập, do Hòa Thượng Giới Đức biên soạn)
08/02/2022(Xem: 4189)
Tại làng baho swabi, quận Swabi, nay là Khyber Pakhtunkhwa, các nhà khảo cổ và Bảo tàng KP đã phát hiện một Bảo tháp Phật giáo 1800 tuổi, các di vật và đồ tạo tác. Theo Daily Pakistan, đã được phát hiện hơn 400 cổ vật và Bảo tháp Phật giáo có niên đại 1800 năm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567