Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Phẩm Thành Phật [1]

21/05/201312:07(Xem: 10614)
12. Phẩm Thành Phật [1]

Kinh Tâm Địa Quán

12. Phẩm Thành Phật [1]

Thượng tọa Thích Tâm Châu

Nguồn: Thượng tọa Thích Tâm Châu

Bấy giờ, đức Thế-Tôn an-trụ trong pháp-giới thanh-tịnh, ba đời bình-đẳng, không trước không sau, bất-động ngưng lặng, thường không đoạn hết. Ánh sáng đại-trí soi khắp thế-giới. Phương-tiện thiện-sảo biến-hiện thần-thông, hóa-độ mười phương quốc-độ, đâu cũng cùng khắp. [2]
Khi ấy, đức Thế-Tôn bảo Đại-bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ rằng: "Người tu-hành Du-già [3] quán vành trăng rồi, nên quán ba pháp đại-bí-mật. Những gì là ba? - Một là, tâm-bí-mật. Hai là, ngữ-bí-mật. Ba là, thân-bí-mật. Thế nào gọi là tâm-bí-mật-pháp? - Người tu-hành Du-già, quán trong mặt trăng tròn đầy sinh ra cái chầy Ngũ cổ kim-cương [4] sắc vàng, ánh sáng rực-rỡ như vàng chảy, phóng ra vô-số ánh-sáng trắng lớn; lấy sự ấy mà quán-sát gọi là "tâm-bí-mật". Thế nào gọi là ngôn-ngữ bí-mật? - "Úm, địa thất-đa bà nhĩ-la". Đà-ra-ni ấy đủ uy-lực lớn, là chân-ngôn của hết thảy Bồ-tát thành Phật, thế nên gọi là "ngữ-ngôn bí-mật". Thế nào gọi là "thân-bí-mật-pháp"? - Ở trong đạo-tràng, đoan thân, chính-niệm, tay kết "Dẫn-đạo vô-thượng bồ-đề tối đệ nhất ấn", [5] đặt giữa tâm-nguyệt-luân nơi ngực.
Thiện-nam-tử! Tôi sẽ vì ông nói về tướng-dáng của ấn ấy: Trước tiên lấy hai ngón tay cái của hai bàn tay tả, hữu, đều đặt nó vào trong bàn tay tả, hữu và đều lấy ngón tay đầu (ngón tay chỏ) ngón tay giữa cùng ngón tay thứ tư (ngón tay đeo nhẫn) của bàn tay tả, tay hữu, rồi nắm chặt lấy ngón tay cái, làm thành nắm tay, tức là "Kiên-lao kim-cương quyền-ấn". Sau, không đổi nắm tay, chỉ duỗi một ngón tay đầu (ngón tay chỏ) của bàn tay tả, thẳng lên hư-không, rồi đem nắm tay tả ấy đặt trên trái tim; ngón tay út của nắm tay hữu nắm chặt lấy một đốt ngón tay đầu (ngón tay chỏ) của nắm tay tả, sau lại lấy đầu ngón tay đầu (ngón tay chỏ) của nắm tay hữu, chỉ vào một đốt ngón tay cái của nắm tay hữu. Và, cũng để trước trái tim, thế gọi là "Dẫn-đạo vô-thượng bồ-đề đệ nhất trí-ấn", cũng gọi là "Năng diệt vô-minh hắc-ám đại-quang-minh ấn". [6] Bởi kết ấn ấy, có sức gia-trì, nên được chư Phật mười phương thoa đầu hành-giả và trao cho "Đại-bồ-đề thắng quyết-định ký", là "Đại-tỳ-lư-già-na Như-Lai vô-lượng phúc-tụ đại-diệu trí-ấn". [7]
Khi hành-giả kết ấn ấy rồi, liền làm quán này: "Hết thảy chúng-sinh cùng kết ấn này, trì-niệm chân-ngôn, mười phương thế-giới không bị quả-khổ trong ba đường ác và tám nạn, mà cùng được hưởng pháp-lạc thanh-tịnh thứ nhất. Nay trên đầu ta có mũ đại-bảo, trong mũ thiên-quan ấy năm đức Phật Như-Lai ngồi kết gia-phu, ta là Tỳ-lư-già-na Như-Lai, đầy-đủ viên-mãn ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt, phóng ra hào-quang sáng lớn soi khắp mười phương, đem lại lợi-ích an-vui cho hết thảy chúng-sinh". Quán-sát như thế gọi là "Nhập Tỳ-lư-già-na Như-Lai tối-thắng tam-muội". [8]
Ví như có người ngộ được quán-môn "Ca-lư" vi-diệu, tự làm quán này: "Thân ta tức là thân chim Kim-sí đầu đàn, tâm, ý, ngữ-ngôn cũng lại như thế. Dùng sức quán ấy làm tiêu-tan thuốc độc, hết thảy ác-độc không làm hại được". Người phàm-phu tu-hành cũng như thế, ngồi kiểu ngồi hàng-phục, thân không rung-động, tay kết trí-ấn, mật-niệm chân-ngôn, tâm nhập quán này, diệt được ba độc, tiêu-trừ nghiệp-chướng, tăng-trưởng phúc-trí, và những nguyện ở thế-gian hay xuất-thế-gian mau được viên-mãn; tám vạn bốn nghìn các phiền-não-chướng không hiện-khởi được, Hằng-hà-sa sở-tri-chướng cực-trọng dần dần tiêu-diệt, vô-lậu đại-trí: "năng đoạn kim-cương Bát-nhã ba-la-mật" viên-mãn hiện-tiền, chóng được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. [9]
Lúc đó, Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ bạch Phật rằng: "Đức Thế-Tôn hiếm có! Đấng Thiện-Thệ hiếm có! Đức Như-Lai ra đời còn hiếm có hơn hoa Ưu-đàm, và giả-sử Ngài ra đời mà nói ra pháp này cũng khó. Ba pháp bí-mật vô-thượng pháp-luân của tâm-địa như thế, thực là lợi-lạc cho hết thảy chúng-sinh, là đường chính chân-thực vào Như-Lai-địa và Bồ-tát-địa. Nếu có chúng-sinh nào không tiếc thân-mệnh mà tu-hành pháp ấy sẽ chóng chứng được Bồ-đề. [10]
Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ rằng: "Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào muốn tu-tập được ba diệu-môn bí-mật thành Phật, sớm được thân công-đức của Như-Lai, nên mặc ba mươi hai thứ áo giáp đại-kim-cương của Bồ-tát mà tu diệu-quán ấy, thời quyết chứng được pháp-thân thanh-tịnh của Như-lai.
Những gì là ba mươi hai thứ áo giáp ấy?- Một là, mặc áo đại-giáp thụ-khổ: ở trong vô-lượng kiếp vì chúng-sinh chịu khổ mà không chán sinh-tử. Hai là, mặc áo đại-giáp bất xả: thề độ vô-lượng hữu-tình cho đến con sâu, con kiến cũng không bỏ. Ba là, mặc áo đại-giáp bí-mật: giác-ngộ chúng-sinh trong giấc mộng dài sinh-tử, an-trí họ vào ba pháp bí-mật. Bốn là, mặc áo đại-giáp hộ-pháp: ủng-hộ Phật-pháp trong hết thảy thời cũng như vang ứng tiếng. Năm là, mặc áo kim-cương đại-giáp: diệt hẳn sự khởi lên hai kiến "hữu, vô" (có, không) và hết thảy phiền-não. Sáu là, mặc áo đại-giáp năng-xả: dù đầu, mắt, tủy, óc, vợ, con, ngọc báu…có người lại xin đều xả cả. Bảy là, mặc áo đại-giáp năng-thí: hết thảy đồ vui mà trong nhà hưởng-thụ, quyết không tham-trước, đem cho tất cả. Tám là, mặc áo đại-giáp năng-trì: hay giữ tam-tụ-tịnh-giới của Bồ-tát và không rời bỏ hạnh Đầu-đà. Chín là, mặc áo đại-giáp nhẫn-nhục: mặc áo nhẫn-nhục, gặp các duyên trái ngược như hủy-mạ, đánh-đập…vẫn không báo-thù lại. Mười là, mặc áo đại-giáp hồi tâm: giáo-hóa những bậc Duyên-giác, Thanh-văn, khiến họ hồi tâm đi về Nhất-thừa. Mười một là, mặc áo đại-giáp tinh-tiến: tinh-tiến độ các hữu-tình, ví như gió lớn ngày đêm không ngừng. Mười hai là, mặc áo đại-giáp tu-hành giải-thoát tam-muội: thân-tâm tịch-tĩnh, miệng không phạm lỗi. Mười ba là, mặc áo đại-giáp bình-đẳng: làm lợi-ích chúng-sinh, coi sinh-tử và Niết-bàn không có hai thiên-kiến. Mười bốn là, mặc áo đại-giáp dữ lạc (cho vui): đem vô-duyên đại-từ, làm lợi-ích mọi loài, luôn luôn không chán bỏ. Mười lăm là, mặc áo đại-giáp bạt-khổ (nhổ khổ): đem vô-ngại đại-bi, cứu-nhiếp hết thảy, không có hạn-lượng. Mười sáu là, mặc áo đại-giáp đại-hỷ (rất vui): đối với các chúng-sinh không oán-kết, luôn luôn làm việc lợi-ích. Mười bảy là, mặc áo đại-giáp đại-xả (bỏ hết): tuy làm hạnh khổ không sợ nhọc-mệt, luôn luôn không thoái-chuyển. Mười tám là, mặc áo đại-giáp bất-yếm (không chán): chúng-sinh có sự đau-khổ lại nơi Bồ-tát, Bồ-tát chịu thay khổ cho chúng-sinh kia mà không chán-ngán. Mười chín là, mặc áo đại-giáp giải-thoát năng-kiến: sự xem trông rõ-ràng như xem quả A-ma-lặc [11] trong bàn tay, như thế là giải-thoát được sự thấy (năng-kiến). Hai mươi là, mặc áo đại-giáp vô-trước (không chấp-trước): thấy thân ngũ-uẩn như bọn Chiên-đà-la (đồ-tể), tổn-hại việc thiện. Hai mươi mốt là, mặc áo đại-giáp yếm-xả (chán bỏ): thấy mười hai nhập (6 căn, 6 trần) như làng xóm trống, thường mang lòng sợ-hãi. Hai mươi hai là, mặc áo đại-giáp đại-trí: thấy mười tám giới (6 căn, 6 trần, 6 thức) cũng như huyễn-hóa, không có chân-thực. Hai mươi ba là, mặc áo đại-giáp chứng-chân (chứng lý chân-như): thấy hết thảy pháp, đồng trong pháp-giới, không thấy có mọi tướng sai-khác. Hai mươi bốn là, mặc áo đại-giáp xuất-thế: che điều ác của người, không dấu lỗi ác của mình, chán, bỏ ba cõi. Hai mươi lăm là, mặc áo đại-giáp hóa-độ: như đại-y-vương, hợp bệnh cho thuốc, Bồ-tát tùy-nghi mà diễn-hóa. Hai mươi sáu là, mặc áo đại-giáp quy nhất (về một): thấy chân-thể của Tam thừa kia vốn không khác, cứu-cánh đồng tâm quay về nơi một. (một chân-như pháp-giới, hay một Nhất-thừa Phật-quả). Hai mươi bảy là, mặc áo đại-giáp độ nhân (độ người): nối Tam-bảo-chủng, khiến không đoạn-tuyệt, quay xe diệu-pháp độ người. Hai mươi tám là, mặc áo đại-giáp tu-đạo: Phật đối với chúng-sinh có ân-đức lớn, vì muốn báo ơn Phật, cần tu Phật-đạo. Hai mươi chín là, mặc áo đại-giáp vô-cấu (không nhơ): quán bản-tính của hết thảy pháp không-tịch, không sinh, không diệt, không nhơ. Ba mươi là, mặc áo đại-giáp vô-ngại (không ngăn-ngại): ngộ Vô-sinh-nhẫn, được Đà-ra-ni, nhạo-thuyết biện-tài vô-ngại. Ba mươi mốt là, mặc áo đại-giáp, rộng hóa hữu-tình khiến họ được ngồi dưới cây Bồ-đề, chứng Phật-quả nhất-vị. Ba mươi hai là, mặc áo đại-giáp, trong một sát-na tâm tương-ứng với bát-nhã (Phật-trí), chứng-ngộ đại-pháp vô-dư trong ba đời. Thế gọi là ba mươi hai thứ Kim-cương đại-giáp của Đại-bồ-tát.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ! Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào thân mặc giáp-trụ kim-cương như thế, nên chăm tu-tập ba pháp bí-mật, trong đời hiện-tại đủ phúc-trí lớn, mau chứng được vô-thượng chính-đẳng Bồ-đề. [12]
Khi ấy, đại-thánh Văn-thù-sư-lỵ Bồ-tát ma-ha-tát cùng đại chúng nghe đức Phật nói về ba môn bí-mật tâm-địa diệu-pháp và ba mươi hai thứ kim-cương giáp-trụ, hết thảy Bồ-tát ở nơi cần học (hữu-học-địa), đều cổi những chuỗi ngọc, áo báu vô-giá, cúng-dàng lên Tỳ-lư-già-na Như-Lai cùng các Thế-Tôn trong mười phương mà tán-thán Phật rằng: "Lành thay, lành thay! Thế-Tôn diễn nói vô-biên hành-nguyện của Bồ-tát, đem lại lợi-ích an-lạc cho hết thảy chúng-sinh, bỏ thân phàm-phu, chứng-nhập Phật-địa. Nay chúng tôi ở trong hải-hội đại-chúng này, vì báo ơn Phật không tiếc thân-mệnh và vì các chúng-sinh xin vào khắp các quốc-độ, phân-biệt diễn nói pháp vi-diệu này cùng thụ-trì, đọc tụng, viết chép lưu-bá, khiến diệu-pháp này không đoạn-tuyệt. Kính xin Như-Lai xa xa rủ lòng hộ-niệm!"
Đại-hội nghe diệu-pháp ấy được lợi-ích lớn, vô số Bồ-tát không thể kể xiết đều chứng-ngộ được ngôi Bất-thoái và hết thảy Nhân, Thiên đều được thắng-lợi. Cho đến hết thảy hữu-tình trong năm thú, dứt bỏ được các trọng-chướng, được vô-lượng sự an-vui và đều sẽ được vô-thượng chính-đẳng chíng-giác. [13]

TOÁT-YẾU
XII.- PHẨM THÀNH PHẬT

Khi ấy đức Thế-Tôn an-trụ trong pháp giới thanh-tịnh, bình-đẳng, vô-thủy, vô chung. Ánh sáng đại-trí soi khắp, phương-tiện thiện-sảo biến-hiện thần-thông, hóa-độ mười phương, Ngài bảo Đại-bồ-tát Văn-thù: "Người tu-hành quán vành trăng rồi, nên quán 3 pháp đại-bí-mật:
1/ Tâm-bí-mật: quán mặt trăng tròn sinh 5 loại Kim-cương sắc vàng, phóng ra ánh sáng trắng lớn.
2/ Ngữ-bí-mật: miệng tụng thần-chú của Phật, Bồ-tát.
3/ Thân-bí-mật: ngồi ngay nghiêm, niệm chân-chính, tay kết "dẫn-đạo vô-thượng bồ-đề tối đệ nhất ấn", đặt giữa tâm-nguyệt-luân. Người tu-hành kết-ấn rồi, liền quán: "Trì-niệm chân-ngôn, chúng-sinh trong 10 phương thế-giới không bị quả khổ, tam đồ, bát nạn, mà được hưởng pháp lạc thanh-tịnh. Trên đầu ta có mũ đại-bảo, có 5 đức Phật ngồi kết gia-phu. Ta là Tỳ-lư-già-na Như-Lai đủ 32 tướng, 80 thứ tốt phóng hào-quang soi khắp mười phương đem lại lợi-ích cho chúng-sinh".
Đức Phật nói tiếp: "Nếu ai muốn tu được 3 diệu-môn bí-mật thành Phật, chóng được thân công-đức của Như-Lai nên mặc 32 thứ áo giáp đại-kim-cương của Bồ-tát mà tu diệu-quán ấy, thời quyết chứng được pháp-thân thanh-tịnh của Như-Lai. Và, nếu ai mặc áo giáp-trụ kim-cương, chăm tu 3 pháp bí-mật, hiện-tại đủ phúc-trí, mau chứng được vô-thượng bồ-đề".
Đại-bồ-tát Văn-thù, các Đại-bồ-tát khác cùng đại-chúng nghe đức Phật nói pháp ấy, đều cổi các chuỗi ngọc, áo báu cúng-dàng lên đức Phật Tỳ-lư-già-na cùng mười phương chư Phật rồi tán-thán và phát-nguyện: "Nguyện không tiếc thân-mệnh, vì chúng-sinh xin vào khắp quốc-độ nói pháp vi-diệu này và thụ-trì, đọc-tụng, viết chép lưu-bá để pháp này không đoạn-tuyệt".
Tới đây, vô-lượng Bồ-tát được ngôi Bất-thoái, Nhân, Thiên được thắng-lợi, chúng-sinh trong 5 thú khỏi trọng-chướng, được an-vui và sẽ được vô-thượng-giác.






CHÚ THÍCH

[1] Thành Phật: Nhân-vị Bồ-tát do tu muôn hạnh, rốt-ráo thành-tựu Phật-quả vô-thượng chính-đẳng chính-giác, gọi là "thành Phật". Thành Phật có 4 bậc: 1/ Tín-mãn thành Phật: Y vào sự quyết-định nơi chủng-tính (hạt giống sẵn có), tin các pháp không sinh-diệt, thanh-tịnh, bình-đẳng, không thể nguyện-cầu, đó là "Tín-mãn thành Phật". 2/ Giải-mãn thành Phật: Y vào nơi giải-hành (hiểu biết tu-hành), hiểu sâu về pháp-tính là không tạo-tác, không khởi ra tưởng sinh-tử, không khởi ra tưởng Niết-bàn, tâm không sợ-hãi, cũng không vui mừng, đó là "Giải-mãn thành Phật". 3/ Hành-mãn thành Phật: Y vào nơi cứu-cánh của Bồ-tát, trừ được hết thảy pháp-chướng vô-minh, nguyện-hành Bồ-đề đều đầy-đủ, đó là "Hành-mãn thành Phật". 4/ Chứng-mãn thành Phật: Y nơi tịnh-tâm, được pháp-trí tịch-tĩnh vô-phân-biệt và những công-đức thắng-diệu không thể nghĩ, bàn được, đó là "Chứng-mãn thành Phật".
[2] Đoạn trên, từ chỗ "Bấy giờ", đến chỗ "cùng khắp" trình bày về 3 thân của Phật: Từ chỗ "an-trụ" đến chữ "hết" nói về thể-dụng của Pháp-thân Phật. Pháp-thân Phật lấy pháp-giới-tính làm thân, pháp-giới-tính trong sạch, thường hằng, không phân-biệt. Câu "Ánh-sáng…" trình-bày về thể-dụng của Tự-thụ-dụng-thân Phật. Ánh-sáng trí-tuệ có được, do tu vô-lượng công-đức thành, thành rồi đem lại sự soi sáng cho tất cả, đó là viên-mãn Báo-thân Phật. Câu "Phương-tiện"…trình-bày về công-dụng của Tha-thụ-dụng-thân và Biến-hóa-thân. Phật vì giáo-hóa hàng Thập-địa, ứng-hiện Thụ-dụng-thân, độ các bậc Thánh khác và độ khắp chúng-sinh nên ứng-hiện ra Biến-hóa-thân.
[3] Du-già (Yoga): Có nghĩa là "tương-ứng" (ứng hợp nhau): nghĩa là người tu (quán) và pháp tu (quán) ứng-hợp nhau. Tương-ứng có 5 nghĩa: 1/ Cảnh tương-ứng: không trái với tự-tính của các pháp (sự-vật). 2/ Hành-tương-ứng: những công-hành về định, tuệ…ứng hợp nhau. 3/ Lý-tương-ứng: hợp với hai lẽ thực (đế-lý) của sự an-lập hay phi-an-lập. 4/ Quả-tương-ứng: chứng được quả vô-thượng bồ-đề. 5/ Cơ-tương-ứng: chứng quả viên-mãn rồi, làm việc lợi-sinh, cứu vật, ứng-hợp căn-cơ chúng-sinh mà cho thuốc. Theo chỗ tu, Duy-thức hay dùng "Lý-tương-ứng", Mật-tôn thời dùng "Hành-tương-ứng". Ngay câu "Du-già" trong chính-văn này cũng thuộc về "Hành-tương-ứng". Hành-tương-ứng lấy tam-mật (3 pháp bí-mật: thân, khẩu, ý-mật) làm phương-châm.
[4] Ngũ cổ kim-cương: Còn gọi là "Ngũ trí kim-cương-chữ" nghĩa là cái chầy kim-cương có đầy-đủ diệu-lực của 5 trí, thành 5 đức Phật: 1/ Pháp-giới thể-tính-trí thành Đại-Nhật Như-Lai. 2/ Đại-viên-kính-trí thành A-xúc Như-Lai. 3/ Bình-đẳng-tính-trí thành Bảo-sinh Như-Lai. 4/ Diệu-quán-sát-trí thành Vô-lượng-thọ Như-Lai. 5/ Thành-sở-tác-trí thành Bất-không thành-tựu Như-Lai. Chữ "cổ" đây có nghĩa là chi, là loại. "Ngũ cổ kim-cương", tức là 5 loại (hay 5 trí) kim-cương ở trên.
[5] Dẫn đạo…: Biểu-thị phương-pháp dắt-dẫn Bồ-tát tới chỗ thành Phật.
[6] Năng-diệt….Ý nói: dẫn-dắt Bồ-tát tới Bồ-đề, tức là đạt tới trí-tuệ viên-minh, do trí-tuệ này phá-diệt tận cùng những vô-minh si-ám.
[7] Đoạn trên, từ chỗ "Khi ấy", đến chỗ "trí-ấn", đức Phật dạy người tu-hành cần phải thực hành tam-mật là tâm-bí-mật, ngữ-bí-mật và thân-bí-mật. Tâm-bí-mật quán-tưởng, ngữ-bí-mật đọc chú, thân-bí-mật kết-ấn. Thực hành được thế, được chư Phật mười phương ghi nhận là quyết-định thành Phật. Thành Phật tức là được đầy đủ phúc-đức và trí-tuệ, thể-nhập tất cả và soi sáng tất cả như Tỳ-lư-già-na Phật (Tỳ-lư-già-na có nghĩa là cùng khắp tất cả).
[8] Đoạn trên, từ chỗ "Khi hành-giả", đến chỗ "tam-muội", quán tự-thân là Phật, đem lại lợi-ích cho chúng-sinh.
[9] Đoạn trên, từ chỗ "Ví như", đến chỗ "chính-giác", ví-dụ cho diệu-pháp thù-thắng. Quán-môn Ca-lâu-la (chim Kim-sí) của thế-gian làm tiêu-tan thuốc độc, thì diệu-quán này cũng như gươm trí-tuệ kim-cương đoạn diệt hết thảy tội-chướng phiền-não, thành vô-thượng-giác.
[10] Đoạn trên, từ chỗ "Lúc đó", đến chỗ "Bồ-đề", Bồ-tát Văn-thù tán-thán pháp-môn Phật nói và khuyên chúng-sinh thực-hành.
[11] A-ma-lặc (Amala): Tên một thứ quả của Ấn-độ, Tàu dịch là "Vô-cấu thanh-tịnh".
[12] Đoạn trên, từ chỗ "Bấy giờ", đến chỗ "Bồ-đề", đức Phật dạy người tu-hành muốn tâm, ngữ, thân chóng thành-tựu, cần thực-hành 32 pháp. 32 pháp ấy coi như mặc 32 áo giáp kim-cương, hy-sinh cương-quyết chiến-đấu với tất cả phiền-não, để mình và chúng-sinh chóng đạt tới chỗ chứng-ngộ trí-tuệ cứu-cánh vô-dư của chư Phật trong ba đời.
[13] Đoạn trên, từ chỗ "Khi ấy", đến chỗ "chính-giác", đại-chúng nghe Phật nói xong pháp-môn này, ai nấy đều vui mừng đem những đồ trân-bảo cúng-dàng lên chư Phật mười phương. Và, tán-thán, phát-nguyện: "phân-thân truyền-bá pháp-môn này." Trong đại-hội được nhiều lợi-ích lớn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]