Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 48: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

30/08/201721:04(Xem: 5076)
Bài 48: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

5. VỌNG NĂNG SINH SỞ LÀM

    HẠN CHẾ TÍNH GIÁC MINH.

 

- Nhãn căn nơi diệu viên (1), tánh vốn trong lặng, do hai thứ sáng và tối tỏ bày lẫn nhau, dính bụi thành cái thấy; cái thấy gặp sắc trần (2), kết sắc trần thành căn, gốc căn thuộc nơi thanh tịnh tứ đại (3), gọi là bản thể con mắt như trái nho tươi. Phù căn (4) tứ trần lưu chuyển theo sắc trần, tạo đủ thứ nghiệp.

- Nhĩ căn nơi diệu viên, tánh vốn trong lặng, do hai thứ động và tịnh đối chọi lẫn nhau dính bụi thành cái nghe, cái nghe gặp thanh trần, cuốn thanh trần thành căn, gốc căn thuộc nơi thanh tịnh tứ đại gọi là bản thể lỗ tai như lá cây cuốn. Phù căn tứ trần lưu chuyển theo thanh trần tạo đủ thứ nghiệp.

- Tỷ căn nơi diệu viên, tánh vốn trong lặng, do hai thứ thông và nghẽn phát hiện lẫn nhau, dính bụi thành cái ngửi, cái ngửi gặp hương trần, thu nạp hương trần thành căn, gốc căn thuộc nơi thanh tịnh tứ đại, gọi là bản thể cái mũi như hai móng tay rũ xuống. Phù căn tứ trần lưu chuyển theo hương trần, tạo đủ thứ nghiệp.

- Thiệt căn nơi diệu viên, tánh vốn trong lặng, do hai thứ lạt và vị xen lộn lẫn nhau, dính bụi thành cái nếm, cái nếm gặp vị trần, thu hút vị trần thành căn, gốc căn thuộc nơi thanh tịnh tứ đại, gọi là bản thể cái lưỡi như trăng lưỡi liềm. Phù căn tứ trần lưu chuyển theo vị trần, tạo đủ thứ nghiệp.

- Thân căn nơi diệu viên, tánh vốn trong lặng, do hai thứ ly và hợp xoa nhau, dính bụi thành xúc giác, xúc giác gặp xúc trần, nắm xúc trần thành căn, gốc căn thuộc nơi thanh tịnh tứ đại, gọi là bản thể cái thân như dáng trống cơm. Phù căn tứ trần lưu chuyển theo xúc trần, tạo đủ thứ nghiệp.

- Ý căn nơi diệu viên, tánh vốn trong lặng, do hai thứ sanh và diệt tương tục lẫn nhau, dính bụi thành cái biết; cái biết gặp pháp trần (5), ôm pháp trần thành căn, gốc căn thuộc nơi thanh tịnh tứ đại, gọi là cái ý suy tư như sự thấy trong phòng tối. Phù căn tứ trần lưu chuyển theo pháp trần tạo đủ thứ nghiệp.

 

- A Nan! Lục căn như thế, do giác minh kia có năng minh để minh cái giác, thì đánh mất cái tinh minh liễu triệt ấy, thành ra dính mắc nơi hư vọng, rồi phát ra ánh sáng. Cho nên ông hôm nay, lìa tối lìa sáng thì chẳng có cái thấy; lìa động lìa tịnh thì vốn chẳng cái nghe; không thông không nghẽn thì cái tánh ngửi chẳng sanh; không vị không lạt thì sự nếm chẳng ra; bất ly bất hợp thì xúc giác vốn chẳng có; không sanh không diệt thì sự liễu tri đặt ở chỗ nào?

- Ông chỉ cần chẳng duyên theo sự động tịnh, hợp ly, vị lạt, thông nghẽn, sanh diệt, sáng tối, mười hai tướng hữu vi này, tùy tiện nhổ ra một căn, thoát khỏi sự dính mắc, trở về bản tánh chân thật, hiện ra sự chiếu soi của tự tánh. Tánh chiếu soi phát ra ánh sáng, thì sự dính mắc của ngũ căn kia liền cùng được giải thoát và tri kiến khởi lên, chẳng do cảnh trần. Chiếu soi chẳng duyên theo lục căn, mà nhờ lục căn phát ra ánh sáng, do đó, sự dụng của lục căn dung thông lẫn nhau.

 

GIẢI NGHĨA

 

(1) Diệu viên: Diệu là chiếu sáng, viên là tròn đầy, Diệu viên là chiếu sáng khắp mọi nơi, chiếu tỏa mười phương đầy đủ.

 

(2) Sắc trần: Là hình dáng màu sắc cảnh vật.

 

(3) Tứ đại: Là Đất, Nước, Gió, Lửa.

 

(4) Phù căn: Phù là bắt được, Phù căn là căn thích ứng với một loại trần tương ưng, như nhãn căn thích ứng với hình dáng màu sắc (sắc trần), nhĩ căn thích ứng với âm thanh (thanh trần) v.v...

 

(5) Pháp trần: Là cảnh sở duyên của Ý căn; là các hình ảnh, tiếng, mùi, vị, cảm giác của ngoại cảnh sau khi lọc qua một trong năm Căn, và duyên bởi Ý căn, gọi là pháp trần.

 

     Đoạn 5 của Mục 12 “Tôn giả A Nan cầu pháp giải thoát” trong Kinh Văn 9 về “Các cản trở cho pháp giải thoát”. Đức Phật giảng đại ý gốc tính (bản tánh) Sáu Căn “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý”, sáng chiếu đầy đủ (diệu viên) trong lặng. Do Sáu Căn dính mắc đối tượng trần (dính bụi), hai thứ đối đãi nhau “sáng tối”, “động tĩnh”, “thông nghẽn”, “vị lạt”, “hợp lià”, “sinh diệt” thành thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, ý. Những cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc, cái ý, gặp trần cảnh thì kết trần cảnh trong căn tương ưng.

 

     Như khi Mắt gặp hình sắc (sắc trần) thì có hình sắc, Tai gặp tiếng (thanh trần) thì có âm vang, Mũi gặp mùi (hương trần) thì có cái mùi. Lưỡi gặp vị (vị trần) thì có cái vị, Thân gặp xúc (xúc trần) thì có cảm giác, Ý nghĩ gặp hình sắc âm vang cảm giác (pháp trần) thì có cái biết về những hình ảnh âm vang cảm giác. Mà gốc của Sáu Căn đều thuộc nơi Bốn Đại: “Đất, Nước, Gió, Lửa”, tính của chúng là không tịch trong lặng (thanh tịnh tứ đại) vốn không dính mắc, gọi là tính gốc (bản thể) con mắt, lỗ tai, lỗ mũi, miệng lưỡi, thân thể, ý suy nghĩ; do trần cảnh (bụi trần) lọt vào thành có dính mắc.

 

     Gốc Sáu Căn ẩn bên trong, cảnh trần tương ưng (phù) bên ngoài, nên gọi là căn trần thích ứng với nhau (phù căn); tướng của đất, nước, gió, lửa, vốn đều lay động, nên gọi là tứ trần. Khi Sáu Căn thích ứng với Bốn Trần thì sẽ lưu chuyển theo trần cảnh, nghĩa là khi mắt bị lôi kéo bởi hình sắc đẹp xấu (sắc); tai bị ngự trị bởi tiếng (thanh) khen chê, hay dở; mũi bị lối cuốn bởi mùi (hương) thơm hôi, tanh khét. Cũng thế, miệng lưỡi bị điều khiển bởi món ăn thức uống (vị) bùi béo, mặn nhạt, chua cay, ngọt đắng; thân thể khoái cảm hay khó chịu bởi gần kề (xúc) nóng lạnh, trơn nhám; ý nghĩ nhớ tưởng những hình ảnh, âm vang, cảm giác (pháp trần), thì sẽ tạo ra vô số nghiệp. Vì do sự tưởng nhớ muốn có những thứ yêu thích, do sự suy nghĩ loại bỏ những cái ghét bỏ không ưa, để thỏa mãn sự mong muốn, do đó gây tạo biết bao nhân ác vậy.

 

     Đức Phật giảng: “Lục căn như thế, do giác minh kia có năng minh để minh cái giác, thì đánh mất cái tinh minh liễu triệt ấy, thành ra dính mắc nơi hư vọng, rồi phát ra ánh sáng. Cho nên ông hôm nay, lìa tối lìa sáng thì chẳng có cái thấy; lìa động lìa tịnh thì vốn chẳng cái nghe; không thông không nghẽn thì cái tánh ngửi chẳng sanh; không vị không lạt thì sự nếm chẳng ra; bất ly bất hợp thì xúc giác vốn chẳng có; không sanh không diệt thì sự liễu tri đặt ở chỗ nào?”

 

     Nghĩa là Sáu Căn vì nhận lầm cái vọng tâm (cái mê) nơi diệu tâm (nơi ngộ) cho là tâm tính, bèn bị mê, mất diệu tâm sáng tỏ (diệu minh) trở thành vô minh. Do vô minh thành có sức trong sáng (năng minh) để trong sáng cái biết (cái giác), thì đánh mất tâm (cái tinh minh liễu triệt), thành ra do dính mắc cái hư vọng Sáu Trần, rồi phát ra cái ánh sáng, mà cái ánh sáng của hư vọng phát ra thì chẳng phải sáng thật (chẳng phải diệu minh) của tâm (tinh minh liễu triệt). Vì vậy cho nên rời “sáng, tối” thì chẳng có cái thấy; rời “động, tịnh” thì chẳng có cái nghe; không “thông, nghẽn” thì cái tính ngửi chẳng có; không “mặn, nhạt” thì không có sự nếm; không “lià, hợp” thì xúc giác không có; không “sinh, diệt” thì không có sự biết rõ (liễu tri).

 

     Đức Phật dạy: “- Ông chỉ cần chẳng duyên theo sự động tịnh, hợp ly, vị lạt, thông nghẽn, sanh diệt, sáng tối, mười hai tướng hữu vi này, tùy tiện nhổ ra một căn, thoát khỏi sự dính mắc, trở về bản tánh chân thật, hiện ra sự chiếu soi của tự tánh. Tánh chiếu soi phát ra ánh sáng, thì sự dính mắc của ngũ căn kia liền cùng được giải thoát và tri kiến khởi lên, chẳng do cảnh trần. Chiếu soi chẳng duyên theo lục căn, mà nhờ lục căn phát ra ánh sáng, do đó, sự dụng của lục căn dung thông lẫn nhau”.     

 

     Nghĩa là chỉ cần Sáu Căn chấm dứt sự dính mắc với Sáu Trần do sáu cặp đối đãi nhau là “sáng tối, động tĩnh, thông nghẽn, mặn nhạt, hợp lià, sinh diệt” làm môi giới. Sự thực thì chỉ cần chấm dứt sự dính mắc của một căn, chỉ cần một căn không chạy theo vì bị dính mắc lôi kéo bởi trần, tức là một căn không bị trần chiếm cứ khuấy động, thì tự tính hiển hiện. Khi ấy, tự tính chiếu soi phát ra ánh sáng thì sự dính mắc của các căn kia liền được giải thoát; lúc đó tính biết hằng soi sáng (tri kiến) không hình tướng không do trần cảnh. Tính chiếu soi không duyên theo Sáu Căn, nhưng nhờ Sáu Căn phát ra ánh sáng chân thật, nên các căn có công dụng điều hòa lẫn nhau, vì lẽ đó Đức Phật nói: “Sự dụng của lục căn dung thông nhau” là vậy.

 

6. LỤC CĂN THIẾU, TRI KIẾN

    VẪN KHÔNG THÊM BỚT



 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]