Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Phật ra đời, như mặt trời chói sáng

16/05/202218:17(Xem: 3246)
Đức Phật ra đời, như mặt trời chói sáng

le phat dan-2022-tv quang duc (5)

Đức Phật ra đời, như mặt trời chói sáng

Nguyên Giác

 

Nếu không có mặt trời, chúng ta sẽ chìm trong bóng đêm, không thể nhìn thấy gì nữa. Thế giới đã có sẵn trước mắt, nhưng chỉ khi ánh mặt trời bừng chiếu, chúng ta mới thấy trọn vẹn trước mắt. Tương tự, nếu Đức Phật không xuất hiện trong đời này, chúng ta sẽ chìm trong tà kiến, không biết tới khi nào mới nhìn thấy Pháp để tìm ra lối giải thoát. Do vậy, ngày Phật Đản cũng là ngày một thế giới giải thoát trọn vẹn được hiển lộ trước mắt cho chúng sinh trong cõi này.

So sánh Đức Phật như ánh mặt trời là từ sách Luận Đại Trí Độ của Bồ Tát Long Thọ. Bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Thiện Siêu (1921-2001), trong Tập 1, Chương 7, bản do Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành năm 1997 giải thích về ý nghĩa Đức Phật ra đời: “…người tuy có phước đức, trí tuệ, nhưng nếu Phật không ra đời, thì chỉ thọ báo trong thế gian mà không thể đắc đạo. Nếu gặp Phật ra đời mới có thể đắc đạo, ấy là một lợi ích lớn. Ví như người có mắt, lúc không có mặt trời, thì không thể trông thấy được, cần phải có ánh sáng mặt trời, mới trông thấy được, nên không được nói: “Ta có mắt, cần gì mặt trời”…”

Do vậy, khi ánh sáng mặt trời chói rạng, là lúc chúng ta phải bước đi trên đường giải thoát được hiển lộ ra, không phải để thuần túy vui chơi. Chính ngay trong những Kinh nói về những điều hy hữu, trong nhóm Kinh vị tằng hữu, Đức Phật cũng nhấn mạnh và khuyến tấn về pháp tu. Truyền thống chúng ta mừng Lễ Phật Đản thường nhắc cho nhau về các sự tích phi thường để tăng tín tâm và mời nhau cầu nguyện, đôi khi lại quên nói về lời Đức Phật dạy pháp tu sau khi kể các hiện tượng rấr mực bất khả tư nghì.

Như trường hợp trong Trung Bộ, Kinh MN 123, còn gọi là “Kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp” Ngài A Nan nói tuần tự các hiện tượng phi thường khi Đức Phật ra đời, mỗi lần bắt đầu kể một chuyện phi thường là nói câu “Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn” và khi kể xong là nói câu “con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn.” Thọ trì tức là ghi nhớ, tin nhận, giữ mãi trong lòng, không quên. Kinh MN 123 ghi rằng Ngài A Nan nói 19 lần như thế. Tuy nhiên, Đức Phật cuối Kinh lại nhấn mạnh về pháp tu.

Kinh MN 123, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu (1918–2012), trích vài đoạn như sau:

"Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Bồ-tát khi sanh ra, này Ānanda, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che lên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lên tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa”. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn."…(…)

“Do vậy, này Ānanda, hãy thọ trì sự việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Như Lai. Ở đây, này Ānanda, các cảm thọ khởi lên nơi Thế Tôn được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại; các tưởng được biết đến; các tầm khởi lên được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại. Này Ānanda, hãy thọ trì việc này là một hy hữu, một vị tằng hữu của Như Lai.” (ngưng trích)

Nghĩa là, trong khi Ngài A Nan liên tục gọi các hiện tượng vượt ngoài các định luật vật lý (như Đức Phật mới sinh đã bước đi 7 bước, và nói một câu…) là hy hữu, Đức Phật đã kéo Ngài A Nan về đúng chỗ phải tu: phải liên tục thấy cảm thọ sinh, trụ, dị, diệt, tương tự thấy như thế với tưởng và tầm (niệm). Trong Kinh này, Đức Phật nhấn mạnh về quan sát 3 đối tượng nơi thân tâm (thọ, tưởng, tầm). Cả hai bản Anh dịch của Sujato và Thanissaro đều dịch ba chữ này là: thọ (feelings), tưởng (perceptions), niệm (thoughts). Ngắn gọn, có thể gọi chung là các hiện tượng sinh diệt trong tâm. Tức là, liên tục thấy tâm.

Kinh tương đương bên Tạng A Hàm là Kinh MA 32, kể rằng Đức Phật mới sinh bước đi 7 bước, nhưng không kể chuyện chỉ tay lên trời và nói. Thêm nữa, Kinh này ghi lời Ngài A Nan kể rằng Đức Phật liên tục bảy năm suy niệm về thân không gián đoạn, và yêu cầu chư Tăng thọ trì như thế. Nghĩa là, Kinh MA 32 là lời dạy rằng phải liên tục quán sát thân và tâm không gián đoạn, và như thế mới là hy hữu, là vị tằng hữu tối thắng. Bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, trích như sau:

Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, liền đi bảy bước không khiếp sợ, không kinh hãi, quan sát các phương. Nếu Thế Tôn vừa mới sanh ra, liền đi bảy bước không khiếp sợ, không kinh hãi, quan sát các phương; thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu này của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng Đức Thế Tôn, trong suốt bảy năm suy niệm về thân, luôn luôn suy niệm không gián đoạn. Nếu Đức Thế Tôn trong suốt bảy năm suy niệm về thân, luôn luôn không gián đoạn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng: “Này A-nan, ngươi hãy nghe Như Lai nói mà thọ trì thêm pháp vị tằng hữu này nữa. Này A-nan, Như Lai biết thọ sanh, biết trụ, biết diệt, luôn luôn biết, chẳng có lúc nào chẳng biết. Này A-nan, Như Lai biết tư và tưởng sanh, biết trụ, biết diệt, luôn luôn biết. Không lúc không biết. Cho nên, này A-nan hãy nên từ nơi Như Lai mà thọ trì thêm pháp vị tằng hữu này.” (ngưng trích)

Hơn hai thiên niên kỷ sau, các bậc long tượng đã nhận được ý chỉ của Đức Phật, nên khi viết sách hoằng pháp đã giảm yếu tố siêu nhiên để tập trung nhấn mạnh về pháp giải thoát.

Trong sách “Đức Phật Lịch Sử” – bản Việt dịch của GS Nguyên Tâm Trần Phương Lan dựa vào bản tiếng Đức của ngài H.W. Schumann và bản Anh dịch của ngài M.O'C. Walshe, đã xóa các chi tiết siêu nhiên hy hữu, chuyện y hệt như ở một làng quê Việt Nam, trích:

“...hoàng hậu Màyà đã bốn mươi tuổi, ngay trước thời kỳ lâm sản đã lên đường trở về quê song thân ở Devadaha để sinh con và nhờ mẫu thân Yasodharà bảo dưỡng. Cuộc hành trình bằng xe ngựa hay xe bò cọc cạch lắc lư trên những con đường đất bụi nóng bức khiến cho việc lâm sản xảy ra sớm trước khi về đến Devadaha. Gần làng Lumbini (Lâm-tỳ-ni, nay là Rumindai) giữa trời không có nhà cửa che chở, chỉ có được tàng cây sàla (tên khoa học Shorea Robusta) và cũng không có thầy thuốc nào lo việc hộ sản, hoàng tử ấu nhi Siddhattha sinh ra đời khoảng tháng năm, năm 563 trước CN.” (ngưng trích)

Tương tự, trong sách “Đường Xưa Mây Trắng” Thầy Nhất Hạnh (1926-2022) soạn, nơi quyền 1, phần 2, chương 6, cũng không ghi lại các hiện tượng phi thường của Đản Sanh, trích:

“…Tục lệ của nước bà là người con gái có chồng phải về sinh con tại nhà cha mẹ. Trên đường đi, bà đã ghé vào nghỉ tại vườn Lumbini. Trong vườn muôn hoa đang nở rộ, chim chóc đang ca hát vang lừng. Những con công xòe đuôi rực rỡ trong nắng mai. Thấy một cây Vô ưu hoa nở rực đầy cành, bà bước tới. Khi tới gần cây này, bà thấy hơi lảo đảo. Bà vội đưa tay nắm chặt một cành cây vô ưu. Một giây sau đó, bà sinh em bé. Thái tử Siddhatta được các thị nữ nâng lên và bọc lại trong một tấm khăn choàng bằng lụa màu vàng. Các thị nữ biết rằng chuyến đi Ramagama không cần thiết nữa cho nên dìu hoàng hậu ra xe bốn ngựa đi trở về Kapilavatthu. Thái tử được đem tắm bằng nước ấm rồi được đặt lên giường bên cạnh hoàng hậu…” (ngưng trích)

Trong sách “Đức Phật và Phật Pháp” của Đại Đức Narada Maha Thera (1898–1983), qua bản Việt dịch của ngài Phạm Kim Khánh, cũng không có hiện tượng siêu nhiên nào trong việc đản sanh, trích:

Nhằm ngày trăng tròn tháng năm, năm 623 trước D.L., trong vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) tại Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) bên ranh giới Ấn Độ của xứ Nepal ngày nay, có hạ sanh một hoàng tử mà về sau trở thành vị giáo chủ vĩ đại nhất trên thế gian. Cha hoàng tử là Đức Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) thuộc quý tộc Sakya (Thích Ca) và mẹ là Hoàng Hậu Maha Maya (Ma Da). Sau khi hạ sanh hoàng tử được bảy ngày thì hoàng hậu thăng hà. Em bà là Maha Pajapati Gotami, cũng cùng kết duyên với Vua Tịnh Phạn, thay thế bà để dưỡng dục hoàng tử và gởi con là Nanda cho một bà vú nuôi chăm sóc.” (ngưng trích)

Sách “Phật Học Phổ Thông” của HT Thích Thiện Hoa (1918 – 1973), trong ấn bản Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành 1997, trong Khóa Thứ Nhất: Nhân Thừa Phật Giáo, Bài Thứ 2 cũng viết đơn giản, trích:

Đến sáng ngày mồng tám tháng tư âm lịch (trước Tây lịch 624 năm), tại vườn Lâm Tỳ Ni, cách thành Ca Tỳ La Vệ 15 cây số, Hoàng hậu Ma Da đang ngoạn cảnh, trông thấy cành hoa Vô Ưu mới nở, thơm ngát, bà đưa tay phải với hái, thì Thái Tử cũng vừa xuất hiện ngay đấy. Ngày đản sanh Thái Tử, trong thành Ca Tỳ La Vệ, cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cỏ đều đơm hoa trổ trái; sông, ngòi, mương, giếng nước đều trong đầy; trên hư không chim chóc và hào quang chiếu sáng cả mười phương. Vua Tịnh Phạn vui mừng khôn siết mời các vị tiên tri đến xem tướng Thái Tử.” (ngưng trích)

Tương tự, sách “Phật Học Cơ Bản” của Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nơi Tập 1, Phần 1, Bài 3, ghi cũng rất đơn giản, trích:

Đến thời khai hoa nở nhụy, theo tục lệ thời bấy giờ, Hoàng hậu phải trở về quê cha là trưởng giả Anjana ở nước Koly (Câu Ly) để an dưỡng, chờ ngày lâm bồn. Trên quãng đường đi, Hoàng hậu Màyà vào vườn Lumbini thưởng ngoạn mùa hoa đang đua nở. Bên tàng cây asoka (vô ưu) che rợp mát, sắc màu tươi sáng, hương thoảng nhẹ bay, Hoàng hậu đã hạ sanh Thái tử. Tin lành Thái tử chào đời nhanh chóng được loan truyền trong dân chúng.” (ngưng trích)

Tại sao quý ngài khi viết sách đã cắt bỏ các chi tiết truyện cổ tích ly kỳ hấp dẫn như thế? Kinh SN 12.20, bản dịch của Thầy Minh Châu ghi như lời Đức Phật giải thích, nhấn mạnh vào lý duyên khởi, nghĩa là phải thấy thực tướng vô ngã:

Do vì, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ lý duyên khởi này và các pháp duyên sanh này, nên chắc chắn vị ấy không chạy theo quá khứ (với những câu hỏi): “Ta có mặt trong quá khứ? Ta không có mặt không quá khứ? Ta là gì trong quá khứ? Ta có mặt như thế nào trong quá khứ? Hay trước ta đã là gì, và nay trong quá khứ ta là gì?”…”(ngưng trích)

Đối với Thiền Tông, các hiện tượng siêu nhiên cũng được giản lược, có khi bỏ quên, để Đại Lễ Phật Đản trở thành một câu hỏi đơn giản: “Thế nào là mẹ của chư Phật?” Nghĩa là, pháp nào là mẹ của giác ngộ. Trong “Lâm Tế Ngữ Lục” của ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867), bản Việt dịch của Thầy Thích Duy Lực (1923-2000), trích:

Chỉ có Đạo nhân vô y (tự tánh) đang nghe pháp, là mẹ của chư Phật, bởi vì chư Phật đều từ vô y sanh. Nếu ngộ được hai chữ vô y (không chỗ nương), Phật cũng vô đắc. Nếu thấy được như thế, tức là kiến giải chân chính… Các ngươi, nếu muốn đi ở tự do trong sanh tử, thì phải nhận thức người đang nghe pháp đây, vốn là vô hình, vô tướng, vô căn, vô bản, không trụ xứ, mà hoạt bát rõ ràng, ứng dụng muôn thứ, chỗ dùng chỉ là không chỗ (vô sở trụ)... Nếu niệm đã khởi chớ nên tiếp tục, nếu niệm chưa khởi đừng cho sanh khởi. Làm được như thế thì hơn đi hành cước mười năm. Đừng để bất cứ nội ngoại vật nào trói buộc…” (ngưng trích)


Đó cũng là ý chỉ của ngài Bồ Đề Đạt Ma trong Thiếu Thất Lục Môn: Bên ngoài dứt bặt muôn duyên, bên trong không còn tư lường tăm hơi manh mối gì, tâm y hệt như tường vách, mới có thể vào đạo (Ngoại tức chư duyên, Nội tâm vô đoan, Tâm như tường bích, Khả dĩ nhập đạo).

Như thế, khi đọc kỹ hai Kinh Vị Tằng Hữu, chúng ta thấy Đức Phật nhấn mạnh rằng chính liên tục nhìn thấy quán sát tâm (Kinh MN 123), liên tục quán sát thân và tâm (Kinh MA 23) mới thực sự là thông điệp đản sanh, là chiếu tia sáng mặt trời để thấy Tâm Giải Thoát hiển lộ. Và nơi Tâm Giải Thoát đó, theo Thiền Tông, chính là tâm không dựa vào đâu, tâm không trụ vào đâu, tâm lặng lẽ tỉnh thức lìa trói buộc, mới chính là khi Đức Phật ra đời. Đó mới thực sự là Hoa Đàm Ngát Hương.


THAM KHẢO:

Kinh MN 123: https://suttacentral.net/mn123/vi/minh_chau

Kinh MA 32: https://suttacentral.net/ma32/vi/tue_sy

Kinh SN 12:20: https://suttacentral.net/sn12.20/vi/minh_chau



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/04/2022(Xem: 3041)
Bản Tin Khánh Anh (tháng 4-2022)
25/03/2022(Xem: 2575)
Mỗi tháng tư mỗi lòng một đóa Nở sen hồng duy ngã phương phi
25/03/2022(Xem: 2517)
Khi những chùm hoa phượng vĩ nở rực màu đỏ giữa nắng vàng; những hoa sen đầu mùa bung cánh mơn mỡn phớt hồng nhè nhẹ tỏa hương , mùi hương thoang thoảng thơm ngát tận vào tim ta, vào hồn người; màu vàng hươm rơm rạ khô khốc thôi không còn phơi phong trên đường cái quan, đã chất thành đụn rơm, cây rơm ở đầu hè, ở cuối sân trông thật mát mắt, trời tháng tư ngút ngát màu xanh thanh bình … Thế là đã Tháng Tư, mùa Phật đản đã về trên khắp mọi nẻo đường quê hương đất nước. Từ nông thôn đến thành thị, từ non cao ra tới biển sâu. Từ hôm nay cho đến ngàn sau…
25/03/2022(Xem: 3698)
Hôm nay đệ tử chúng con Kính mừng Khánh Đản vẹn tròn tư lương Cúi đầu đãnh lễ mười phương BA NGÔI BÁU hiện chân thường nguy nga.
09/03/2022(Xem: 8105)
Gần 6 năm nay từ khi hiểu được phần nào Giáo pháp của Đức Thế Tôn qua sự giáo truyền của những bậc danh tăng VN thời hiện đại của thế kỷ 20 và 21 con vẫn thầm khấn nguyện vào những ngày đại lễ của Đức Phật và các vị Bồ Tát sẽ dùng những lời thơ, bài viết ngắn diễn tả được niềm tịnh tín bất động của con hầu có thể cúng dường đến quý Ngài. Phải nói thật bất tư nghì ...không biết nhờ Chư Thiên Hộ Pháp hộ trì chăng mà con đã được các bậc hiền trí giúp đỡ một cách thuận duyên trong những năm sau này.
27/06/2021(Xem: 8550)
Pháp Học và Pháp Hành Khi đề cập đến những người tu trong Phật Giáo, thì chúng ta thấy có phân ra hai khuynh hướng tu học, một số vị thì nghiêng về pháp học, còn số vị khác lại chuyên về pháp hành. Vậy pháp học là gì ? Là cả đời tu chỉ chuyên về việc nghiên cứu, học tập kinh điển, xem các luận bản... để biết được hết Tam tạng kinh điển ( Kinh, Luật, Luận ), nhiều vị còn phiên dịch kinh điển, hay viết ra nhiều bộ luận dựa trên kiến thức, sự hiểu biết đã tích lũy. Nhưng tâm thật sự chứng ngộ, hay đạt đạo thì có thể chưa, chỉ hiểu, chứ chưa thực chứng. ( Còn số vị mà chuyên về pháp học nhưng tâm đã giác ngộ thì rất hiếm có, thời nay càng vô cùng hiếm ).
26/06/2021(Xem: 11720)
1/ Tôn Giả Xá-lợi-phất: Trí huệ đệ nhất Trí tuệ cao minh vi đệ nhất Tăng đoàn thống lãnh trợ Từ Tôn Kỳ Viên Tinh Xá thân lâm kiến Đạo nghiệp truyền lưu chiếu ánh quang. Trí tuệ sáng ngời là số một Tăng đoàn thống lãnh giúp Từ Tôn Kỳ Viên Tinh Xá đích thân dựng Đạo nghiệp lưu truyền rạng ánh quang Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Trí Tuệ Đệ Nhất Xá Lợi Phất Tôn Giả 2/ Tôn Giả Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất Thần thông đệ nhất chúng xưng dương Thống lãnh tăng đoàn trợ Pháp Vương Hiếu kính mẫu thân khai diệu pháp Vu Lan báo hiếu vĩnh lưu hương. Thần thông số một chúng xưng dương Thống lãnh tăng đoàn trợ Pháp Vương Hiếu kính mẫu thân khơi pháp diệu Vu Lan báo hiếu mãi lưu hương. Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Thần Thông Đệ Nhất Mục Kiền Liên Tôn Giả
10/06/2021(Xem: 4083)
Đã gần hai năm trời, dịch cúp Vũ Hán vẫn chưa dứt sạch, giết chết bao người và hầu như làm tê liệt mọi sinh hoạt trong cuộc sống, ai nấy đều nản lòng, tuy nhiên, là con Phật không ai có thể quên ngày Đản Sanh của Ngài dù đang mùa cách ly giản cách xã hội. Các chùa từ lớn, nhỏ cũng cố gắng thực hiện một buổi lễ để tưởng nhớ Đấng Từ Phụ. Có chùa chỉ tổ chức trong nội bộ, có chùa mạnh dạn mời Phật tử tham dự nhưng theo chỉ thị của chính quyền sở tại tổ chức với số người theo qui định và những điều kiện đề ra. Có chùa phát động thi cắm hoa trang trí bàn Phật tại nhà, một ý tưởng thật hay để nhắc nhớ người con Phật dù không đến chùa trong mùa dịch, những cánh hoa tỉ mỉ tẩn mẩn cắm vào lọ, vào bình để thi chính là lúc tưởng nghĩ đến Phật, nhất là trong mùa Phật Đản.
06/06/2021(Xem: 3745)
Vào sáng ngày 30 tháng 5 năm 2012 (ngày 19 tháng 4 năm Tân Sửu), chùa Việt Nam - ngôi chùa lịch sử do Hòa thượng Thích Thiên Ân sáng lập vào năm 1975, là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở Hoa Kỳ - tọa lạc tại số 857-871 S. Berendo Street, thành phố Los Angeles, tiểu bang California đã long trọng cử hành Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2565. Quang lâm Chứng minh Đại lễ có Hòa thượng Thích Như Minh, Viện chủ chùa Việt Nam, chư Tăng chùa Việt Nam và chư Tăng thiền viện Phật giáo Quốc tế (International Buddhist Meditation Center). Đông đảo Phật tử, thiện tri thức, Gia đình Phật tử Long Hoa, Hội Ái hữu Viện Đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn), nhạc sĩ, ca sĩ … ở nhiều thành phố hai miền Nam - Bắc tiểu bang California đã về chùa dự lễ. Đặc biệt có sự tham dự của Huynh trưởng Nguyên Tịnh Trần Tư Tín, Cố vấn và chỉ đạo Trung ương Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ; Huynh trưởng Thiện Tánh Lý Văn Hùng, Liên Đoàn Trưởng Gia đình Phật tử Long Hoa chùa Việt Nam. Chương trình buổi lễ như sau: Thỉnh chuông
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]